Lý Gia Thành – “Ông Chủ Của Những Ông Chủ”

5. Công ty thương mại của ngài Lý



“Điều thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển là những thương vụ. Nói cách khác, đó là việc tạo ra lợi nhuận, không chỉ cho bản thân thương gia mà còn cho cả công ty của họ” – đó là lời nhận xét của ông chủ ngân hàng đầu tư người Anh, Philip Tose, một đối tác thân cận của Lý Gia Thành. Luôn dồn hết tâm trí vào công việc, Lý Gia Thành bộc bạch: “Thú thực, tôi không có nhiều niềm đam mê… Điều hấp dẫn nhất đối với tôi là làm việc chăm chỉ và kiếm thật nhiều tiền”.

Tuy nhiên, cho tới năm 1979, kinh doanh bất động sản mới thật sự trở thành niềm đam mê lớn của Lý Gia Thành. Là ông chủ nhà đất tư nhân giàu có bậc nhất Hồng Kông, đồng thời là ông trùm bất động sản với sự nhạy bén tuyệt vời, Lý Gia Thành kỳ vọng một điều lớn lao hơn: Ông muốn mọi người đều phải công nhận vị trí hàng đầu của mình trong giới kinh doanh Hồng Kông. Chính xác hơn, ông muốn có thứ mà chưa một người Trung Quốc nào có được; đó là việc sở hữu được một công ty thương mại phương Tây.

Vào thời kỳ đầu chế độ thực dân cai trị ở Hồng Kông, người Anh đã lập nên những công ty thương mại, rồi từ đó các công ty thương mại phương Tây đã phát triển thành những tập đoàn thương mại lớn. Những công ty này nắm giữ lợi nhuận từ việc buôn bán hàng hóa, sản xuất, bất động sản và bán lẻ. Họ chính là động lực của nền kinh tế Hồng Kông. Kể từ khi người Anh tiếp quản nơi này vào năm 1842 và mở cánh cửa thông thương vào thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng, ngành thương mại Hồng Kông đã vào guồng và các công ty thương mại chính là nguồn sức mạnh vận hành cỗ máy đó. Ở Hồng Kông, công ty thương mại đầu tiên có tên Jardine Matheson được coi là tổ chức đầu tiên quản lý thuộc địa này, tiếp đó là Câu lạc bộ Đua ngựa Hoàng gia Hồng Kông rồi mới đến chính phủ thuộc địa.

Công ty Jardine Matheson hiển nhiên chiếm vị trí số một trong số các công ty thương mại thời bấy giờ. Những người đầu tiên gây dựng nên công ty này là William Jardine, một bác sĩ trên tàu của Công ty Đông Ấn và James Matheson, con trai một tòng nam tước Scotland, từng là lãnh sự Đan Mạch ở Trung Quốc. Jardine, Matheson dồn hầu hết số vốn ban đầu để buôn lậu thuốc phiện từ Calcutta vào các thành phố phía đông nam Trung Quốc. Khi Hồng Kông được chuyển giao cho người Anh theo Hiệp ước Nam Kinh năm 1842, Jardine Matheson trở thành công ty nước ngoài đầu tiên mua đất trên thuộc địa này rồi chuyển hẳn trụ sở từ một khu đất nhỏ gần Quảng Châu về đây. Chỉ trong vòng một năm, Jardine Matheson đã nổi lên là “công ty thương mại lớn nhất”, xây dựng được hạ tầng cơ sở đáng kể ở Viễn Đông bao gồm nhiều cầu cảng, nhà kho, những công trình xây dựng bằng đá đồ sộ, một văn phòng, nhiều nhà ở, một nhà ăn nhỏ, một đường hạ thủy cho tàu thuyền cùng nhiều nhà xưởng và chuồng ngựa.

