Ứng Dụng Bản Đồ Tư Duy
PHẦN 1: Hiểu biết về bộ não và sự sáng tạo CHƯƠNG 1: Khả năng tiềm ẩn của trí tuệ
Năng lực lên tiếng đòi phải được sử dụng và chỉ thôi la hét khi đã được sử dụng hiệu quả.
–A. H. Maslow
Khi bóng tối dần bao trùm công ty, một giọng u ám bắt đầu lời giới thiệu bằng câu:
“Vũ trụ… biên giới cuối cùng.”
Còn một thứ biên giới khác rộng lớn hơn chưa hề được khám phá – thứ biên giới còn gần gũi hơn tổ ấm… trí tuệ của chính chúng ta. Bề dài rộng của biên giới này cũng khiến ta choáng ngợp như quy mô của vũ trụ. Bên trong bộ não màu xám với các nếp nhăn, nặng chừng 1,4 kg, là 10 đến 15 tỷ tế bào thần kinh có khả năng thiết lập 10.800 liên kết! Chúng ta chưa thể lĩnh hội được khả năng đó – nó lớn quá mức chúng ta có thể hình dung. Trong cuốn The Brain(Bộ não), Tiến sĩ y khoa Richard Restak khẳng định: “Bộ não con người có thể lưu trữ một lượng thông tin lớn hơn tất cả các thư viện trên toàn thế giới.” Judith Hooper và Dick Teresi trong cuốn The Three-Pound Universe (Vũ trụ nặng ba pound) đã so sánh bộ não với vũ trụ. Họ nhấn mạnh: “Thực tế, đó là một vũ trụ đã được biết đến. Mọi thứ mà ta biết (từ các hạt nhỏ hơn nguyên tử cho tới các dải ngân hà xa xôi), mọi thứ mà ta cảm nhận(từ tình yêu con trẻ cho tới nỗi sợ chiến tranh), được trải nghiệm và hình thành nên các khuôn mẫu trong não bộ của chúng ta. Nếu không có bộ não thì không một thứ gì (từ thạch anh, hố đen, tình yêu cho đến sự căm ghét…) có thể tồn tại trong chúng ta.”
Rất nhiều nhà tư tưởng vĩ đại, như nhà triết học Hy Lạp Aristotle, tin rằng trí óc được đặt trong bụng hay trong tim mỗi người. Còn nhà triết học Plato đặt trí tuệ trong bộ não… nhưng chỉ vì hình dạng của bộ não mà thôi. Phần lớn tri thức về bộ não được phát hiện trong hai mươi năm trở lại đây và mới chỉ bắt đầu khơi dậy ý thức về sự phức tạp đáng ngạc nhiên của bộ não.
Chúng ta thường xuyên so sánh bộ não người với máy tính: dữ liệu đầu vào, xử lý dữ liệu thông qua bộ xử lý trung tâm và dữ liệu đầu ra. Máy tính là mô hình xử lý dữ liệu logic theo đơn vị bit (đơn vị cơ bản của thông tin theo hệ thống số nhị phân). Khi cấu hình máy tính ngày càng cao, bộ não dường như trở nên mờ nhạt trước sức mạnh và tốc độ nhanh như chớp của máy tính. Hình1 so sánh bộ não và máy tính.
Hình 1: So sánh máy tính và bộ não
Nhận dạng mẫu
Tuy nhiên, khi tri thức về cả bộ não và máy tính tăng lên, các nhà khoa học nhận ra rằng máy tính không thể lớn hơn và tốt hơn não. Có những điều mà bộ não có thể làm được nhưng máy tính thì không. Ví dụ, nếu bạn đến tham dự buổi họp mặt cấp ba sau 20 năm và vô tình va vào Harry, giờ đây bị hói đầu và tăng thêm 13 kg so với lần gặp trước, thì bạn vẫn có thể nhận ra anh chàng đó. Nhưng máy tính thì không. Bạn nhận ra Harry là dựa trên nhận dạng mẫu. Chỉ cần nghe ba hoặc bốn nốt nhạc đầu tiên của một bài hát là ngay lập tức bạn nhận ra nó. Điều đó được gọi là hoàn thiện mẫu. Bạn có thể dễ dàng làm được điều đó, còn máy tính thì gặp rất nhiều khó khăn. Nếu nhìn thấy một từ viết sai, bạn vẫn hiểu nghĩa của nó. Điều đó được gọi là sửa chữa mẫu và một lần nữa, máy tính hoàn toàn bất lực.
