NGÔI NHÀ CỔ QUÁI

Chương VII



Và bây giờ – Taverner nói tiếp – ta đi ba hoa đôi chút với phu nhân Philip ở nhà hát Magda West nào!

– Một nữ nghệ sĩ có tài ư? – Tôi hỏi.

– Một trong số nữ diễn viên có thể được hoan nghênh – Anh trả lời tôi – Bà ta đã một đôi lần nổi lên như ngôi sao sân khấu của khu Tây Luân Đôn, bà có một trong số những tiết mục cổ điển và người ta nghĩ nhiều điều tốt về bà trong các sân khấu được những kẻ đua đòi năng lui tới. Theo ý kiến tôi, điều đáng tiếc cho bà là bà không có nhu cầu đóng kịch để kiếm sống. Bà chọn những vở nào bà muốn thể hiện và nếu gặp dịp, thì bỏ tiền vào một vụ mua bán để xuất hiện trong một vai diễn mà bà say mê và vai đó nói chung không hợp với bà chút nào. Kết luận: Người ta coi bà là một nhà tài tử hơn là một nữ nghệ sĩ chuyên nghiệp. Bà có tài năng, ai cũng biết, nhưng các giám đốc nghệ thuật không thích bà. Họ cho là bà quá độc lập, và cho rằng đó là một kẻ hay gây rắc rối cần phải dứt bỏ cho xong. Chẳng biết có đúng không? Nhưng tôi biết rằng các bạn nghệ sĩ của bà không có nhiều thiện cảm với bà.

Sophia từ phòng khách lớn đi ra, đến báo cho thanh tra cảnh sát rằng bà Leonidès đã sẵn sàng tiếp anh ta. Tôi theo sau anh bước vào phòng. Tôi trông thấy một phụ nữ ngồi chễm trệ trên một tràng kỷ rộng mà lúc đầu tôi khó khăn lắm mới nhận ra. Bà mặc một bộ váy áo màu xám ưa nhìn, chiếc áo vét mở ra để lộ một chiếc áo sơ mi nữ màu hoa cà rất nhạt được trang điểm một ghim cài một viên đá quý rất đẹp. Mái tóc vàng được vén lên đỉnh đầu thành một mái bồng duyên dáng và phức tạp. Mũi bà lần đầu tiên tôi để ý thấy nhỏ nhắn và hếch lên một cách hóm hỉnh. Phải mất một lúc tôi mới nhận ra người đàn bà đầy vẻ duyên dáng, rạo rực ấy là người ít phút trước đó tôi đã nhìn thấy trong bộ quần áo mặc ở nhà xuềnh xoàng màu hoa đào mà tôi không thể quên.

Bà nói bằng một giọng mà âm sắc nghe có vẻ như cố giữ bình tĩnh bằng mọi giá :

– Xin mời hai ông ngồi! Mời ông hút, ông thanh tra! Biến cố này làm tôi ngao ngán trong lòng. Có những lúc tôi tự hỏi tôi đang nằm mơ chăng? Tôi có thể giúp ông được gì đây?

– Trước hết – Taverner đáp – có lẽ xin bà nói cho tôi biết bà đã ở đâu lúc bố chồng bà chết…

– Có lẽ tôi đang trên đường từ Luân Đôn trở về bằng xe ô-tô con. Tôi đã ăn sáng cùng với một bà bạn ở Ivy, chúng tôi đã cùng nhau đi đến một nhà may xem một cuộc giới thiệu thời trang, chúng tôi đã qua mấy phút ở Berkeley cùng với các bạn, rồi chúng tôi rời Luân Đôn. Khi tôi đến đây, tôi mới biết bố chồng tôi đã… chết.

Giọng nói bà run run đúng như nó cần phải có.

– Bà rất có cảm tình với cụ phải không ạ?

– Tôi hết sức quý mến cụ…

Giọng bà lên cao. Sophia gõ nhè nhẹ ngón tay để củng cố lại trạng thái tâm lý cho mẹ. Magda thấy vậy, trở lại giọng ban đầu :

– Tôi quý mến cụ lắm. Tất cả chúng tôi đều quý cụ. Cụ đối với chúng tôi quá tử tế!

– Bà có hài lòng với phu nhân cụ Leonidès không?

– Brenda hả? Chúng tôi ít gặp bà ta lắm.

– Tại sao lại như thế?

– Không có nhiều quan hệ với nhau, Brenda thân mến tội nghiệp! Bà ấy có lẽ thường xuyên biết rõ những lúc khó khăn ấy.

