Tuyển tập truyện ngắn của Y Ban

Tôi và gã – Chương 02



Bố tôi ngồi thừ ra một lúc rồi cất roi dâu đi, bảo: Nó ăn vào bụng nó rồi, đánh thế nào đây.
Gã kể:Bố tớ đi lằm ăn xa thi thoảng gửi về mấy đồng cho mẹ con đong thóc. Đợt ấy đến mấy tháng mà bố tớ không gửi về, mẹ tớ mới đi tìm bố tớ. Mẹ tớ đi được dăm hôm thì bố tớ gửi tiền về qua đường dây thép. Lúc ấy tớ mới hơn 10 tuổi, cầm giấy báo nhận tiền đến uỷ ban xã xin dấu. Tớ bảo với ông xã (là chú họ):
– Chú chứng nhận vào đây cho cháu để cháu đi lĩnh tiền. Bây giờ thóc hơn(rẻ) thì còn đong được kha khá. Đợi mẹ cháu về thóc kém(đắt)thì nhà cháu lại đói.
Nghe thế ông chú họ liền cộp dấu cho tớ luôn. Chả có đứa trẻ hơn 10 tuổi nào lại ăn nói khôn ngoan như vậy. Tớ mang giấy ra bưu điện lĩnh được 14 đồng. Mang tiền về đến đầu làng thấy người ta đang đụng thịt trâu. Tớ mới đem cả 14 đồng đánh đụng hết, được 15 kg thịt trâu. ở nhà lúc ấy chỉ có tớ và con em gái. Hai anh em làm mấy món ăn ngay, còn lại cho vào cái nồi 10 kho lên. Một tuần sau mẹ tớ về. Đến đầu làng đã biết chuyện, về đến nhà lại sực nức mùi thịt trâu thì không bước nổi chân nữa. Mẹ tớ ngồi xệp xuống hè, mắt ráo hoảnh, mặt tái dại. Mẹ tớ không còn đủ sức để đánh đòn tớ nữa. Lúc đó 1 hào một thùng thóc, 14 đồng là đong được 140 thùng thóc. Năm đó nhà tớ đói lắm.
Gã nói: Làm cái anh nhà văn phải trải qua thực tế nghiệt ngã thì mới có tác phẩm tốt. Chó gì có anh nhà văn nào dư ăn dư mặc dư hạnh phúc mà có tác phẩm hay được. Là cái anh nhà văn thì cũng là trời hành đấy mà. Trời chót hành thân xác hắn rồi thì trả lại cho hắn một ít con chữ. Thế thôi có gì mà rộn.
Tôi nói: Tôi muốn hỏi bác chuyện này lâu rồi nhưng chưa có dịp.
Gã nói: Chuyện gì?
Tôi nói: Sao tóc bác nó cứ vàng như rơm, rồi dựng đứng lên thế?
Gã nói: Còn chuyện gì thì hỏi luôn cả thể đi, tớ sống nay chết mai ấy mà. Trời còn cho sống đến thế này là tốt rồi.
Gã kể: Tớ đã ngẫm nghĩ rất nhiều về chuyện này mà chưa lý giải nổi. Có thể là do trời trị vì tội dám khinh bà chị dâu đáng kính của tớ. Bà chị dâu cháu gái của ông quan to mà tớ đã kể cho cậu nghe. Bà ấy cũng thù ghét tớ nhưng biết giấu mặt.