Robert Heinlein trong tác phẩm Stranger in a Strange Land (Người lạ trên đất lạ) đã sử dụng thuật ngữ “thấu hiểu”. Thấu hiểu có nghĩa là hiểu hoàn toàn ngay một lúc. Khi một thứ gì đó được “thấu hiểu”, mẫu của nó được hiểu một cách hoàn toàn như một cấu trúc hình thức. Cho tới nay, máy tính vẫn chưa có khả năng này.
Ví dụ về sự mơ hồ khi nhận dạng mẫu
Bộ não hoàn toàn có khả năng hiểu được sự mơ hồ. Bạn thấy gì trong bức tranh Thinking visually(Tư duy thị giác) của Robert H. McKim? Phần lớn mọi người đều nhìn thấy hai mẫu – một con vịt và một con thỏ. Trí óc nhận được đầy đủ thông tin để hoàn thiện hai mẫu này và có thể thay đổi qua lại giữa hai cách nhận diện bức tranh cho đến khi quyết định sử dụng mẫu nào.
Trí óc tựa như đĩa thạch
Edward de Bono, tác giả của nhiều cuốn sách về trí tuệ và quá trình tư duy, đã sử dụng phép loại suy để mô tả chính xác cách thức hoạt động của quá trình nhận dạng mẫu và cho ra đời một ý tưởng sáng tạo.
De Bono so sánh trí óc với một đĩa thạch đã đông lại tới mức bề mặt hoàn toàn nhẵn. Khi đi vào trí óc, thông tin sẽ tự tổ chức. Cũng giống như khi đổ nước ấm vào đĩa thạch. Nước ấm thấm dần vào thạch. Sau nhiều lần lặp lại quá trình này, bề mặt đĩa thạch sẽ có các rãnh và vệt lõm. Những phần nước mới (thông tin) sẽ tự động chảy theo các rãnh đã có sẵn. Sau đó, chỉ cần có một chút thông tin (nước) là có thể kích hoạt toàn bộ lối mòn này. Đây chính là quá trình nhận dạng và hoàn thiện mẫu. Khi đi vào trí óc, thông tin sẽ rơi vào một ”rãnh”, một mẫu. Ngay cả khi phần lớn thông tin nằm ngoài rãnh thì mẫu vẫn được kích hoạt. Trí óc sẽ tự động “sửa chữa” và “hoàn thiện” thông tin để lựa chọn và kích hoạt mẫu.
Sự sáng tạo diễn ra khi chúng ta nghiêng đĩa thạch khiến cho một chút nước (thông tin) phải chảy vào các rãnh mới và tạo ra các liên kết mới. Quá trình sáng tạo sẽ được trình bày kỹ hơn trong chương tiếp theo.
Một bộ não hay là hai?
Vào đầu những năm 1960, chuyên gia tâm lý học thực nghiệm thuộc Học viện Công nghệ California Roger Sperry đã tiến hành nhiều thí nghiệm quan trọng trên những người mắc chứng động kinh. Giả thuyết rằng những cơn co giật của họ là do các xung điện chạy giữa hai bán cầu não, Sperry đã tách mạch nối hai bán cầu não. Ở khía cạnh nào đó, giải phẫu thành công vì các cơn co giật đã biến mất và bệnh nhân thực hiện chức năng bình thường.
