Bí Quyết Thành Công Của Henry Ford
III. CÔNG TRÌNH NHÂN LOẠI
Cùng với sự phát triển, những cải cách của Công ty ô tô Ford nhanh chóng được bắt đầu từ cuối những năm 40 của thế kỷ XX. Những công nhân mong chờ sự thay đổi đều ở lại công ty, còn những người thích hệ thống cũ, nếu không nghỉ hưu thì cũng bị cho nghỉ việc. Việc xây dựng một hệ thống kế toán mới ở Công ty ô tô Ford ban đầu có thể là một kế hoạch 5 năm nhưng Công ty ô tô Ford không có nhiều thời gian như thế: tất cả mọi việc đều phải xảy ra ngay lập tức. Cùng với việc tổ chức lại hệ thống kế toán, Henry II và Ernest Breech còn khơi dậy một cuộc cách mạng phân tán hóa quản lí một cách triệt để. Trong thời điểm cùng lúc diễn ra nhiều sự việc to lớn như vậy, sức lãnh đạo là vô cùng quan trọng.
Trong bộ máy tổ chức phân tán hóa mới này, công việc kinh doanh của Công ty ô tô Ford được chia cho những bộ phận khác nhau, trong tình hình này, Ford và Lincoln – Mercury là hai phần dễ phân biệt nhất. Việc sáp nhập Mercury và Lincoln thành một (tuyên bố vào ngày 30 tháng 1 năm 1948) là việc duy nhất khiến mọi người kinh ngạc. Cùng với các bộ phận khác, nhà máy luyện kim phụ trách phần công nghiệp nặng, bao gồm việc sản xuất thép, pha lê và công cụ. Trong khuôn khổ tài chính mới của công ty, các bộ phận này đều phải kinh doanh có lãi. Phần linh kiện và thiết bị bao gồm 10 nhà máy linh kiện chuyên môn hóa. Sáu ban ngành được phân định vào năm 1948 sau 3 năm đã được chia thành 16 ban ngành, nhưng chúng đã đại diện cho bước đầu của tiến trình hiện đại hóa của Ford. Các bộ phận nêu trên đều có phòng mua bán riêng, chỉ chịu trách nhiệm về tình hình sản xuất và tài chính của mình. Ngoài ra, các bộ phận cũng tự đưa ra dự toán, đây là một mặt quan trọng của quy hoạch tương lai. Công ty ô tô Ford cũng có bộ máy tham mưu của mình, bao gồm Henry II, Ernest Breech và một nhóm nhỏ những giám đốc điều hành về kỹ thuật công trình, tiêu thụ, quan hệ lao động tiền lương và một số các mặt khác. Cùng với sự phát triển của các bộ phận, Benson Ford tiếp quản Lincoln-Mercury, kế thừa sự nghiệp của cha. Lão tướng Logan Miller quản lí nhà máy luyện kim. Lewis Crusoe quản lí bộ phận ô tô Ford. Graeme K Howard phụ trách bộ phận nghiệp vụ hải ngoại của Ford. John Dykstra phụ trách bộ phận tổng hợp.
Trong một thời gian ngắn, Công ty ô tô Ford đã có được động lực tiến lên.
Henry II một mặt kiên trì lợi dụng nguồn tài sản vô hình của công ty, bao gồm tình yêu của công chúng đối với công ty; một mặt, để công ty tránh khỏi những điều kiện bất lợi (có tính chất lịch sử, đặc biệt là sự đi xuống của sản phẩm và phương pháp quản lí), thực hiện mục tiêu của mình, ông bất ngờ mở rộng mảng truyền thông. Công ty đã tự xuất bản 25 cuốn tạp chí, bao gồm 3 cuốn tạp chí quan hệ công chúng. Một trong số đó là tạp chí “Thời đại Ford” ra đời năm 1908. Trước đây số lượng phát hành của nó bị hạn chế nhưng đến năm 1949, đã có 1,4 triệu khách hàng và khách hàng tiềm năng của Ford nhận được cuốn tạp chí này.
