Mưa dầm dề kéo dài mấy ngày làm cho ngõ chợ thêm nhày nhụa. Trong một căn nhà nhỏ lụp xụp chừng hơn chục mét vuông, tối mù mù vì chỉ có một ngọn đèn đỏ yếu công suất.
Hai người đàn ông còng lưng trên chiếu rượu. Người đàn ông trẻ hơn nhìn ra ngoài trời một hồi lâu rồi vùng đứng lên.
Gã đi vào xó nhà lục xục một hồi lâu rồi khoác lên người một bộ quần áo mưa, đội lên đầu chiếc nón lá đã rách vành. Gã đi ra khỏi nhà, tháo chiếc xích lô buộc trên vách, rồi nhảy lên đạp trong trời mưa. Gã đạp chậm trãi, ngó nghiêng. Ngõ chợ vắng tanh, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm vì sợ bùn tràn vào nhà. ở bên thềm một căn nhà mái bằng còn khô ráo gã nhìn thấy một người đàn bà cùng hai đứa trẻ con, đứa lên năm, đứa lên ba đang ngồi im lìm bên nhau, buồn lặng. Gã dừng lại trước họ, rồi buông một tiếng thở dài. Đã ba ngày hôm nay, bây giờ gã mới cất mấy nhời:
– Cho lũ trẻ về nhà đi.
Gã nhấn mạnh chân cho chiếc xích lô lao nhanh hơn.
Người đàn bà xốc hai đứa trẻ lên hông men theo đường hiên để tránh mưa đi về nhà.
Trong nhà người đàn ông già đã cuộn tròn mình vào chiếc mền chăn cáu bẩn gáy khò khò.
Người đàn bà đặt hai đứa trẻ vào manh chiếu gần cửa ra vào cho nhiều ánh sáng, rồi lấy ít đồ chơi rẻ tiền thả vào chiếu. Bọn trẻ ngồi im lặng, chơi lặng lẽ. Người đàn bà nhanh tay lau dọn nhà cửa. Chỉ một loáng căn nhà đã trở nên sạch sẽ. Người đàn bà ra chiếu ngồi chơi với lũ trẻ. Họ chơi trong yên lặng. Hai đứa trẻ giằng nhau đồ chơi rất khẽ khàng. Chơi một lúc chúng lăn ra ngủ. Giấc ngủ trẻ con thiên thần say đắm. Người đàn bà bế chuyển hai đứa trẻ lên giường. Một chiếc giường duy nhất trong nhà. Người đàn bà sửa gối, đắp chăn và buông màn cho hai đứa trẻ xong lặng lẽ đến bên cạnh người đàn ông già đang nằm. Người đàn bà khẽ động vào người đàn ông già như tín hiệu rồi ghé mình nằm xuống cạnh. Người đàn ông già cựa mình như tỉnh giấc rồi nằm dịch ra cất giọng khô nồng. Cũng có đến ba ngày hôm nay ông già mới cất bằng ấy nhời:
– Đi, không phải phiên.
Người đàn bà lồm cồm bò dậy đi sửa soạn bếp núc.
Sáu giờ chiều, đúng như giờ vào ca của nhà máy người đàn ông trẻ đạp xích lô về nhà. Gã hì hục chằng buộc chiếc xích lô vào vách. Gã lầm lũi đi vào nhà, đưa cho người đàn bà một nắm tiền lẻ và hai đứa trẻ một gói kẹo. Rồi vẫn im lặng như thế gã cởi bỏ chiếc áo mưa, treo chiếc nón rách vành lên vách với chiếc khăn mặt đi vào nhà tắm. Trong nhà tắm đã treo sẵn áo quần và một chậu nước bốc khói ngào ngạt mùi lá thơm. Người đàn ông trẻ cởi bỏ quần áo và sau mấy ngày mưa ảm đạm làm tâm trí gã cũng nhũn ra thì bây giờ gã mới có đôi chút cảm giác sảng khoái.
Khi gã đi ra khỏi nhà tắm thì mâm cơm cũng đã được dọn ra gọn ghẽ. Năm con người, ba người lớn, hai đứa trẻ ngồi quanh mâm cơm. Họ lặng lẽ ăn, nghe rõ nhất là tiếng thìa của hai đứa trẻ quẹt vào bát sành.
