Lý Gia Thành – “Ông Chủ Của Những Ông Chủ”

1. Mọi ngả đường đều dẫn đến Hồng Kông



Triều Châu có một truyền thuyết kể về một người đàn ông Triều Châu đầu tiên đến lập nghiệp ở đất Hồng Kông. Chuyện kể rằng, đầu thế kỷ XIX, tại một ngôi làng nhỏ vùng ngoại ô Triều Châu, một gia đình học giả nghèo nhưng học rộng tên là Trần đã đón một cậu bé chào đời. Trần không có tiền làm một bữa cơm thịnh soạn để ăn mừng nên họ hàng, làng xóm đã đề nghị mỗi người sẽ góp chút ít. Để khỏi mất mặt, Trần quyết định vay tiền tổ chức buổi tiệc.

Ngày vui đã đến. Nhưng thật không may, thức ăn được bày lên chiếc bàn để ngoài sân và trong khi mọi người không để ý con lợn nhà hàng xóm xổng chuồng đã húc đổ hàng rào, lao thẳng vào bàn thức ăn, tạo nên một đống hỗn độn và phá hỏng bữa tiệc.

Trần vô cùng chán nản và xấu hổ. Ông vốn không có tiền cũng chẳng hào hứng gì, thế mà… Trong khi mọi người bận bịu đuổi bắt con lợn phá phách, do không muốn đối mặt với vợ con, làng xóm và họ hàng nên Trần đã bỏ làng ra đi về phía Nam. Ông đi rất lâu và cuối cùng dừng chân tại một hoang đảo, đó chính là lãnh thổ Hồng Kông sau này.

Sau đó, Trần mở một trường tiểu học ở phía tây bắc đảo. Trong thời gian đó, các du khách Triều Châu du thuyền từ Thiên Tân tới vùng biển phía Nam đều giao cho Trần lo chuyện ăn ở. Vì ông là dân Triều Châu bản xứ nên họ rất tin tưởng. Sau đó, do lượng du khách Triều Châu ngày một tăng, nhu cầu lương thực và nhà trọ cũng tăng theo nên Trần tận dụng cơ hội này xây một khách sạn nho nhỏ. Về sau, Trần đón vợ và các con đến ở cùng.

Mặc dù câu chuyện “đổi đời” của Trần không phải là phổ biến nhưng có rất nhiều người Trung Quốc ra đi lập nghiệp, nhất là những người Triều Châu theo chân Trần thoát khỏi nghèo đói và áp bức, đến tìm chốn nương thân ở đất Hồng Kông. Một ví dụ điển hình chính là câu chuyện về Lý Gia Thành.

Lý Gia Thành là con trai của thầy giáo Lý Vân Kinh. Ông sinh ra vào “giờ xấu”, theo như lịch của người Trung Quốc xưa, đó là ngày 29 tháng 7 (tức ngày 23 tháng 6 Dương lịch) năm 1928, trong một ngôi nhà nằm trên đường Cổng Bắc, ngõ Mì Sợi tại Triều Châu. Chỉ vài tuần trước đấy, tức vào ngày mùng 4 tháng 6, lính Nhật đã bí mật đánh bom chiếc xe chở “cựu Nguyên soái” Trung Quốc, ông Trương Tác Lâm. Sự kiện này đã đánh dấu việc Nhật Bản chính thức xâm lược đất nước Trung Hoa.

Cuộc xâm lược này là một “cơn ác mộng” kéo dài mười bảy năm trời, đến tận khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Và cũng chính nó đã khiến cuộc đời Lý rẽ sang hướng khác: ông phải bất đắc dĩ di cư sang Hồng Kông và nếm trải cảm giác ở thuộc địa trong thời kỳ sơ khai với hai bàn tay trắng.

Tổ tiên của Lý nhiều thế kỷ trước cũng buộc phải trốn chạy khỏi cảnh áp bức, bóc lột như vậy. Xuất phát từ các đồng bằng khu trung tâm, sau đó họ tới tỉnh Phú Giang và thành phố của Phổ Điền. Cuối đời Minh, năm 1644, tổ tiên của Lý lại một lần nữa trốn chạy khỏi cuộc chiến đẫm máu giữa quân đội triều đình với dân tộc Mãn Châu ở phía bắc Trung Quốc.

