NGÔI NHÀ CỔ QUÁI

Chương VI



Cửa vào đã được mở. Chúng tôi đi qua một sảnh rộng kinh khủng, đồ đạc đơn giản: gỗ sồi màu tôi và đồ đồng sáng bóng. Ở trong cùng, tại chỗ thường được bố trí cầu thang, có một bức tường có một cửa ở giữa.

– Qua lối đó – Bà Edith bảo tôi – đi đến phòng anh rể tôi. Tầng dưới thuộc về Philip và Magda.

Qua một hành lang mở sang bên trái chúng tôi đến một phòng khách lịch sự và có kích thước lớn: vách căng trướng màu xanh nhạt, đồ đạc sang trọng và khắp nơi treo ảnh các nghệ sĩ. Có những vũ nữ xứ Degas ở trên bệ lò sưởi và trong các phòng phô bày vẻ đẹp rực rỡ của những bông cúc đại đóa và những bông hồng.

– Tôi chắc cậu muốn gặp Philip?

Câu hỏi của bà cô già bắt tôi tự hỏi điều đó? Tôi có nhất thiết phải gặp ông không? Tôi không mảy may có ý nghĩ ấy. Tôi đến để gặp Sophia. Thế thôi. Cô đã tán thành kế hoạch của bố tôi, nhưng cô đã xuống bếp làm món cá! Tôi muốn nhận ở cô một lời chỉ dẫn và cách đề cập vấn đề. Tôi có nên tự giới thiệu với Philip tôi là người yêu của con gái ông không hay là một ông khách mong muốn làm quen với ông (vì lý do nào đó phải tạo ra) hoặc đơn giản chỉ là một cộng tác viên của cảnh sát?

Bà Edith không để cho tôi có thì giờ suy nghĩ. Bà giả vò hỏi tôi một cách lịch sự mà không cần đến lời đáp của tôi.

– Ta hãy đi vào thư viện! – Bà bảo.

Một hành lang nữa, một cửa nữa rồi chúng tôi đến một gian phòng rộng rãi, ở đây sách xếp cao lên đến tận trần nhà. Khắp nơi đều có sách, ở trên bàn trên ghế bành, và cả ở dưới đất, nhưng chúng không hề gây cảm giác mất trật tự. ở đây tôi cảm thấy lạnh lẽo: nó thiếu mất một mùi mà tồi chờ đợi được ngửi thấy. Mùi thuốc lá. Chắc chắn là Philip không hút thuốc.

Ông đang ngồi tại bàn giấy. Ông đứng lên khi chúng tôi vào. Đó là một người trạc ngũ tuần, cao lớn và rất đẹp trai. Người ta nhắc nhiều với tôi rằng Aristide Leonidès trông rất xấu đến nỗi tôi không hề chuẩn bị chút nào để nghĩ rằng ở con trai ông lại có những nét hoàn thiện đến thế: mũi dọc dừa, mặt trái xoan, đóng khuôn bằng một mái tóc hơi chớm hoa râm, chải ra sau, trên một vầng trán thông minh.

Edith de Haviland giới thiệu chúng tôi với nhau. Ông bắt tay tôi và hỏi thăm sức khỏe tôi một cách khách sáo. Có lẽ ông chưa hề nghe nói đến tôi? Tôi cũng không thể nói ra điều ấy. Rõ ràng là tôi không làm ông ấy quan tâm. Điều đó làm tôi hơi phật lòng.

– Cảnh sát họ đang ở đâu thế? – Bà Edith hỏi – Họ đã đến gặp cháu chưa?

Ông liếc mắt vào một tấm danh thiếp đặt trên bàn, đáp :

– Cháu chờ, chánh thanh tra Taverner sắp sửa tới.

– Ông ấy bây giờ ở đâu?

– Cháu không biết, thưa dì. Có lẽ ở tầng trên.

– Chỗ Brenda?

– Thú thật cháu không biết gì hết.

Philip Leonidès thực sự không cho ta cảm giác về một người có thể đã nhúng tay vào tội ác.

– Magda đã dậy chưa?

– Cháu không biết. Cô ấy ít khi dậy trước mười một giờ.

– Hình như tôi có nghe thấy tiếng cô ấy.

