Ngầm

Chương 04 – Part 02



Tôi luôn rất thích máy bay, nhưng tôi không sưu tập mẫu hay một cái gì đó dớ dẩn như thế. Chỉ là vì con người thì quá bé mà tôi lại muốn thấy những thứ to lớn hơn. Cho nên nếu vào JSDF thì là vì tôi muốn làm phi công. Nhưng ông không thể trở thành phi công được với thị lực dưới 20/20, đó là quy định, vậy mà trong bốn năm ở học viện, thị lực tôi không hiểu sao cứ kém dần kém dần. Tôi thậm chí chưa từng bao giờ học chăm dữ đến thế… Tôi nghĩ mình sẽ qua bằng cách nào đó, nhưng, hừm, trong các lần thi tập bay, tôi đã bị bắn rơi. Chỉ còn lại những nhiệm vụ dưới đất, nhưng thật tình bụng dạ tôi không để vào đó.
Từ đấy, công việc của tôi là ở Bộ chỉ huy Đánh chặn Tiêm kích. Có 28 điểm đặt rađa trên khắp Nhật Bản để duy trì việc kiểm soát không phận Nhật. Nếu có máy bay nước ngoài không nhận dạng được đến gần, chúng tôi liền cho chiến đấu cơ đánh chặn của chúng ta cất cánh, rồi hướng dẫn họ đến mục tiêu. Theo dõi rađa, chúng tôi đưa ra chỉ dẫn. Đó là việc của chúng tôi.
Nói thật là lúc biết mình không làm phi công được, tôi như bị bợp tai, nhưng sau khi nghĩ kỹ lại mọi sự, tôi nhận thấy chắc ở đây vẫn còn có cái gì đó cho mình. Công việc đầu tiên của tôi là ở một địa điểm rađa tại Wajima trên bán đảo Noto, quận Ishikawa. Hơi tù túng một chút. Mùa hè thì còn được. Khi ấy có du khách đến. Có cả các cô gái trẻ nữa. Nhưng mùa đông thì tuyệt đối không có gì để làm. Hiu quạnh. Sống một thân một mình thì mỗi ngày stress một tăng. Ban đầu, đúng là phải vật lộn để thích nghi với môi trường ấy, được cái Wajima cũng là một nơi đẹp. Nó như ngôi nhà thứ hai của tôi.
Sau sáu năm huấn luyện ở đó, tôi bất ngờ được điều đến Tokyo. Chuyển thế mới là chuyển chứ, hả? [cười] Từ đấy tôi làm ở Tuyển quân Không lực tại ban chỉ huy Roppongi của JSDF.
Tôi lấy vợ cách đây mười năm. Không lâu sau khi chuyển từ Wajima đến Tokyo. Một người bạn của bạn tôi giới thiệu chúng tôi với nhau. Chúng tôi có hai con, một trai lên tám và một gái lên năm. Mua một ngôi nhà ở Saitama sáu năm trước. Ngay đúng lúc “Bong bóng” lên đỉnh điểm…
Tôi đáp tuyến Yurakucho từ ga [giấu tên]. Trời không mưa. Tôi xuống ở Sakuradamon rồi đi bộ đến Kasumigaseki. Sau đó là tuyến Hibiya đến Roppongi. Mất chừng một giờ mười lăm phút.
Công việc của JSDF chúng tôi thật ra không có giờ giấc kiểu công sở, mọi đơn vị đều phải trực 24/24. Đêm cũng phân ca trực để giải quyết những sự vụ có thể xảy ra. Trên thực tế, chúng tôi làm việc theo ca bắt đầu từ 8 giờ đến 9 giờ 15. Các cuộc họp thường bắt đầu vào khoảng 9 giờ.
