Ứng Dụng Bản Đồ Tư Duy
PHẦN 2: Kỹ thuật của bản đồ tư duy CHƯƠNG 3: Bản đồ tư duy: Kỹ thuật suy nghĩ toàn não bộ
Trong các phương pháp giáo dục mới, tâm điểm trước đây đã bị đảo ngược. Thay vì dạy một người sự thật về những thứ khác, trước tiên chúng ta phải dạy anh ta sự thật về chính bản thân anh ta sự thật về cách thức học tập, tư duy, gợi nhớ, sáng tạo và giải quyết vấn đề.
–Tony Buzan
Tony Buzan, chuyên viên thiết kế bản đồ tư duy từng nói: “Một giám đốc kinh doanh dành trung bình 1.000 đến 10.000 giờ để học kinh tế, lịch sử, ngôn ngữ, văn học, toán học và khoa học chính trị. Nhưng anh ta chỉ dành chưa đến 10 giờ để học tư duy sáng tạo.”
Trên cơ sở nhận định đó, ông đã phát triển bản đồ tư duy, một trong những kỹ năng hiệu quả nhất của quá trình tư duy sáng tạo. Bản đồ tư duy là toàn thể bộ não và sơ đồ
− bao quát rất lý thú về mặt thị giác. Nó không có bất cứ hạn chế nào — bạn không cần tuân theo định dạng nghiêm ngặt về chữ số, chữ viết hoa và số La Mã… Bởi vì, viêc lập bản đồ tư duy không bị giới hạn, trí óc của bạn cho phép thông tin nảy sinh tự do. Thông tin sẽ tự sắp xếp thành nhóm khi bạn viết ra giấy.
Những nghiên cứu gần đây về bộ não chỉ ra rằng thời gian tập trung của bộ não cực kỳ ngắn – từ 5 đến 7 phút —, phụ thuộc vào chủ đề và mức độ hấp dẫn. Trí óc hoạt động tốt nhất trong khoảng thời gian bùng nổ này. Kỹ năng lập bản đồ tư duy đã tận dụng khuynh hướng hoạt động trong khoảng bùng nổ ngắn của trí óc bằng cách cho phép bạn viết ra các ý tưởng và suy nghĩ lên trang giấy chỉ trong một vài phút.
Bản đồ tư duy cũng cho phép bạn khám phá các mô hình. Hãy nhớ đến trò chơi bắn đạn. Viên đạn bằng thép được bắn vụt ra sân chơi nảy trên những tấm biển bằng cao su, làm các bóng đèn phát sáng và chuông kêu hoặc nảy ra khỏi hố khiến các điểm rung lên. Người chơi giỏi có thể bắn nhẹ viên đạn quay trở lại sân chơi khi nó gần rơi xuống hố và ghi thêm nhiều điểm. Giữ viên đạn trong sân chơi càng lâu thì điểm ghi được càng cao. Trí óc cũng tương tự như vậy, chúng ta giữ thông tin theo cách chơi đùa càng lâu thì thông tin tạo ra những mối liên hệ mới càng nhiều, làm nảy sinh những ý tưởng và thông tin khác, và do đó có thể đạt được các ý tưởng mới. Để ý tưởng hình thành ngay từ mối liên hệ bình thường đầu tiên rất đơn giản và dễ dàng nhưng điều đó lại không mang hiệu quả.
Các ứng dụng của bản đồ tư duy
Bản đồ tư duy được ứng dụng ở mọi lĩnh vực – kỹ thuật này mang lại lợi ích cho bất cứ quá trình nào yêu cầu thông tin và sự sắp xếp. Sau đây là một số ứng dụng thiết thực:
Viết. Cho dù bạn đang sắp xếp thông tin cho một báo cáo thí nghiệm hay phác họa hình tượng nhân vật cho cuốn tiểu thuyết mới thì kỹ thuật lập bản đồ tư duy đều góp phần mang lại chiều sâu và sự phong phú cho bài viết của bạn. Bởi vì nó giúp bạn nhanh chóng đi sâu vào vấn đề, phá vỡ sự bế tắc và hình thành đề cương cho bài viết.
