Mật Mã Tài Năng
Phần III: Cách huấn luyện bậc thầy – Chương 8: Những người truyền đạt mục tiêu đầy tài năng
Không nên nói về việc nhận diện tài năng, dù ở bất cứ nơi đâu. Tôi không bao giờ cố gắng ra ngoài để tìm một người nào đó có tài. Trước tiên, bạn hãy làm việc theo đúng những nguyên tắc cơ bản, và rất nhanh chóng, bạn sẽ thấy được mọi việc tiến triển tốt như thế nào.
— ROBERT LANSDORP, huấn luyện viên quần vợt của các tay vợt cựu số một thế giới: Pete Sampras, Tracy Austin và Lindsay Davenport; họ chỉ ở cách nhau một vài cây số, và đã trưởng thành ở Los Angeles
KHẢ NĂNG NGOẠI CẢM (ESP) CỦA HANS JENSEN
Hồi đầu thế kỷ XX, bọn cướp nhà băng ở Mỹ chưa được điêu luyện như bây giờ. Các băng nhóm, ví dụ như anh em nhà Newton ở Texas, đều tuân theo một kế hoạch đơn giản và tương tự nhau: chọn một ngân hàng, chờ cho đến khi đêm xuống, sau đó dùng chất nổ như dynamite và/hoặc nitroglycerine để phá két đựng tiền (trong đó, ngoài việc cần khéo léo để xoay xở, đôi khi xảy ra những phản ứng phụ không may là tiền bị cháy hết). Phương pháp đơn giản này tỏ ra có tác dụng trong một thời gian khá dài. Nhưng vào đầu những năm 1920, các ngân hàng đã cảnh giác, họ sử dụng hệ thống báo động và gia cố két đựng tiền với bê tông cốt thép để chống bị phá bằng chất nổ. Các băng nhóm như anh em nhà Newton đã lâm vào tình trạng khó xử; còn các nhà lãnh đạo ngân hàng thì hân hoan cho rằng một kỷ nguyên mới của an toàn và an ninh ngân hàng đã mở ra.
Nhưng buổi bình minh tươi đẹp đó chưa đến. Ngược lại, những tên cướp nhà băng lại trở nên điêu luyện hơn. Những tên cướp mới này chuyển sang làm việc vào ban ngày và hoạt động với tính chuyên nghiệp cao, với độ chính xác như một bộ máy đồng hồ, đến nỗi ngay cả cảnh sát cũng nhiều phen phải bái phục. Cứ như thể những tên cướp nhà băng bỗng nhiên tiến hóa thành một loài sinh vật có tài năng gấp bội. Chúng đã chứng minh khả năng của mình tại trung tâm thành phố Denver, ngày 19 tháng 12 năm 1922, khi một băng đảng đã nẫng mất của Kho bạc Liên bang 200.000 đô-la chỉ trong vòng chín mươi giây, một chiến công mà sau đó được xếp hạng rất cao trong số những vụ cướp ngân hàng làm mất nhiều tiền nhất trong lịch sử ngành ngân hàng nước Mỹ.
Sự tiến hóa này có thể bắt đầu từ một gã đàn ông, người cầm đầu băng đảng ở Denver: “Nam tước” Herman Lamm. Lamm là người khởi tạo và là giáo viên hướng dẫn các kỹ năng cướp nhà băng hiện đại. Sinh ra ở Đức khoảng năm 1880, Lamm nhanh chóng trở thành sĩ quan trong quân đội Phổ. Bị trục xuất khỏi quân đội (vì bị cáo buộc là gian lận khi chơi bài), hắn di cư sang Mỹ và tạo dựng được một sự nghiệp khá thành công trong “lĩnh vực” chặn đường cướp của, và đôi khi cướp ngân hàng. Năm 1917, trong khi bị giam giữ hai năm tại nhà tù tiểu bang Utah, Lamm phát kiến ra hệ thống cướp ngân hàng kiểu mới, áp dụng các nguyên tắc quân sự vào cái gọi là “nghề nghiệp chất phác”. Cách nhìn sâu sắc và khác người của hắn là, việc cướp ngân hàng không cần sự gan góc hoặc súng ống, mà cần nhất là kỹ thuật.
Mỗi vụ cướp nhà băng đều được chuẩn bị trong nhiều tuần. Lamm đi tiên phong trong việc “tạo vỏ bọc”, tức là đến thăm thú ngân hàng, vẽ bản đồ, lập kế hoạch, và đôi khi suy nghĩ như một nhà báo để có được cái nhìn rõ ràng về hoạt động nội tại của ngân hàng. Lamm phân công cho mỗi tên một vai trò đã được xác định rất rõ: kẻ canh chừng, tên chặn ở hành lang, kẻ phá két, người lái xe. Hắn đã tổ chức các buổi diễn tập, sử dụng nhà kho để mô phỏng ngân hàng. Hắn nhấn mạnh về sự tuân thủ giờ giấc một cách rất triệt để: khi thời điểm đó đến, băng cướp sẽ khởi hành, dù ngân hàng có nhiều hoặc ít tiền. Lamm trinh sát tuyến đường tẩu thoát trong những điều kiện thời tiết khác nhau để đo đếm thời gian. Hắn ghim sẵn bản đồ trên bảng điều khiển của chiếc xe ô tô chuyên dùng để tẩu thoát, được ấn định thời gian cho mỗi một phần mười dặm.