Tôi về nhà muộn, thường phải đến nửa đêm. Trẻ con lúc ấy dĩ nhiên đã ngủ, nhưng đúng là chúng tôi có rất nhiều việc phải làm: nâng cấp năng lực phòng thủ; mở rộng hợp tác Mỹ-Nhật; đóng góp cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc… từ những dự án nhỏ nhất đến những kế hoạch lớn nhất, chúng tôi đều phải lo. Đôi khi có thể chỉ là chuyện máy photocopy bị hỏng.
Ngày 20 tháng Ba rơi vào khoảng thời gian tài chính kết thúc cho nên khối công việc có nhẹ hơn bình thường. Một số người ở bộ phận chúng tôi nghỉ phép giữa các ngày quốc lễ. Tôi cũng muốn nghỉ thêm vào dịp cuối tuần, có thể là để ngủ bù lại một chút, nhưng chúng tôi không thể nghỉ hết được, nên tôi đi làm.
Tàu vắng hơn thường lệ. Tôi nhớ mình ngồi suốt cho tới Sakuradamon. Hôm ấy không phải họp cho nên chúng tôi có thể tà tà. Tôi đến Sakuradamon khoảng 8 giờ 20 rồi đi bộ đến Kasumigaseki và xuống sân ga.
Nhưng khi tôi toan đi qua rào soát vé thì thấy một biển báo nói đại khái là: “Do đang có đánh bom, hiện mọi chuyến tàu đều bị hủy bỏ.” Tuy vậy tôi vẫn đi xuống và trên thềm ga vẫn có rất nhiều người đang chờ. “Tốt,” tôi nghĩ, “nếu có ngần này người chờ thì thể nào cuối cùng cũng phải có tàu.” Vậy là tôi xếp hàng cùng mọi người. Nhưng không thấy dấu hiệu có tàu nào hết. Tôi bỏ đó và đi tới ke chạy tuyến Chiyoda. Đi tuyến này, tôi sẽ đến ga Nogizaka rồi từ đó có thể dễ dàng đi bộ.
Nhưng ke chật ních không thể đi nổi. Ồ, tình cờ thế nào đoàn tàu đậu bên ke đối diện lại đang mở toang hết các cửa, nên tôi quyết định đi tắt qua toa của nó xuống. Đây là một đoàn tàu chạy tuyến Hibiya từ Naka-meguro đi Kita-senju. Tôi đi qua ít nhất cũng phải bốn năm toa. Không có ma nào trên tàu cả. Ngoài vài người khác cũng đi qua như tôi. Lúc đi bộ qua các toa xe tôi không thấy gì lạ. Trên sân ga cũng chẳng có gì đáng nghi. Vẻ như một đoàn tàu hoàn toàn bình thường đang đỗ lại vì một sai sót về điện hay cái gì đó đại loại vậy 2 .
Tuyến Chiyoda vẫn hoạt động. Có thể bị hoãn vài lần nhưng tôi chờ một lát rồi cũng bắt được tàu. Thế rồi ngay trước khi tới ga Nogizaka, tôi bắt đầu cảm thấy đờ đẫn, lơ ma lơ mơ. Và khi tôi xuống tàu, tim tôi đập mạnh. Tôi thấy leo cầu thang thật khó khăn, nhưng do công việc của tôi vốn quá tải, tôi thiếu ngủ kinh niên và thường không để ý đến sức khỏe, nên tôi nghĩ mình mệt chẳng qua là do thiếu ngủ. Nhưng rồi mọi thứ tối sầm. Tôi lại ngờ họ đang kiểm tra ánh sáng ở ga. Phải đến khi vào tòa nhà JSDF và không làm sao quay nổi đầu cho được tôi mới nghĩ: “Có cái gì đó không ổn đây.”
Ở sở, chẳng bao lâu sau trên tivi đã tường thuật về sự nháo nhác ở Kasumigaseki. Các chuyến tàu bị hủy và mọi thứ đang hoàn toàn nhốn nháo. Cấp trên bảo tôi, “Nên chăng là anh gọi ngay điện thoại về nhà cho vợ đi?”, nên tôi đã gọi. Lúc này họ chưa biết gì về sarin. Tôi thì nghĩ đây là một sự cố bình thường. Tôi bắt đầu ngồi vào làm việc nhưng đến đánh máy cũng thấy khó – màn hình máy tính tối quá. Một lúc sau có thông báo nói đó là sarin. Tôi lập tức nghĩ, “Sarin? Mình chắc đã hít phải nó một ít mất rồi.”
