THỨ NĂM, 26 THÁNG MƯỜI HAI
Lần đầu tiên từ khi bắt đầu cuộc độc thoại, ông già đã khiến cho Blomkvist ngạc nhiên. Anh đã phải bảo ông già nhắc lại để anh yên chí rằng anh đã không nghe lầm. Trong các báo cáo cắt dán không hề có gì nói đến một vụ án mạng.
– Đó là ngày 24 tháng 9 năm 1966, Harriet mười sáu và bắt đầu năm thứ hai trung học phổ thông. Hôm ấy là thứ Bảy và hóa ra là ngày tệ hại nhất trong đời tôi. Tôi đã sống lại các sự kiện này nhiều lần quá đến nỗi tôi nghĩ tôi có thể kể lại những gì đã xảy ra từng phút từng giây của ngày hôm ấy – trừ cái điều quan trọng nhất.
Ông giơ tay lên khua khua.
– Đó là một bữa ăn tối hàng năm chả hay ho gì. Ở đây, trong ngôi nhà này, rất đông người trong gia đình tụ họp lại. Bố tôi đã đưa truyền thống này vào gia đình và nói chung lại thường quay sang thành ra những vụ việc khá là đáng ghét. Vào những năm 80, truyền thống này chấm dứt khi Martin đơn giản tuyên bố là mọi bàn bạc về công việc đều phải làm ở các cuộc họp thường kỳ của ban lãnh đạo và bằng biểu quyết. Đó là cái quyết định hay nhất mà cậu ta từng có được.
– Ông nói rằng Harriet đã bị ám sát…
– Khoan. Để tôi nói với anh việc đã xảy ra. Đó là một thứ Bảy như tôi đã nói. Cũng là một ngày tiệc tùng liên hoan với cuộc điều hành của Ngày Trẻ con được câu lạc bộ thể thao ở Hedestad tổ chức. Hôm ấy, Harriet vào thị trấn xem diễu hành cùng vài cô bạn học. Harriet về lại đảo Heddeby đúng vào 2 giờ chiều. Bữa tối được cho là bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều và nó chờ cùng dự với đám trẻ khác ở trong dòng họ.
Vanger đứng lên, đi đến cửa sổ. Ông ra hiệu Blomkvist đến đó rồi chỉ tay.
– Lúc 2 giờ 15, sau khi Harriet về nhà được dăm ba phút, một tai nạn bi thảm đã xảy ra ở trên cầu ngoài kia. Một người đàn ông tên là Gustav Aronsson, anh của một nông dân ở Ostergarden – một tiểu chủ trên đảo Hadeby – quẹo lên cầu và đâm thẳng vào một chiếc xe chở dầu. Đúng là cả hai đều chạy quá nhanh nên lẽ ra chỉ là va chạm nhỏ thì đã thành ra thảm họa. Chắc là do bản năng, người lái xe tải đánh tay lái để tránh xe hơi nên đã húc vào lan can cầu và chiếc xe tải lộn nhào xuống; nó rơi qua cầu còn chiếc moóc vẫn treo ở bên trên cầu. Một trong những thanh lan can đập vào bồn chở dầu và dầu dễ cháy đang bị hun nóng đã trào ra. Trong khi đó, Aronsson ngồi kẹt cứng bên trong xe hơi, đau đớn la hét. Người lái xe tẹc cũng bị thương, nhưng đã cố chui ra được khỏi cabin.