Hệ thống của Lamm – được mệnh danh là “Kỹ thuật của Nam tước Lamm” – tỏ ra rất hiệu quả. Từ năm 1919 đến 1930, nó đã mang lại cho Lamm hàng trăm ngàn đô-la từ các ngân hàng ở khắp đất nước. Sau khi hắn chết, kỹ thuật này được truyền cho John Dillinger, một tên khá nhất trong bọn.* Hệ thống của Lamm vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, và nó thành công không chỉ vì sức mạnh dựa trên khái niệm, mà còn vì Lamm có khả năng truyền đạt các ý tưởng của mình và chuyển những ý tưởng đó thành việc thực hiện liền mạch một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Hắn là một người đầy sáng tạo, một giáo viên dạy về tính kỷ luật và sự chính xác giỏi giang. Hắn có được cảm hứng thông qua thông tin. Nói tóm lại, “Nam tước” Lamm là một huấn luyện viên bậc thầy.
Cho đến nay, trong cuốn sách này, chúng ta đã nói về kỹ năng với tư cách là một quá trình phát triển tế bào thông qua tập luyện sâu. Chúng ta đã thấy được sự đánh lửa tạo ra năng lượng vô thức cho sự phát triển đó. Bây giờ, đã đến lúc gặp gỡ một số người có những sở trường kỳ lạ có thể kết hợp những sức mạnh trên, để nuôi dưỡng tài năng cho những người khác.
Tuy nhiên, trước khi chúng ta biết những huấn luyện viên bậc thầy đó là ai, chúng ta hãy tìm hiểu những người không nằm trong số đó đã. Khi nghĩ về một huấn luyện viên bậc thầy, hầu hết chúng ta thường nghĩ đến một lãnh tụ vĩ đại, một người có tầm nhìn kiên định, người từng có kinh nghiệm chinh chiến và người chỉ huy có tài hùng biện. Giống như một thuyền trưởng của con tàu, hoặc một nhà thuyết giáo trên bục giảng, khả năng cốt lõi của họ nằm ở việc biết một điều đặc biệt nào đó mà chúng ta không biết, và chia sẻ kiến thức đặc biệt đó với chúng ta một cách tích cực. Theo cách suy nghĩ đó, các kỹ năng của huấn luyện viên bóng đá huyền thoại Vince Lombardi không khác mấy so với của Đại tướng George Patton hoặc của Nữ hoàng Elizabeth I. Tuy nhiên, khi đến thăm những chiếc nôi nuôi dưỡng tài năng, tôi không thấy có nhiều Lombardis hoặc Pattons, hoặc Nữ hoàng Elizabeths trong lĩnh vực này.
Thay vào đó, các giáo viên và huấn luyện viên mà tôi đã gặp đều trầm lặng, thậm chí còn dè dặt. Đa số họ đã lớn tuổi, nhiều người đã giảng dạy ba mươi hoặc bốn mươi năm rồi. Họ đều có một cách nhìn giống nhau: ổn định, sâu sắc, và bình thản. Họ nghe nhiều hơn nói. Dường như họ bị dị ứng với những cuộc nói chuyện mang tính cổ vũ hoặc các bài phát biểu khơi gợi cảm hứng. Họ dành phần lớn thời gian để đưa ra các điều chỉnh nhỏ, có mục tiêu và rất cụ thể. Họ có sự nhạy cảm đặc biệt với những học sinh của mình, tùy biến các thông điệp theo tính cách của từng học sinh. Sau khi gặp hơn một chục người như vậy, tôi bắt đầu nghi ngờ rằng tất cả bọn họ đều có mối liên quan với nhau một cách bí hiểm. Họ là những người có khả năng truyền đạt mục tiêu. Những người giống như Hans Jensen.
Hans Jensen là giáo viên dạy đàn cello sống ở Chicago. Tôi đã gặp ông tại Trường âm nhạc Meadowmount, thiên đường xa xôi của những tài năng nhạc cổ điển ở Adirondacks mà chúng ta đã biết trong những chương trước của cuốn sách này. Tôi chưa bao giờ nghe nói về Jensen, nhưng ở đây, ngay giữa một đội ngũ giảng viên toàn sao, ông được coi là một giáo viên đặc biệt. Trong buổi sáng đầu tiên của tôi tại Meadowmount, có hai sinh viên đã kể rằng gia đình họ đã chuyển tới Chicago để họ có thể học với Jensen. Melissa Kraut, giáo viên dạy tại Học viện âm nhạc Cleveland, mô tả Jensen là “giáo viên dạy cello nổi tiếng nhất hành tinh.”
Jensen là người gốc Đan Mạch, khoảng năm mươi tuổi, trông gầy gò nhưng sôi nổi, thường đeo cặp kính tròn, sau cặp kính đó, ông nhìn thế giới với cái nhìn của một người thợ lặn. Khi tôi tìm được ông trong phòng thực hành của trường Meadowmount, ông đang chăm chú nhìn cậu học trò mười tám tuổi tên là Sang chơi một bản công-xéc-tô của Dvorak. Với đôi tai của tôi, Sang đang chơi thật tuyệt vời: nhanh, trong trẻo, đúng các nốt nhạc. Tuy nhiên, Jensen không hài lòng. ông đứng cách chàng sinh viên đang chơi đàn vài bước, vẩy tay và nói với Sang bằng cái giọng Đan Mạch hơi nằng nặng. Trông như thể Jensen đang thực hiện một kiểu phù phép nào đó.
“Nào! Nào!” ông la lên. “Chỉ có lúc này thôi! Em chơi như tiếng tuốc-bin kêu ấy. Em đã từng chơi như thế, và bây giờ em vẫn chơi như thế.”
Sang chơi rất vất vả, tay đưa lên, đưa xuống liên tục trên cổ cây đàn.
Jensen nghiêng người lại gần hơn. “Tôi nhìn thấy trong mắt em, như em đang nói, ‘Ồ,
khỉ thật, mình phải làm điều đó.’ Vì vậy, đừng nghỉ ngợi [từ nghĩ được Jensen phát âm thành nghỉ]. Làm đi! NàO!”
Sang nhắm mắt lại và chơi.
“Thế! Thế! ” Jensen hét lên. “TIẾP! TIẾP!”