Bữa ăn diễn ra chóng vánh. Người đàn bà nhanh tay thu xếp bát đĩa. Gã đàn ông trẻ đứng lên pha ấm nước trà. Người đàn ông già khoanh hai tay vào gối, ưỡn cái lưng thẳng dậy cho đỡ mỏi. Hai đứa trẻ đến bên người đàn bà vòng tay ôm lấy đầu mẹ rồi thì thầm vào tai. Người đàn bà rũ nước ở tay đứng lên dẫn hai đứa trẻ ra cửa. Chỉ một thoáng thị trở lại ngay để làm nốt công việc của mình.
Khi người đàn bà thu dọn xong nhà cửa thì gã đàn ông trẻ đã gáy khò khò. Người đàn ông già lom khom dọn chỗ. Người đàn bà lặng lẽ đi ra khỏi nhà. Thị sang hàng xóm xem tivi nhờ với hai đứa trẻ. Đến chín giờ tối, cũng đúng như giờ nhà máy thị cùng hai đứa trẻ về nhà. Thị đặt hai đứa bé ngay ngắn lên giường, rồi nằm xuống cạnh chúng. Thị dang tay vỗ về bọn trẻ. Từ tim thị muốn bật ra những câu hát ru nhưng nghe tiếng ngáy của hai người đàn ông môi thị bèn ngậm chặt lại. Bọn trẻ đi vào giấc ngủ thiên thần thì thị cũng thiu thiu ngủ.
Nửa đêm, người đàn bà thức giấc (cũng chính xác như giờ vào ca của nhà máy). Thị sửa lại gối, kéo chăn cho bọn trẻ, rồi thị rón rén bò dậy. Thị nhẹ nhàng đi đến bên người đàn ông trẻ đang ngủ. Thị đặt nhẹ bàn tay lên mặt người đàn ông trẻ xoa xoa, rồi thị khẽ khàng nằm xuống bên cạnh. Người đàn ông trẻ trở mình xoay mặt về phía thị định giơ tay kéo thị vào lòng nhưng nghĩ sao lại đẩy thị ra:
– Không phải lúc, đi lên với lũ trẻ.
Thị lồm cồm bò dậy leo lên giường.
Mưa chán trời ắt phải nắng. Ngày hôm sau từ năm giờ mặt trời đã sáng loé. Sau mấy ngày mưa thinh không như được gột rửa hết bụi bặm. Trong căn nhà nhỏ, ba người lớn đã trở dậy, họ chuyển động như những chiếc bóng. Nhưng trong cử chỉ như có một sự vui vẻ hơn chứ không ảm đạm như mấy ngày mưa.
Đúng sáu giờ sáng mâm cơm được dọn ra, hai người đàn ông ăn trước. Họ ăn rất nhanh. Ăn xong người đàn ông già chiêu một ngụm nước trà đã được người đàn bà pha sẵn đặt cạnh mâm cơm, đút cái tăm vào miệng rồi lấy cái nón rách vành treo trên tường đi ra cửa. Người đàn ông trẻ cũng đứng dậy theo ra ngoài để tháo chiếc xích lô buộc trên vách xuống. Người đàn ông già dẫn xích lô ra đường thong thả nhảy lên nhấn vào bàn đạp với sức lực dồi dào vì đã được nghỉ những ba ngày do mưa.
Người đàn ông trẻ quay vào nhà thì người đàn bà đang lúi húi dọn mâm bát. Gã đến đằng sau ấp bụng vào lưng thị quàng hai tay ra đằng trước bóp mạnh vào vú thị. Thị buông mâm bát quay mặt lại phía gã đàn ông trẻ. Gã xốc thị đến chiếu của gã. Gã hối hả trên người thị như một cuốc xích lô đạp vội.
Sau mưa, mặt trời chiếu xuống mặt đất như càng sáng chói hơn. Những tia nắng chiếu vào căn nhà nhỏ làm mặt người, đồ đạc trở lên rõ ràng hơn. Người đàn ông trẻ vào quãng 30 tuổi, còn người đàn bà thì trẻ hơn, thị vào quãng ngoài 20 tuổi.
