Tôi nhìn thấy Sheila Webb ra khỏi phòng xử án. Lời khai của cô ấy tôi cảm thấy rất rõ ràng. Tất nhiên cô ấy nói bằng giọng run rẩy, nhưng thế là chuyện bình thường.
Nghe xong lời khai của bác sĩ pháp y Rígg, tôi bèn lẩn ra ngoài, không báo cho thanh tra Hardcastle biết, rồi đuổi theo Sheila.
Khi đã đi ngang tầm với cô, tôi nói:
– Ra việc khai trước tòa cũng không đến nỗi đáng sợ lắm, đúng vậy không?
– Còn quá bình thường ấy chứ. Tôi thấy ông công tố rất hiền, – cô ngập ngừng một chút rồi nói tiếp: – Sau đây sẽ thế nào, anh?
– Tòa hoãn việc xét xử để chờ tìm thêm dấu hiệu. Khoảng nửa tháng nữa, thậm chí đến khi nào tìm ra được lai lịch của nạn nhân.
– Theo anh thì liệu họ có tìm ra được tung tích ông ta không?
– Tất nhiên là tìm được, chẳng phải chuyện khó khăn gì lắm.
– Hôm nay trời lạnh quá, – Sheila run rẩy.
Cô ta nói không đúng. Hôm nay phải gọi là nóng thì mới đúng.
– Cô nghĩ sao, nếu tôi mời cô đi ăn trưa? Hai giờ chiều cô mới phải đến Trung tâm kia mà?
– Vâng, đúng thế.
– Nếu vậy ta đi ăn. Cô thích món ăn Trung Hoa không? Theo tôi nhớ thì cuối phố này có một quán ăn nhỏ của người Hoa.
– Không được đâu. Tôi còn phải đi mua sắm vài thứ.
– Mua bán để sau cũng được chứ sao?
– Không được, vì nhiều cửa hiệu đóng cửa trong khoảng một rưỡi đến hai giờ.
– Vậy ta hẹn gặp nhau tại chỗ này sau đây nửa giờ.
Sheila gật đầu.
Để tránh gió, tôi ra ngồi bên cạnh bờ biển. Vào giờ này, chỉ có một mình tôi.
Tôi muốn suy nghĩ. Bao giờ cũng là điều uất giận khi thấy mọi người biết về mình nhiều hơn là chính mình biết về bản thân. Tuy nhiên, cả thanh tra Hardcastle, thám tử Poirot, lẫn ông Đại tá già Beck đều đã thấy rõ điều mà bản thân tôi lúc này buộc phải thừa nhận.
Là tôi thấy mến cô gái kia, mến hơn là tất cả những cô gái tôi đã gặp trước đây.
Không phải vì nàng đẹp: nàng có đẹp, nhưng không phải chỉ vì thế. Cũng không phải vì nàng có thân hình gợi cảm. Nhưng ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, chưa biết gì về nàng, tôi đã hiểu ngay rằng nàng là người con gái dành cho tôi, người con gái tôi hằng mơ ước.
Sau 14 giờ một chút, tôi đến đồn cảnh sát thị trấn gặp Hardcastle. Tôi thấy anh ta ngồi trước bàn giấy chất đầy giấy tờ và đang tìm tòi gì đó. Thấy tôi vào, Hardcastle ngẩng đầu lên hỏi tôi cảm tưởng về phiên thẩm vấn sáng nay.
Tôi nói:
– Tiến hành rất tốt và được điều khiển khôn ngoan.
– Thứ đó thì dân ta thạo rồi, một phẩm chất mang tính quốc gia đấy. Cậu thấy bản tường trình của pháp y thế nào?
– Đúng là một quả bom. Tại sao cậu không cho mình biết từ trước?
– Lúc đó cậu đã đi London rồi. Cậu đã hỏi ý kiến vị chuyên gia của cậu chưa?
– Tất nhiên là hỏi rồi.
– Mình hơi nhớ lờ mờ về ông ta. Một hàng ria mép rậm rì, đúng không nhỉ?
– Phải gọi là một bụi cây rậm rạp thì đúng hơn,
– Tôi nói. – Đấy là niềm kiêu hãnh của ông ta đấy.
– Hẳn ông ta già rồi?
– Nhưng chưa lẫn.
– Cậu tìm gặp ông ta làm gì? Lòng từ thiện Cơ- đốc chăng?
– Cảnh sát các cậu có lối nghĩ đến là kỳ cục! Kể ra thì cậu nói cũng đúng một phần đấy. Nhưng mình rất tò mò muốn biết ý kiến ông ta về vụ này.
– Ông ta có đọc biên bản không?
– Có.
– Thế ông ta nghĩ sao? – Hardcastle tò mò hỏi.
– Ông ta bảo vụ án rõ như ban ngày, Quá đơn giản.
Thanh tra Hardcastle nảy người lên:
– Đơn giản? Thế nào mà ông ta dám bảo đơn giản?
– Theo mình thì ông ta nhìn thấy đây là một vụ dàn cảnh rất ranh ma.
– Mình không hiểu, – thanh tra Hardcastle nói. – Có thể là bọn chúng rất ranh ma, nhưng mình chưa nhận ra. À, bọn mình tìm thấy hung khí rồi. Từ hôm qua.
– Thật à? Ở đâu thế?
– Trong cái hố dành cho mèo. Có lẽ hung thủ giấu trong đó.
– Hẳn là không còn vết tay?
– Đúng thế. Con dao được lau rất kỹ. Đấy là loại dao thái thịt rất bình thường, không còn mới, và mới được mài lại cho nhọn: con dao có thể của bất kỳ ai.