Ông già quay lại ghế:
– Tai nạn chẳng có gì liên quan đến Harriet. Nhưng nó có ý nghĩa ở một khía cạnh quan trọng. Hỗn loại tiếp theo đó: người ở hai đầu cầu chạy vội đến cố cứu; nguy cơ hỏa hoạn là lớn, còi báo động vang lên. Các sĩ quan cảnh sát, xe cứu thương, các phóng viên và dân chúng hiếu kỳ vội vã nối nhau đến. tất nhiên là tất cả họ đều túm tụm lại ở bên phía đất liền; đằng này bên phía đảo, chúng tôi cố làm hết sức mình để đưa Aronsson ra khỏi chiếc xe bẹp nát, điều lại tỏ ra là khó đến đáng nguyền rủa. Ông ta bị ghim chặt ở bên trong và bị thương nặng. Chúng tôi cố bẩy ông ta ra bằng tay trần nhưng không ăn thua. Phải cưa hay cắt ông ta ra nhưng chúng tôi không dám làm cái gì có nguy cơ để tóe ra một tia lửa; chúng tôi đứng ở giữa một biển dầu bên một chiếc xe téc đang đổ nghiêng. Nếu nó nổ chúng tôi sẽ chết hết. Phải lâu mới có cứu trợ ở bên đất liền; chiếc xe tải nằm chắn ngang cầu, leo qua nó cũng chẳng khác nào trèo lên một quả bom.
Blomkvist không thể cưỡng lại nổi cái cảm giác rằng ông già đang kể một câu chuyện đã được ôn kỹ lưỡng, cốt để bắt anh phải quan tâm. Ông già là một người kể chuyện hay, đúng như thế. Mặt khác, câu chuyện dẫn đến đâu đây?
– Cái đáng kể ở vụ tai nạn là cây cầy đã bị ách tắc trong hai mươi tư giờ. Phải đến tối Chủ nhật mới bơm hết được dầu ra và rồi chiếc xe tải mới được cần cẩu trục đi, cây cầu mới mở cho giao thông qua lại. Trong vòng hai mươi tư giờ ấy, đảo Hedeby thực tế đã bị cắt rời hoàn toàn khỏi phần còn lại của thế giới. Lối đi duy nhất để qua tới đất liền là trên một tàu chữa cháy được đưa đến để chở dân từ bến cảng của tầu nhỏ ở đằng này đến bến cảng cũ ở bên dưới nhà thờ. Trong nhiều giờ chỉ có đội cấp cứu sử dụng con tàu – mãi tới khá khuya đêm thứ Bảy người dân bị kẹt trên đảo mới được phà chở qua. Anh có hiểu ý nghĩa của chuyện này không?
– Tôi cho là một cái gì đó đã xảy ra cho Harriet ở đây trên đảo, – Blomkvist nói, – và danh sách những người khả nghi là bao gồm những người bị mắc kẹt lại ở đây và con số này là có hạn.
Vanger cười châm biếm.
– Mikael, anh không biết anh đúng đến đâu đâu. Ngay cả như tôi đã đọc Dorothy Sayers 1. Đây là những sự việc: Harriet đến đảo lúc 2 giờ 10. Nếu chúng ta gộp cả trẻ con và những khách khứa chưa kết hôn lại thì tổng cộng trong ngày đã có khoảng bốn chục thành viên dòng họ đến. Cùng với những người hầu và khách qua đêm, đã có sáu mươi tư người ở đây hoặc ở gần nông trại. Một số trong đám họ – những người sẽ ở qua đêm – đang bận bịu với việc sắp xếp chỗ ăn ở trong các nông trại lân cận hay trong các phòng dành cho khách.
– Harriet trước đó sống trong một ngôi nhà ở bên kia đường, nhưng do vì cả Gottfried lẫn Isabella đều không thường xuyên ổ định nên người ta có thể thấy rõ cô bé đã buồn như thế nào, chuyện học hành của cô bé đã bị đảo lộn ra sao v.v…, vào năm 1964 khi Harriet mới mười bốn, tôi đã thu xếp cho nó dọn đến nhà tôi. Isabella chắc nghĩ rằng không phải gánh trách nhiệm với con gái thì càng hay. Harriet đã sống ở đây trong hai năm. Vậy đây là nơi cô bé đến hôm ấy. Chúng tôi biết Harriet có gặp và nói chuyện vài ba câu với Harald ở trong vườn – ông ấy là một trong những ông anh của tôi. Rồi nó lên gác, tới buồng này chào tôi. Chợt nó muốn nói với tôi về một chuyện gì đó. Lúc ấy tôi đang tiếp vài thành viên khác trong dòng họ, tôi không dành được thì giờ cho nó. Nhưng Harriet nom lo lắng và tôi hứa sẽ tới buồng nó gặp. Harriet đi ra qua cửa này và đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nó. Một phút hay muộn hơn thế thì xảy ra chuyên đâm xe trên cầu kia và sự hỗn loạn đã làm lật nhào hết cả các kế hoạch của chúng tôi cho ngày hôm ấy.