Tổ chức kế hoạch. Bản đồ tư duy là phương pháp hiệu quả để viết kế hoạch. Bạn có thể vạch ra cơ cấu cơ bản của bất kỳ kế hoạch nào chỉ trong một vài phút.
Các phiên họp động não. Các phiên họp động não cá nhân và tập thể phản ứng tích cực với cấu trúc phát sinh tự do của bản đồ tư duy.
Các cuộc họp. Phần lớn thời gian làm việc của chúng ta là dành cho các cuộc họp.
Bản đồ tư duy giúp bạn sử dụng hiệu quả khoảng thời gian đó.
Danh sách các việc cần làm. Nếu danh sách các việc cần làm không phù hợp với bạn thì hãy thử phương pháp này.
Các bài thuyết trình. Bản đồ tư duy cung cấp cho bạn phương pháp thuyết trình; nó giúp khán giả hiểu và ghi nhớ thông tin mà bạn trình bày.
Ghi chép. Phương pháp ghi chép này giúp bạn sắp xếp thông tin, bổ sung các liên tưởng, liên kết và làm tăng khả năng ghi nhớ thông tin.
Sự phát triển cá nhân. Bản đồ tư duy chạm đến những suy nghĩ sâu thẳm nhất và cung cấp một phương pháp khám phá thế giới nội tâm.
Các yếu tố của bản đồ tư duy
Sức mạnh lớn nhất của bản đồ tư duy là giúp bộ não của bạn hình dung được bức tranh tổng thể và các chi tiết… để có thể kết hợp giữa tính logic và óc tưởng tượng.
–Michael Gelb
Trong những năm 1960, khi Tony Buzan đang là biên tập viên của tạp chí International Mensa Journal ông đã gặp khó khăn với câu hỏi: sự thông minh có thể tăng lên được hay không? Ông đã dành thời gian nghiên cứu vấn đề này và phát triển một số kỹ thuật mang lại kết quả bất ngờ – chỉ số IQ tăng lên, trí nhớ được cải thiện và các kỹ năng tư duy được tăng cường. Một trong những kỹ thuật hàng đầu mà ông phát triển là lập bản đồ tư duy.
Buzan phát triển bản đồ tư duy như một cách thức phác thảo những nét chính và ghi chép. Trong cuốn sách Use Both Sides of Your Brain (Sử dụng cả hai bên não), ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng bản đồ tư duy để cải thiện kỹ năng học tập và tổ chức kế hoạch.
Những năm gần đây, Buzan và cộng sự Michael Gelb giảng dạy kỹ thuật này cho hàng nghìn người thông qua các buổi hội thảo và các cuốn sách. Khi nó đã phổ biến trong các lớp học và văn phòng thì số lượng người sử dụng công cụ đơn giản nhưng hữu hiệu này tăng lên rất nhiều. Khi bản đồ tư duy ngày càng phổ biến thì một loạt hình thức ghi chép không theo tuần tự khác cũng phát triển như ghi chép theo hình nhện, mạng lưới phức tạp, nhóm… Khi đang phát triển và nghiên cứu kỹ thuật này, Buzan nhận ra những lợi ích rõ ràng mà mỗi yếu tố của nó mang lại. Những lợi ích này bao gồm:
• Hình ảnh, đồ thị hoặc thông tin sẽ đặt ở trung tâm của trang giấy;
• Các ý tưởng được tuôn trào tự do mà chưa cần đánh giá, suy xét;
• Sử dụng các từ khóa để thể hiện các ý tưởng;
• Sử dụng màu sắc để làm nổi bật và nhấn mạnh ý tưởng;
• Sử dụng hình ảnh và biểu tượng để làm nổi bật và kích thích trí óc tạo ra các mối liên hệ.