Sang đã kết thúc bản nhạc và ngồi tựa lưng vẻ chán nản, như thể cậu ta vừa bước ra khỏi một vũ hội giả trang.
“Thế đấy,” Jensen nói. “Đó là nơi em phải đến cùng với bản nhạc này.”
Sang cảm ơn Jensen, cho đàn vào túi, và rời phòng tập khi thấy Whitney Delphos, sinh viên tiếp theo, bước lên phía trước. Delphos hai mươi tuổi, đến từ Houston và mặc một chiếc áo sơ mi hiệu Lacoste màu hồng với cổ áo không cài khuy. Cô đã đến đúng lúc Sang đang kết thúc bài học, và bây giờ, cô bắt đầu ngồi vào ghế, nắm cổ cây đàn, và hơi toát mồ hôi.
Jensen để cho cô thoải mái một chút, ông dựa lưng vào ghế, sau đó mỉm cười nhẹ nhàng. “Chào em”, ông thân thiện nói.
Delphos mỉm cười và dường như cô đã thấy thư giãn hơn chút ít. Jensen yêu cầu cô chơi đàn và ông lặng lẽ lắng nghe, khi cô chìm đắm vào bản công-xéc-tô của Bach. Delphos chơi không vững như Sang. Cô chơi sai vài nốt, bị mất nhịp ở một đoạn cần chơi nhanh, và nói chung, dường như cô phải đánh vật với cây đàn. Khi chơi, cô thận trọng liếc nhìn Jensen, mong ông sẽ bắt đầu vẩy tay, la hét và biểu lộ tình cảm như đối với Sang.
Nhưng Jensen đã không làm như vậy. Sau ba mươi giây, ông nhẹ nhàng đặt bàn tay vào cái vĩ để dừng nó lại. ông nghiêng người, như thể định thì thầm với cô về một bí mật quốc gia.
“Em phải chìm đắm vào bản nhạc,” ông nói.
“Chìm đắm vào nó?” Delphos hoang mang.
Jensen vỗ vỗ vào cái đầu hói của mình, và cô hiểu ra. “Chìm đắm”, ông nhắc lại. “Chìm đắm vào cả đoạn nhạc. Khi em chìm đắm vào nó, em sẽ chơi hay hơn đến mười lần. Người ta thường chú trọng vào thực hành quá nhiều khi kéo vĩ. Em phải tập trung vào đây!” ông lại chỉ vào đầu mình một lần nữa. “Em phải chìm đắm vào! Đây là nước sinh tố. Nó không ngon lắm. Nhưng nó tốt cho em.”
Delphos đặt cái vĩ xuống, nhắm mắt lại như ông hướng dẫn, tưởng tượng mình đã chơi xong một phần của bản công-xéc-tô. Khi chơi xong, cô lại mở mắt ra, và Jensen nói, “Em đã sử dụng tiếng ngân khi em tưởng tượng mình đang chơi đoạn cuối đó có phải không?”
Delphos bỏ cằm ra khỏi chỗ tì. “Làm sao thầy biết ạ?”
Jensen mỉm cười. “Đôi khi tôi làm mọi người cảm thấy đê mê,” ông nói. “Họ nghỉ tôi có khả năng ngoại cảm ESP.”
Jensen có một danh sách dài các thành tích chuyên môn. ông học tại Juilliard với các giáo viên nổi tiếng như Leonard Rose và Charming Robbins; ông đã độc tấu với Dàn nhạc giao hưởng Copenhagen và đoạt giải trong các cuộc thi quốc tế. Kiến thức về cello cổ điển của ông “có một không hai”. Nhưng những gì chúng ta thấy ở đây chẳng liên quan gì đến thành tích của Jensen mà tất cả đều liên quan đến khả năng ESP bí ẩn của ông – đặc biệt là kỹ năng của ông trong việc nắm bắt nhu cầu của học sinh, và ngay lập tức đưa ra được những tín hiệu chính xác để đáp ứng những nhu cầu đó.
Jensen không biết Sang và Delphos trước khi họ bước vào phòng tập này. ông không cần biết. Kỳ thi, việc kiểm tra, việc chẩn đoán và kê đơn thuốc chỉ diễn ra trong vòng vài giây đồng hồ. Sang cần nhiều cảm xúc hơn, do đó Jensen là người cổ vũ làm cho anh ta thêm hăng hái. Delphos cần một chiến lược học tập, do đó Jensen trở thành một thiền sư. ông đã không nói cho họ biết họ phải làm gì: ông trở thành cái mà họ cần trở thành, truyền đạt các mục tiêu với cử chỉ, âm sắc, nhịp điệu, và ánh mắt.
Những tín hiệu này phải nhắm đúng mục tiêu, ngắn gọn, gây dấu ấn, và chính xác.
Sau khi Jensen kết thúc buổi dạy Sang và Delphos, tôi hỏi ông ý kiến chuyên môn về hai sinh viên kia. Ai có tài năng hơn? Ai có nhiều triển vọng hơn? Jensen dường như phải vật lộn câu hỏi này khiến tôi rất ngạc nhiên. (Sang có vẻ khá hơn Delphos về vẻ tao nhã). Nhưng người giáo viên cello số một của hành tinh này không nhìn mọi thứ như tôi đã nhìn.
“Thật khó nói,” Jensen nói bằng cái giọng đều đều. “Khi tôi dạy, tôi chỉ chắp cánh cho học sinh thôi. Còn sau đó họ bay như thế nào, ai mà biết được?”
