THỨ NĂM, 9 THÁNG GIÊNG
THỨ SÁU, 31 THÁNG GIÊNG
Theo tờ Hedestad Courier, cái tháng đầu tiên Blomkvist tới vùng đồng quê cũng là tháng rét nhất theo mọi người còn nhớ hay (như Vanger báo với anh) ít nhất từ mùa đông thời chiến tranh năm 1942. Sau một tuần ở Hedeby anh đã học được phải mặc quần áo nịt dài, bít tất len và áo sơ mi kép ở trong như thế nào.
Anh đã có mấy ngày thê thảm vào giữa tháng khi nhiệt độ tụt xuống âm 35 độ F. Anh chưa từng trải qua như thế bao giờ, ngay cả những năm anh sống ở Kiruna tại Lapland làm nghĩa vụ quân sự.
Một sáng, ống nước bị đóng băng. Nilsson cho anh hai thùng nước to bằng chất dẻo để đun nấu và rửa ráy nhưng cái rét đã làm cho tê cóng tất cả lại. Những bông hoa băng hiện lên trên ô cửa kính và bất kể bao nhiêu gỗ vào lò, anh vẫn cứ rét. Anh bỏ ra nhiều thì giờ bổ củi ở cái lán cạnh nhà.
Đôi lúc anh đã toan khóc và đùa với ý nghĩ bắt đầu chuyến tàu đầu tiên về nam. Thay vì anh lại mặc thêm áo len và quấn một cái chăn khi ngồi vào bàn bếp, uống cà phê và đọc các báo cáo của cảnh sát.
Rồi thời tiết cũng thay đổi, nhiệt độ vọt lên 14 độ F.
Mikael đang bắt đầu làm quen với mọi người ở Hedeby. Martin Vanger giữ lời hứa, mời anh một bữa bít tết nai sừng tấm. Bà bạn gái của Martin cũng đến ăn tối với họ. Eva là một phụ nữ đầm ấm, chan hòa và vui vẻ. Blomkvist thấy bà hấp dẫn lạ thường. Bà là một phụ nữ có nhan sắc, sống ở Hedestad nhưng qua những ngày cuối tuần ở nhà Martin. Dần dần Blomkvist biết hai người đã gặp gỡ nhau đã nhiều năm nhưng chỉ đến khi ở tuổi trung niên thì họ mới đi ra ngoài cùng nhau. Rõ ràng họ không thấy lý do gì khiến cho phải kết hôn.
– Bà ấy là bác sĩ thực sự của tôi. – Martin cười to và nói.
– Mà vào cái nhà điên điên khùng khùng này để lấy chồng thì thật sự không phải điều tôi mong. – Eva nói, vỗ vỗ Martin đang âu yếm quỳ bên.
Biệt thự của Martin Vanger bày đồ nội thất đen, trắng và mạ kền. Có những miếng mẫu thiết kế đắt tiền có thể làm cho Christer Malm sành sỏi khoái trá. Trong phòng sinh hoạt, có một dàn máy nghe stereo siêu cấp với một bộ sưu tập ghê gớm những đĩa jazz từ Tommy Dorsey đến John Coltrane. Martin Vanger có tiền, nhà của anh vừa sang lại vừa hữu dụng. Nó cũng không mang hơi hướng cá nhân. Các tranh nghệ thuật trên tường là các bản sao hay tranh quảng cáo, kiểu thường tìm thấy ở IKEA. Các giá sách, ít ra ở chỗ mà Blomkvist trông thấy ở đây, để một bộ bách khoa toàn thư Thụy Điển và một số sách ở bàn cà phê có thể là quà tặng Noel, vì chắc người ta chẳng biết tặng món gì hay hơn. Tóm lại, anh có thể nhận ra hai phương diện cá nhân trong đời sống Martin: âm nhạc và nấu nướng. Máy quay đĩa 3000 vòng một phút hay hơn thế của anh ta nói hộ cho cái nhận xét thứ hai là có thể suy ra từ cái bụng xệ của Martin.
Bản thân con người này là một pha trộn của giản dị, hiểu biết và hòa nhã. Không cần có tài phân tích đủ kết luận rằng vị CEO của tập đoàn là một người có vấn đề. Nghe Đêm Tunisia nhưng chuyện của họ lại dành cho Tập đoàn Vanger và Martin chả giấu diếm gì rằng công ty đang phải chiến đấu để sống sót. Anh chắc biết khách của anh là một phóng viên tài chính, anh ít biết tiếng, nhưng anh công khai bàn các vấn đề nội bộ đến mức như có vẻ bất cần. Chắc anh cho rằng Blomkvist là người trong gia đình do chỗ của anh ta làm việc cho ông chú vĩ đại của anh ta, và giống như vị CEO trước, Martin chấp nhận quan điểm cho rằng tình hình công ty như hiện nay thì chỉ các thành viên gia đình đáng phải chịu quở trách. Mặt khác, anh gần như có vẻ thú vị với căn bệnh rồ dại không thể chữa trị của gia đình. Eva gật đầu nhưng không đưa ra phán xét nào. Rõ ràng trước đó họ đã có cùng một lập trường giống nhau.