Bà Edith đã nhận ra âm thanh của một giọng nói đang tiến lại gần. Ngay lúc đó, một phụ nữ bước vào phòng. Tôi có thể nói đúng hơn là bà đang “bước ra sân khấu”. Bà ngậm một điếu thuốc lá giữa hai hàm răng, và cầm trong tay một bộ quần áo mặc trong nhà bằng xa tanh màu hoa đào. Một làn tóc màu vàng vơnidơ rủ xuống đôi vai nhưng mặt bà còn chưa son phấn. Bà có đôi mắt to và rất xanh. Bà nói rất nhanh bằng một giọng hời khàn khàn nhưng không kém vẻ duyên dáng dễ nghe. Cách cấu âm thật tuyệt vời.

– Mình ơi, em mệt quá rồi, em không chịu được nữa khi em nghĩ đến tất cả những gì báo chí sẽ bịa ra… Theo các nhật báo thì chưa có cái gì hết, nhưng đến lúc nào đấy thì điều đó sẽ xảy ra còn đối với cuộc điều tra thì em không biết phải ăn mặc thế nào đây? Phải mặc cái gì đó kín đáo, nhưng không phải đồ đen… Một bộ váy áo dài màu tía hơi sẫm, có lẽ thế nhỉ? Nhưng em không còn một phiêu vải nào nữa và em đã để lạc mất địa chỉ anh chàng bán vải tồi tệ ấy mất rồi… Anh có biết tay chủ nhà xe ở đại lộ Shaftesbury ấy không? Em định đi gặp hắn, nhưng nếu em đến đấy thì cảnh sát sẽ theo dõi em và có trời biết họ sẽ tưởng tượng ra những gì?… Em phục tính bình tĩnh của anh đấy anh Philip ạ. Nhưng làm sao anh có thể đón nhận mọi chuyện một cách điềm tĩnh đến thế? Vậy thì anh không nhận thấy rằng chúng ta không còn có cả quyền đi ra khỏi nhà nữa ư? Phải chăng đó là một nỗi nhục? Khi nghĩ đến điều mà người cha tội nghiệp đứng về phía chúng ta và nghĩ đến tình cảm mà cha dành cho chúng ta bất chấp mọi việc mà mụ đàn bà khốn kiếp ấy làm để gây bất hòa giữa chúng ta! Bởi vì nếu chúng ta ra đi thì mụ sẽ đạt được mục đích của mụ, ôi con người mới ghê tởm làm sao! Ông già tội nghiệp sắp bước sang tuổi chín mươi và ở lứa tuổi đó, nếu mụ mánh khóe giảo quyệt vẫn còn nguyên vị, nếu mụ tiến xa nữa thì cả nhà phải sợ hãi đủ thứ. Vả lại em cho rằng đây là lúc dàn dựng vở kịch về Edith Thompson. Vụ án,mạng này sẽ đưa chúng ta đến một đợt công bố rùm beng lên cho mà xem. Bindel Stein đã bảo rằng ông ta có thể giành được Nhà hát Thespian ở đây vở bi kịch thơ về lớp trẻ này không biết sẽ trình diễn bao lâu nữa. Vai diễn tuyệt vời. Em biết rõ ràng là có những người khẳng định rằng em nên tự hạn chế trong bộ môn hài kịch do đặc điểm của chiếc mũi em, nhưng em đã hình dung được các điệu bộ mà em sẽ rút ra từ kịch bản. Các điệu bộ rất có thể tác giả chưa nghĩ ra. Em sẽ đóng vai nhân vật bằng cách đẩy vai ấy đến chỗ tầm thường vô tích sự cho tới khi…

Bà vung tay đột ngột làm rơi điếu thuốc lên mặt bàn gỗ gụ. Philip, rất bình tĩnh, nhặt lấy nó, dập tắt và ném nó vào sọt đựng giấy.

– Cho tới khi – Bà nói nốt – em sẽ cho khán giả một cơn run lên vì sợ…

Mặt bà lộ vẻ kinh hoàng và trong vài giây bà trở thành một người khác, một kẻ hoảng sợ vì số phận bi thảm đè nặng lên bà. Rồi nét mặt bà được giãn ra và bà quay sang tôi hỏi một cách bình dị nhất trần đời rằng phải chăng vì thế mà người ta có lẽ hiểu được nhân vật.

Tôi đáp rằng tôi tin chắc như vậy. Tôi không biết gì về vở kịch cả, tôi chỉ nhớ rất lờ mờ ai là Edith Thompson mà thôi, nhưng tôi nhất thiết phải giành được thiện cảm của mẹ Sophia.

