Ngầm

Chương 05 – Part 02



Ngày 20 tháng Ba, công việc của tôi không bận lắm, nhưng đó là thời điểm kết thúc năm tài khóa cho nên có nhiều thứ phải làm. Hôm sau là ngày lễ nên tôi rời nhà sớm hơn thường lệ một giờ. Tôi muốn để sở trước giờ để sắp xếp lại hồ sơ, đại khái như vậy. Tôi nhớ khá rõ là mình đã bắt chuyến tàu 7 giờ 50 từ Kita-senju. Tôi thường lên toa thứ hai tính từ đầu tàu.
Khi tàu đến Kodemmacho thì có thông báo bảo mọi người xuống tàu. Có một vụ nổ, một cái gì như thế, ở đoàn tàu đằng trước. Cho nên mọi người xuống. Tôi đứng chờ trên sân ga, nghĩ sớm muộn gì rồi tàu lại chạy hay đoàn tàu sau sẽ đến. Tôi ở đó chừng hai ba phút thì một người đàn ông ở gần tôi bất ngờ kêu rú lên. Ông ta ở cách tầm hai chục mét. Một tiếng kêu không thể hiểu nổi, kỳ lạ. Ông ta được mau chóng đưa ra chỗ khác.
Cùng lúc đó tôi nhận ra: “Hừ, mình thở thấy là lạ.” Không nghĩ sâu, chỉ là kiểu như: “Cái gì thế này nhỉ?” Rồi… đúng thế, một người phụ nữ quỳ thụp xuống gần bên, nhưng tôi lại chỉ nghĩ là bà ta ốm hay cảm thấy không khỏe. Nhưng ngay sau đó, lại có thông báo trên loa: “Xin mọi người di tản khỏi nhà ga.” Họ đưa ra vài lý do nhưng tôi không nhớ. Cửa ra ở ga Kodemmacho nằm ngay trung tâm sân ga nên những người ở phía đầu tàu phải bước ngược xuống tàu. Tôi không chắc chắn với việc định giờ giấc ở đây lắm, nhưng tôi quay lên tàu rồi đi qua các toa để xuống vì sân ga quá đông. Song, giữa chừng tôi trông thấy một người sụp xuống. Điều này thì tôi chắc.
Trên sân ga hình như tôi lại mang máng nhớ đến một vũng gì đó đằng sau cây cột. Cái vũng và cái mùi – giống như mùi các dung môi vẫn dùng ở công trường xây dựng… nó khiến tôi thấy ngột ngạt. Từ bé tôi đã bị hen cho nên tôi nghĩ chắc cảm giác này có liên quan đến nó. Dù sao thì cũng chả có hành khách nào có vẻ vội vàng; họ chỉ tà tà đi đến hàng rào soát vé.
Khi đã ra ngoài tôi nhìn xung quanh thì thấy một người nằm sõng soài, mồm sùi bọt và một người khác đang cố giúp đỡ. Nhiều người khác đang ngồi la liệt, mũi chảy nước, mắt giàn giụa. Một cảnh khác thường. Tôi không hiểu tí nào chuyện gì đang xảy ra. Tôi chỉ có trực giác đây là một mối nguy sờ sờ trước mắt. “Không có chuyện đi làm được đâu,” tôi nghĩ. “Vụ này nghiêm trọng đây, nên tốt nhất là mình cứ ngồi yên một lúc xem.”
Vậy là tôi ở đó. Thoạt tiên đứng, sau đó ngồi xuống. Chợt tầm nhìn của tôi bé tẹo lại, tối sầm đi. Trên hết, tôi cảm thấy mụ mị. Vụ nổ, người kêu thét và người ngã xuống, tất cả không đến cùng lúc vào đầu tôi. Nhưng tôi chẳng mảy may nghĩ những chuyện đó có gì liên quan đến mình. Tôi cứ ngồi đó nhìn khắp và nghĩ, “Không, tốt nhất là ta cứ ở lại.” Bản năng.
Ngược lại, phần lớn mọi người vẫn cố tìm cách đi làm, đi đến chỗ nào đó, dù sức khỏe không ổn. Điều đó xem ra là lạ quá với tôi. Họ gần như không thể đi – thật ra một tay ở gần tôi còn đang bò! – quá rõ ràng là họ đang trong tình trạng không đi làm được. Một người phụ nữ cố vật vã đứng lên nhưng tôi bảo bà ta, “Nếu bà thấy khó ở thì ngồi xuống tốt hơn.”