– Chị ấy chết như thế nào?
– Phức tạp hơn thế, và tôi cần nói câu chuyện theo thứ tự thời gian. Khi tai nạn xảy ra, mọi người bỏ hết mọi cái đang làm, chạy tới hiện trường. Tôi đang… tôi cho là tôi phải gánh vác và đã bận tối mắt tối mũi trong vài giờ sau đó. Harriet xuống thẳng ngay cây cầu – nhiều người trông thấy nó – nhưng sợ bị nổ tôi đã bảo bất cứ ai không dính dáng đến việc kéo Aronsson ra khỏi chiếc xe hãy lui lại xa ở đằng sau. Năm người chúng tôi ở lại. Có tôi và Harald, anh tôi. Một người tên là Magnus Nilsson, một công nhân của tôi. Một công nhân ở nhà máy cưa tên là Sixten Norlander có một ngôi nhà ở bên dưới cảng cá. Và có một cậu tên là Jerker Aronsson. Cậu này mới mười sáu và thật ra tôi nên bảo cậu ta tránh ra khỏi đó nhưng cậu ta là cháu của Gistav ở trong chiếc xe. Vào khoảng 2 giờ 40, Harriet ở trong bếp trong nhà này. Nó uống một cốc sữa và nói chuyện qua qua với Astrid, người nấu bếp của chúng tôi. Hai người nhìn qua cửa sổ ra chỗ đâm xe ở bên dưới chỗ cây cầu. Vào lúc 2 giờ 55, Harriet đi qua sân. Isabella trông thấy cháu. Chừng một phút sau cháu chạy vào nhà Otto Falk, mục sư của Hedeby. Lúc ấy nhà của mục sư là ở chỗ Martin Vanger hiện đang có ngôi biệt thự ở đó, ông mục sư sống ở phía đầu cầu bên này. Ông ta đang bị cảm nằm ôm giường khi xảy ra vụ tai nạn; ông lỡ mất tấn thảm kịch nhưng một ai đó đã gọi điện thoại cho ông và ông đang ở trên đường đi đến cây cầu. Harriet giữ ông lại và có vẻ muốn nói gì đó với ông nhưng ông xua nó đi và vội rảo bước qua, Falk là người cuối cùng trông thấy Harriet còn sống.
– Chị ấy chết như thế nào? – Blomkviet lại nói.
– Tôi không biết, – Vanger nói với một vẻ lúng túng. – Chúng tôi không đưa được Aronsson ra khỏi xe cho tới quãng 5 giờ – nhân đây phải nói thêm ông ta sống tuy không được ổn, – và vào khoảng 6 giờ mối đe dọa hỏa hoạn được coi là đã qua khỏi. Hòn đảo vẫn bị cách biệt nhưng mọi việc đã bắt đầu yên dần. Mãi đến gần 8 giờ chúng tôi mới ngồi vào bàn để ăn bữa tối, khi ấy chúng tôi mới phát hiện thấy thiếu Harriet. Tôi bảo một người trong họ đến buồng Harriet nhưng chị ta quay lại nói không thể tìm thấy Harriet. Tôi đã không nghĩ nhiều về chuyện này; tôi cho là nó ra ngoài đi dạo hay nó không được ai báo cho rằng sắp ăn bữa tối. Trong bữa ăn tôi đã phải giải quyết nhiều cuộc thảo luận và tranh cãi với gia đình. Cho nên đến tận sáng sau, khi Isabella tìm con thì chúng tôi mới nhận ra rằng không ai biết Harriet ở đâu và từ hôm trước đã không ai trông thấy nó rồi. – Vanger dang rộng hay tay ra. – Và từ hôm ấy Harriet mất tăm, không một dấu vết.
– Mất tăm? – Blomkvist nói hoạ theo.