Không phải mọi sĩ quan ở JSDF đều biết thông tin về sarin. Nhưng lui về trước, hồi tôi được phân về Bộ Ngoại giao là lúc chúng ta đang kết thúc các đàm phán về cấm vũ khí hóa học, cho nên tôi cũng biết đôi chút về sarin. Và dĩ nhiên tôi cũng có nghe về vụ Matsumoto, tuy cá nhân tôi thì không quan tâm đến nó lắm. Thật lòng mà nói tôi không tin nó thật sự là sarin. Tôi nghĩ chắc là một chất độc nào khác. Đơn giản là tôi không tin nổi ai đó ở Nhật lại có thể sản xuất ra vũ khí hóa học. Trước hết là vì nó không dễ chế tạo.
Tôi nhớ là sarin gây co đồng tử, nên vào buồng tắm rửa mắt rồi nhìn vào gương. Và tất cả những gì tôi nhìn thấy là con ngươi tôi giống như hai cái chấm bé tí. Tôi đi gặp bác sĩ và ở đó đã có mấy người, tất cả đều bị những tổn thương do sarin. Riêng ở Ban chỉ huy của JSDF cũng đã có một số kha khá nạn nhân sarin. Có khi còn nhiều hơn những nơi khác. Chúng tôi bắt đầu làm việc sớm hơn mọi công sở và nhiều người chúng tôi đi tàu điện ngầm trên hai tuyến Hibiya và Chiyoda. Nhưng theo tôi biết thì không ai ở đây bị di chứng cả 3 .
Ở châu Âu khủng bố phổ biến hơn, nếu không muốn nói là chuyện thường thấy, nhưng ở Nhật thì cho tới nay hầu như chưa hề có chuyện như thế này. Tôi từng đi du học ở Pháp một dạo và trong suốt thời gian ở đó, tôi nhớ là mình vẫn hay nghĩ, “Mình rất mừng là Nhật Bản thật an toàn.” Ai cũng nói thế: “Chúng tôi ghen tị với mức độ an toàn kỷ lục của Nhật Bản.” Thế rồi trở về nước thì ngay lập tức xảy ra chuyện này! Không chỉ là khủng bố mà lại còn bằng vũ khí hóa học như sarin – đây là một cú sốc kép.
“Tại sao?” tôi chỉ nghĩ được có thế. Ngay với tổ chức IRA, ít nhất tôi cũng có thể nhìn sự việc từ phía họ và có thể hiểu được từ đầu cái điều họ hy vọng đạt được. Nhưng vụ sarin này thì đơn giản là vượt ra ngoài mọi sự hiểu biết. May mà tôi thoát được, chỉ bị những triệu chứng nho nhỏ, và không có di chứng, nhưng với những người đã mất mạng hay vẫn bị đau đớn thì không gì bù đắp nổi. Dĩ nhiên người chết đã chết rồi, nhưng chắc chắn là có những cách chết ý nghĩa hơn.
Tôi hy vọng họ sẽ xem xét vụ thả hơi độc từ mọi góc độ có thể hình dung tới. Cá nhân tôi thì cảm thấy không thể tha thứ cho những kẻ làm việc này. Nhưng Nhật là một nước pháp quyền. Tôi tin tưởng chúng ta phải có một cuộc thảo luận đầy đủ để làm hài lòng mọi người và dùng nó làm một vụ án chuẩn để tìm xem trong các sự cố như thế này thì trách nhiệm của ai nằm ở đâu. Chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về việc chúng ta có thể sữa chữa các tội ác kiểu này như thế nào, và sẽ quyết định trừng trị nó ra sao. Đúng là vụ này không bình thường vì nó liên quan đến yếu tố tẩy não chưa từng xảy ra, nhưng chúng ta vẫn phải cố dựng nên các chuẩn mực chung. Hơn nữa, để tránh lại xảy ra các vụ kinh khủng thế này, thì cần phải có những cuộc thảo luận để xem chúng ta, với tư cách một quốc gia, sẽ xử lý các vụ khủng hoảng kiểu này ra sao.