Nhiều hình thức ghi chép không theo tuần tự khác không sử dụng tất cả các yếu tố của bản đồ tư duy – một số hình thức không nhấn mạnh hình ảnh trung tâm và sử dụng màu sắc. Một số loại lại sử dụng hình tròn thay vì đường thẳng. Những hình thức ghi chép không theo tuần tự này kích thích trí óc hoạt động trôi chảy và tự do. Hơn nữa, chúng còn có thể giúp bạn sắp xếp hiệu quả, viết tốt hơn và củng cố các kỹ năng tư duy. Tuy nhiên, trên con đường đến với tính sáng tạo cá nhân, bạn sẽ muốn khám phá các yếu tố màu sắc và hình ảnh của não phải trong quá trình lập bản đồ tư duy.
Trong cuốn sách này, trước tiên, bạn sẽ học cách ghi chép không theo tuần tự cơ bản và sau đó, bổ sung màu sắc và hình ảnh để tiến tới việc lập bản đồ tư duy.
Tôi khám phá ra bản đồ tư duy ngay từ năm 1980. Chuyên môn của tôi là tài chính-kế toán, đồng thời tôi là người có tư duy rất logic và không chủ quan cá nhân. Những bản đồ tư duy đầu tiên mà tôi nhìn thấy rất đáng sợ bởi vì chúng chứa nhiều hình ảnh, màu sắc và rất vô tổ chức, một chút gì đó không chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sau một vài lần vui chơi với kỹ thuật này, tôi lại thấy nó là một công cụ hữu hiệu và bắt đầu sử dụng thường xuyên. Dần dần, tôi bổ sung thêm màu sắc, biểu tượng và đôi khi là hình ảnh. Các bản đồ tư duy của tôi chưa đẹp lắm nhưng giúp tôi suy nghĩ sáng tạo, sắp xếp thông tin dễ dàng và quản lý kế hoạch hiệu quả.
Bản đồ tư duy giúp bạn viết thông tin trên giấy theo cách trí óc điều khiển chứ không phải dưới hình thức phác thảo cứng nhắc. Mỗi bản đồ tư duy là một sản phẩm độc nhất của người tạo ra nó – không có bản đồ nào sai hay đúng; không có hình thức bản phác thảo cứng nhắc. Các bản đồ tư duy không phải là một thành phẩm. Không ai mua bản đồ tư duy của bạn. Nó đơn giản chỉ là một kỹ thuật giúp bạn ghi các ý tưởng ra giấy, thiết lập các mối liên hệ, xây dựng kế hoạch nhanh chóng và hiệu quả, và trở nên sáng tạo hơn.
Bản đồ tư duy cho phép trí óc của chúng ta đưa lên giấy một lượng thông tin lớn lên giấy. Nó khuyến khích bạn thiết lập các mối liên hệ và tìm kiếm lối tư duy mới. Nó trì hoãn giai đoạn đánh giá của quá trình tư duy. Mặc dù sự đánh giá rất cần thiết cho sự đổi mới và tính sáng tạo nhưng nó sẽ phá hỏng tính sáng tạo nếu áp dụng quá sớm. Khi bắt đầu nghĩ về một vấn đề hay một sự việc nào đó, chúng ta muốn suy nghĩ tuôn chảy và lan man. Chúng ta muốn có nhiều sự liên tưởng, mối liên hệ, mô hình để lựa chọn cái tốt nhất.
Bắt đầu
Để bắt đầu lập bản đồ tư duy, bạn cần một tờ giấy và một cây bút. Khi đi sâu vào kỹ năng này chúng ta sẽ bàn về cách thức có được các bản đồ và ý tưởng mới lạ bằng cách sử dụng màu sắc, hình ảnh, các loại giấy và bút khác nhau. Còn bây giờ, bạn có thể sử dụng bất cứ loại giấy và bút nào.