Sophia lại ra hiệu lưu ý mẹ.

– Khó khăn gì thế?

– Tôi không biết nhiều lắm.

Magda lắc đầu mỉm cười buồn bã.

– Bà ấy có sung sướng không?

– Tôi tin là có.

– Bà ấy không cãi nhau với chồng phải không ạ?

– Thật tình tôi không biết gì cả, thưa ông thanh tra.

– Tôi cho rằng bà ấy có quan hệ rất tốt với ông Laurence Brown phải không ạ?

Nét mặt của Magda Leonidès trở nên nghiêm nghị :

– Tôi thấy rằng ông không có quyền đặt ra cho tôi các câu hỏi như thế. Brenda có quan hệ rất tốt với mọi người. Bà ấy rất dễ gần.

– Ông Laurence Brown có thiện cảm với bà không?

– Đó là một chàng trai không ồn ào. Đáng yêu và không muốn ai biết tới. Nói thực ra, tôi ít gặp cậu ta.

– Làm giáo viên, ông ta có làm bà hài lòng không?

– Tôi nghĩ là có. Tất cả những gì tôi biết đó là Philip có vẻ rất hài lòng về anh ta.

Taverner thử dùng một chiến thuật thô bạo hơn :

– Tôi rất tiếc là phải hỏi bà điều này, nhưng theo ý bà, ta có thể nói đến một sự tán tỉnh giữa ông Brown và phu nhân Brenda Leonidès?

Magda đứng lên, lên mặt kẻ cả nói :

– Tôi không bao giờ để ý đến điều ấy cả và tôi muốn ông thanh tra không được quyền hỏi tôi về chuyện ấy. Brenda là vợ của bố chồng tôi.

Tôi suýt nữa vỗ tay hoan hô. Cả thanh tra cũng đã đứng dậy và nói :

– Có lẽ một câu hỏi như vậy, tôi nên đặt ra với các gia nhân thì hơn phải không ạ?

Magda không đáp. Taverner nói một câu cảm ơn, gật đầu chào bà rồi rút lui.

– Hoan hô mẹ! – Sophia kêu lên – Mẹ thật là tuyệt vời!

Magda soi mình vào gương và vừa sửa lại một búp tóc ở sau tai phải vừa nói :

– Ừ! Phải như thế, phải diễn như thế…

Sophia nhìn vào tôi hỏi :

– Anh không phải đi theo ông thanh tra à?

– Không, à mà, Sophia này, phải thế nào…

Tôi ngừng nói: Tôi không thể đàng hoàng hỏi cô trước mặt mẹ cô về vai trò của tôi ở “Ba Đầu Hồi” phải thế nào. Magda Leonidès cho đến lúc này đã không mảy may chú ý đến tôi. Dù tôi có là một nhà báo, là vị hôn phu của con gái bà, là một trợ thủ bí mật của cảnh sát hay cả đến là chủ thầu hãng nhà đòn đi chăng nữa thì đối với bà vẫn như nhau: tôi là công chúng mà.

Đôi mắt bà bị hút vào đôi giày bà đang đi. Bà nhăn mặt :

– Đôi giày này không phải là đôi mà tôi định đi. Chúng rất phù phiếm…

Tuân theo dấu hiệu khẩn thiết bằng đầu của Sophia, tôi đi tìm gặp lại thanh tra Taverner, tôi đã gặp anh trong sảnh khi anh sắp vượt qua cửa dẫn vào cầu thang. Anh bảo tôi là anh đi gặp người anh cả. Tôi quyết định đi theo anh mà không chờ đợi vấn đề làm tôi lo lắng nữa.

– À này Taverner – Tôi hỏi anh – tôi phải làm gì ở đây?

Anh nhìn tôi vẻ sửng sốt :

– Anh làm gì ư?

– Phải. Nếu người ta hỏi tôi ở đây với chức danh gì, thì tôi phải trả lời thế nào?

– Điều ấy làm anh lo lắng ư?

Sau vài giây suy nghĩ, anh lại nói :

– Người ta đã đặt ra cho anh câu hỏi ấy à?

– À… ờ… không!

– Vậy thì chớ có làm như thế! Không giải thích, đó là khẩu hiệu tốt nhất, nhất là ở trong một ngôi nhà như ngôi nhà này, nơi mà mọi người có đủ mọi lo lắng riêng tư để không thèm chất vấn những người khác. Sẽ không có ai hỏi anh điều gì cả cũng như anh có vẻ có quyền được ở đây… và bao giờ cũng là một sai lầm nếu nói ra khi chưa cần thiết! Thôi được rồi, tiến lên nào!