Tớ bị bệnh loét dạ dày, phải phẫu thuật cắt bỏ 2/3. Ca mổ đã được lên lịch ở bệnh viện V. Tớ đã tiếp xúc với tay bác sỹ mổ cho tớ. Tay này trẻ và cũng mê văn chương, quí tớ lắm. Tay bác sỹ bảo tớ: Nghe con số này bác phải tin em. Em đã mổ an toàn cho 300 bệnh nhân. Tay bác sỹ nói thế tớ yên lòng. Một tuần nữa tớ lên bàn mổ thì chị dâu tớ ra tay. Ghét gì thì cũng là em ruột của chồng, lại để cho tay vô danh tiểu tốt ấy mổ cho người nhà mình hay sao. Phải là giáo sư đầu ngành chứ. Thế là chuyển sang bệnh viện H, do giáo sư đáng kính đầu ngành đảm trách. Ca mổ được bà chị dâu thuê cả máy quay đến ghi lại để dằn mặt chú em chồng, phải ghi nhớ công ơn của bà chị dâu. Thế mới xảy ra cơ sự. Giáo sư đầu ngành một mặt đã nhiều tuổi, mặt khác lý thuyết giỏi hơn thực hành, cắt dạ dày tớ đã đành còn cắt luôn cả mật tớ nữa. Ca mổ thay vì 3 tiếng đã kéo dài thành 8 tiếng được quay phim kỹ càng. Mặc dù vậy tớ vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, kiện cáo sao được. Vuốt mặt phải nể mũi chứ. Hơn hai năm sau tớ lại phải lên bàn mổ lần nữa vì cái mối nối ở mật nó be bờ lên cản dòng chảy, gây tắc. Lần mổ thứ hai cắt mật, nối ruột thẳng lên gan. Nối thông thống thì sợ giun chui lên, phải làm nắp đậy. Một thời gian sau cái nắp sập xuống, lại tắc. Lên bàn mổ lần thứ 3. Lúc tớ mặc váy hoa ngồi lên xe đẩy vào cầu thang máy tớ đã nhìn thấy họ hàng đến tiễn biệt tớ. Tớ đã nhìn thấy trong mắt bà chị dâu một thoáng thương xót. Thế mà tớ vẫn sống. Chỉ có điều tóc tớ nó biến thành thế này.
Tôi kể: Tôi bị đau bụng kèm theo sốt nhẹ. Đến viện khám bác sỹ bảo bị kiết lỵ. Cho đơn mua thuốc và truyền một chai dịch. Tôi vốn sợ chết bèn cứ thế làm y lệnh bác sỹ. Đêm về vẫn đau, đến sáng hôm sau vẫn đau. Đến chiều thì đau dữ dội kèm theo sốt cao. Vào viện một bác sỹ khác khám cho bảo, viêm phúc mạc, phải mổ gấp. Vợ tôi lo cuống cuồng cứ ngồi cạnh tôi chấm nước mắt.7 giờ, 8 giờ, 9 gìơ mà cũng chẳng thấy bác sỹ gọi lên phòng mổ. Vẫn cứ phải nằm phòng chờ. Bỗng có người đến rỉ tai,(chả biết tung tích người này thế nào) đã chuẩn bị phong bì cho kíp mổ chưa? Vợ tôi mới bừng tỉnh đi gặp bác sỹ mổ. Dúi vào túi bác sỹ mổ số tiền tương đương 1 chỉ vàng (người không rõ tung tích bảo thế). Tôi nằm trên bàn mổ 4 giờ đồng hồ. Lúc đưa tôi xuống phòng hậu phẫu, bác sỹ mổ bảo vợ tôi:
– Sao ngu vậy, ở thành phố mà phải chờ đến viêm phúc mạc mới vào viện. Tôi làm tốt cho anh nhà rồi đấy.
Vợ tôi trình bày quá trình bệnh tật của tôi, rằng hôm trước đã đưa vào khoa nội khám rồi nhưng bảo bị kiết lỵ. Vị bác sỹ đó bảo vợ tôi:
– Thế là ngu lâu, đau bụng lại đưa vào khoa nội khám thì nó chả bảo là kiết lỵ. Bận sau cứ đau bụng là đưa ngay vào khoa ngoại nhớ chưa.
Quả sau đấy vợ tôi được một bài học, cứ đau bụng là đưa ngay vào khoa ngoại.
Gã nói: Quả là tớ với cậu có nhiều điểm giống nhau thật. Chả trách đổ đùng cậu lại thích viết văn. Tớ vào đời cũng bằng một nghề khác đấy chứ, rồi thế chó nào lại đâm sầm vào văn chương chứ.
Tôi nói: Tôi thấy văn chương nhiều hào quang lắm.
Gã nói: Cậu thấy thế à?
Tôi nói: Thì đấy thôi bác được lên báo ầm ầm.
Gã nói: Trong sổ mơ đánh đề của cậu, mơ nổi tiếng thì ra con số gì? Cậu tra xem cho tớ đánh con đề.
Tôi nói: Không có đâu bác ạ. Tôi kiểm tra kỹ rồi.
Gã nói: Thế thì chán bỏ mẹ. Hôm nay không biết đánh con gì đây.