– Trong suốt những năm qua chúng tôi đã không thể tìm ra được một chút xíu vết tích dù nhỏ nào của nó.
– Nhưng nếu chị ấy tan biến đi như ông nói thì ông cũng không thể đoan chắc rằng chị ấy bị ám sát.
– Tôi hiểu cái ý phản bác này. Tôi đã nghĩ mãi theo ngả đó. Một người tan biến đi không dấu vết thì có thể là đã xảy ra một trong bốn điều sau đây. Harriet có thể bỏ đi theo ý nó và đang ẩn náu ở một nơi nào đó. Harriet có thể bị một tai nạn rồi chết. Harriet có thể đã tự sát. Và cuối cùng, Harriet có thể là nạn nhân của một án mạng. Tôi đã cân nhắc tất cả các khả năng ấy.
– Nhưng ông tin là có người đã lấy đi mạng của Harriet. Tại sao?
– Vì đó là cái kết luận duy nhất hợp lý. – Vanger giơ một ngón tay lên. – Ban đầu tôi hy vọng Harriet đã bỏ chạy. Nhưng ngày tháng qua đi, tất cả chúng tôi nhận thấy rằng trường hợp này không phải là như thế. Tôi muốn nói là cô bé mười sáu tuổi xuất thân từ một thế giới được che chở như thế này, ngay cả cho một cô bé có khả năng đi nữa, thì làm sao mà có thể tự mình lo toan xoay sở lấy được việc đó cơ chứ? Làm sao có thể cứ ẩn náu mà không bị phát hiện ra? Nó sẽ lấy tiền ở đâu? Và cho dù có kiếm được một việc làm ở đâu đó thì cô bé vẫn cứ sẽ cần một thẻ bảo hiểm xã hội và một địa chỉ.
Ông giơ hai ngón tay lên.
– Ý nghĩ tiếp theo của tôi là Harriet đã bị một kiểu tai nạn gì đó. Anh có thể cho tôi một ưu ái không? Xin ra bàn làm việc mở ngăn kéo trên cùng. Có một tấm bản đồ trong đó.
Làm theo lời yêu cầu, Blomkvist trải tấm bản đồ lên trên bàn cà phê. Đảo Hedeby là một khối đất đai hình thù gẫy khúc dài khoảng hai dặm, rộng khoảng một dặm. Phần lớn đảo là rừng che phủ. Có một khu xây dựng ở gần cầu và quanh bến cảng có những nhà nghỉ hè nho nhỏ. Ở phía kia của đảo là trại tiểu nông, Ostergarden, nơi mà Aronsson xui xẻo đã khởi động cho chiếc xe hơi đi ra.
– Hãy nhớ rằng Harriet không thể rời đảo, – Vanger nói. – Trên đảo Hedestad này anh có thể chết vì tai nạn y như ở bất kỳ một nơi nào khác. Anh có thể bị sét đánh – nhưng hôm ấy không có giông bão. Anh có thể bị ngựa xéo chết, ngã xuống giếng, hay lăn xuống một khe đá. Chắc chắn là ở đây có đến trăm cách để trở thành nạn nhân của một tai nạn. Tôi đã nghĩ đến phần lớn các cách đó.
Ông giơ lên ba ngón tay.
– Chỉ có thể chộp lấy một cái và cái này cũng áp dụng cho khả năng thứ ba – trái với mọi chỉ dẫn là Harriet đã tự kết liễu đời mình. Xác của cháu chắc là phải ở đâu đó trong khu vực hẹp.
Vanger đấm mạnh tay xuống tấm bản đồ.
– Những ngày sau khi Harriet biến mất, chúng tôi đã tìm kiếm khắp nơi, dọc ngang trên đảo. Đàn ông lội qua từng mương rãnh, sục vào từng thửa ruộng, vách đá và cây cối trốc rễ. Chúng tôi đã đi xuyên vào từng tòa nhà, ống khói, giếng nước, nhà kho và gác xép ẩn kín.
Ông già rời mắt khỏi Blomkvist, nhìn đăm đăm vào bóng tối ở bên ngoài cửa sổ. Ông nói, giọng trầm xuống và thân mật hơn.
