THỨ NĂM, 3 THÁNG BẢY
THỨ NĂM, 10 THÁNG BẢY
Salander dậy trước Blomkvist, quãng 6 giờ. Cô đặt ít nước pha cà phê rồi đi tắm. 7 rưỡi, khi Blomkvist dậy, cô đang ngồi đọc tóm tắt vụ Harriet ở trên iBook của anh. Anh vào bếp, khăn tắm quấn quanh mình, day day mắt cho hết vẻ ngái ngủ.
– Có cà phê trên bếp lò đấy. – Cô nói.
Anh nhìn qua vai cô.
– Này, tư liệu này là mật mã được bảo vệ đấy. – Anh nói.
Cô quay lại nhìn anh.
– Chỉ mất có nửa phút tải từ Net xuống một chương trình là phá được bảo vệ mã khóa của Word thôi.
– Chúng ta cần nói chuyện về vấn đề cái gì là của cô, cái gì là của tôi. – Anh nói và đi tắm.
Khi anh trở lại, Salander đã tắt máy tính của anh và đặt nó về chỗ của nó ở trong phòng làm việc. Cô đã cho chạy chiếc PowerBook của cô. Blomkvist cầm chắc nội dung trong máy tính của anh đã bị chuyển sang máy tính của cô.
Salander là một kẻ nghiền thông tin với một cái vốn về luân lý và đạo đức của một đứa trẻ hư.
Anh vừa ngồi xuống ăn sáng thì có tiếng gõ ở cửa chính. Martin Vanger nom quá trịnh trọng khiến trong một thoáng Blomkvist đã ngỡ anh ta đến báo tin chú anh ta đã chết.
– Không, sức khỏe của Henrik vẫn như hôm qua. Tôi đến vì một lý do khác hẳn. Tôi có thể vào một lúc không?
Blomkvist để anh ta vào, giới thiệu với “người trợ lý nghiên cứu của tôi”. Cô chỉ liếc một cái vào ông trùm công nghiệp và khẽ gật đầu rồi lại quay về chiếc máy tính. Martin theo thói quen chào mừng cô nhưng nom anh ta quá thoải mái đến nỗi có vẻ như anh ta không mấy để ý đến cô. Blomkvist rót cho Martin một tách cà phê và mời ngồi.
– Chuyện gì thế ạ?
– Anh không đặt mua Hedestad Courier ư?
– Không. Nhưng đôi khi tôi đọc nó ở quán Cà phê & bánh đầu cầu Sussane.
– Vậy anh không đọc báo sáng nay.
– Anh nói nghe như tôi cần phải đọc vậy.
Martin Vanger để tờ báo hôm nay xuống bàn trước mặt anh. Anh được dành cho hai cột báo ở trang nhất, tiếp theo ở trang tư. “Nhà báo vu khống bị tù nấp ở đây”. Một bức ảnh chụp từ đồi nhà thờ bên kia cầu bằng ống kính télé cho thấy anh đi ở trong căn nhà gỗ ra.
Phóng viên, Torsson đã ghép các mẩu lại thành một ảnh thô bỉ. Anh ta nhắc lại vụ Wennerstrom và giải thích rằng Blomkvist đã bị mất uy tín mà phải rời khỏi Millennimum và vừa mới thụ án xong. Bài báo kết thúc với một dòng quen thuộc mà Blomkvist từ chối bình luận với Hedestad Courier. Tất cả cư dân tự trọng ở Hedestad đều được nhắc nhở rằng đồ rác rưởi từ Stockholm đang lẩn tránh ở khu vực này. Không tuyên bố nào ở trong bài báo có tính vu cáo nhưng được trình bày vẹo vọ để cho thấy Blomkvist không hay ho gì; cách trình bày và kiểu in là loại các tờ báo như thế này thường dùng khi nói về các phần tử khủng bố chính trị. Millennium được miêu tả là một tạp chí kém được tin cậy “thiên về khuấy đảo” và quyển sách của Blomkvist về báo chí tài chính thì được trình bày như là một tập hợp các “phát ngôn gây tranh cãi” về các nhà báo khác vốn được kính trọng.
– Mikael…, tôi không biết nói thế nào để bày tỏ cảm tưởng của tôi khi đọc bài báo này. Thật là bỉ ổi.