– Cậu bảo chúng dàn dựng rất khéo! Mình có cảm giác nạn nhân bị chúng đánh thuốc mê rồi chở đến số nhà 19. Bằng ô tô chăng? Hay bằng cách nào?
– Có thể chúng chuyển từ một trong mấy ngôi nhà giáp ranh sang. Những nhà có chung vườn với số nhà 19.
– Như thế, rủi ro có quá lớn không?
Thanh tra Hardcastle gật đầu:
– Hẳn chúng phải táo tợn lắm. Và tất chúng phải biết rất rõ tính chất các gia đình xung quanh. Nhưng có nhiều khả năng hơn, là chúng chuyển nạn nhân đến bằng ô tô.
– Cũng rất nguy hiểm. Rất dễ lộ.
– Nhưng đã không ai nhìn thấy. Mình công nhận là hung thủ không thể không tính toán đến khả năng có một người nhìn thấy. Người qua đường rất dễ nhận thấy có một xe ô tô đỗ trước cửa số nhà 19 ngày hôm đó.
Tôi nói:
– Mình thì lại không nghĩ như thế. Người đi đường sẽ không chú ý đâu. Trừ phi đó là một chiếc xe hình dạng đặc biệt. Mà hung thủ không đời nào dùng một chiếc ô tô như thế, để người ta chú ý.
– Hơn nữa, lúc đấy là giờ ăn trưa. Cậu thấy không, Colin, là tình huống này sẽ lôi cả ba Pebmarsh vào vòng nghi vấn, bởi nếu nạn nhân đã bị đánh thuốc mê, thì một người mù vẫn có thể đâm y được…
– Nói theo bà Hemmings đâm thành đúng, y đến đây để bị giết. Hung thủ hẹn y đến đây, mời y một ly gì đó. Y chủ quan, không đề phòng thế là bị mê. Khi đó bà Pebmarsh hạ thủ! Sau đó bà ta rửa chiếc ly, xếp thi thể nạn nhân cho ngay ngắn, và sau khi giấu con dao vào vườn nhà bên cạnh, lại đi làm mọi thứ như bình thường.
– Dọc đường, bà ta gọi điện đến Trung tâm Cavendish…
– Nhưng tại sao lại bà ta lại chỉ đích danh cô Sheila Webb? Dụ cô ta đến nơi xảy ra vụ án mạng nhằm mục đích gì?
– Đấy chính là khâu hiện nay đang bế tắc nhất,
– Thanh tra Hardcastle chăm chú nhìn tôi. – Hay cô ta biết trước chuyện này?
– Cô ta khẳng định với mình là xác chết đối với cô ta là điều hoàn toàn bất ngờ.
– Cô ta khẳng định, cô ta nói thế này, cô ta nói thế nọ… Nhưng còn cậu, thì cậu nghĩ sao, Colin?
Tôi lúng túng. Tôi nghĩ sao à? Tôi đã bị dồn đến chân tường. Sự thật bao giờ cuối cùng cũng lộ ra. Và nếu Sheila đúng là người như tôi nghĩ, thì cô ta không dính dáng gì đến vụ này.
Tôi thọc tay vào túi, lấy ra một tấm bưu thiếp, ném xuống mặt bàn, trước mặt anh bạn thanh tra cảnh sát.
Bưu điện vừa chuyển đến cho Sheila thứ này đây
Thanh tra Hardcastle cầm lấy xem rất kỹ. Tấm bưu ảnh chụp cảnh một phiên tòa đại hình tại thủ đô London. Mặt sau để gửi “Cô R.S. Webb, 14 phố Palmerston, thị trấn Crowdean”. Bên trái chỉ có ba chữ: “Hãy nhớ lấy!” Dưới góc có con số “4.13”.
– 4.13, – Thanh tra Hardcastle nhận xét. Đấy là giờ hôm đó đã được vặn trên bốn chiếc đồng hồ quái quỷ kia.
Rồi anh ta gật đầu, nói tiếp:
– Tấm ảnh tòa nhà trên phố Old Bailey này và ba con số hẳn phải có ý nghĩa gì đó.
– Sheila bảo cô ta không hiểu tấm bưu thiếp định nói gì, và mình tin cô ta nói thật.
– Cậu cho mình giữ tấm bưu thiếp này, biết đâu nó có thể giúp ích cho bọn mình.
– Mình hy vọng như thế.
Chuông điện thoại reo. Thanh tra Hardcastle nhấc máy.
– Vâng. Cái gì? Ai phát hiện ra cô ta? Biết tên cô ta không? Cậu đến đó ngay đi.
Hardcastle gác máy, quay sang tôi. Tôi thấy mặt anh ta lộ vẻ kinh hoàng và uất giận.
– Vừa phát hiện xác một. cô gái trong trạm điện thoại công cộng trên phố Wilbraham Crescent.
Tôi sửng sốt:
– Cậu bảo sao? Lại một người nữa bị giết?
– Bị thắt cổ bằng chính chiếc khăn quàng của cô ta.
Đột nhiên tôi rùng mình. Hardcastle nhìn tôi bằng cặp mắt rõ ràng có ý chê bai tôi.
– Cậu đừng sợ, không phải cô gái của cậu đâu, mà là một trong số cô bạn cùng làm với cô ấy. Cô này tên là Edna Brent.
– Ai phát hiện ra cô ta? Cảnh sát hay sao?
– Không, một phụ nữ bên số nhà 18, bà Waterhouse. Máy điện thoại nhà bà ta trục trặc, bà ta định ra gọi bằng máy công cộng ngoài phố, và thấy một cô gái nằm chết còng queo trong góc.
Cửa mở, một nhân viên cảnh sát bước vào:
– Bác sĩ Riggs vừa gọi điện, nói ông sẽ đến hiện trường ngay, và chờ ông thanh tra ở đó.