Tuyển tập truyện ngắn của Y Ban

Chuyện nhỏ xóm nghèo



Như trong vai người kể chuyện cổ tích chân phương, chẳng bình xét hay xen vào những cảm xúc của mình, tác giả để tự câu chuyện lay động lòng người. Y Ban lâu nay khá nổi tiếng với những truyện ngắn “kinh dị” nhưng sáng tác này của chị lại đẹp giản dị.
Nơi tôi ở là một xóm lao động nghèo, vốn nhiều phức tạp vì cái nghèo mà ra, nhưng cũng đầy tình thân từ cái nghèo mà đến. Án ngữ đầu xóm là một quán nước nhỏ của ông lão Tốt, sống một mình với một con chó, nên cả xóm gọi ông là lão Hạc (nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao). Quán ông rất tồi tàn nhưng có đủ thứ cho người nghèo cần dùng. Bên cạnh nhà tôi có gia đình bà giáo với một cô gái nhỏ tật nguyền. Cô gái nhỏ đó rất xinh xắn nhưng luôn phải gắn mình với xe đẩy. Cô không đến trường nhưng mẹ đã dạy cô đọc và làm tính. Cô rất thích đọc sách. Khi cô 14 tuổi thì tất cả sách của mẹ cô đã đọc hết. Cô trở nên buồn rầu lắm. Một người học trò cũ của mẹ, biếu cô một con chó. Thế là cuối cùng cả xóm tôi nhà nào cũng có chó cả. Kể cũng lạ, nhà giàu để trông của, thích nuôi chó đã đành. Chứ nhà nghèo có gì để trông đâu kia chứ. Bảo nuôi chó để bán ư? Lại càng không, đố thấy nhà nào trong xóm tôi bán chó. Thỉnh thoảng có bọn lái chó đi qua xóm rao mua, thì mấy bà te tái đuổi: “Xéo đi, lại làm cho lũ chó khiếp mất mật đây – Rồi quay sang an ủi chú chó nhà mình – Chẳng bán mày đâu”.
Cô gái nhỏ kia rất yêu quý con chó, cô đặt tên cho nó là Chuột bởi nó có bộ lông y như lông chuột cống. Chuột đã lớn lên trong sự yêu thương của cô gái và nó cũng tỏ ra rất yêu quý cô chủ của mình. Suốt ngày nó quanh quẩn bên chân cô làm bầu bạn. Cho đến khi Chuột thành thanh niên. Nó không hay ở nhà nữa. Nó chạy lùng sục khắp xóm. Đến tối nó tụ tập cùng đám chó trong xóm trước quán ông Tốt. Thật là cây giống bóng, của giống người. Buổi tối, đám đàn ông, thanh niên đều ra quán ông Tốt uống chén trà, bàn đề đóm. Người ăn đề thì vui như tết, kẻ không ăn thì cay cú. Họ ngồi đến khoảng 8 giờ thì giải tán cả. Hầu như quá 8 giờ tối quán ông Tốt đã vắng teo, nhưng ông cứ mở cửa cả đêm. Ông ngồi dựa vào phên gà gật mà không đi ngủ. Quanh năm suốt tháng chả thấy quán ông Tốt đóng cửa bao giờ.
Cô gái nhỏ buồn lắm nhưng cô không thể chạy theo Chuột để lôi nó về nhà, còn suốt ngày xích nó thì cô lại thương. Cho đến cái ngày Chuột đi cả đêm không về nhà. Đó là thời kỳ bọn câu trộm chó đang hoành hành. Bà giáo đi tìm nó quanh xóm không thấy. Quá trưa hôm sau ông Tốt dẫn con Chuột về nhà cho cô gái nhỏ. Ông dặn: “Cô nhớ xích nó nhé, kẻo bị câu trộm mất đấy”.
