Ứng Dụng Bản Đồ Tư Duy
CHƯƠNG 11: Bản đồ tư duy đối với sự phát triển cá nhân
Mỗi cá nhân là sự kỳ diệu của những điều chưa biết và những khả năng không thấy rõ
–Goethe
Bởi vì quá trình lập bản đồ tư duy động chạm đến những vùng sâu thẳm trong trí óc của bạn và cho phép liên tưởng tự do nên hoạt động của nó gần giống với tâm lý liệu pháp. Mặc dù không phải là phương pháp chữa trị rối loạn tâm lý nhưng nó có thể giúp chúng ta, những người bình thường, hiểu rõ mình là ai và trí óc của mình hoạt động như thế nào. Nó mang lại cho chúng ta công cụ lắng nghe chính bản thân mình… nghe những bài độc thoại nội tâm luôn diễn ra trong tâm trí mình. Sử dụng bản đồ tư duy thường xuyên có thể giúp chúng ta phát triển tính sáng tạo.
Đó là một hoạt động rất gần với việc tìm hiểu chúng ta là ai, tính độc nhất của chúng ta là gì và nó có thể giúp chúng ta hướng tới sự sáng tạo không. Khả năng sáng tạo phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng chúng ta có thể thể hiện và sử dụng những khả năng, triển vọng và kinh nghiệm độc nhất của mình. Bằng việc phát triển chính bản thân mình, chúng ta có cơ hội phát triển tính sáng tạo.
Tác giả Tristine Rainer, trong cuốn sách The New Diary (Nhật ký mới), gắng viết nhanh mà không cần đọc lại để cuốn nhật ký có được đầy đủ ý nghĩa của nó. Việc lập bản đồ tư duy cho phép chúng ta bỏ qua giai đoạn kiểm duyệt mà chỉ đề cập đến những cảm xúc và suy nghĩ nội tâm. Một cách phổ biến để bắt đầu quá trình ghi nhật ký là lập bản đồ chủ đề hay ý tưởng làm phần mở đầu của cuốn nhật ký và để bản đồ đó dẫn dắt đến việc ghi chép hàng ngày. Việc lập bản đồ tư duy nhật ký trước tiên giúp bạn loại bỏ những mảnh vụn trong tâm trí và tự do liên tưởng một cách nhanh chóng.
Hầu hết những người mới bắt đầu ghi nhật ký đều gặp khó khăn khi mở đầu và không biết cách thâu tóm được những thông tin thú vị. Họ tự gây buồn chán và sau đó nghĩ rằng mình không có gì để viết. Mỗi người đều có những suy nghĩ, cảm xúc và quan sát riêng có thể diễn tả được trong nhật ký. Đó chính là cái tôi bản ngã của chúng ta, tồn tại giữa chúng ta và giúp chúng ta hiểu chính mình rõ hơn. Chúng ta có thể đánh lừa chính bản thân mình để vượt quá ngưỡng bảo vệ cái tôi bản ngã này theo nhiều cách. Một phương pháp là ghi chép “vô nghĩa”, nghĩa là chúng ta để cho các từ ngữ tuôn ra trên giấy theo mạch mà không cần để ý đến ý nghĩa của các từ và cấu trúc. Đôi khi, đây là cách làm việc làm tự do và rất hiệu quả. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta, những người có não trái phát triển và có óc phán xét, sẽ không tin vào phương pháp này nếu cuối cùng nó không đi đến đâu.
Bản đồ tư duy tạo ra hiệu quả tương tự… nhưng nhanh hơn nhiều. Bạn đang để cho đầu tự do liên tưởng, nhưng bạn chỉ nên viết ra những từ chủ chốt. Có được cảm giác “a ha” tức là bạn đã thấu hiểu chủ đề mà mình muốn viết. Khi lập bản đồ cho một tình huống trong cuộc sống, chắc chắn bạn sẽ bắt đầu từ những vấn đề có thật làm cơ sở cho tình huống ấy. Bởi vì lập bản đồ tư duy động chạm đến bộ phận cảm xúc của não
– não phải, nên chắc chắn bạn có thể lôi cuốn được sự tham gia của các cảm giác và cảm xúc. Phần lớn chúng ta tránh thể hiện cảm xúc nên thường lưỡng lự khi bộc lộ chúng trong nhật ký. Điều này dẫn đến xu hướng chỉ ghi chép lại các hoạt động trong ngày theo thứ tự thời gian. Mục đích của việc ghi nhật ký về sự phát triển cá nhân không phải là ghi lại một quá trình lịch sử mà là để tiếp xúc với những cảm giác và suy nghĩ thật sự của chúng ta. Nhưng cuộc sống của hầu hết chúng ta đều không đủ hấp dẫn để khuyến khích cách tiếp cận lịch sử này, do vậy chúng ta thường nhanh chóng cảm thấy nhàm chán và từ bỏ.