Một hôm có hai người đàn ông đến tìm gã đúng lúc gã đi vắng. Họ ra ngồi quán nước của tôi để chờ gã về. Một người áng chừng là từ nơi xa đến. Họ vừa uống nước vừa nói chuyện. Những câu chuyện về một người thứ 3. Đó là gã.
– Chỉ kể về sức làm việc tôi đã bái phục hắn lắm, hơn 50 vở kịch, gần 10 tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, hàng trăm bài thơ.
– Tôi tưởng sau cái vụ ở T thì anh hận hắn lắm.
– Có hận. Nhưng hận mình là chính. Anh bảo, bạn bè cùng chiến hào chiến đấu. Mũi tên hòn đạn còn chia nhau, thế mà đến khi hắn gặp nạn lại bỏ. Bỏ vì sợ vì hèn chứ có phải vì phản bội bạn bè chi đâu.
– Mà ngẫm kỹ đó mới chỉ là một vế. Vế nữa vì hèn mà chẳng dám sống hết mình, viết hết mình. Bao điều nuốn viết nhưng vì sợ mà đành phải thôi.
– Bây giờ hắn sống thế nào?
– Ban ngày thì vật vờ. Đêm thì cày như điên.
– Hắn tài, quả là hắn tài.
– Ông có sợ gặp hắn, hắn đuổi không?
– Giờ thì còn sợ gì nữa chứ. Gặp nhau nói với hắn một câu, kẻo chết rồi không nói được nữa, rồi hắn đuổi cũng xong.
– Nghe đâu cuốn sách bị đốt của hắn hồi ấy bây giờ được tái bản đấy.
– Thời ấy nó vậy, chứ giờ đọc lại có là gì đâu. Cuộc sống nó còn nghiệt ngã gấp hàng trăm hàng nghìn lần ấy chứ.
– Khổ cái anh nhà văn. Từ cổ chí kim có thấy anh nhà văn nào làm binh biến đâu. Ấy vậy mà chả có thể chế chính trị nào ưa anh ta cả, luôn là hạng người bị nghi ngờ nhiều nhất.
– Tài, quả là hắn tài. Chỉ nội việc hắn chịu đựng được các ngón đòn tâm lý mà người ta ngấm ngầm hành hạ hắn 10 năm trời mà không phát điên, mới thấy hắn tài.
– Thà cứ bỏ tù đi còn dễ chịu đựng hơn.
Hai người khách chờ gã đến tối sẫm mà không thấy gã về mới chịu rời quán nước nhà tôi.
Xâu chuỗi câu chuỵên của hai người khách nói về gã tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, nhưng tôi biết được các sự kiện quan trọng. Đó là có một cuốn sách của gã bị đốt. Đó là sự kiện ở T. Đó là hắn bị coi là phản động. Tôi định bụng sẽ hỏi gã cho ra nhẽ.
Gã bỗng biến mất. Tôi càng chờ gã càng mất tăm dạng. Đến gần 1 năm sau mới thấy gã xuất hiện. Tóc gã càng vàng hơn, dựng đứng hơn. Mặt gã lõ vào, chân tay giơ xương. Chỉ có đôi mắt là vẫn lấp lánh.
– Bác biến đi đâu vậy? Tôi hỏi gã.
– Đi xạ trị, ung thư rồi.
– Bác thối mồm, hay nói chơi.
– Chả ai nói chơi với tính mạng.
– Sao đến nông nỗi ấy.
– Trời thế là thương đấy. Sống được đến đây là tốt lắm rồi.
– Này, nói thật với cậu tớ ác ghê lắm nhớ. Tớ rất thích chết kiểu nổ máy bay. Đùng. Hoảng loạn một giây, đau một giây. Thế là xong. Nghĩ lại mới thấy mình ác. Mình sướng nhưng bao nhiên người khổ. Bao nhiêu người còn muốn sống chứ có ai muốn chết như mình đâu. Lão trời ác với tớ quá, ai lại bắt tớ chịu đau đớn thế bao giờ.
– Cậu tra xem, ung thư ra con gì?
– Chưa có trong sổ mơ đâu bác ạ.
– Được để tớ bắn xong điếu thuốc lào, rồi tớ nghĩ ra một con.
Gã phê mấy phút. Xong, tỉnh như sáo sậu.
