Lý Gia Thành – “Ông Chủ Của Những Ông Chủ”

9. Trở về cội nguồn



Với một doanh nhân tài ba như Lý Gia Thành thì việc kinh doanh để sinh lợi là một điều hiển nhiên. Đầu những năm 90, khi châu Á đã trở thành một khu vực thân thuộc với ông thì những cơ hội đầu tư ngày càng nhiều hơn. Sự xuất hiện của Star TV với vai trò là nhân vật quan trọng trong thế giới truyền thông là một tín hiệu tốt để Lý Gia Thành rời bỏ thuộc địa này. Tuy nhiên, Hồng Kông luôn là địa bàn phát triển, là cơ sở của sự giàu có và quyền lực của Lý Gia Thành. Đối với Lý, Hồng Kông là nơi mà ước mơ của ông được bay cao và là nơi ông hợp tác kinh doanh với Lý Triệu Cơ (Henderson Land) và Trịnh Dụ Đồng (New World Holdings). Bằng nhiều cách, Lý Gia Thành đã nêu ra được cách thức cạnh tranh giữa các nhân viên của Ngân hàng Shatin và những người bán dạo áo sơ mi lụa ở Stanley. Đó cũng là mô hình phát triển của Hồng Kông mà nhiều người mong muốn. Quan trọng hơn, triển vọng Hồng Kông sẽ được trả lại cho Trung Quốc trong vài năm tới và việc Thượng Hải là thành phố an toàn để đầu tư kinh doanh báo hiệu cho Lý Gia Thành rằng, vào thời điểm cả hai vùng lãnh thổ được hòa hợp cả về tinh thần và kinh tế thì đầu tư vào Hồng Kông cũng có nghĩa là đầu tư vào Trung Quốc.

Lý do duy nhất khiến Lý Gia Thành tập trung đầu tư vào Hồng Kông và Trung Quốc vào đầu những năm 90 chính là tình yêu ông dành cho mảnh đất quê hương. Ngoài ra, còn hai lý do rõ ràng nữa để Lý Gia Thành tiếp tục mở rộng đế chế của mình. Lý do thứ nhất, không phải mọi thứ mà ông chạm vào đều lập tức biến thành vàng. Cụ thể là vào năm 1992, điều đó lại ảnh hưởng xấu tới Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố của Lý Gia Thành. Chỉ trong sáu tháng đầu năm tập đoàn đã thua lỗ 78 triệu đô-la Hồng Kông. Đây là sự thua lỗ đầu tiên vào giữa năm kể từ khi Lý Gia Thành lãnh đạo nó năm 1979. Sau sự thua lỗ của Công ty Dầu Husky Oil ở Canada thì một vụ kinh doanh khác ở Anh, thông qua Tập đoàn Viễn thông Hòa Ký Telecom – công ty con thuộc Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố – lại tiếp tục bị thua lỗ. Sự thật là thành công của Lý Gia Thành ở một thuộc địa của Anh không đảm bảo được sự thành công của ông ở chính nước Anh. Sự có mặt của Lý Gia Thành trong cộng đồng doanh nghiệp có địa vị xã hội cao ở Hồng Kông cũng không dễ dàng mở đường cho ông gia nhập vào nhóm những doanh nhân thành đạt của Anh.

Tuy nhiên, quay ngược thời gian vào tháng 9 năm 1986, Lý Gia Thành đã rất thành công trong việc mở rộng uy thế của mình ở Anh. Bước đi quan trọng đầu tiên là Lý đã mua 4,99% cổ phần của Pearson Group, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Anh. Việc này đã đặt mục tiêu cho kế hoạch lâu dài của Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố tại Anh. Đó là “phát triển bền vững để xây dựng mối quan hệ thương mại giữa hai tập đoàn”. Giống như việc Lý Gia Thành thâm nhập vào thị trường Mỹ thông qua Tập đoàn Tiết

kiệm và Cho vay Columbia, số vốn đầu tư ban đầu ở Pearson cũng cho thấy ý định đánh cược số cổ phần nhỏ với số cổ phần lớn hơn. Ở đây là số cổ phần về công nghiệp, ngân hàng và xuất bản.

Lý Gia Thành rất hào hứng với mong muốn gia nhập vào nhóm những doanh nhân thành đạt của Anh. Ông đã chuẩn bị tất cả những việc cần thiết để nâng cao uy thế của mình ở câu lạc bộ. Một trong những việc đó là Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố cùng với Tập đoàn Tín dụng Anh tổ chức những bữa tiệc mang phong cách Trung Hoa tại Osterley Park, Middlesex tháng 7 năm 1987. Tổng cộng có bốn bữa tiệc theo phong cách như vậy với số lượng khách lên đến hơn 3 nghìn người.

Những hành động phô trương thanh thế lãng phí như vậy giúp Lý Gia Thành được biết đến nhiều hơn ở Anh, tuy nhiên nó lại không giúp ông hợp tác được với Anh thông qua Pearson. Hiển nhiên, Tập đoàn Pearson Group cũng không thích một người Trung Quốc đến từ Hồng Kông lại chiếm được một vị trí cao trên thương trường. Điều này Lý Gia Thành hiểu hơn ai hết bởi ngay từ lúc bữa tiệc bắt đầu, ông đã nhận được thái độ lạnh nhạt của Lord Blakenham, Chủ tịch Tập đoàn Pearson, thông qua người đại diện trung gian là Simon Murray. Lý Gia Thành biết rằng đã đến lúc mình phải ra khỏi Pearson trong sự tiếc nuối và đau xót. Ngoài sự đón tiếp lạnh nhạt từ Pearson, Lý Gia Thành còn có một lý do khác, xuất phát từ triết lý kinh doanh riêng của ông. Giả sử Lý có thể giành được một ghế trong ban lãnh đạo Pearson, chắc chắn ông sẽ có ít quyền hành. Do đó, Lý quyết định bán phá giá cổ phần của mình. Theo ông: “Tôi không thích tham gia vào một ban lãnh đạo mà mình có ít ảnh hưởng”. Cùng thời điểm đó, một doanh nhân người Ý muốn mua hết 4,99% cổ phần của Lý Gia Thành ở Pearson, để chuyển số cổ phần này cho Rupert Murdoch.

Tất nhiên, không phải tất cả mọi người ở Anh đều tập trung vào việc làm mất mặt Lý Gia Thành (Đảng Bảo thủ của Anh càng không tham gia vào việc này, bởi Lý Gia Thành có mối quan hệ chặt chẽ với John Major – người thường qua lại Hồng Kông với tư cách là nhân viên của Ngân hàng Standard Chartered trong 14 năm. Thực tế năm 1992, Lý Gia Thành đã tặng 100 nghìn bảng Anh cho quỹ của Đảng Bảo thủ và trở thành thành viên trong việc gây quỹ cho tổ chức của Thatcher). Một mối quan hệ kéo dài mấy năm liền là mối quan hệ giữa Lý Gia Thành và Cluff Oil, công ty năng lượng tư nhân của Anh do Algy Cluff đứng đầu. Năm 1979, khi Cluff mở rộng ở Hồng Kông, Lý Gia Thành đã mua 25% cổ phần của công ty con. Sau đó, tháng 11 năm 1986, Lý lại mua riêng 4,9% cổ phần, trị giá 1 triệu bảng Anh của công ty mẹ. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Schroder Securities, việc đầu tư của Lý Gia Thành vào Cluff đáng giá hơn kể từ năm 1986, khi Công ty Dầu Cluff Oil tích lũy được 20 triệu đô-la Mỹ hàng năm từ những mỏ vàng ở Zimbabwean. Với 4 triệu bảng Anh trong ngân hàng, tổng giá trị tài sản ước tính của Cluff theo cổ phiếu chỉ dẫn trước 1,57 đô-la Mỹ so với giá cổ phiếu là 0,48 đô-la Mỹ. Nhận xét về sự cộng tác với

Lý Gia Thành, Algy Cluff nói: “Giờ đây chúng tôi thật sự hài lòng vì có một nhà đầu tư như ông Lý. Chúng tôi biết ông ấy được bảy năm và luôn hợp tác rất ăn ý.”

Một mối quan hệ khác tuy đem lại nhiều lợi nhuận nhưng cũng khiến Lý Gia Thành e ngại là mối quan hệ với Tập đoàn Viễn thông Anh Cable & Wireless. Tháng 9 năm 1987, Trường Giang Thực Nghiệp, Hòa Ký Hoàng Phố và Công ty International Holdings đã mua 4,9% cổ phần của Tập đoàn Viễn thông Anh Cable & Wireless, với giá chưa đến 3 tỷ đô-la Hồng Kông. Thực tế, các công ty của Lý Gia Thành đã bắt đầu mua cổ phần của Tập đoàn Viễn thông Anh Cable & Wireless từ hàng tháng trước. Lý Gia Thành phát biểu: “Hoan nghênh sự đầu tư. Tuần trước, chúng tôi đã đẩy mạnh sức mua. Vào thời điểm này, đây là sự đầu tư liên tục, nhưng chúng tôi vẫn muốn tăng thêm cổ phần ở Cable & Wireless. Chúng tôi tin rằng đây là một sự đầu tư rất tốt và đây là thích hợp để đầu tư”. Những nhà phân tích của London phỏng đoán rằng mục đích của Lý Gia Thành là muốn dùng số cổ phần này như “đòn bẩy” cho công ty con, Công ty Điện thoại Hồng Kông. Cùng lúc đó, Giám đốc tài chính của Cable & Wireless, Rod Olsen, tuyên bố rằng hành động của Lý Gia Thành “thể hiện sự tự tin trong công ty ”.