Anais Nin, một nhà báo lỗi lạc của thời đại chúng ta, nhận ra rằng rất nhiều trải nghiệm quan trọng nhất từ thời thơ ấu của bà đã bị bỏ qua trong cuốn nhật ký. Bà đã phát huy thói quen ngồi yên lặng một vài phút trước khi bắt đầu viết. Bà thường tái hiện sự việc hay cảm xúc quan trọng nhất của ngày trong trí óc rồi dùng chúng để viết câu mở đầu.
Cuốn nhật ký có thể trở thành bản tường thuật hấp dẫn về những biến cố lớn trong cuộc đời bạn. Ira Progoff trong cuốn At a Journal Workshop (Tại một cuộc hội thảo về nhật ký) đã viết:
Sự phát triển cá nhân bao gồm nhiều kinh nghiệm chủ quan, ẩn giấu và riêng tư đối với mỗi người đến nỗi rất khó nhận rõ những mốc đánh dấu sự thay đổi. Điều đặc biệt gây mất phương hướng là quá trình phát triển thường bắt đầu ở giai đoạn thấp và có tính tiêu cực trong chu kỳ tâm lý. Do vậy, tại thời điểm diễn ra sự phát triển có tính xây dựng nhất đối với một người thì người ấy có thể sẽ phiền muộn, bối rối và thậm chí là lúng túng.
Progoff cho biết nhật ký mang lại cho chúng ta phương pháp phát triển các khả năng cần thiết để đối mặt với mọi thử thách trong cuộc sống. “Nó tạo ra cho chúng ta một biện pháp kỷ luật cá nhân và riêng tư để phát triển các cơ bắp bên trong.”
Quy trình ghi chép hàng ngày
• Có một quyển sổ ghi chép — Mặc dù bất cứ một quyển sổ nhỏ hay quyển sổ ghi chép nào cũng có thể làm được điều đó nhưng bạn nên tìm những cuốn có phần phía trên để trống còn phần phía dưới có các dòng kẻ;
• Ngồi ở một nơi thoải mái và yên tĩnh — với quyển sổ ghi chép và hãy tĩnh tâm trong vài phút để có thể tập trung vào cảm xúc hay suy nghĩ quan trọng nhất của mình;
• Viết cảm xúc hay suy nghĩ vào một cái khung — (Nếu bạn có biểu diễn chúng bằng biểu đồ thì bạn sẽ thâm nhập sâu hơn vào não phải của mình) ở trung tâm của trang giấy và lập bản đồ tư duy cho chúng. Cần chắc chắn rằng bạn thể hiện được tất cả suy nghĩ lên bản đồ;
• Khi bạn có được cảm giác “a ha — đó là những gì mình muốn viết”, hãy viết ra tất cả các ý tưởng và lời nhận xét.
Khám phá những giá trị của bạn
Từ điển định nghĩa giá trị là một nguyên tắc đạo đức, một tiêu chuẩn hay phẩm chất đáng giá hay đáng ao ước. Giá trị là những niềm tin mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Nhờ chúng mà bạn có được phương hướng và sự chỉ dẫn. Tuy nhiên trong cuộc sống bon chen hàng ngày, bạn có rất ít thời gian để suy nghĩ về những giá trị của chính mình. Điều này đã nảy ra khi tôi cố gắng xác định những giá trị của mình. Khi tôi đang làm một loạt bài tập thì nhận ra đó là lần đầu tiên tôi từng nghĩ về các giá trị theo cách có tổ chức. Về sau khi bài tập này được bổ sung vào những buổi hội thảo lập bản đồ tư duy, tôi thấy phần lớn người tham gia đều mơ hồ, không biết chính xác những giá trị nổi bật của mình là gì.