– Cả mùa thu tôi tìm kiếm cháu, ngay cả khi các cuộc tổ chức tìm kiếm đã ngừng và người ta đã thôi. Khi tôi không bận công việc tôi bắt đầu những chuyến đi bộ tới lui ngang dọc ở khắp trên đảo. Rồi mùa đông đến, chúng tôi vẫn không tìm thấy dấu vết gì của cháu. Mùa xuân tôi vẫn tìm cho tới khi tôi nhận thấy việc tìm kiếm này mới vớ vẩn làm sao. Mùa hè tới, tôi thuê ba người thợ rừng dầy dạn kinh nghiệm lại tìm khắp lượt môt phen nữa cùng với cả chó. Họ lục lọi từng phân vuông trên đảo. Vào lúc ấy, tôi bắt đầu nghĩ chắc là có ai đó đã giết cháu. Cho nên họ lại đi tìm một ngôi mộ. Họ làm chuyện này trong ba tháng. Chúng tôi không tìm ra một dấu vết dù nhỏ nhất nào của Harriet. Cứ tựa như cháu đã biến mất vào trong không khí.
– Tôi có thể nghĩ đến một số khả năng, – Blomkvist đánh bạo.
– Hãy nghe xem.
– Có thể chị ấy đã bị chết đuối, vì tai nạn gay vì dụng ý. Đây là một hòn đảo, và nước thì có thể che dấu phần lớn mọi thứ.
– Đúng, nhưng khả năng này không lớn. Nếu Harriet gặp phải một tai nạn rồi chết đuối thì việc đó xét về lô gíc, phải xảy ra ở đâu đó tại ngay cạnh làng. Xin nhớ là sự cố ở trên cầu bữa ấy là chuyện giật gân nhất mà trong vài thập niên nay mới xảy ra trên đảo Hedeby này. Nó không phải là lúc để cho một cô bé mười sáu tuổi, đầu óc tò mò bình thường, lại quyết định đi bộ sang phía bên kia của hòn đảo. Nhưng quan trọng hơn, ở đây không có nhiều hải lưu còn gió thì vào những dịp này trong năm không còn gió bấc hay gió đông bắc. Nếu một cái gì rơi xuống nước, nó sẽ nổi lên ở đâu đó dọc bờ biển mà trên bờ biển phía ấy thì khắp mọi nơi gần như đã được xây dựng lên hết cả rồi. Chớ nghĩ là chúng tôi chưa tính tới ngả đó. Chúng tôi đã nạo vét gần hết các chỗ có nước mà chúng tôi ngờ cháu có thể ngã xuống. Tôi cũng đã thuê đám trẻ ở câu lạc bộ lặn tại Hedeby. Họ bỏ cả mùa lặn ra cào bới đáy eo biển và dọc bờ biển. Tôi đã cầm chắc là cháu không có ở dưới nước; nếu có thì chúng tôi đã tìm thấy cháu.
– Nhưng có thể chị ấy đã gặp tai nạn ở một chỗ khác chứ? Cầu bị tắc, dĩ nhiên, nhưng đến đất liền chỉ có một đoạn ngắn. Chị ấy có thể bơi hay chèo thuyền qua.
– Đang là cuối tháng Chín, nước rất lạnh, Harriet khó mà lại dời nhà đi bơi trong lúc tất cả còn náo động như thế. Nhưng nếu thình lình nó có ý bơi sang đất liền thì nó cũng sẽ bị nhiều người chú ý đến và trông thấy. Có hàng chục con mắt ở trên cầu, còn ở dọc bờ nước bên đất liền thì đến hai ba trăm người xem vụ đâm xe.
– Một chiếc thuyền có bơi chèo thì sao?
– Không. Hôm ấy chính xác có mười ba con tàu ở đảo Hedeby. Phần lớn du thuyền đã được đem cất giữ ở trên bờ rồi. Dưới bến cảng dành cho tàu nhỏ ở gần những căn lều mùa hè thì có hai con tàu Pettersson ở dưới nước. Có bảy con thuyền bơi chèo eka, trong đó năm cái đã được kéo lên bờ biển. Ở phía dưới nhà mục sư thì một chiếc thuyền bơi chèo và một tàu động cơ. Đã kiểm tra tất cả các tàu thuyền này, chúng đang ở đâu thì vẫn ở đúng đó. Nếu Harriet có chèo thuyền qua và chạy đi thì nó đã phải để lại chiếc thuyền ở bờ bên kia rồi.