Martin chấp nhận chuyện mướn Blomkvist để viết biên niên của gia đình; anh hỏi công việc tiến hành ra sao, Blomkvist mỉm cười nói với anh khó khăn nhất là nhớ tên các thành viên họ hàng. Anh hỏi liệu có thể trở lại để phỏng vấn đúng như đã quy định không. Hai lần anh quay câu chuyện sang nỗi ám ảnh của ông già về việc Harriet mất tích. Henrik chắc đã quấy nhiễu ông anh của Harriet bằng những lý luận của mình và Martin chắc phải nhận ra rằng nếu Blomkvist viết về nhà Vanger thì không thể nào lại không biết chuyện một thành viên gia đình đã biến mất trong hoàn cảnh thật bi thảm. Nhưng không thấy dấu hiệu Martin muốn bàn đến vấn đề này.
Sau vài chầu vodka, buổi tối kết thúc vào lúc 2 giờ sáng. Blomkvist khá chuếnh choáng khi ngật ngưỡng qua ba trăm mét đến nhà khách. Đây là một buổi tối vui.
Một buổi chiều trong tuần thứ hai Blomkvist ở Hedeby, có tiếng gõ cửa. Anh gạt tập hồ sơ báo cáo của cảnh sát anh vừa mở sang bên – cặp thứ sáu trong cả loạt – đóng cửa phòng làm việc lại rồi ra mở cửa bên ngoài cho một phụ nữ tóc vàng quấn kín mít để chống rét.
– Chào, tôi chỉ nghĩ là đến chào. Tôi là Cecilia Vanger.
Họ bắt tay nhau và anh mang tách cà phê ra. Con gái của Harald Vanger, Cecilia có vẻ là một phụ nữ cởi mở, cuốn hút. Blomkvist nhớ lại Henrik đã nói về chị với giọng tán thưởng; ông cũng nói hai bố con nhà này tuy là hàng xóm mà không hợp nhau. Họ cà kê một lúc rồi Cecilia nói lý do vì sao đến.
– Tôi biết anh đang viết một quyển sách về gia đình. – Chị nói. – Chắc chắn là tôi không quan tâm đến việc đó. Tôi chỉ muốn xem anh là như thế nào.
– À vâng, Henrik Vanger mướn tôi. Đây là chuyện của ông ấy, hãy cứ coi là như thế.
– Và đối với gia đình thì đúng là thái độ của chú Henrik hiền lành của chúng tôi không được trung lập.
Blomkvist xem xét Cecilia, không biết chị đang muốn nhằm tới điều gì.
– Chị phản đối viết một quyển sách về gia đình Vanger?
– Tôi không nói như thế. Và tôi nghĩ thế nào thì điều ấy thật sự không quan trọng. Nhưng bây giờ chắc anh cũng đã nhận thấy là làm thành viên của gia đình này không phải đều luôn luôn suôn sẻ.
Blomkvist không hiểu Henrik đã nói gì về mình hay Cecilia đã biết đến đâu về công việc của anh. Anh chìa hai tay ra.
– Tôi được chú chị mướn để viết một biên niên của gia đình. Ông ấy có một vài nhìn nhận rất sinh động về các thành viên gia đình nhưng tôi chỉ được cho biết những gì có thể lấy ra làm tư liệu.
Cecilia cười nhạt.
– Điều tôi muốn biết là khi quyển sách ra mắt thì liệu tôi có phải sống lưu đày hay di cư không thôi.
– Tôi không mong đợi thế. – Blomkvist nói. – Người ta sẽ phân biệt được dê với cừu.
– Như bố tôi chẳng hạn.
– Bố chị, một đảng viên Quốc xã nổi tiếng ấy ư?
Cecilia Vanger tròn xoe mắt lên.
– Bố tôi điên mà. Mỗi năm tôi chỉ gặp ông ấy vài lần.
– Tại sao chị không muốn gặp ông ấy?
– Khoan – trước khi anh hỏi một lô một lốc… Anh có định trích dẫn bất cứ cái gì tôi nói không đấy? Hay tôi có thể nói chuyện bình thường được với anh không đây?
– Việc của tôi là viết một quyển sách mở đầu bằng việc Alexandre Vangeersad đến Thụy Điển cùng với Bernadotte rồi đi lên cho đến tận nay. Nó nói về đế chế thương mại này qua nhiều thập niên nhưng nó cũng bàn đến chuyện tại sao đế chế hiện tại đang lâm vào cảnh khó và nó sẽ đụng chạm đến sự thù oán vẫn có ở trong gia đình. Với cái nhìn tổng quát như thế e khó tránh được việc sẽ có một vài mảnh giẻ bẩn thỉu nổi lên trên mặt nước. Nhưng như thế không có nghĩa là tôi sắp bắt tay giới thiệu chân dung nham hiểm cả một ai. Chẳng hạn tôi đã gặp Martin Vanger; tôi thấy anh ấy là một con người rất dễ mến và tôi sẽ miêu tả anh ấy dễ mến như vậy.