Năm 1946, Walter Reuther trúng cử vào chức vụ Chủ tịch toàn quốc công đoàn ô tô Mỹ. Reuther không xếp Henry II vào số những chủ thuê phản công đoàn. Mối quan hệ giữa người lao động và tầng lớp quản lí luôn là đề tài trong nhiều lần diễn thuyết của ông. Henry II không phải là tác giả viết diễn thuyết nhưng ông lại là tác giả của tư tưởng diễn thuyết. Ông chính là người phát triển một kiểu triết học mà ông gọi là “công trình học nhân loại”. Năm 1947, Công ty ô tô Ford đã chứng minh thành ý của mình. Công ty đã đưa kế hoạch về lương hưu lên bàn đàm phán, khi đó công đoàn thậm chí còn chưa từng đưa ra một yêu cầu nào như vậy. Reuther đã phản đối kế hoạch này, một phần là vì ông chưa thiết lập được bộ phận quản lí quỹ nào trong tổ chức Công đoàn ô tô Mỹ (UAW). Nhưng hai năm sau, ông đã yêu cầu đưa vấn đề lương hưu vào hợp đồng lao động phổ thông. Một trong những nguyên nhân là vì trong tình hình lạm phát đang thu hẹp, chỉ số giá cả đang tiếp tục hạ, mức tiền lương có xu thế tăng nhẹ, tiền lương hưu là một sự lựa chọn có lợi.
Tháng 6 năm 1949, UAW đã tổ chức một cuộc bãi công kéo dài 3 tuần rưỡi ở Dearborn. Khi đó, trong suốt 8 năm liền, Công ty ô tô Ford không có một cuộc bãi công lớn nào. Reuther đưa ra yêu cầu Công ty ô tô Ford phải cấp lương hưu cho tất cả những người công nhân có thời gian làm việc 30 năm. Ông yêu cầu lập quỹ lương hưu vì đây là một biện pháp đảm bảo. Ông cũng hy vọng UAW có thể tham gia vào việc quản lí quỹ. Sau khi tiến hành đàm phán thương lượng, Công ty ô tô Ford đã đồng ý kế hoạch lập quỹ vì công ty tin tưởng rằng, quỹ tiền lương sẽ nâng cao mức độ trung thành của công nhân, từ đó nâng cao mức độ ổn định của công ty.
Henry II đã thay đổi quy tắc tuyển dụng của Công ty ô tô Ford. Đầu tiên, ông áp dụng phương pháp phỏng vấn từng người một; tiếp đó, giải thích rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ trong các giáo trình giảng cho nhân viên; ngoài ra, tầng lớp quản lí sơ cấp cũng không ngừng được bồi dưỡng để giảm bớt mâu thuẫn phát sinh trên dây chuyền sản xuất; những nhân công mới sẽ được kiểm tra sức khỏe, dịch vụ y tế 24/24; công ty khuyến khích tất cả các nhân viên không ngừng học tập, tiến bộ.
Do lý luận công trình nhân loại của Henry II đã được nhiều doanh nghiệp hiện nay áp dụng nên nó không có gì đặc biệt đối với con người hiện đại, nhưng vào giai đoạn cuối những năm 40 của thế kỷ XX, lý luận này đã đại diện cho sự thay đổi vô cùng lớn về cuộc sống của người công nhân. Chính khái niệm “công trình nhân loại” đã khiến tỷ lệ thay mới công nhân của Công ty ô tô Ford trong hai năm giảm 50%. Năm 1948, trong khi tỷ lệ đó ở ngành chế tạo của Mỹ là 4,8% thì ở Công ty ô tô Ford chỉ có 2,9%. Ngoài ra, số lần bãi công cũng giảm nhiều. Vào năm 1945, những cuộc bãi công đã khiến Công ty ô tô Ford mất đi 78.418 ngày công thì đến năm 1948, con số chỉ còn 3.532.