Vanger giơ bốn ngón.
– Vậy nên chỉ có một khả năng hợp lý, tức là Harriet đã không tự ý biến đi. Một ai đó đã giết nó và thủ tiêu cái xác.
Lisbeth Salander bỏ sáng Noel ra đọc quyển sách gây tranh cãi của Mikael Blomkvist về nghề viết báo tài chính Các Hiệp sĩ dòng Templar: Câu chuyện cảnh báo cho các phóng viên tài chính. Christer Malm đã có một thiết kế bìa hợp mốt với một bức ảnh Thị trường Chứng khoán Stockholm. Malm đã làm với Photoshop, và phải mất một lúc mới nhận ra là tòa cao ốc này đang bồng bềnh trong không. Đó là một bìa sách gây ấn tượng, cho thấy được giọng văn bên trong.
Salander có thể thấy Blomkvist là một cây bút giỏi. Quyển sách đã được trình bày với một cách viết thẳng thắn, nhập cuộc, ngay những người không hiểu biết chút nào về cái mê cung của nghề báo tài chính đọc nó cũng có thể học được một điều gì đó. Giọng văn sắc nhọn, châm biếm nhưng trên hết là thuyết phục.
Chương đầu là một thứ tuyên chiến trong đó Blomkvist không dè xẻn lời. Trong hai chục năm qua, các nhà báo tài chính Thụy Điển đã phát triển thành một nhóm hay sai bất tài phồng mang lên vì tự coi mình là quan trọng nhưng không hề có thành tích về tư duy phê phán nào. Anh rút ra kết luận này vì ngày lại ngày, không có lấy một chút phản bác, quá nhiều phóng viên tài chính hình như đã bằng lòng nhai lại những tuyên bố mà các CEO hay đám đầu cơ thị trường chứng khoán đưa ra – ngay cả khi thông tin này sai lệch và rõ là làm cho lạc hướng. Như thế các phóng viên này hoặc là đã quá ngây thơ và khờ đến nỗi bị buộc phải nhảy vào nhiệm vụ khác hoặc họ là những người có ý thức phản bội lại chức năng nhà báo. Blomkvist nói anh thường xấu hổ vì được gọi là một phóng viên tài chính do đó anh có cơ hội bị nhét chung vào một rọ với những người mà anh không đánh giá là phóng viên chút nào cả.
Anh so sánh những cố gắng của các nhà báo tài chính với cách mà các phóng viên vụ án hay phóng viên đối ngoại làm việc. Anh vẽ nên một bức tranh về sự la ó sẽ xảy ra nếu như trong một phiên tòa xét xử một vụ án mạng, một phóng viên pháp lý bắt đầu bàng quan giới thiệu việc xử của công tố viên là nguyên tắc chỉ đạo, không tham vấn luận cứ của bên bị hay không phỏng vấn gia đình nạn nhân mà đã vội cho ra một ý kiến về điều có khả năng xảy ra hay không có khả năng xảy ra. Theo Blomkvist, các phóng viên tài chính cũng cần phải áp dụng các quy tắc tương tự.
Phần còn lại của quyển sách là một chuỗi bằng chứng ủng hộ trường hợp của anh. Một chương dài đã xem xét việc tường thuật một vụ “.com” nổi tiếng ở trên sáu tờ báo hàng ngày cũng như các tờ Financila Journal, Dangens Industri và “A-ekhôngnomi”, thông tin về kinh doanh trên truyền hình Thụy Điển. Trước hết anh trích dẫn và tóm tắt những cái mà các phóng viên đã nói và viết. Rồi anh so sánh chúng với tình hình thực tại. Trong khi miêu tả sự phát triển của công ty anh lần lượt nêu lên các câu hỏi đơn giản mà một phóng viên nghiêm túc sẽ phải hỏi nhưng đã bị toàn bộ tập đoàn phóng viên tài chính bỏ qua. Đó là một nước đi hay.