Cecilia Vanger không đáp.
– Về chị, tôi biết chị là giáo viên…
– Thật ra còn tồi hơn cơ đấy – tôi là hiệu trưởng trường dự bị Hedestad.
– Tôi xin lỗi. Tôi biết chú chị yêu quý chị, chị đã kết hôn nhưng li thân… và đến nay thì… hãy biết đến chừng ấy. Vậy xin cứ đi tiếp, cứ nói với tôi và không sợ bị trích bị dẫn gì cả. Chắc chắn không lâu sẽ có một ngày tôi đến gõ cửa nhà chị. Lúc ấy sẽ là một phỏng vấn chính thức, và chị có thể chọn xem có muốn trả lời các câu hỏi của tôi hay không.
– Vậy thỉnh thoảng tôi có thể nói chuyện với anh… không có ghi chép, như họ nói chứ?
– Dĩ nhiên.
– Lần này cũng là không ghi chép?
– Dĩ nhiên. Gì thì đây cũng là một cuộc thăm viếng xã giao.
– OK. Vậy tôi có thể hỏi chút chứ?
– Xin cứ việc.
– Quyển sách này nói đến Harriet mất tích nhiều tới đâu?
Blomkvist cắn môi và cố sức trả lời thoải mái.
– Thật thà là tôi chưa có ý gì. Có thể là đầy một chương, Đây là một sự kiện bi thảm đã phủ bóng tối lên một nửa đời của ông chú chị, ít nhất là như thế.
– Nhưng anh đến đây chẳng phải là để rọi vào câu chuyện mất tích hay sao?
– Điều gì khiến chị nghĩ ra thành thế?
– À, việc Nilsson chở bốn cái thùng to tướng đến đây. Cái đó có thể là những tư liệu điều tra riêng của chú Henrik trong nhiều năm. Tôi nhìn vào phòng cũ của Harriet, nơi Henrik để chúng thì không còn thấy nữa.
Cecilia không phải dân u ơ.
– Nhưng vấn đề này chỉ nên hỏi Henrik chứ không phải với tôi. – Blomkvist nói. Nhưng biết là Henrik đã nói nhiều đến việc Harriet mất tích thì chị cũng không có gì ngạc nhiên mà, tôi nghĩ sẽ thú vị nếu đọc hết những cái thu thập được ở các thùng đó.
Cecilia lại mỉm cười nhạt nhẽo.
– Đôi khi tôi nghĩ không biết bố tôi hay chú tôi ai điên hơn ai. Tôi chắc đã nghe ông già nói có đến nghìn lần việc Harriet mất tích rồi…
– Chị nghĩ chuyện gì đã xảy ra với chị ấy?
– Là một câu phỏng vấn chăng?
– Không, – anh bật cười nói. – Tôi chỉ là tò mò.
– Tôi thắc mắc là liệu anh có phải là một dân ngố hay không. Hoặc là anh nuốt trôi những điều Henrik tin hoặc anh là một tay xúi giục ông già làm chuyện đó.
– Chị nghĩ Henrik ngố sao?
– Chớ hiểu lầm tôi. Ông già là người nồng nhiệt nhất, có đầu óc nhất mà tôi được biết. Tôi rất yêu ông già. Nhưng ông già bị cái đề tài cá biệt này nó ám.
– Nhưng Harriet bị mất tích thật kia mà.
– Tôi cũng đau buồn lắm. Nó đầu độc cuộc sống của chúng tôi hàng chục năm rồi mà vẫn chưa thôi. – Cecilia đột ngột đứng lên mặc áo khoác bằng lông vào. – Tôi phải đi. Anh xem vẻ cũng thuộc loại hấp dẫn đấy. Martin cũng nghĩ như thế nhưng xét đoán của Martin không phải luôn luôn là đáng tin cậy. Bất cứ lúc nào anh thích đến tôi uống cà phê, đều được hoan nghênh. Gần như tối nào tôi cũng ở nhà.
– Cảm ơn chị, – Blomkvist nói. Chị chưa trả lời cái câu không phải là câu phỏng vấn kia đấy nhé.
Cecilia dừng lại ở cửa, không nhìn anh, đáp lại.
– Tôi không biết gì cả. Tôi nghĩ đây là một tai nạn mà ngộ nhỡ có tìm ra thì chúng ta đều sẽ sửng sốt vì sao lời giải của nó lại đơn giản đến thế cơ chứ.
Chị quay lại mỉm cười với anh – lần đầu tiên nồng ấm. Rồi đi.
