Ứng Dụng Bản Đồ Tư Duy

CHƯƠNG 6: Động não và hơn thế nữa



Ẩn sâu dưới đại dương suy nghĩ là những hòn ngọc vô giá.

–Abraham Ibn-Ezra

Động não là một trong những kỹ năng sáng tạo lâu đời nhất. Chuyên viên thiết kế Alex, Osborn, người đồng sáng lập ra Công ty Quảng cáo Batton, Barton, Durstine và Osborn (BBD&O) đã tiến hành các phiên họp động não cho BBD&O ngay từ năm 1939.

Osborn là một nhà tư tưởng cách mạng. Ngay từ giai đoạn đầu trong sự nghiệp, ông đã khám phá ra sức mạnh của các ý tưởng. Và như vậy, việc tưởng tượng đã trở thành thú vui của ông. Ông tin rằng tất cả mọi người đều có khả năng sáng tạo và có thể rèn luyện để ngày càng trở nên sáng tạo hơn. Ông cũng cho rằng tư duy sáng tạo là một phần thiết yếu trong công việc. Khi đề cập đến hai loại trí óc: óc phán xét và óc sáng tạo, ông đã định hướng cho những nghiên cứu về não phải và não trái.

Osborn phát triển quá trình động não thành cách thức tập trung một loạt suy nghĩ vào một vấn đề cụ thể, riêng lẻ để tạo ra nhiều ý tưởng, mà về sau sẽ được nhận xét và đánh giá. Trong tác phẩm kinh điển viết năm 1948, Your Creative Power (Năng lực sáng tạo của bạn), Osborn đã nêu ra các quy tắc của kỹ thuật động não như sau:

• Loại trừ sự phán xét;

• Hoan nghênh sự say mê;

• Cần có số lượng;

• Cố gắng kết hợp và cải thiện.

Ngày nay, các quy tắc này vẫn dẫn dắt các phiên họp động não. Hàng ngày, các doanh nghiệp và các tổ chức tiến hành hàng nghìn phiên họp động não. Không thể tính hết lợi ích mà kỹ thuật này mang lại trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua các sản phẩm và dịch vụ mới.

Trong những năm gần đây, người ta tiến hành nhiều nghiên cứu để đánh giá hiệu quả của quá trình động não. Từ những nghiên cứu này, chúng ta thấy có ba điều kiện quyết định kết quả của các phiên họp động não:

• Sự tận tâm trong nhóm — Những nhóm nào quan tâm đến kết quả của các phiên họp động não sẽ thu được hiệu quả cao hơn các nhóm đầu tư khác;

• Cơ cấu nhóm — Các nhóm khác nhau về nền tảng, kỹ năng và cấp độ tổ chức sẽ hiệu quả hơn các nhóm đồng nhất;

• Áp lực về sự đồng nhất — Tất cả các nhóm đều tạo áp lực đối với thành viên của mình để hướng tới tính đồng nhất. Để có một phiên họp động não hiệu quả thì cần phải giảm những áp lực này đến mức tối thiểu. Và cách giảm những áp lực này là dành thời gian để ý tưởng cá nhân nảy sinh, chia nhóm thành các tiểu nhóm, thường xuyên sắp xếp lại các nhóm và sử dụng khiếu hài hước để khắc phục những trở ngại về giao tiếp và tổ chức.

Động não nâng cao

Sau đây là một số cách có thể giúp các phiên họp động não thành công:

• Đặt ra các giai đoạn — Mục tiêu là tạo ra một không khí tư duy thoải mái nhưng vẫn hợp lý. Hãy cam đoan với tất cả mọi người rằng đây chỉ là giai đoạn phát sinh và do vậy, tính hợp lý của các ý tưởng sau này mới được xem xét, đánh giá. Hãy tỏ ra khác thường và hài hước;

• Lập bản đồ tư duy các ý tưởng khi chúng nảy sinh — Điều này góp phần đưa ra các ý tưởng theo cách không theo đường tuyến tính và khuyến khích những ý tưởng khác phát sinh từ một trọng tâm;

• Khuấy động — Không khí trong nhóm sôi động bằng cách vạch ra trong đầu tất cả các kết quả có thể xảy ra nếu vấn đề được giải quyết. Ví dụ như khi đang tìm kiếm một sản phẩm mới, bạn sẽ đặt ra câu hỏi: Tất cả những lợi ích của nó là gì? Điều này sẽ dẫn đến sự linh động trong lối tư duy. Nó cũng tạo ra niềm vui trong việc giải quyết vấn đề và tham gia vào phiên họp động não;

• Xác định vẫn đề — Nhóm cần xác định vấn đề trước khi tiến tới giai đoạn động não;

• Bắt đầu với từng cá nhân — Hãy để mỗi người lập bản đồ tư duy cho giải pháp lên giấy. Bằng cách này, chúng ta có thể giữ lại dòng ý tưởng đang tuôn trào và khiến tất cả các thành viên trong nhóm tham gia nhiệt tình;

• Chia thành hai hoặc ba nhóm nhỏ — Sử dụng các nhóm nhỏ hơn để tạo điều kiện cho ý tưởng nảy sinh, sau đó lại tập hợp thành nhóm lớn và cùng chia sẻ những ý tưởng đó. Hãy để những ý tưởng này tạo ra nhiều ý tưởng hơn. Phân chia và tái hợp giữa nhóm lớn và các nhóm nhỏ. Hoạt động này sẽ làm tăng sự hăng hái và không khí vui vẻ;

• Các chỉ tiêu — Sau khi nhóm chủ chốt đã vạch ra tất cả các ý tưởng thì hãy chia thành các tiểu nhóm để thúc đẩy ý tưởng bổ sung nảy sinh. Sau đó, lắp ghép ý tưởng của các tiểu nhóm để tạo thêm ý tưởng cho nhóm lớn;