Cảm tính này – ổn định, nhất quán, thận trọng, và không lãng mạn – có một điều gì đó quen thuộc. Nhiều người có khả năng truyền đạt mục tiêu làm tôi nhớ đến những người họ hàng của mình ở thành phố nông nghiệp Illinois, những người cứng rắn, thường không tỏ ra ngạc nhiên về điều gì và thường cẩn trọng. Họ có thể nói chuyện hàng giờ về các chi tiết nhỏ nhất trong việc tra hạt giống hay bón phân, nhưng khi có các câu hỏi lớn hơn nảy sinh – chất lượng của vụ thu hoạch sắp tới, cơ hội trong trận đấu play-off của đội bóng chày Cardinals yêu quý của thành phố St. Louis – thì họ thường nhún vai. Ai mà biết được?
Những huấn luyện viên bậc thầy không giống như các vị nguyên thủ quốc gia. Họ không giống như những người thuyền trưởng đưa chúng ta qua đại dương bao la hay những nhà truyền giáo đứng trên bục giảng để nói về những tin tức tốt lành. Nhân cách của họ – kỹ năng cốt lõi của họ – giống người nông dân nhiều hơn: cẩn thận. Họ là những người ươm trồng myelin có chủ ý, cũng giống như Hans Jensen. Họ có đầu óc thực tế và nguyên tắc. Họ sở hữu kho kiến thức sâu rộng và áp dụng vào công việc ươm trồng các mạch kỹ năng, nhưng cuối cùng, họ không kiểm soát nó. Jensen không thể trả lời câu hỏi của tôi vì thực tế, câu hỏi này thật khó hiểu. Có thể quan sát hai cái cây non và nói cây nào sẽ lớn nhanh hơn không? Câu trả lời chỉ có thể là: Vẫn còn quá sớm, và cả hai cây đều đang lớn đấy thôi.
Bí MẬT CỦA THẦY PHù THỦY
Năm 1970, có hai nhà tâm lý học giáo dục tên là Ron Gallimore và Roland Tharp đã được trao một cơ hội đáng mơ ước: thiết lập ngay từ đầu chương trình tập đọc thử nghiệm trong một trường thực nghiệm tại khu phố nghèo ở Honolulu. Dự án được một tổ chức giáo dục Hawaii tài trợ, thu hút 120 học sinh lớp ba và được đặt tên là Dự án Giáo dục tiểu học Kamehameha, viết tắt là KEEP. Bắt đầu từ năm 1972, khi trường mới mở, hàng ngày Gallimore và Tharp đã áp dụng những lý thuyết sư phạm tiên tiến nhất, nhiều lý thuyết yêu cầu điều chỉnh chiến lược của giáo viên để tăng tỷ lệ thời gian “làm nhiệm vụ.” Gallimore và Tharp là những người sáng tạo, làm việc cần mẫn và có quyết tâm cao. Nhưng họ không thành công lắm. Trong hai năm đầu tiên, thành tích tập đọc tại Dự án KEEP vẫn thấp. Mùa hè năm 1974, Gallimore nhớ lại, “Chúng tôi đã bắt đầu đặt câu hỏi nghiêm túc về phương pháp luận của mình.”
Mùa hè đó, cả Gallimore và Tharp đều được mời dạy một số lớp ở trường đại học UCLA, họ cảm thấy bối rối về dự án đang bế tắc của mình. Một buổi chiều, khi đang tập ném bóng rổ ở sân sau, Gallimore nảy ra một ý tưởng: họ sẽ thực hiện nghiên cứu một trường hợp sâu hơn, chi tiết hơn về một giáo viên giỏi nhất mà họ biết, và sử dụng những kết quả đó để giúp công việc của họ tại KEEP tốt hơn. Cả hai người nghĩ ngay đến một giáo viên đang dạy tại trường UCLA. Tuy nhiên, họ hơi ngần ngại. Người giáo viên đặc biệt này rất nổi tiếng và được ca ngợi, thế mà lại yêu cầu ông ta dạy thử, khác gì coi ông ta như một con chuột trong phòng thí nghiệm. Mời ông ta tham gia nghiên cứu này dường như là một điều không thể tưởng tượng được, nếu không muốn nói là hỗn xược. Nhưng Gallimore và Tharp, chẳng có gì để mất, vẫn quyết định gặp người giáo viên nổi tiếng đó. Họ viết thư gửi đến văn phòng của ông tại Pauley Pavilion, đề tên người nhận là “ông John Wooden, huấn luyện viên chính môn bóng rổ.” Việc coi John Wooden là một huấn luyện viên bóng rổ giỏi cũng giống như việc coi Abraham Lincoln là một nghị sĩ cứng rắn. Thầy phù thủy Westwood, hay thường được gọi là Wooden, là cựu giáo viên tiếng Anh đến từ một thành phố nhỏ của bang Indiana, người hay trích dẫn Kinh Thánh và sống theo các giá trị Kitô giáo, có kỷ luật, đạo đức và làm việc theo nhóm. ông đã đưa đội bóng rổ của trường UCLA chín lần vô địch trong vòng mười năm qua. Gần đây, người ta đã tổng kết rằng, đội tuyển của ông đã có chuỗi 88 trận bất bại trong ba năm, một trong những kỳ tích lịch sử mà vì đó, sau này kênh truyền hình thể thao ESPN gọi Wooden là huấn luyện viên vĩ đại nhất mọi thời đại. Như Gallimore và Tharp đã biết rõ, Wooden không có lý do nào để phục tùng một vài nhà khoa học tò mò tọc mạch. Vì vậy, họ đã ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời của Wooden: đồng ý.
Vài tuần sau, Gallimore và Tharp đã hăm hở vào sân Pauley Pavilion để xem Wooden huấn luyện trong buổi tập đầu tiên của mùa giải. Là người hâm mộ đội bóng và cũng là các cựu vận động viên điền kinh, họ biết rõ những gì mình mong đợi: những buổi nói chuyện có minh họa trên bảng, những bài phát biểu truyền cảm hứng cho các cầu thủ, hình phạt đối với những người chểnh mảng, khen thưởng cho người chăm chỉ tập luyện.
Và rồi buổi tập bắt đầu.