Ngoài ra tôi không nói gì với ai nữa. Tôi không hiểu những người khác thì sao, họ có nói chuyện với nhau không… Dĩ nhiên tôi cũng băn khoăn xem chuyện gì đang xảy ra, nhưng tôi không hỏi ai cả. Tôi không thấy đau đớn hay buồn nôn lắm.
Mãi lâu sau xe cứu thương mới tới. Cuối cùng cũng có một cái đến – tôi chỉ trông thấy cái đó. Cho nên sau rốt phần lớn người ta vẫy taxi và các tài xế nhận lời đưa họ đến bệnh viện. Rõ ràng là trong những tình huống như thế này thì dịch vụ cấp cứu chả giúp được gì nhiều cả.
Một lúc sau đó tôi mới bắt taxi đến bệnh viện. Bốn chúng tôi đi một xe. Chúng tôi không bị quá nặng cho nên không cần khẩn cấp lắm. Ba người kia là công viên chức. Chúng tôi chắc đã nói chuyện trên xe, nhưng tôi không thể nhớ được. Tôi không biết tại sao mình lại không thể nhớ.
Chúng tôi đi đến Bệnh viện Tưởng niệm Mitsui ở Akihabara. Tôi tuyệt đối không nhớ được chúng tôi đã đi đến đó như thế nào. Có lẽ ai đó đã chỉ lối cho chúng tôi. Khi đến bệnh viện, tôi gọi về sở và họ đã biết về vụ đánh hơi độc. Hai người cùng sở cũng bị thương. Không tệ lắm, các triệu chứng đại khái cũng giống như tôi.
Tôi ở lại bệnh viện hai đêm. Họ dùng thuốc làm giãn đồng tử đến nỗi cuối cùng chúng cứ giãn quá cỡ và mọi vật đều quá chói. Như một tác dụng phụ, thị lực của tôi cũng yếu đi. Chuyện này kéo dài chừng một tuần. Ngoài ra tôi không bị rắc rồi nhiều về thể chất. Chỉ có điều các cơn hen hành tôi nhiều hơn, rất khổ sở, hiển nhiên rồi, nhưng tôi đã quen.
Tôi không thể nói tình trạng mệt mỏi hiện tại của mình có phải là do sarin hay không. Chuyện đó rất khó nói. Nó có thể chỉ là do tuổi tác. Giờ tôi đãng trí khủng khiếp. Nhưng lại nữa, ai mà biết nguyên nhân ở đâu? Còn các cơn đau lưng – trước tôi cũng bị rồi – nhưng gần đây nó đến thật là dữ, chắc với những người trung niên thì chuyện này là đúng thôi.
Nhưng điều tôi thấy thật sự đáng sợ là báo đài. Đặc biệt là truyền hình, những cái nó chiếu lên đều quá ư hạn hẹp. Và khi đưa ra công chúng, nó đúng là đã khiến chính kiến của người ta bị thiên lệch, nó tạo ra một ảo tưởng rằng các chi tiết nhỏ mọn mà nó tập trung vào kinh chính là toàn bộ bức tranh. Khi tôi ra ngoài, ở đằng trước ga Kodemmacho, nhất định là cả một khối phố kia đang trong trạng thái không bình thường, nhưng xung quanh chúng tôi, thế giới vẫn tiếp diễn như xưa nay vậy. Xe cộ vẫn chạy qua bình thường. Bây giờ nghĩ lại thì thấy thật kỳ quặc. Trái nghịch này đúng là quá khó hiểu. Nhưng trên truyền hình họ chỉ chiếu lên những cái không bình thường, hoàn toàn khác với ấn tượng thật mà tôi đã có. Nó khiến tôi càng nhận ra truyền hình mới đáng sợ làm sao.
“Ngày nào cũng đi tàu điện ngầm thì ông sẽ biết không khí bình thường là thế nào.”
Michiaki Tamada (43)
Anh Tamada là nhân viên soát vé làm việc cho Cơ quan Quản lý Tàu điện ngầm. Anh bắt đầu nhận việc từ tháng Tư năm 1972. Năm xảy ra vụ đánh hơi độc là năm thứ hai mươi ba anh làm việc ở đây. Chức vụ chính thức của anh là soát vé trưởng – một tay kỳ cựu thực sự. Động cơ anh tìm việc trong ngành tàu điện ngầm có phần không bình thường: anh muốn một việc làm sao cho anh sẽ có “thì giờ tự do của riêng mình chứ không phải loại công việc ngày nào cũng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.” Làm việc ở tàu điện ngầm có hẳn một ngày nghỉ, với các ca luân phiên; giờ giấc làm việc của các viên chức tàu điện ngầm hoàn toàn khác với công việc nhàm chán của một nhân viên văn phòng. Một nghề hấp dẫn với một số người.