Tuy nhiên, thực chất Cable & Wireless chỉ là người giữ tiền cho Lý Gia Thành. Thêm một điều nữa là, mặc dù Lý Gia Thành có hứng thú mua thêm cổ phần của Cable & Wireless nhưng luật pháp Anh không cho phép ông mua quá 15%. Quan trọng hơn, Cable & Wireless đã nhận thức được sự mất mát này. Thật sự, giống như Pearson Group, Cable & Wireless chưa bao giờ thấy lo ngại về kế hoạch mở rộng đầu tư lâu dài của Lý Gia Thành, như công ty liên doanh chẳng hạn. Chỉ riêng điều này cũng đủ buộc một Lý Gia Thành đầy kiêu hãnh bán đi số cổ phần của mình. Nhưng cuối cùng, lợi nhuận lại giải quyết tất cả các vấn đề. Năm 1990, khi đồng bảng Anh tăng cao và giá cổ phiếu Cable & Wireless cũng tăng, Lý Gia Thành đã khôn ngoan khi quyết định bán hết cổ phiếu. Đây là một quyết định thật sáng suốt. Vậy Lý thu được bao nhiêu từ việc này? Câu trả lời là 484 triệu đô-la Hồng Kông − một món lợi nhuận khổng lồ. Năm 1989, Lý Gia Thành quyết định dừng đầu tư vào Cable & Wireless và CITIC của Trung Quốc để đầu tư vào truyền hình vệ tinh.

Mặc dù năm 1989 là năm Lý Gia Thành được Chính phủ Anh trao tặng Huân chương Người chỉ huy, nhưng đây cũng là năm tồi tệ nhất của ông. Nhận thức một cách muộn màng và không mấy khôn ngoan, Lý đầu tư nhiều hơn vào các dự án của Chính phủ Anh. Thật ra, từ năm 1989 đến năm 1991, Hòa Ký Hoàng Phố đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong lĩnh vực viễn thông của Anh, trở thành nhà cung cấp dịch vụ danh bạ viễn thông lớn nhất. Nó cung cấp dịch vụ cho 170 nghìn thuê bao thông qua Công ty Hòa Ký Telecom và mua lợi tức của các công ty khác như Quadrant, Nokia Mobira và Millicom. Tiến thêm một bước dài nữa, tháng 7 năm 1991, Lý mua lại Microtel từ tay British Aerospace, một hãng hàng không Anh.

Cho tới thời điểm đó, Hòa Ký Telecom đang hái ra tiền dưới sự điều hành của Giám đốc Richard Siemens. Ông này đã bán toàn bộ lợi tức của mình tại Hòa Ký Hoàng Phố và tiếp tục tham gia đầu tư với tư cách một tỷ phú. Năm 1988, công ty thu được nhiều lợi nhuận hơn nhờ bán các dòng sản phẩm như dịch vụ danh bạ, thiết bị truyền dữ liệu, dịch vụ thông tin, cáp truyền hình, dịch vụ thu phát cũng như điện thoại di động. Với số khách hàng sử dụng điện thoại di động và dịch vụ danh bạ lên đến hơn 18 nghìn người, tổng thu nhập hàng năm của Hòa Ký Telecom là hơn 150 triệu đô-la Hồng Kông, so với vốn đầu tư ban đầu xấp xỉ 200 triệu đô-la Hồng Kông. Ở Hồng Kông, Hòa Ký Hoàng Phố là doanh nghiệp kinh doanh điện thoại có uy thế lớn nhất.

Năm 1991, không giống với các dịch vụ danh bạ sử dụng giọng nói ghi âm sẵn để giao tiếp với khách hàng, Hòa Ký thuê 2 nghìn nhân viên và đào tạo từng người nhận cuộc gọi của bất kỳ ai trong số 300 nghìn khách hàng chỉ trong vòng một giây khi chuông bắt đầu kêu. Điều hành những nhân viên này là một nhóm sáu người, hầu hết được đào tạo ở Mỹ. Nhiều người đến Hòa Ký Telecom với kiến thức kinh doanh về thăm dò dầu mỏ, máy tính và viễn thông. Một nhà quản lý hàng đầu còn từng là cầu thủ bóng đá Australia.

Hòa Ký Telecom nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động ở Australia, Đài Loan và Thái Lan. Tuy nhiên, công ty vẫn lưỡng lự khi hoạt động ở Malaysia vì chính phủ nước này không cho phép Hutch Vision phát các kênh truyền hình của hãng. Trước việc ngăn cản này, công ty quyết định lùi bước và đợi cho đến khi Malaysia cũng như các nước châu Á khác, bãi bỏ điều lệ này.

Việc Siemens thâm nhập vào thị trường đầu tư châu Á nhờ mạng lưới rộng lớn của Lý Gia Thành, một lần nữa lại chứng minh rằng, trong thế giới kinh doanh châu Á, việc tìm được một đối tác ăn ý cũng quan trọng như việc đưa ra một thỏa thuận chính xác. Một số tổ chức kinh doanh và bạn bè tốt của Lý Gia Thành như Raymond Châu thuộc Tập đoàn Golden Harvest của Đài Loan, Robert Kuok (Maylaysia) và gia đình Lamsan (Thái Lan) − điều hành Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan khổng lồ. Giống như Lý Gia Thành, họ đều thành lập, sở hữu và điều hành các doanh nghiệp. Như Richard Siemens đã nói trong cam kết hợp tác: “Những con người này có thể là Lý Gia Thành vì họ vừa là chủ tịch và chủ sở hữu công ty của mình. Một trong những lý do khiến các công ty Mỹ gặp khó khăn ở châu Á là bởi họ chỉ có những vị chủ tịch ngắn hạn, trong thời gian từ hai đến ba năm. Ở châu Á, chủ tịch là người thành lập công ty, như Lý Gia Thành và sẽ ở cương vị đó cho đến khi ông ta qua đời. Khi chủ tịch nói, tất cả mọi người đều phải nín thở bởi những điều ông ta nói là chân lý.”

Với nguồn lợi nhuận kiếm được từ Đài Loan, Thái Lan và Malaysia, Hòa Ký Telecom đã sẵn sàng thâm nhập vào trung tâm của nền công nghiệp dịch vụ Anh và Đức. Nhưng vào năm 1992, những gì Hòa Ký trải qua ở Anh đã dự báo ảnh hưởng xấu đến công ty. Thực tế là, Hòa Ký đã bị thua lỗ. Lợi nhuận thu được ở Đông Nam Á ít.

Năm 1991, ở Australia, Công ty Hòa Ký Telecom chỉ thu được 5 triệu đô-la Hồng Kông. Cùng năm đó, công ty thua lỗ 5 triệu đô-la Hồng Kông ở Thái Lan và Malaysia. Phần lớn dòng âm tiền của Tập đoàn Viễn thông Hòa Ký Telecom xoay quanh Mạng lưới giao tiếp cá nhân. Hệ thống này được thành lập dựa trên một công nghệ chưa được kiểm chứng. Tổng số tiền đầu tư thật sự lên đến 4 tỷ đô-la Hồng Kông. Năm 1993, khi số tiền thua lỗ lên đến 1,42 tỷ đô-la Hồng Kông, Lý Gia Thành quyết định bỏ một số dịch vụ, trong đó có dịch vụ Mobile Data (truyền dữ liệu từ xa).

Tuy nhiên, tổng số thiệt hại không dừng ở đó. Các chuyên gia phân tích thị trường ở London đã chỉ đường cho Tập đoàn Viễn thông Hòa Ký Telecom tham quan các doanh nghiệp viễn thông ở Anh. Cazenova, nhân viên môi giới ở London, đã đưa ra một bản phân tích về Hòa Ký Telecom, trong đó rút ra kết luận về tương lai công ty của Lý Gia Thành: “Dòng tiền không thể thặng dư được ở Anh cho đến năm 1996 trên cơ sở hàng năm, đồng thời tích lũy dòng tiền cũng sẽ không thể thặng dư được cho đến cuối thập niên.” Một chuyên gia phân tích đã phát biểu: “Làm sao mà những người ngoài cuộc lại có thể nghĩ rằng họ sẽ có thể tham gia vào một lĩnh vực công nghệ cao lành nghề và kiếm tiền khi mà Tập đoàn Viễn thông Anh Cable & Wireless lại bị cho ra ngoài cuộc? Thật là ngạo mạn khi nghĩ rằng có thể từ bỏ những kiến thức cơ bản.”

Nói một cách khách quan, năm 1979, khi Lý Gia Thành điều hành Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố, đó mới chỉ là một công ty viễn thông. Năm 1828, khởi nghiệp là một công ty thương mại, sau khi được Lý Gia Thành mua lại, Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố đã phát triển mạnh, mở rộng quy mô kinh doanh và bán lẻ. Ở Hồng Kông, hầu hết mọi người đều mua các sản phẩm của Hòa Ký Hoàng Phố tại cửa hàng tạp hóa 135 Park’N Shop, các cửa hàng dược phẩm ở 86 Watson hay các công ty đồ điện dân dụng của Fortress. Khi những doanh nghiệp khổng lồ như Tập đoàn Dairy Farm Group tăng sức cạnh tranh thì Lý Gia Thành chỉ đơn giản là mở rộng quy mô. Năm 1990, khách hàng ở Macao, Singapore và Đài Loan có thể điền vào phiếu mua hàng và mua Walkman từ 37 cửa hàng của Park’N Shop, Watson và Fortress.

Không còn nghi ngờ gì, kinh doanh, bán lẻ và bất động sản là lĩnh vực của Lý Gia Thành. Một ví dụ về khoản lợi nhuận mà bất động sản đem lại cho Lý Gia Thành chính là việc tập trung đầu tư vào kinh doanh khách sạn. Đầu những năm 90, Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố sở hữu cổ phần ở một vài khách sạn, trong đó phải kể đến 39% cổ phần Khách sạn Sheraton Hồng Kông và 65% cổ phần Khách sạn Hilton Hồng Kông. Với số lượng lớn các doanh nghiệp nước ngoài đến lập nghiệp ở Trung Quốc, các chuyên gia phân tích dự báo rằng Hồng Kông sẽ thay thế Tokyo trong lĩnh vực cho thuê văn phòng và trở thành trung tâm kinh doanh đắt đỏ nhất thế giới. David Faulkner, nhân viên bất động sản của công ty môi giới Hillier Parker, đã nói: “Các khách sạn ngày càng thiếu, các văn phòng còn thiếu hơn và giá cho một mét vuông đã

tăng lên gấp ba lần”. Lý Gia Thành sẽ tối đa hóa lợi nhuận khi mua được hợp đồng quản lý Hilton với giá là 125 triệu đô-la Mỹ, tìm một địa điểm mới cho khách sạn và sử dụng địa điểm cũ để xây văn phòng. Về giá trị của Hilton, Tim Storey, chuyên gia phân tích khách sạn của HG châu Á, cho rằng: “nó trị giá khoảng 3-4 tỷ đô-la Hồng Kông, tương đương với 450-510 triệu đô-la Mỹ. Nhưng nếu đánh sập nó và xây văn phòng thì giá trị sẽ là 7,5 tỷ đô-la Hồng Kông (960 triệu đô-la Mỹ). Đó là một con số khiêm tốn bởi giá trị tài sản còn có thể cao hơn.”