Việc hiểu biết các giá trị của bản thân mang lại cho bạn một cuộc sống hạnh phúc hơn. Thông thường, chúng ta dành thời gian để học các giá trị… từ cha mẹ, trường học và nhà thờ; từ cộng đồng và những người cùng lứa tuổi, từ ti vi, báo chí và âm nhạc. Nhưng ở một thời điểm nào đó, bạn cần phải phân loại những điều đã học được.
Bạn cần quyết định xem những giá trị nào thật sự quan trọng và giá trị nào không còn quan trọng. Phần lớn chúng ta đều tưởng đã biết hết các giá trị của mình. Nếu có ai đặt câu hỏi trước khi tôi có kinh nghiệm này thì tôi sẽ trả lời: “Tất nhiên, tôi hiểu rõ những giá trị của mình là gì.” Nhưng sau khi tôi dành vài giờ xác định, tái xác định, phân loại, tái phân loại, có một vài thay đổi lớn trong câu trả lời của tôi.
Việc hiểu được những giá trị của bản thân mang lại sự tự do cho bạn. Bạn có thể bắt đầu loại bỏ những hoạt động và những hy vọng không cần thiết ra khỏi cuộc sống. Nếu bạn xem xét các giá trị và nhận ra những điều mà mình coi trọng nhất trong cuộc sống là gia đình và bạn bè thì bạn sẽ không còn cảm giác thất bại nữa, cho dù không có được vị trí quản lý. Bằng việc phân hạng các giá trị, bạn biết hướng những khả năng tiềm tàng của mình vào đâu. Bạn cũng thành thật hơn với chính bản thân mình và những người xung quanh hơn. Gần đây, một người bạn của tôi đã xem xét các giá trị của mình và nhận ra giá trị quan trọng nhất là thể hiện tính sáng tạo thông qua âm nhạc. Cô là một doanh nhân thành đạt có một công ty máy tính đang phát triển thịnh vượng. Mặc dù cuộc sống có đầy đủ gia đình, bạn bè, một nghề nghiệp thú vị nhưng cô vẫn cảm thấy trống rỗng và không thoải mái. Khi nhận ra âm nhạc có tầm quan trọng thế nào với bản thân mình, cô đã sắp xếp lại những điều ưu tiên để âm nhạc có thể quay trở về cuộc sống của mình.
Cuộc sống có đòn bẩy riêng và nó sẽ cuốn bạn theo một dòng chảy, trừ khi bạn kiểm soát được hướng đi của mình. Nếu bạn để bị cuốn theo dòng đời mà không phù hợp với những giá trị và nguyện vọng thầm kín thì bạn có thể phải đương đầu với nhiều thử thách ở giai đoạn giữa cuộc đời như ly hôn, sự thất bại trong nghề nghiệp, ốm đau, cùng những dấu hiệu mất thăng bằng khác trong cuộc sống. Khi hành động của bạn hài hòa với niềm tin và nguyện vọng thầm kín thì bạn sẽ đạt được trạng thái cân bằng và yên bình.
Các giá trị là chính là công cụ chỉ dẫn cho bạn, điều khiển mọi hoạt động và lựa chọn của bạn, từ việc học ở trường nào đến việc lựa chọn nghề nghiệp, từ bạn bè xung quanh đến những quyển sách, từ cách dạy bảo con cái đến cách kê bàn… Những giá trị này mang nội dung cảm xúc mạnh mẽ; chúng có thể là những niềm tin để bạn sống và hy sinh. Các giá trị phổ biến bao gồm: tình yêu, tình bạn, gia đình, tính trung thực, sự thật, lòng tin, thành công, tự do, thành tựu, niềm vui, sự giàu có, sức, du lịch, cái đẹp, nghệ thuật, âm nhạc, thơ ca, tự nhiên, tính hào phóng, sự chia sẻ, sự công bằng, sự an toàn, sự phiêu lưu…
Bước tiếp theo để hiểu những giá trị của bạn là tìm ra tất cả niềm tin, nguyên tắc đạo đức và điều kiện quan trọng đối với bạn. Vì bản đồ tư duy giúp bạn đến với thế giới nội tâm nên nó là một công cụ tuyệt vời giúp bạn xác định và xếp hạng các giá trị của mình.
