NGÔI NHÀ CỔ QUÁI

Chương XII



Taverner đã đi rồi, chúng tôi vẫn yên lặng một lúc lâu. Cuối cùng, tôi quyết định hỏi :

– Một kẻ sát nhân thì như thế nào hở bố?

Bố tôi ngẩng đầu lên và nhìn tôi có vẻ nghĩ ngợi. Cha con tôi rất thông cảm nhau đến mức ông hiểu đầy đủ lý do vì sao tôi lại đặt ra câu hỏi ấy. Ông trả lời hết sức nghiêm túc :

– Dĩ nhiên, bố nhận thấy… Con không thể ở cương vị người chứng kiến thông thường mà nhìn sự việc được nữa…

Tôi vẫn thích theo dõi, nhưng trong vai người không chuyên, những vụ án “giật gân” mà Cục Điều tra Hình sự tiến hành, nhưng đúng như bố tôi vừa mới nhận xét, trong trường hợp này, cương vị của tôi không thể chỉ là một kẻ tò mò.

– Bố không biết – Ông nói tiếp – Có nên hỏi bố điều đó không. Các nhà tâm lý học lỗi lạc làm việc với bố thường cho ý kiến rất dứt khoát về đối tượng. Cả Taverner nữa, anh ta cũng có thể nói với con nhiều về điều đó. Nhưng điều liên quan đến con, theo bố là phải biết bố nghĩ gì về việc này, mà bố thì đã từng tiếp xúc với nhiều tội phạm trong nhiều năm.

– Đúng thế! – Tôi nói.

Bố tôi lấy đầu ngón trỏ vạch một hình tròn lên tấm giấy lót tay vừa nói tiếp :

– Nhiều kẻ sát nhân lạ lắm!… Bố đã quen biết nhiều kẻ đáng yêu trong số họ…

Thấy tôi có cử chỉ kinh ngạc, bố tôi mỉm cười nói tiếp :

– Đúng đấy, rất đáng yêu!… Những gã bình thường như con và bố, hoặc như Roger Leonidès vừa ở đây ra ấy. Án mạng, con biết không, là một tội không chuyên. Tất nhiên bố không nói đến những tên cướp mà nói đến những kẻ sát nhân tùy ngộ. Những người ấy, ta thường có ấn tượng đó là những người rất tử tế mà ta gần như nói rằng họ chỉ giết người do bất trắc. Họ ở trong một tình thế khó xử, họ mong muốn một cách tuyệt vọng một điều gì đó, tiền bạc hay một phụ nữ và để chiếm được, họ đã giết người. Sự chế ngự bản thân thường tồn tại trong phần lớn chúng ta thì lại không có trong họ. Ngay đến trẻ con cũng có lúc có hành động như thế. Nó tức giận một con mèo con, nó bảo con mèo: “Tao sẽ giết chết mày!”, rồi nó đập chết con vật bằng những nhát búa, dù sau đó phải khóc hết nước mắt bởi vì nó không thể làm sống lại con vật nó hằng yêu. Khái niệm về cái thiện và cái ác được tiếp thu khá nhanh, nhưng ở một vài người sự thật không ngăn được. Lập luận của hắn là: hắn không làm điều gì xấu cả, hắn đã hoàn thành một cử chỉ cần thiết, điều duy nhất ấy giúp hắn thoát khỏi tình thế không lối thoát, và chính nạn nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

– Bố có tin rằng sự thù hằn, chỉ riêng sự thù hằn có thể là một động cơ “đủ” không? Chẳng hạn, liệu có thể, ông già Leonidès đã bị giết bởi một kẻ căm thù ông ta từ lâu không?

– Điều ấy theo bố có vẻ không đáng tin – Cha tôi đáp – Sự thù hằn mà con ám chỉ, trên thực tế chỉ là một ác cảm đáng tố cáo. Những kẻ sát nhân thường hay giết những người chúng yêu hơn những người chúng ghét nhưng đó lại là những người mà chúng ta yêu quý nên họ có thể làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên không chịu nổi.

Sau một lát im lặng, ông lại nói :

– Con sẽ nói với bố rằng toàn bộ việc đó có thể làm trì trệ công việc của chúng ta. Rất đúng! Nếu bố hiểu con không lầm thì điều con muốn biết chính là dấu hiệu ở một ngôi nhà mà mọi người đều bình thường, cho phép con nói một cách khẳng định rằng: “Đây chính là tên giết người!”.

– Đúng thế đấy!

– Có tồn tại một nét đặc thù gặp lại ở mọi tên sát nhân như một “mẫu số chung” không? Bố hay tự hỏi như thế. Nếu tồn tại thì theo bố đó là tính khoe khoang.

– Tính khoe khoang?