Càng nói chuyện với anh, tôi càng có ấn tượng rằng anh đề cao giá trị của từng cá nhân. Không có bằng chứng thật chắc chắn để xác định điều này, chỉ có một cái gì đó trong cung cách thoải mái nhẹ nhàng của anh ở bên ngoài công việc.
Anh vốn là người say mê trượt tuyết nhưng bị thương nặng cách đây sáu năm và từ đấy không trượt nữa. “Tôi chẳng có sở thích nào khác đáng nói đến cả,” anh nói. Những ngày nghỉ, anh cũng không làm gì đặc biệt; anh chỉ thư giãn hay lái xe đi đâu đó một mình. Anh có vẻ như không mấy phiền lòng khi sống đơn độc.
Vốn không phải là người uống rượu nhiều, từ vụ đánh hơi độc, anh gần như không đụng đến một giọt. Anh coi trọng lời cảnh báo của bác sĩ rằng sarin làm hỏng gan.
Anh vui vẻ đáp ứng yêu cầu phỏng vấn của tôi. Anh muốn đóng góp chút gì đó, như anh nói, để vụ đánh hơi độc khỏi bị phôi pha đi trong đầu óc mọi người.

° ° °

Tôi học trung học không chính quy cho nên 21 tuổi tôi mới vào làm ở xe điện ngầm. Thoạt đầu tôi bấm vé, trông tàu rời sân ga – một năm ở ga Iidabashi, hai năm ở Takebashi, hình như thế. Sau đó tôi được điều đến khu vực Nakano làm nhiệm vụ trên tàu của tuyến Marunouchi.
Ông phải thi để chuyển từ nhiệm vụ nhà ga lên nhiệm vụ trên tàu. Rồi để trở thành lái tàu ông phải qua một kỳ sát hạch khác khó hơn và một lần thi viết hẳn hoi, một lần thi vấn đáp, một đợt kiểm tra sức khỏe, đủ kiểu. Ngày ấy có nhiều người dự sát hạch nên phải ưu tú nhất mới qua được. Tôi muốn đổi từ nhiệm vụ nhà ga sang nhiệm vụ trên tàu vì giờ làm việc ngắn hơn. Bây giờ hai việc này không khác gì mấy nhưng thời tôi thì là như thế.
Tôi làm nhiệm vụ trên tàu ở khu vực Nakano năm 1975 và bốn năm tiếp theo tôi đi trên tuyến Marunouchi. Rồi tôi đổi sang nhiệm vụ trên tàu khu vực Yoyogi, trên tuyến Chiyoda, đến năm kia thì đổi sang tuyến Hibiya. Khi ông nhảy tuyến như vậy thì có nhiều cái ông phải học lại từ đầu. Đặc điểm của mỗi ga, cách bố trí, kiến trúc, ông phải đem các cái đó dũi khoan vào đầu vì nếu không thì ông không nắm chắc được thế nào là an toàn. Mà an toàn là điều quan trọng trên hết. Làm việc luôn phải ghi nhớ điều đó.
Tôi đã thấy các vụ hút chết bất kể lúc nào. Ban đêm khi người ta say rượu, một vài người lạc cả vào gần đoàn tàu đang chạy… và đặc biệt nếu như họ lại đang đứng sau mấy cái cột, chuyện này thì không có cách nào mà phòng ngừa được. Rồi giờ cao điểm: mọi người đứng ngay ở mép sân ga khi tàu đi vào. Thật là nguy hiểm.
Trên tuyến Hibiya, ga Kita-senju đòi hỏi phải đặc biệt khéo léo. Có quá nhiều hành khách, tất cả đều xếp hàng nhưng đến cái nước mà ông không thể lên thềm ga ở đằng sau họ được thì ông đành phải lách vào ở giữa họ và đoàn tàu – chuyện đó rất chi là hãi hung.
Hôm bị đánh hơi độc, 20 tháng Ba, lẽ ra là ngày tôi được nghỉ nhưng thiếu người điều hành nên họ hỏi tôi, “Ông nghĩ có thể đến làm ngày mai được không?” Ở đây chỉ là chuyện làm thêm rồi nghỉ bù sau cho nên không có gì phải nghĩ cả, tôi nhận luôn. Ca bắt đầu lúc 6 giờ 45 phút. Đầu tiên tôi trình diện ở ga Naka-meguro rồi bám càng tàu 6 giờ 55 đi Minami-senju. Chúng tôi gọi việc đáp nhờ một đoàn tàu khác đến nơi sẽ lên tàu mình làm nhiệm vụ là “bám càng.” Từ ga Minami-senju, tôi quay về trên chiếc tàu của mình theo hướng ngược lại. Tôi không nhớ giờ xuất phát chính xác, chắc khoảng 7 giờ 55.