Ở giữa trang giấy, kẻ một cái khung và viết “Các giá trị của tôi”, sau đó hãy lập bản đồ tư duy cho tất cả những điều quan trọng đối với bạn. Ghi nhanh tất cả mọi thứ. Kết hợp các ý tưởng với nhau khi bạn thấy có mối liên hệ giữa chúng. Khi năng lượng của bạn đã yếu dần đi, hãy tự đặt cho mình những câu hỏi sau:
• Điều gì quan trọng với tôi?
• Điều gì khiến tôi cảm thấy hạnh phúc?
• Điều gì tồn tại trong cuộc sống của tôi, mà nếu không còn nữa thì sẽ có một lỗ hổng?
• Nếu tôi có thể mang lại bất kỳ điều gì cho cuộc sống của mình thì nó sẽ ra sao?
• Nếu tôi có thể mang lại bất kỳ điều gì cho thế giới này thì nó sẽ thế nào?
• Những đức tính nào mà tôi ngưỡng mộ nhất ở người bạn thân nhất của tôi?
• Cái gì làm cho tôi phấn khích?
Có thể hiện giờ bạn chỉ có một bản đồ tương đối lằng nhằng. Khi các ý tưởng nảy sinh trong đầu, bạn có thể quay lại và bổ sung, thay đổi hay bỏ đi. Đây là một bản đồ có giá trị và bạn có thể cập nhật nó thường xuyên. Nhưng hiện giờ nó chỉ giống như một danh sách tất cả những việc đã hoặc sẽ diễn ra trong cuộc sống của bạn. Dành một vài phút để kết nối các giá trị có liên quan với nhau. Có lẽ bạn đã liệt liệt kê các giá trị tình yêu, gia đình và bạn bè tách biệt với nhau nhưng bây giờ bạn lại muốn kết nối chúng lại. Hãy cố gắng liên kết các giá trị lại theo một vài nhánh chính.
Sau đó, hãy lập lại bản đồ, sử dụng các nhánh chính và nối tất cả các giá trị vào những nhánh đó. Dùng bút đánh dấu màu vàng để làm nổi bật các nhánh. Hãy làm nổi nhánh nhỏ quan trọng nhất trong mỗi nhánh lớn bằng bút màu khác.
Bây giờ, hãy nhìn vào và xếp hạng những giá trị được đánh dấu màu vàng. Điều này khá phức tạp vì xu hướng tìm ra rất nhiều điều nên làm sẽ xuất hiện: “Tôi nên xếp tình yêu cao hơn của cải. Tôi nên đặt Tổ quốc cao hơn tình dục.” (Thậm chí đã bao giờ bạn đặt tình dục ở mức thấp chưa?) Mục đích của quá trình này là khám phá ra những điều quan trọng đối với bạn chứ không phải là những điều mà bạn nghĩ nên là quan trọng. Nếu bạn cố gắng sống theo những điều nên làm này thì bạn không thành thật với chính mình. Điều đó sẽ cản trở bạn phát triển và đạt đến tính sáng tạo của mình.
Để tìm được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống, bạn phải tôn trọng chính mình. Các giá trị có thể thay đổi, do vậy rốt cuộc bạn chỉ có thể đánh giá cao một vài trong số những việc nên làm, nhưng bây giờ bạn sẽ đề cập đến những giá trị tức thời của mình.
Vì vậy, để có thể nhận ra cấp bậc thật sự của mình, hãy xem xét mỗi giá trị sau trong mối quan hệ với các giá trị khác. Ví dụ như, bạn có năm nhánh chính sau:
tình yêu
của cải
du lịch
danh tiếng
sự phưu lưu
Có thể bạn sẽ tự nói với mình: “ Để thật sự hạnh phúc và thỏa mãn, mình có cần tình yêu nhiều hơn của cải… nhiều hơn du lịch… nhiều hơn danh tiếng… nhiều hơn sự phiêu lưu không?” Khi đã nhận được câu trả lời “có” hoặc “không” cho mỗi câu câu hỏi trên, bạn nên bắt đầu xếp hạng các giá trị. Nếu như tất cả các câu trả lời đều là có thì lúc này giá trị tình yêu sẽ xếp hàng đầu.
