Lý Gia Thành – “Ông Chủ Của Những Ông Chủ”

3. Ông vua hoa nhựa



Trước khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện vào tháng 8 năm 1945, Hồng Kông đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Những cuộc tấn công của Mỹ vào các căn cứ của Nhật Bản ở châu Á buộc quân Nhật phải tiến hành vận chuyển một lượng lương thực, nhiên liệu, vũ khí và những cuộc điều động binh lính từ các nước bị chiếm đóng ra ngoài trận tuyến. Tuy nhiên, để vận chuyển hàng hóa và con người từ đó đến vùng biển Thái Bình Dương, Nhật Bản phải huy động tất cả thuyền buôn, trong khi đó hải quân Mỹ luôn sẵn sàng tiêu diệt bất kỳ chiếc tàu nào của quân Nhật. Với Hồng Kông, sự thất bại của quân đội Nhật đồng nghĩa với việc nguồn lương thực và nguồn nước dự trữ ở đây sẽ nhanh chóng bị quân Nhật rút hết. Lực lượng tàu thuyền hùng hậu của các thương gia chính là phương tiện giúp Nhật Bản bốc dỡ hàng hóa. Nếu không nhờ vào dòng lưu chuyển hàng hóa quốc tế – yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế khu vực thuộc địa phát triển thịnh vượng thì nền kinh tế Hồng Kông ở thời điểm cuộc chiến tranh kết thúc rất có thể đã lâm vào tình trạng đình đốn, khó có ngành nghề nào tồn tại.

Đối với chàng trai Lý Gia Thành mới mười bảy tuổi thì việc đảm nhiệm trọng trách trụ cột gia đình sau sự ra đi đột ngột của người cha hai năm trước đó quả là một trách nhiệm nặng nề. Do tác động của cuộc chiến nên tương lai của những lao động trẻ không có chuyên môn, thậm chí cả những đứa trẻ đã qua tuổi 14 – độ tuổi lao động hợp pháp – rất mờ mịt. Lúc bấy giờ, tình hình việc làm hết sức khó khăn. Không có nhiều chọn lựa, Lý Gia Thành phải đến học việc tại một xí nghiệp nhỏ của người bác ruột và làm những công việc nhỏ như quét dọn hay pha trà. Khi chiến tranh kết thúc, ông được giao phụ trách một cửa hàng kinh doanh đồng hồ treo tường và đồng hồ đeo tay với mức lương mỗi tháng là 25 đô-la Hồng Kông.

Sự rút lui của quân Nhật vào ngày 16 tháng 8 năm 1945 hứa hẹn đem lại nhiều cải biến tích cực đối với Hồng Kông. Hai tuần sau đó, vào lúc 11 giờ sáng ngày 30 tháng 8, Tổng tư lệnh hạm đội Anh, ngài Cecil Harcourt cùng lực lượng đặc nhiệm đã đến Hồng Kông trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân, cờ Trung Quốc tung bay trên mọi chiếc ghe, con thuyền, mặt tiền các cửa hiệu và các ngôi nhà. Mặc dù người Trung Quốc cho rằng chế độ dân tộc chủ nghĩa của Tưởng Giới Thạch do Mỹ hậu thuẫn sẽ thay thế chính quyền Nhật Bản, nhưng thực chất Cecil Harcourt quay lại là để tái thiết lập chính quyền của người Anh ở Hồng Kông, bước đầu tiên là thành lập một chính quyền quân sự, và trong vòng tám tháng sau đó sẽ thành lập một chính quyền nhân dân.

Hồng Kông lại chuẩn bị đón nhận một sự hồi sinh mới. Nguyên nhân trước tiên là các nước phương Tây đang phục hồi sau chiến tranh bắt đầu công cuộc tìm kiếm những nguồn nguyên liệu thô và các thành phẩm mà Hồng Kông sản xuất. Một lý do khác là cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài sắp xảy ra ở Trung Quốc và các nhà tư bản công nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các nhà tư bản từ Thượng Hải bấy giờ đang tháo chạy và di chuyển nhà máy, phân xưởng sang Hồng Kông, mang theo một lượng tư bản khổng lồ cùng các công nghệ, phương thức quản lý và công nhân lành nghề. Nhưng dù với lý do nào thì đó cũng là điều kiện thuận lợi đối với nền kinh tế Hồng Kông, cơ hội việc làm bỗng nhiên lại rộng mở với cả công nhân lành nghề lẫn công nhân mới ở Hồng Kông. Nhờ có sự điều chỉnh hợp lý của chính quyền Hồng Kông mà mức lương cũng bắt đầu tăng lên đồng đều. Trên thực tế, trong khi một công nhân lành nghề trước kia dưới chế độ lao động của chính quyền Nhật Bản chỉ có thể kiếm được 19 đô-la Hồng Kông một tháng và với công nhân mới là 10,4 đô-la Hồng Kông, thì tính đến trước năm 1946, một công nhân lành nghề làm việc tám tiếng một ngày và 26 ngày trong một tháng có thể kiếm được 130 đô-la Hồng Kông, còn một công nhân mới là 83,2 đô-la Hồng Kông. Riêng đối với những người làm nghề lái xe điện hay xe buýt, mức lương lên đến 140 đô-la Hồng Kông một tháng so với mức 20,3 đô-la Hồng Kông của mấy năm trước.