– À quên tớ hỏi cậu chuyện này, cách đây 9, 10 tháng gì đó, buổi chiều có hai tay đến chờ tớ ngồi quán nước của cậu, đúng không?
– Vâng đúng rồi. Bác nhắc em mới nhớ. Em cứ chờ bác đến để hỏi.
– À, cậu xưng em với tớ từ bao giờ vậy nhỉ?
– Thì bác chả hơn em gần 2 chục tuổi là gì?
– Nghe ngọt ngào ra phết. Tớ có một thằng em cùng cha khác mẹ. Thấy cảnh nó lao động chân tay vất vả, khó khăn mới bảo nhau đến nhận máu mủ, rồi tìm cách giúp đỡ nó. Nào ngờ nó bảo, các ông biến đi cho tôi nhờ, chả có các ông thì tôi vẫn sống đấy thôi. Nghe nó nói tức anh ách nhưng trong dạ lại sướng, đúng nó là máu mủ nhà mình rồi.
– Bác ngồi đây lâu lâu một tí. Em đã chuẩn bị thức nhắm và chai quốc lủi rồi. để em chạy về lấy.
– Hôm nay có việc gì mà long trọng thế?
– Em muốn tham khảo bác mấy việc.
– Này tớ bảo thật cậu, vứt mẹ nó mấy cái từ hào nhoáng ấy đi. Cứ nói nhiều nó vận vào văn đấy. Nghe sáo bỏ mẹ.
Tôi chạy nháo nhào về nhà lấy mấy con mực và chai nút lá chuối. Chạy ra, gã lại đang ngửa cổ rít thuốc lào. Tôi chờ cho gã phê xong thuốc. Phải mấy phút sau gã mới phều phào:
– Sức khoẻ kém quá rồi, phê lâu.
– Thế hỏi gì hỏi đi.
Tôi hỏi: Vi sao cuốn sách của bác bị người ta tịch thu vậy? Phản động à?
Gã trả lời: Nó chẳng phản động, nó không làm lộ bí mật quốc gia, nó không kích động bạo lực, nó không kích dâm…Nghĩa là nó không vi phạm pháp luật. Nó chỉ có mỗi tội, sự thật. Nhà văn ấy mà, là tên gọi chung. Còn tuỳ thể loại văn học mà nhà văn đó viết người ta sẽ chia ra là, nhà văn lãng mạn, nhà văn trinh thám, nhà văn viễn tưởng, nhà văn hiện thực..Chứ chả có nhà văn phản động, nghĩa là viết thể loại phản động đâu.
Tôi hỏi: Vậy thì sao nó lại bị tịch thu?
Gã trả lời: Tớ cũng chả hiểu vì sao nữa. Tớ cứ thế tớ viết và con chữ nó cứ thế nó ra.
Tôi hỏi: Bác viết về cái gì?
Gã trả lời: Tớ viết về xã hội thôi. Ấy đại khái là thế này. Người ta nói nó đẹp nó tốt. Tớ lại viết ra rằng nó chẳng đẹp chẳng tốt. Người ta nói nó vĩnh cửu. Tớ lại viết là nó sắp sụp đổ. Mà y như rằng nó diễn ra đúng y như tớ đã viết.
Tôi nói: Chả trách nào!
Gã hỏi: Thế cậu bảo phải viết làm sao?
Tôi nói: Thì văn chương phải hư cấu chứ.
Gã nói: Hư cấu nào thì cũng phải trên cái nền cuộc sống chứ.
Tôi nói: Thế là tôi đã hiểu xong một vấn đề rồi. Thế còn sự việc ở T?
Gã trả lời:Là thế này, 10 năm sau vụ đốt sách, tớ vẫn sống vẫn viết vẫn nổi tiếng. Có cái hội nghị ở H nó mời. Thằng tổ chức là thằng yêu văn chương. Nó thấy tớ với cái lão nhà văn nữa. Nó bảo xếp hai nhà văn vào phòng vip. Tớ bảo thẳng, tôi ngủ cùng phòng với chó còn hơn ngủ với lão này.
Tôi hỏi: Vì sao bác lại thù nhà văn kia thế?
Gã trả lời: Thằng lưu manh thì có thằng lưu manh nó chơi. Thằng ngu thì có thằng ngu chơi. Thằng đểu thì có thằng đểu chơi..Còn những thằng giả dối thì cũng chẳng chơi được với nhau.