– Đây là một việc đã được bố trí. – Blomkvist nói với vẻ bình tĩnh.
– Tôi hy vọng anh hiểu là tôi không có dính dáng một chút nào đến trò này. Khi uống cà phê sáng nay, đọc nó tôi đã bị choáng.
– Vậy ai làm?
– Tôi có gọi vài nơi. Tay Torsson này đến học việc vào dịp hè. Cậu ta viết theo lệnh của Birger.
– Tôi nghĩ Birger không nói ở các tòa báo. Dẫu sao, ông ta cũng là một ủy viên hội đồng và một bộ mặt chính trị.
– Ông ta không có ảnh hưởng về mặt kỹ thuật. Nhưng Tổng biên tập của Courier là Gunnar Karlman, con trai của Ingrid, người thuộc về chi Johan Vanger. Birger và Gunnar trong nhiều năm đã thân với nhau.
– Tôi biết.
– Torsson sẽ bị sa thải tắp lự.
– Cậu ta bao nhiêu tuổi?
– Nói thật là tôi không biết. Khi cậu ta gọi, tôi nghe cậu ấy có vẻ là một phóng viên rất trẻ và không có kinh nghiệm.
– Chuyện này không thể để cho qua mà vô sự được.
– Nếu anh cần ý kiến của tôi thì tình hình xem ra có chút nào đó phi lý. Chả lẽ Tổng biên tập của một tờ báo do gia đình Vanger sở hữu lại đi công kích một tờ báo khác có Henrik Vanger là chủ đồng sở hữu ở đó và cả anh nữa cũng có ghế trong ban lãnh đạo của nó. Karlman, biên tập viên của anh đang công kích anh và Henrik.
– Tôi hiểu ý anh và tôi phải khiển trách ai chịu trách nhiệm chuyện này… Karlman là một chủ đồng sở hữu trong tập đoàn và ông ấy hay gây sự nhăng nhít với tôi. Nhưng chuyện này xem vẻ là Birger muốn trả thù việc anh cãi nhau với ông ta ở bệnh viện hôm nào. Anh là cái gai ở bên sườn ông ấy.
– Tôi tin như vậy. Vì thế mà tôi nói không nên khiển trách Torsson. Một anh thực tập thì sao dám nói không khi ông chủ chỉ thị anh ta viết một cái gì theo một kiểu nào đó.
– Tôi có thể yêu cầu ngày mai họ xin lỗi anh.
– Tốt hơn là không. Nó sẽ có thể quay ra thành một trận cãi vã dẳng dai làm cho tình hình càng xấu thêm.
– Vậy anh nghĩ là tôi nên im.
– Không được tích sự gì đâu mà. Karlman sẽ khuấy cho rối lên và xấu nhất là có khả năng anh sẽ bị vẽ ra thành một kẻ độc địa đang cố giẫm đạp lên tự do ngôn luận, vì ông ta vẫn có quyền là chủ sở hữu cơ mà.
– Xin lỗi, Mikael, nhưng tôi không đồng ý với anh. Sự thật là tôi cũng có quyền trình bày ý kiến của tôi chứ. Theo tôi thì bài bào này thối um – và tôi có ý định nói rõ quan điểm của tôi. Tuy miễn cưỡng thay Henrik ở ban lãnh đạo Millennium, nhưng tôi sẽ không để cho một bài báo công kích như thế này ra đòn mà không nếm đòn trả lại.
– Cũng đủ công bằng rồi.
– Vậy nên tôi sẽ yêu cầu quyền đáp lại. Và nếu tôi làm cho Karlman nom ra một đứa ngố thì ông ta chỉ có thể tự trách ông ta mà thôi.
– Anh cần làm cái mà anh tin là đúng.
– Với tôi thì việc quan trọng là anh tuyệt đối hiểu cho rằng tôi không có mảy may dính vào chuyện đả kích độc ác này.
– Tôi tin anh. – Blomkvist nói.