Tuy nhiên, điều kiện dành cho những lao động ở tuổi thanh thiếu niên lại không được thuận lợi như vậy. Mặc dù vào năm 1946, Ủy ban Lao động của Chính phủ Hồng Kông ghi nhận chỉ có 300 lao động ở độ tuổi từ 14-18 thuộc cả hai giới nhưng thực ra có hàng nghìn trẻ em đang tham gia lao động và con số này đã không được ghi lại. Hầu hết những lao động vị thành niên này làm việc tại các nhà máy hay phân xưởng không đăng ký kinh doanh với chính phủ. Làm việc tại các xí nghiệp có số nhân công ít hơn 25 người cũng đồng nghĩa với việc không có bất kỳ phúc lợi y tế nào, không có nhà ăn trưa hay phòng vệ sinh. Tuy nhiên, đối với chàng trai Lý Gia Thành giàu nghị lực, tình hình bấy giờ lại là một cơ hội kinh doanh tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất đồ nhựa, một ngành công nghiệp không chỉ biến Hồng Kông từ một trung tâm xuất nhập khẩu thành một trung tâm sản xuất quan trọng mà còn biến Lý Gia Thành từ một chàng trai với tầm nhìn xa trông rộng thành một “ông vua” trong tương lai.

Năm 1947, ngành công nghiệp nhựa bước vào thời kỳ phát triển bùng nổ. Với chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao và chi phí sản xuất ngày càng giảm, nhu cầu của người dân tăng lên nhanh chóng. Bởi vì người lao động Trung Quốc chỉ có mức thu nhập khoảng 84-101 đô-la Hồng Kông một tháng nên các sản phẩm nhựa có chi phí thấp được các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng.

Nhận thấy ngành công nghiệp nhựa đang phát triển nhanh chóng, Lý Gia Thành cũng muốn thử sức. Ông đã có sẵn xuất phát điểm là công việc bán các sản phẩm vật dụng trong gia đình, thắt lưng nhựa và quai đeo đồng hồ. Kinh nghiệm học được đối với Lý Gia Thành là những tài sản vô giá. Mỗi ngày, việc kinh doanh sản phẩm nhựa lại giúp Lý Gia Thành biết thêm những nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh – rằng giá trị thực của hàng hóa không chỉ tính dựa trên chi phí của những nghiên cứu và đầu tư ban đầu mà còn dựa trên chi phí của việc mua nguyên vật liệu, việc sản xuất cũng như những đợt tăng giá hợp lý. Kỹ năng thành thục trong đàm phán giao dịch với khách hàng được ông kết hợp một cách hoàn hảo với khả năng phân tích xu hướng thị trường. Từng là người bán hàng, Lý Gia Thành học được cách nắm bắt tâm lý khách hàng cũng như phân biệt được tâm lý do dự hay sẵn sàng mua hàng của khách. Ông cũng nhận ra rằng, để tăng doanh số bán hàng một cách hiệu quả, một người bán hàng thành công cần phải biết nghe ngóng, nắm bắt thông tin thị trường và những nhu cầu không ngừng thay đổi của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều mà Lý Gia Thành nhận thức sâu sắc nhất là có rất nhiều doanh nhân thành đạt đều khởi sự từ một nhân viên bán hàng trước khi tự mình đứng ra làm kinh doanh. Luôn chú ý tới việc tự mình khởi nghiệp kinh doanh, ông đã tạo dựng mối quan hệ thân tình rộng khắp với nhiều nhà cung cấp và khách hàng, những người đã giúp đỡ ông rất nhiều trong sự nghiệp sau này. Về công việc hàng ngày (thường bắt đầu từ lúc sáng sớm đến tận tối muộn), Lý Gia Thành nói: “Mọi người thường làm việc tám tiếng một ngày. Nhưng với tôi, ngày làm việc kéo dài mười sáu tiếng cho dù mức lương không có gì thay đổi. Công việc rất bận và hầu như không ngừng nghỉ. Hàng ngày, tôi đến văn phòng để điều hành việc kinh doanh và bán hàng. Sau giờ làm văn phòng, tôi lại đến nhà máy để xem các đơn đặt hàng có được chuẩn bị chu đáo hoặc thời gian giao hàng có được đảm bảo hay không. Nhờ đó mà khách hàng rất hài lòng và tin tưởng giao cho chúng tôi ngày càng nhiều đơn đặt hàng hơn”.