Nếu đây là lần đầu tiên với Cecilia mà dễ chịu thì không thể nói như thế về lần đầu tiên anh gặp Isabella. Mẹ của Harriet hoàn toàn đúng như Henrik đã cảnh báo anh: bà tỏ ra là một phụ nữ trang nhã khiến anh thoáng nhớ đến Lauren Bacall 1. Bà mảnh mai, mặc áo măng tô lông cừu Ba Tư màu đen, với mũ trùm đầu phù hợp và bà chống một cây can đen như cái sáng hôm anh đi đến Susanne mà đâm quàng phải bà. Bà nom giống một mụ chuyên chài đàn ông đang về già – vẫn đẹp đến ngạc nhiên nhưng độc như một con rắn. Isabella rõ ràng là đang trên đường về nhà sau khi đi dạo. Bà gọi anh ở một ngã tư.
– Xin chào, đây đây, chàng trai kia. Lại đây.
Khó lầm được với cái giọng sai bảo này. Blomkvist nhìn quanh rồi kết luận mình là người được vời đến. Anh làm theo.
– Tôi là Isabella Vanger. – Bà nói.
– Chào bà, tôi là Mikael Blomkvist. – Anh chìa tay ra nhưng bà lờ đi.
– Anh là người đang rình mò chuyện nhà chúng tôi đấy phải không?
– À, nếu bà muốn nói tôi là người mà Henrik đã đưa vào hợp đồng để giúp ông ấy làm quyển sách về gia đình Vanger thì vâng, tôi đây.
– Chuyện đó không phải là việc của anh.
– Việc gì? Việc Henrik Vanger cho tôi một hợp đồng hay việc tôi nhận nó?
– Anh thừa biết tôi nói cái gì. Tôi không quan tâm đến những người đến chọc bới lăng nhăng vào đời tôi.
– Tôi không chọc bới lăng nhăng vào đời bà. Ngoài ra có việc gì xin bà bàn với Henrik.
Isabella giơ gậy lên rồi ấn đầu gậy vào ngực Blomkvist. Bà không lấy nhiều sức nhưng anh đã phải lùi lại một bước vì giật mình.
– Cứ ở đâu cho khuất mắt tôi, – bà nói rồi quay gót và loạng choạng về nhà.
Blomkvist đứng như trời trồng, nom như một người vừa gặp đúng ở trong đời thật một nhân vật truyện tranh. Nhìn lên anh thấy Henrik đang đứng bên cửa sổ văn phòng ông, tay cầm một cái ly, ông nâng nó như gửi tới một lời chào chế nhạo.
Chuyến ngao du duy nhất mà Blomkvist làm trong tháng đầu tiên là lái xe đến một cái vịnh trên hồ Siljan. Anh mượn chiếc Mercedes của Frode và lái qua một cảnh tuyết để dành một buổi chiều với viên cảnh sát điều tra Morell. Trong khi đọc các báo cáo của cảnh sát, Blomkvist đã cố hình thành một ấn tượng về Morell. Điều mà anh nhận thấy là một ông già sắt đanh, cử động nhẹ nhàng và nói năng còn chậm chạp hơn. Blomkvist mang theo sổ tay với mười câu hỏi, phần lớn là các ý anh đã thu nhặt được trong khi đọc báo cáo của cảnh sát. Theo kiểu các ông giáo, Morell trả lời từng câu hỏi. Cuối cùng Blomkvist cất sổ tay đi, rồi giải thích rằng các câu hỏi chỉ là cái cớ để gặp nhau. Điều anh thực sự mong muốn là tán chuyện với ông và hỏi ông một câu hỏi chủ yếu: trong cuộc điều tra có điều duy nhất nào mà đã không được đưa vào trong bản báo cáo viết thành văn không? Thậm chí bất cứ linh cảm nào đó mà ông có thể chia sẻ với anh không?
Vì Morell, giống Vanger, suy nghĩ về bí mật này ròng rã đã ba mươi sáu năm trời nên Blomkvist đã chờ đợi ông già sẽ có chút nào đó cưỡng lại – anh là người mới vào cuộc và bắt đầu dò dẫm loanh quanh trong cái bụi rậm mà Morell đã bị lạc ở đó. Nhưng không có một chút mảy may thù nghịch nào. Morell khoan thai nạp thuốc lá vào tẩu, châm nó lên rồi mới trả lời.
– À được, rõ là tôi có ý kiến của riêng tôi chứ. Nhưng tôi chưa nói ra được thành lời vì chúng còn mơ hồ quá, chập chờn quá.
– Theo ông thì đã xảy ra chuyện gì?
– Tôi nghĩ là Harriet đã bị giết. Henrik và tôi nhất trí với nhau ở điểm này. Đấy là giải thích duy nhất hợp lý. Nhưng chúng tôi không tìm ra được động cơ là gì. Tôi chỉ nghĩ cô ấy bị giết là vì một lý do rất đặc biệt – đây không phải là một hành vi điên rồ hay hãm hiếp hay bất cứ một cái gì đại loại. Nếu chúng tôi biết được động cơ thì chúng tôi đã biết ai là kẻ đã giết cô ấy. – Morell ngừng lại nghĩ một lúc. – Việc một ai đó đã chớp lấy cơ hội, cơ hội này tự nó bày ra lúc mới xảy ra vụ đâm xe và người đi lại láo nháo. Tên giết người đã giấu cái xác rồi sau đó mang nó đi trong khi chúng tôi thì mải tìm kiếm cô ấy.