– Ngoài ra tôi, – Martin nói, – tôi thật lòng không muốn nêu chuyện này ra vào lúc này nhưng chính nó lại làm rõ ra được việc chúng ta đã bàn. Để anh trở lại vào ban biên tập của Millennium là quan trọng, làm như thế chúng ta có thể cho thế giới thấy một mặt trận thống nhất. Chừng nào anh còn đi xa, chừng ấy đồn bậy còn tiếp tục. Tôi tin ở Millennium và tôi chắc chắn chúng ta sẽ cùng nhau thắng trận đánh này.
– Tôi hiểu ý anh nhưng bây giờ đến lượt tôi không đồng ý với anh. Tôi không thể phá bản hợp đồng của tôi với Henrik và tôi cũng thật tình không muốn phá. Anh xem đấy, tôi thật lòng mến ông ấy. Rồi cái việc với Harriet kia…
– Vâng, thế thì sao?
– Tôi biết nó là nỗi đau buồn âm ỉ với anh nhưng tôi nhận thấy là Henrik đã bị ám ảnh với nó trong nhiều năm.
– Chỉ là giữa hai chúng ta thôi – tôi rất yêu Henrik và chú là người chỉ bảo tôi – nhưng khi đến chuyện Harriet thì đầu óc ông cụ gần như mất tỉnh táo.
– Khi bắt đầu việc này, tôi không thể không nghĩ rằng đây là chuyện phí thì giờ nhưng nay tôi lại thấy chúng ta sắp đến một đột phá, có thể là chúng ta có cơ biết được chuyện gì đã thật sự xảy ra.
Blomkvist đọc thấy hồ nghi trong mắt Martin. Cuối cùng anh quyết định.
– OK, trong trường hợp này điều tốt nhất chúng ta có thể làm là giải càng sớm càng tốt cái bí mật về Harriet. Tôi sẽ hết sức ủng hộ anh để anh hài lòng mà hoàn thành công việc của anh – và dĩ nhiên của cả Henrik – rồi tôi sẽ về Millennium.
– Tốt. Vậy tôi cũng sẽ không phải đấu với anh.
– Đúng. Anh có thể yêu cầu tôi giúp bất cứ lúc nào anh gặp phải vấn đề gì. Tôi dám đảm bảo là Birger sẽ không ngáng cản gì trên con đường của anh đâu. Và tôi sẽ cố nói chuyện với Cecilia để chị ấy bình tĩnh lại.
– Cảm ơn anh. Tôi cần hỏi chị ấy vài điều; tôi muốn nói chuyện với chị ấy nhưng cả tháng nay chị ấy cứ cưỡng lại.
Martin Vanger cười ầm.
– Có lẽ còn có những vấn đề khác mà anh cần san cho phẳng. Nhưng tôi sẽ không dính vào chuyện đó đâu.
Họ bắt tay nhau.
Salander đã nghe câu chuyện. khi Martin đi rồi, cô cầm lấy tờ Hedestad Courier rà bài báo. Cô đặt tờ báo xuống không bình luận.
Blomkvist ngồi im lặng nghĩ. Gunnar Karlman sinh năm 1948, năm 1966 thì mười tám tuổi. Anh ta là một trong những người ở trên đảo khi Harriet mất tích.
Sau bữa trưa lót dạ, anh bảo cô trợ lý điều tra đọc các báo cáo của cảnh sát. Anh đưa cho cô tất cả các ảnh về vụ tai nạn cũng như bản tóm tắt dài về cuộc điều tra của bản thân Henrik Vanger.
Rồi anh lái xe đến nhà Frode, nhã nhặn đề nghị ông thảo cho một bản thỏa thuận cho Salander làm trợ lý điều tra trong một tháng. Lúc anh về căn nhà gỗ, Salander đã chuồn ra vườn và ngập lút vào trong báo cáo của cảnh sát. Blomkvist đi vào pha cà phê. Anh quan sát cô qua cửa sổ bếp. Cô hình như đang đọc lướt, mỗi trang bỏ ra không quá mươi mười lăm giây. Cô lật các trang như máy và anh ngạc nhiên thấy cô thiếu tập trung; cái đó không sao, bởi báo cáo của cô lại quá ư là chi li tỉ mỉ. Anh lấy hai tách cà phê mang ra bàn ngoài vườn.
– Các nhận xét của anh là đã có trước khi anh biết chúng ta đang tìm một kẻ giết người hàng loạt.