Vào thời gian này, Jardine Matheson cũng mở nhiều chi nhánh tại Thượng Hải, Phúc Châu, Thiên Tân cũng như ở Đài Loan và Nhật Bản. Ở Hồng Kông, công ty này đã nắm được vị trí chủ đạo về kinh tế. Mọi hoạt động giao dịch quan trọng trong thuộc địa đều phải thông qua nó. Dựa vào khả năng ảnh hưởng của mình đối với ban giám đốc các công ty như Công ty Đầu tư nhà đất Hồng Kông, Công ty Cầu cảng và Nhà kho Hồng Kông-Cửu Long, Công ty Phà hành khách Star Ferry-Hồng Kông và Công ty Xe điện Hồng Kông, Jardine Matheson đã kiểm soát được đất đai và giao thông liên lạc. Công ty này đã mua và thành lập nhiều xí nghiệp ủ bia, nhà máy sản xuất bông; buôn bán chè và lụa; xây dựng cầu tàu, nhà kho; quản lý kho đông lạnh và nhà máy đóng gói. Để vận chuyển hàng hóa vào Trung Quốc, Jardine Matheson đã thành lập Công ty Hàng hải Hơi nước Đông Dương; vào năm 1876, với sự hợp tác của Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông-Thượng Hải, công ty đã xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên ở Trung Quốc nối liền Thượng Hải với các bến tàu ở Vũ Tống. Jardine Matheson kiểm soát phần lớn mậu dịch ở Trung Quốc, thậm chí cả giao thông vận tải, đặc biệt là đường thủy trọng yếu dọc sông Trường Giang. Khi đã nắm gọn nền kinh tế Trung Quốc trong lòng bàn tay, hẳn nhiên hai nhà sáng lập người Scotland của công ty này không bao giờ hình dung tới một ngày nào đó sẽ có một thương nhân Trung Quốc vượt mặt với một công ty thương mại của chính mình.

Công ty thương mại mang lại cho Lý Gia Thành vị trí dẫn đầu về sức mạnh và tầm ảnh hưởng thương mại ở Trung Quốc, và sau này trên toàn châu Á, là Công ty John D. Hòa Ký Hoàng Phố. Thành lập năm 1828 và được ca ngợi là một viên ngọc quý trong số những công ty thương mại Anh đầu tiên, Hòa Ký Hoàng Phố, giống như nhiều công ty thương mại ở Hồng Kông, có thế mạnh về xuất khẩu; lĩnh vực đầu tư ban đầu của nó là bến tàu và vận chuyển đường biển. Khi mà cuộc chiến tranh ở Trung Quốc chẳng mấy chốc đã làm giảm đi tầm ảnh hưởng của công ty này tại Hồng Kông cũng như ở cả châu Á thì Đại tá John Douglas Clague – từng giữ chức Phó chủ tịch Ngân hàng Hồng Kông, “một trong những nhân vật đáng chú ý đối với quá trình công nghiệp hóa của Hồng Kông” – sau cùng đã phục hồi và tổ chức lại công ty trở thành Công ty Quốc tế Hòa Ký Hoàng Phố. Đến giữa những năm 1960, nhờ có chính sách năng động của Clague như liên doanh với những công ty địa phương có uy tín, Hòa Ký Hoàng Phố đã hồi sinh trong thế giới thương mại Hồng Kông. Cần phải nói rằng sức mạnh của Clague nằm ở những mối quan hệ mà ông đem lại cho công ty: không chỉ là thành viên Hội đồng Lập pháp và Đô thị của Hồng Kông, Clague còn có mối quan hệ sâu rộng với ban giám đốc của các công ty như Wheelock Marden, Bảo hiểm Lombard, Dairy Farm, Ice & Cold Storage, Công ty Dệt Hồng Kông, Bất động sản và Tín dụng Hồng Kông, Bất động sản Harriman, Dịch vụ Du lịch American Lloyd, Công ty Thế chấp và Tài chính Phương Đông, Mô-tô Viễn Đông, Hàng hải,

Vận tải biển Cameron, Vận tải biển Vanguard, Hàng hải Đông Á, Tập đoàn Triển vọng Phát triển Viễn Đông, Trường Đào tạo phi công Viễn Đông và Hàng không Viễn Đông.

Con người biết nhìn xa trông rộng này rất tin tưởng rằng Công ty Quốc tế Hòa Ký Hoàng Phố có thể đóng một vị trí quan trọng không chỉ tại Hồng Kông mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vào thập niên 1970, Clague đã làm phật lòng nhà cho vay vốn quan trọng nhất, đó là Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông-Thượng Hải. Ngân hàng này cho rằng kế hoạch mở rộng của Clague rất “tiêu cực và cơ hội”. Thực tế là trong khi Hòa Ký Hoàng Phố thu về được những khoản lợi nhuận từ nhiều chi nhánh khác nhau như Công ty Cầu cảng Hồng Kông Whampoa, Công ty Đường hầm xuyên cảng hay hai chi nhánh Hòa Ký Hoàng Phố tại Australia và Anh trong năm 1973 thì đến năm 1975, báo cáo cho thấy công ty này đã làm cho các cổ đông đáng thương phải chịu một khoản thua lỗ lên tới 130 triệu đô-la Hồng Kông (25 triệu đô-la Mỹ). Tác giả của “Bản báo cáo kinh tế Viễn Đông”, Phillip Bowering, đã thống kê thiệt hại: “Sự thua lỗ ước chừng 130 triệu đô-la Hồng Kông bao gồm: những khoản lỗ phi thực tế về ngoại hối từ một khoản cho vay bằng đồng phrăng Thụy Sỹ; sự giảm sút giá trị của các khoản đầu tư – có lẽ là cổ phần đảm bảo của Anh; những thâm hụt thương mại mà điển hình là Hachiya Electronics, một bước đi tai hại của công ty này khi cố thâm nhập vào thị trường gà rán Kentucky, hay Tập đoàn Len Hilwin thua lỗ tới 40 triệu đô la Hồng Kông mà trong đó, Hòa Ký Hoàng Phố phải chịu tới 13 triệu đô-la Hồng Kông. Thêm vào đó, chắc hẳn còn nhiều số liệu về đầu tư vào các chi nhánh và các công ty đối tác nằm dưới giá trị tài sản thực tế.”