Nhưng nếu câu trả lời cho câu hỏi với danh tiếng là “không” thì bạn sẽ thấy danh tiếng quan trọng hơn tình yêu. Lúc đó, bạn nên xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ giữa phần còn lại trong danh sách với danh tiếng và nếu các câu trả lời là “có” thì danh tiếng sẽ là quan trọng nhất.
Khi bạn đã hoàn tất việc xếp hạng, hãy dành một chút thời gian để xem xét xu hướng tác động qua lại của tất cả các giá trị này. Bạn có sống được khithiếu bất kỳ một giá trị nào trong số đó hay không? Trong cuộc sống, điều gì mà bạn cảm thấy không thể sống thiếu nó vẫn chưa có mặt trong danh sách trên? Có một vài giá trị nào trong số đó là biểu tượng cho các thứ khác hay không? Ví dụ, bạn có muốn giàu có để có thể đi du lịch không? Có thể bạn đang thật sự tìm kiếm thành công, lòng tự ái hay tình bạn. Hãy xem xét mỗi giá trị để biết được đó có phải là những thứ mà bạn đang thật sự tìm kiếm.
Dành thời gian phác thảo, rồi tái phác thảo bản đồ giá trị này cho đến khi hoàn chỉnh. Bây giờ, hãy bắt đầu với một bức tranh các giá trị của bạn. Khi tiến hành làm bài tập này, tôi nhận ra một số giá trị là những đòi hỏi bắt buộc ở một cấp độ nhất định nào đó nhưng lại không có giá trị cuối cùng. Các giá trị như sức khỏe, tiền bạc và lòng dũng cảm sẽ trở thành cái chân bàn. Để có được tất cả những giá trị khác trong cuộc sống thì tôi phải có một mức độ tin cậy và sự chân thật nền tảng. Những điều này chính là phần phía trên của chiếc bàn. Giá trị tổng thể mà tôi muốn có trong cuộc sống chính là niềm vui, và nó trở thành một chiếc bát chứa đựng các giá trị khác. Bạn có thể thấy giá trị của tôi được thể hiện ở hình dưới đây (Nó đã được một họa sĩ sửa sang lại, do vậy đừng nghĩ rằng bản vẽ của bạn phải hoàn hảo về mặt nghệ thuật). Một phần quan trọng của bản vẽ này là bạn thấy những giá trị của mình liên quan với nhau như thế nào? Cái nào quan trọng nhất? Bạn phải có cái nào để tất cả những thứ khác có thể tồn tại? Giá trị nào quan trọng hơn cả?
Khi vẽ các giá trị của mình, tôi đã vẽ bốn hay năm bản nháp trước khi có được một hình hoàn chỉnh. Vì vậy, hãy thử làm bài tập này và thể hiện chân thật thế giới bên nội tâm của bạn thông qua các giá trị đó.
Khi bức tranh đã hoàn tất, hãy trở lại Chương 5 và nhìn vào bản đồ mục tiêu của bạn. Vốn hiểu biết mới về các giá trị có làm thay đổi bất kỳ mục tiêu nào của bạn hay không? Hãy thêm những thay đổi hợp lý vào trong bản đồ mục tiêu của bạn.