– Đúng. Tôi chỉ viết ra các vấn đề mà tôi muốn hỏi Henrik và một vài điều khác nữa. Nó chả ra hình thù mạch lạc gì. Cho đến nay, tôi đang thật sự là vật nhau trong bóng tối, đang cố viết một chuyện – một chương trong tiểu sử của Henrik Vanger.
– Còn bây giờ?
– Trước kia mọi điều tra đều tập trung vào đảo Hedeby. Nay tôi chắc chắn rằng rằng câu chuyện, chuỗi các sự kiện dẫn đến vụ mất tích là bắt đầu ở Hedestad. Cái đó làm thay đổi hướng nhìn.
– Những cái anh phát hiện ra trong các bức ảnh là lý thú đấy.
Blomkvist ngạc nhiên. Salander không có vẻ là kiểu nguời quăng đi tơi tới những lời khen và anh thấy khoái. Mặt khác – xét từ một quan điểm thuần túy báo chí – thì đây cũng gần như đã là một thành thích.
– Đến lượt anh điền các chi tiết vào. Chuyện ra sao rồi với bức ảnh anh đang lùng tìm ở Nosjo?
– Cô muốn nói là cô không kiểm tra các ảnh trong máy tính của tôi?
– Không có thì giờ. Tôi cần đọc các tóm tắt, việc của anh chỉ liên quan với anh thôi.
Blomkvist mở iBook, vào hồ sơ ảnh.
– Thật hấp dẫn. Chuyến đi lên Nosjo là một tiến bộ nhưng cũng là một thất vọng. Tôi tìm ra bức ảnh nhưng nó chẳng nói được gì nhiều.
– Người phụ nữ này, Mildred Berggren đã lưu giữ tất cả ảnh vào trong album. Bức ảnh tôi tìm là ở trong đó. Nó được chụp bằng loại phim màu rẻ tiền, sau ba mươi bảy năm nước ảnh đã mờ đi đến mức không thể ngờ – thành ra một màu vàng nhạt. Nhưng, cô có tin được không, bà ấy vẫn còn âm bản để trong một cái hộp đựng giầy. Bà ấy cho tôi mượn tất cả các âm bản chụp ở Hedestad và tôi đã quét hình chúng. Đây là cái điều mà Harriet đã nhìn thấy.
Anh bấm vào một hình ảnh mà bây giờ có tên hồ sơ là HARRIET/bd-19.eps. Salander lập tức hiểu nỗi thất vọng của anh. Cô thấy một bức ảnh chụp toàn cảnh cho thấy các anh hề ở hàng đầu của cuộc diễu hành Ngày Trẻ con. Ở đằng sau có thể thấy góc nhà cửa hàng đồ mộc Sundstrom. Khoảng mười người đứng trên con đường lát đá trước nhà Sundstrom.
– Tôi nghĩ cô ta nhìn người này đây. Một phần vì tôi tạo lấy đường tam giác cho cái điểm mà cô ấy đang nhìn, xét theo cái góc mà mặt cô ấy quay vào – tôi vẽ ra một ngã tư ở đây – và một phần vì đây là người duy nhất hình như đang nhìn thẳng vào máy ảnh. Có nghĩa là đang nhìn Harriet.
Salander nhìn thấy một bộ mặt nhòa nhạt đứng lui lại sau các khán giả một ít, gần như ở phố bên cạnh. Anh ta mặc jacket độn vai, thẫm màu có một vạch đỏ trên vai và quần có thể là jean thẫm màu. Blomkvist đã phóng to nên hình người từ eo trở lên choán mất hết màn hình. Lập tức bức ảnh hóa ra nhòa hơn.
– Đó là một người đàn ông. Khoảng trên mét bảy, tầm thước. Tóc vàng thẫm, tóc dài vừa phải và râu cạo nhẵn nhụi. Nhưng không thể làm rõ được nét mặt hay thậm chí ước lượng được tuổi. Quãng giữa tuổi mười mấy và trung niên.
– Anh có thể chỉnh bức ảnh…
– Tôi đã chỉnh, mẹ kiếp. Tôi còn gửi bức ảnh sao đến bộ phận chỉnh ảnh bằng máy tính ở Millennium nữa. – Blomkvist bấm vào một bức ảnh mới chụp. – Ảnh này là bức tốt nhất mà tôi lấy ra từ bức ảnh kia. Chỉ là vì máy ảnh kia quá xoàng và cự ly thì quá xa.