Một chương khác nói về việc phát hành cổ phiếu lần đầu của Telia – đây là đoạn vui nhộn và chế diễu nhất trong quyển sách, trong đó một vài cây bút tài chính đã bị chỉ trích tận tên, gồm William Borg, người mà xem vẻ anh đặc biệt thù nghịch. Một chương gần cuối sách so sánh trình độ năng lực của các phóng viên tài chính Thụy Điển với nước ngoài. Anh tả các phóng viên nghiêm túc ở tờ Financial Times, Economist của London và một số tờ báo tài chính Đức tường thuật các chủ đề tương tự ở trong nước họ như thế nào. So sánh không hay cho các nhà báo Thụy Điển. Chương cuối cùng mang một phác thảo với gợi ý về việc làm thế nào để có thể chữa cháy tình hình thảm hại này. Kết của quyển sách gợi lại phần mở đầu:
Nếu một phóng viên nghị viện làm nhiệm vụ của mình bằng cách không phê phán mà lại dọn đường yểm hộ cho mọi quyết định mà nhất định phải được thông qua, bất chấp chúng nhố nhăng ra sao – hay nếu một phóng viên chính trị cho thấy cũng thiếu một phán xét tương tự – thì phóng viên đó phải bị sa thải hay bị chuyển đến một bộ phận khác, nơi mà ở đó anh (hay chị) ta không thể gây ra nhiều tổn hại đến thế. Nhưng trong giới tường thuật tài chính, xem ra đã không có áp dụng việc ủy thác cho báo chí bình thường tiến hành các cuộc điều tra có phê phán cũng như thông báo khách quan các phát hiện cho bạn đọc. Thay vì lại vỗ tay một cha vô lại là thành công nhất. Bằng cách đó, người ta đang tạo nên tương lai của Thụy Điển, và cũng làm cho tất cả lòng tin còn lại gửi gắm vào các nhà báo như là một tập đoàn những nhà chuyên nghiệp bị tổn thương.
Salander dễ dàng hiểu được cuộc tranh cãi sôi nổi tiếp theo ở ấn phẩm The Journalist, một số tờ báo tài chính và ở trên các trang nhất cũng như ở các khu vực dành cho kinh doanh trên các báo hàng ngày. Tuy chỉ có một ít phóng viên bị nêu tên trong quyển sách, Salander cũng suy ra được rằng do lĩnh vực báo chí khá nhỏ bé nên khi trích dẫn ra nhiều tờ báo khác nhau thì ai cũng có thể biết chính xác cá nhân nào đã bị nhắc đến. Blomkvist đã tạo ra cho mình một số kẻ thù dai dẳng, điều này cũng đã được phản ánh ở trong nhiều bình luận tai ác với phiên tòa xét xử vụ Wennerstrom.
Cô gấp quyển sách lại và nhìn tấm ảnh ở bìa sau. Tựa hồ bị gió cuốn, mớ tóc vàng sẫm bù xù của Blomkvist rơi trễ nải xuống ngang trán. Hay (và điều này có nhiều phần đúng hơn) tựa hồ Christer Malm đã đạo diễn cho anh cái nét đó. Anh nhìn vào máy ảnh, nụ cười hơi chế nhạo, vẻ mặt thì có lẽ đang nhắm làm cho ra dáng hấp dẫn và trẻ trung. Một người đàn ông rất dễ coi. Sắp trải qua ba tháng trong tù.
– Hello Blomkvist, – cô nói với mình. – Anh đang khá là hài lòng về anh đấy, có đúng là thế không?
Vào lúc ăn trưa, Salander khởi động iBook, mở Eudora để viết một email. Cô gõ: “Có thì giờ chưa?”. Cô ký Ong vò vẽ, gửi đến địa chỉ <Dịch bệ
[email protected]>. Để cho an toàn, cô cho bức thư chạy qua chương trình mật hóa PGP.
