NGÔI NHÀ CỔ QUÁI

Chương XVIII



Mấy phút sau, một chiếc ô-tô tốc hành của cảnh sát đưa Taverner và tôi đi về hướng Swinly Dean.

Tôi nghĩ đến chuyện Josephine vừa từ buồng có các bồn nước đi ra vừa nói với tôi một cách hồn nhiên về “vụ án mạng thứ hai” sẽ xảy ra không lâu nữa. Con bé tội nghiệp không ngờ rằng nó lại là nạn nhân.

Tôi không tranh cãi về cơ sở khoa học của các lời trách móc ngầm của bố tôi. Tôi đã ít để mắt đến Josephine. Vả lại Taverner và tôi, chúng tôi không có chỉ dẫn nghiêm túc nào về căn cước của kẻ sát nhân nên không biết chính hắn sẽ gây ra cái chết cho Josephine. Tôi đã cho lời nói của con bé là ngón bịp trẻ con của một đứa trẻ thích khoe khoang. Trong việc này, rất có thể là trong khi tiến hành trò chơi yêu thích của nó là nghe trộm ở cửa và dò xét những người khác, con bé đã phát hiện ra một tin tức chủ yếu mà nó cũng không ngờ lại quan trọng đến thế.

Tôi lại nhớ tới cái cành cây hôm ấy đã gẫy rơi xuống cạnh tôi khi chúng tôi nói chuyện trong vườn. Ngay lúc ấy, tôi đã có linh cảm rằng điều nguy hiểm đã đến rất gần. Một lúc sau, tôi thấy ý nghĩ đó có vẻ kỳ cục: tôi đã quan trọng hóa vấn đề! Lẽ ra tôi phải, ngược lại, luôn nghĩ rằng chúng tôi đang đối mặt với một tên giết người, một kẻ liều mạng không ngại ngần phạm tiếp tội giết người thứ hai, nếu hắn không có biện pháp nào khác để bảo đảm cho hắn thoát khỏi bị trừng trị. Có lẽ Magda đã được bản năng bí ẩn nào đó của người mẹ mách bảo, bà đã đoán rằng Josephine đã bị đe dọa, điều đó chắc giải thích được việc bà vội vã gửi con bé sang Thụy Sĩ càng nhanh càng tốt.

Sophia từ nhà ra đón chúng tôi. Cô nói với chúng tôi là Josephine đã được xe cấp cứu chuyển đi bệnh viện Market General, và bác sĩ Gray có thể sẽ cho biết kết quả chụp X quang ngay sau khi ông có thể biết.

– Sự cố đã xảy ra thế nào? – Taverner hỏi.

Sophia dẫn chúng tôi ra sau nhà. Chúng tôi đi vào một cái sân con gần như bị bỏ đã lâu. Ở một góc, chúng tôi thấy một cái cửa mở hé.

– Cái nhà nhỏ này – Sophia giải thích cho chúng tôi – là một loại xưởng giặt, ở phần dưới cửa có một lỗ nhỏ mà Josephine thường đửng lên đó để chơi đu đưa.

Tôi nhớ lại trong thời thơ ấu của mình, tôi đã từng thực hành môn “thể thao” này.

Xưởng giặt này bé nhỏ và tối om. Tôi nhận ra được các hòm gỗ, một cuộn ống dẫn nước tưới cây, các phụ tùng làm vườn hư hòng và một vài đồ gỗ gãy. Sát sau cửa, có một con sư tử bằng đá cẩm thạch đang nằm.

– Đó là một cái chặn cửa – Sophia nói với chúng tôi – Có lẽ người ta đã đặt nó vào thế cân bằng trên cánh cửa.

Taverner đặt bàn tay lên phần trên cánh cửa ở phía trên đầu anh ta gần ba mươi phân.

– Một mánh khóe hết sức đơn giản – Anh nói.

Anh làm cho cánh cửa chuyên động, rồi cúi xuống khối đá cẩm thạch mà anh hết sức tránh đụng vào.

– Chưa ai đụng tay vào đó chứ?

– Chưa – Sophia đáp – Em đã ngăn cấm việc đó.

– Cô đã làm đúng. Ai đã tìm ra con bé?