Hãy viết ý nghĩ trọng tâm của bạn bằng chữ in vào một cái khung ở giữa trang giấy. Đây có thể là một hoặc hai từ thâu tóm cốt lõi vấn đề hay sự việc mà bạn muốn xem xét. Việc xác định trọng tâm vấn đề sẽ hướng dẫn cho kết quả suy nghĩ, do vậy, bước này cần được tiến hành cẩn thận.
Trước khi chuyển sang phần trọng tâm, bạn nên xác định các yếu tố của sự việc đó. Ví dụ: bạn là người giám sát và gặp phải vấn đề là có một nhân viên hay trễ giờ làm, bạn có thể viết tên nhân viên đó vào trong khung trọng tâm. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, những suy nghĩ của bạn sẽ xoay quanh nhân viên đó hơn là bất cứ yếu tố nào. Nếu bạn xác định các yếu tố của sự việc, bạn có thể có các ý sau:
Các yếu tố của vấn đề:
• Sam, người nhân viên hay trễ giờ;
• Sự chậm trễ nói chung;
• Thời gian làm việc;
• Sự kỳ vọng của bạn;
• Các thủ tục và chính sách nhân sự;
• Tinh thần của nhân viên;
• Hiệu quả làm việc của nhân viên;
Bằng cách xem xét các yếu tố, bạn có thể chọn ra trọng tâm giúp bạn suy nghĩ hiệu quả hơn. Bạn sẽ có một quá trình suy nghĩ hoàn toàn khác bắt đầu bằng tính hiệu quả của nhân viên chứ không phải cách tập trung suy nghĩ về nhân viên đó. Quá trình suy nghĩ xoay quanh một vấn đề hoặc xem xét sự việc bằng các cách khác nhau được gọi là suy nghĩ phân kỳ. Điều quan trọng là phải dành thời gian cho các giai đoạn phân kỳ trước khi đánh giá và phân tích vấn đề như là một phần trong giai đoạn tư duy hội tụ.
Hãy coi như bạn đã hoàn thành danh sách trọng tâm, khi đó bạn quyết định “tinh thần của nhân viên” chính là trọng tâm của mình. Do vậy, bản đồ tư duy ban đầu sẽ giống như thế này:
Trọng tâm… Bước đầu tiên của bản đồ tư duy
Khi những suy nghĩ về tinh thần của nhân viên bắt đầu tuôn ra, bạn hãy viết ra những từ khóa của các ý nghĩ đó bằng chữ in và kết nối chúng với trọng tâm bằng các dòng kẻ. Việc sử dụng các từ khóa có tính quyết định, vì bạn muốn nắm bắt ý nghĩ một cách nhanh chóng – bạn chỉ cần thâu tóm đủ thông tin để khơi dậy trí nhớ khi cần thiết.
Các từ khóa là các danh từ và động từ đa nghĩa. Chỉ để một từ ở một dòng để tạo ra nhiều sự liên tưởng với từ đó. Việc viết bằng chữ in cũng rất quan trọng vì nó nhấn mạnh hình ảnh trong trí óc và sẽ dễ học hơn khi ôn lại.
Khi bắt đầu nghĩ về tinh thần của nhân viên, bạn sẽ nghĩ đến các vấn đề, nguyên nhân và phương án cải thiện. Chúng xuất phát từ khung trọng tâm:
Hãy để các ý tưởng xuất phát từ trọng tâm
Khi ý tưởng có liên quan đến các nhánh này, bạn hãy viết từ khóa bằng chữ in và kết nối với nhánh đó bằng một dòng kẻ. Các ý tưởng mới xuất phát từ khung trọng tâm. Khi bạn nghĩ đến những vấn đề có thể gây ra “sự chậm trễ”, “năng suất thấp”, “tăng ngày nghỉ phép, nghỉ ốm” thì các từ khóa cho những ý nghĩ này sẽ liên quan đến nhánh các vấn đề.