Nhưng Wooden chẳng phát biểu gì cả. ông cũng không dùng bảng và phấn. ông không đưa ra những quy định về thưởng, phạt. ông đã không nói hoặc hành động như bất kỳ huấn luyện viên nào mà hai người từng gặp.
“Chúng tôi nghĩ rằng mình biết huấn luyện là gì,” Gallimore nói. “Mong đợi của chúng tôi đã sai lầm. Hoàn toàn sai lầm. Tất cả những gì tôi liên tưởng tới việc huấn luyện đã không xảy ra.”
Wooden cho đội chạy một vòng năm đến mười lăm phút, luôn nói một tràng liến thoắng. Phần thú vị nhất chính là nội dung của những lời đó. Như bài viết “Huấn luyện viên bóng rổ John Wooden: Một huấn luyện viên có thể dạy một giáo viên những gì” của họ đã ghi lại, “lời dạy hay nhận xét của Wooden ngắn gọn, ngắt quãng và nhiều vô kể. Không bài giảng, không hô hào diễn thuyết… ông hiếm khi nói dài hơn hai mươi giây.”
Đây là những “bài phát biểu” dài hơi của Wooden:
“Cầm bóng nhẹ nhàng; em đang nhận được một cú chuyền, chứ không phải một cú chặn bóng.”
“Làm một vài động tác lừa bóng giữa các lần ném.”
“Nhanh tay, thực sự thoải mái. Tốt đấy, Richard, đó chính là những gì tôi muốn.”
“Mạnh vào, định hướng, bước nhanh.”
Gallimore và Tharp thấy bối rối. Họ hy vọng sẽ thấy một thầy phù thủy bóng rổ ngân nga những bài thuyết giáo chứ không phải một người đàn ông giống một nhân viên điện báo luôn bận rộn. Họ cảm thấy thất vọng. Thế này mà là huấn luyện tuyệt vời ư?
Gallimore và Tharp vẫn đến dự các buổi tập khác. Nhiều tuần và nhiều tháng trôi qua, một đốm lửa nhỏ nằm trong nhận thức sâu sắc bắt đầu bùng lên. Nó đến một phần từ việc xem xét đội tuyển đã tiến bộ ra sao – từ cuộc họp thứ ba ở giữa mùa giải đến khi đoạt danh hiệu vô địch quốc gia lần thứ mười. Nhưng chủ yếu là từ các dữ liệu họ thu thập được và ghi vào sổ tay. Gallimore và Tharp đã ghi lại và mã hoá 2.326 hành động giảng dạy rời rạc. Trong số đó, chỉ có 6,9% là hành động khen ngợi. Chỉ có 6,6% tỏ vẻ bực mình. Nhưng 75% thuần túy là những thông tin: làm cái gì, làm như thế nào, khi nào thì tăng cường độ một hoạt động. Một trong những hình thức Wooden sử dụng thường xuyên nhất là hướng dẫn theo ba bước để làm một điều gì đó: làm mẫu đúng cách, chỉ ra cách không đúng, và sau đó làm mẫu lại đúng cách, một trình tự đã xuất hiện trong sổ tay của Gallimore và Tharp là M+, M-, M+; nó xảy ra thường xuyên đến mức họ đã đặt tên luôn cho trình tự đó là “Wooden”. Như Gallimore và Tharp đã ghi chép, “những màn trình diễn của Wooden hiếm khi kéo dài hơn ba giây, nhưng rất rõ ràng, do đó chúng để lại một hình ảnh trong trí nhớ giống như một hình vẽ minh họa trong sách giáo khoa”.
Các thông tin này không làm chậm việc luyện tập; mà ngược lại, Wooden đã kết hợp nó với cái mà ông gọi là “huấn luyện tinh thần và tình cảm”. Về cơ bản, nó làm cho mọi cầu thủ trong trận đấu đều chạy nhanh hơn khả năng của họ, luôn luôn là như vậy. Theo cựu cầu thủ Bill Walton thì: “Các buổi tập ở UCLA đều đòi hỏi khắt khe, không ngừng nghỉ, nhanh như điện, đầy sinh lực và có cường độ cao.” Thoạt nhìn, các buổi tập của Wooden trông có vẻ tự nhiên và không có kế hoạch, nhưng thực tế không phải như vậy. Người huấn luyện viên dành hai giờ mỗi buổi sáng để cùng với trợ lý của ông lập kế hoạch cho buổi tập trong ngày đó, sau đó viết ra lịch biểu cho từng phút và ghi vào mấy chiếc thẻ. ông giữ những tấm thẻ đó từ năm này sang năm khác, để ông có thể so sánh và điều chỉnh, nhưng ông thường không xem lại những chi tiết quá nhỏ nhặt. (Wooden thường bắt đầu mỗi mùa huấn luyện bằng cách hướng dẫn các cầu thủ cách đi tất sao cho giảm thiểu những vết phồng rộp.) Hình như hàng loạt các cuộc luyện tập liên tục và gấp gáp này trên thực tế đều được cấu trúc như một kịch bản. Cũng như những gì mà Wooden định nói trên thực tế rất gần với các điểm trong kế hoạch.
Như Gallimore và Tharp đã viết, Wooden “ra quyết định ‘ngay thức thì’ với tốc độ bằng tốc độ chạy của các cầu thủ, đáp ứng kịp thời các hành động của họ. Vì vậy, cách giảng dạy của ông không có nghĩa là không có dự tính. Xét đến những từ cụ thể ông đã sử dụng, công tác lập kế hoạch của ông bao gồm cả mục tiêu cụ thể cho toàn đội và cho từng cá nhân. Vì vậy, ông có thể đưa vào mỗi buổi tập một chương trình phong phú và cung cấp thông tin tại những thời điểm chính xác, giúp học trò của ông học hỏi được nhiều nhất.”