Đó là quãng thời gian Lý Gia Thành làm việc rất chăm chỉ và cần mẫn. Ông làm việc ngay cả khi bị thương. Có lần vô tình bị đứt ngón tay trong khi đang cắt một chiếc đai nhựa, máu chảy rất nhiều nhưng không hề do dự ông lấy một miếng băng nhỏ che qua vết thương và lại tiếp tục công việc. Theo hai tác giả người Trung Quốc viết tiểu sử về Lý Gia Thành, Fang Shiguang và Li Xuedian, chi tiết này đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với công nhân của Lý và danh tiếng về sự chăm chỉ, thông minh của ông ngày càng được nhiều người biết đến. Lý Gia Thành giải thích: “Em trai và em gái tôi có được cơ hội học đại học nhờ sự chăm chỉ của tôi. Khi 18 tuổi, tôi đã có thể kiếm được nhiều hơn những gì mà gia đình cần”.

Một điều đáng ngạc nhiên là Lý Gia Thành vẫn có thể làm được nhiều việc khác chứ không chỉ là làm việc mười sáu tiếng một ngày. Đặc biệt, ông còn tiếp tục việc học hành. Ông quan niệm: “Học tập là nền tảng để tạo dựng một nhân cách, một tổ ấm và một tương lai xán lạn”. Là con của một thầy giáo, Lý Gia Thành trưởng thành với ý thức sâu sắc về con đường học vấn: “Tôi rất ngưỡng mộ cha, người luôn muốn tôi trở thành một giáo viên hay một học giả. Đó cũng là ước mơ của tôi”. Tuy nhiên, việc Lý Gia Thành không thể theo đuổi ước mơ đó không hề làm ông nản chí trong việc tiếp tục con đường học vấn. Thậm chí, từ khi còn là một cậu bé bán thắt lưng và dây đeo đồng hồ rong trên phố thì Lý vẫn học vào buổi tối bởi công việc ban ngày chiếm quá nhiều thời gian của ông. Hai buổi một tuần, vào lúc 22 giờ 30 phút tối, Lý Gia Thành theo học một thầy giáo tư tại nhà mình. Những nỗ lực của Lý Gia Thành được đền đáp bằng việc ông nhận được tấm bằng phổ thông. Ông nói: “Tôi rất mệt mỏi bởi lúc nào cũng phải cố gắng về nhà sớm hơn một phút trước khi thầy giáo bước vào căn hộ nhỏ bé của tôi vào lúc 22 giờ 30. Về sau, tôi trở nên quá bận rộn. Tôi phải làm việc đến bảy ngày một tuần và chỉ có hai ngày nghỉ ít ỏi vào dịp đầu năm mới. Thậm chí, tôi hầu như không có thời gian để đi xem một bộ phim”.

Tuy nhiên, việc học tập của Lý Gia Thành sau giờ làm không phải tất cả đều chính thức. Có một quãng thời gian, bằng cách đọc và ghi nhớ các đoạn văn trong các cuốn sách mượn được từ một thư viện địa phương, ông đã tự khám phá những giá trị, nét thẩm mỹ trong nền văn học Trung Quốc. Bấy giờ còn là một người bán hàng bận rộn và nghèo túng, Lý Gia Thành không có nhiều thời gian cũng như tiền bạc để đi chọn và mua sách. Người con trai cả của Lý Gia Thành nhớ lại: “Cha tôi không có thư viện sách nào, mà ông có cả một kho kiến thức trong đầu. Khi tôi còn đang học môn văn học Trung Quốc tại trường đại học, một tối ông đến kiểm tra xem tôi ghi nhớ được những gì ở trường. Đó là những tác phẩm mà ông đã học từ 30 năm trước”. Nhiều năm sau đó, Lý Gia Thành đã hạ quyết tâm tự học đọc, viết và nói tiếng Anh bởi ông biết rằng nếu muốn tiếp tục kinh doanh trên mảnh đất Hồng Kông của người Anh, ông buộc phải học ngôn ngữ này. Và vốn tiếng Anh đã giúp ích cho Lý rất nhiều, đặc biệt vào năm 1979, khi Ngân hàng Hồng Kông giăng bẫy lừa một doanh nghiệp Trung Quốc mua lại Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố.