Mười thế hệ trước khi Lý ra đời – năm 331 sau Công nguyên, ông cha Lý đã tìm đến định cư ở vùng đất Lý ra đời – Triều Châu, có nghĩa là “thủy triều lên xuống luân phiên”, một thành phố ven bờ sông Hán. Tổ tiên của Lý ở Triều Châu rất có tiếng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Trên thực tế, mặc dù trong nhiều thế kỷ, hầu hết các thương gia tài giỏi đều là người Quảng Đông và Thượng Hải nhưng dưới triều Minh (1368 1644), hai thành phố Sán Đầu và Triều Châu ở phía đông tỉnh Quảng Đông lại là “cái nôi” sản sinh ra những thương gia kiệt xuất trong lĩnh vực kinh tế.

Đến năm 1911, sự rối ren, đảo lộn trong chính trị và kinh tế làm cho triều Thanh hoàn toàn sụp đổ. Đến tháng 10 năm đó, các các phe phái liên tỉnh nhóm họp ở Vũ Xương khởi xướng một cuộc cách mạng và kết thúc trong năm sau bằng sự ra đời của chính quyền cộng hòa do chủ tịch nước đứng đầu.

Trong khi sự hoành hành, náo loạn của Chiến tranh Thuốc phiện và sự bất lực của triều Thanh buộc nhiều nông dân, công nhân Trung Quốc phải đi mưu sinh khắp nơi thì sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1912 đã mở ra một thời đại mới. Một nền cộng hòa báo hiệu sự ra đời của luật pháp mới, nghị viện mới không theo khuynh hướng dân chủ phương Tây. Bất cứ người nào có chứng chỉ giáo dục cũ do triều Thanh cấp sẽ không đủ tư cách trở thành một quan chức “hiện đại” mà hệ thống quản lý hiện giờ đang cần. Các học giả Nho giáo của triều đình cũ trở nên thừa thãi, vô dụng và là tâm điểm của các trò đùa.

Trong một tác phẩm châm biếm nổi tiếng về các học giả của triều đình cũ, Lỗ Tấn, nhà văn hiện đại đầu tiên của Trung Quốc đã viết về một học giả tên Khổng như thế này:

Khổng là vị khách duy nhất mặc quan phục đến quán uống rượu. Đó là một người đàn ông to lớn, xanh xao đến lạ với những vết sẹo xen giữa các nếp nhăn trên khuôn mặt. Ông ta có có một bộ râu bù xù, rậm rạp điểm vài sợi trắng… Ông ta ưa sử dụng cổ văn trong giao tiếp nên khó mà hiểu được phân nửa những gì ông ta nói… Bất cứ khi nào ông ta đến cửa hàng, mọi người đều quan sát rất chăm chú và cười khúc khích. Và ai đó sẽ gọi tướng lên: “Ơi ông Khổng! Có mấy vết sẹo mới trên mặt ông đấy! Ông chắc chắn lại vừa đi ăn trộm về!” “Tại sao lại kết luận một người tốt vô căn cứ như vậy?”, Khổng sẽ hỏi như vậy, mắt mở to… “Lấy một quyển sách không thể coi là ăn trộm được… Lấy một quyển sách, việc một học giả làm không thể coi là ăn trộm!” Ông ta sẽ nói, theo như trích dẫn trong bản viết cổ thì “Giấy rách phải giữ lấy lề” và giải thích rắc rối cổ xưa, là việc mình mình làm, ai cười mặc ai.

Một nước Trung Quốc mới ra đời, đó không phải đất nước Trung Quốc mà cha của Lý Gia Thành có thể dự đoán được. Trên thực tế, ông chính là loại người mà Lỗ Tấn châm biếm, một kẻ coi trọng bằng cấp trong hệ thống thi cử truyền thống mà ở đó giáo dục được dành riêng cho các học giả để trở thành quan lại trong triều. Tuy vậy, ông vẫn kiên trì và với nỗ lực học hành, ông đã xây dựng truyền thống hiếu học cho cả gia đình. Cha và bác của Lý Gia Thành đã thấm nhuần lý tưởng học tập là một truyền thống cao đẹp. Trong khi một ông bác giảng dạy tại ngôi trường ở Triều Châu sau một thời gian làm thanh tra chính phủ tại Sán Đầu thì một người bác khác học về thương mại và người bác thứ ba giảng dạy cho một ngôi trường về nông nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1912 với vị trí đứng đầu lớp, Lý Vân Kinh đã giảng dạy cho một ngôi trường ở Triều Châu một thời gian. Vì các quốc gia phương Tây luôn kiểm soát nền kinh tế Trung Quốc nên người dân cảm thấy cuộc sống không được đảm bảo. Tình hình hỗn loạn, bất ổn nơi quê nhà đã thôi thúc Lý Vân Kinh tới Giava làm thư ký cho một công ty để mưu sinh. Nỗi nhớ gia đình cộng với sự nhìn nhận tình hình đất nước Trung Quốc sẽ sáng sủa hơn, ông đã quay về Triều Châu và làm thủ quỹ cho một nhà băng. Khi nhà băng này phá sản năm 1928, ông quay trở lại trường học làm hiệu trưởng.