Năm 1994, Lý Gia Thành thành lập Tập đoàn Khách sạn Quốc tế Hòa Ký và sẵn sàng cạnh tranh với các khách sạn ba sao và bốn sao. Eric Waldburger, Giám đốc quản lý tập đoàn, từng là quản lý chung của khách sạn Peninsula và Ritz-Carlton ở Hồng Kông, giải thích: “Chỉ xây khách sạn thôi thì không thể tồn tại được. Chúng phải sinh ra tiền. Anh có thể làm được điều đó bằng việc kinh doanh khách sạn ba hoặc bốn sao. Chúng tôi xem xét các dự án cân đối tài chính và sinh lợi nhiều.” Trong khi đó, các khu vực được quan tâm để xây dựng khách sạn là Trung Quốc và Đông Nam

Á. Chắc chắn là ở hành lang của khách sạn, Lý Gia Thành sẽ bày các sản phẩm bán lẻ của Park’N Shop và Công ty Dược Watson – hai doanh nghiệp chiếm nhiều thị phần thị trường ở Đông Nam Á và Đài Loan.

Cùng lúc đó, đầu những năm 90, thương mại và bất động sản cũng trở thành lĩnh vực chính để đầu tư và sinh lợi cho Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố. Năm 1990, các tòa nhà kinh doanh lớn bao gồm: Hutchison House và China Buiding ở trung tâm Hồng Kông; Whampoa Garden, Whampoa-Terminal Building, JDH Center và Hồng Khám Bay Center ở Hồng Khám; Aberdeen Center ở Aberdeen; Watson Center và LGF Edwick Ind Center ở Quỳ Dũng; Provident Center trên đường Wharf; Watson House ở Shatin; Knightbridge Court trên đường Barker; 1/F Frankie Center ở Cửu Long; 16/F OTB Building ở Loan Tử; Provident Villas trên đường Pokfula; Mountain Cream ở Quan Đường và Peak Villas ở Peak. Nhìn chung, các tòa nhà này đều có khoảng không gần 396.000 m2, tương đương với 11,14 tỷ đô-la Hồng Kông.

Trên đỉnh của đế chế Lý Gia Thành là Công ty Cổ phần Trường Giang Thực Nghiệp, là trái tim và linh hồn của tập đoàn. Từ một nhà máy sản xuất đồ nhựa và sau đó chuyển sang kinh doanh bất động sản, Trường Giang Thực Nghiệp đã được Lý Gia Thành sử dụng nó làm nền tảng để mua Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố. Trường Giang Thực Nghiệp nắm 39,6% cổ phần của Hòa Ký Hoàng Phố, tăng lên so với số cổ phần ban đầu là 22,4%. Các vụ đầu tư đều bắt đầu từ Trường Giang Thực Nghiệp. Công ty này là hiện thân của Lý Gia Thành, là tấm gương phản chiếu hình ảnh ông chủ của nó: vững chắc, có tổ chức, bảo thủ và dè dặt.

Sau lần mua tài sản ở quận Cực Bắc của Lý Gia Thành kể từ năm 1958, Trường Giang Thực Nghiệp bận rộn với việc đầu tư cổ phần và quản lý tài sản. Tất cả các công ty con đều tham gia vào các hoạt động bất động sản và tài sản: phát triển, đầu tư,

bất động sản, quản lý kế hoạch, xây dựng và khai thác đá. Công ty cũng thu được lợi nhuận từ việc sản xuất nhựa đường, xi măng và bê tông. Ngay từ đầu, Trường Giang Thực Nghiệp đã khôn ngoan đầu tư vào Công ty Xi măng Green Island và Anderson châu Á để đảm bảo rằng việc xây dựng công ty sẽ không bao giờ thiếu nguyên vật liệu. Với nhà máy xi măng tổng hợp sản xuất theo công nghệ khô tọa lạc trên diện tích 15 hecta ở Tap Shek Kok, Công ty Xi măng Green Island chuyên sản xuất xi măng poóc-lăng và bụi xi măng. Công ty Anderson châu Á lại chuyên sản xuất bê tông khối, hỗn hợp và nhựa đường. Cả hai công ty này đều sinh lợi lớn và là hai công ty sản xuất xi măng lớn. Đầu những năm 90, việc sản xuất xi măng và khai thác đá đem lại doanh thu 208 triệu đô-la Hồng Kông.

Thậm chí, ngân hàng cũng là một lĩnh vực thuộc phạm vi đầu tư của Trường Giang Thực Nghiệp. Tháng 8 năm 1990, Lý Gia Thành đã đầu tư với CEF New Asia, đối tác trước với CIBC. CEF New Asia sẽ thực hiện các giao dịch nghiệp vụ ngân hàng thương mại ở châu Á Thái Bình Dương, bao gồm phần lớn châu Á, Australia, các đảo thuộc Thái Bình Dương, Canada, Mỹ và các nước ở bờ Tây Trung và Nam Mỹ. Đối tác là những bạn hàng quen như CIBC, Công ty Vốn GE Capital, Mitsubishi và Công ty Chứng khoán Nikko Securities. Số vốn ban đầu của Trường Giang Thực Nghiệp chỉ là 25 triệu đô-la Mỹ.

Bên cạnh đó, Trường Giang Thực Nghiệp còn thu lợi nhuận từ giao thông nội địa và đã ký hợp đồng với New York Center vào tháng 10 năm 1990 để sử dụng 30% hệ thống giao thông hàng không ở Tiêm Sa Tứ – một khu vực thu hút lượng lớn du khách. Chỉ dài 5 km và trị giá 2 tỷ đô la Hồng Kông, hệ thống nối Whampoa Garden thông qua Tiêm Sa Tứ và nối New World Center với Trung Quốc.

Vào những năm 90, New World Development, Henderson Land và Trường Giang Thực Nghiệp là những tập đoàn thành công nhất trong nhóm những doanh nghiệp lớn và nhiều quyền lực nhất Hồng Kông. Năm 1994, riêng số vốn tích lũy từ việc bán bất động sản của Trường Giang Thực Nghiệp đã đạt 20 tỷ đô-la Hồng Kông. Bí quyết sinh lợi của Trường Giang Thực Nghiệp nằm ở chỗ tập đoàn này đã bán bất động sản trước khi xây dựng xong, như trường hợp của Laguna City, Sceneway Garden, tái phát triển Ap Lei Chau và mở rộng dự án Mighty City.

Năm 1988, được Trường Giang Thực Nghiệp và Hòa Ký Hoàng Phố phát triển theo tỷ lệ 50/50, tọa lạc trên đường Trà Quả Lĩnh thuộc Cửu Long, Laguna City là một phần trong đế chế của Lý Gia Thành. Dự án này chính là tinh hoa của Trường Giang Thực Nghiệp. Với đội ngũ luật sư, chuyên gia tài chính và quản lý đến từ các công ty như Shell, Bến cảng Hồng Khám, Công ty Điện Hồng Kông của Lý Gia Thành và bao gồm những thủ tục bất động sản phức tạp, dự án này là ví dụ tiêu biểu về việc xây dựng nhà ở và văn phòng trên những địa điểm không thuận lợi. Bao gồm 38 khối nhà, tổng diện tích sinh hoạt và kinh doanh là 105.750 m2, kích cỡ rộng từ 57,6-83,7 m2,

Laguna City là mô hình cho một thành phố nhỏ với sân quần vợt, sân bóng rổ, sân trượt ván, bể bơi, trung tâm giải trí, sân chơi trẻ em, rạp chiếu phim, khu mua sắm và nhà trẻ. Tháng 5 năm 1990 đánh dấu sự thành công của dự án khi hầu hết các nhân viên thuộc 1.300 đơn vị ở giai đoạn đầu của kế hoạch phát triển đều tranh thủ mua đất với giá 1.238 đô-la Hồng Kông/0,09 m. Đây không phải là điều ngạc nhiên với bất kỳ ai thuộc Trường Giang Thực Nghiệp và Hòa Ký Hoàng Phố bởi Laguna City đã thỏa mãn “cơn khát” nhà đất của Hồng Kông. Trường Giang Thực Nghiệp đã biết tận dụng khéo léo lỗ hổng trong thị trường nhà đất.

Một dự án khác cũng chắc chắn đem lại lợi nhuận là Sceneway Garden, ở ngay cạnh Laguna City. Thực chất, Sceneway Garden tương tự Laguna City với 28-34 tầng nhà, các văn phòng bao quanh một khu vực có diện tích hơn 450 m2. Giống như Laguna City, Sceneway Garden đã được bán đi rất sớm, phần lớn được bán trước tháng 12 năm 1991. Trường Giang Thực Nghiệp và các đối tác là CITIC và công ty xây dựng khổng lồ Kumagai thu được 1.900 đô-la Hồng Kông/0,09 m, 1.273 đô-la Hồng Kông (tương đương với 163.205 đô-la Mỹ) cho đơn vị nhỏ nhất với diện tích 60 m2, và 1.710 đô-la Hồng Kông (tương đương với 219.230 đô-la Mỹ) cho đơn vị lớn nhất với diện tích 81 m2, đem lại 2,5 tỷ đô-la cho Trường Giang Thực Nghiệp.