Trong lúc Hòa Ký Hoàng Phố không thể trả đủ lãi cho món nợ, Ngân hàng Hồng Kông đã ngỏ ý muốn giúp đỡ. Nếu các cổ đông đồng ý, ngân hàng sẽ mua 150 triệu cổ phiếu mới của Hòa Ký Hoàng Phố với giá 0,20 đô-la Mỹ một cổ phiếu; điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ nắm hơn 33% cổ phần của công ty. Các cổ đông không còn sự lựa chọn nào khác. Ngay cả chính phủ thuộc địa cũng không thể làm gì hơn cho dù họ có quyền cấm một ngân hàng không được nắm giữ quá 25% cổ phần của một công ty. Thay vào đó, chính phủ đã tìm giải pháp khác nhằm tránh để một công ty thương mại lớn bị phá sản.

Trong vòng hai năm, Công ty Quốc tế Hòa Ký Hoàng Phố đã sáp nhập với công ty con là Công ty Cầu cảng Hồng Kông Whampoa thành Công ty Hòa Ký Hoàng Phố. Với tình hình Clague buộc phải từ chức và vấn đề lưu thông tiền tệ không còn đáng lo ngại, Ngân hàng Hồng Kông đã có thể an tâm giảm sự sở hữu của mình ở Hòa Ký Hoàng Phố xuống còn 22% – chính là số cổ phần mà sau này Lý Gia Thành nắm được.

Không có gì là bất ngờ khi Ngân hàng Hồng Kông chọn Lý Gia Thành chứ không phải một ai khác để đảm nhận một trong những con nợ lớn nhất của mình. Thực tế, cho dù sau đó Lý Gia Thành đã phát biểu một cách khiêm nhường rằng, giả sử ông không nắm được Hòa Ký Hoàng Phố, ông sẽ cố gắng để có được Công ty cổ phần Cầu cảng – một công ty thương mại mà ông đã nắm được lượng lớn cổ phần – và ông vẫn đủ khả năng đàm phán với Ngân hàng Hồng Kông. Căn cứ vào những thành công lớn của Lý Gia Thành trong lĩnh vực bất động sản những năm 1970, Ngân hàng đã tìm đến ông để cộng tác. Ở tuổi 42, Lý Gia Thành thật sự đã trở thành một đối thủ đáng gờm đối với Bao Ngọc Cương trong cuộc chạy đua tới danh hiệu người giàu có nhất Hồng Kông; đồng thời ông cũng tạo được danh tiếng với một số nhân vật quan trọng. Một hôm, William Purves – kế toán trưởng của Ngân hàng Hồng Kông lúc bấy giờ – khi đến bàn bạc việc làm ăn với Lý Gia Thành đã tìm thấy ông trong xí nghiệp “tối tăm” của mình, cặm cụi trong một căn phòng nhỏ lợp kính đầy những chiếc cốc không, giấy tờ vứt lung tung và một cái ống nhổ. Purves, sau đó trở thành Chủ tịch Ngân hàng vào năm 1986, nhớ lại: “Chúng tôi đạt được thỏa thuận bởi đích thân ông Lý đã tiễn chúng tôi ra tận xe”. Với sự hợp tác mới này, Lý Gia Thành giờ đây đã tiếp cận được một trong những tổ chức ngân hàng hùng mạnh nhất thế giới. Về phần mình, ngân hàng cũng được lợi từ sự giàu có của một trong những thương nhân hàng đầu châu Á.