Cô gái nhỏ cảm ơn ông Tốt, ôm lấy Chuột vỗ về kể lể. Chuột đứng im, lim dim mắt lắng nghe rồi thoắt cái nó lại biến mất. Bà giáo đuổi theo lùa nó về xích mấy ngày. Ban ngày nó nằm lim dim mắt như ngủ. Đến tối nó lồng lên dữ lắm, nó giật xích xủng xoảng. Dạo ấy, chó ở xóm tôi đã bị câu trộm gần hết. Nhà nào còn thì cố giữ cho chắc hoặc bán vội để kiếm chút tiền rẻ. Đến tối thứ năm thì con Chuột đứt xích chạy mất. Lần này thì cô gái nhỏ đã khóc hết nước mắt vì tin chắc rằng bọn câu trộm đã bắt được Chuột rồi. Nhưng đến trưa hôm sau lại ông Tốt dẫn Chuột về giả, kèm với lời đề nghị:
– Thôi cô bán cho tôi đi. Cô cứ thả nó thế này thì đằng nào cũng mất thôi.
– Nó dứt xích chạy mất đấy ông ạ.
– Thế à, thôi cô với bà giáo bán cho tôi. Nhà tôi có con chó cái, con đực này nó cứ theo nên chẳng chịu ở nhà cô đâu. Tôi trả cô năm chục nghìn đồng đấy. Cô không bán cho tôi thì mất mất, phí đi. Tôi quý con chó nhà cô lắm. Cho nó làm bạn với con cái nhà tôi.
Cô gái nhỏ dứt khoát không đồng ý bán. Ông Tốt ra về. Đến chiều con Chuột lại tru lên. Bà Giáo buồn rầu bảo cô gái nhỏ:
– Thôi, hay là bán cho ông Tốt đi con ạ. Thì đằng nào bọn câu trộm nó cũng bắt mất thôi. Con có biết cả xóm gọi ông Tốt là lão Hạc không? Rồi lão cũng sẽ yêu thương con Chuột như con đã yêu thương nó mà.
Bà giáo kể cho con gái nghe cảnh cái lưỡi câu mắc vào họng con chó như thế nào. Con chó sẽ bị kéo lê trên đường, rồi bị đút vào thòng lọng. Rồi bị treo lên một cái xà, rồi chọc tiết…
Cô gái nhỏ đã đồng ý bán Chuột.
Bán Chuột rồi cô buồn lắm. Thế là suốt ngày cô chẳng còn ai làm bầu bạn cùng. Những ngày Chuột dứt xích chạy đi chơi, cô vẫn ngóng Chuột quay trở lại. Nay Chuột đã đi ở hẳn nhà người rồi. Chẳng biết Chuột còn nhớ đến cô mà về thăm không? Ông Tốt chắc không gọi là Chuột đâu mà gọi là cậu Vàng hay là cậu Xám…
Cô gái nhỏ đẩy chiếc xe lăn ra cổng. Một người lái chó đạp xe qua. Trong lồng chó, cô đã nhìn thấy Chuột đang rên ư ử, đôi mắt dại lạc. Chuột nhìn thấy cô bỗng kêu lên mừng rỡ quẫy đuôi rối rít. Cô gái nhỏ gọi người lái chó lại hỏi. Người lái chó kể: “Tôi mua con chó này của ông lão bán nước ngoài đầu ngõ. Ông ấy nuôi được nhiều chó lắm thỉnh thoảng lại bán cho tôi một con. Chỉ có con chó cái hỏi bán bao lần mà lão không bán”.
– Bác mua bao nhiêu con này?
– 150 nghìn đồng.
– Bác để lại cho cháu nhé!
– Cũng được. 200 nghìn đồng!
– Nhưng cháu chỉ có 50 nghìn đồng thôi ạ.
– Thế thì thôi nhé, tôi đi đây.
– Bác chờ mẹ cháu về đã.
– Tôi không có thời gian.
Người lái chó đạp xe vù đi để lại cô gái nhỏ khóc cay đắng khốn khổ một mình.
Buổi chiều bà giáo đi làm về, cô gái nhỏ kể lại câu chuyện cho bà nghe. Cô đòi bà đưa cô sang nhà ông Tốt để chất vấn việc ông ta lừa đảo cô. Cô bảo với bà giáo:
– Con không tin ai nữa, không tin cả mẹ lẫn lão Hạc. Giờ con mới nghĩ ra rằng, cuối cùng thì lão Hạc vẫn bán cậu Vàng cho người ta giết thịt đó thôi.