Dần dần, bức tranh đã có trọng tâm: những gì làm cho Wooden trở thành một huấn luyện viên vĩ đại không phải những lời khen ngợi, cũng không phải những lời chỉ trích, và chắc chắn cũng không phải là những cuộc nói chuyện khiến mọi người cảm thấy sảng khoái. Kỹ năng của ông tồn tại trong “những loạt đạn thông tin có mục tiêu” mà ông bắn vào các cầu thủ của mình. Thế này, không phải thế. Ở đây, không phải ở đó. Lời nói và cử chỉ của ông ngắn gọn, rõ ràng chỉ cho các cầu thủ cách chính xác để làm một việc nào đó. ông nhìn ra và sửa chữa các lỗi. ông đang chuẩn bị cho các cuộc đọ sức. ông là một bậc thầy về tập luyện sâu, một thiết bị đào tạo của Link dưới hình dáng một con người.
Wooden có thể không biết về myelin, nhưng cũng giống như tất cả các huấn luyện viên bậc thầy khác, ông có sự hiểu biết sâu sắc về cách làm việc. ông dạy tất cả, sử dụng cái ông gọi là “phương pháp toàn bộ” – dạy cho các cầu thủ toàn bộ mọi thứ, sau đó tách ra từng phần để làm việc với từng yếu tố của hành động. ông đã xây dựng nên quy luật của học tập (có thể đổi tên là quy luật myelin): giải thích, trình diễn, bắt chước, sửa chữa và làm lại. “Đừng tìm kiếm những điều lớn lao và việc cải thiện nhanh chóng. Hãy tìm kiếm những cải thiện nho nhỏ trong một ngày, tại một thời điểm. Đó là cách duy nhất để điều đó xảy ra – và khi nó đã xảy ra, thì nó sẽ kéo dài”, ông đã viết trong cuốn Sự khôn ngoan của Wooden như vậy. “Không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc lặp lại trước khi có được sự tự giác,” ông nói trong cuốn Bạn không thể dạy được nếu bạn không học được, do Gallimore và một cựu cầu thủ của Wooden viết. “Lặp lại là nhân tố then chốt đối với việc học tập.”
Hầu hết mọi người coi thành công của Wooden là một sản phẩm của tính khiêm tốn, chu đáo và giàu cảm hứng. Nhưng Gallimore và Tharp thấy rằng, thành công của ông là kết quả không chỉ của tính cách mà còn là các buổi tập luyện chú trọng vào các lỗi, lập kế hoạch chi tiết, và đầy đủ thông tin. Thực tế, đó cũng là cam kết của Wooden với phương pháp học tập đã dẫn ông đến việc đồng ý tham gia cuộc thử nghiệm của Gallimore và Tharp ngay từ đầu. Như Wooden sau đó giải thích, ông hy vọng sử dụng những kinh nghiệm này để cải thiện những thiếu sót trong cách huấn luyện của mình. Bí mật của thầy phù thủy đã được hé lộ, đó cũng là bí mật mà các họa sĩ thời kỳ Phục hưng và nhóm Z-Boys đã phát hiện ra: càng tập luyện sâu, càng thu được kết quả tốt.
Gallimore và Tharp trở lại KEEP vào mùa thu, và bắt đầu áp dụng những điều họ đã học được, đặt trọng tâm mới vào lập kế hoạch cho bài học và giảng dạy theo thông tin đã được định hướng. Họ kết hợp lời khen ngợi với “quy tắc Wooden”; họ đã chứng minh và giải thích; họ nói ngắn gọn, chỉ nói nhiều khi bị bắt buộc. (Họ cũng thêm vào các nghiên cứu mới, bao gồm kết hợp những cách tiếp cận dựa trên văn hóa). “Chúng tôi điều chỉnh lại trọng tâm của công việc,” Gallimore nói. “Chúng tôi bắt đầu tiếp cận trường học với ý tưởng: John Wooden sẽ làm những gì?”
Dần dần và đều đặn, KEEP bắt đầu tiến bộ. Điểm tập đọc tăng lên, kỹ năng nghe hiểu được cải thiện, và nhà trường, trước đó đã tụt xa so với thành tích trung bình quốc gia về điểm kiểm tra tiêu chuẩn hóa, đã nhanh chóng vượt lên các trường khác một cách lành mạnh. Năm 1993, dự án KEEP của Gallimore và Tharp nhận được giải thưởng Grawemeyer, một trong những danh hiệu cao quý nhất của ngành giáo dục. Thành công của họ được ghi lại trong cuốn sách Đưa trí tuệ vào cuộc sống do chính họ viết. “Sự việc không hề đơn giản khi nói rằng John Wooden đã làm cho trường đạt kết quả tốt – có rất nhiều khía cạnh khác liên quan đến vấn đề này,” Gallimore nói. “Nhưng ông xứng đáng được tất cả chúng ta công nhận.”
Tuy nhiên, ngay cả khi đã chỉ ra được sự xuất sắc trong phương pháp huấn luyện của Wooden, rất cần chú ý rằng ông khó có thể thực hiện những việc đó trong những điều kiện bình thường. Các cầu thủ của ông ở UCLA có kỹ năng tốt và động lực cao; ông có những nguồn lực to lớn để làm việc. Thế còn những huấn luyện viên và giáo viên đang sống trong thế giới bình thường thì sao? Những hình thức huấn luyện nào có hiệu quả nhất trong trường hợp học sinh mới bắt đầu học tập, khi học sinh không được chọn lựa theo bất kỳ khả năng đặc biệt nào, khi các mạch thần kinh của chúng chưa được xây dựng? Hoặc câu hỏi đặt ra cho những vấn đề xảy ra quanh gia đình chúng ta là: để trở thành một giáo viên dạy piano giỏi cần phải làm những gì?