– Chúng ta có thể là nói đến một ai đó có thần kinh bằng thép.
– Có một chi tiết… Harriet đến buồng Henrik, muốn nói với ông ấy. Sau này nghĩ lại thì tôi thấy việc này có vẻ lạ – cô ấy biết ông ấy đang có đầy họ hàng phải tiếp đang xúm xít ở quanh. Tôi nghĩ Harriet sống sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng cho một người nào đó, cô ấy sắp nói với Henrik một cái gì thì tên giết người biết là cô sắp sửa…, ừ, cho lộ thông tin ra.
– Còn Henrik thì mải bận với nhiều thành viên trong gia đình.
– Có bốn người ở trong phòng, không kể Henrik. Greger, anh ông, một anh em họ tên là Magnus Sjogren và Birger cùng Cecilia, hai người con của Harald. Nhưng điều đó không nói lên với chúng ta điều gì hết. Hãy giả định là Harriet phát hiện ra một ai đó đã cuỗm tiền của công ty – dĩ nhiên là giả thiết thế thôi. Chuyện này có lẽ cô ta đã biết cả mấy tháng rồi và có thể ở một mức độ nào đó cô ta đã bàn việc này với người liên quan. Có thể cô ấy đã thử bắt chẹt người ấy hay cảm thấy tiếc cho người ấy và cảm thấy không tiện vạch vòi người ấy ra. Thình lình cô ấy đã quyết định nói chuyện đó với tên giết người và trong lúc tuyệt vọng hắn liền giết cô ấy.
– Ông nói “hắn” hay “cô” đấy nhỉ?
– Sách nói phần lớn kẻ sát nhân là đàn ông. Nhưng trong gia đình Vanger, nhiều phụ nữ đã xúi châm ngòi cũng là điều có thật.
– Tôi đã gặp Isabella.
– Là một trong số đó. Nhưng còn những người khác, Cecilia Vanger có thể là cay độc cực kỳ đấy. Anh có gặp Sara Sjogren chứ?
Blomkvist lắc đầu.
– Cô ấy là con của Sofia Vanger, một trong những chị em họ của Henrik. Nói tới cô ta là chúng ta nói đến một phu nhân thật sự khó chịu, thiếu suy nghĩ. Nhưng cô ấy sống ở Malmo, và ở mức độ mà tôi có thể chắc chắn thì cô ấy không có động cơ để giết Harriet.
– Vậy cô ấy ra khỏi danh sách được?
– Cái chính là bất kể chúng ta có xoay dọc xoay ngang thế nào thì cũng không tìm ra được động cơ. Điều quan trọng nằm ở đấy.
– Ông đã bỏ nhiều công sức vào vụ này. Có một đầu mối nào mà ông nhớ là đã không lần theo nó không?
Morell lặng lẽ cười.
– Không. Tôi đã bỏ không biết bao nhiêu thời gian vào vụ này, tôi cũng nhớ là cho đến khúc kết dẫu cay đắng và vô hiệu quả tôi cũng chưa từng bỏ qua một dấu hiệu gì. Ngay cả sau khi tôi được đề bạt và chuyển đi khỏi Hedestad.
– Chuyển đi?
– Tôi không phải gốc Hedestad. Tôi phục vụ ở đấy từ năm 1963 đến năm 1968. Sau đó tôi được thăng chức sĩ quan và chuyển đến sở cảnh sát Gavle cho đến lúc về hưu. Ngay ở Galve, tôi vẫn tiếp tục đào bới vụ án.
– Tôi không cho rằng Henrik đã buông.
– Đúng thế, nhưng với tôi lý do không phải ở đấy. Bài đố nan giải của vụ Harriet vẫn mê hoặc tôi cho đến hôm nay. Ý tôi nói là nó giống như thế này: cảnh sát điều tra nào cũng đều có một bí mật chưa được giải quyết. Tôi nhớ những ngày tôi còn ở Hedestad, các đồng nghiệp lớn tuổi đã nói ở trong căng tin đến vụ Rebecka như thế nào. Đặc biệt có một sĩ quan, ông ta tên là Tostensson – chết đã nhiều năm rồi – hết năm này đến năm khác cứ quay lại cái vụ ấy. Lúc rỗi rãi hay ngày nghỉ lễ, bất cứ khi nào yên được với đám lưu manh địa phương, ông ấy lại đem các hồ sơ kia ra nghiên cứu.
– Cũng là vụ một cô gái mất tích chứ?
Morell nom ngạc nhiên. Rồi ông cười khi nhận ra Blomkvist đang tìm một kiểu liên quan nào đó.