Bảng giá trị của tác giả
Luyện tập
1. Nếu bạn gặp vấn đề đối với trọng tâm cần viết ra trong sổ ghi chép hàng ngày, hãy thử lập bản đồ tư duy cho một hay nhiều hơn một những chủ đề sau:
Sự sợ hãi
Tình yêu
Sinh nhật
Gia đình
Sự căm ghét
Tuổi thơ
Nội tâm
Hãy để mỗi chủ đề dẫn đến một bài viết thể hiện những cảm nghĩ của bạn;
2. Các bức thư gửi người thân có thể là những dữ liệu quan trọng trong nhật ký của bạn. Họ có thể là những người còn sống hoặc đã mất, đang tồn tại trong cuộc sống của
bạn hoặc không. Viết tên một người trong một chiếc khung ở giữa trang giấy và trong một vài phút, hãy lập bản đồ tư duy cho mọi liên tưởng nảy sinh trong đầu về người đó. Sau đó, tự viết lá thư ấy. Đây là một số người mà có thể bạn muốn viết thư cho họ:
Cha bạn
Mẹ bạn
Chồng cũ, người yêu cũ, bạn cũ
Con bạn
Anh chị em của bạn
Người thầy giáo tuyệt vời của bạn
Người đầu tiên làm tim bạn rung động
3. Những cuộc chuyện trò với mọi người và các sự kiện có thể là làm nhật ký của bạn phong phú hơn. Giống như trên, những người này có thể đang sống hay đã mất, đang có mặt bên bạn hoặc ở cách xa bạn. Ưu điểm của bài tập này là nó mang tính phản hồi, vì bạn có một người hay một đồ vật đáp lại lời bạn.
Nhật ký giấc mơ
Giấc mơ thường được gọi là con đường dẫn đến tiềm thức. Ghi lại các giấc mơ của bạn là một phần quan trọng trong quá trình giao tiếp với thế giới nội tâm. Tuy nhiên, rất khó có thể gợi nhớ và ghi lại các giấc mơ vì chúng tan đi như mây khói trong tay bạn.
Ann Faraday cho rằng việc quên các giấc mơ phần nhiều không phải là do sự ức chế “kiểu Freud” mà là do trạng thái bộ não. Trong suốt giấc ngủ, bộ não của bạn không sắp đặt những dấu hiệu ghi nhớ vững chắc. Do vậy, nó phải nhanh chóng lưu giữ những hình ảnh ảo tưởng này trước khi những hình ảnh khác hoàn toàn bao phủ chúng.
Lập bản đồ tư duy giúp lưu giữ hình ảnh. Để có thể ghi lại các giấc mơ, bạn nên giữ một quyển nhật ký giấc mơ trên đầu giường ngủ. Trước khi đi ngủ, hãy tự nói với mình về dự định sẽ ghi nhớ các giấc mơ. Thời điểm thích hợp nhất để lưu giữ các hình ảnh ảo tưởng trong giấc mơ là ngay sau khi bạn tỉnh giấc, khi bạn vẫn còn đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ. Trước khi nói chuyện, làm vệ sinh cá nhân hay làm bất cứ việc gì khác, bạn nên nhắm mắt và hồi tưởng lại hình ảnh của giấc mơ. Sau đó, vẽ hình ảnh trọng tâm lên trang giấy và lập bản đồ tư duy cho hình ảnh này. Những liên tưởng của bạn có thể xuất phát từ giấc mơ hoặc từ những hình ảnh trong giấc mơ. Khi đã nắm bắt được điều cốt lõi của giấc mơ, bạn có thể dành một chút thời gian để tĩnh tâm trước khi phân tích giấc mơ. Michael Gelb cho biết, một nghiên cứu gần đây cho thấy học sinh ghi lại giấc mơ của chúng thì khả năng sáng tạo tăng lên 25%. Ông nói: “Bản đồ tư duy nối liền khoảng cách giữa thế giới mơ tưởng phi lý, giàu hình ảnh với trạng thái tỉnh táo dùng nhiều lời nói hơn.”
Một số người hay mơ đưa ra gợi ý nên nghĩ về mỗi yếu tố của giấc mơ như là một phần của bản thân bạn. Do đó, nếu bạn mơ về một con chim nhỏ đang đậu trên cành cây dưới trời mưa bên ngoài cửa sổ nhà mình, bạn thử nghĩ “con chim nhỏ đó là mình” đang đậu trên cành cây và thử xem những liên tưởng hay suy nghĩ nào sẽ nảy sinh từ hình ảnh đó. Sau đó, bạn có thể tưởng tượng hình ảnh “trời mưa là mình”, “cành cây là mình”, “cửa sổ là mình”. Mỗi đoạn mơ tưởng đó sẽ là sự phản ánh một khía cạnh nào đó của bạn. Chỉ bằng cách tự mình phân tích giấc mơ, bạn mới có thể hiểu được thông điệp mà tiềm thức gửi gắm cho bạn qua các giấc mơ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.