– Thực ra – Bà nói tiếp – người đàn bà ấy khá giống Brenda. Tôi chưa hề nghĩ đến điều đó nhưng vấn đề sẽ không mấy thú vị. Có lẽ tôi sẽ báo điều đó cho ông thanh tra cảnh sát.

– Có nhất thiết em phải gặp ông ta không, Magda? Mọi điều ông ta cần biết, anh có thể nói cho ông ấy.

Bà kiên quyết phản đối :

– Nhưng dứt khoát em phải nói chuyện với ông ấy, anh yêu! Anh thiếu trí tưởng tượng, và những chi tiết nhỏ quan trọng thường hoàn toàn buột khỏi tay anh. Điều quan trọng là ông ta phải nắm được một cách thật chính xác, ông ta phải biết tất cả mọi điều vụn vặt đó mà một số người trong chúng ta đã quan sát được, những điều mà ngay lúc ấy chúng ta thấy khó giải thích và. ..

Sophia đi vào phòng ngắt lời mẹ :

– Kìa mẹ, mẹ sẽ kể cho ông thanh tra nghe một mó ảo ảnh mất thôi!

– Nhưng, Sophia, con yêu của mẹ…

– Con biết rằng mọi cái đều nằm sẵn trong đầu mẹ, mẹ yêu quý ạ, và con còn biết mẹ sắp cho ông ấy xem một màn diễn tuyệt vời, nhưng con tin chắc rằng mẹ đang hoàn toàn nhầm lẫn đấy.

– Thôi đi. Con không biết…

– Con biết rất rõ. Phải diễn vấn đề ấy hoàn toàn khác đi cơ. Nói ít, giữ mọi cái cho mình, giữ nguyên thế thủ, bảo vệ gia đình…

Một chút lúng túng trẻ thơ hiện lên trên mặt Magda.

– Vậy thì con thật sự cho là…

– Không nghi ngờ gì cả, mẹ ạ. Không ai biết gì hết, đó là nguyên tắc đấy.

Sophia đồng thời nỏ một nụ cười làm giảm đi các nét lo âu của mẹ :

– Mẹ đã làm cho con một cốc sôcôla. Mẹ để ở trên bàn phòng khách đấy.

– Hay quá, cám ơn mẹ. Con đang chết đói đây!

Trên ngưỡng cửa, Magda quay lại để nói một câu cuối cùng mà tôi không thể nói là bà nói với tôi hay là nói với các giá chứa đầy sách ở sau lưng tôi :

– Cậu không thể hình dung đối với một người mẹ, thì không hạnh phúc nào bằng có một đứa con gái yêu quý mình đâu!

Sau đó bà đi ra.

– Có trời biết chị ta sẽ kể với cảnh sát điều gì đây! – Bà Edith thở dài nói.

– Mẹ cháu sẽ rất biết điều – Sophia tuyên bố.

– Chị ta có thể nói bất kỳ điều gì!

– Xin hãy yên tâm bà dì của cháu ơi! – Sophia đáp – Mẹ cháu sẽ theo đúng các chỉ thị của đạo diễn và đạo diễn chính là cháu.

Nói xong cô đi ra, có lẽ là đi gặp mẹ. Cô quay trở lại gần như tức thì để thông báo với cha cô rằng chánh thanh tra Taverner muốn gặp ông. Cô còn nói thêm :

– Con mong rằng cha sẽ không coi là bất tiện về việc Charles tham dự vào cuộc nói chuyện.

Lời thỉnh cầu đó tôi thấy có vẻ hơi làm cho Philip Leonidès sửng sốt nhưng ông không trả lời, thật ra việc đó đối với ông không quan trọng.

Một lúc sau, chánh thanh tra Taverner đi vào. Cao lớn, chắc nịch và tự tin. Anh chào và người phát biểu đầu tiên lại là bà Haviland :

– Ông có cần đến tôi không, ông thanh tra?

– Không phải lúc này thưa bà. Sau này, nếu bà cho phép tôi sẽ xin bà vài phút…

– Chắc chắn là thế. Ông sẽ tìm tôi ở trên gác.