Hôm ấy chật lèn, như xưa nay vẫn thế. Tôi không để ý thấy có gì khác đặc biệt trong khi chúng tôi đang chạy trên đường cho tới khi có lệnh từ Trung tâm xuống: “Có một vụ nổ ở ga Tsukiji. Chúng tôi sẽ thông báo cho quý khách nguyên nhân sự cố ngay khi biết thêm chi tiết. Cho tới lúc đó, chúng tôi xin lỗi về việc dừng lại.”
Chúng tôi giữ cửa toa mở ở ga Kodemmacho. Tôi rời cabin xuống sân ga đứng, cốt kiểm tra xem có gì trục trặc không.
Một vài hành khách hỏi tôi: “Các ông định dừng thế này bao lâu?” Tôi không có thông tin chi tiết cho nên chỉ có thể trả lời, “Hình như có một vụ nổ nên phải mất một lúc.”
Tôi nghĩ chúng tôi đã ở đó chừng hai chục phút. Trong khi đó, đoàn tàu sau tàu tôi đã đỗ tại ga giữa Akihabara và Kodemmacho mà chúng tôi vẫn đang ngáng đường.
Rồi có lệnh từ Trung tâm bảo tôi phải cho tất cả hành khách xuống tàu rồi chạy xuôi xuống. Đoàn tàu đằng sau cần đến sân ga chúng tôi. Cho nên tôi lại báo hành khách: “Đoàn tàu này ngừng phục vụ. Xin mời tất cả hành khách xuống và tìm phương tiện chuyên chở khác ở chỗ nào có thể có. Chúng tôi xin lỗi đã làm phiền quý khách.” Tiếp đến lại có một tin khác từ Trung tâm: “Việc dừng này có thể lâu hơn chúng ta mong đợi.”
Người ta chẳng nói câu nào về chuyện gì đang xảy ra ở ga Tsukiji, nhưng chúng tôi vớ được chút manh mối trên radio. Tuy vậy, rồi cũng chẳng rõ được gì cả. Có thật là đã có một vụ nổ không? Thiệt hại đến đâu? Chúng tôi chỉ biết là chỗ đó đang hoàn toàn bấn loạn. “Vài người đã đổ quỵ.”
Thật sự không có cái gì có thể nổ được trên tàu điện ngầm cho nên tôi đồ là một quả bom đã được cài sẵn. Đúng vậy, khủng bố, vụ này nghiêm trọng đây.
Sau khi tôi thông báo và tất cả hành khách đã xuống, các nhân viên nhà ga kiểm tra trong tàu. Tôi nhìn rọi vào trong càng xa càng tốt rồi đóng cửa lại và đoàn tàu chạy ra khỏi ta.
Nhiều hành khách kêu ca: “Các ông không thể bỏ chúng tôi ở đây.” Chúng tôi giải thích là có một đoàn tàu ở đằng sau, nó cần trả khách xuống sân ga này, và xin lỗi.
Chúng tôi đỗ tàu ở một đường hầm giữa Kodemmacho và ga Ningyocho, chỉ có tài xế và tôi ở trên tàu. Sau khi tàu đỗ, tôi đi dọc hết đoàn tàu kiểm tra một lượt. Tôi không thấy có gì khác với thường ngày.
Chỉ cảm thấy một cái gì đó không ổn ở trong tàu. Sau toa thứ hai hay thứ ba, tôi không thể không nghĩ, “Một cái gì khác thường.” Nó không rõ ra lắm là một cái mùi; nó chỉ là một linh cảm. “Ở đây có cái gì rất lạ.” Ai cũng ra mồ hôi cho nên mùi người của họ, mùi quần áo của họ để lại một dấu tích khó mất. Ngày nào cũng đi tàu điện ngầm ông sẽ biết không khí bình thường là thế nào, và bất cứ cái gì không hoàn toàn giống như thế là ông nhận ran gay. Một kiểu bản năng.
Chúng tôi chờ ở đó khoảng nửa giờ. Tôi có thể nghe thấy các cuộc đàm thoại qua lại với Trung tâm suốt thời gian ấy. Hóa ra rõ ràng là không có vụ nổ nào hết. Sắc thái của các cuộc đàm thoại từ từ thay đổi.