Chân vừa đặt lên bậc thang đầu tiên, anh lại hỏi :

– Tất nhiên anh nhận thấy rằng tất cả những câu hỏi mà tôi đặt ra cho họ hoàn toàn không lý thú gì cả và tôi sốt sắng chế giễu những gì mà những người ấy đã làm khi ông lão qua đời.

– Vậy thì tại sao phải lục vấn họ?

– Bởi vì điều đó cho phép tôi thấy được họ như thế nào, vả lại không phải là họ không có các chuyện bép xép ba hoa. Do đó, họ có thể cung cấp cho tôi một vài thông tin mà chúng ta có thể lợi dụng.

Anh hạ giọng nói thêm :

– Tôi nghĩ rằng Magda Leonidès có thể nói cho chúng ta những điều rất lý thú nếu bà muốn.

– Anh tin cậy ở bà thế ư?

– Tất nhiên là không! Nhưng có thể tôi đã có một điểm xuất phát. Cái khó khăn trong ngôi nhà chết tiệt này chính là mọi người đều có cơ hội và phương tiện để phạm tội. Cái mà tôi tìm kiếm chính là động cơ.

Trên đỉnh cầu thang, một cái cửa ngăn hành lang bên phải. Cửa này được đóng bằng khóa. Thanh tra xoay tay nắm bằng đồng. Một người đàn ông mở cửa ra gần như tức thì, đó là một kiểu người khổng lồ với đôi vai lực lưỡng, mái tóc đen biếng chải. Tôi thấy ông ta có vẻ xấu, nhưng lại dễ gần. Taverner xưng tên.

– Mời vào! – Người ấy nói – Tôi sắp đi ra ngoài nhưng điều đó không có gì quan trọng. Mời đến phòng khách nhỏ! Tôi sẽ báo cho Clemency… A! Em đấy à, em yêu? Đây là thanh tra Taverner. Nào… Có thuốc lá ở đây không nhỉ? Tôi sẽ đi kiếm nó đây. Tôi sẽ có trong một giây thôi!

Ông vấp phải một chiếc bình phong, tôi nghe rõ ràng ông nói lắp bắp mấy câu xin lỗi rồi biến mất. Y như là sự ra đi của một con ong vậy.

Bà Roger Leonidès đứng cạnh cửa sổ. Tính cách của bà có vẻ cũng như không khí gian phòng chúng tôi đang đứng vậy.

Chúng tôi đang ở “nhà bà”, tất nhiên. Các bức tường sơn trắng được để trần ngoại trừ một bức màn treo phía trên hòm lò sưởi, một thị hiếu độc đáo về hình tượng hình học thể hiện bằng các hình tam giác màu xám, đen và xanh da trời. Đồ đạc không nhiều: vài cái ghế, một cái bàn có tấm kính ở trên và một thư viện nhỏ. Không có các đồ mỹ nghệ. Sáng sủa rộng rãi và thoáng khí. Một sự tương phản hoàn toàn so với phòng khách lớn mà chúng tôi vừa ở đó đi ra.

Hóa ra bà Roger Leonidès là một phụ nữ hoàn toàn khác hẳn với bà Philip Leonidès. Magda có tới ba mươi sáu nhân cách khác nhau. Clemency là chính bà và chỉ có thể là chính bà mà thôi.

Có lẽ bà đã sang tuổi năm mươi. Mái tóc muối tiêu cắt ngắn ôm quanh một khuôn mặt ưa nhìn. Bà có đôi mắt màu xám rất đẹp với cái nhìn tinh nhanh và thông minh. Bà mặc một chiếc áo váy dài màu đỏ, bằng len, làm nổi bật vóc dáng mảnh mai của bà. Chúng tôi cảm thấy ở bà có điều lo lắng gì đó. Chí ít đó cũng là điều tôi phỏng đoán.

Sau khi mời chúng tôi ngồi, bà hỏi Taverner :

– Có tin gì mới không ông thanh tra?

– Có đấy, thưa bà. Cái chết là do một vụ đầu độc bằng ésérine.

Vẫn bằng một giọng điềm đạm, bà nói vẻ suy tư :

– Vậy, đó là một vụ giết người. Không còn là vấn đề một tai nạn nữa à?

– Đương nhiên là không.