– Em. Lúc một giờ, người ta không thấy nó quay về ăn bữa trưa. Vú đã gọi nó. Bà ấy đã trông thấy nó đi qua bếp và đi ra sân có các chuồng súc vật, mười lăm phút trước đó. “Tôi đánh cuộc rằng – Bà ấy nói với em – nó đang bận chơi bóng hoặc đang đánh đu ở cái cửa ấy!”. Em cho là bà ấy không lầm và em đã bảo bà ấy: “Em sẽ đi tìm nó đây!”.

– Nó vẫn quen chơi ở cái cửa này à? Cô biết rõ thế chứ?

Sophia nhún vai :

– Em cho rằng không ai trong nhà này là không biết điều ấy.

– Ai sử dụng xưởng giặt này? Những người làm vườn à?

Sophia lắc đầu :

– Không, gần như không bao giờ có ai đến đấy.

– Và từ ngôi nhà, người ta không nhìn thấy cái sân con ấy phải không? Bất kỳ ai muốn đặt cái bẫy này đều có thể lẻn vào đó mà không bị nhìn thấy… Nhưng thành công không bảo đảm lắm.

Taverner vừa nói vừa từ từ lay cánh cửa. Anh nói tiếp :

– Đây là một chấn thương do ngẫu nhiên. Người ta có thể đụng phải hay không phải và có nhiều dịp “rủi ro” hơn những dịp “may mắn”. Cô bé tội nghiệp đã không gặp may. Nó đã bị đụng phải.

Anh cúi mình xuống để nhìn mặt đất và nhận thấy hình như có những lỗ ở trên đó. Anh nói tiếp :

– Có vẻ như người ta đã tiến hành vài ba thí nghiệm trước… như để bảo đảm rằng chỗ này là nơi đối tượng có thể ngã… Từ nhà, không ai nghe thấy gì à?

– Không thấy gì cả. Chúng em không ai ngờ rằng tai nạn lại xảy ra với nó và chỉ đến lúc em đến chỗ này và trông thấy nó nằm sóng soài, mặt úp xuống đất…

Bằng một giọng lạc đi vì xúc động, Sophia bổ sung :

– Tóc nó bết máu…

Taverner lấy tay chỉ một dải khăn len màu sắc rực rỡ kéo lê dưới đất, vừa hỏi :

– Cái này là của nó à?

– Vâng.

Lấy khăn bảo vệ các ngón tay mình, Taverner cẩn thận nhặt khối đá cẩm thạch lên và nói :

– Có thể chúng tôi sẽ thu lấy các dấu vết ở đó, nhưng cái này làm tôi ngạc nhiên lắm! Người ta có thể ngờ vực… Anh đang xem xét cái gì ở đó thế?

Câu hỏi này được đề ra cho tôi. Tôi nhìn thấy một cái ghế nhà bếp có lưng ghế hình vuông. Trên mặt ghế có mấy mẩu đất.

– Rất lạ! – Taverner nói – Ai đã leo lên cái ghế này với một đôi giày lấm bùn. Tôi chưa biết tại sao?

Trở lại với Sophia, anh lại nói :

– Cô đã tìm thấy nó lúc mấy giờ, cô Leonidès?

– Có lẽ là một giờ năm phút.

– Và bà vú già đã trông thấy nó đi ra đây hai mươi phút trước đó? Trước cô bé, trong chừng mực người ta biết thì ai là người cuối cùng đi đến xưởng giặt?

– Em không biết, nhưng có thể chính là Josephine. Em biết nó đã đến đấy đánh đu trên cái cửa này sáng nay sau bữa điểm tâm sáng.

– Như thế – Taverner kết luận – Giữa lúc ấy và một giờ kém mười lăm bẫy đã sập.

Anh nói tiếp :

– Cô nói rằng khối cẩm thạch này dùng làm cái chặn cửa ở lối vào. Cô có biết từ khi nào nó không còn ở chỗ ấy nữa?

Sophia thú nhận là không có ý kiến gì về việc ấy.

– Cửa vào phòng đó đã không mở trong suốt cả ngày. Trời quá lạnh.

– Và cô có biết từng người một đã làm gì trong nhà này buổi sáng không?