Các thí nghiệm của Sperry để lại một số di chứng bất thường sau phẫu thuật, nhưng lại chứng minh được tầm quan trọng của mối liên hệ và tính chuyên môn hóa giữa hai bán cầu não. Sperry và cộng sự, Michael S. Gazzaniga, người sau này giành giải Nobel nhờ những công trình nghiên cứu phân tách não, cùng làm một thí nghiệm. Khi chiếu hình ảnh một quả táo sao cho chỉ lọt vào trường thị giác của mắt phải (thuộc chức năng của bán cầu não trái), bệnh nhân ngay lập tức có thể nhận ra và nói được tên loại quả đó. Tuy nhiên thí nghiệm không thu được kết quả tương tự với vùng thị giác của mắt trái (thuộc chức năng của bán cầu não phải). Các nghiên cứu chỉ ra rằng bán cầu não phải không có kỹ năng ngôn ngữ cần thiết để nhận ra các biểu tượng (từ ngữ) của quả táo. Tuy nhiên, khi được yêu cầu tìm lại vật đã đưa ra thì tay trái của bệnh nhân (do bán cầu não phải điều khiển) có thể nhặt ra quả táo. Não phải có khả năng nhận dạng đồ vật nhưng không thể tạo ra từ để gọi tên vật đó.
Dần dần, sự chuyên môn hóa của mỗi bán cầu được xác định có các nét tiêu biểu sau:
Não trái – Ngôn ngữ, logic, số, trình tự, đi sâu vào chi tiết, tuyến tính, biểu tượng và bình giá.
Não phải – Hình ảnh, nhịp điệu, âm nhạc, sự tưởng tượng, màu sắc, xem xét tổng thể, khuôn mẫu, cảm xúc và không phán đoán.
Các nghiên cứu phân tách não cho thấy một phần bộ não bị ẩn khuất, phần nhận dạng mẫu, có khả năng phản ứng với âm nhạc, nhịp điệu và cảm xúc, chủ yếu liên quan đến thị giác và tưởng tượng. Những tính chất này của bộ não được gọi là đặc tính “não phải”.
Trong những năm gần đây, thuật ngữ “não phải” trở thành cách gọi thông dụng để chỉ tính sáng tạo, tính nghệ thuật và “tinh xảo”, đối lập với sự tẻ nhạt, tính phân tích và phản ứng chậm của “não trái”. Tuy nhiên, thuật ngữ này lại thường bị hiểu sai ý nghĩa. Thực tế, đúng là bộ não có hai bán cầu, mỗi bên có một chức năng chuyên biệt, nhưng “có bán cầu não phải phát triển” cũng không xấu hơn hay tốt hơn so với “có bán cầu não trái phát triển”. “Não phải” hay “não trái” chỉ đơn giản là cách gọi tắt (hay ẩn dụ) để chỉ những khả năng mà bán cầu não tương ứng có thể đảm nhiệm. Cả hai hệ thống đặc tính này đều quan trọng đối với quá trình tư duy. Sự sáng tạo nảy sinh từ sự tương tác khác thường giữa hai bán cầu não chứ không phải là sản phẩm của riêng bán cầu não phải.
Các đặc tính của bán cầu não
Các đặc tính của não phải được nhấn mạnh nhằm cải thiện hệ thống giáo dục của chúng ta vốn chỉ chú trọng vào các đặc tính của não trái như trí nhớ, kỹ năng ngôn ngữ, số học, tư duy logic và trình tự. Chúng ta luôn được học cách tìm và đưa ra câu trả lời “đúng”; cho đến tận gần đây, rất nhiều trường vẫn ít chú trọng rèn luyện trí tưởng tượng và các kỹ năng tư duy khác. Do đó, trong nỗ lực phát triển một phương pháp toàn diện, chúng tôi thường nhấn mạnh các kỹ năng của não phải – không chỉ vì chúng quan trọng hơn mà còn vì chúng ta có rất ít cơ hội sử dụng chúng.
Với việc có thêm các kỹ năng nhận dạng mẫu, so sánh máy tính và bộ não có thể được cập nhật như trong Hình 2:
Hình 2: So sánh máy tính và toàn bộ bộ não
Trí nhớ… Bao nhiêu? Ở đâu?
Trong cuốn The Brain Book (Sách về bộ não), Peter Russel tuyên bố rằng vị vua Ba Tư Xerxes có thể gọi tên 100.000 binh lính trong quân đội của mình, người viết tiểu sử Hồng y giáo chủ Mezzofanti biết 70 đến 80 ngôn ngữ và những người Do Thái ở Ban Lan, còn gọi là Shass Pollaks, biết rành rọt từng từ, từng trang trong 12 bộ văn tự cổ Do Thái. Vậy tại sao tôi lại không thể nhớ tên của một người vừa mới được giới thiệu?