– Thưa ông thanh tra, tôi muốn đề nghị ông hết sức tế nhị với chồng tôi, được không ạ? Cái tin này sẽ làm anh ấy xúc động mạnh. Anh ấy vô cùng yêu quý cha và đó là một con người cực kỳ nhạy cảm.

– Bà có quan hệ tốt với bố chồng bà không, thưa bà?

– Quan hệ giữa chúng tôi rất tốt.

Bà rất bình tĩnh, nói thêm :

– Tôi không thích cụ lắm.

– Tại sao vậy?

– Tôi không tán thành các mục tiêu cụ đề ra cho các hoạt động của cụ, cũng như các phương pháp cụ dùng để đạt được chúng.

– Còn bà Brenda Leonidès thì sao?

– Brenda ư? Tôi rất ít khi gặp bà ấy.

– Bà có nghĩ rằng có thể có… điều gì đó giữa bà ấy với ông Laurence Brown?

– Tôi không nghĩ thế, nhưng cái chính là có lẽ tôi không biết điều đó.

Chính giọng nói của bà cho ta biết rằng điều đó không làm bà quan tâm. Roger Leonidès đột nhiên đi vào.

– Tôi đã bị giữ lại – Ông thanh minh – Điện thoại gọi. Thế nào, ông thanh tra? Ông mang đến cho chúng tôi những tin mới chứ? Đã biết vì sao bố tôi chết chưa?

– Bị đầu độc bởi éserine.

– Trời ơi!… Vậy thì, đúng là thế rồi! Chính người đàn bà ấy đã không thể chờ đợi nữa rồi! Thực tế ông cụ đã vớt bà ta ra khỏi dòng nước, và bà ấy đã đền đáp như thế đấy! Bà ta đã bình tĩnh ám sát cụ. Khi tôi nghĩ đến điều ấy…

– Ông có lý do đặc biệt nào đó để buộc tội bà ấy không?

Hai tay vò đầu tóc rối bù, Roger xoạc cẳng đo gian phòng, hết dài đến rộng…

– Lý do ư? Nhưng, nếu không phải là bà ta, thì ông bảo là ai nữa nào? Tôi, tôi chưa bao giờ có niềm tin vào bà ta cả. Tôi chưa hề có một chút thiện cảm nào với bà ấy cả. Tôi và chú Philip, chúng tôi đã rụng rời chân tay hôm cha tôi báo cho chúng tôi biết việc cụ đã làm! Ở tuổi của cụ! Quả là điên rồ!… Ông thanh tra ạ, cha tôi là một nhân vật kỳ dị. Trí tuệ cụ vẫn còn trẻ trung, vẫn còn linh hoạt như trí tuệ của người bốn mươi tuổi. Mọi thứ tôi có được ở trên đời này, tôi đều nhờ vào cụ. Cụ đã làm tất cả vì tôi và chưa bao giờ sự giúp đỡ của cụ không đưa tôi đến thành công cả. Sự giúp đỡ của tôi đối với cụ, ngược lại, khi mà tôi nghĩ tới đó thì…

Ông buông mình rơi phịch xuống ghế bành. Vợ ông đặt tay lên vai ông, bảo ông :

– Nào nào, Roger, bình tĩnh lại nào!

– Anh biết, em yêu, anh biết… Nhưng làm sao anh giữ nôi bình tĩnh khi anh nghĩ tới…

– Dù sao chúng ta cũng phải giữ bình tĩnh, Roger! Thanh tra Taverner chỉ hỏi để giúp chúng ta và…

Đột nhiên Roger Leonidès đứng phắt dậy :

– Ông có biết tôi muốn làm cái gì không?… Vậy thì… mụ đàn bà này, tôi muốn dùng đôi bàn tay tôi bóp chết mụ! Đánh cắp của ông già tội nghiệp những năm cuối cùng trên cõi đời… Nếu mụ ta ở đây, tôi đã vặn cổ mụ ta!

– Roger!

Giọng nói rất oai nghiêm, ông cúi đầu xuống :

– Xin lỗi, em yêu!

Quay sang chúng tôi, ông nói thêm :

– Tôi xin lỗi các ông. Tôi bị lôi cuốn vào… Hãy tha lỗi cho tôi!

Ông lại đi ra. Clemency Leonidès với một nụ cười mơ hồ :

– Thế mà đó lại là một người không muốn làm đau đến một con muỗi!