– Em đã đi dạo chơi. Eustace và Josephine ở trong phòng học đến mười hai giờ rưỡi. Cha em, em cho rằng, đã không nhúc nhích khỏi thư viện của ông.

– Còn mẹ cô?

– Mẹ em đi ra khỏi phòng ngủ lúc em đi dạo về vào khoảng mười hai giờ kém mười lăm. Bà không bao giờ thức dậy sớm cả.

Chúng tôi trở về ngôi nhà và tôi đi theo Sophia vào thư viện. Philip, mặt tái nhợt, mắt đờ đẫn, đang ngồi trong chiếc ghế bành quen thuộc của ông. Magda đã ngồi cạnh ông ở dưới đất, trán gục vào đầu gối chồng. Bà đang khóc.

Sophia hỏi có ai gọi điện thoại từ bệnh viện đến không. Philip lắc đầu.

Magda than vãn :

– Tại sao người ta không cho tôi đi với nó? Ôi đứa con gái bé bỏng của tôi! Con bé hư hỏng và ngỗ ngược của tôi!… Tôi có lý do để tôi gọi nó là “con bé ngốc của tôi”, vì nó có cá tính là hay nổi giận! Làm sao tôi lại tỏ ra độc ác như thế? Và, bây giờ, nó sắp chết… Nó sắp chết, tôi biết mà!

Philip ung dung bảo bà ta im đi. Xét rằng cương vị của tôi không phải ở đó, tôi lặng lẽ rút lui và đi tìm bà Vú. Tôi gặp bà trong bếp. Bà đang khóc.

– Đây là trời trừng phạt tôi, cậu Charles ơi! Vì mọi điều xấu xa mà tôi đã nghĩ! Đây là Trời trừng phạt tôi!

Tôi không định khơi sâu vấn đề bà muốn nói. Bà nói tiếp :

– Ma quỷ đã ở trong nhà, cậu Charles ạ, đó là sự thực! Tôi không muốn tin điều đó. Nhưng vẫn phải chịu là đúng. Ai đó đã giết cụ chủ và chính hắn đã lại muốn giết Josephine!

– Nhưng tại sao người ta lại có ý định giết chết con bé con này cơ chứ?

Vú nhấc mùi xoa ra khỏi mắt để nhìn chằm chằm vào mặt tôi có vẻ như đồng tình.

– Cậu Charles, con bé ấy, cậu cũng như tôi đều đã biết rõ nó như thế nào rồi! Nó muốn biết mọi chuyện. Nó vẫn như thế ngay từ khi nó còn bé tí xíu. Nó núp dưới gầm bàn, nó nghe các vú em nói chuyện, và nó sử dụng những điều nó đã biết. Làm như thế, nó có ấn tượng là nó được coi trọng! Cậu biết không, cậu Charles, bà chủ luôn luôn nói bà không chăm sóc nó. Nó không phải là một đứa con ngoan như hai đứa kia. Nó vẫn hư nên bà chủ gọi nó là “con bé ngốc” của bà! Tôi vẫn chê trách bà chủ về việc đó bởi vì tôi nghĩ rằng chính vì thế mà làm cho con bé ấy thành ra xảo trá. Nhưng nó đã trả đũa theo cách của nó: nó phám khá các chuyện về người này người kia, rồi báo cho họ biết rằng nó đã hiểu rõ về họ. Nhưng làm như thế, trong khi có một tên sát nhân trong nhà là nguy hiểm!

Thật hiển nhiên. Tôi liên tưởng đến một chuyện nên tôi đặt ra cho Vú một câu hỏi :

– Vú có biết rằng nó có một cuốn sổ nhỏ trong đó nó ghi chép mọi thứ chuyện không?

– Tôi hiểu cậu muốn nói về điều gì rồi, cậu Charles. Nó đã nói ra bao nhiêu chuyện bí mật với cuốn sổ ấy! Tôi đã thường xuyên trông thấy nó vừa mút bút chì vừa viết cái gì đó rồi lại nhấm nháp đầu bút chì. Tôi đã bảo nó: “Đừng làm thế! Ruột bút bằng chì, đó là chất độc đấy!”. Nó trả lời tôi: “Không nên tin như thế! Trong bút chì, thật sự là không có chất chì đâu! Đấy là cacbon!”. Tôi không nói gì cả nhưng tôi nghĩ không ít về điều ấy, vì dù thế nào đi nữa khi người ta gọi cái đó là “ruột bằng chì” thì có nghĩa là bên trong có chì!