– Không, đó không phải là điều tôi muốn nói. Tôi muốn nói đến tâm hồn của một người cảnh sát. Vụ Rebecka xảy ra trước cả khi Harriet ra đời và đã hết thời hiệu. Giữa những năm 40, vào một lúc nào đó một người phụ nữ đã bị tấn công, bị hiếp và bị giết chết ở Hedestad. Việc đó gần như là bình thường. Vào một lúc nào đó trong nghề nghiệp, mỗi sĩ quan cảnh sát đều phải điều tra loại tội ác này. Nhưng điều tôi muốn nói đây là những vụ ngay đang trong điều tra đã bấu chặt vào anh, ăn vào xương tuỷ anh. Cô gái đã bị giết tàn bạo nhất. Tên giết người trói cô và đập đầu cô vào than hồng trong lò sưởi. Người ta chỉ có thể đoán cô gái đã phải mất bao lâu để chết, cô đã phải chịu đựng sự hành hạ như thế nào.
– Lạy Chúa.
– Đúng. Bạo dâm quá đỗi. Sau khi tìm thấy cô gái, ông Torstensson tội nghiệp là cảnh sát đầu tiên tại hiện trường. Và cứ chưa tìm được tên giết người, cho dù mời cả các chuyên gia ở Stockholm đến, Torstensson không bao giờ dứt nổi được cái vụ này.
– Tôi có thể hiểu được chuyện đó.
– Vụ Rebecka của tôi là Harriet. Trong trường hợp này cô ấy chết ra sao chúng tôi cũng không biết. Thậm chí chúng tôi cũng không thể chứng minh được rằng đã có một vụ án mạng. Nhưng tôi không bao giờ buông nó được. – Ông ngừng lại nghĩ một lúc. – Làm một cảnh sát điều tra án mạng có lẽ là một công việc cô đơn nhất trần đời này. Bạn bè của cô gái đều kinh ngạc và thất vọng nhưng sớm hay muộn – họ lại trở về với đời sống thường ngày của họ. Với những gia đình thân thiết thì phải mất lâu hơn nhưng với phần đông thì rồi cũng là vượt qua được nỗi đau thương và thất vọng. Cuộc đời phải tiếp diễn, nó đang tiếp diễn đây. Nhưng bọn giết người không lộ mặt thì cứ lủi thoát, cuối cùng chỉ còn mỗi một người bị bỏ lại để đêm ngày ngẫm nghĩ về nạn nhân: đó là người cảnh sát điều tra bị vất lại với cuộc điều tra.
Ba người khác trong gia đình Vanger sống ở trên đảo Hedeby. Alexander Vanger, con trai của Greger, sinh năm 1946, sống ở một ngôi nhà gỗ mới sửa sang. Henrik bảo Blomkvist rằng Alexander hiện đang ở Tây Ấn, nơi anh ta tự cho anh ta hưởng cái thú tiêu khiển của mình: giong buồm và giết thì giờ, không làm qua mảy may một việc gì. Alexander đã hai mươi tuổi và có mặt hôm ấy.
Alexander ở cùng với mẹ, Gerda, tám mươi tuổi, vợ goá của Greger Vanger. Blomkvist chưa nhìn thấy bà ta bao giờ, phần lớn thời gian bà ôm giường.
Thành viên thứ ba của gia đình là Harald Vanger. Trong tháng đầu tiên, Blomkvist chả thấy ông ta lấy một lần nào. Ở gần với căn nhà nhỏ của Blomkvist nhất, ngôi nhà của Harald nom âm u và gở với những bức rèm kéo kín hết cửa sổ để ngăn ánh sáng. Đôi khi đi ngang qua, Blomkvist ngỡ trông thấy các bức rèm gờn gợn, và một đêm khuya khi anh sắp lên giường, anh để ý thấy một ánh sáng chập chờn từ một gian phòng trên gác. Có một khe hở giữa các bức rèm. Anh đứng ở cửa sổ gian bếp tối om nhìn cái ánh sáng đó hơn hai mươi phút rồi ăn qua loa một ít và run rẩy lên giường. Buổi sáng, các bức rèm lại lặng như tờ.
Có vẻ Harald là một người vô hình nhưng hồn ma quấy rối đời sống ở làng chính bằng sự vắng mặt của nó. Trong tưởng tượng của Blomkvist thì Harald ngày lại càng nom giống với con ma Gollum chuyên rình mò xung quanh và ẩn sau những bức rèm.
Hàng ngày, một người giúp việc (thường là phụ nữ) ở bên kia cầu đến gặp Harald một lần. Bà ta sẽ mang các bịch tạp phẩm tới, lê bước qua các đống tuyết đến trước cửa nhà ông. Nilsson lắc đầu khi Blomkvist hỏi về Harald. Ông đã đề nghị cuốc xới dọn dẹp giúp nhưng Harald không muốn ai đặt chân lên đất đai của ông ta. Chỉ một lần, trong mùa đông đầu tiên sau khi Harald quay về đảo Hedeby, Nilsson mới lái máy kéo đến dọn sạch tuyết ở sân vườn, như ông vẫn dọn cho các đường xe rẽ vào các nhà. Harald đã ngạc nhiên ra khỏi nhà, quát tháo, xua tay cho tới khi Nilsson đi.