Cuối Đại chiến Thế giới II, Công ty ô tô Ford đã bắt đầu lên kế hoạch sản xuất một loại ô tô kiểu nhỏ cho thị trường. Đó là loại ô tô 4 chỗ, động cơ 4 xi-lanh, kiểu xe kinh tế mang phong cách châu Âu. Các nhà lãnh đạo của Ford cho rằng, kiểu ô tô này rất dễ chế tạo và được người tiêu dùng đón nhận. Nhưng đến thời kỳ đầu sau chiến tranh, Công ty ô tô Ford đã nhận ra sai lầm của mình, Henry II từ bỏ ý định đưa loại ô tô này ra thị trường. Phương án thiết kế loại xe này được Công ty ô tô Ford ở Pháp áp dụng với kiểu xe Vedette, còn Công ty ô tô Ford ở Dearborn thì đi vào sản xuất, cải tiến loại xe trước chiến tranh.
Kiểu xe vừa cũ vừa mới bán được trong vài năm đầu. Kiểu xe Mercury trước chiến tranh cũng vậy, kể cả chiếc Lincoln Continental, nhưng mọi người lại muốn một chiếc xe Ford hoàn toàn mới. Henry II biết rằng, sau chiến tranh, sự cạnh tranh thị trường sẽ ngày càng gay gắt chứ không suôn sẻ như giai đoạn đầu khi chiến tranh mới kết thúc. Trong những ngày nhậm chức, Henry II đã chứng minh năng lực của mình trong nhiều lĩnh vực, nhưng trong việc đưa một chiếc xe mới từ bản thiết kế lên dây chuyền sản xuất thì ông không được coi là một nhà sản xuất ô tô thực sự.
Để thiết kế kiểu xe mới, ngoài đội ngũ thiết kế của công ty, Henry II còn ủy thác cho George W. Walker. Cả hai đội thiết kế bắt buộc trong vòng 3 tháng phải đưa ra bản thiết kế mới. Ngày 8 tháng 6 năm 1948, kiểu xe mới của Ford ra mắt công chúng tại New York và giành được giải thưởng của nhiều tổ chức thiết kế. Về mặt kỹ thuật, kiểu xe ra đời năm 1949 là một bước đột phá so với trước đây. Sau khi được đưa ra thị trường, lượng tiêu thụ của kiểu ô tô Ford mới liên tục tăng mà không hề có xu hướng giảm đi. Kiểu xe mới năm 1949 của Ford đã tạo ra một thành tựu trong tiêu thụ, đạt mức 1.118.740 chiếc. Nó là kiểu ô tô Ford đầu tiên kể từ chiếc dòng A ra đời năm 1929, có lượng tiêu thụ vượt qua con số triệu chiếc. Theo một số tính toán thì Ford đã vượt qua Chervolet.
Để lấy lại địa vị trước đây của Công ty ô tô Ford, đồng thời quảng bá rộng rãi kiểu xe mới, Henry II đã phát động một hoạt động chưa từng có trong lịch sử: góp quỹ cho Hội quỹ United Foundation, tiền thân của quỹ United Way. Với tư cách là Chủ tịch toàn quốc của quỹ Community Chest of America, Henry II tin tưởng rằng các hoạt động từ thiện chỉ phát huy được tác dụng tốt nhất dưới những nỗ lực chung ở các phương diện. Thành quả thật là phi thường. Cùng với số tiền 310.000 đô-la quyên góp của Công ty ô tô Ford, Henry II còn phát động thành công các nhân viên của mình mỗi người quyên góp 10 đô-la, tổng số tiền quyên góp được là 940.000 đô-la.
Từ năm 1949 đến năm 2002, số tiền mà Công ty ô tô Ford đã quyên góp cho quỹ United Foundation đã vượt con số 400 triệu đô-la. Nhưng điều quan trọng hơn là, kể từ năm 1949, công ty đã đưa ra một phương pháp mới để nhân viên có thể dễ dàng tham gia vào các hoạt động quyên góp từ thiện. Chỉ cần điền vào một bảng mẫu là nhân viên có thể để công ty khấu trừ 10 đô-la, 20 đô-la, thậm chí 100 đô-la trong tiền lương của mình để ủng hộ quỹ. Phương pháp này đã được một số công ty lớn khác áp dụng. Đến những năm 60 của thế kỷ XX, phương pháp khấu trừ lương đã trở thành một phương pháp quyên góp thông dụng trên toàn nước Mỹ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.