Lý Gia Thành là người xuất sắc nhất trong số bảy nhân viên kinh doanh của công ty. Sau đó, ông được đề bạt lên làm giám đốc, rồi đến tổng giám đốc của công ty. Tài năng Lý Gia Thành phát lộ khi chưa đầy 20 tuổi. Ông thấy sốt sắng, háo hức muốn tự mình khai thác và nắm bắt lấy thị trường sôi động khi đó.

Với danh tiếng của một trung tâm xuất nhập khẩu lớn, Hồng Kông bấy giờ đang trải qua một thời kỳ thương mại phát triển rực rỡ kéo dài suốt từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, đặc biệt là với các nước như Trung Quốc, Mỹ, Anh và thậm chí cả Nhật Bản. Với giá trị 2 tỷ đô la Hồng Kông, kim ngạch nhập khẩu của Hồng Kông vào năm 1948 có bước tăng trưởng mạnh mẽ so với con số 1,5 tỷ đô-la Hồng Kông năm 1947. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 25%, đạt giá trị khoảng 1,5 tỷ đô-la Hồng Kông. Tuy vậy, thời kỳ phát triển bùng nổ này lại chịu ảnh hưởng của những biến động chính trị từ phía Trung Quốc đại lục, đó là sự chuẩn bị ra đời của nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1949 và cuộc chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên ngay sau đó.

Giống như các doanh nhân khác cùng thời, Lý Gia Thành cũng sớm nhận ra những biến động kinh tế to lớn sắp diễn ra ở Hồng Kông. Ngành công nghiệp sản xuất bấy giờ đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất đồ nhựa. Lý Gia Thành cũng muốn thử sức mình với lĩnh vực này. Ông nhận thấy tiềm năng của các sản phẩm bằng nhựa trong một lĩnh vực mà vật liệu gỗ và kim loại luôn chiếm vị trí chủ đạo. Tính đến năm 1949, hơn nửa tỷ người dân Trung Quốc có nhu cầu về các vật dụng thiết yếu. Lý Gia Thành tính rằng khi cuộc nội chiến kết thúc, nhu cầu về những loại mặt hàng rẻ nhưng chất lượng và bền của người dân Trung Quốc sẽ tăng lên. Đó chắc chắn không phải là những loại mặt hàng phù phiếm như đồ chơi bằng nhựa, mà đó là các vật dụng thiết yếu hàng ngày như lược, hộp đựng xà phòng và các vật dụng gia đình khác. Thậm chí ngay ở Hồng Kông, nhu cầu về sản phẩm nhựa cũng gia tăng nhanh chóng bởi bấy giờ hàng nghìn người tị nạn từ Trung Quốc đại lục tìm đến. Nhận thấy tiềm năng của thị trường sản xuất đồ nhựa, vào năm 1950, Lý Gia Thành đã sẵn sàng nhập cuộc khi chưa đầy 22 tuổi.

Lý Gia Thành lấy tên công ty là Trường Giang – một cái tên có ý nghĩa sâu sắc với ông bởi ở Trung Quốc, khi nhắc đến Trường Giang người ta nghĩ ngay đến sông Dương Tử có chiều dài hơn 16.000 km và được xem là một biểu tượng của người Trung Quốc. Sông Dương Tử không chỉ có dòng chảy rộng lớn mà nó còn nổi tiếng bởi hiện tượng nước sông dâng cao mà không cần thủy triều. Theo hai người viết tiểu sử về Lý Gia Thành người Trung Quốc thì Trường Giang thể hiện cho tinh thần mạnh mẽ của ông, con sông Dương Tử tượng trưng cho những hoài bão và mơ ước lớn lao và vô cùng của ông. Một lần, Lý Gia Thành đã giải thích về sự chọn lựa này như sau: “Người Trung Quốc chúng tôi có một câu nói: ‘Nếu bạn muốn thành công thì cho dù ở vị trí nào đi chăng nữa, bạn cần phải biết cách lắng nghe ý kiến từ nhiều phía’. Tại sao Dương Tử lại trở thành một con sông lớn như vậy? Đó là bởi vì nó tiếp nhận dòng chảy từ những con sông nhỏ hơn, do đó trở nên rộng lớn. Bên ngoài, tôi lịch sự, nhã nhặn với tất cả mọi người, nhưng bên trong, tôi biết lòng tự cao của mình rất lớn. Vì thế tôi đã tự nhủ rằng cần phải lịch sự nhiều hơn, cởi mở nhiều hơn nữa nếu muốn tự mình làm kinh doanh. Nếu bạn quá tự cao mà bỏ qua những ý kiến khác, bạn sẽ không bao giờ trở thành một con sông lớn được”.

