NGÔI NHÀ CỔ QUÁI
Chương XIII
Tôi rời phòng bố tôi trong lòng không được thoải mái lắm: tôi cảm thấy mình có lỗi. Có thể là tôi đã kể cho Taverner tất cả mọi điều mà Josephine đã nói cho tôi biết về Roger, nhưng tôi chưa nói cho anh ta biết về những lá thư tình mà theo con bé thì Brenda và Laurence Brown đã viết cho nhau.
Tôi ra sức tự biện hộ: vấn đề ấy có lẽ không đúng và như thế thì không có gì quan trọng. Sự thật mà tôi biết rõ ràng là anh ta chán ghét tôi và buộc tội cho Brenda. Chị ta khơi lên ở tôi lòng thông cảm, chính vì chị ở trong tình trạng đơn độc trong ngôi nhà này, ở đó mọi người đều thù ghét chị. Nếu những lá thư ấy tồn tại thì Taverner và các cảnh binh của anh ta cuối cùng sẽ phải ra tay. Tôi không nên báo cho họ vội. Vả lại Brenda đã bảo đảm với tôi rằng không có gì giữa Laurence Brown và chị ta cả, và tôi có xu hướng tin chị ta hơn là tin vào con quỷ con Josephine này. Bản thân Brenda đã chẳng nói với tôi rằng con bé này không có “đầu óc trọn vẹn” đó sao? Lời khẳng định ấy quả có làm cho tôi phải hoài nghi khi tôi nghĩ đến cái nhìn thông minh của Josephine.
Tôi phôn cho Sophia để hỏi cô tôi có thể đến gặp cô được không.
– Tất nhiên được chứ, Charles!
– Ở đấy tình hình thế nào?
– Em không biết gì cả. Cảnh sát tiếp tục lục lọi khắp nơi. Họ tìm cái gì nhỉ?
– Anh cũng không biết!
– Mọi người trong nhà đều bị căng thẳng thần kinh quá mức. Anh hãy đến càng sớm càng hay! Em sắp phát điên lên nếu không có ai để nói chuyện!
Tôi đến “Ba Đầu Hồi” bằng tắc xi. Cổng mở, tôi nên bấm chuông hay vào thẳng? Tôi đang lưỡng lự thì nghe thấy phía sau một tiếng động nhẹ làm tôi lập tức quay đầu lại. Tôi nhận ra Josephine đang theo dõi tôi, ở bên hàng rào cây thắng. Mặt nó bị che lấp một nửa bởi một quả táo rất to. Tôi gọi nó :
– Chào em, Josephine!
Nó không trả lời tôi và biến đi sau hàng rào. Tôi vượt qua đường, vội vàng đuổi theo nó. Tôi thấy nó ngồi trên một cái ghế dài cũ kỹ bên cạnh một bể cá cảnh. Tôi chỉ thấy được đôi mắt nó. Đôi mắt ấy nhìn tôi một cách thù địch.
– Anh đã đến đây này! – Tôi nói.
Nhập đề thế này chẳng ra sao cả, nhưng sự im lặng của Josephine và thái độ kín đáo của nó làm tôi khó chịu. Con bé giảo quyệt, nó không trả lời tôi.
– Quả táo này đẹp đấy chứ? – Tôi hỏi.
Lần này thì Josephine hạ cố trả lời tôi.
Nó đành phải thốt ra một lời :
– Bằng bông.
– Tiếc quá! – Tôi nói – Tôi không thích những quả táo bằng bông.
Nó nói bằng một giọng khinh khỉnh :
– Chẳng ai thích cả!
– Tại sao em không đáp lại khi anh chào em?
– Điều đó không nói lên cái gì với tôi cả!
– Tại sao vậy?
Để nói cho rõ ràng hơn, Josephine hắng giọng trước khi nói :
– Bởi vì – Cuối cùng nó nói – Ông đã đi ton hót tôi với cảnh sát.
Tôi còn đang ngỡ ngàng. Nó nói rõ ra :
– Về chuyện bác Roger.
– Nhưng, Josephine ạ, mọi sự đã hết sức tốt! Cảnh sát bây giờ biết rằng ông ta đã không làm gì xấu cả, ông ta không phạm tội lừa đảo…
Nó nhìn tôi bằng con mắt coi thường :
– Thế anh mới ngốc!
– Đáng tiếc, Josephine!
– Em không mấy coi thường bác Roger! Nếu em có oán giận anh, chính vì đó không phải là công việc của thám tử! Vậy anh không biết rằng người ta không bao giờ kể điều gì cả cho cảnh sát trước khi mọi sự đã kết thúc à?
– Anh rất tiếc, Josephine ạ, thật sự tiếc!
– Đúng thế.
Giọng trách móc nặng nề, nó bổ sung :
– Trước đây em đã tin ở anh…
Lần thứ ba tôi nhắc lại rằng tôi rất buồn rất tiếc. Tôi thấy cặp mắt của Josephine có vẻ dịu đi. Nó còn cắn một nhát nữa vào quả táo. Tôi lại nói :
– Dù sao đi nữa, rốt cuộc cảnh sát cũng phải biết. Chúng ta không thể giữ lâu điều bí mật.