HUẤN LUYỆN TìNH YêU
Đây là cảm giác phổ biến, cơ bản nhất: nếu muốn bắt đầu dạy một kỹ năng mới cho một đứa trẻ, bạn nên tìm một giáo viên được đào tạo tốt nhất, giống John Wooden nhất trong khả năng có thể. Phải vậy không?
Không nhất thiết phải như vậy. Đầu thập niên 1980, một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Chicago do Tiến sĩ Benjamin Bloom lãnh đạo, đã tiến hành một nghiên cứu về 120 người, gồm nghệ sĩ piano, vận động viên bơi lội, nhà vô địch quần vợt, nhà toán học, nhà thần kinh học và nhà điêu khắc tầm cỡ thế giới. Nhóm của Bloom đã kiểm tra tất cả khía cạnh, trong đó có khía cạnh giáo dục ban đầu của lĩnh vực họ lựa chọn. Họ đã phát hiện ra một thực tế đáng ngạc nhiên: nhiều tài năng đẳng cấp thế giới, đặc biệt là về piano, bơi lội và quần vợt, đều bắt đầu học với các giáo viên có trình độ trung bình.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu của Bloom yêu cầu các nghệ sĩ bậc thầy về piano phân loại những giáo viên ban đầu của họ là “rất tốt” (là người hướng dẫn được đánh giá cao về chuyên môn và được đào tạo chính quy), “trên trung bình” (một giáo viên được đào tạo tốt và có nhiều kiến thức so với giáo viên khác), hoặc “trung bình” (một giáo viên không chuyên nghiệp lắm). Trong số 21 nghệ sĩ piano đẳng cấp quốc tế tham gia nghiên cứu này, chỉ có hai người lúc đầu đã được học với một giáo viên đủ điều kiện được coi là “rất tốt.” Đa số giáo viên có trình độ “trung bình” (62%) hay “trên trung bình” (24%). Nhóm bơi lội và quần vợt cũng thế. (Các nhà thần kinh học và nhà toán học lúc nhỏ thường được đào tạo lần đầu tiên tại những trường không được lựa chọn giáo viên, còn các nhà điêu khắc không được hướng dẫn từ sớm dưới bất kỳ hình thức nào). Người ta có thể nghi ngờ rằng một giáo viên “trung bình” đã nhanh chóng được thay thế bằng một giáo viên nào đó có tay nghề cao hơn, nhưng điều đó dường như không đúng trong trường hợp này. Ví dụ, các nghệ sĩ piano của Bloom đã từng học với thầy giáo đầu tiên trong năm hoặc sáu năm. Từ quan điểm khoa học, các nhà nghiên cứu nhận thấy điều đó cũng giống như dòng dõi của những con thiên nga đẹp nhất thế giới đều bắt nguồn từ đàn vịt nhếch nhác được nuôi trong sân. Nghiên cứu này đã tổng kết chính xác, “Ký ức về các giáo viên ban đầu chủ yếu được xác định bởi cơ hội được ở gần họ và khả năng giảng dạy của họ”.
Cơ hội ư? Chẳng phải Wooden, Jensen, Preobrazhenskaya và những người có khả năng truyền đạt mục tiêu khác đã thành công bởi kỹ năng của họ đại diện cho điều ngược lại với cơ hội hay sao? Thoạt nhìn, nghiên cứu của Bloom như mang ý nghĩa rằng tài năng hàng đầu là một món quà có được do bẩm sinh chứ không phải do giảng dạy. Nhưng có lẽ có điều gì khác đang xảy ra ở đây.
Thành phố gia đình chúng tôi đang sống (với số dân 5.000 người) được coi là một lò luyện âm nhạc (Những mùa đông dài không ảnh hưởng nhiều đến cái lò này). Có một số giáo viên xuất sắc với trình độ gây được ấn tượng với các tổ chức hàng đầu và trường dạy nhạc có uy tín. Nhưng khi vợ chồng tôi quyết định cho bọn trẻ học đàn piano, chúng tôi đã được giới thiệu đến một người chúng tôi không hề mong đợi: một bà già nhỏ bé, dạy đàn trong ngôi nhà ọp ẹp dựng cạnh một toa xe di động, bên cạnh một con lạch. Tên bà là Mary Epperson.
Mary Epperson đã tám mươi sáu tuổi, chỉ cao khoảng một mét rưỡi. Bà có mái tóc dày đã bạc nhưng cặp mắt đen sắc sảo dường như được Trời sinh để thể hiện sự tò mò và ngạc nhiên. Giọng nói của bà nghe như tiếng nhạc, bà có thể kéo dài những từ đơn giản thành các bài hát ngắn thú vị hoặc những lời thì thầm đầy bí ẩn. Bà không tham gia các cuộc nói chuyện nhỏ mà thích giữ những cuộc trò chuyện trước đây trong tâm trí như rất nhiều sợi chỉ. Bà bắt đầu hầu hết các cuộc đối thoại với cụm từ “Nào, hãy nói cho tôi biết.”
Nếu bạn là một đứa trẻ đến chỗ bà Mary để học thì chuyện xảy ra sẽ như thế này. Đầu tiên, bà rất vui vẻ và ngắm nghía bạn; mắt bà sáng lên như bóng đèn trên cây thông trong lễ Giáng sinh. Lúc đầu, bạn nói chuyện về những gì đang xảy ra trong cuộc sống của bạn và của bà. Tất nhiên là bà nhớ tất cả: những chuyến đi cắm trại, các bài kiểm tra tiếng Anh, chiếc xe đạp mới. Bà gật đầu trân trọng những điều quan trọng, cười khi đến chỗ buồn cười. Bà coi bọn trẻ con như những người lớn thu nhỏ và không ngại nói ra những sự thật phũ phàng. (Khi bà Mary hỏi cha tôi đã từng chơi một loại nhạc cụ nào chưa, tôi bảo rằng ông nói ông đã thử chơi piano rồi nhưng hình như không có duyên. “Không có sự kiên nhẫn, anh muốn nói thế chứ gì,” bà Mary đáp lại thân mật nhưng kiên quyết).