– Anh đã đưa cho ai xem chưa? Một ai đó có thể nhận ra dáng vẻ của người đàn ông hay là…
– Tôi đưa nó cho Frode. Ông ta không biết người đàn ông này là ai.
– Ông Frode chắc không phải là người có óc quan sát nhất ở Hedestad.
– Đúng, nhưng tôi đang làm việc với ông ta và Henrik Vanger. Tôi muốn đưa bức ảnh cho Henrik xem trước khi tôi cho nó lên mạng rộng hơn.
– Có thể người này chỉ là một người đứng xem.
– Có thể. Thế nhưng hắn đã làm bật ra được ở Harriet một phản ứng lạ lùng như vậy đấy.
Trong mấy ngày sau đó, Blomkvist và Salander gần như làm không nghỉ lúc nào về vụ Harriet. Salander đọc tiếp báo cáo của cảnh sát, lia hết câu hỏi này sang câu hỏi khác. Chỉ có thể có một sự thật là mỗi câu trả lời mơ hồ hay lưỡng lự đều lại dẫn đến một câu hỏi khác lớn hơn.
Hai người bỏ cả một ngày xem xét thời gian biểu xuất hiện các nhân vật tại hiện trường của vụ tai nạn xe trên cầu. Sanlander ngày càng thành một bí ẩn với anh. Mặc dù cô chỉ đọc lướt nhanh các tài liệu trong báo cáo, cô hình như vẫn luôn luôn đậu được vào các chi tiết tối tăm nhất, mâu thuẫn nhất.
Buổi chiều họ nghỉ, khi không thể nào chịu nổi được cái nóng ở trong vườn. Họ sẽ bơi ở eo biển hay đi bộ lên sân trời của quán Cà phê & bánh đầu cầu Sussane. Nay Sussane đối xử lạnh ra mặt với Blomkvist. Anh nhận thấy Salander coi bộ ít hợp pháp và cô rõ là đang sống trong căn nhà gỗ cùng anh vậy thì điều đó – trong mắt Sussane – đã khiến cho anh trở thành một gã trung niên nhơ bẩn. Không hay.
Tối nào Blomkvist cũng ra ngoài chạy. Khi anh trở về căn nhà gỗ thở hồng hộc, Salander không bình luận. Rõ ràng chạy không phải là món của cô.
– Tôi hơn bốn chục rồi, – anh nói. – Tôi phải tập để giữ cho khúc giữa không quá béo.
– Tôi thấy rồi.
– Cô không tập tành gì à?
– Tôi có đánh bốc một dạo.
– Đánh bốc?
– À, anh biết đấy, với găng đấm.
– Cô bốc ở hạng cân nào? – Anh hỏi khi ở vòi tắm sen ra.
– Chả hạng nào. Thỉnh thoảng tôi chọi chút ít lại đám con trai trong câu lạc bộ ở Soder.
Sao mà không ngạc nhiên được chứ? Nhưng ít nhất cô đã nói với anh một cái gì đó về cô. Sao cô lại đến làm việc với Armansky? Cô đã được giáo dục học hành như thế nào? Bố mẹ cô làm gì? Hễ Blomkvist vừa thử hỏi về đời sống của cô, cô liền im như hến, chỉ trả lời nhát gừng hay lờ anh đi.
Một chiều, Salander thình lình đặt một cặp hồ sơ xuống, nhăn mặt.
– Anh biết gì về Otto Falk không? Ông mục sư ấy.
– Không nhiều. Tôi gặp vị mục sư đương nhiệm một ít lần trong năm và được nghe nói là Falk sống trong một nhà dưỡng lão ở Hedestad. Bệnh Alzheimer, già lú.
– Ông ta người đâu?
– Ở Hedestad. Đã học ở Uppsala.
– Ông ta không có vợ. Và Harriet lẵng nhẵng bên ông ta.
– Tại sao cô hỏi?
– Tôi chỉ nói là Morell đã khá là dễ dãi với ông ta khi phỏng vấn.