– Vì ông ta sắp vỡ nợ à?
Josephine bao giờ cũng là kẻ thạo tin.
– Anh cho rằng điều đó sẽ phải xảy ra.
– Người ta phải nói tối điều đó chiều nay – Josephine nói – Ba, má, bác Roger và bà Edith. Bà già sẵn sàng cho Roger toàn bộ tiền của của bà. Nhưng bà vẫn chưa sở hữu nó, còn về ba, em cho rằng ba sẽ không chấp nhận. Ba nói rằng nếu Roger lâm vào cảnh khốn quẫn thì ông ta chỉ nên buộc tội chính mình, ba lại nói rằng đó là một trò chơi của kẻ bị lừa, chạy theo tiền bạc của mình. Còn má thì cũng nói như ba: má muốn ba giữ gìn vốn liếng của mình để dùng cho vai Edith Thompson, về việc này, anh có biết không, chuyện về Edit Thompson ấy? Mụ đã có chồng nhưng không yêu chồng vì mụ là người tình của một gã trai tên là Bywaters, tay này cuối cùng đã giết chết người chồng ấy bằng cách đâm dao găm vào lưng.
Một lần nữa, những hiểu biết của Josephine làm tôi phải khâm phục. Nó nói tiếp :
– Đây là một câu chuyện rất hay, nhưng có thể là vở kịch sẽ hoàn toàn khác, có thể các sự kiện sẽ được dàn xếp như trong vở Jezabel. Dù sao em cũng muốn biết tại sao những con chó lại không ăn các gan bàn tay của người ấy!
Tôi tránh né câu hỏi :
– Này Josephine, em đã nói với anh rằng em gần như đã biết chắc chắn tên kẻ sát nhân?
– Vậy thì sao nào?
– Tên sát nhân là ai thế?
Nó nhìn tôi khinh miệt.
– Anh biết! – Tôi nói – Anh sẽ phải chờ đến chương chót mất thôi! Dẫu rằng anh có hứa với em là không nói gì cả với thanh tra Taverner.
Nó có vẻ như tự an ủi :
– Em còn thiếu các bằng chứng…
Nó vừa ném lõi quả táo vào bể, vừa nói thêm :
– Vả lại, em sẽ không nói gì với anh đâu! Trong trường hợp tốt nhất, anh chỉ là Watson!
Tôi chịu đựng lời mỉa mai.
– Được! – Tôi nói – Anh là Watson. Hắn vẫn là hắn, nhưng hắn luôn luôn có các dữ kiện của bài toán…
– Những cái gì?
– Những dữ kiện, những sự kiện. Hắn có sai lầm trong các suy diễn của hắn, nhưng hắn có tất cả các yếu tố của lời giải. Phải chăng điều đó không lừa em để thấy anh lập các giả thiết không thể đứng vững?
Im lặng một lúc, cuối cùng nó lắc đầu.
– Không. Vả lại, em đâu có điên lên vì Sherlock Holmes. Ông ta là đồ chơi đã quá đát lắm rồi. Ông ta cũng chẳng có cả ô-tô riêng nữa!
– À này, em chưa nói gì cả về những bức thư ấy?
– Những bức thư nào?
– Thư mà Laurence Brown và Brenda đã trao đổi ấy.
– Em đã lôi chuyện đó ra ánh sáng rồi.
– Anh không tin.
– Ấy thế mà lại đúng!
Tôi chú ý nhìn chăm chú và đôi mắt nó.
– Này Josephine! Anh có quen biết ở bảo tàng Anh quổíc một ông thuộc rất nhiều điều trong Kinh Thánh. Nếu anh nhờ được ông ấy nói cho anh biết tại sao những con chó lại không cắn xé các bàn tay của Jezabel, thì em có nói cho anh về những bức thư ấy không?
Lần này Josephine thật sự do dự. Đâu đó không xa lắm, một cành khô gãy rơi xuống kèm theo một tiếng động nhỏ.
– Không – Cuối cùng Josephine nói.
Tôi đã bị đánh bại. Phải một lúc tôi mới nhớ đến lời khuyên của bố :
– Anh không nài nữa – Tôi tuyên bố – Em muốn bắt anh phải nghe theo, nhưng trên thực tế em chẳng biết gì cả!
Josephine nguýt tôi một cái, nhưng vẫn không cắn mồi câu. Tôi đứng lên.
– Anh phải đi tìm Sophia đây. Đến đấy với anh đi, Josephine!
– Em ở lại đây.
– Không được! Em phải đi theo anh!
Không cần xã giao nữa, tôi buộc nó phải rời chỗ ngồi. Nó sửng sốt, phản đối, nhưng ít ra tôi không ngại điều đó. Cuối cùng nó đi theo tôi cũng khá niềm nở, có thể là vì nó tò mò muốn biết phản ứng của người này với người khác khi có mặt của tôi. Tại sao tôi tha thiết muốn nó đi theo tôi, ngay lúc đó tôi không thể giải thích được. Tôi chỉ nhận thấy khi bước vào ngôi nhà.
Chính vì một cành chết khô đã phát ra tiếng răng rắc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.