Rồi cô mặc cái quần jean đen, đôi bốt mùa đông to kềnh, sơ mi polo ấm, jacket màu đậu Hà Lan thẫm và găng tay dệt kim xứng màu, mũ lưỡi trai, khăn quàng. Cô tháo vòng ra khỏi mí mắt và mũi, thoa một chút son môi hồng nhạt rồi tự ngắm ở gương trong buồng tắm. Cô nom như một cô gái khác cuối tuần ra ngoài đi nhảo và cô nhìn bộ đồ của mình như là món ngụy trang thích hợp cho một chuyến đi sâu vào hậu tuyến địch. Cô đáp tàu điện ngầm từ Zinkensdam đến Ostermalmstorg rồi đi bộ xuống đến Strandvagen. Cô thong dong đi dọc khu bảo tồn trung tâm đọc các chữ số trên các tòa nhà. Gần như sắp tới cầu Djurgards thì cô dừng lại nhìn vào cái cửa cô đang tìm. Cô đi qua phố và chờ ở cánh cửa mấy bước chân. Cô để ý thấy trong thời tiết lạnh của hôm sau Noel phần lớn những người ngoài ra đi bộ thường là đi dọc ke; chỉ có một số ít đi ở trên phía lát đá.
Cô chờ gần nửa giờ thì từ phía Djurgarden một bà già chống gậy đi đến. Bà già dừng lại, nghi ngờ nhìn Salander. Salander mỉm cười thân thiện đáp lại. Bà già chống gậy chào cô và nom có vẻ như đang cố nhớ lại xem bà nhìn thấy cô gái trẻ này lần cuối cùng là khi nào. Salander quay lại đi vài bước xa khỏi cửa, và tới lui quanh quẩn tựa như đang sốt ruột chờ một ai đó. Khi cô quay lại, bà già đã đến trước cửa, bấm một con số vào bảng mã khóa. Salander không khó nhận ra đó là con số 1260.
Cô chờ thêm năm phút rồi đến trước cái cửa. Cô ấn vào mã và khóa kêu đánh cách. Cô ngó vào lòng giếng cầu thang. Có một camera an ninh mà cô liếc vào nhưng không biết; đó là cái mô đen mà An ninh Milton thực hiện và chỉ được kích hoạt nếu tín hiệu báo động bị đột nhập hay công kích vang lên ở trong tòa nhà. Sâu vào trong nữa, ở bên trái một buồng thang máy kiểu cổ có một cánh cửa với một mã khóa khác; cô thử con số 1260, nó chạy và mở ra lối vào tầng hầm rượu cùng với buồng để các thứ tạp nham. Ẩu, rất ẩu. Để ba phút thăm dò tầng hầm rượu, cô thấy một phòng giặt không khóa và một phòng sửa chữa phục hồi các thứ hư hỏng. Rồi cô dùng một bộ đồ nạy mở khóa cô “mượn” của người thợ khóa của An ninh Milton để mở cái cửa dẫn đến nơi có vẻ là phòng họp của ban quản lý chung cư. Ở đằng sau hầm rượu là phòng dành cho các thú chơi riêng của cá nhân. Cuối cùng cô thấy cái mà cô mải tìm: buồng điện nho nhỏ của tòa nhà. Cô xem xét các thước đo, các hộp cầu chì, các hộp kết nối rồi lấy ra một máy ảnh kỹ thuật số Canon to bằng bao thuốc lá. Cô chụp ba bức ảnh.
Trên đường ra cô để mắt vào danh sách những người sống ở đây gắn bên cạnh thang máy và đọc thấy tên của căn hộ ở trên tầng thượng cùng: Wennerstrom.
Cô rời tòa nhà, rảo bước tới Viện bảo tàng Quốc gia, vào một quán cà phê để uống chút cà phê cho ấm người. Nửa giờ sau, cô đi về Soder và lên căn hộ của mình.
Chú thích
1. Dorothy Sayers (1893-1957): Nhà văn người Anh chuyên viết về đề tài trinh thám, hình sự. Ngoài ra, bà còn là nhà thơ, nhà viết kịch, dịch giả. – chú thích của tác giả