Không may, cổng nhà Blomkvist hẹp quá, Nilsson không đưa máy kéo vào dọn tuyết ở sân cho anh được. Chỉ có cách lấy xẻng mà xúc tuyết đi.
Vào giữa tháng Giêng, Blomkvist nhờ luật sư tìm hộ xem anh đã sắp phải gọi đi thụ án ba tháng tù chưa. Anh nóng lòng muốn giải quyết chuyện này xong càng sớm càng tốt. Vào tù rồi quay lại dễ hơn là anh tưởng. Sau vài tuần bàn soạn, lệnh ban ra là ngày 17 tháng Ba, Blomkvist có mặt ở nhà tù Rullaker bên ngoài Ostersund, một nhà tù an ninh tối thiểu. Luật sư khuyên anh là xem vẻ bản án rất có thể được rút ngắn.
– Tốt. – Blomkvist nói, không phấn khởi lắm.
Anh ngồi vào bàn bếp, nựng con mèo nay cứ mươi ngày lại đến qua đêm với Blomkvist. Qua Nilsson anh biết tên con mèo là Tjorve. Nó không thuộc về riêng ai. Nó cứ luân phiên đến mọi nhà.
Gần như chiều nào Blomkvist cũng gặp Henrik. Có khi nói dăm ba câu, có khi ngồi hàng giờ. Nội dung câu chuyện thường là Blomkvist nêu ra một lý lẽ và Henrik bẻ gẫy lập tức. Blomkvist cố giữ một khoảng cách nhất định với công việc của anh nhưng có những lúc anh thất vọng thấy mình đã bị bí mật của vụ cô gái mất tích kia lôi cuốn. Blomkvist đã bảo đảm với Berger rằng anh cũng sẽ đề ra một chiến lược tiếp tục của cuộc chiến với Wennerstrom, nhưng sau một tháng ở Hedestad, anh vẫn chưa mở các hồ sơ từng đưa anh đến ghế bị cáo ở tòa án quận. Trái lại, anh lại cố tình gạt vấn đề này sang bên vì mỗi khi anh nghĩ đến Wennerstrom và tình cảnh của mình, anh đều bị đắm chìm vào trong suy sụp và thẫn thờ. Anh nghĩ liệu mình có bị hóa điên như ông già này không. Uy tín nghề nghiệp của anh đã tan tành và cách hồi phục của anh là giấu mình vào trong một thị trấn nhỏ bé tại vùng quê xa săn lùng các bóng ma.
Henrik Vanger cho rằng Blomkvist đang trải qua những ngày mất cân bằng. Cuối tháng Giêng, ông già ra một quyết định mà chính ông cũng phải sửng sốt. Ông nhấc điện thoại gọi Stockholm. Kéo dài hai chục phút, phần lớn câu chuyện là vấn đề liên quan đến Mikael Blomkvist.
Phải mất gần một tháng trời, cơn thịnh nộ của Berger mới hết. Vào một trong những ngày cuối tháng Giêng, lúc 9 giờ 30 phút tối, cô gọi Blomkvist.
– Anh thật sự có ý ở lại đó phải không? – Cô mở đầu.
Cuộc gọi quá đột ngột khiến Blomkvist không thể trả lời tức khắc. Rồi anh mỉm cười, quấn chặt thêm chăn vào người.
– Chào Erika, em nên đến đây thử xem.
– Sao phải thử? Hay gì! Sống ở nơi khỉ ho cò gáy thì có gì hấp dẫn chứ?
– Anh vừa đánh răng bằng nước đóng băng, các chỗ hàn răng đang đau buốt lên đây.
– Anh hãy tự trách anh ấy. Nhưng ở đây, ở Stockholm cũng rét chết người đây.
– Hãy nghe những cái tồi tệ nhất đã nhỉ.
– Chúng ta đã mất hai phần ba khách hàng thuê bao quảng cáo. Không ai muốn thôi ngay và nói ra nhưng…
– Anh biết. Lên một danh sách những người “đổi tàu” đi. Có ngày chúng ta sẽ làm một chuyện hay hay về họ đấy…
– Mikael… Em đã xem đến các con số, nếu chúng ta không cột được vài mục quảng cáo mới thì vào mùa thu này chúng ta sẽ đi tong đấy.
– Mọi sự sẽ ổn trở lại.
Cô cười gượng gạo ở đầu dây.
– Lên tít tận cái địa ngục Laplander ấy xây tổ ấm mà chỉ nói được có thế thôi nhỉ.
– Erika, anh…
– Em biết. Đàn ông người ta có những việc và những thứ tào lao phải làm. Anh không phải nói gì cả. Em xin lỗi đã không trả lời các thư của anh. Chúng ta có thể khởi động lại được chứ. Liệu em có dám đến đó gặp anh không đây?