Sau trải nghiệm này, chúng ta cần phải nỗ lực mọi cách để bảo đảm rằng đất nước thịnh vượng và yên bình này, xây dựng trên công sức lao động của các thế hệ tiền bối, sẽ được bảo toàn và truyền tiếp lại cho các thế hệ sau. Lúc này, với Nhật Bản, quan trọng nhất là phải theo đuổi một cuộc sống tinh thần lành mạnh mới. Tôi không thấy được bất cứ tương lai nào cho nước Nhật nếu chúng ta cứ mù quáng chạy theo các giá trị vật chất như hiện nay.
Có một điều chợt léo lên trong tôi từ sau vụ thả hơi độc: Tôi vừa bước sang tuổi bốn mươi và từ trước đến nay tôi sống rất bất cần. Đã đến lúc tôi phải tự kiểm soát lấy bản thân, nghĩ sâu sắc hơn đến đời mình. Đây là lần đầu tiên tôi sợ hãi như thế. Trong suốt những năm tháng qua, tôi tập trung vào sự nghiệp nên không hề biết đến nỗi sợ đích thực.
“Tôi cứ hét lên bằng tiếng Nhật, ‘Làm ơn, làm ơn, làm ơn!’”
Michael Kennedy (63)
Ông Kennedy là một tay đua ngựa người Ireland. Sau khi giành thắng lợi ở vô số cuộc đua, nay ông đã về hưu. Ông được mời đến Nhật Bản huấn luyện các tay đua ngựa trẻ của Nhật về kỹ xảo cưỡi ngựa chuyên nghiệp ở trường huấn luyện của Hội liên hiệp Đua ngựa Nhật Bản (JRA) tại Chiba, phía Đông Tokyo.
Sinh ra ở Ireland, ông vẫn giữ một ngôi nhà của dòng họ ở ngoại ô Dublin. Khỏe mạnh và năng động, ông có bản tính hướng ngoại và thích gặp gỡ mọi người. Ông đã thật sự bén duyên với Nhật, sống bốn năm ở đây và không một lời ca than. Điều duy nhất ông nhớ ở quê hương là “chuyện trò.” Sống cách xa thành phố lớn, những người nói được tiếng Anh ít và không gần nhau thành ra ông hơi cô đơn.
Nhưng ông Kennedy rất thích công việc truyền kinh nghiệm của mình cho các tay đua trẻ tuổi đầy hứa hẹn ở các trường huấn luyện cưỡi ngựa. Hễ cứ nói đến chuyện học viên của mình là ông lại mỉm cười.
Không nghi ngờ gì, vụ thả hơi độc là một chấn động lớn đối với ông. Tôi không biết ông đã hoàn toàn vượt qua được nó chưa. Khi một vụ tấn công có tính chất thế này không phân biệt người Nhật hay người ngoại quốc, tôi thông cảm với ông Kennedy, người bị kẹt trong hoàn cảnh không thể hiểu nổi ở nước ngoài, nơi ông thậm chí còn không nói được cả tiếng.
Vài tuần sau cuộc phỏng vấn này, ông hoàn thành hợp đồng với trường huấn luyện cưỡi ngựa và trở về Ireland.