Thực tế, quá trình trí nhớ gồm hai phần – ghi nhớ và nhớ lại. Rất nhiều nhà nghiên cứu tin rằng chúng ta ghi nhớ mọi thứ từng trải qua trong cuộc đời. Mặc dù điều này có vẻ không tưởng nhưng lý thuyết tạo ảnh ba chiều về trí nhớ khiến cho niềm tin này ngày càng có cơ sở.
Học thuyết thịnh hành về trí nhớ sử dụng kỹ thuật ảnh ba chiều (3D) do Giáo sư sinh lý thần kinh Karl Pribram, Đại học Y Stanford, phát minh. Khi bạn tham gia chuyến thám hiểm Ngôi nhà ma ám ở công viên Disneyland, cảnh tượng đáng nhớ nhất mà bạn thấy là hình ảnh một con ma nữ nhỏ tuổi, bị thu nhỏ và nhốt trong một chiếc chuồng bằng nhựa. Con ma mãi trẻ, mãi bị nhốt và mãi kêu cứu. Những hình ảnh 3D kiểu như vậy được tạo ra nhờ phân chia chùm tia laze sao cho một phần chiếu thẳng vào một tấm kính ảnh, còn phần kia chiếu vào ảnh để đưa hình phản chiếu lên mặt kính.
Bản thân những bức ảnh vốn đã gây ngạc nhiên song điểm thú vị nhất của các bức ảnh 3D là hình ảnh có mặt trong mọi phần của tấm kính. Khi kính bị vỡ, ta vẫn có thể thấy toàn bộ hình ảnh trên bất kỳ mảnh vỡ nào. Thực chất, hình ảnh phân bố trên khắp tấm kính ảnh thông qua sự lưu trữ của sóng.
Vào những năm 1950, Pribram đã cùng làm việc với nhà tâm lý học Karl Lashley trong một thời gian ngắn để tìm ra bản đồ trí nhớ. Tuy công cuộc tìm kiếm không thành công nhưng kỹ thuật ảnh 3D đã gợi ý cho Pribram một cơ chế ghi nhớ hợp lý. Ông cho rằng các hồi ức không được lưu giữ ở một nơ ron cụ thể mà được phân bố trên toàn bộ não, tương tự như trên ảnh 3D. Những thí nghiệm của Karl Lashley đã xác nhận lý thuyết này. Ông huấn luyện cho những con chuột chạy vào mê cung sau đó cắt bỏ một phần bộ não của chúng. Dù bị cắt bỏ bất cứ phần não nào thì trí nhớ của lũ chuột vẫn còn.
Nhà vật lý David Bohm sử dụng kỹ thuật ảnh 3D làm phép loại suy cho toàn bộ vũ trụ. Ông khẳng định rằng những rung động thuần túy và mọi phần đều là đại diện cho cái tổng thể. William Blake đã có lần nói về việc “nhìn thấy cả thế giới trong một hạt cát”. Có lẽ ông có cùng quan điểm với Bohm.
Nếu các hồi ức thật sự được lưu giữ theo kiểu ảnh 3D, chúng ta sẽ có cơ sở để hiểu được khả năng của bộ não. Theo Peter Russell (người cùng với Tony Buzan nghiên cứu và truyền bá rộng rãi kỹ thuật lập bản đồ tư duy), một cm3 của một bức ảnh 3D có thể lưu trữ mười tỷ bit thông tin, còn bộ não con người có thể lưu gấp 1.500 lần. Ông ước tính năng lực trí nhớ của con người có thể đạt mức một nghìn triệu triệu bit thông tin. Tất nhiên, một lượng lớn trong đó được dùng để vận hành cỗ máy cơ thể, song vẫn còn dung lượng rất lớn để ghi nhớ mọi kinh nghiệm.