Cùng lúc đó là dự án phát triển nhà ở và văn phòng bắt đầu từ năm 1988 với sự hợp tác của Shell, Bến cảng Hồng Khám. Tất cả các công ty chính của Lý Gia Thành như Trường Giang Thực Nghiệp, Hòa Ký Hoàng Phố, Công ty Điện Hồng Kông và Cavendish International cũng tham gia đầu tư vào dự án này. Giống như các dự án khác, nó bao gồm cả không gian dành cho sinh hoạt và kinh doanh với nhiều tầng nhà (40 tầng), hỗn hợp (38 khối nhà), rộng rãi (145.207 m2) với diện tích nhà ở từ 57-77 m2.

Vào đầu những năm 90, trong số những dự án phát triển nhà ở và văn phòng của Lý Gia Thành thì Mighty City (tọa lạc ở phía tây bắc Hồng Kông) là dự án lớn nhất. Như tên gọi của nó, đây thật sự là một dự án khổng lồ. Tháng 8 năm 1991, nó là dự án xây dựng lớn nhất của Lý Gia Thành. Với diện tích 240 hecta, nhà ở chiếm diện tích 918.000 m2 và văn phòng chiếm diện tích 72.000 m2, Mighty City có thể chứa được 146 nghìn người. Bắt đầu hình thành bởi John Vũ, em trai của Gordon Vũ – ông chủ Tập đoàn Hopewell Holdings, dự án lớn này được khởi công vào khoảng những năm 80 ở một khu đất bỏ hoang thuộc New Territories (Khu Tân Giới). Ban đầu China Resources nắm 51% cổ phần dự án trong khi Lý Gia Thành chỉ nắm 24%, 25% còn lại thuộc về John Vũ. Tuy nhiên, năm 1986, John Vũ gặp rắc rối với khoản nợ từ cuộc khủng hoảng năm 1983. Cuối cùng, Vũ quyết định bán lại cổ phần và Lý Gia Thành nhanh chóng nâng giá trị cổ phần tới 160 triệu đô-la Hồng Kông, tương đương với 49% cổ phần.

Không còn nghi ngờ gì, Lý Gia Thành đã thật sự quen thuộc với thị trường Hồng

Kông và trong tiềm thức của mình, ông luôn nghĩ đến những khoản lợi lâu dài. Ông luôn tự mình đưa ra những quyết định kinh doanh ở những khu vực phù hợp nhất. Đến đầu những năm 90, khu vực kinh doanh của Lý Gia Thành đã mở rộng nhanh chóng, bao gồm cả Trung Quốc. Lý Gia Thành chưa bao giờ mất lòng tin vào việc Trung Quốc sẽ chọn được hướng đi đúng đắn. Trung Quốc là nguồn lợi lớn cho sự phát triển của Lý Gia Thành. Trung Quốc không chỉ là quê hương của ông mà đất nước ấy còn có tiềm lực phát triển bắt kịp với thế giới. Đó là quân át chủ bài. Nếu không có Trung Quốc, Lý Gia Thành chỉ sở hữu những tòa nhà, cửa hàng, gian hàng thiết bị điện nhỏ bé. Trung Quốc đem đến cho thế giới 1,2 tỷ người tiêu dùng. Với một doanh nhân như Lý Gia Thành, ông càng không thể bỏ qua thị trường Trung Quốc, thậm chí là sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Người dân Trung Quốc luôn mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau nhiều năm cách mạng nghèo khổ, họ ao ước điều kiện sống được cải thiện và có cơ hội để hoàn thiện bản thân. Những cải cách của Đặng Tiểu Bình chắc chắn đem lại cho nhân dân Trung Quốc cơ hội sống tốt hơn. Tất cả những gì họ cần là một người có thể cung cấp những sản phẩm họ muốn.

Sau tháng 6 năm 1989, Lý Gia Thành quyết định chinh phục toàn bộ Trung Quốc. Ông làm việc cần cù với các lãnh đạo Trung Quốc. Lúc này, Lý Gia Thành đã là một thành viên quan trọng của CITIC. Với tư cách là một nhà tư vấn, ông đem đến cho Trung Quốc những lời khuyên bổ ích về sự phát triển của châu Á. Là một thành viên của công ty, ông đóng góp tiền của, kinh nghiệm, sự khôn ngoan và đội ngũ nhân viên tài năng. Dù phải trải qua nhiều vụ kinh doanh không thành công nhưng mối quan hệ giữa Lý Gia Thành với Trung Quốc và CITIC vẫn bền chặt, nó chứa đựng những thất bại cũng như thành công thật lạ kỳ.

Năm 1991, hai năm sau sự kiện Thiên An Môn, Lý Gia Thành đã sẵn sàng thâm nhập thị trường Trung Quốc và hợp tác với CITIC Pacific – công ty đầu tư của CITIC. Đầu tiên là việc mua Công ty Đầu tư Hang Chong cùng với CITIC Pacific, Tập đoàn Chow Tai-fok, Công ty Môi giới Peregrine và Công ty thương mại Robert Kuok’s Kerry. Công ty Đầu tư Hang Chong là công ty khó mua nhất. Việc đầu tư vào bất động sản và thị trường ô tô Hồng Kông đã đem lại 1 tỷ đô-la Hồng Kông lợi nhuận vào năm 1990. Nhưng hiện tại, với hợp đồng kinh doanh trị giá 6,94 tỷ đô la Hồng Kông, Lý Gia Thành đã sẵn sàng giúp đỡ Trung Quốc gia nhập thị trường thương mại Hồng Kông bằng cách hậu thuẫn, cho phép CITIC Pacific tham gia với tư cách chính và nắm 21 triệu cổ phiếu của Hang Chong, tương đương với 36% cổ phần. Bằng cách này, những doanh nghiệp Trung Quốc giờ đã có đủ lực để đối đầu không chỉ với Jardine Matheson mà còn với cả Hòa Ký Hoàng Phố. Lý Gia Thành muốn tuyên bố với cả thế giới rằng ông đồng lòng với Trung Quốc.

Cho dù tại thời điểm này, các đối tác không thể tận mắt thấy được tương lai của công ty như trước đây nhưng Lý Gia Thành vẫn kiên quyết hỗ trợ Trung Quốc. Khi CITIC

Pacific muốn củng cố quyền kiểm soát Hang Chong, Lý Gia Thành đã giúp đỡ bằng cách bán cổ phiếu của Trường Giang Thực Nghiệp cho CITIC Pacific với giá 1,5 tỷ đô-la Hồng Kông. Cùng lúc đó, CITIC Pacific cũng mua được số lượng cổ phiếu tương tự từ các đối tác khác với giá 390 triệu đô-la Hồng Kông, nâng tổng giá trị đầu tư ở Hang Chong lên 3 tỷ đô-la Hồng Kông. Điều này cho thấy Trung Quốc hiển nhiên sẽ trở thành một nhà hoạt động tài chính lớn. Về phần mình, Lý Gia Thành luôn sẵn sàng hỗ trợ và động viên những doanh nhân Trung Quốc tham gia vào nền tài chính thế giới.

Năm 1992, Lý Gia Thành tin rằng Trung Quốc đang đi đúng đường và sẵn sàng đầu tư tiền của vào đất nước này. Trung Quốc cũng đã sẵn sàng mở rộng cửa chào đón Lý Gia Thành trở về.

Trên tạp chí Thân Bắc Kinh, Hồng Kông, Ta Kung Pao đã viết: Năm 1992, Trường Giang Thực Nghiệp đã chuyển nhượng năm công ty liên doanh thành viên cho Robert Kuok, một doanh nhân Malaysia nổi tiếng với chuỗi khách sạn toàn cầu Shangri-la. Điều mà tập đoàn này mong muốn là bất động sản ở Trung Quốc, đặc biệt là quyền phát triển hơn 5,78 hecta đất ở Thượng Hải trong vòng 50 năm nữa. Việc phát triển này bao gồm khu nhà ở tư nhân, văn phòng, công viên và các trung tâm mua sắm không xa nhà ga trung tâm của thành phố.

Cuối cùng, Trung Quốc đã bật đèn xanh bằng việc Phó Thị trưởng Thượng Hải, Triệu Tề Chinh đồng ý ký hợp đồng. Việc Lý Gia Thành cam kết phát triển bất động sản trị giá gần 10% của 131 triệu đô-la Hồng Kông cho thấy chiến lược đầu tư này khá mạo hiểm. Vụ đánh cược này đã đem lại thành công rực rỡ cho Lý Gia Thành trong đấu trường hội tụ những đối thủ ghê gớm. Những doanh nghiệp giàu có sẵn sàng hợp tác với Lý Gia Thành càng chứng tỏ một điều rõ ràng là danh tiếng có thể có được nhờ cho đi vài đồng đô-la hay vài tấm thẻ tín dụng.

Năm 1993, việc đầu tư của Lý Gia Thành ở Trung Quốc phát triển vượt bậc. Tháng 6 năm 1992, Trường Giang Thực Nghiệp vẫn hợp tác với CITIC Pacific, đầu tư 8,58 tỷ đô-la Hồng Kông (1,1 tỷ đô-la Mỹ), trong đó có vụ mua lại Khách sạn Miramar ở Cửu Long nhằm mở đường cho các công trình xây dựng nhà ở và trung tâm thương mại.

Vào thời điểm đó, nếu có bất kỳ mối nghi ngờ nào cho rằng Lý Gia Thành chưa hoàn toàn tin tưởng vào tiềm lực cũng như những chủ trương đối xử công bằng với Hồng Kông của Trung Quốc đại lục thì chính Lý sẽ chấm dứt mọi nghi ngờ đó. Lý không còn cách nào khác ngoài lựa chọn đối đầu với Simon Murray, người đại diện kỳ cựu vốn rất được ông tin tưởng. Vụ việc này có liên quan tới lời nhận xét của Thống đốc Hồng Kông Chris Patten về sự cần thiết của một cuộc cải cách dân chủ ở Hồng Kông khi mà những người Anh đang rời đi, nhường chỗ cho chính quyền Trung Quốc. Patten cho rằng cải cách dân chủ ở Hồng Kông giống như “lời khuyên trước khi

chia tay” của phe các nước đế quốc.