Bà ra ngoài. Taverner ngồi vào một chiếc ghế bành. Philip Leonidès về chỗ ngồi ở sau bàn giấy. Thanh tra mở đầu :

– Thưa ông Leonidès, tôi biết ông là một người rất bận nên tôi sẽ không quấy rầy ông lâu đâu. Nhưng tôi phải thông báo cho ông biết rằng những điều ngờ vực của chúng tôi đã được xác nhận. Cha ông không phải chết một cách tự nhiên, mà đã bị đầu độc bởi một liều quá mức chất Physostigmin, ch ố phẩm thường được biết dưới tên là ésérine.

Philip gật đầu đồng ý. Ông không tỏ ra xúc động lắm.

– Điều tôi vừa nói với ông – Taverner nói tiếp – Có gây ra cho ông những suy nghĩ gì đặc biệt không?

– Không gì cả. Theo tôi, cha tôi đã là nạn nhân của một tai nạn thê thảm.

– Ông nghĩ thế ư?

– Tôi thấy việc này rất có thể. Cụ đã ngoài tám mươi tuổi, đừng quên điều đó và mắt cụ lại quá kém.

– Kém đến nỗi nhầm lẫn các lọ ésérine và insuline của mình, có lẽ ông ấy đã rót dịch đựng trong một lọ này vào một lọ khác chăng? Điều ấy theo ông có thể đúng à?

Philip Leonidès không đáp.

– Lọ thuốc nhỏ mắt ấy – Taverner nói tiếp – Tôi đã tìm thấy trong một thùng đựng rác. Nó không mang một dấu vân tay nào, thật kỳ lạ. Đáng lẽ phải tìm thấy trên đó những vết tay của chính cha ông vết của bà vợ ông ấy hay của người hầu ông ấy.

Philip ngẩng đầu lên.

– Đúng thật! Quả là có người hầu ấy. Ông cũng quan tâm đến anh ta à?

– Có phải ông muốn nói là Johnson có thể là kẻ giết người, thưa ông Leonidès? Tôi đồng ý với ông đấy, anh ta có mọi điều kiện dễ dàng để phạm tội đó. Nhưng ở trường hợp anh ta, điều khó chấp nhận, chính là động cơ. Cha ông có thói quen hàng năm vẫn tặng cho anh ta những phong bao mỗi năm một lớn hơn. Ông cụ đã nói rõ với anh ta rằng phong bao thay cho của di tặng mà cụ có thể sẽ cho anh ta qua chúc thư. Các phong bao ấy sau bảy năm được coi là một khoản tiền đáng kể và sẽ tăng lên mãi. Rõ ràng Johnson đã có lợi trong việc cha ông càng sống lâu càng tốt. Vả lại, anh ta hoàn toàn hợp ý cụ và quá khứ của anh ta không có gì đáng chê trách. Đó là một người hầu tận tụy và am hiểu phận sự của mình.

Dừng một lát, anh kết luận :

– Theo chúng tôi, Johnson không đáng ngờ.

– Tôi hiểu – Philip ung dung lẩm bẩm.

– Ông Leonidès, ông có thể nói cho tôi biết những gì ông đã làm hôm cha ông mất?

– Tất nhiên, thưa ông thanh tra. Suốt ngày hôm ấy tôi không nhúc nhích khỏi gian phòng này. Đương nhiên trừ giờ các bữa ăn.

– Ông không gặp cha ông?

– Tôi đã đến chào cụ sau bữa điểm tâm như thường lệ.

– Lúc ấy, chỉ có một mình ông ở với cụ?

– Mẹ kế tôi lúc ấy ở trong phòng.

– Ông thấy cụ vẫn có vẻ bình thường?

Bằng một vẻ hài hước khó nhận biết, Philip trả lời rằng cha ông không tỏ ra chút nào nghi ngờ rằng mình có thể bị ám sát trong ngày hôm đó. Taverner đặt ra một câu hỏi :

– Cụ sống trong phòng cách biệt hoàn toàn với phòng này chứ?

– Phải. Chúng tôi chỉ có thể vào đó qua cửa trong sảnh ở lối vào.

– Cái cửa ấy được đóng bằng khóa?

– Không.

– Không bao giờ ư?

– Theo tôi biết thì không bao giờ.

– Vậy thì người ta có thể tự do đi qua từ bộ phận ấy của ngôi nhà vào phần khác và ngược lại à?

– Phải.

– Ông đã biết tin cha ông chết như thế nào?

– Anh Roger tôi ở phía tây của tầng một đã cuống cuồng chạy vào buồng làm việc của tôi để báo cho cho tôi biết rằng cha chúng tôi vừa mới bị một cơn bệnh, yếu lắm, thở khó khăn và có vẻ rất nguy kịch.