Tuy vậy, việc chuyển giao Hòa Ký Hoàng Phố cho Lý Gia Thành cần phải hết sức khéo léo bởi việc nắm giữ công ty này không đơn giản đối với một người Trung Quốc, dù người đó rất giàu có. Xét cho cùng, Ngân hàng Hồng Kông hoàn toàn mang bản chất, ảnh hưởng và phong cách điều hành của phương Tây. Được thành lập năm 1865 với mục đích giúp thương nhân Hồng Kông đối phó với mối đe dọa từ ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Hồng Kông chính là thành trì biểu tượng cho ách thống trị của thực dân Anh khi vùng đất này trở thành thuộc địa. Trước khi người Nhật chiếm được Hồng Kông, ban giám đốc ngân hàng bao gồm những đại gia trong nhóm các công ty thương mại do người Anh điều hành, như Jardine Matheson, Butterfield và Swire, Gilman, Dầu mỏ Á châu, David Sassoon, Reiss, Bradley, Dodwell, John D. Hòa Ký Hoàng Phố, Shewan, Tomes và Gibb, Livingstone.

Dù ngân hàng vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hồng Kông ngay cả khi chiến tranh Trung Quốc-Nhật Bản diễn ra, song sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, một số công ty thương mại đã bị loại khỏi cuộc chơi hoặc đang đứng trên bờ vực khủng hoảng tài chính. Lần lượt, chỉ còn Jardine, Butterfield, Gilman, Sassoon và Gibb ở lại ban giám đốc ngân hàng; một thành viên mới duy nhất gia nhập là Công ty Hóa chất Imperial. Tuy vậy, rõ ràng Ngân hàng Hồng Kông vẫn là tổ chức tài chính hàng đầu của thuộc địa này khi mà trên 80% giấy bạc lưu hành trong thuộc địa mang con dấu của nó.

Và đây chính là thời điểm Lý Gia Thành chính thức được đứng vào hàng ngũ những người quyền lực nhất Hồng Kông. Cho dù Lý Gia Thành thừa khả năng đàm phán với Ngân hàng Hồng Kông để có được Hòa Ký Hoàng Phố thì ông cũng không thể phủ nhận sự trợ giúp từ một người còn có thế lực hơn mình – đó là Bao Ngọc Cương, một thương nhân hàng đầu ở Hồng Kông, ông chủ Công ty Vận tải biển Toàn cầu và là một trong những nhà lãnh đạo lừng danh trong ngành đường thủy của thuộc địa. Năm 1972, Bao Ngọc Cương đã tỏ ý khi Ngân hàng Hồng Kông cần tìm một nhân vật tầm cỡ như ông để tham gia vào ban giám đốc. Bao Ngọc Cương luôn ấn tượng với mẫu người như Tổng Giám đốc Ngân hàng Hồng Kông thời đó là John Saunders, người đã tác động để ban giám đốc ngân hàng chấp nhận Bao Ngọc Cương. Sự thật là ban đầu, ngân hàng đã từ chối những yêu cầu của Bao Ngọc Cương về các khoản nợ hay các khoản đầu tư có giá trị cổ phần, song Saunders đã xem xét lại những đề xuất đó và lật lại quyết định của cấp dưới.

Một điều thú vị là khi Bao Ngọc Cương trở thành người Trung Quốc đầu tiên trong ban giám đốc Ngân hàng Hồng Kông thì giờ đây, chính ông lại giúp cho Lý Gia Thành trở thành người Trung Quốc đầu tiên nắm được một công ty thương mại lớn của Anh. Trong khi đây là hai sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc lịch sử trong mối quan hệ Trung-Anh tại thuộc địa Hồng Kông thì đối với riêng Lý Gia Thành, nó tạo tiền đề vững chắc cho những giao dịch và tư duy kinh doanh của ông trong tương lai.

Sự liên kết giữa Lý Gia Thành và Bao được bắt đầu từ một cuộc chuyện trò đầu năm 1978. Ông trùm tư bản đường thủy, người biết rõ cổ đông lớn nhất của Cầu cảng Cửu Long là Jardine Matheson, nói rằng nếu Lý Gia Thành chịu bán 28% cổ phần của mình tại công ty này thì đổi lại, ông sẽ giúp họ Lý lấy được Hòa Ký Hoàng Phố từ tay Ngân hàng Hồng Kông. Lý Gia Thành không thể cưỡng lại lời đề nghị này bởi Bao Ngọc Cương không chỉ là ông trùm tư bản đường thủy với tầm ảnh hưởng mạnh mẽ về kinh tế mà còn có một vị trí trong ban giám đốc ngân hàng nên nắm giữ được mọi tin tức về ngân hàng này.