Khởi nghiệp với số vốn ban đầu chỉ có 50 nghìn đô-la Hồng Kông (tương đương 7.500 đô-la Mỹ) từ khoản tiết kiệm riêng và vay mượn bạn bè, họ hàng, Lý Gia Thành rất tự tin vào thành công của mình. Ông từng nói: “Những con sông lớn cũng khởi nguồn từ những dòng suối nhỏ”. Với kinh nghiệm của một người đã từng làm công việc bán hàng, ông am hiểu mọi khía cạnh của việc kinh doanh mặt hàng nhựa, từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm. Ông có quan hệ rất rộng với nhiều nhà cung cấp, phân phối. Ông được nhiều người biết đến và tin tưởng. Ban đầu chỉ sản xuất các mặt hàng nhựa nhỏ như lược và hộp đựng xà phòng, dần dần Lý Gia Thành mở rộng sản xuất thêm đồ chơi bằng nhựa vì các bậc cha mẹ bấy giờ có nhu cầu mua những loại đồ chơi rẻ tiền nhưng bền đẹp cho con cái. Một phần những sản phẩm này được xuất khẩu sang Mỹ, Canada và một số nước châu Âu, nhưng hầu hết chúng được cung cấp cho hai thị trường tiềm năng là Trung Quốc và Hồng Kông.

Mặc dù có bước khởi đầu đầy hứa hẹn, Lý Gia Thành không thể lường trước được rằng, cuộc chiến Nam – Bắc Triều Tiên năm 1950 sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Hồng Kông và Công ty Trường Giang của ông cũng không phải là ngoại lệ.

Năm 1950, phong trào yêu nước của nhân dân Nam Triều Tiên (Hàn Quốc ngày nay) có những tác động tích cực đối với nền kinh tế Hồng Kông. Với việc điều quân đội đến Bắc Triều Tiên, Chính phủ Trung Quốc phải trang bị cho binh lính quân phục, giày dép, chăn màn, dụng cụ ăn uống và các vật dụng chiến tranh khác. Cuộc hành quân vào Nam Triều Tiên của quân đội Trung Quốc đã tạo ra một khoản thặng dư thương mại khổng lồ cho nền kinh tế Hồng Kông nhờ thu về 225 triệu đô-la Hồng Kông từ việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đại lục trong số 406 triệu đô-la Hồng Kông tổng giá trị hàng hóa vận chuyển giữa hai khu vực. Cơ hội hiếm có từ Trung Quốc giúp củng cố thêm mức tăng trưởng thương mại bền vững mà Hồng Kông có được kể từ năm 1947. Nền kinh tế Hồng Kông dường như đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thịnh vượng và ổn định lâu dài.

Tuy nhiên, ngày 15 tháng 5 năm 1951, một biến cố đã xảy ra gây sửng sốt cho mọi doanh nghiệp khi đó đang làm ăn với Trung Quốc. Với sự hậu thuẫn của Anh, Liên hợp quốc đã ban hành một lệnh cấm vận quốc tế về thương mại đối với Trung Quốc, theo đó mọi hình thức xuất khẩu hàng hóa tới nước này đều bị ngăn cấm. Lệnh cấm vận này là biến cố lớn cuối cùng khiến nền kinh tế Hồng Kông rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Một năm trước đó, ngay sau khi quân đội của Bắc Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến 38, Mỹ đã ra lệnh cho Hồng Kông phải ngừng quan hệ thương mại với nước này. Nước Anh đã làm theo yêu cầu đó. Chỉ thị này đã khiến cho kim ngạch thương mại của Hồng Kông, vốn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc và vừa mới đạt được mức 1.628 tỷ đô-la Hồng Kông, mức cao nhất trong lịch sử hơn 110 năm của thuộc địa này bị tiêu tan hoàn toàn.