Lý Gia Thành chỉ thấy một thứ đạo đức giả dối trong những phát biểu chính trị om sòm của Patten. Nếu như những năm trước khi Patten được bổ nhiệm, chính quyền thực dân Anh chưa từng có những thiện chí dân chủ vậy thì vì lý do gì bây giờ họ lại thực hiện nó, và tại sao phải chờ tới trước khi Trung Quốc tiếp quản Hồng Kông? Câu trả lời duy nhất là người Anh đã cảm thấy tức giận khi họ sắp mất quyền kiểm soát Hồng Kông và những động thái này nhằm mục đích khuấy động những người bản địa tạo nên một cục diện chính trị “nóng” cho những nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thay thế.

Vấn đề của Simon Murray là ông này lại rất tán thành quan điểm của Patten, thậm chí còn thể hiện nó khá công khai mà không thèm để ý tới lời nhắc nhở của Lý Gia Thành đối với tất cả các giám đốc của mình rằng họ nên “cư xử như một con sư tử với móng vuốt hiền lành”. Là một người Anh, tuy nhiên Murray không thể hiểu đầy đủ những tính toán của Patten về thời điểm đưa ra lời kêu gọi cải cách dân chủ, càng không thể hiểu những ảo tưởng tan vỡ của Bắc Kinh với thái độ mới của những nhà cầm quyền dành cho một Hồng Kông dân chủ. Về phần Lý đại gia, ông có quá nhiều những khoản đầu tư khác nhau tại Trung Quốc và vì thế, khó có thể chấp nhận việc một cấp dưới như Murray lại bỏ ngoài tai chỉ thị của ông và “cư xử như một con sư tử với móng vuốt nguy hiểm”.

Bên cạnh khuynh hướng chính trị sai lầm, Murray còn không thể trung thành với những chỉ dẫn của ông chủ Lý về việc đầu tư ở các nước phương Tây. Lý muốn kiềm chế Hòa Ký Hoàng Phố và chấm dứt những tiêu cực bắt nguồn từ các khoản đầu tư nước ngoài như vụ dầu Husky ở Canada và dự án điện thoại di động ở Vương quốc Anh. Với việc rút lui khỏi thị trường phương Tây, đế chế của ông có thể tập trung vào Trung Quốc. Về điểm này, Murray tán đồng việc Trung Quốc nên là trọng điểm chính. Tuy vậy, ông này vẫn cho rằng không thể bỏ qua thị trường phương Tây. Lý Gia Thành đã suy nghĩ theo một hướng khác và quyết định cho Murray thôi việc. Kết quả là vào ngày 1 tháng 9 năm 1993, Lý đã chấp nhận việc từ chức không mong muốn của Murray. Một nhà phân tích đã nhận xét về Murray: “Có lẽ anh ta đã sinh nhầm thời”.

Sau khi Murray ra đi, cổ phần của Hòa Ký Hoàng Phố tăng vọt ở Hồng Kông. Bước ngoặt này báo hiệu những thay đổi sâu sắc trong đế chế của Lý Gia Thành. Nó không chỉ là việc thay đổi một chức danh giám đốc trong cơ cấu quyền lực vốn luôn biến động của Lý, mà còn là những thay đổi về bộ mặt văn hóa. Theo cách nói của nhà phân tích Viễn Đông Anne Gardini thì “Họ có những kế hoạch đầy tham vọng trên đất Trung Quốc ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là việc vận chuyển và bán lẻ công-te-nơ. Trong khuôn khổ đó, hiển nhiên họ mong muốn có một bộ mặt Trung Hoa”. Sau khi Murray ra đi và tìm đến với Ngân hàng Deustche Bank Asia đặt tại Singapore, ông trở thành người đứng đầu trong các hoạt động của ngân hàng này tại

Hồng Kông. Canning Fok đã được bổ nhiệm thay cho Murray.

Với bộ máy lãnh đạo ổn định trở lại, Lý Gia Thành bắt đầu tìm kiếm những cơ hội đầu tư gần sân nhà Hồng Kông hơn và đương nhiên nó nằm trong phạm vi châu Á. Thực tế, trong những năm qua Lý cũng đã đầu tư rất nhiều vào khu vực này, biến nó thành sân chơi của riêng mình. Ví dụ điển hình là vào năm 1992, Tập đoàn Trường Giang Thực Nghiệp đã mua 10,84% cổ phần của Công ty Cổ phần Guoco ở Malaysia và còn dành cho Guoco một khoản vay lên tới 268 triệu đô-la Hồng Kông trong cuộc thương thuyết này. Kwek Leng Chan, một trong những thương nhân hàng đầu ở Malaysia cũng đã đầu tư vào đó và nắm giữ tới 31% lợi nhuận. Điều cốt yếu đối với cả Lý và Chan là với việc có cổ phần ở Guoco, họ có thể tiếp cận với một trong những chi nhánh của nó: Ngân hàng Đào Hằng, Hồng Kông.

Cùng năm đó, ở Sapporo – thành phố của Nhật Bản, nổi tiếng với Thế vận hội mùa đông 1972, Lý Gia Thành cùng trùm tư bản Malaysia Robert Kuok và Liên minh bán lẻ quốc tế Yao Han International đã cấp vốn cho xây dựng khu liên hợp đồ sộ gồm các nhà nghỉ sang trọng, khu văn phòng, trung tâm mua bán và công viên giải trí. Số tiền vốn lên tới 747 triệu đô-la. Cũng trong năm 1992, Tập đoàn Trường Giang Thực Nghiệp đã mua Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Quốc tế EIE từ đại gia bất động sản Nhật Bản Harunori Takahashi, qua đó cũng sở hữu luôn cả cổ phần của EIE tại Hồng Kông bao gồm bến tàu lớn và tòa tháp văn phòng Bond ở khu vực trung tâm. Giải đáp về lý do tại sao Lý lại chỉ quan tâm đến hai cơ sở này tại Hồng Kông, nhà phân tích đầu tư Edward Chan của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chin Tung kết luận: “Mục đích duy nhất của ông Lý hẳn là đầu tư thật nhiều tài sản vào EIE và biến nó trở thành một con mãnh thú mới”.

Tuy nhiên, trong số các điểm đầu tư thuộc khu vực châu Á thì ngoài Hồng Kông và Trung Quốc, Singapore có vẻ hấp dẫn ông hơn cả. Thực tế, hầu hết những hoạt động kinh doanh mà ông thu nhiều lợi nhuận nhất đều diễn ra ở đây. Ví dụ như vào năm1985, Trường Giang Thực Nghiệp đã thu được khoản lợi nhuận 30,2 triệu đô-la nhờ việc bán 40% cổ phần của Công ty Bất động sản Lợi Hưng cho Công ty Cổ phần Trách nhiệm hữu hạn Parkway của Singapore. Trong khi đó, một trong những dự án khổng lồ đầu tiên của Lý Gia Thành trong năm 1988 là dự án xây dựng thành phố Suntec. Lý đã giành được 16% lợi nhuận trong dự án này. Cùng hợp tác với những gương mặt đáng chú ý như Run Run Shaw, Frank Tsao, Lý Triệu Cơ và Trịnh Dụ Đồng, ông đã mở rộng công ty cổ phần tại Singapore, xây dựng thêm trung tâm hội nghị và không gian thương mại. Để đáp lại, Chính phủ Singapore đã trao tặng Lý Gia Thành cương vị “công sứ vĩnh viễn”. Lý nói: “Tôi thật sự rất ngưỡng mộ và kính trọng đất nước Singapore, một đất nước sẵn sàng mở cửa cho những người không giàu có, không được học hành đầy đủ. Cho dù anh là thợ thép, công nhân hay nhân viên văn phòng, họ vẫn cho anh quyền thường trú. Đó là một sự đảm bảo cho người dân

Hồng Kông. Khi họ cần, họ biết rằng cánh cửa luôn rộng mở”.

Tuy nhiên, đến tháng 1 năm 1994 mối liên hệ của Lý Gia Thành với Singapore lại trở nên cần thiết không phải vì những đầu tư vào quốc đảo này mà là vào Trung Quốc. Lý đại gia hướng tới một quan hệ hợp tác khác, với sự góp mặt của chính phủ hai nước Trung Quốc và Singapore. Kết quả là sự ra đời của Liên minh Tân Trung Hoa – Hồng Kông, số cổ phần lớn nhất là 55% thuộc về Lý Gia Thành, Trung Quốc đóng góp 32,5% và Singapore 12,5%. Liên minh này không chỉ hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán Hồng Kông mà còn đầu tư 48 triệu đô-la vào dự án xây dựng Bắc Kinh. Trong quá trình thực hiện, liên minh này còn nhận thấy một dự án lớn hơn nhiều, đó là xây dựng đường cao tốc chính ở tây Tứ Xuyên và một bến cảng trên đảo Hải Nam.

Chắc chắn rằng từ ngày Simon Murray ra đi, Lý Gia Thành ngày càng tập trung tìm kiếm những cơ hội thích hợp nhất. Một trong số này là vụ đầu tư vào Chu Hải, Thâm Quyến. Tháng 10 năm 1993, Trường Giang Thực Nghiệp ký hợp đồng chung vốn 25 tỷ đô-la Hồng Kông với Công ty Bright World của Stephen Poon Kwok-lim để xây dựng một nhà máy điện mới – Nhà máy Điện Giang Tô.