° ° °

Tính đến nay tôi đã ở Nhật được bốn năm. Đó là một quãng thời gian dài và tôi cũng nhớ nhà, nhưng một năm tôi về Dublin hai lần còn vợ tôi lại đến đây một lần, vậy là một năm có ba kỳ trăng mật. [cười]
Tôi đã đua ngựa được ba chục năm. Mười bốn tuổi tôi đã bắt đầu luyện tập và lên chuyên nghiệp năm hai mươi tuổi. Tôi rất may mắn. Tôi đã từng bị vài vết thương. Tôi đã bị gãy xương sườn bảy hay tám lần, rạn xương ngực, trật xương vai nhưng nhờ Chúa, không có gì nghiêm trọng.
Tôi về hưu năm 1979, lúc 47 tuổi, và trở thành người quản lý ở một trường huấn luyện ở hạt Kildare. Chúng tôi có một nghìn rưỡi ngựa cần huấn luyện. Tôi chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng – sân bãi, đường đua, nước phi. Chúng tôi có một trường huấn luyện các tay đua tập sự, Trung tâm Huấn luyện các Tay đua trẻ – RACE – cứ có thời giờ rỗi, một tuần tôi lại đến đây hai tối xem các băng video đua ngựa với đám trẻ. Ban ngày thì xem chúng cưỡi trên đường đua. Tôi có thể dõi theo chúng và nói chuyện với chúng về phong cách cưỡi của chúng.
Rồi JRA – Hội liên hiệp Đua ngựa Nhật Bản – liên kết với RACE, và tôi gặp nhiều người Nhật trong lĩnh vực này, hướng dẫn họ vài kiến thức sâu về đua ngựa. Tôi không hiểu gì về đua ngựa ở Nhật hết nhưng JRA đang lo lắng mong có một ông thầy.
Thế nên tháng Ba năm 1992, tôi đến tham quan trường sở một chút rồi đi đến trường đua ở Miho và Mito. Tôi đến Utsunomiya và Tokyo. Các cơ sở hạ tầng thật sự gây ấn tượng với tôi. Địa điểm đẹp. Con người rất tốt với tôi. Tôi quay về Ireland và bảo những người ở đấy là tôi thôi việc. Tôi sắp đi nhận công việc này. Họ mới ngạc nhiên làm sao chứ! [cười]
Bây giờ tôi sống ở một khu ký túc xá đặc biệt trong trường. Rất hay. Tôi quen dần với việc sống tự lo liệu lấy; tôi trở thành một tay chưa vợ thật sự. Trong bốn năm ở Nhật, tôi đã thấy những thay đổi. Trình độ cưỡi ngựa bây giờ tốt hơn nhiều. Lúc tôi mới đến thì kiểu cưỡi hơi cổ một chút. Những tay đua trẻ đã có tưởng tượng hơn, tinh nhạy hơn, nhưng tôi vẫn nghĩ là biết giao lưu với ngựa hơn thì họ còn có thể nâng cao kỹ thuật lên nữa. Có lẽ vì nền văn hóa vốn xưa nay coi ngựa là thứ hạ đẳng chăng?
Ngày 20 tháng Ba tôi ở Tokyo. Tôi ở đây vì Ngày Thánh Patrick. Dạ hội Ngọc lục bảo vào thứ Sáu, ngày mười bảy, và tôi ở cùng với bạn bè tại Omote-sando. Đây là một kiểu nghi lễ hàng năm. Ông sẽ ngạc nhiên thấy có bao nhiêu là người Ireland ở Tokyo.
Thứ Bảy, tôi ngủ nhờ nhà bạn ở Setagaya. Sáng Chủ nhật, tôi đến một ngôi nhà thờ nhỏ dòng Thánh Francis, rồi có cuộc Diễn hành Ngày Thánh Patrick. Tại cuộc diễu hành tôi gặp đại sứ Irelad, James Sharkey, ông mời tôi ăn tối ở gần nhà ông tại Roppongi. Tôi rất vui. Bữa tối ở quán Hard Rock Café – rất ư là thân mật. Chúng tôi đã uống một chút – tôi không uống được nhiều lắm, hai vại bia là giới hạn của tôi – rồi ông đại sứ bảo tôi, “Ông không phải trở về trường tối nay. Sao ông không ở lại chỗ tôi nhỉ?” Thế là tôi ở lại Roppongi đêm đó.