– Không còn chút nghi ngờ gì! – Tôi nói – Nhưng trong trường hợp này, Josephine có lý.

Tôi lại quay về với điều tôi quan tâm :

– Cuốn sổ nhỏ ấy Vú có biết nó để đâu không?

– Tôi không biết, cậu Charles! Đó là một trong những điều mà nó giữ rất kín.

– Nó không giữ cuốn sổ ấy ở bên mình khi người ta đưa nó đi à?

– Ồ! Điều ấy chắc chắn là không!

Cuốn sổ này, ai đó đã lấy mất của nó hay là vẫn còn được giấu trong phòng nó? Nghĩ thế tôi liền đi đến đấy xem sao. Tôi không biết đích xác buồng nào là của Josephine, nhưng trong khi tôi đang lưỡng lự ở hành lang thì tôi nghe thấy Taverner gọi tôi.

– Vào đây nào! Tôi đang ở phòng Josephine… Anh đã bao giờ thấy thế này không?

Tôi đứng như chôn chân ở ngưỡng cửa, thực sự sửng sốt. Gian phòng không lớn lắm dường như vừa bị một cơn lốc lớn quét qua. Các ngăn kéo của tủ com-mốt trống rỗng cái kéo sang phải, cái lôi sang trái; nệm, tấm ga và chăn bị lột khỏi chiếc giường con; các tấm thảm để thành đống, các ghế lộn ngược; trên tường không còn lấy một bức tranh, một bức ảnh, còn các khung tranh ảnh thì cái nào cũng bị đập gẫy.

– Trời! – Tôi kêu lên – Thế này là thế nào?

– Ý anh thì sao?

– Ai đó đã đến đây tìm kiếm cái gì đó.

– Tôi cũng cho là thế.

Tôi đảo mắt quanh phòng khe khẽ huýt một tiếng sáo và nói :

– Những kẻ quái quỷ nào… à mà này, không ai có thể đến đây và đã bới tung tất cả lên như thế này mà không bị người ta trông thấy… hoặc nghe thấy!

– Anh có tin không? Bà Leonidès suốt buổi sáng ở trong phòng để chau chuốt đôi bàn tay và nói chuyện điện thoại với các bạn. Philip vẫn ngồi lì trong thư viện với đống sách. Vú già ở trong bếp đang cạo khoai tây hoặc bóc vỏ đậu Hà Lan. Ai cũng biết rõ các tập quán của nhau… nên tôi có thể nói cho anh biết một điều rõ ràng là trong ngôi nhà này, mọi người ai cũng có thể làm cái việc cỏn con mà chúng ta bận tâm hôm nay: đó là âm mưu giăng bẫy tại xưởng giặt và khuấy đảo lộn nhào gian phòng này. Nhưng ít ra kẻ làm điều đó đã phải làm rất nhanh và không có đủ thì giờ để bình tĩnh mà lục lọi gian phòng.

– Anh bảo là “tất cả mọi người”?

– Phải. Tôi đã nắm chắc thời gian biểu của từng người. Có thể đó là Philip, là Magda, là Vú già hay là cô bạn gái của anh, không ai có thể chứng minh được cái gì cả, vậy thì chúng ta phải tùy theo những gì người ta để lộ ra cho chúng ta mà ta tự định đoạt. Đối với những người khác cũng vậy! Brenda đã qua phần lớn buổi sáng đơn độc một mình. Laurence và Eustace đã được tùy ý sử dụng trọn vẹn nửa giờ từ mười giờ rưỡi đến mười một giờ. Lúc đó anh đã đến với họ nhưng không phải toàn bộ thời gian. Bà Edith De Haviland một mình ở trong vườn và Roger ngồi một mình trong phòng ông ấy.

– Clemency, bà ta đã đi làm việc ở Luân Đôn, như mọi ngày phải không?