Các biểu tượng như mũi tên hướng lên và mũi tên hướng xuống tương ứng với các từ cao và thấp. Bạn nên phát triển một loạt biểu tượng – một cách ghi tốc ký mà chỉ mình bạn hiểu được. Một vài biểu tượng thường dùng là:
ñ (mũi tên hướng lên) – nhiều hơn, cao hơn, đang gia tăng
ò (mũi tên hướng xuống) – ít hơn, thấp hơn, đang giảm xuống ð (mũi tên hướng sang phải) – nhanh hơn
ï (mũi tên hướng sang trái) – chậm hơn ! – Sự phấn khích, rõ ràng
? – Không chắc chắn, kiểm tra lại sau * – Ý quan trọng hay xem trích dẫn
Vì việc lập bản đồ tư duy là cách lấy ra tất cả các ý tưởng trong não, bất cứ hệ thống nào có ý nghĩa với bạn đều đúng.
Khi bắt đầu lập bản đồ, bạn hãy viết ra mọi thứ xuất hiện trong đầu. Thậm chí, một điều gì đó hoàn toàn không liên quan cũng cần được ghi ra. Nếu bạn cố gắng phớt lờ hay đặt ý tưởng đó sang một bên vì nó không quan trọng thì bạn sẽ bị tắc ở đó, hoặc là nó cứ tiếp tục duy trì trong đầu, hoặc là nó sẽ cản trở sự lưu thông của các ý tưởng khác. Như máy quay đĩa hát, khi kim bị kẹt ở một bài thì nó sẽ chơi đi chơi lại bài hát đó. Trí óc của bạn giống như vậy khi bác bỏ một ý tưởng nào đó.
Hai điều sẽ diễn ra khi bạn viết ra ý tưởng – thứ nhất là trí óc sẽ thoải mái nghĩ tiếp đến các ý tưởng khác, thứ hai là các mối liên hệ sẽ được tạo ra cùng với ý tưởng đó. Đôi khi đây là các những ý tưởng hay nhất xuất hiện. Đôi khi, bạn có thể thấy mình đang miên man theo dòng suy nghĩ hoàn toàn không liên quan đến sự việc. Với việc lập bản đồ tư duy, những dòng suy nghĩ phụ hiếm khi kéo dài quá một vài giây hoặc sẽ kết thúc và giúp bạn trở lại trọng tâm ban đầu; hoặc bạn thấy nó có mối liên quan mà bạn chưa nhìn ra ngay từ đầu.
Viết ra tất cả các ý tưởng của bạn
Nếu bạn nhớ rằng bản đồ tư duy không phải là một thành phẩm mà chỉ là một phần của quá trình, thì bạn sẽ dễ nhớ hơn rằng bất cứ điều gì bạn làm trong bản đồ tư duy đều đúng. Không có bản đồ tư duy nào sai.
Những lời khuyên bổ sung
Bởi vì quá nhiều nền giáo dục được định hướng đào tạo não trái, nên bất cứ điều gì kích thích rãnh não phải cũng có thể giúp bạn tạo ra nhiều ý tưởng hơn. Trong phần lớn quá trình học tập ở trường và qúa trình làm việc, chúng ta viết trên giấy kích thước A4 bằng bút mực đen hay bút chì. Bạn có thể thay đổi trạng thái này bằng cách thay đổi kích cỡ, màu sắc trang giấy và dùng bút có các màu khác nhau. Cỡ giấy lớn của máy vi tính rất thích hợp cho các bản đồ tư duy. Giả sử bạn chỉ có giấy có kích cỡ chuẩn, hãy xoay ngang trang giấy. Bạn có thể tự do phá vỡ lối mòn.
Giấy — Hãy thử dùng trang giấy khổ lớn trên máy vi tính, giấy vẽ hay giấy áp phích quảng cáo – nếu bạn bắt buộc phải dùng loại giấy 8½-11 inch thì hãy xoay ngang trang giấy.