Còn căn nhà nhỏ này, nó tồn tại ở ngõ chợ đã lâu. Nó có từ khi gã đàn ông trẻ còn bé tí tẹo với một người phụ nữ bé nhỏ dịu dàng mà gã gọi là mẹ. Căn nhà bé nhưng thật hạnh phúc. Người đàn ông mà gã gọi là cha có một chiếc xích lô. Hàng ngày người đàn ông đi đạp xích lô cũng đủ tiền nuôi vợ con.
Khi gã được 12 tuổi thì người mẹ đổ bệnh. Những đồng tiền để dành dụm từ những cuốc xích lô rộng rãi của khách không đủ để cứu người mẹ qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo. Sau khi người vợ chết căn nhà còn lại người cha, người con và chiếc xích lô. Thời gian cứ thế trôi đi cho đến khi người con cảm thấy sức lực mình đã lớn muốn kiếm một việc gì đó để có tiền phụ giúp cha. Nhưng kiếm việc gì đây? Khi lưng vốn không có, sự học hành cũng chỉ qua cái đận biết đọc, biết viết. Thôi thì nối nghiệp cha vậy. Cái nghề đạp xích lô chả phải ai dạy, ai học cả. Thế là cha già yếu đạp ban ngày, con khoẻ mạnh đạp ban đêm.
Sức lực của hai người cộng lại nên đồng tiền bỏ lọ cũng được kha khá. Họ bèn thay một chiếc xích lô mới. Lúc chưa có người đàn bà và hai đứa trẻ trong nhà hai người đàn ông cũng hay nói chuyện với nhau. Người cha bảo với con:
– Cố gắng dành dụm ít tiền mà lấy vợ con ạ.
– Thế bố, bố cũng tính chuyện lấy vợ đi, bố còn trẻ mà.
Người cha cất tiếng thở dài, trầm ngâm một lúc rồi mới nói:
– Chuyện tao để tao tính, lo đến chuyện mày ấy. Mày phải lấy vợ đoàng hoàng tử tế con ạ.
Sau cái buổi nói chuyện ấy, vào một sẩm tối người cha đưa về một cô gái trẻ, quê mùa, với một vẻ mặt đầy vẻ hãi hùng. Khi trao xích lô cho con đi làm đêm, người cha bảo:
– Nhà mình cũng cần một người phụ nữ lo nấu nướng, ăn uống cho chứ. Cứ cơm bờ, cơm bụi thế này tốn tiền mà lại không đủ sức khoẻ đâu.
Thế là từ đó trong căn nhà nhỏ ở ngõ chợ có bóng dáng người phụ nữ. Mối quan hệ của người phụ nữ này với hai cha con thì chẳng có một thứ văn bản giấy tờ, cũng như một mâm cơn trước bàn thờ gia tiên hay một lời tuyên bố nào cả. Nhưng cả ba người đều hiểu rằng: Người phụ nữ này là của người cha.
Đó là một người phụ nữ tần tảo, biết thu vén nhà cửa. Từ ngày có thị về căn nhà nhỏ này thêm miệng ăn mà phần bỏ lọ cho người con trai cưới vợ của hai cha con người đạp xích lô không hề suy giảm. Không phải vì họ làm được nhiều tiền hơn. Thời buổi bung ra, cánh nhà quê không có việc làm đổ xô lên thành phố thì cái nghề đạp xích lô có vẻ đầu tư ít mà kiếm được nhiều. Các gã trai quen cày bừa, có sức lực tốt nên cốt là kiếm được chút tiền, khách có trả rẻ họ cũng đi. Chỉ là vì người phụ nữ trẻ đã biết nấu nướng những bữa cơm ngon, lại đúng giờ giấc nên cha con người đạp xích lô đã không tốn tiền ăn quà mà thôi.