Tôi dậy lúc 6 rưỡi sáng thứ Hai và bảo các con gái của ông, “Bảo với ông đại sứ là tôi đi rồi nhé.” Nhưng mấy đứa cứ nài tôi ở lại ăn điểm tâm. Sau đó tôi mới tà tà tản bộ xuống ga Roppongi đi tàu điện ngầm. Tôi định đi tuyến Hibiya đến Kayabacho rồi xuống lên tuyến Tozai đến Nishi-funabashi.
Khi tôi bước xuống những bậc thang ở Roppongi thì đoàn tàu đầu tiên đã sắp ra khỏi ga, chật ních khách. Lúc ấy khoảng 7 rưỡi. Đoàn tàu sau đang đến, nửa toa đầu vắng. Thật không tin nổi – vắng một nửa – tuyệt! Tôi lên cửa sau của toa và ở đấy có một vũng lớn chất gì đó nhờn nhờn cùng một đùm giấy báo – tựa như có ai vừa lau chùi nó. Tôi nghĩ chắc nó còn đang ứa ra ngoài cái vật đựng bọc trong tờ báo.
Đi xuôi dọc toa xuống, tôi nhìn cái bọc, bước quanh nó và ngồi xuống nghĩ, “Có thể là cái gì thế nhỉ?” Rồi tôi để ý thấy không ai đến gần nó, ngoại trừ một người cạnh tôi. Mọi người khác đều lên trên đầu toa. “Lạ thật,” tôi nghĩ, rồi nhanh chóng quyết định ra chỗ họ.
Có một cô gái đang bắt đầu đổ nhào về đằng trước. Cô trông như đang khóc. Một người đàn ông mở hé cửa sổ vì tàu đang chạy và tôi nói, “Mở rộng nữa, nữa đi.” Hơi sarin nặng nên chìm xuống dưới đất. Mùi hôi của nó không quá tệ nhưng trước nay khứu giác tôi vẫn không tốt lắm. Tôi thấy nhoi nhói trong mắt và bắt đầu cảm thấy tê tê bì bì.
Điều tiếp theo tôi biết là cô gái đã ngã lăn ra. Cô rất trẻ, chỉ khoảng hai mươi mốt tuổi, và nom cô rất không ổn. Tôi không biết cô có bị chết hay không.
Khi tới Kamiyacho, chúng tôi chen nhau ra ngoài sân ga và khuỵu ngã. Ai cũng hoảng loạn. Chúng tôi không biết làm gì, chúng tôi bị bỏ ngồi ở đấy. Người ta bảo với người lái tàu, ông đến nhìn rồi quay lại tàu gọi bằng vô tuyến. Cả nhà ga đang bị ô nhiễm hơi ga nhưng tất cả chúng tôi cứ ở lại đó.
Bấy giờ mắt tôi cũng bắt đầu chảy nước, tôi không rõ là xảy ra chuyện gì. Một vài người nằm thượt ra ở sân ga. Tôi thì ngồi xuống. Nước mắt tôi đang chảy giàn chảy giụa. Tôi cố bám một tay vào túi khoác vai của mình còn tay kia thì nắm lấy tay cô gái bất tỉnh. Chúng tôi phải đưa cô ra ngoài. Chúng tôi đi theo một lối, lại phải loạng choạng quay lại lối khác, rồi cuối cùng mới lên được cầu thang. Chúng tôi đi đến hàng rào soát vé nhưng họ bảo chúng tôi ở nguyên tại chỗ: “Xin hãy chờ! Xin hãy chờ! Xin hãy chờ!” Còn tôi cứ hét, “Làm ơn, làm ơn, làm ơn!” bằng tiếng Nhật. Cô gái vẫn phải tựa vào tôi và hành khách vẫn chen nhau đi qua tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.