Tuy nhiên, mãi cho tới tháng 4 năm 1978, khi Michael Sandberg trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hồng Kông, Lý Gia Thành mới có được công ty thương mại đó. Bất kỳ thành công thương mại nào của một cá nhân cũng phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của bạn bè và đối tác, Lý Gia Thành với thương vụ chuyển nhượng Hòa Ký Hoàng Phố cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong thương vụ này, người mà Lý Gia Thành phải cảm ơn chính là Sandberg.

Ngay từ năm 1956, Sandberg, một người Australia, đã được coi là một trong những nhân tài mới trong ngành ngân hàng. Khi ông còn làm việc ở chi nhánh Singapore, J. A. D. Morrison, Giám đốc chi nhánh đã nhận xét Sandberg là “một người rất thông minh và có năng lực đặc biệt, nổi trội so với đồng nghiệp cùng lứa. Anh có một thái độ làm việc thoải mái nhưng cũng rất hiệu quả. Điều này được mọi người ghi nhận khi anh hoàn thành tốt công việc trong lĩnh vực chứng khoán. Cấp trên nên quan tâm tới nhân viên này, và tôi dám chắc anh sẽ làm nên chuyện trong tương lai”.

Năm 1977, Michael Sandberg đã đạt tới đỉnh cao sự nghiệp khi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Hồng Kông. Một trong những tham vọng của ông là nâng vị thế của ngân hàng từ khu vực lên đa quốc gia và toàn cầu. Dù Sandberg không nắm giữ một ngân hàng châu Âu nhưng với tham vọng về viễn cảnh trên vũ đài quốc tế, ông đã giúp ngân hàng nâng tổng tài sản từ 14,2 tỷ lên tới 545,6 tỷ đô-la Hồng Kông vào cuối nhiệm kỳ của mình năm 1986.

Hẳn nhiên, Sandberg luôn kiêng nể Lý Gia Thành bởi Lý thật sự xứng đáng với vị trí đó. Mặt khác, Sandberg coi Lý Gia Thành là một viên gạch góp phần hoàn thiện tham vọng bành trướng ra thế giới của mình. Trong khi khả năng kinh doanh của Lý Gia Thành tại thuộc địa tạo được ấn tượng với Ngân hàng Hồng Kông thì điều then chốt khiến cho ngân hàng đi tới quyết định bán Hòa Ký Hoàng Phố cho người đàn ông gốc Triều Châu này là những mối quan hệ đặc biệt của ông ở Trung Quốc. Năm 1979, Sandberg đã linh cảm được một sự thay đổi về chính trị tại Trung Quốc, nhất là với những chính sách kinh tế mới của Đặng Tiểu Bình. Việc Trung Quốc nổi lên là một thế lực kinh tế đòi hỏi Ngân hàng Hồng Kông phải liên kết và hợp tác nhằm tiến tới Bắc Kinh, con đường dẫn tới những khách hàng Trung Hoa. Và Lý Gia Thành chính là cầu nối tốt nhất có thể giúp ngân hàng thực hiện được mục đích này.

Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường cũng có nghĩa là người Trung Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các hoạt động kinh doanh tại Hồng Kông. Sự phát triển này không mấy ảnh hưởng đến Michael Sandberg. Với việc sắp xếp để Lý Gia Thành mua lại Hòa Ký Hoàng Phố, ông muốn tuyên bố với cả thế giới rằng Ngân hàng Hồng Kông đã sẵn sàng với viễn cảnh người Trung Quốc dần dần làm chủ tập đoàn này. Khi đưa Lý Gia Thành lên vị trí lãnh đạo, ngân hàng đã nhanh chóng giúp cho ông có được danh tiếng và những mối quan hệ trên thế giới. Một nhà phân tích ngân hàng đã nhận xét: “Sandberg đã giúp Lý Gia Thành bước trên “con đường lớn” bởi mọi người đã dần biết đến ông.”

Cuối cùng, ngày 25 tháng 9 năm 1979, ngay trước nửa đêm, Lý Gia Thành công bố đã mua được 90 triệu cổ phiếu của Hòa Ký Hoàng Phố chỉ với 639 triệu đô-la Hồng Kông, giá mỗi cổ phiếu là 7,1 đô-la Hồng Kông và thời hạn trả là hai năm. Ông nhận được 22% cổ phần Ngân hàng Hồng Kông, là người nắm giữ cổ phần lớn nhất trong số các cổ đông. Về cơ bản, ông đang có được điều mình muốn, đó là quyền lực: “Sau khi nắm quyền, tôi đã nói ngay với hội đồng quản trị rằng tôi không quan tâm đến cái ghế chủ tịch, điều mà tôi muốn là lãnh đạo hội đồng và là người đưa ra quyết định cuối cùng cho tất cả các công ty của Hòa Ký Hoàng Phố. Tôi không quan tâm người ngoài nói gì. Tôi muốn thật sự nắm quyền”.