Bài học bắt đầu. Với hầu hết các môn học, đó là một quy trình thông thường. Học sinh chơi bản nhạc, mắc phải những lỗi nào đó, bà giáo gợi ý hướng sửa đổi, những nhãn đánh dấu được dán lên đầu các trang vở. Tuy nhiên, ở một mức độ sâu hơn, có điều gì đó hoàn toàn khác đang xảy ra. Mỗi sự tương tác đều rung lên cùng với sự quan tâm và cảm xúc của bà Mary. Có vị trí đặt tay tốt hơn là có được một lời khen cảm động. Chơi một nốt nào đó không chính xác sẽ đồng nghĩa với câu nói “Cháu xin lỗi” đầy hối tiếc và đề nghị được chơi lại một lần nữa. (Và một lần nữa. Rồi có lẽ một lần nữa.) Chơi một bản nhạc chính xác mang lại niềm vui ấm áp. Khi buổi học kết thúc, bạn được một miếng sô-cô-la nhỏ gói trong giấy bạc, rồi bạn cúi đầu và nói, “Cảm ơn bà đã dạy cháu,” bà Mary cũng khom người và long trọng đáp lại, “Cảm ơn cháu đã đến học.”
Tôi nghĩ về bà Mary khi đọc các mô tả về điều gọi là “những giáo viên piano đầu tiên, mức trung bình” trong nghiên cứu của Bloom.
Bà ấy thật sự rất tuyệt vời với những đứa trẻ.
Bà ấy rất tốt bụng, rất hiền hậu.
Bà thích những người trẻ tuổi, bà ấy rất hiền hậu, và thằng bé thích học bà ấy.
Ông ấy rất tốt với trẻ em, thích trẻ em một cách bản năng, và quan hệ tốt với mọi người.
Ông đã vô cùng kiên nhẫn và không huênh hoang lắm.
Bà ấy thường mang một cái giỏ lớn đựng những thanh sô-cô-la Hershey và những ngôi sao vàng làm phần thưởng, và tôi thường phát điên vì những thứ này.
Mỗi lần đến lớp học là một sự kiện đối với tôi.
Những người này không phải là giáo viên “trung bình”; kể cả bà Mary Epperson. Như Bloom và các nhà nghiên cứu nhận ra, họ chỉ được coi là trung bình thuần túy bởi kỹ năng thiết yếu của họ không biểu hiện trong các phép đo khả năng dạy học thông thường. Họ thành công vì họ đã chạm đến yếu tố thứ hai của mật mã tài năng: Đánh lửa. Họ đang tạo ra và duy trì động lực; họ đang dạy về tình yêu. Như nghiên cứu của Bloom đã tổng kết, “Tác động của giai đoạn học tập ban đầu này dường như làm cho người học muốn tham gia, bị cuốn hút, say mê; để người học thấy cần và muốn biết thêm nhiều thông tin và kiến thức chuyên môn.”
Yêu thích chơi piano không dễ dàng. Đàn piano có rất nhiều phím, một đứa trẻ có mười ngón tay và vì vậy vô số lỗi có thể mắc phải. Tuy nhiên, chỉ có một số giáo viên nhất định mới có khả năng hiếm hoi là khiến điều này trở nên hấp dẫn và vui vẻ. Theo nghiên cứu của Bloom, “có lẽ phẩm chất lớn nhất của những giáo viên này là họ đã làm cho giai đoạn học tập ban đầu này trở nên dễ chịu và bổ ích. Phần lớn việc giới thiệu về lĩnh vực học tập như một hoạt động vui vẻ, và việc học tập ở giai đoạn ban đầu này giống một trò chơi nhiều hơn. Những giáo viên này đã cho bọn trẻ sự ủng hộ tích cực và hiếm khi chỉ trích chúng. Tuy nhiên, họ đã lập nên những tiêu chuẩn và mong đợi bọn trẻ tiến bộ, dù điều này chủ yếu được thực hiện với sự tán thành và khen ngợi.”
Nếu Gallimore và Tharp tiến hành một nghiên cứu trong căn phòng dạy nhạc nhỏ xíu của bà Mary, họ sẽ tìm thấy vô vàn dấu hiệu, đủ phong phú để đối chọi với những dấu hiệu có trên sân bóng rổ Pauley Pavilion. Đây không phải là một sự tình cờ. John Wooden sử dụng bộ phận tập luyện sâu của cơ chế tài năng, nói chuyện bằng ngôngôn ngữ của thông tin và hiệu chỉnh, cải thiện các mạch điện. Còn bà Mary lại liên hệ tới những vấn đề của bộ phận đánh lửa, sử dụng các yếu tố kích thích cảm xúc để nạp đầy tình yêu và động lực vào các thùng nhiên liệu. Họ thành công bởi việc xây dựng các mạch myelin đòi hỏi cả tập luyện sâu và được đánh lửa. Họ thành công vì họ chính là những tấm gương của mật mã tài năng.
Tuy nhiên, khi myelin có thể được coi là chất bọc cách điện cho mạch thần kinh, đòi hỏi rất nhiều thời gian mới tạo được, thì Wooden và Mary cũng cho chúng ta thấy việc huấn luyện bậc thầy là một thứ phù du hơn: nó mang tính nghệ thuật hơn là khoa học. Nó tồn tại trong không gian giữa hai người, trong trò chơi ấm áp nhưng lộn xộn của ngôngôn ngữ, cử chỉ và những biểu hiện. Để hiểu rõ hơn quá trình này diễn ra như thế nào, chúng ta hãy trở lại và nhìn bao quát hơn những đặc điểm chung của các huấn luyện viên bậc thầy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.