– Nhầm! Bà ta có thể cũng tham dự vào chuyện đó. Một cơn đau nửa đầu đã giữ bà ở lại nhà. Bà đã không nhúc nhích khỏi buồng bà. Tôi nhắc lại với anh điều tôi nói là: tất cả những người ấy đều khả nghi tuốt!… Còn việc chọn trong cả lô người ấy ra một kẻ thủ phạm thì tôi quá bất lực. Nếu ít ra tôi biết được người ta tìm kiếm cái gì… và ngộ nhỡ người ta đã tìm thấy nó!

Những tiếng nói ấy làm thức dậy trong ký ức tôi một điểm nhớ đột nhiên được xác định như một điểm nút khi Taverner hỏi tôi rằng tôi đã gặp Josephine lần cuối vào lúc nào.

– Khoan đã! – Tôi đáp.

Tôi lao ra khỏi phòng, chạy vội lên gác trên.

Một phút sau, tôi đã ở trong phòng các bồn nước. Ở đây tôi phải cúi thấp đầu vì trần nhà thấp và nghiêng. Hôm trước, khi tôi bắt gặp Josephine tại chỗ này, nó đã cho tôi biết rằng nó vừa mới thực hiện “công việc của nhà thám tử”.

Nó có thể phát hiện được gì trong cái tầng trên cùng này, nơi chẳng có gì ngoài những mạng nhện? Tôi không trông thấy gì cả. Nhưng tôi hoàn toàn nhận thấy rằng nơi đây là lý tưởng nhất để cất giấu cái gì đó. Có lẽ Josephine đã nhận thấy thế trước tôi và nó đã có thể giấu trong xó xỉnh nào đó cái gì đỏ mà nó biết rõ rằng nó không được quyền sớ hữu. Nếu đúng như thế thì cái gì đó ấy, tôi không thể không nhanh chóng tìm ra.

Tôi phải mất đúng ba phút. Sau khi đã luồn bàn tay vào sau bồn nước to nhất tôi nắm lấy và lôi ra được một cái gói nhỏ bọc giấy nâu. Đó là những bức thư.

Tôi bèn đọc lá đầu tiên.

Laurence yêu quý, anh không thể tưởng tượng được, hôm qua em đã nghe, với biết bao sung sướng thầm kín, những càu thơ mà anh đã đọc em nghe. Anh đã tránh nhìn vào em, nhưng em biết là chính em và chỉ có em mà anh đã gửi gắm lời thơ vào. Aristide đã bảo anh: “Anh là người đọc hay nhất!”, không còn gì nghi ngờ về nỗi xúc cảm của anh cũng như của em. Người yêu của em ơi, em tin chắc rằng không bao lâu nữa, mọi việc sẽ tốt đẹp và em sung sướng mà nghĩ rằng ông già ấy sẽ chết mà không hề đoán được điều gì cả, ông ấy sẽ sung sướng mà ra đi. Ông ấy đã rất tử tế đối với em nên em không muốn ông ấy đau khổ. Em cũng không tin rằng con người ta còn hưởng được mấy vui thú trên đời khi đã quá tuổi tám mươi, lứa tuổi ấy em không hề hy vọng đạt tới. Chẳng bao lâu, chúng ta sẽ thuộc về nhau, anh yêu, và thuộc về nhau mãi mãi! Đối với em thế là em sẽ sung sướng biết bao khi được gọi anh là “chồng bé bỏng yêu quý của em”… Chúng ta đã được sinh ra để cho nhau, anh yêu, và em yêu anh… em yêu anh… em yêu anh…

Có cả một chuỗi cụm từ như thế, nhưng tôi không còn thích đọc nó nữa.

Nét mặt u ám, tôi đi trở lại gặp Taverner và trao cho anh vật tôi tìm được.

– Rất có thể – Tôi bảo anh – Đây là cái mà người ta đến đây để tìm kiếm nó.

Taverner đọc vài đoạn, rồi nhìn vào mặt tôi. Vẻ mặt của anh là vẻ mặt của một con mèo vừa mới được chén no nê một trong những món kem béo ngậy nhất. Anh tuyên bố :

– Tôi có ấn tượng rằng đối với Brenda Leonidès ta có thể coi như cái kim bọc giẻ đã đến lúc phải lòi ra. Và cũng như thế đối với Laurence Brown…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.