– Mẹ xin lỗi con, sự thật là như vậy đó, bởi vì lão Hạc nghèo lắm. Lão chẳng có gì mà ăn cả thì lấy đâu thức ăn cho Vàng. Dẫu sao con chó cũng chỉ là con chó mà thôi con ạ. Ông Tốt cũng không lừa con đâu, ông ta có lý do riêng của mình. Ông ấy sống cô quạnh một mình đến thế,lẽ nào lại đi lừa một cô gái như con.
– Nhưng con biết tin ai bây giờ hả mẹ?
– Con tin ở năm chục nghìn kia kìa. Nếu bọn câu trộm bắt mất con Chuột thì con sẽ chẳng được đồng nào để mà mua sách.
– Nhưng ông ấy được những một trăm nghìn mà ông ấy không phải nuôi nó cũng như ông ấy không yêu quý nó chút nào.
– Thì một trăm nghìn đồng ấy là sự yêu thương của con. Nếu như con bán cho lái chó, con sẽ được thêm ngần ấy, nhưng vì con yêu thương nó, con không nỡ bán. Ông Tốt ấy đã bán sự yêu thương lấy một trăm nghìn đồng đó, con hiểu không. Lòng yêu thương của con mà con không bán ấy, con có thể dành để nuôi hàng trăm hàng nghìn con chó và các con súc vật khác. Để con có niềm tin và yêu thương mọi người. Và, để con sẽ không bao giờ bị cô quạnh cả.
Từ đấy xóm tôi không nhà nào nuôi chó nữa, chỉ còn duy nhất một con chó cái nhà ông Tốt.
Một ngày, ông Tốt già yếu lắm rồi, ông chống gậy dẫn con chó cái đến nhà bà giáo. Cô gái nhỏ đã quên chuyện cũ, đón tiếp ông nồng hậu. Ông run run vuốt ve con chó cái và bảo nó:
– Tao già lắm rồi, sắp chết rồi. Mày còn sống thêm được vài năm nữa. Mày sang ở với cô. Mày hãy yêu thương cô như đã yêu thương tao nhé! – Rồi ông quay sang bà giáo – Bà giáo ơi, tôi nhờ bà một việc cuối đời. Tôi ở nơi xa phiêu dạt đến đây. Tôi nhớ ngày xưa tôi cũng có vợ có con nhưng xa vời lắm rồi. Ngày xưa ấy tôi cũng đi câu trộm chó. Tôi đánh vật với cuộc đời bằng đủ ngón nghề. Cho đến cái ngày dạt về xóm nhỏ này. Quán tôi mở suốt ngày suốt đêm để chờ có người cùng trò chuyện với mình đó thôi. Đến cái ngày thấy mình sắp chết, tôi lần lại hầu bao. Tôi sợ hãi cái cảnh chết không khói hương, kèn trống. Nhà tôi nuôi chó cái, chó đực cứ tụ tập trước cửa. Tôi bèn kể cho mọi người nghe về bọn câu trộm chó. Thế là tôi mua rẻ được năm con. Nay tôi dành dụm được triệu bạc. Tôi nhờ bà giáo thuê hộ tôi mấy người khóc mướn, bà giáo nhé!
– Cô ơi, tôi xin lỗi cô về con Chuột. Nhưng tôi làm thế cũng lương thiện phải không cô? Cô tha thứ cho tôi nhé!
Vài tuần sau ông Tốt chết. Cả xóm tôi bàn nhau bán cái quán của ông được một số tiền, làm đám cho ông linh đình. Bà giáo thuê một dàn năm bà khóc mướn. Khóc hết một ngày một đêm. Cô gái nhỏ, con bà giáo, đã ngồi bên quan tài ông Tốt một ngày. Lúc nào những người khóc mướn ngừng khóc thì nước mắt cô lại lặng lẽ rơi xuống. Chắc nơi chín suối ông Tốt cũng hả lòng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.