Lệnh cấm này cũng khiến ngành công nghiệp nhựa của Hồng Kông bắt đầu lâm vào khủng hoảng. Mặc dù vận hành đến mười sáu tiếng một ngày nhưng công ty của Lý Gia Thành vẫn phải đương đầu với một thời kỳ hết sức khó khăn. Công ty của ông rơi vào tình trạng thiếu vốn và phải sản xuất với những máy móc, trang thiết bị lạc hậu, do đó sản lượng rất thấp. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà Lý Gia Thành cũng như các đối thủ cạnh tranh gặp phải chính là làm thế nào để có nguồn cung bột đúc ổn định, như chất xenlulô axetat và polystyren. Lệnh cấm vận thương mại năm 1951 giữa Hồng Kông và Triều Tiên cũng quy định việc không được phép nhập các mặt hàng loại này từ Mỹ và Canada. Lúc bấy giờ chỉ có Anh là nhà cung cấp duy nhất của Hồng Kông. Tuy nhiên, Anh lại chỉ cung cấp được xenlulô axetat, một nguyên liệu được hầu hết các công ty sản xuất nhựa sử dụng để làm ra các sản phẩm có độ bền cao và chịu được sự cọ xát như bàn chải đánh răng và tay cầm đèn pin, còn polystyren lại không có để cung cấp trong khi đây là nguyên liệu quan trọng để tạo ra những sản phẩm có độ dẻo và mỏng. Do đó, với tiềm lực khiêm tốn, những công ty gia đình nhỏ ở Hồng Kông chuyên sản xuất các vật dụng gia đình giá rẻ bằng nguồn polystyren chất lượng kém không thể tồn tại được. Trước khi cuộc chiến tranh Triều Tiên diễn ra, có 28 công ty nhựa đang hoạt động với tổng số lao động khoảng 196 người và sản xuất các mặt hàng như móc treo quần áo, vỏ bao thuốc lá, ổ điện, lược, hộp đựng xà phòng, bàn chải đánh răng, đồ chơi. Nhưng giờ đây, dưới tác động của cuộc chiến, chỉ còn 10 doanh nghiệp trụ vững được, trong số đó có công ty Trường Giang của Lý Gia Thành.

Công ty của Lý Gia Thành chỉ là một doanh nghiệp rất nhỏ với số nhân công hơn mười người và giá trị tài sản đạt được kể từ 1950-1957 chỉ khoảng 10 triệu đô-la Hồng Kông. Mặc dù đối với một chàng trai mới chỉ 20 tuổi thì số tiền đó là cả một gia tài, nhưng Lý Gia Thành vẫn không cảm thấy bằng lòng với những khoản doanh thu đó mà luôn tái đầu tư cho sản xuất. Tuy nhiên vào năm 1957, ông thấy rằng cần phải tìm ra một mặt hàng mới có sức cạnh tranh để có vị trí trong lĩnh vực này, và trên hết là để đưa Công ty Trường Giang từ một công ty không mấy tiếng tăm trở thành một “ông lớn” trong ngành công nghiệp nhựa.

Vào cuối những năm 50, thông qua việc nghiên cứu thị trường Mỹ và Canada, Lý Gia Thành nhận thấy người dân ở hai quốc gia này có nhu cầu lớn về nhà đất, đời sống ở khu vực Bắc Mỹ lại rất cao, do vậy người dân có thể dễ dàng thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu. Đồng thời, quan niệm về chất lượng cuộc sống phải được ưu tiên hàng đầu dần ăn sâu vào tiềm thức của những người dân sống ở cả thành phố cũng như ngoại ô của khu vực Bắc Mỹ. Thế là bỗng nhiên máy giặt, máy sấy, máy trộn tay… trở thành những vật dụng không thể thiếu. “Làm cuộc sống trở nên dễ dàng hơn” trở thành một phương châm sống của các gia đình Bắc Mỹ. Và trong sự “dễ dàng” đó có sự góp mặt của đồ nhựa.

Lý Gia Thành đã đi đến kết luận rằng hoa nhựa là món đồ rất phù hợp với tầng lớp trung lưu đang giàu lên trong xã hội Bắc Mỹ. Được làm ra đầu tiên ở Pháp kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, hoa nhựa được coi là sản phẩm dành riêng cho tầng lớp trung lưu. Với giá khoảng từ 2 4 đô la Hồng Kông một bông, chỉ những người có thu nhập cao, và chắc chắn đó không phải là những người dân Trung Quốc, mới có khả năng chi trả cho một thứ phù phiếm như vậy. Tuy nhiên Lý Gia Thành lại có lý lẽ riêng: “Hoa nhựa tốt hơn các loại hoa làm từ giấy bởi vì bạn có thể rửa chúng và chúng tươi mãi mãi”.

Với thị trường to lớn và tiềm năng gồm đa số là những khách hàng giàu có, lĩnh vực kinh doanh hoa nhựa dường như rất phù hợp với Lý Gia Thành, bởi trước đó các sản phẩm của ông chủ yếu là những mặt hàng nhựa rẻ tiền. Việc sản xuất một mặt hàng mới và tinh xảo như hoa nhựa khác xa hoàn toàn so với việc làm ra những sản phẩm như chiếc lược nhựa trước kia. Đầu tiên ông phải tìm hiểu những mẫu hoa khác nhau, phương thức pha trộn màu nhuộm và những kỹ thuật thủ công ghép lá lên thân cây hoa nhựa. Năm 1957, nhận thấy không có nơi nào có thể học hỏi những kinh nghiệm về lĩnh vực kinh doanh hoa nhựa tốt hơn Italia, bởi đây là đất nước mà mốt dùng hoa nhựa đã biến nó trở thành một quốc gia gần như độc quyền trong lĩnh vực này, Lý Gia Thành đã có một chuyến tham quan tìm hiểu về các nhà máy sản xuất hoa nhựa ở Rôma hay Naples – một việc hết sức táo bạo đối với một doanh nhân đến từ châu Á. Không giống như một cậu bé tò mò cố gắng lĩnh hội mọi thứ, ông lĩnh hội những điều học được từ chuyến đi một cách chọn lọc. Sau chuyến đi đó, Lý Gia Thành tìm ra được sản phẩm chính để sản xuất đó là loại hoa đĩa, một loại hoa có đặc trưng là lá to và có những cánh hoa kết thành cụm dài.