Một tin mới lại đến: “Nhân viên đoàn tàu ai mà cảm thấy khó chịu hay khác lạ ở trong người thì phải báo cáo với văn phòng ngay.” Tôi không cảm thấy khó chịu.
Vào lúc đó ga Kodemmacho đang nhốn nháo, nhưng khi ấy tôi không biết. Khi còn ở ga chúng tôi không nhận thấy gì khác thường.
Cabin trưởng tàu ở cuối đuôi đoàn tàu còn các tổn hại của sarin lại ở đằng đầu. Một khoảng cách khá, cơ chừng đến một trăm mét. Tôi không lúc nào rời mắt khỏi sân ga và nếu có ai đó ngã thì tôi đã trông thấy. Tôi vẫn để ý canh phòng cho tới khi chúng tôi đóng cửa tàu lại và cho tàu chạy, nhưng không có gì khác thường trên sân ga hết.
Không lâu sau đó tôi bắt đầu thấy khó chịu. Mọi vật đều nom tối tăm tựa như người ta đã tắt hết đèn đi. Mũi tôi bắt đầu chảy nước và mạch tôi đập nhanh. “Quái,” tôi nghĩ, ngay cả đến cảm tôi cũng không hề bị cơ mà. Tôi liên hệ với Trung tâm: “Tôi bị làm sao đó, tình hình sức khỏe của tôi là như vậy.” “Thế là nghiêm trọng đấy,” họ nói và chúng tôi lái về ga Ningyocho, tôi xuống ở đó trong khi đoàn tàu đang đỗ ở đó thì chạy đi.
Có một bác sĩ trực ở ga nên tôi đi đến chỗ ông. Ông nói, “Cái này quá tầm tôi, hãy đến Bệnh viện Thánh Luke hay một chỗ nào đó đi.” Vậy nên tôi nghỉ ở văn phòng nhà ga Ningyocho, chờ người thay tôi tới. Đoàn tàu tôi trực sẽ không đi được nếu họ không tìm ra ai thay tôi.
Trong khi chờ, tình hình sức khỏe của tôi vẫn giữ được ít nhiều ổn định. Mũi tôi chảy nước còn mọi cái cứ tối đi. Nhưng không chóng mặt, không đau. Cuối cùng vào khoảng trưa thì người thay tôi đến và họ mang tôi đến Bệnh viện Tajima bằng xe cứu thương. Nhưng ở đấy hết giường nên họ gửi tôi đến Bệnh viện Lực lượng Vũ trang Trung tâm ở Setagaya. Như thế tiện cho tôi hơn vì tôi sống ở Machida.
Tôi qua đêm ở bệnh viện. Hôm sau đồng tử của tôi vẫn còn co nhưng mũi tôi đã thôi chảy nước, nên lúc đó tôi có thể ra viện được. Tôi không có hậu quả di chứng nào thật sự, trừ việc có lẽ tôi ngủ ít đi. Tôi vốn quen ngủ một mạch bảy tiếng đồng hồ nhưng bây giờ sau bốn năm tiếng là tôi thức dậy rồi. Không phải giữa một cơn mê hay một cái gì đó, mắt tôi cứ thế là mở ra thôi.
Tôi có sợ không ư? Tôi là nhân viên tàu điện ngầm; nếu một nhân viên tàu điện ngầm mà sợ tàu điện ngầm thì anh ta không làm việc được. Tôi có thể cảm thấy hơi thiếu thoải mái nhưng tôi cố không nghĩ đến nó. Cái gì xảy ra thì đã xảy ra. Tôi cố nhớ rằng điều quan trọng là không để cho điều giống như thể lại xảy ra nữa. Tôi cũng đang cố gắng không nuôi giữ bất cứ oán ghét cá nhân nào với bọn tội phạm. Oán ghét không đem lại gì tốt cho ai. Tôi kinh hoàng vì các đồng nghiệp của mình bị chết. Ở đây chúng tôi giống như một đại gia đình, thế nhưng rồi tôi làm được gì để giúp các gia đình của họ đây chứ? Không gì cả. Chúng tôi chỉ có thể không để cho chuyện này lại xảy ra nữa mà thôi. Đó là điều chủ yếu. Chúng ta không được quên đi sự cố này cũng vì thế. Tôi chỉ hy vọng rằng điều tôi đang nói đây, khi nó được in ra, sẽ giúp mọi người nhớ. Chỉ cốt thế thôi.
——————————–
1 Vào lúc đưa in sách, Yasuo Hayashi đã bị tuyên án tử hình. Shigeo Sugimoto bị tuyên án tù chung thân. [ND] 2 Một trò đánh bạc của Nhật. [ND]


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.