Vào thập niên 1920, Nhật Bản bắt đầu xâm chiếm Trung Quốc, đầu tiên là Đông Bắc và sau là dọc đường bờ biển từ Đại Liên tới Thượng Hải và Quảng Châu. Một trong những lý do quan trọng giúp Nhật Bản giành được thắng lợi đầu tiên ở Trung Quốc là sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, lực lượng phương Tây đã rệu rã và không còn ý định cản trở tham vọng bá chủ toàn cầu của Nhật Bản nữa. Nhật Bản rảnh tay thôn tính Trung Quốc khiến người dân Trung Quốc phải sống trong cảnh lầm than. Trên thực tế, có một khẩu hiệu Nhật Bản luôn quán triệt khi thôn tính Trung Quốc và đã tàn sát hơn 20 triệu người dân Trung Quốc là “Giết tất cả, đốt tất cả, phá tất cả”.

“Thời kỳ đáng buồn” này là giai đoạn Lý Gia Thành lớn lên ở Trung Quốc. Dù tuổi thơ tương đối phẳng lặng thì chiến tranh vẫn in một vết hằn trong tâm trí ông. Có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Lý rất hạn chế quan hệ với người Nhật trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình. Từ những năm tháng sống dưới ách thống trị Nhật, Lý vẫn còn lưu lại ký ức sống động về nỗi gian khổ của cha. Trong suốt quãng thời gian trưởng thành ở Trung Quốc, Lý Gia Thành được cha là Lý Vân Kinh nuôi dưỡng lòng căm thù sâu sắc đối với quân Nhật cướp nước. Cha cũng là người định hình cho ông những suy nghĩ về nghệ thuật kịch và thơ. Đây là một bài thơ hô hào nhân dân kháng chiến chống Nhật của Lý Vân Kinh:

Nhật là kẻ thù lớn

Đã ức hiếp chúng ta suốt mấy thập niên

Chúng chiếm đóng Đài Loan, tiêu diệt Triều Tiên

Chúng cướp các tỉnh miền Đông Bắc nước ta

Quân Nhật đã gây bao tội lỗi

Nhưng chúng không thể nào giết hết chúng ta

Hãy ủng hộ sức của, hãy đóng góp sức người

Chung lưng chống đế quốc Nhật.

Là một người ái quốc với tình yêu nước nồng nàn, Lý Vân Kinh cũng phải đối mặt với thực tế mà những thế hệ đi trước mình từng gặp phải, đó là tự do thoát khỏi áp bức và hoàn cảnh kinh tế chỉ cho một con đường duy nhất để sống và tồn tại. Quân Nhật với lực lượng hùng mạnh đã đánh chớp nhoáng vào những địa điểm nhỏ nhưng không kém phần quan trọng, những thành phố biển như Triều Châu. Sự tàn phá khủng khiếp của cuộc chiến tranh đã buộc trường học của Lý Vân Kinh phải đóng cửa và ông trở thành thất nghiệp. Năm 1939, ông đưa gia đình về vùng nông thôn sống với mấy người dì và chẳng bao lâu sau đã gặp phải cơn bĩ cực của cuộc đời. Khi mẹ sắp lâm chung, Lý Vân Kinh ngồi bên giường nói: “Con vừa mới mất việc và chưa biết phải làm gì để kiếm kế sinh nhai. Nếu gia đình đau ốm, con cũng không có tiền thuốc thang. Con là một kẻ tị nạn trong ngôi nhà của họ hàng. Cuộc đời thật buồn.”

Dù yêu quê hương, dù cậu con mười một tuổi Lý Gia Thành sắp vào trung học, Lý Vân Kinh vẫn xác định phải đưa gia đình tới nơi ở an toàn. Sau khi đưa cho cậu em tờ bạc một đô-la để trang trải phần nào hậu sự cho mẹ, Lý Vân Kinh quyết định chọn Hồng Kông làm nơi cư trú tốt nhất cho gia đình. Mùa đông năm 1940, thời gian diễn ra chiến dịch thảm sát tận gốc của quân Nhật, Lý Vân Kinh cùng gia đình lên thuyền tới Hồng Kông. Sau một quãng đường biển dài, họ phải vất vả đi bộ nốt hành trình tới thuộc địa của Anh với tư cách là những người di cư nghèo nhưng đầy hy vọng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.