Một địa điểm khác mà Lý cũng rất quan tâm đó là tỉnh Quảng Tây ở phía nam Trung Quốc. Đây là một tỉnh ít được thế giới biết đến, giáp Quảng Đông và Việt Nam. Vào những năm đầu thập niên 90, Quảng Tây bắt đầu thực hiện chính sách mở. Năm 1992, đầu tư nước ngoài vào Quảng Tây là 237 triệu đô-la. Tám tháng đầu năm 1993, con số này đã tăng vọt lên tới 726 triệu đô la. Đến tháng 7 năm 1993, tổng số 4 nghìn dự án đã cấp vốn, trị giá lên tới 4,6 tỷ đô-la. Tuy nhiên, Quảng Tây còn muốn nhiều hơn thế. Dương Hải Linh, Giám đốc Ủy ban Thương mại và Đối ngoại Kinh tế của Quảng Tây đã nói về tầm quan trọng của ngoại tệ: “Đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ công cuộc phát triển của Quảng Tây, tập trung vào cơ sở hạ tầng và thương mại. Cơ sở vật chất, khu vực vẫn chịu sự kìm hãm và khống chế của nền kinh tế vĩ mô, vẫn còn tương đối kém phát triển so với một vài tỉnh khác”. Con số dự án ở Quảng Tây lên tới 1.078 dự án và được “tiếp thị” tại một hội chợ quốc tế trong khu vực vào mùa thu năm 1993. Trong số những dự án này, 300 dự án đáng chú ý nhất có giá trị lên tới 36,1 tỷ đô-la. Các dự án này bao gồm đầu tư vào giao thông vận tải, năng lượng, dệt may và nông nghiệp.

Nhận thức được tầm quan trọng ngày càng tăng của Quảng Tây, Lý Gia Thành ngay lập tức góp cổ phần vào hai thương vụ hợp tác giữa Tập đoàn Quảng Tây và Tập đoàn Châu Cảng Trung Quốc. Một trong hai vụ đầu tư này là việc xây dựng một bến tàu 35 nghìn tấn ở thị xã Thanh Châu với chi phí 200 triệu đô-la. Vụ thứ hai Lý Gia Thành đã đầu tư 4 triệu đô-la vào việc mở rộng nhà máy sắt thép ở nội vi thành phố Liêu Châu, nhờ đó tăng sản lượng hàng năm của nhà máy này từ 500 nghìn tấn lên 1,5 triệu tấn.

Nhờ có Trường Giang Thực Nghiệp, vào thời điểm đó chẳng mấy ngạc nhiên khi Lý

đã sở hữu 20% cổ phần trong Công ty Concord International Thu Cảng. Trong một thời gian dài, công ty này vẫn hoạt động dưới tên gọi Công ty Cổ phần Thép Tùng Vĩnh và là một trong những công ty thép hàng đầu ở Trung Quốc. Tâm điểm của những vụ đầu tư quốc tế của Thu Cảng là vụ đầu tư của Concord International Thu Cảng. Là một trong bốn chi nhánh của Tập đoàn Thu Cảng được liệt kê trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, tham vọng chính của Concord International Thu Cảng là tiến sâu vào thị trường châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Đặc biệt, công ty này cũng để tâm tới thị trường thép ở Đông Nam Á. Năm 1994 công ty này đã tham gia vào thị trường chứng khoán Malaysia và Singapore.

Việc Thu Cảng tự do đầu tư vào nước ngoài đã sinh ra 24 chi nhánh và cơ quan ở 15 quốc gia, bao gồm cả ở Mỹ. Thương vụ đáng chú ý nhất của nó là vụ mua mỏ quặng sắt ở Peru. Vụ này đã ngốn của Bắc Kinh 120 triệu đô-la vào năm 1992. Tất nhiên, tất cả các quặng này sau đó được vận chuyển về Trung Quốc để làm nhiên liệu cho những lò đốt khổng lồ trong các nhà máy thép. Sự lớn mạnh của Tập đoàn Thu Cảng được khẳng định là nhờ có sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình. Thật ra, Đặng Chất Phương, con trai của Đặng Tiểu Bình cũng tham gia trong hội đồng của Concord Grand Thu Cảng, một chi nhánh khác của tập đoàn này tại Hồng Kông. Với sự hỗ trợ đằng sau của ông Đặng, Tập đoàn Thu Cảng không những được phép mở ngân hàng riêng mà còn được bỏ qua Bộ Công nghiệp Luyện kim, báo cáo trực tiếp với Hội đồng Tư vấn quốc gia. Quan hệ hợp tác giữa Lý Gia Thành và một tập đoàn lớn ở Quảng Tây đã tiếp tục thể hiện mối quan tâm của Lý đối với Trung Quốc. Nó cũng báo hiệu cho cộng đồng doanh nghiệp rằng các mối quan tâm của Lý tại Trung Quốc không chỉ giới hạn ở thành phố quê hương Quảng Đông của ông. Hiển nhiên là tất cả công chúng đều ghi nhận điều đó khi vào ngày 5 tháng 10 năm 1993, cơ quan ngôn luận chính của Trung Quốc ở hải ngoại, tờ Tân Hoa đã cho ra một công bố bất ngờ rằng Lý Gia Thành đã ủng hộ 100 triệu đô-la Hồng Kông cho Quỹ Phúc lợi Trung Quốc dành cho người tàn tật. Số tiền này thực ra đã được chuyển vào quỹ hai năm trước đó. Trong suốt khoảng thời gian này, các bác sĩ đã chữa trị cho các trẻ em bị bại liệt bẩm sinh hay có dị tật về thính giác và thần kinh. Cuối cùng, khi tin tức này lan ra, Đặng Phác Phương, Chủ tịch của quỹ này nói rằng Lý đã không muốn tiết lộ lòng tốt của mình vì muốn tránh công luận.

Trong khi đó, trên thương trường, Lý Gia Thành cũng đang khám phá một lĩnh vực mới. Thực tế, ông đang tập trung vào một ngành công nghiệp hứa hẹn sẽ nở rộ cùng sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Với việc mua Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố năm 1979 thì bản thân ông cũng đã có một lượng lớn cổ phần trong ngành này, đó là lĩnh vực kinh doanh bến cảng. Là một hải cảng khổng lồ với bến cảng sâu và lớn nhất nằm giữa Thượng Hải và Singapore, Hồng Kông đã lớn mạnh khởi nguồn từ thương mại quốc tế. Ngay cả khi Hồng Kông đã bắt đầu phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ lớn mạnh như ngân hàng hay viễn thông thì các bến cảng từ thời thực dân này

vẫn là nhân tố quan trọng trong quá trình Hồng Kông tìm kiếm con đường kinh doanh. Bản thân nó đã tạo nên nền tảng cho nền kinh tế của thuộc địa này. Nhận thấy điều đó, Lý Gia Thành muốn các công ty của ông tham gia nhiều hơn vào các hoạt động hàng ngày của các trạm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Hồng Kông và nước ngoài.

Nếu như cảng Hồng Kông đã bắt đầu hoạt động kinh doanh công-te-nơ vào năm 1968 thì ý tưởng xây dựng một hệ thống các trạm công te nơ đã không thành hiện thực cho tới năm 1971. Năm 1971 Công ty Hồng Kông-Kowloon Godown đã cho xây dựng các trạm công-te-nơ trong giới hạn thành phố của thuộc địa này. Cùng thời gian này, Công ty đóng tàu Hồng Kông-Hoàng Phố Dock đã xây dựng các trạm công-te-nơ ở phía bắc Hồng Khám. Năm 1973, Công ty Modern Terminals thuộc sở hữu của Tập đoàn Oyama & Sea-Land đã đảm nhiệm các trạm ở Quỳ Dũng.

Khi Lý Gia Thành mua Hòa Ký Hoàng Phố, năm năm sau khi nó được thành lập từ việc hợp nhất Công ty đóng tàu Hồng Kông-Hoàng Phố và công ty mẹ là Công ty Quốc tế Hòa Ký, ông đã có trong tay tất cả các yếu tố cần thiết cho việc xây dụng một mạng lưới thông tin rộng lớn về hải cảng và phát triển trạm công-te-nơ. Vào lúc đó, để xúc tiến đầu tư, ông đã thành lập Sân bay Quốc tế Hồng Kông (HIT) như là một chi nhánh của Hòa Ký Hoàng Phố, đảm bảo cho ông một vị trí thuận lợi trong ngành kinh doanh công-te-nơ ở thuộc địa này.

HIT sau này điều hành các cơ sở tại Trạm 4, 6 và 7 nhưng nó cũng từng sở hữu cả Trạm 2 khi Tập đoàn Oyama tuyên bố phá sản. Sau đó, với việc HIT ra giá 4,39 tỷ đô-la Hồng Kông (con số này lên tới 7,5 tỷ đô-la Hồng Kông khi nó hoàn thành vào năm 1991, bao gồm phí tài chính, xây dựng và trang thiết bị) cho quyền điều hành Trạm 7

ở cuối phía nam từ Quỳ Dũng thì Hòa Ký Hoàng Phố đã nhường lại Trạm 2 cho Modern Terminals. Vụ chuyển giao này là một phần trong thỏa thuận với chính phủ, cho phép Modern Terminals điều khiển hoạt động của các trạm công te nơ ở phía bắc Quỳ Dũng trong khi HIT củng cố ảnh hưởng của mình ở phía nam.

Với việc quản lý Trạm 4, 5 và 7 HIT đã kiểm soát tới 63% lưu lượng hàng hóa qua Quỳ Dũng. Tuy vậy, như một đặc điểm trong phong cách đầu tư của mình, Lý đã phân tán rủi ro bằng việc mời thêm các cộng sự: Ngân hàng Hồng Kông có 5% cổ phần, China Resources 10%, Mitsui O.S.K 5%, Mitsui & Company 1%, Quỹ SAR Land Fund 6% và Ngân hàng Đào Hằng 5%. Tổng cộng HIT có 60,5%. Con số này còn tăng lên 77,5% với việc mua lại Orient Oversea International và một vài công ty nhỏ khác.

Trong nhiều năm, Lý cũng có vị trí quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ tàu thủy. Năm 1988, Hồng Kông trở thành trung tâm vận tải chính của khu vực miền nam Trung Quốc với hàng hóa nhập từ các cảng thuộc bờ tây Mỹ, Đông Á và Đông Nam Á. Vì các dịch vụ hàng hải của Hồng Kông hoạt động trong phạm vi tương đối ngắn nên nó

có thể vươn tới các cảng thương mại của châu Á như Cao Hùng, Kobe-Osaka, Cơ Long, Pusan, Singapore và Tokyo-Yokohama. Đứng sau tất cả các hoạt động hàng hải từ phương Tây sang châu Á này không ai khác chính là Hòa Ký Hoàng Phố của Lý Gia Thành.