Lý Gia Thành đã vạch ra một kế hoạch với hy vọng có thể tạo thay đổi từ một công ty Trường Giang nhỏ bé thành một công ty công nghiệp chất dẻo Trường Giang lừng danh. Nhằm tận dụng tối đa mốt dùng hoa nhựa của người dân Bắc Mỹ, Lý Gia Thành tiến hành điều chỉnh lại mục tiêu của bộ phận thiết kế và sản xuất, cơ cấu lại toàn bộ công ty và tuyển thêm công nhân kỹ thuật. Có được một đội ngũ công nhân chất lượng, ông tự tin rằng những bông hoa nhựa của mình có chất lượng tốt nhất. Nếu còn thấy nghi ngờ, ông không ngần ngại yêu cầu các nhà phân phối nhận xét, kiểm tra những mẫu sản phẩm đó. Tuy nhiên, ông cũng phải cạnh tranh với các đối thủ khác trong kinh doanh. Ngoài những đối thủ đã ra đời từ trước ở châu Âu, Lý Gia Thành còn phải cạnh tranh với những công ty lớn ở Hồng Kông như Công ty Công nghiệp chế tác hoa và vật dụng đúc nhựa Hồng Kông. Trong khi sự cạnh tranh từ nước ngoài không mấy đáng ngại thì sự cạnh tranh ở chính thị trường Hồng Kông lại hết sức gay gắt. Trên thực tế, với thị trường lao động rẻ mạt và các phong trào công nhân có tổ chức cũng chưa xuất hiện nên Hồng Kông là trung tâm sản xuất có chi phí rẻ nhất thế giới. Trong khi giá một bông hoa nhựa trước kia sản xuất ở Hồng Kông có giá dao động từ 2 4 đô-la Hồng Kông một bông thì nay giá đó đã giảm xuống chỉ còn 0,7 đô-la Hồng Kông. Rõ ràng, đó là mức giá mà không một hãng nào ở châu Âu có thể cạnh tranh được.

Mặc dù đầu tiên chỉ có những đơn đặt hàng đến từ Canada, Mỹ và thị trường Hồng Kông, nhưng chẳng bao lâu sau các hãng sản xuất hoa nhựa của Hồng Kông đã xuất khẩu sản phẩm của mình sang tận Nam Phi, miền Nam Việt Nam, Campuchia, Mauritius, Nigiêria, Borneo, Côngô và Sri-Lanka với tổng giá trị xuất khẩu của năm 1958 đạt gần 11 triệu đô-la Hồng Kông. Không mấy ngạc nhiên khi ngành công nghiệp này vươn sang châu Âu và phá tan thế độc quyền của châu lục này đối với sản phẩm hoa nhựa. Thực ra, toàn ngành công nghiệp nhựa của Hồng Kông bấy giờ cũng đã vượt qua cả các đối thủ cạnh tranh khác trên thế giới trong việc xuất khẩu một số mặt hàng nhựa như đồ chơi, hoa nhựa, nội thất từ nhựa polyproylen, búp bê, vải và khăn trải giường. Tính đến năm 1966, việc xuất khẩu những mặt hàng này đã mang lại cho Hồng Kông một khoản tiền khoảng 659 triệu đô-la Hồng Kông.

Năm 1958, lĩnh vực kinh doanh hoa nhựa của Hồng Kông thành công rực rỡ nên Lý Gia Thành nhận thấy cần phải mở rộng quy mô sản xuất để có thể đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh của người tiêu dùng. Hơn nữa với giá trị tài sản bấy giờ lên tới hơn 1 triệu đô-la Hồng Kông, ông không những có thể dừng việc cho thuê nhà xưởng mà còn có thể mua thêm tài sản cho công ty. Lý Gia Thành đã mua một nhà xưởng ở quận Cực Bắc, Hồng Kông mà sau đó ông phát triển thành một nhà máy rộng 8.048 m² với 12 nhà kho cùng một khu văn phòng cho thuê. Mặc dù phải đi vay mượn và rất cần tiền để mở rộng kinh doanh nhưng Lý Gia Thành luôn sòng phẳng khi chi trả. Đối với ông, việc mượn tiền cũng giống như việc xin ai đó một ân huệ. Ông từng nói: “Nếu bạn nhờ vả ai đó, điều đó cũng giống như việc nuốt một con dao hai lưỡi”.