– Bất cứ lúc nào tùy em.
– Em có cần mang theo một khẩu súng với đạn bắn sói không?
– Không cần chút nào. Chúng ta sẽ có những cỗ xe Lapp, bầy chó kéo xe và tất cả lệ bộ của riêng chúng ta… Bao giờ em đến?
– Tối thứ Sáu, OK?
Ngoài con đường hẹp dẫn vào cửa đã được cuốc tuyết, có khoảng một mét tuyết phủ lên ngôi nhà. Blomkvist nhìn với vẻ lên án cái cuốc một hồi rồi đi đến nhà Nilsson để hỏi liệu Berger có đậu được chiếc BMV của cô ở đây không. Không thành vấn đề; họ có chỗ ở trong gara và họ có cả lò sấy động cơ.
Berger lái suốt chiều và tới quãng 6 giờ. Họ thận trọng nhìn nhau vài giây rồi ôm chầm lấy nhau.
Chả có gì nhiều để ngắm nhìn trong bóng tối, trừ nhà thờ thắp sáng, nhà hàng Khôngnsum và quán Cà phê & bánh đầu cầu Susanne đều đã đóng cửa. Cho nên họ vội vã về nhà. Blomkvist nấu bữa tối còn Berger thì thăm thú quanh nhà, đưa ra vài nhận xét về mấy số tạp chí Rekhôngrdmagasinet từ những năm 50 vẫn còn ở đó, và đang choán chỗ trong các hồ sơ của Mikael trong phòng làm việc.
Họ ăn sườn cừu với khoai tây sốt kem và uống vang đỏ. Blomkvist muốn tiếp tục tuyến chuyện trước đó của họ nhưng Berger không có bụng dạ nào bàn bạc về Millenium. Thay vào đó họ nói chuyện hai giờ về công việc Blomkvist đang làm ở đây, về anh và Vanger xoay sở chuyện kia ra sao. Sau đó họ đi xem cái giường có đủ rộng để cho cả hai người không.
Lần gặp thứ ba của Salander với luật sư Nils Bjurman đã được xếp đặt lại và cuối cùng thì định vào 5 giờ chiều cũng thứ Sáu ấy. Trong lần gặp trước, một phụ nữ trung niên sặc mùi xạ hương và là thư ký của luật sư đón tiếp cô. Lần này bà ta đã về còn Bjurman thì sực mùi say muốn xỉn. Ông vẫy Salander đến một chiếc ghế của khách rồi lơ đãng lật giở các tài liệu ở bàn làm việc cho đến khi ông giật mình tỉnh ra là cô đang có mặt ở đây.
Quay qua quay lại thành một cuộc chất vấn mới. Lần này ông hỏi Salander về đời sống tình dục của cô – điều mà cô không định thảo luận với bất kỳ ai.
Sau cuộc gặp cô biết là về chuyện này cô chẳng biết tí gì. Trước hết là cô từ chối tất cả các câu hỏi của ông ta. Ông ta lại hiểu như thế là vì cô ngượng, lạc hậu hay có một cái gì đó cần giấu nên ông cứ ép cô trả lời. Salander nhận ra ông ta sẽ không chịu thôi nên trả lời vài câu hỏi ngắn ngủn, nhợt nhạt, thuộc cái loại mà cô cho rằng sẽ hợp với diện mạo tâm lý của cô. Cô nhắc tới “Magnus” – người mà theo cô miêu tả thì là một lập trình viên máy tính yếu ớt, trạc tuổi cô, đối xử với cô lịch lãm, đưa cô đi xem phim và đôi khi ngủ chung giường với cô. “Magnus” là bịa, nói đến đâu cô dựng anh ta đến đó nhưng Bjurman lại lấy chuyện đó làm một cớ để vẽ chi tiết tỉ mỉ về đời sống tình dục của cô. Cô sex thường xuyên không? Thỉnh thoảng. Ai chủ động – cô hay anh ta? Tôi. Cô có dùng bao cao su không? Dĩ nhiên – cô biết về HIV mà. Cô ưa tư thế nào hơn? Hừm, thường là tôi nằm ngửa. Cô có thích tính giao đằng miệng không? Ơ ơ, để xem… Cô có tính giao đằng hậu môn không?
– Không, nhưng ông đang làm cái đồ quỷ gì đây thế hả?
Đây là lần duy nhất cô mất kiềm chế. Cô phải giữ cho mắt nhìn xuống sàn để chúng không phản lại cơn giận dữ của cô. Khi cô lại nhìn vào ông, ông ngoác mồm ra cười với cô qua bàn. Cô rời văn phòng ông ta, với một cảm giác tởm lợm. Palmgren không bao giờ hỏi những câu như thế. Mặt khác, ông luôn luôn ở đây mỗi khi cô muốn bàn bạc một việc gì. Cô lại không thế.
Bjurman đang đi trên con đường tới một Vấn đề Then chốt.
Chú thích
1. Một nữ diễn viên Mỹ