– Trong những năm 60 các mục sư được hưởng một quy chế trong xã hội khác xa bây giờ. Với ông ta thì sống ở đây trên đảo, gần với những manh mối quyền lực là điều tự nhiên thôi, tạm nói như vậy.
– Tôi nghĩ liệu cảnh sát đã có kiểm tra kỹ lưỡng nhà mục sư hay không. Trong các bức ảnh thì xem vẻ đó là một tòa nhà gỗ to, có nhiều chỗ giấu được một cái xác trong một thời gian.
– Đúng thế, nhưng trong tài liệu không có gì chỉ ra rằng ông ta đã có quan hệ gì đó với những tên sát nhân hàng loạt hay với việc Harriet mất tích.
– Thật vậy, có thể, – Salander nói và cười châm biếm. – Trước hết, ông ta là một mục sư, và hơn ai hết các mục sư là có quan hệ đặc biệt đến Kinh thánh. Thứ hai, người ta biết ông ta là người cuối cùng trông thấy và nói chuyện với Harriet.
– Nhưng ông ta xuống chỗ xảy ra tai nạn và ở lại đó hàng giờ. Ông ta có ở trong nhiều bức ảnh, đặc biệt vào lúc Harriet chắc là đã biến mất.
– Được, tôi không bẻ được bằng chứng ngoại phạm của ông ta. Nhưng tôi quả là có nghĩ đến một cái gì đó khác đấy. Câu chuyện này là về một tên bạo dâm giết phụ nữ hàng loạt.
– Vậy thì?
– Tôi là… Mùa xuân này tôi có ít thì giờ cho bản thân, tôi đã đọc một ít về những kẻ bạo dâm ở trong các bối cảnh khác thể. Một trong những cái tôi đã đọc là sách huấn luyện của FBI. Có kết luận rằng một số lượng đáng ngạc nhiên từ những tên sát nhân hàng loạt bị tù là xuất thân từ các gia đình xộc xệch chức năng và lúc còn bé thì từng hành hạ giống vật. Một số những tên sát nhân hàng loạt, người Mỹ, cũng đã bị bắt vì có ý định phóng hỏa thiêu cháy nhà cửa. Giống vật bị hành hạ và bị phóng hỏa đã xuất hiện ở trong vài vụ án mà Harriet đã viết lại, nhưng điều mà tôi thật sự nghĩ đến là việc nhà mục sư bị phóng hỏa cháy hồi cuối những năm 70.
– Đó là một cú làm thử mà không chắc ăn.
Lisbeth gật đầu.
– Đồng ý. Nhưng ở trong báo cáo của cảnh sát tôi không tìm thấy nguyên nhân của vụ cháy này và sẽ rất thú vị nếu biết trong những năm 60 đã có những vụ cháy khác không giải thích được lý do. Cũng đáng kiểm tra xem dạo ấy, trong vùng này liệu đã có những vụ giống vật bị lạm dụng hay bị làm cho què quặt hay không.
Đêm thứ bảy ở Hedeby, khi Salander lên giường, cô hơi cáu Blomkvist. Trong gần một tuần cô thực tế đã bỏ tất cả những lúc không ngủ ra cho anh. Thường thì cứ bảy phút chung đụng với một người khác cô đã nhức đầu, cho nên cô bố trí công việc để sống như một ẩn tu. Thiên hạ để cho cô yên chừng nào là cô khoái vô cùng chừng nấy. Không may là xã hội lại không thông minh hay không thông cảm; cô đã phải tự vệ chống lại các quyền uy xã hội, các quyền uy phúc lợi trẻ con, cả quyền uy của chế độ giám hộ, quyền uy thuế má, cảnh sát, các nhà quản lý, các nhà tâm lý học, các nhà phân tâm học, các thầy cô giáo và các đầu gấu giữ trật tự, những kẻ (không phải những tay trông coi cửa ở Kvarnen lúc ấy đã biết cô là ai) không bao giờ để cô vào quán bar cho dù cô đã hai mươi lăm tuổi. Có cả một đạo quân những dân hình như không còn việc gì làm hay hơn là chọc phá vào cuộc đời cô, và nếu như có được cơ hội thì chúng liền uốn nắn luôn cái cách sống mà cô đã chọn.