Tôi hỏi: Sau cái sự vụ của bác chắc là bác thù nhiều người lắm? Vì nếu kể cái sự hèn thì nhiều người hèn lắm. Em tự đối chất với lương tâm em cũng hèn.
Gã trả lời: Tớ cũng hèn. Anh hèn thì thương anh hèn. Ban đầu thì giận. Sau thì thương. Nhưng nó chả để cho mình thương. Nó nhận sự thương của mình thì chả ra là nó nhận mình hèn ư. Kẻ thông minh lắm mới nhận được ra mình hèn. Mất hết bạn rồi. Chỉ không có bạn thôi.
Tôi hỏi: Không có bạn có sống được không?
Gã trả lời: Vẫn sống nhăn ra đấy. Tớ nói bạn là bạn tri kỷ, bạn chiến hào ấy chứ. Thời buổi này thiếu mẹ gì bạn. Bạn ăn, bạn chơi, bạn đề bạn đóm, bạn du thủ du thực..Tớ lại ngộ ra bạn ấy hay hơn nhiều.
Tôi hỏi: Câu hỏi này rất quan trọng với em. Em hay xem phim Hollywood lắm vì thế em tưởng tượng ra cái cách tra tấn người đến thế là cùng.
Gã nói: Tớ cũng thích xem phim Mỹ.
Tôi hỏi: Vậy nó có giống thế không?
Gã nói: Cái gì giống?
Tôi nói: Cái cách họ ra đòn tâm lý ấy mà.
Gã nói: Giống là giống thế nào. Giống thế thì nước ta thành nước Mỹ à?
Tôi hỏi: Thế nó thế nào?
Gã nói: Ngày này qua ngày khác chỉ độc với hai câu: Tổ chức phản động nào đứng đằng sau, xúi giục? Đã nhận thức ra tội lỗi chưa?
Tôi hỏi: Thế sao bác không phát điên?
Gã trả lời: Có phát điên chứ, rồi sinh ra cả bệnh đau dạ dày.
Tôi hỏi: Thế sao giờ không điên?
Gã trả lời: Điên mới nghĩ được là, đây là sứ mạng cao cả mà trời đất đã giao phó cho ta. Như chúa Giê su như Phật vậy. Chúa Giê su phải đóng đinh câu rút. Phật thì phải chịu kiếp nạn. A ha, vũ trụ bắt ta phải mang một sứ mệnh cứu rỗi dân tộc ta. Tớ chẳng thấy mấy ngón đòn của họ ra gì. Bẵng đi họ không gọi lên lại thấy làm đau khổ. Rồi bỗng dưng có những quan chức rất to, đầy vẻ trách nhiệm gọi tớ đến nhà riêng mà rằng(chứ lại không phải ở công sở đâu nhé) để tâm sự: cậu (chú,em,mày) rất có tài, có tâm mới viết được những dòng văn tâm huyết ấy. Đó là những áng văn chương rất hay, cả một đời làm văn chương mấy ai viết được như vậy. Chả có phản động, phản hang gì sất, chỉ có bọn ít học mới quy chụp linh tinh thế thôi…Nhưng những ắng văn ấy nó ra đời không đúng lúc nên gây phản cảm, dễ làm cho nhân dân hiểu lầm. Anh biết cậu (chú, em,mày..)đã mệt mỏi quá rồi. Thôi làm đại một cái bản kiểm điểm nhận tội đi, tội nhẹ nhất là vì ngu, tội nhẹ nhì là nhận thức kém, tội nhẹ thứ ba là nhẹ dạ…
Sau 3,4 lần gọi tớ đến nhà riêng tâm sự như vậy tớ bỗng tỉnh điên. Khi không còn điên nữa thì cảm giác sợ hãi, tủi nhục ùa đến. Sợ quá mà đâm ra bị bệnh đau dạ dày. Nhưng ngẫm ra cái bệnh dạ dày này nó hành hạ ai thì nó hành chứ với tớ nó là vị cứu tinh đấy. Theo giờ làm việc của viên chức các tay đó (là các nhân viên bảo vệ tư tưởng ấy mà)gọi tớ lên để làm tường trình và báo cáo xem đã nhận thức được sai lầm đến đâu. Người hỏi kẻ trả lời, giằng co nhau từng chữ. Độ một