Gần như ngay lập tức cơ sở sản xuất mới của Lý Gia Thành làm ăn có lãi với khởi đầu bằng việc một đại diện của Công ty American Natural Fern, một công ty cũng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hoa nhựa đến từ New York, Mỹ, dự định có chuyến viếng thăm công ty của Lý Gia Thành. Công ty này rất ấn tượng với bảng giá sản phẩm của Công ty Trường Giang và đã yêu cầu nhân viên của mình tiến hành đánh giá lợi nhuận mà công ty của Lý có thể thu được. Vị đại diện này yêu cầu được đi thăm quan nhà xưởng sản xuất của Lý và nếu có thể sẽ đặt hàng với số lượng lớn.

Đây chính là cơ hội đột phá mà Lý Gia Thành vẫn luôn chờ đợi. Tuy nhiên, không muốn mọi việc chỉ là do cơ hội mang đến, ông chuyển vào công ty ở hẳn. Làm việc đến mười sáu tiếng một ngày, ông trực tiếp chỉ đạo việc tân trang, tu sửa toàn bộ Công ty Trường Giang. Và ngày vị đại diện nọ viếng thăm cũng đã đến. Đích thân Lý Gia Thành ra sân bay Khải Đức đón. Sau đó, đoàn làm việc của Công ty American Natural Fern đã tiến hành xem xét rất chi tiết cơ sở vật chất và quy trình sản xuất của Công ty Trường Giang. Họ vô cùng ấn tượng trước mẫu mã đa dạng của các loại hoa mà Công ty Trường Giang sản xuất và thừa nhận rằng chúng được làm tỉ mỉ, công phu hơn hẳn những bông hoa của họ. Vị đại diện nhận thấy Công ty Trường Giang của Lý Gia Thành không phải là một công ty gia đình nhỏ bé, và Lý hoàn toàn có khả năng cung ứng hàng hóa cho thị trường Mỹ. Sau cùng, ông nói với Lý: “Tôi không thể ngờ công ty của ngài lại lớn và được tổ chức tốt đến thế. Ngài quả là một nhà kinh doanh tài giỏi.” Lý Gia Thành trả lời: “Thưa ngài, chúng tôi có thể làm được bất kỳ sản phẩm nào mà quý công ty yêu cầu. Đó là những sản phẩm giá rẻ và đảm bảo chất lượng.” Với câu nói đó của Lý, một đơn đặt hàng đã được ký ngay lập tức. Vị đại diện của Công ty American Natural Fern nói công ty của ông ta sẵn sàng đặt lượng hàng trị giá hơn 1 triệu đô-la Mỹ của Công ty Trường Giang.

Thương vụ này đã giúp công ty của Lý Gia Thành có bước phát triển ngoạn mục. Đồng thời ông cũng được biết đến với danh hiệu “Ông vua hoa nhựa” của Hồng Kông. Tuy nhiên, mặc dù lợi nhuận từ việc kinh doanh hoa nhựa là rất lớn nhưng từ trước năm 1964 ông đã nhận thức được rằng thị trường tiềm năng của hoa nhựa vẫn có giới hạn và chịu sự tác động từ những xu hướng bất thường của thị trường thế giới. Hoa nhựa sẽ không thể nào thay thế được những bông hoa thật mặc dù nó có thể lấn áp các mặt hàng làm từ giấy và vải. Ông cũng dự tính rằng người Mỹ, đặc biệt là những người thích chạy theo mốt hay mua hàng theo phong trào rồi cũng sẽ có lúc ghét bỏ hoa nhựa để quay trở lại với thói quen dùng hoa thật.

Ngoài ra, Lý Gia Thành còn cho rằng hoa nhựa dù sao cũng chỉ là một mặt hàng xa xỉ, một thứ đồ tô điểm cho sự xa hoa của các nước phương Tây, chúng không phải là mặt hàng thiết yếu như đĩa nhựa hay các vật dụng gia đình khác. Điều mà ông thật sự muốn làm là có thể kinh doanh những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của người dân. Theo Lý Gia Thành, tiền bạc đối với một số người cũng chỉ vừa đủ để chi trả cho các loại hóa đơn của họ. Do đó, ông xác định rằng việc sản xuất hoa nhựa chỉ là một bước đệm cho việc mở rộng, phát triển kinh doanh và cho một tương lai tốt đẹp đang đón chờ phía trước.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.