Tuy nhiên, sự dàn xếp vận tải đường biển này không tồn tại vĩnh viễn. Trên thực tế, nó quá hấp dẫn khiến cho Trung Quốc hùng mạnh khó có thể bỏ qua. Năm 1990, trong tổng số 120 triệu tấn hàng vận chuyển qua đồng bằng sông Châu Giang, Hồng Kông đóng góp 62 triệu tấn; trong khi Quảng Châu đứng cách xa ở vị trí thứ hai với 36 triệu tấn. Các cảng khác dọc theo đồng bằng này đóng góp 22 triệu tấn còn lại. Trong khi đó, so với con số 3,1 triệu TEU (đơn vị đo tương ứng 6 m theo chuẩn áp dụng cho công-te-nơ 20x8x8) của Hồng Kông thì con số tương ứng của Trung Quốc có vẻ quá nhỏ bé. Trong số 70 hải cảng hiện có hoặc đã được quy hoạch, tính cả các đề án cảng nước sâu tại Sỹ Văn, Sa Giáo và Hoàng Phú Newport, tổng trọng tải hàng hóa chỉ là 350 nghìn TEU. Ở Trung Quốc, Thượng Hải là cảng duy nhất vượt qua được con số đó.

Đứng trước thực tế đó, giới chức Trung Quốc dần tỉnh táo hơn. Họ quyết định nâng cấp cơ sở vật chất tại các cảng này. Một khi Trung Quốc có được một mạng lưới hải cảng tinh vi của riêng mình thì ngành kinh doanh vận tải của Hồng Kông sẽ là thừa thãi.

Mối đe dọa chính đối với Tập đoàn HIT của Lý Gia Thành là các cảng tại Thâm Quyến với tổng trọng tải 200 nghìn TEU và cảng Chu Hải ở bắc Macao. Đề án cảng nước sâu ở Diêm Điền (Vịnh Đại Khánh) là một thách thức lớn đối với việc thu lợi nhuận trong ngành kinh doanh cảng công-te-nơ của Lý Gia Thành. Trên thực tế, nhờ có một địa thế lý tưởng nên các tàu thuyền rất dễ thâm nhập vào Diêm Điền thông qua đường bộ và đường thủy. Lối vào với mực nước sâu cho phép một số lượng lớn tàu có trọng tải lớn ra vào cảng. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất hấp dẫn của Diêm Điền, vì thế đến năm 1991 việc xây dựng các dịch vụ công-te-nơ chuyên dụng đã tăng tổng trọng tải 200 nghìn TEU ban đầu của cảng và cho phép các tàu vào cảng có thể sử dụng cùng một bến đỗ.

Trong khi Diêm Điền luôn sẵn sàng sử dụng nguồn vốn nước ngoài cho việc phát triển – lần mở rộng gần đây nhất của Diêm Điền là dựa vào nguồn vốn vay từ Nhật bản – thì mãi đến năm 1990 Bắc Kinh mới chính thức phê chuẩn cho chính quyền thành phố Thâm Quyến tích cực tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài. Và ngay lập tức, các lãnh đạo của Thâm Quyến đã tiếp cận với Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố. Là một doanh nhân lão luyện, Lý Gia Thành luôn đánh giá chính xác những nguy cơ tiềm ẩn một khi Trung Quốc chiếm được vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp thương cảng tại Hồng Kông, và hiện tại Diêm Điền dường như đã trở thành một trong những đối thủ cạnh tranh đó. Tuy nhiên khi Thâm Quyến kêu gọi, chính Simon Murray – Giám

đốc điều hành người Scotland của Lý Gia Thành là người lên tiếng. Theo Murray, đơn giản là do ông Lý không quan tâm đến điều đó. Sau một thời gian, các quan chức của Thâm Quyến đã chuyển hướng sang tập đoàn Wharf Holdings của Bao Ngọc Cương. Tập đoàn này đang đeo đuổi ý tưởng “Hong Kong Plus” và tìm kiếm nguồn đầu tư hấp dẫn từ Trung Quốc. Diêm Điền dường như là một cơ hội tốt để Wharf thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh công-te-nơ của Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng cho biết Trung Quốc đồng ý cho Wharf một cơ hội cạnh tranh và tham gia. Vấn đề hết sức rõ ràng là Lý Gia Thành sẽ không bao giờ cho phép Wharf, một liên minh thương mại ở Hồng Kông, dễ dàng có được dự án này. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, Lý sẽ phải hướng sự chú ý của mình sang một lĩnh vực kinh doanh khác giúp mở rộng hoạt động tại tất cả mọi nơi, kể cả ở Anh.

Điều mà Lý quan tâm là cảng Felixstowe và Công ty Railway Company. Nằm ở phía đông nam bờ biển nước Anh, Felixstowe là cảng công-te-nơ lớn nhất Vương quốc Anh. Với tổng trọng tải hàng hóa 16 triệu tấn/mét năm 1990, cảng có các thiết bị tời hàng lên xuống, nhà kho và cầu tàu dành cho các loại tàu chở dầu. Đầu tư vào Felixstowe, Simon Murray khẳng định nó giúp Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố “tận dụng được các cơ hội kinh doanh đang nổi lên từ thị trường chung châu Âu trong năm 1992. Việc đầu tư này cũng hỗ trợ cho kế hoạch phát triển các dịch vụ cảng công-te-nơ của chúng tôi ở Đông Nam Á và Trung Quốc”.

Lý Gia Thành đã lao vào các cơ hội đầu tư, và vào ngày 13 tháng 6 năm 1991 ông công bố Tập đoàn Hong Kong International Terminals sẽ tăng cường mạng lưới cảng công-te-nơ với việc chi ra 152 triệu đô la Hồng Kông để mua lại 75% cổ phần ở Felixstowe từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Peninsular & Oriental Containers Limited (P&O), công ty mẹ của P&O Containers Limited. Trong khi đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Orient Overseas Limited – công ty đang sở hữu Orient Overseas Container Line sẽ là chủ nhân của 25% cổ phần còn lại.

Liên kết với Orient Overseas là một chiến lược rõ ràng. Trong khi liên minh Felixstowe cổ phần hóa Công ty Walton Container Terminal, trước đó thuộc về Orient Overseas, thì Lý Gia Thành lại đang tích cực củng cố quan hệ với không chỉ một công ty công-te-nơ mà với các liên minh thương mại toàn cầu. Đặc biệt, trong khoản lợi nhuận mà Lý Gia Thành có được từ việc liên kết với Orient Overseas phải tính đến ba mươi tàu công-te-nơ đang hoạt động trên tất cả các tuyến chính trên toàn cầu. Orient Overseas cũng sở hữu và điều hành các loại tàu hỏa hai ống khói tại Mỹ và Canada, ngoài ra còn có các sân bay tại Canada, California, New Jersey, Nam Carolina, Italia và Đài Loan. Tất cả các bên đều rất hào hứng với thỏa thuận quốc tế này, đặc biệt là P&O, công ty này đang rất quan tâm đến việc vực dậy các cảng quan trọng tại Southampton và Tilbury. Cũng giống như trường hợp của Orient Overseas, Giám đốc marketing Stanley Shen giải thích, sự kết hợp của Felixstowe và Walton “sẽ biến hoạt

động cảng công-te-nơ trở thành một ngành kinh doanh có tầm vóc nhất ở Anh. Quá trình tái cơ cấu đã tạo ra một cơ hội tốt để tổ chức lại hoạt động kinh doanh của tập đoàn tại Felixstowe bằng cách chuyển đổi toàn bộ Công ty Walton để hướng sự quan tâm vào hoạt động liên kết rộng lớn hơn nhiều”.

Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu của Lý Gia Thành là sự phát triển của cảng Diêm Điền ở Trung Quốc. Thực ra, khi biết Thủ tướng Lý Bằng coi Wharf Holdings là một nhà đầu tư năng động tại Diêm Điền, Lý Gia Thành đã yêu cầu đánh giá lại toàn bộ dự án. Ông sẽ chất vấn thật rõ ràng quan điểm của Murray – một ví dụ cho thấy mối nghi ngờ ngày càng tăng của Lý Gia Thành đối với nhân viên, và chính điều này sẽ góp phần khiến Murray phải ra đi. Đối với Lý, dự án phát triển cảng Diêm Điền không đơn thuần chỉ là một thương vụ, nếu đánh mất Diêm Điền vào tay Wharf Holdings, đó sẽ là một mối đe dọa lớn đối với danh dự và tiếng tăm của ông. Chính xác hơn, với tư cách là cố vấn quan trọng cho CITIC, Lý Gia Thành lo sợ một khi Wharf giành được hợp đồng này, con rể của Bao Ngọc Cương, Peter Woo Kwong-ching sẽ thay thế Lý để trở thành cố vấn chính cho các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh.

Tất nhiên, Lý hiểu rõ rằng Trung Quốc muốn ông có được dự án này. Thực ra khi Peter đệ trình hồ sơ thầu, giới chức Thâm Quyến đã khuyên ông ta hợp tác với Lý dưới hình thức một dự án chung. Peter đã chấp nhận sự sắp xếp đó nhưng Lý Gia Thành thì không, cuối cùng ông đưa ra một hồ sơ thầu riêng. Mức bỏ thầu hấp dẫn đến mức các nhà chức trách Trung Quốc không thể bỏ qua. Hơn 1,2 tỷ đô-la Hồng Kông trong số tiền đã đăng ký sẽ được đầu tư bởi một hiệp hội các công ty, đứng đầu là Lý Gia Thành. Trong số các dự án được tài trợ bởi nguồn vốn nước ngoài, đây là dự án lớn nhất mà Đặc khu kinh tế Thâm Quyến đã từng thông qua.