Thời gian làm cho nếp sinh hoạt trong căn nhà nhỏ đi vào một trật tự thì cũng làm cho những lời nói giao tiếp của ba con người tắt dần. Một thời gian biểu đã lên rõ ràng, thì lời nói thành thừa thãi. Buổi sáng, sáu giờ người phụ nữ trẻ dọn cơm ra thì cũng là lúc người con đánh xe xích lô trở về. Cũng có khi không phải là sáu giờ mà muộn hơn một chút vì cuốc xích lô sớm. Nhưng thường là rất đúng giờ vì nửa đêm về sáng ít việc người con tá túc vào đâu đó làm một giấc. Ba người ngồi vào mâm lặng lẽ ăn. Ăn xong người cha tiếp nhận chiếc xích lô để đi làm ca ngày. Người con đi ngủ. Người phụ nữ trẻ thì thu dọn nhà cửa. Bữa trưa tuỳ ai người ấy ăn. Thường những người ở nhà ăn cơm nguội, còn người đi làm thì ăn quà dọc đường.
Đến sáu giờ chiều bữa cơm tối được dọn ra tươm tất. Cùng với mâm cơm tươm tất thì trong nhà tắm của mùa nóng cũng như mùa lạnh đều có một chậu nước nóng với lá thơm của người phụ nữ tảo tần dành cho những người đàn ông sau khi đi làm trở về nhà.
Có người phụ nữ mà người cha nhặt được ở dọc đường mang về nhà dường như đã thoả lòng người cha lắm rồi. Nào ông còn mong gì hơn nữa ở cái kiếp này. Còn người con trai, mong ước cưới được một cô vợ đoàng hoàng, tử tế vẫn còn nguyên là mong ước đó. Cái mưu sinh hàng ngày như một guồng máy được nạp mã số cứ thế cuốn con người ta không biết sao mà dừng lại được. Nhiều lúc ngả lưng trên xích lô dưới một bóng cây gã trai cũng nghĩ ngợi lung lắm về việc này. Đêm, gã đi làm. Ngày, về ngủ hết cả buổi sáng. Đến lưng buổi chiều thức giấc ra chơi lang thang ngõ chợ.
Ở cái ngõ chợ này thì phần đông cư dân cũng giống như gia đình của gã. Có nghĩa là con người ở đây luôn luôn phải vật lộn và chống trọi với cái thứ gọi là kế sinh nhai. Vì thế lúc nào trông họ cũng hầm hụi. Đàn bà, con gái ở đây rất khó đoán tuổi. Người nào cũng na ná người nào, quần áo nhàu nát màu nước dưa, đầu tóc thì rối bù, gương mặt thì nhàu nhĩ. Có đứa con gái nào mặt mũi xinh xắn đôi chút thì bằng mọi cách chúng đi lấy chồng nơi khác để có cơ hội đổi đời. Vậy mà ngoài cái ngõ chợ này thì gã chẳng quen một nơi nào khác nữa. Thế cho nên cái cơ hội kiếm lấy một người vợ đoàng hoàng, tử tế như mong ước của cha con gã là rất khó. Càng nghĩ gã trai trẻ càng chán nản lắm.
Có lúc, gã nghĩ, hay là làm giống như cha hắn, bắt quách một người phụ nữ lang thang nào đó về làm vợ. Thì cái người đàn bà trong nhà gã chẳng là một người rất tốt đó sao. Nhưng cái thời buổi này sao mà lắm người lang thang đến thế. Biết bắt ai bây giờ. Gã tặc lưỡi nhắm mắt và nghĩ về một cuốc xích lô.
Một lần, gã được một ông khách Tây thuê chở đi lang thang xem phố đêm. Đó là một cuốc xích lô nhàn nhã vì khách chẳng vội vàng gì, nên gã cứ vậy thong dong đạp. Độ hơn một tiếng đồng hồ thì ông Tây không muốn đi nữa. Ông Tây rút ví đưa cho gã 20 đô và khoát tay ý cho cả. Gã sướng rên người tấp ngay vào cái lều chợ cóc làm một giấc cho đến sáu giờ sáng mới thong dong đạp xe về nhà.
