Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

58.



– Thế nào, cậu có tìm thấy gì không?

Nét mặt căng thẳng, Leeland vừa về đến phòng. Bên cạnh máy vi tính, giấy tờ vương vãi. Cha Nil có vẻ mệt mỏi: ông không trả lời mà đi đến cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Rồi trở lại chỗ ngồi, ông quyết định không quan tâm đến lời nhắc nhở của Breczinsky và nói hết với bạn mình.

– Sau khi cậu đi, tớ đã bắt đầu tra cứu các thư viện lớn nhất trên thế giới. Khoảng cuối buổi sáng, tớ gặp một thủ thư ở Heidelberg, người đã từng sống ở Roma. Chúng tớ đã trao đổi với nhau, và ông ấy nói với tớ rằng mã số Dewey hẳn là đến từ…đoán xem?

– Thư viện San Girolamo, và chính vì thế mà cậu đã gấp gáp quay lại đó!

– Lẽ ra tớ phải nghĩ đến điều đó, vì đó là thư viện cuối cùng cha Andrei lui tới trước khi chết: ông ấy đã bắt gặp một cuốn sách và nhanh chóng ghi lại chỉ dẫn về nó vào cái mà ông đang có trong tay là một cuốn sổ ghi chép của mình – chắc là với ý định sẽ tra cứu cuốn sách này một lần nữa. Và rồi ông ấy đã vội vã rời khỏi Roma, bỏ lại cuốn sách khi đó đã trở lên vô ích.

Leeland ngồi xuống bên cạnh cha Nil, mắt sáng lên.

– Và cậu tìm lại được cuốn sách chứ ?

– Thư viện San Girolamo được tạo lập một cách chắp vá, các đời thủ thư kế tiếp nhau nhanh chóng, và ở đó có thể tìm thấy mọi thứ. Nhưng hầu hết sách ở đó đều được sắp xếp, và thực tế là tớ đã tìm ra cuốn sách khiến cha Andrei chú ý, một cantena của Eusèbe de Caesarea: một bản in hiếm có vào thế kỷ XVII, tớ chưa từng nghe nói đến.

Leeland hỏi với vẻ ngượng nghịu:

– Xin lỗi cậu, Nil ạ, nhưng tớ quên hết những thứ không phải là âm nhạc rồi. Catena là gì?

– Vào thế kỷ III đã xảy ra một cuộc chiến khốc liệt xung quanh thiên chất của Jesus, điều mà Giáo hội tìm cách áp đặt: khắp nơi người ta hủy các văn tự không phù hợp với giáo lý đang khai sinh. Sau khi kết tội Origène, Giáo hội đã cho đốt tất cả các bản viết của ông. Eusèbe de Caesarea rất ngưỡng mộ người dân thành Alexandria này, người đã chết trong thành phố của mình. Ông đã muốn cứu vớt những tác phẩm có thể cứu được của Origène, nhưng để bản thân không bị kết tội, ông đã truyền bá những đoạn trích được lựa chọn, đoạn nọ gắn với đoạn kia như những mắt xích trong một xâu chuỗi: một catena. Sau đó, người ta đã lặp lại ý tưởng của ông ấy, và ngày nay chúng ta chỉ có thể tiếp cận được nhiều tác phẩm cổ đã biến mất qua các trích đoạn này. Cha Andrei đoán rằng trong catena mà ông ấy chưa bao giờ nhìn thấy có thể chứa đựng những đoạn văn của Origène rất ít được biết đến. Ông ấy lục tìm và đã thấy.

– Thấy cái gì?

– Một câu của Eusèbe, cho đến nay vẫn không ai chú ý đến. Ở một trong số các tác phẩm của mình ngày nay đã bị mất, Origène có nói rằng đã từng thấy trong Thư viện Alexandria một epistola abscondita apostoli tredicesimi bí ẩn: bức thư bí mật – hoặc được che giấu – của một tông đồ thứ mười ba, trong đó có thể có bằng chứng rằng Jesus không có bản chất thánh thần. Hẳn là cha Andrei đã nghi ngờ sự tồn tại của bức thư này, ông ấy đã từng bóng gió nói với tớ về nó: tớ thấy ông ấy đang trong quá trình tìm kiếm, vì đã cẩn thận ghi lại tài liệu tham khảo bất ngờ này.

– Liệu có thể tin được vào một câu văn lẻ loi trong một văn tự nhỏ bé đã bị rơi vào quên lãng không ?

Cha Nil xoa cằm.