“Một nhà ái quốc chân chính” là những lời Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân dành cho Lý hôm mùng 7 tháng 10 năm 1993 trong buổi lễ ký kết hợp đồng tại nhà khách quốc gia Diaoyutai ở Bắc Kinh. Tại buổi lễ, Thủ tướng Lý Bằng đã phát biểu: “Trung Quốc đang phải đối mặt với nhu cầu vận tải ngày càng tăng do sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế. Các “cánh cửa” ngày càng mở rộng hơn, các hoạt động thương mại và kinh tế quốc tế đã trở nên năng động hơn. Việc sử dụng nguồn vốn nước ngoài đang được thúc đẩy nhằm phát triển các dịch vụ cơ bản như hải cảng, đường sắt, cảng hàng không và trạm phát điện. Cảng Diêm Điền, gần với thành phố hiện đại Thâm Quyến, có được rất nhiều điều kiện thuận lợi cũng như những triển vọng vô cùng lớn nhờ các công trình xây dựng. Dự án cảng Diêm Điền đã có một sự khởi đầu tốt đẹp và hy vọng nó sẽ trở thành một trung tâm hiện đại nổi tiếng thế giới”.

Chủ tịch Giang Trạch Dân đã ca ngợi sự dũng cảm của Lý trong việc đầu tư vào Diêm Điền cùng bản hợp đồng có thời hạn năm mươi năm. Tuy nhiên, cho dù đây có vẻ là thời kỳ lợi nhuận giảm sút nhưng Lý Gia Thành vẫn hầu như không quan tâm.

Vì ông đã có những mối quan tâm khác trong đầu: với 70% dự án, Diêm Điền sẽ đóng vai trò như một tấm bình phong một khi Tập đoàn HIT phải hứng chịu bất kỳ tổn thất nào trong những thập niên tiếp theo.

Với Lý, trong vai trò là nhà lãnh đạo, dự án cảng Diêm Điền đang được thực hiện cùng một kế hoạch xây dựng năm cảng công te nơ trọng tải 50 nghìn tấn sẽ góp phần làm tăng trọng tải của cảng này lên đến 1,7 triệu TEU. Nhờ hệ thống đường sắt và đường bộ ở Diêm Điền đã đi vào sử dụng, nên giao thông kết nối với Hồng Kông sẽ trở nên tương đối dễ dàng. Hoạt động giống như một trung tâm vận chuyển, Diêm Điền sẽ là một bến đỗ lý tưởng cho các loại hàng hóa và dịch vụ. John Meredith, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Hong Kong International Terminals, nêu rõ: “Tập đoàn sẽ không tiên liệu được những biến động trong tương lai, nhưng sẽ có những động thái trước những nhu cầu hiện có. Khi chúng tôi khảo sát Diêm Điền năm năm về trước, người ta chỉ muốn sử dụng Hồng Kông. Bây giờ nhu cầu đã có”. Thực tế, năm 1992, Hồng Kông sẽ trở thành một cảng công-te-nơ sôi động nhất thế giới với lượng hàng hóa vào cảng tăng 29% so với năm trước đó, tăng trưởng dự kiến hàng năm của cảng trong những năm tiếp theo sẽ giảm xuống mức 8%, một kết quả tất yếu của sự cạnh tranh giữa các cảng.

Ngoài Diêm Điền, Trung Quốc còn có ba dự án cảng nước sâu khác đang chờ đầu tư, đó là vịnh Đại Cổ ở phía bắc Đại Liên, Bắc Lân ở nam Ninh Ba và vịnh Mỹ Châu ở Phú Châu. Tuy nhiên, không cảng nào trong ba cảng này ảnh hưởng đến việc đầu tư của Lý Gia Thành ở Hồng Kông. Hai cảng duy nhất đe dọa đến việc kinh doanh của Lý là Chu Hải và Thượng Hải, tuy vậy mối đe dọa cũng chỉ đủ khiến Lý đặt cọc 50% kinh phí để mở rộng mỗi cảng. Với tổng số vốn đầu tư khoảng 8-9 tỷ đô-la Hồng Kông ở Diêm Điền, Chu Hải và Thượng Hải, hiện tại Lý Gia Thành là nhà điều hành dịch vụ bến cảng lớn nhất vùng biển phía nam Trung Quốc. Peter Churchhouse thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Morgan Stanley Asia Limited khẳng định: “Nếu Hòa Ký Hoàng Phố có thể thâm nhập vào ngành công nghiệp bến cảng ở lục địa, điều đó đồng nghĩa với việc họ vừa khóa chặt một nền kinh tế đang phát triển mạnh nhất thế giới”.

Đến tháng 1 năm 1994, lợi nhuận từ việc kinh doanh vận tải hàng hải của Hòa Ký Hoàng Phố được công bố là 1,12 tỷ đô-la Hồng Kông. Như vậy, HIT rõ ràng là một vụ đầu tư béo bở nhất của Hòa Ký Hoàng Phố, vượt trên tất cả các mức lợi nhuận thu được từ các hoạt động kinh doanh khác. Giới phân tích chắc chắn rằng giá cổ phiếu của HIT sẽ được đẩy lên cao. Và không còn nghi ngờ gì, chìa khóa dẫn đến khoản lợi nhuận kếch xù mà Hòa Ký Hoàng Phố có được từ HIT chính là sự bất lực của Trung Quốc trong việc điều hòa luồng hàng hóa ồ ạt ra vào lục địa. Như Tony Clark, thuộc Ban Phát triển bến cảng của Hồng Kông giải thích: “Điều này sẽ còn kéo dài trong mười năm nữa trước khi các cảng của Trung Quốc có khả năng cạnh tranh do tính quan liêu của các nhà lãnh đạo, cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu các dịch vụ hỗ trợ vận

chuyển”. Ông nhận định: “Nhìn vào lượng hàng hóa xuất phát từ các cảng phía nam Trung Quốc, rõ ràng một mình Hồng Kông sẽ không thể đối phó được. Trung Quốc sẽ phải nỗ lực hơn nữa nếu muốn ổn định hoạt động mậu dịch của mình”. Và với các cảng ở Thượng Hải, Chu Hải và Diêm Điền trong tay, HIT sẽ một mình băng băng về đích để giành lấy luồng hàng hóa đang ngày càng gia tăng. Stanchart Securities đã giải thích về sự lạc quan của mình: “Chúng tôi tin rằng sự chuyển hướng của Hòa Ký sang phát triển kinh doanh cảng công te nơ là rất khôn ngoan. Hình thức kinh doanh này rõ ràng đã tạo ra dòng trung chuyển tiền mặt cao, thu về lợi nhuận định kỳ cho tập đoàn. Đây cũng là một hình thức kinh doanh cực kỳ có lợi và mức độ ảnh hưởng bởi sự lỗi thời của công nghệ không giống như ngành kinh doanh viễn thông”.

Những ngày tháng lãng phí tiền bạc ở nước Anh dường như đã lùi xa. Trên thực tế, đến năm 1994, Lý đã tham gia vào một dự án mới cùng Tập đoàn British Airports Authority (BAA). Ý tưởng đằng sau liên minh này là nhằm tận dụng một cơ hội có quy mô rộng lớn và đầy tiềm năng: phát triển cảng hàng không ở Trung Quốc. Với vị thế là một tập đoàn cảng hàng không tư nhân duy nhất trên thế giới, vào năm 1993, BAA đã sở hữu 73% lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không ở Anh với bảy cơ sở. Gatwick là cơ sở nổi tiếng nhất và Heathrow là cơ sở sôi động nhất. Vì BAA đã độc quyền nắm giữ các cảng hàng không ở phía nam nước Anh nên không thể mở rộng hoạt động của mình sang các vùng nội địa khác. Họ phải tìm kiếm cơ hội

ở nước ngoài. Trung Quốc là vùng đất màu mỡ duy nhất chưa được khai thác và có nhiều tiềm năng để thu lợi nhuận trong mười năm tới và BAA muốn nhảy vào.

Năm 1993, Trung Quốc là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không hàng năm đã tăng lên mức 18% trong khi lượng vé hành khách bán ra tăng nhảy vọt tới 31,7%. Người đứng đầu của BAA, John Egan, một cựu lãnh đạo của Jaguar, đã nói: Trung Quốc là “một thị trường đầy triển vọng cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, “đất nước này không đạt được nhiều thành tựu với giải pháp kết nối vận tải, và khi Trung Quốc phát triển, vận tải hàng không sẽ cất cánh. Không một công ty nào khác (ngoại trừ BAA) đã xây dựng và mở rộng các cảng hàng không, bảo trì đường băng và điều hành một cách an toàn các sân bay quốc tế chủ chốt mà không đòi hỏi ở người đóng thuế một xu nào”. Kế hoạch mà BAA dự định là đến năm 2000 sẽ xây dựng và nâng cấp một trăm sân bay.

Bất chấp quy mô và kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và cung cấp thực phẩm, chưa kể đến các kế hoạch tầm cỡ khác, BAA biết rằng thật không đơn giản để có mặt ở Bắc Kinh và giành lấy các hợp đồng. Họ cần một “chiếc cầu” dẫn đến Trung Quốc và Lý Gia Thành chính là chiếc cầu đó. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường hàng không mà Hòa Ký Hoàng Phố có được nhờ 15% cổ phần trong Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cảng hàng hóa Hồng Kông và trong ngành công nghiệp bảo dưỡng máy bay thông qua việc đầu tư vào Công ty Bảo dưỡng máy bay Quảng Châu,

Lý Gia Thành thật sự rất quan tâm đến việc sử dụng một cách tối ưu những kinh nghiệm này để thu được nguồn lợi nhuận lớn hơn. Theo cách đó, liên minh vừa mới thành lập giữa Hòa Ký Hoàng Phố và BAA dường như là một sự kết hợp tuyệt vời nhất mà Lý có thể tìm thấy.

Đặc biệt với Lý, sự kết hợp này sẽ giúp ông củng cố chỗ đứng đang ngày càng vững chắc trong hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Trên thực tế, đến giữa những năm 90, khi những thất bại mà Lý phải hứng chịu ở nước Anh đã phai nhạt dần trong ký ức và mọi người hồi hộp chờ đón giây phút Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997, Lý thật sự muốn chứng kiến bước đường tiến vào tương lai từ chính nơi ông được sinh ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.