Đặc biệt, với việc nắm giữ quyền lực chính ở Hòa Ký Hoàng Phố, Lý Gia Thành cùng Công ty Trường Giang giờ đây đã có những khoản lợi nhuận lớn từ các hoạt động giao dịch thương mại. Hòa Ký Hoàng Phố điều hành một phần đáng kể các cảng công-te-nơ tại thuộc địa. Nó cũng sở hữu mạng lưới siêu thị của Tập đoàn Park‘N Shop, đối thủ thường xuyên cạnh tranh với mạng lưới Wellcome của Jardine Matheson. Thế lực của Lý Gia Thành còn bành trướng tới Tập đoàn Dược phẩm Watson. Như vậy, ngoài đầu tư vào bất động sản, Trường Giang giờ đây còn hoạt động trong các lĩnh vực buôn bán, khai thác đá, nhà xưởng, vận chuyển hàng hóa và công ten nơ, cơ khí, bán lẻ và sản xuất đồ uống. Nhìn vào những kết quả đã đạt được, người ta biết rằng một ngày nào đó Công ty Hòa Ký Hoàng Phố của Lý Gia Thành sẽ “tiếm ngôi” vị trí công ty thương mại hàng đầu tại thuộc địa của Jardine Matheson.

Tuy nhiên, ít nhất là lúc đầu, giới quý tộc Hồng Kông đã không mấy thích thú với việc Lý Gia Thành lên nắm quyền dù thực tế không có một phản ứng tiêu cực nào. Việc Lý Gia Thành mua lại cổ phiếu của Hòa Ký Hoàng Phố chỉ với giá bằng một nửa giá trị thật đã “làm giới thẩm quyền và các công ty thương mại hậm hực”. Lần đầu tiên trong lịch sử thuộc địa, một người thuộc một dân tộc bị phương Tây coi là thấp kém so với người Anh đã có cổ phần trong nhóm những công ty thương mại được bảo hộ. Với việc phá vỡ thế độc quyền của người Anh trong các hoạt động kinh doanh lớn ở Hồng Kông, Lý Gia Thành đã làm rất nhiều người tức giận. Thậm chí, một số thành viên mang khuynh hướng bảo thủ trong cộng đồng Trung Quốc cũng hết sức kinh ngạc, không chỉ bởi vụ mua bán đó mà còn vì nó đã diễn ra quá chóng vánh.

Những kẻ kình địch trong tương lai của Lý Gia Thành thì lại cười khẩy. Vì Ngân hàng Hồng Kông đã quyết định không đưa Hòa Ký Hoàng Phố lên sàn đấu giá, những nhà đấu giá tiềm năng phải rút lui. Dù cho những công ty như Jardine Matheson, Swire Pacific hay thương nhân người Anh James Goldsmith nhìn vào Hòa Ký Hoàng Phố một cách thèm thuồng thì cũng không ai có cơ hội giành được nó. Thành công lớn nhất của Lý Gia Thành là đã khéo léo đánh bại được tất cả các đối thủ, đặc biệt là Goldsmith – kẻ thèm muốn Hòa Ký Hoàng Phố nhất. Hơn nữa, đối với những đối thủ của ông, thật là nực cười khi một thương nhân vô danh của Trung Quốc lại trở thành nhà đấu giá duy nhất. Đáp lại những lời chỉ trích, nhất là sự buộc tội đã bán Hòa Ký Hoàng Phố với cái giá quá rẻ, Ngân hàng Hồng Kông giải thích rằng họ “chủ đích tìm kiếm một cổ đông lâu dài và có tinh thần xây dựng”.

Dường như Lý Gia Thành chỉ cần nói với Michael Sandberg một tiếng là có được Hòa Ký Hoàng Phố. Sự thật là, ngay từ đầu ông đã rất tự tin rằng chỉ cần yêu cầu, Hòa Ký Hoàng Phố sẽ là của ông. Ông nói: “Ngân hàng Hồng Kông không thể bán Hòa Ký Hoàng Phố cho ai đơn giản chỉ bởi vấn đề tài chính. Họ muốn đảm bảo người chủ mới phải có đủ tài để lãnh đạo Hòa Ký Hoàng Phố. Tôi cho rằng ngân hàng nhìn thấy được khả năng của tôi và biết tôi sẽ làm được. Sau khi chúng tôi tiếp quản Hòa Ký Hoàng Phố, công việc kinh doanh đã đi lên và mọi người bắt đầu bàn tán: ‘Ôi, sao ngân hàng lại bán cổ phần nhỉ?’ Vâng, rất có thể nếu như ngân hàng vẫn giữ số cổ phần đó, Hòa Ký Hoàng Phố sẽ chẳng có được thành công như vậy”.