Bảng trắng — Bảng trắng và bản đồ tư duy luôn đi kèm với nhau. Hãy dùng loại bảng lớn nhất có thể và nhiều bút màu. Dennison đã làm ra những tấm bảng trắng di động có tên “các hình ảnh tĩnh” rất hữu ích cho những buổi họp, buổi thuyết trình và các phiên họp động não.
Màu sắc và hình ảnh — Hãy thử nghiệm với nhiều màu sắc khác nhau. Thay đổi màu đen trong mối quan hệ với màu trắng và để cho trí óc bạn thoải mái với các màu sắc và hình ảnh. Sử dụng màu sắc và hình ảnh để kết nối và làm cho các ý nghĩ trở nên sinh động.
Sự liên tục — Hãy giữ cho ngón tay của bạn luôn chuyển động. Nếu dòng suy nghĩ ngừng lại, hãy vẽ các vòng tròn hay đường kẻ cho đến khi dòng liên tưởng mới xuất hiện.
Đứng lên và lập bản đồ tư duy trên một tấm bảng trắng hay tờ áp phích quảng cáo.
Nghe nhạc và viết bằng tay trái.
Bất cứ điều gì khác với thường lệ sẽ giúp bạn hình thành những mối liên hệ mới.
Luyện tập
Hãy dành không quá năm phút để lập bản đồ tư duy cho một trong số vấn đề.
• Quan sát cách thức trí óc hình thành các mối liên kết và liên hệ;
• Viết nhanh đến mức có thể nhưng phải viết bằng chữ in và sử dụng các từ khóa;
• Cố gắng chỉ viết một từ khóa bằng chữ in trên một dòng;
• Viết ra mọi ý nghĩ:
Gỗ
Chạy
Màu vàng
Âm nhạc
Bàn làm việc
Bếp lò
…..
Bổ sung màu sắc, âm nhạc và hình ảnh
Quan sát kỹ và theo xu hướng âm nhạc; trái tim của tạo hóa là âm nhạc ở khắp nơi nếu bạn có thể vươn tới nó.
–Thomas Carlyle
Sự ra đời của tivi đen trắng là một bước đột phá. Chúng ta đã rất kính sợ những hình ảnh mờ nhạt đầu tiên trên một màn hình nhỏ xíu. Nhưng nỗi kính sợ này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, không bao lâu sau chúng ta lại mong muốn có màu sắc và hình ảnh sắc nét, rộng to như thực tế.
Chúng ta cũng trải qua một quá trình tương tự khi lập bản đồ tư duy. Đầu tiên, chúng ta tạo ra những bước đột phá chỉ bằng cách sử dụng bút chì và giấy. Nhưng ngay sau đó, chúng ta bắt đầu muốn nhiều thứ hơn. Khi đã quen với tính mới lạ của kỹ thuật lập bản đồ tư duy, chúng ta sẽ muốn thử nghiệm nhiều cách thức tư duy của não phải hơn. Điều này dẫn chúng ta đến với màu sắc, biểu tượng, hình ảnh và âm nhạc.
Màu sắc kích thích bộ não
Thế giới quanh chúng ta tràn ngập màu sắc. Thông qua những nghiên cứu về quá trình tiến hoá, bộ não của chúng ta đã phát triển cơ cấu rất phức tạp để nhận biết và sử dụng màu sắc. Những nghiên cứu này chỉ ra rằng màu sắc có thể kích thích hay xoa dịu chúng ta. Chúng ta thích màu sắc, nó tự nhiên và hấp dẫn hơn một thế giới đen trắng giả tạo.
Bổ sung màu sắc vào các bản đồ tư duy của bạn là sự tiến triển tự nhiên. Màu sắc có thể được dùng trong một số cách sau.