Taverner tỏ ra rất lịch sự nói rằng anh không nghi ngờ điều đó, rồi anh bắt đầu đặt ra cho bà Leonidès những câu hỏi. Bà trả lời khá chính xác mà cũng rất ngắn gọn. Hôm cha chết, Roger Leonidès sau buổi sáng ở Luân Đôn, tại Box House là trụ sở của Công ty thực phẩm, đã trở về vào đầu giờ buổi chiểu và đã ở bên cha như mọi ngày ông thường làm. Còn bà, theo lệ thường, bà đã đi đến viện Lambert ở phố Gower. Bà chỉ quay về nhà “Ba Đầu Hồi” trước sáu giờ một chút!

– Bà có gặp bố chồng bà không?

– Không. Hôm trước tôi đã gặp cụ lần cuối cùng. Sau bữa ăn trưa, chúng tôi đã dùng bữa cà phê cùng với cụ.

– Bà đã không gặp cụ hôm cụ chết à?

– Không. Tôi quả là đã đi vào phần của ngôi nhà mà cụ ở, để tìm ở đấy một cái píp của anh Roger, nhưng tôi đã tìm thấy nó trên một cái bàn của tiền sảnh nơi anh ấy đã bỏ quên, tôi không có nhu cầu gì để quấy rầy bố chồng tôi. Vào khoảng sáu giờ, cụ thường hay ngủ gà ngủ gật.

– Khi nào thì bà biết tin cụ bị mệt nặng?

– Chính Brenda đã đến báo cho chúng tôi biết. Lúc ấy hơn sáu giờ rưỡi.

Taverner, mắt ít khi rời khỏi mắt của Clemency Leonidès, đặt tiếp cho bà mấy câu hỏi về tính chất công việc của bà ở viện Lambert. Đó là các công trình nghiên cứu về sự phân rã nguyên tử.

– Tóm lại, bà nghiên cứu về… bom nguyên tử?

– Không đúng. Các thí nghiệm của chúng tôi quan tâm đến khía cạnh chữa bệnh bằng sự phân rã nguyên tử.

Khi Taverner đứng dậy, anh bày tỏ ý muốn được xem qua phần ngôi nhà của cặp vợ chồng bà ở. Tuy còn hơi sửng sốt về lời thỉnh cầu ấy, bà Roger Leonidès vẫn vội vàng giúp cho anh được thỏa mãn. Phòng ngủ với các giường đôi có chăn phủ bằng bông trắng làm ta mơ hồ nghĩ đến kiểu phòng riêng của tu sĩ. Phòng tắm không có gì đặc biệt. Nhà bếp sạch bóng, được sắp xếp tối ưu để tiết kiệm công việc nội trợ. Chúng tôi đến một cái cửa cuối cùng, Clemency vừa mở nó vừa nói :

– Ở đây, mời ông vào nơi dành riêng cho chồng tôi.

– Vào đi! – Giọng của Roger nói – Vào đi!

Tôi kín đáo buông một tiếng thở dài nhẹ nhõm. Sau các gian phòng xuềnh xoàng mà tôi vừa mới trông thấy, cuối cùng tôi đã sung sướng phát hiện ra một nơi phản ánh được cá tính của chủ nhân nó. Bàn giấy chất đầy giấy má, giữa đám giấy, vung vãi mấy cái píp cũ, nói lên một kiểu mất trật tự dễ thương. Những chiếc ghế bành rộng rãi và cũ kỹ, các bức tường được trang trí các bức ảnh – những nhóm các sinh viên, các tay chơi cricket và các quân nhân – và các bức tranh màu nước mô tả các tháp nhà thờ Hồi giáo, những cảnh hoàng hôn hoặc những con thuyền buồm. Gian phòng cho ấn tượng về phòng của một người mà ta thích liệt vào số những người bạn của mình.

Roger, bằng những cử chỉ vụng về, dẹp gọn một góc bàn làm việc để tiếp nước uống cho chúng tôi.

– Tất cả đều lộn tùng phèo – Ông nói – Tôi đang xếp trật tự một chút trong mớ giấy tờ bề bộn…

Tôi nhận lấy cái cốc ông đưa cho tôi. Taverner ngỏ ý anh ta không muốn dùng thứ gì cả.

– Không nên oán giận tôi – Roger nói tiếp – Tôi bị lôi cuốn và…

Ông liếc mắt lo sợ nhìn xung quanh. Nhưng Clemency đã không cùng với chúng tôi đi vào phòng.