giờ sau thì cơn đau phát tác. Cái bệnh đau dạ dày thì cậu biết đấy, nguyên nhân của nó có thể là do tác nhân vật lý, có thể là do thần kinh căng thẳng. Có người vì căng thẳng qua mà bục dạ dày là gì? Đấu nhau con chữ căng thẳng mà cơn đau dạ dày ập đến. Đau quá không chịu nổi tớ bảo tay nhân viên: Cho tôi xin cốc nước lọc để tôi uống thuốc. Tay nhân viên đưa cho tớ cốc nước lọc. Tớ lấy gói thuốc muối Nabicabonát, thuốc đặc trị dạ dày ngày đấy, ngửa cổ dốc vào miệng rồi chiêu ngụm nước. 10 phút sau thuốc có tác dụng. Đầu tiên là ợ. Tớ ợ thật to. Cái mặt tớ đây bình thường trông đã kinh rồi vậy mà tớ còn há hốc mồm ra ợ thật to. ợ một tràng dài. Nói gì thì nói chứ, các tay nhân viên đó đều là được học hành tử tế, lại còn phải giỏi giang nữa mới vào được cái nghề này, chúng nhìn tớ há hốc mồn ra ợ, chúng phát kinh. Sau khi ợ một hồi thì tớ đánh rắm. Rắm to. Tớ kệnh đít lên mà đánh một tràng. Hết ợ lại đánh rắm, tởm thế, bố đứa nào chịu được. Vậy là giải tán.
Tớ đã nắm bắt được ngay cái sự kinh tởm của các tay nhân viên nên ngày nào tớ cũng giở ngón đòn đó ra. Thế mà các tay ấy cũng chịu được đến một tháng đấy.
Hồ sơ vụ án được kép lại với dòng kết: Tâm thần phân liệt.
Đấy câu chuyện của tớ là thế đấy.
Câu chuyện của gã ám ảnh tôi khủng khiếp. Cái mà tôi sợ nhất là những điều gã kể nó sẽ vận vào cuộc đời tôi. Cứ y như người sợ ma sợ quỉ, mà ma quỉ thì đã có ai nhìn thấy bao giờ, thế mà có người sợ đến tự nhiên mà chết. Nỗi lo sợ của tôi là có căn cứ hẳn hoi chứ không hẳn là vu vơ. ỏ đời nó có những sự trùng hợp đến kỳ lạ. Tôi và gã, ngẫu nhiên mà có nhiều sự giống nhau. Những sự giống nhau đó thì chả có gì hay ho nhưng cũng chả có gì khốn khổ. Một đời người bình thường đa phần đều trải qua như vậy.
Thôi, tôi chỉ là một phận người bình thường. Tôi chả mang sứ mệnh nào của giời cả. Tôi cũng không bị đau dạ dày để mà ợ, mà đánh rắm được. Tôi sợ lắm, chỉ nghĩ đến thôi mà mạch máu của tôi đã đông nghẽn lại rồi. Thôi tôi chỉ là người bình thường thôi.
Hai ngày hai đêm lo sợ mà mặt tôi lõ lại rồi, tóc tôi dựng đứng. Nhìn vào gương tôi thấy mặt tôi giông giống mặt gã. Tôi sợ qua gào rú lên. Vợ tôi đưa tôi đến bệnh viện. Các thầy thuốc khám và xét nghiệm mà chả tìm ra bệnh nào. Vợ tôi đi xem bói, thầy bói phán rằng tôi bị ma làm, phải cúng. Tôi tỉnh như sáo sậu, ma nào làm tôi đâu. Tôi bảo vợ, chuyển nhà đi nơi khác, đúng là ở đây có ma thật. Vợ tôi đồng ý luôn. Chúng tôi đổi nhà đến một nơi xa hẳn ngôi nhà cũ. Khi chuyển nhà chúng tôi gom hết bản thảo của tôi cùng rác rưởi, châm một mồi lửa. Bản thảo viết trên giấy nỏ cháy sem sém.
Kiếp sống của tôi còn vài ba chục năm nữa, tôi muốn sống thật bình yên. Tôi sợ những nỗi sợ. Tôi sợ gặp lại gã nên tôi không mở quán nước nữa.
Y Ban

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.