• Sự sắp xếp — Bạn có thể sử dụng màu sắc để làm nổi bật các phần khác nhau trong bản đồ tư duy…để sắp xếp thông tin vào những lĩnh vực, chủ đề riêng biệt.
• Phiên họp động não — Sau phiên họp động não ban đầu, bạn sẽ muốn trở lại và sử dụng màu sắc khác để làm nổi bật các ý tưởng hoặc luận điểm chính. Một số nhóm đưa cho mỗi thành viên một màu khác nhau để họ chia sẻ những ý tưởng của mình;
• Thuyết trình — Việc trình bày thông tin trong khung màu làm tăng khả năng ghi nhớ thông tin. Mọi người sẽ nhớ thông tin đó ở trong khung màu đỏ hay màu xanh lá cây;
• Dòng ý tưởng — Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hay cạn kiệt ý tưởng trong khi đang lập bản đồ tư duy thì việc thay đổi màu sắc sẽ làm nảy sinh một luồng suy nghĩ mới.
Carlton Wagner, Giám đốc Viện nghiên cứu Màu sắc Wagner, cho biết màu sắc được xử lý theo thứ tự khác nhau và màu đầu tiên được xử lý là màu vàng. Khi bạn muốn làm nổi bật ý quan trọng hay luận điểm chính, hãy đánh dấu nó bằng màu vàng. Điều đó sẽ giúp bạn hay khán giả dễ dàng nhận biết nó.
Hình ảnh và ký hiệu – cách ghi tốc ký của bộ não
Hình ảnh và ký hiệu là cách ghi tốc ký của bộ não. Não phải nhanh chóng nhận biết các hình ảnh và mô hình. Thêm ký hiệu và hình ảnh vào bản đồ tư duy sẽ giúp truyền tải thông điệp theo cách từ thị giác đến trí óc của bạn hoặc của khán giả. Mỗi khi bạn truyền tải thông tin theo nhiều cách khác nhau thì khả năng thông tin đó được tiếp nhận đầy đủ sẽ tăng lên.
Âm nhạc làm tăng hoạt động của não phải
Âm nhạc cũng liên lạc trực tiếp với não phải và kích thích nó trong quá trình tư duy. Bạn có thể muốn thử nghiệm xem cái gì có hiệu quả nhất đối với mình. Trong khi viết cuốn sách này, tôi thấy bài hát Deep Breakfast (Bữa sáng nặng nề) của Ray Lynch luôn kích thích cảm hứng viết của tôi. Bất cứ khi nào gặp vấn đề trong quá trình viết, tôi thường đeo tai nghe và bật thật to bài hát đó – như vậy việc viết lách lại bắt đầu. Nó đã phát huy tác dụng đối với tôi – hãy thử nghiệm xem nó có tác dụng với bạn không.
Luyện tập
Đây là những ý tưởng để lập bản đồ tư duy:
Ánh sáng
Bạn bè
Công việc
Chơi đùa
Mùa xuân
Chiếc nhẫn
Nấu ăn
Sổ sách
Hãy bật nhạc nền lên – nhạc cổ điển, hiện đại hay âm nhạc soạn cho nhạc khí – những thứ khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất. Sau đó, lập bản đồ tư duy cho một trong những ý tưởng ở trên.
Hãy thử những kỹ thuật sau:
Hình ảnh — Vẽ một hình ảnh về ý tưởng đó ở giữa trang giấy và những suy nghĩ xuất phát từ hình ảnh này.
Mỗi khi bạn còn rất ít ý tưởng, hãy vẽ một hình ảnh về một trong các ý tưởng đó và hãy để nó kích thích ý nghĩ và sự liên tưởng.
Màu sắc — Để sẵn vài cái bút màu và thay đổi màu sắc khi bạn muốn nhấn mạnh một ý hay sắp xếp các ý nghĩ. Hãy giải trí với các màu khác nhau để thấy chúng ảnh hưởng thế nào đến suy nghĩ của bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.