• Sự hài hước — Sau khi đã đạt được chỉ tiêu và dường như mọi người đều đã cạn hết ý tưởng thì vòng cuối cùng có tên “Ngốc nghếch và tức cười” thường gây ra tiếng cười và những ý tưởng tuyệt vời. Trong vòng động não này, bạn khuyến khích tất cả mọi người nghĩ đến những ý tưởng ngốc nghếch và tức cười nhất có thể. Giai đoạn này, nếu được tiến hành trong các tiểu nhóm, sẽ mang lại năng lượng mới cho mọi người. Sau khi lắp ghép các ý tưởng này, nhóm lớn sẽ biết cách chuyển từ ngốc nghếch và tức cười thành hợp lý;

• Viết ra những gì có trong bộ não — Một kỹ thuật đơn giản chia tờ giấy thành 21 hình vuông

(3 ngang, 7 dọc) và phát cho mỗi thành viên trong nhóm. Sau đó, giữ lại một tờ. Từng người viết ra một ý tưởng vào một trong ba hình vuông theo chiều ngang của tờ giấy. Sau đó, đặt tờ giấy vào giữa và lấy một tờ khác rồi lại viết ba ý tưởng theo chiều dọc. Cứ tiếp tục quá trình này cho đến khi hết thời gian hay nhóm đã cạn kiệt ý tưởng hoặc sức lực. Phương pháp này cho phép mỗi người có thể đưa ra các ý tưởng để tham khảo lẫn nhau mà không cần biết chúng là của ai.

Hiệu quả của một phiên họp động não phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hăng hái của mỗi thành viên. Khi sự hăng hái của các thành viên trong nhóm giảm xuống, bạn có thể tiến hành một bước phụ để tìm lại sự nhiệt tình, hăng hái đó và cải thiện quá trình nảy sinh ý tưởng. Bước phụ này nhằm khám phá những khía cạnh liên quan đến vấn đề. Nếu bạn đang có ý tưởng về một loại đồ chơi mới dành cho trẻ mẫu giáo, bạn có thể tiến hành bước phụ này và lập bản đồ tư duy cho tất cả các loại đồ chơi đã có từ trước đến nay. Hoặc bạn cũng có thể lập bản đồ tư duy cho những thứ ưa thích của trẻ em mẫu giáo – các chương trình ti vi, sách, đồ ăn…

Bất kỳ bước phụ nào mang lại thông tin liên quan đến vấn đề đều có thể giúp cho quá trình tư duy hồi sinh trở lại. Nếu bạn đang tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm xử lý văn bản, bạn có thể tiến hành bước phụ nhằm tìm ra tất cả những người sử dụng máy đánh chữ hay tất cả đặc tính của các hãng sử dụng lớn nhất hiện nay.

Khi bạn tiến hành bước phụ và thu nhập thêm thông tin, thông tin này cần phải được ghim lên tường để làm tài liệu tham khảo lâu dài. Sau đó, ngay lập tức hãy trở lại phiên họp động não về vấn đề chính.

Lập bản đồ tư duy và động não

Lập bản đồ tư duy và động não cùng nhau hoạt động để tiếp tục thúc đẩy sự sáng tạo và ý tưởng nảy sinh. Nhìn chung, động não là một hoạt động nhóm. Việc lập bản đồ tư duy sẽ thúc đẩy quá trình nảy sinh ý tưởng vì nhóm có thể nhìn rõ hơn các ý tưởng đã có khi chúng được sắp xếp theo trật tự. Hầu hết các phiên họp động não thường đưa ra các ý tưởng dưới dạng một danh sách ngẫu nhiên. Các ý tưởng không được tổ chức sẽ không có khả năng thúc đẩy các mối liên kết và quá trình sàng lọc.

Động não cá nhân

Lập bản đồ tư duy là cách thức tốt nhất để tiến hành quá trình động não cá nhân. Có thể áp dụng các quy tắc động não sau:

• Không phán xét – ghi lại tất cả ý tưởng;

• Số lượng trước – phân tích sau.

• Các ý tưởng có thể làm nảy sinh các ý tưởng khác.

Bất cứ khi nào bạn gặp khó khăn, hãy dành từ 10 đến 15 phút để lập bản đồ tư duy cho những giải pháp có thể. Sau đó, đặt trọng tâm của vấn đề vào giữa trang giấy và để tất cả suy nghĩ, ý tưởng của mình tự do tuôn trào. Bạn sẽ sớm nhận ra những ý tưởng và khả năng hoàn toàn mới.

Luyện tập

Hãy thử động não bất cứ trường hợp nào dưới đây mà bạn thích:

• Làm thế nào để kiếm tiền cho con học đại học;

• Làm thế nào để sống vui vẻ hơn;

• Làm thế nào để thăng tiến trong công việc;

• Làm thế nào để vẽ cây gia phả;

• Ngôi nhà mơ ước của bạn sẽ như thế nào;

• Công việc mơ ước của bạn sẽ như thế nào;

• Làm thế nào để phát triển một mối quan hệ lý tưởng;

• Làm thế nào để giảm cân hoặc bỏ thuốc lá;

• Làm gì với mảnh sân sau nhà;

• Làm gì với những chiếc là rụng trong vườn cần được quét dọn;

• Làm gì với những thứ trong ga-ra (gác xép hay tầng trên);

• Bắt bọn trẻ dọn dẹp phòng gọn gàng bằng cách nào;

• Học một kỹ năng, ngoại ngữ hoặc nhạc cụ mới bằng cách nào.

Hãy thử động não về những tình huống này như một trò chơi. Hãy xem những gì bạn có được chỉ sau vài phút động não.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.