– Phải. Bố chưa hề gặp một tên giết người nào mà không có tính khoe khoang. Chín trên mười lần, hắn đã giết người do tính kiêu ngạo. Hắn sợ bị bắt, nhưng hắn không thể ngăn nổi hắn khoe khoang tội ác của hắn, và điều đó càng có cơ sở hơn nữa vì hắn gần như lúc nào cũng tin chắc rằng hắn quá ranh ma để không thể bị tóm cổ. Vả lại, hắn cần phải nói!

– Hắn cần phải nói?

– Điều đó đã được giải thích. Cũng chính vì hắn đã giết người nên hắn bị đơn độc. Hắn có nhu cầu thổ lộ tâm tình… nhưng điều đó đối với hắn lại là cấm kỵ. Do đó chỉ làm gay gắt hơn nỗi thèm khát được nói ra tội ác của mình. Tất nhiên hắn sẽ không nói gì về bản thân vụ án mạng, mà hắn sẽ thảo luận về nó, sẽ đưa ra các thuyết, sẽ dựng lên những giả thuyết. Con hãy chú ý xem xét mọi người và cố gợi cho họ nói ra! Việc này sẽ không tiến triển hoàn toàn đơn độc, bởi vì họ sẽ không thấy có gì bất tiện phải nói chuyện với một người xa lạ những điều mà họ không thể nói giữa họ với nhau. Con sẽ thấy rõ những ai thật sự có điều gì đó phải giấu diếm, những ai sẽ cố đẩy con vào một hướng tìm tòi giả tạo! Những người đó luôn luôn phạm phải sai lầm nhỏ có thể phản lại họ.

Tôi thấy đã đến lúc phải báo cáo với bố tôi những điều mà Sophia đã nói với tôi về tính cách của tất cả những người trong gia đình Leonidès. Tất cả đều nhẫn tâm nhưng theo những cách khác hẳn nhau. Việc đó làm cho ông thích thú.

– Đấy nhé – Ông bảo tôi – Việc này rõ ràng là cực kỳ quan trọng. Không ít gia đình mà ta không vén lên được nét đặc trưng nào đó. Điểm yếu… Thật là thú vị, các vấn đề di truyền như thế này! Dòng họ De Haviland nhẫn tâm, nhưng họ có tinh thần công lý. Dòng họ Leonidès không kém tàn nhẫn, họ không phải bao giờ cũng quá thận trọng nhưng nhìn chung họ không độc ác. Ít ra, con hãy nghĩ ra một người hậu duệ rồi xem xét đến những người khác! Con có hiểu điều bố nói không?

Tôi chưa kịp đáp. Ông đã nói tiếp :

– Vả lại bố không khuyên con phải nát óc về những câu chuyện về tính di truyền ấy, chúng thuộc một lĩnh vực phức tạp đến nản lòng. Việc tốt nhất con có thể làm, con trai ạ, là khơi gợi những người ấy nói ra những điều thầm kín. Sophia đã hoàn toàn có lý để nói với con rằng hai đứa các con chỉ có thể giành được hạnh phúc trong trường hợp sự thật được đưa ra công khai.

Khi tôi đứng lên chuẩn bị ra về thì ông nói thêm :

– Còn một điều nữa! Hãy coi chừng con nhỏ!

– Josephine? Bố cho rằng nó có thể đoán ra con?

– Con chưa hiểu ý ta. Bố muốn nói: “Hãy cảnh giác đừng để xảy ra điều gì với nó!”.

Tôi nhìn bố tôi sững sờ. Ông lại nói :

– Hãy suy nghĩ, Charles! Trong ngôi nhà ấy có một tên giết người, ở hắn các quyết định sẽ không thiếu đâu! Con nhỏ Josephine có vẻ biết rõ không ít chuyện. Hãy tự mình kết luận!

– Chắc chắn là nó biết rõ mọi ý định của Roger. Nó nhầm một điểm là Roger không phải là một kẻ lừa đảo, nhưng về phần còn lại nó đã hiểu rất đúng.

– Không nghi ngờ gì nữa. Những bằng chứng của một đứa trẻ bao giờ cũng rất tốt vì vậy đối với bố, bố không bao giờ coi thường điều đó. Tất nhiên người ta không thể tin cậy vào đó trước tòa án; trẻ con sẽ trở nên ngu muội khi người ta hỏi chúng trực tiếp, nhưng khi chúng nói ra mà không ai đòi hỏi ở chúng gì cả, khi chúng cố gắng tự mình khoe ra thì chúng cực kỳ có ích. Josephine đã muốn cho con biết nhiều chuyện. Nó còn tiếp tục nữa hay không là tùy thuộc ở con. Đừng đặt ra cho nó các câu hỏi, hãy nói với nó rằng nó chẳng biết gì cả, bố tin chắc rằng nó sẽ làm hết sức mình để chứng tỏ cho con thấy điều ngược lại. Nhưng, hãy để mắt đến nó! Có thể có ai đó cho rằng nó biết quá nhiều!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.