Kẻ gieo lời gièm pha nhiều nhất là Bill Wyllie. Sau khi John Douglas Clague bị thế chỗ vào cuối những năm 1970, thời điểm nguồn tài chính của ngân hàng bị giảm sút khi ông là người lãnh đạo của Công ty Quốc tế Hòa Ký Hoàng Phố, chính Bill Wyllie

– người được biết đến với giọng lưỡi cay độc khi ám chỉ Clague là “một con người đã quá mỏi mệt” – là người được ngân hàng mời về để làm xoay chuyển tình hình công ty. Và ông đã làm rất tốt công việc của mình. Và ông đã làm rất tốt công việc của mình. Từng là một tay đua ô tô đồng thời là nhân viên bán hàng cho hãng Ford, nổi tiếng với tính táo bạo, không biết sợ và được giới kinh doanh Anh coi là một trong những nhà kinh doanh trẻ sáng giá nhất, Wyllie rất được hoan nghênh khi cải tổ China Engineers, một chi nhánh ở Hồng Kông của Tập đoàn Sime Darby. Với việc loại bỏ những chi nhánh làm ăn không có lợi nhuận của China Engineers, ông ta đã tiến hành cơ cấu lại bộ máy công ty cho gọn nhẹ đồng thời thắt chặt sổ lương. Wyllie cũng có những ảnh hưởng trong quá trình tổ chức lại hoạt động kinh doanh của hãng Ford Hồng Kông, giúp nó đạt mức lợi nhuận cao. Vậy nên chẳng có gì phải nghi ngờ khi trong thời gian đó, rất nhiều công ty thương mại hàng đầu coi ông ta là một “vị bác sĩ công ty” mát tay.

Wyllie luôn quan tâm đến kết quả trong thời gian ông ta nắm cương vị lãnh đạo. Hòa Ký Hoàng Phố cũng không phải là ngoại lệ và chính sách tiêu thổ trong suốt thời kỳ thương mại trước Clague đã loại đi hơn 100 công ty “đã hoàn toàn ngừng hoạt động”. Willie cũng lưu ý rằng Công ty Quốc tế Hòa Ký Hoàng Phố, với 362 chi nhánh và nhà cộng tác, có một cấu trúc “phức tạp không cần thiết”. Ông ta cam đoan sẽ cắt giảm và sắp xếp lại nó.

Tuy nhiên, kế hoạch lớn của Wyllie không chỉ là việc sắp xếp lại. Việc thành lập Hòa Ký Hoàng Phố, sự kết hợp giữa Công ty Quốc tế Hòa Ký Hoàng Phố và Công ty Cầu cảng Whampoa, đã thổi một sức sống mới vào công ty. Năm 1978, sự lãnh đạo tài tình của Wyllie đã mang lại cho công ty một khoản lợi nhuận 46,2 triệu đô-la Hồng Kông, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Hòa Ký Hoàng Phố đã sẵn sàng thách thức ban lãnh đạo “lão làng” của Jardine Matheson, và Wyllie thật sự là một thiên tài kinh doanh mới khi đưa công ty của mình lên đỉnh cao. Triển vọng thành công của ông ta là vô hạn.

Nhưng sau đó, năm 1979, bộ máy mà Wyllie đã cải tổ và mang lại lợi nhuận một lần nữa bị tuột khỏi tay. Sự thật là, Wyllie không hề biết đến vụ chuyển nhượng cho tới khi Lý Gia Thành và Ngân hàng Hồng Kông hoàn tất mọi thủ tục giao nhận. Wyllie đã lên tiếng đáp trả đầy cay đắng. Không quan tâm tới việc mình bị hắt hủi hay bị sa thải, điều Wyllie kịch liệt phản đối là đáng ra ngân hàng phải bán công ty thương mại với giá gấp đôi. Sau này Wyllie hồi tưởng: “Hòa Ký Hoàng Phố đã bị bán đi với giá quá rẻ mạt. Nó đúng là một món hời. Tôi cho là Ngân hàng Hồng Kông khi đó nhận thấy Lý Gia Thành đã làm được những điều thần kỳ ở thị trường bất động sản. Một lý do nữa là khi đó Trung Quốc đang chuẩn bị mở cửa. Hợp tác với một đối tác Trung Quốc đầy quyền lực sẽ đem lại nhiều thuận lợi. Ngân hàng cũng hợp tác với Bao Ngọc Cương. Dĩ nhiên là họ đã không trao cơ hội đó cho người khác, thí dụ như Jardine, Bao Ngọc Cương hay Swire. Tôi đã rất muốn có cơ hội để mua được cổ phần Hòa Ký Hoàng Phố của ngân hàng.”