– Cô ấy là một người vợ tuyệt vời – Ông lại nói – Ông biết tôi nói về ai không? Trong mọi lúc, cô ấy luôn nổi lên rực rỡ… và tôi không thể không nói tôi khâm phục cô ấy biết nhường nào. Thế mà cô ấy đã trải qua những ngày khủng khiếp. Tôi rất muốn ông biết điều đó. Chuyện ấy đã xảy ra trước cuộc hôn nhân của chúng tôi. Người chồng đầu tiên của cô ấy là một gã rất tử tế nhưng tiếc thay sức khỏe lại quá yếu ớt. Thật vậy, anh ta bị bệnh lao. Anh ta đã có những công trình rất xuất sắc về tinh thể học. Anh ta làm việc rất nhiều, thu nhập ít ỏi, nhưng không rời bỏ phòng thí nghiệm. Cô ấy giúp đỡ anh ta hết lòng hết sức, vắt kiệt sức mình để anh ta bớt đi nỗi nhọc nhằn, đồng thời biết rõ ràng rằng anh ta đang tự giết mình. Cô ấy không hề thốt ra một lời phàn nàn, không hề chấp nhận rằng mình đã kiệt sức và cho đến cùng cô ấy vẫn nói với anh ta rằng cô hạnh phúc. Khi anh ta chết, cô ấy rơi vào tình cảnh khốn quẫn. Cuối cùng, cô ấy phải lấy tôi. Tôi mong muốn cô ấy được nghỉ ngơi, muốn cô ấy ngừng làm việc. Nhưng chúng ta lúc ấy đang ở trong thời chiến và cô ấy có một tinh thần nghĩa vụ của mình quá rõ ràng để không phải nghe theo tôi. Và đến bây giờ, cô ấy vẫn tiếp tục! Đó là một người vợ tuyệt vời! Người vợ tốt nhất mà một người đàn ông không phải bao giờ cũng có được và ngày nào tôi cũng tự nhủ mình rằng ngày mà tôi đã gặp được cô ấy, tôi đã gặp may nhiều hơn là tôi đang có. Vì cô ấy, tôi có thể làm bất kỳ điều gì!

Taverner tế nhị nói lên câu nói cần thiết và khéo léo lái vấn đề quay về những câu hỏi thường có của anh :

– Làm sao mà ông biết được rằng cha ông đang ở tình trạng nguy kịch?

– Chính Brenda đã đến báo cho tôi biết. Tôi đã chạy vội đến. Trước đó khoảng nửa giờ, tôi vừa mới rời cha tôi và lúc ấy cụ hoàn toàn khỏe mạnh cơ mà. Khi tôi tới nơi, tôi đã trông thấy cụ thở hổn hển, mặt tím bầm. Tôi… chúng tôi không thể làm gì được cả. Tất nhiên, ngay từ lúc ấy tôi đã nghĩ rằng ở đây có điều gì đáng ngờ…

Mấy phút sau, chúng tôi – Taverner và tôi – đã lại ở đỉnh cầu thang.

– Hai anh em họ chẳng giống nhau tí nào! – Taverner nói thì thào.

Anh bổ sung thêm :

– Quả là tức cười, một cái buồng như thế! Nó cho anh biết khối chuyện về những con người sống trong đó.

Tôi đồng ý. Anh lại nói :

– Có lắm cuộc hôn nhân kỳ lạ đấy nhỉ?

Lời nhận xét ấy có thể rất thích hợp với cả cặp vợ chồng Roger – Clemency cũng như với cặp Philip-Magda. Những cuộc hôn nhân xứng đôi một cách lạ lùng, nhưng có lẽ cũng là những cuộc kết hôn hạnh phúc.

– Thoạt nhìn – Taverner lại nói – Ông ta không có vẻ có khả năng đầu độc ai. Bà ta thì lại khác. Đây là một phụ nữ không bao giờ phải luyến tiếc cái gì cả. Với điều đó, bà ta rất có thể là một kẻ hơi điên điên…

Tôi một lần nữa lại tán thành và nói :

– Thế nhưng tôi không tin rằng bà ấy có thể giết ai đó chỉ vì người ấy không cùng một quan niệm về cuộc sống như bà ấy. Có thể bà ấy thực sự ghét ông già, rất có thể như thế! Nhưng đã có mấy vụ giết người chỉ do sự thù ghét như thế?

– Rất ít – Taverner nói – Riêng tôi, tôi chưa bao giờ gặp. Tôi chỉ một mực tin rằng người khả nghi nhất, đó là bà Brenda. Nhưng có trời biết là chúng ta có thể chứng minh được hay không?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.