– Cậu nói đúng, chỉ mình nó thì một mắt xích đơn giản này trong một catena là không đủ. Nhưng nhớ lại đi: trong mảnh giấy để lại trước khi chết, cha Andrei đã gợi ý là phải liên hệ bốn hướng nghiên cứu mà ông ấy đã ghi lại với nhau. Đã nhiều tuần nay tớ lật đi lật lại trong đầu câu thứ hai trong bản thảo tiếng Ai Cập cổ mà tớ tìm thấy ở thư viện: “Bức thư phải bị hủy bỏ ở khắp nơi, để nơi ở còn ở lại.” Nhờ vào Origène, tớ tin rằng cuối cùng tớ cũng đã hiểu ra.

– Một mật mã mới à ?

– Hoàn toàn không. Vào đầu thế kỷ III, Giáo hội đang xây dựng giáo lý Chúa hiện sinh sẽ được tuyên bố trong hội nghị Giám mục Nicée, đồng thời tìm cách loại bỏ tất cả những gì chống lại giáo lý đó. Mảnh bản thảo tiếng Ai Cập cổ này – chính là thứ đã khiến cha Andrei chú ý – hẳn là phần còn sót lại trong một chỉ thị của Alexandria, ra lệnh hủy bỏ bức thư này ở khắp nơi. Tiếp theo, người ta đã chơi chữ khi dùng một từ Ai Cập cổ mà tớ đã dịch sai thành “nơi ở”, nhưng thực ra còn có nghĩa là “hội”. Trong tiếng Hy Lạp, là ngôn ngữ chính thức của Alexandria, “hội” được gọi là ekklesia – Giáo hội. Vậy là ý nghĩa của câu này trở nên rõ ràng: phải hủy bỏ bức thư này ở khắp nơi, để Giáo hội còn mãi – để nó không bị biến mất vào hư vô! Chỉ được lựa chọn một trong hai thứ: bức thư của tông đồ thứ mười ba hay sự sống còn của Giáo hội.

Leeland khẽ huýt sáo :

– I see [[33]]….

– Cuối cùng, các hướng nghiên cứu cũng bắt đầu gặp nhau: bản khắc ở Germigny khẳng định rằng vào thế kỷ VIII, một tông đồ thứ mười ba bị coi là rất nguy hiểm, đến nỗi người ta phải gạt bỏ ông ta vĩnh viễn, alpha và omega – và chúng ta biết rằng ông ta không phải là ai khác mà chính là môn đồ cưng trong kinh Phúc âm thứ tư. Origène cho chúng ta biết rằng ông ấy đã nhìn thấy ở Alexandria một bức thư do người này viết, và bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ khẳng định rằng có một hoặc nhiều bản sao của bức thư này ở Nag Hamadi, bởi vì nó ra lệnh hủy bỏ các bản sao đó.

– Nhưng làm sao mà bức thư này lại có thể đến tận Nag Hamadi được?

– Chúng ta biết rằng người Nazareth đã trốn chạy đến Pella, vùng hiện nay thuộc Jordan, có thể họ cùng đi với tông đồ thứ mười ba. Sau đó, người ta mất dấu họ. Nhưng cha Andrei đã yêu cầu tớ đọc kỹ kinh Coran, bộ kinh mà ông ấy hiểu rõ. Và tớ đã làm thế, bằng cách so sánh nhiều bản dịch khoa học có được ở tu viện. Tớ ngạc nhiên khi thấy tác giả rất hay nhắc đến những naçâra – từ Ả Rập để chỉ “người Nazareth” – họ chính là nguồn thông tin chủ yếu về Jesus. Sau Pella, các học trò của tông đồ thứ mười ba đã phải trốn chạy đến Ả Rập, nơi có lẽ Muhammad quen biết họ. Thế thì có lý gì mà họ không tiếp tục đến tận Hy Lạp? Đến tận Nag Hamadi, và mang theo các bản sao của bức thư nổi tiếng này?

– Kinh Coran… Cậu thực sự tin rằng những người Nazareth chạy trốn có ảnh hưởng đến tác giả của kinh này à?

– Đương nhiên, có rất nhiều điều trong văn tự này thể hiện điều đó. Tớ không muốn nói thêm về chuyện này với cậu bây giờ: tớ còn phải khám phá thêm hướng đi cuối cùng, một hoặc một loạt tác phẩm liên quan đến các Hiệp sĩ dòng Đền, với một mã số không đầy đủ. Lần khác chúng ta sẽ nói về kinh Coran, đã muộn rồi, tớ phải về San Girolamo.

Cha Nil đứng dậy, và lại nhìn ra thành phố chìm trong bóng tối. Ông nói thêm như tự nhủ:

– Vậy là tông đồ thứ mười ba đã viết một bức thư, nó bị hủy bỏ ở khắp nơi, và bị lòng căm thù của Giáo hội truy đuổi. Liệu có thể có điều gì nguy hiểm đến thế trong bức thư này nhỉ?

Ở tầng dưới, Moktar nghe rất chăm chú. Khi cha Nil nhắc đến kinh Coran, Muhammad và những người Nazareth, hắn buộc miệng chửi rủa:

– Đồ con chó!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.