Wyllie và phương Tây có quyền chỉ trích vụ chuyển nhượng theo cách của họ. Việc Lý Gia Thành trả giá dưới mức kiểm toán dường như không làm Ngân hàng Hồng Kông bận tâm: ban đầu mua Hòa Ký Hoàng Phố với cái giá bèo bọt, ngân hàng đã bán lại nó để thu về 517,6 triệu đô-la Hồng Kông.

Trong khi đó, về phần Lý Gia Thành, giá cả thật sự không phải là vấn đề. Nói đúng hơn, điều ông quan tâm là liệu Trường Giang, hãng mua lại Hòa Ký Hoàng Phố, có đủ vững vàng để bước chân vào thương trường quốc tế đầy phức tạp nhưng cũng nhiều triển vọng hay không. Đó là một yêu cầu lớn đối với Lý Gia Thành. Cuối cùng, ông cũng nắm được đa số cổ phần, nhưng liệu ông có thể vượt qua những thử thách của một thành viên?

Một điều đáng ngạc nhiên là Wyllie không hề nghi ngờ khả năng của Lý Gia Thành. Khi đã chuyển sang Công ty Chứng khoán châu Á, Wyllie thể hiện sự ủng hộ Lý Gia Thành: “Ông không bao giờ tiến hành công việc mà không có dự tính trước. Chẳng mấy ai hiểu thị trường bất động sản Hồng Kông bằng ông. Phải thừa nhận rằng ông rất mau lẹ và là người đầu cơ cổ phiếu hạng nhất. Ông rất có danh tiếng, bởi một khi đã hứa thì sẽ giữ lời. Quả thật là rất đáng nể”.

Điều khiến Lý Gia Thành chú ý hơn cơ hội tăng lợi nhuận cho mình chính là sự tín nhiệm và tính hợp pháp trong kinh doanh. Sự sắp xếp kia thực ra là một cuộc trao đổi thương mại tốt đẹp giữa Lý Gia Thành và ông chủ ngân hàng Michael Sandberg. Điểm đáng chú ý ở đây là vụ chuyển nhượng này đã khiến một ông chủ nhà đất đơn thuần trở thành một doanh nhân hợp tác mang tầm quốc tế. Nó giúp Lý Gia Thành nâng cao vị thế của mình trong giới kinh doanh thượng lưu Hồng Kông. Việc mua được Hòa Ký Hoàng Phố, một trong những công ty thương mại Anh lâu đời nhất ở Hồng Kông là một kết quả tuyệt vời đối với Lý. Bên cạnh niềm say mê kinh doanh thì việc khiến cho người khác phải kính trọng luôn là một mục tiêu lớn trong đời Lý Gia Thành, như con trai cả Victor của ông đã từng nhận xét: “Sự kính trọng đối với ông còn quý giá hơn hàng triệu, thậm chí hàng tỷ đô-la”.

Đối với người đàn ông Triều Châu này, điều duy nhất được thừa hưởng từ người cha là sự thông minh và lòng ham học hỏi. Chính điều đó đã giúp ông nắm được Hòa Ký Hoàng Phố – điểm khởi đầu cho sự nghiệp của Lý Gia Thành. Nó đã tạo cho ông một vị thế lớn trong con mắt của các đồng nghiệp. Trong bối cảnh nền thương mại đang bị các doanh nhân Anh và Thượng Hải thống trị, Lý Gia Thành không còn là một người mới phất lên chưa được công nhận; giờ đây ông thật sự trở thành một nhân vật quan trọng và uy tín. Kể từ đây, bất kỳ lời nói và hành động nào của ông cũng sẽ được những người quan tâm đến nền kinh tế Hồng Kông chú ý. Cũng kể từ đây, mọi động thái cử chỉ từ phía ông cũng có thể báo hiệu rằng ông chuẩn bị thực hiện thương vụ lớn. Ông thật sự đã trở thành thước đo quan trọng cho những bước thăng trầm của nền kinh tế ở thuộc địa này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.