Cơm nước xong xuôi, ông bố đã đi làm. Gã cũng đi ngả lưng. Nhưng giấc ngủ đẫy đêm qua làm gã không buồn ngủ nữa. Gã mở mắt quan sát người đàn bà đã hiện diện hàng năm nay trong nhà gã. Đó là người đàn bà tuy cũng khó đoán tuổi như đàn bà, con gái ngõ chợ này nhưng xem ra còn trẻ lắm. Và trông thị cũng xinh xắn đấy chứ. Cái người tròn lẳn, nước da ngăm ngăm, khuôn mặt phúc hậu, cái miệng có duyên. Phải cái chân tay thô ráp. Gã nghĩ, cái người đàn bà này xem ra hợp với gã hơn là với cha hắn nhiều. Cha gã đã già rồi, người đàn bà này xem ra quá sức ông. Gã nghĩ gã có lý nên gã vùng dậy đi đến phía sau người đàn bà đang lom khom dọn dẹp nhà cửa. Gã ôm lấy cái lưng người đàn bà vào lòng gã rồi vòng hai tay ra trước bóp chặt hai bầu vú của người đàn bà. Người đàn bà ngạc nhiên kêu lên khe khẽ, lấy cùi tay đẩy hắn ra. Rồi người thị bắt đầu cong lên vì đôi bàn tay khoẻ của gã trai. Thị giãy giụa một hồi rồi thả lỏng người ra, thị nói:
– Tôi biết ơn hai bố con nhà anh lắm lắm. Thôi thì anh muốn làm gì tôi cũng được.
Thế là từ đấy gã ít nghĩ đến việc cưới một cô vợ đoàng hoàng tử tế nữa. Vả lại cái lọ vốn mà cha con hắn bỏ những đồng tiền mồ hôi nước mắt vào để cho hắn có cơ hội cưới một cô vợ đoàng hoàng tử tế đã càng ngày càng bị vơi dần. Hơn 2 năm sau khi người đàn bà có mặt ở cái nhà này thì một bé gái ra đời. Rồi năm sau là một bé trai nữa. Thế là nhân khẩu tăng lên thành 5 người. Người cha thì mỗi ngày một già, đồng tiền đưa về ít hơn. Vậy là những cuốc xích lô của gã trai kéo dài hết cả đêm.
Người đàn ông già chấp nhận tình cảnh của mình như một số phận. Nhưng cái làm lão đau khổ nhất là hai đứa trẻ. Đứa nào là con lão, đứa nào là của con trai lão đây. Thôi thì số phận đã trớ trêu tạo ra hoàn cảnh như vậy, nhưng dẫu sao gia đình cũng phải có trên có dưới, con ra con, cháu ra cháu chứ. Lão chợt nghĩ câu các cụ hay nói: “Trẻ con nó vào lúc nào thì nó ra lúc ấy”. Lão thì ban đêm, con trai lão ban ngày, một cái sự phân chia rõ ràng, rạch ròi như những con thú đánh dấu lãnh thổ của chúng vậy. Thế mà hai đứa trẻ nó lại ra vào lúc nhập nhoạng tối.
Chỉ tội cho hai đứa trẻ. Chúng cũng phải học câm lặng như những người lớn trong nhà này. Từ khi có mối quan hệ tay ba thì mọi lời nói ở căn nhà này biến mất. Họ hiểu nhau qua những cử chỉ trong sự gặp gỡ chốc lát. Hai người đàn ông càng tránh gặp nhau càng tốt. Còn hai đứa trẻ, chẳng biết khi vắng mặt hai người đàn ông kia mẹ chúng dạy chúng những gì. Còn trước mặt hai người đàn ông chúng cũng một mực câm lặng. Hai người đàn ông có cho chúng quà hay có cử chỉ âu yếm với chúng thì chúng cũng chỉ dương đôi mắt trẻ con lên để biểu thị nỗi lòng.
Trong căn nhà nhỏ này, tệ hại nhất là những ngày mưa dầm, gió bấc. Khi đó chiếc xích lô được buộc chặt vào vách hiên. Hai người đàn ông thì gò mình trên chiếu rượu. Còn người đàn bà và hai đứa trẻ tìm một trái hiên nào đó khô ráo để chơi với nhau và trong lòng thầm khấn cho qua những ngày mưa.