Người ta đã tiến hành một số nghiên cứu thú vị để chứng thực lý thuyết trên. Một báo cáo thí nghiệm của trường Đại học Yale, Mỹ, về một người thợ nề bị thôi miên và được đề nghị miêu tả một viên gạch cụ thể mà anh ta đã xây ở một tòa nhà. Mặc dù mỗi ngày xây 2.000 viên gạch nhưng anh ta vẫn có thể miêu tả chi tiết màu sắc và những chỗ rạn trên viên gạch đó.
Tiến sĩ tâm lý học David B. Chamberlain ở San Diego, chuyên nghiên cứu về hồi ức của con người lúc mới sinh ra, đã thấy nhiều hồi ức rất chi tiết. Ông yêu cầu các bà mẹ và con họ miêu tả chi tiết thời điểm sinh trong lúc bị thôi miên. Mức độ tương quan cao giữa câu chuyện của người mẹ và những chi tiết trong hồi ức của đứa trẻ chứng minh sự có mặt của một hệ thống hồi ức ngay từ khi con người mới sinh ra.
Nếu chúng ta có thể nhớ được mọi điều đã xảy ra thì tại sao lại không thể nhớ tất cả các chi tiết? Nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng giao thoa. Khi các trải nghiệm chồng chất lên nhau, những hồi ức sẽ giao thoa với nhau và quá trình tìm kiếm thất bại do thiếu các mối liên hệ rõ ràng. Chìa khóa để truy hồi thông tin đã mất.
Có bốn công cụ cơ bản để cải thiện trí nhớ:
Nhắc lại — Công cụ chuẩn của hệ thống giáo dục. Học thuộc lòng có tác dụng nhưng không phải là phương pháp hiệu quả nhất và hiển nhiên không phải là phương pháp duy nhất.
Liên kết — Việc liên kết một thông tin với một thứ nào đó trong trí nhớ giúp chúng ta nhớ lại và sử dụng thông tin đó trong các bối cảnh khác.
Cường độ — Những thông tin có cường độ mạnh hoặc gây ra xúc cảm mãnh liệt được nhớ lại dễ dàng.
Sự tham gia — Các thông tin đòi hỏi sự tham gia của nhiều hơn một giác quan được ghi nhớ dễ dàng hơn so với những thông tin thu được từ chỉ một giác quan. Nếu có thể nhìn, nghe, sờ, nếm và ngửi thứ gì đó, bạn sẽ ghi nhớ dễ hơn so với việc chỉ được nhìn thấy nó. Xử lý, viết ra, tổ chức hoặc thiết lập mối liên hệ giữa các thông tin với nhau đều giúp bạn nhớ và hiểu được tài liệu.
Điều này lý giải tại sao tôi không thể nhớ được tên một người vừa được giới thiệu – vì tôi mới chỉ nghe cái tên đó có một lần. Nếu lúc đó tôi còn bận nghĩ xem nên nói gì tiếp theo thì thậm chí tôi còn không nghe thấy nó. Để tăng khả năng nhớ tên, tôi phải nhắc lại tên đó và liên hệ với một hình ảnh. Ban đầu việc này có thể mất thời gian nhưng bản thân thời gian cũng là một hình thức liên hệ. Khi bạn lập được một thư viện tên bằng hình ảnh, việc nhớ tên sẽ tốn ít thời gian hơn.
Một cách hiệu quả để tăng cường khả năng nhớ lại khi tiếp xúc với các tài liệu mới (sách, cuộc họp, bài giảng, v.v…) là sử dụng bản đồ tư duy. Bản đồ tư duy tạo ra các hình ảnh, cho phép bạn tổ chức tài liệu theo cách tiếp nhận của trí não, tạo ra các liên kết và liên hệ với các nguồn khác.
Bản đồ tư duy chủ động gắn kết hai bán cầu não. Bằng cách cho phép chúng ta tự do tương tác với thông tin, thêm các màu sắc, biểu tượng và tổ chức thông tin theo cách tiếp nhận, bản đồ tư duy giúp ta phát triển toàn diện khả năng trí tuệ. Chúng ta có trí nhớ tốt hơn, kỹ năng tổ chức hiệu quả hơn và sáng tạo hơn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.