– Ông đã làm gì?

– Tôi không còn biết làm gì nữa, tôi đã gọi điện thoại cho thầy thuốc, ông ấy không có nhà. Tôi đã nhắn lại cho ông một bức điện yêu cầu đến nhà tôi gấp, rồi tôi lên gác. Cha tôi thật sự đang nguy ngập. Cụ chết trước khi thầy thuốc đến.

Không có chút cảm xúc nào trong giọng nói của Philip. Ông chỉ trình bày sự kiện mà thôi.

– Các thành viên khác của gia đình ông lúc ấy ở đâu?

– Vợ tôi ở Luân Đôn. Cô ấy đã trở về sau đó một chút. Sophia cũng vắng mặt. Hai đứa nhỏ Eustace và Josephine thì ở nhà.

– Ông Leonidès, tôi hy vọng rằng ông không đánh giá thấp câu hỏi của tôi. Xin ông cho biết cái chết của cha ông có làm thay đổi tình hình tài chính của ông trong chừng mực nào đó hay không?

– Thưa ông thanh tra, tôi thấy rất rõ rằng đó là những điều mà ông cần biết. Đã nhiều năm rồi cha tôi quyết định đảm bảo cho mỗi người chúng tôi được độc lập về tài chính. Lúc đương thời Người cho anh tôi làm giám đốc và là cổ đông lớn nhất của Công ty thực phẩm, là công ty quan trọng nhất trong các công ty của cụ. Với tôi, cụ cho tôi, tương đương như cho anh tôi, một số tiền rất lớn, các ngân phiếu khác nhau, một số vốn một trăm năm mươi ngàn bảng mà tôi được quyền sử dụng tùy ý. Đồng thời, người cho hai cô em gái tôi hiện nay đã mất những tặng phẩm hết sức hào phóng.

– Nhưng tài sản riêng của cụ vẫn còn rất lớn phải không?

– Không đâu, lúc ấy cụ chỉ giữ lại cho mình một món thu nhập tương đối khiêm tốn, Người bảo, để bảo toàn một niềm hứng thú trong cuộc sống.

Lần đầu tiên Philip cười và nói tiếp :

– Từ đấy, cụ đã làm mọi loại hình kinh doanh và lại trở nên giàu có hơn bao giờ hết.

– Các ông, anh ông và bản thân ông đã quyết định đến sống ở đây. Phải chăng đó là do những khó khăn về tài chính?

– Tuyệt nhiên không phải mà chỉ vì chúng tôi thích thế. Cha tôi vẫn thường nhắc chúng tôi rằng Người sẽ hạnh phúc được thấy chúng tôi sống quây quần dưới một mái nhà. Năm 1937, tôi đã cùng với gia đình trụ lại ở đây. Tôi không phải trả tiền nhà, nhưng tôi nhận phần trách nhiệm của tôi theo tỷ lệ với số phòng mà tôi đến ở. Anh tôi đến định cư ở đây vào năm 1943 khi ngôi nhà anh ở Luân Đôn bị bom phá hủy.

– Xin hỏi ông, ông Leonidès, ông có ý kiến gì về các điều quy định trong chúc thư của cha ông không?

– Tôi biết rõ những điều đó. Cụ đã làm lại chúc thư vào năm 1945 sau khi chấm dứt chiến tranh. Cụ đã họp chúng tôi lại như kiểu hội đồng gia đình và theo yêu cầu của cụ, người ủy nhiệm của cụ đã thông báo cho chúng tôi điểm chủ yếu của các điều quy định chứa trong chúc thư của cụ. Tôi nghĩ rằng ông Gaitskill đã cho ông biết những điều đó. Nói chung, cụ để lại cho bà vợ góa của cụ một khoản tiền một trăm ngàn bảng và được toàn quyền chi tiêu, lại được cộng thêm vào khoản tiền hồi môn rất lớn mà cụ đã thừa nhận khi kết hôn, số dư trong tài sản của cụ phải được chia thành ba phần đều nhau, một cho tôi, một cho anh tôi và một cho ba cháu nội cụ.

– Không có một khoản di tặng nào cho các gia nhân hoặc cho các tổ chức từ thiện?

– Không có. Tiền công của các gia nhân đã được tăng lên hàng năm nếu họ không rời bỏ ngôi nhà này.

– Tôi xin lỗi ông, ông Leonidès, xin được hỏi ông điều này, hiện nay ông không có nhu cầu đặc biệt gì về tiền bạc đấy chứ?

– Thuế má nặng nề, thưa ông thanh tra, ông biết rồi đấy, nhưng các lợi tức của tôi vẫn cung cấp dồi dào cho tôi. Vả lại cha tôi tỏ ra rất hào phóng với chúng tôi và trong trường hợp cần thiết, cụ lập tức chi viện cho chúng tôi.

Philip nói thêm bằng giọng nói rất bình tĩnh :

– Thưa ông thanh tra, tôi có thể cam đoan với ông rằng tôi không có bất kỳ lý do tài chính nào để mong muốn có cái chết của cha tôi cả!

– Tôi xin lỗi ông Leonidès vì đã để ông phải nghĩ rằng tôi giả thiết về điều nghịch lý ấy. Cuộc điều tra đã khiến tôi phải đưa ra những câu hỏi vô ý tứ như những câu tôi sẽ còn phải đặt ra cho ông. Chúng liên quan đến các quan hệ của cha ông với bà vợ trẻ của cụ. Họ có hợp ý nhau lắm không?

– Trong chừng mực mà tôi biết thì rất hợp ý nhau.

– Họ không cãi nhau chứ?

– Tôi nghĩ là không.

– Giữa họ có chênh lệch… lớn về tuổi tác?

– Đúng thế.

– Ông có… tán thành cuộc tái hôn này của cha ông không?

– Cụ không hỏi ý tôi.

– Đó không phải là một câu trả lời, thưa ông Leonidès.

– Do ông cố tình nài nên tôi phải thừa nhận với ông rằng cuộc hôn nhân này là một sai lầm.

– Ông có nói điều ấy với cha ông không?

– Tôi chỉ được biết đám cưới của cụ khi nó đã hoàn tất.

– Tôi nghĩ là tin đó đã gây cho ông một cú sốc?

Philip không đáp. Taverner nói tiếp :

– Ông có oán giận cha ông không?

– Cụ hoàn toàn tự do hành động khi cụ muốn.

– Ông vẫn có quan hệ tốt với bà Leonidès chứ?

– Vẫn.

– Quan hệ… thân tình?

– Chúng tôi rất hiếm khi gặp nhau.

Taverner chuyển sang vấn đề khác :

– Ông có thể nói cho tôi biết về anh Laurence Brown được không?

– Tôi không tin anh ta. Chính cha tôi đã thuê anh ta.

– Nhưng để chăm lo việc giáo dục của các con ông, thưa ông Leonidès.

– Đúng thế. Con trai tôi bị liệt từ bé. May thay trường hợp này cũng nhẹ. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng tốt hơn hết. là không nên để nó theo học các lớp của một trường công cộng. Lúc ấy cha tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể giao phó thằng bé và em gái nó, Josephine, cho một gia sư, công việc này ở thời kỳ đó hơi khó tìm, bởi vì người đó phải được miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Các chứng chỉ về cậu thanh niên Brown ấy đều rất tốt, làm vừa lòng cha tôi cũng như dì tôi là người vẫn chăm nom giáo dục các cháu nhỏ và cậu ta đã được tuyển chọn với sự đồng tình của tôi. Tôi phải nói thêm rằng cậu ta đã tỏ ra là một giáo viên tận tâm và có năng lực.

– Anh ta không ở trong ngôi nhà này ư?

– Chúng tôi thiếu chỗ.

– Có bao giờ ông nhận thấy – ông tha lỗi cho tôi vì phải hỏi ông điều này – có dấu hiệu thân mật nào đó giữa Laurence Brown và mẹ kế ông không?

– Tôi chưa bao giờ có cơ hội nhận thấy thế.

– Ông chưa bao giờ nghe ai nói gì về vấn đề ấy à?

– Thưa ông thanh tra, về nguyên tắc, tôi không nghe những chuyện xoi mói.

– Ông có lý. Vậy thì ông không biết gì về chuyện ấy à?

– Không biết gì cả.

Taverner đứng dậy nói :

– Vậy thì, thưa ông Leonidès, tôi không còn gì nữa, xin cám ơn.

Tôi theo gót anh đi ra ngoài.

– Ái chà chà! – Anh ta nói khi đi vào hành lang – Đó là cái mà tôi gọi là một khách hàng khó điều khiển.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.