Khóc chả có hay ho gì, điều này cô học được từ sớm. Cô cũng học biết được là mỗi lúc cô cố để cho ai đó hiểu được một điều gì về cô thì tình hình lại tồi tệ hơn. Kết quả là chính cô phải tự giải quyết lấy các chuyện cho cô, dùng bất cứ biện pháp nào mà cô thấy là cần thiết. Một cái gì thuộc kiểu chơi rắn mà Luật sư Bjurman đã nếm. Blomkvist cũng có cái thói quen chán phè như mọi ai khác, tọc mạch dò la vào đời cô rồi đặt câu hỏi. Nhưng mặt khác anh không phản ứng giống như phần lớn những người đàn ông khác mà cô đã gặp.
Khi cô lờ các câu anh hỏi thì anh chỉ đơn giản nhún vai rồi để cô yên. Đáng ngạc nhiên.
Cái sáng đầu tiên khi cô vớ được iBook của anh, chiêu tiếp theo tức thì của cô lúc ấy là chuyển hết thông tin sang ngay máy tính của cô. Nếu anh rũ cô ra khỏi vụ này thì cứ việc; cô vẫn sẽ vào được tài liệu.
Khi anh ra ăn sáng, cô đã nghĩ anh sẽ phát điên lên. Nhưng nom anh lại gần như là nhẫn chịu, lầm bầm câu gì đó châm biếm rồi bỏ đi tắm. Rồi anh bắt đầu thảo luận lại cái mà cô đã đọc. Một gã lạ đây. Thậm chí cô còn có thể nghĩ lầm ra là anh đã tin cô.
Blomkvist đã biết Salander là hacker, đây không phải chuyện đùa đối với cô, Salander hiểu rằng là một hacker, cả chuyên nghiệp lẫn vì thú vui riêng, đã được pháp luật miêu tả là “xâm phạm dữ liệu một cách bất hợp pháp”, và cô có thể phải chịu hai năm tù ngồi. Cô không muốn bị nhốt. Trong trường hợp của cô, một án tù có nghĩa là cô sẽ bị tách ra khỏi máy tính và cùng với nó là cái nghề ngỗng duy nhất mà cô thật sự giỏi giang. Cô chưa bao giờ bảo Armansky cách cô thu thập những thông tin mà ông trả công cho cô để tìm. Trừ ngoại lệ Dịch Bệnh và một ít dân trên Net, những người giống như cô dâng hiến mình cho việc đột nhập máy tính ở trình độ chuyên nghiệp – phần lớn họ chỉ biết cô là “Ong Vò Vẽ” chứ không biết cô là ai và sống ở đâu – Kalle Blomkvist là người duy nhất đã loạng quạng vào bí mật của cô. Anh đến với cô vì cô đã phạm một sai lầm mà một đứa mười hai tuổi cũng không mắc phải, sai lầm ấm ớ ấy chỉ chứng tỏ rằng đầu óc cô đã bị sâu bọ ăn mất tiêu và cô thì chỉ có đáng là bị quất cho một trận đòn. Nhưng thay vì điên tiết lên, anh lại mướn cô. Kết quả là cô chỉ cáu anh vừa vừa thôi.
Khi họ ăn qua loa trước khi cô đi ngủ, anh thình lình hỏi cô có phải là một tay hacker giỏi không. Cô ngạc nhiên thấy mình đáp:
– Chắc tôi là tay giỏi nhất ở Thụy Điển. Có thể có độ hai hay ba người nữa ở trình độ tôi.
Trả lời thế là chính xác, cô không nghi ngờ. Có thời Dịch Bệnh giỏi hơn cô nhưng cô đã vượt anh ta từ lâu rồi.
Mặt khác, nói ra như thế cũng thấy hay hay. Trước kia cô chưa từng có kiểu trò chuyện này với người ngoài cuộc bao giờ và cô thấy thích là hình như tài năng của cô đã làm cho anh choáng. Rồi anh phá mất cảm giác ấy khi hỏi câu nữa: cô tự học lấy đột nhập máy tính như thế nào.
Cô có thể nói như thế nào đây? Tôi luôn có khả năng làm được trò đó. Nhưng thay vì nói vậy, cô lẳng lặng đi ngủ, chả chúc cả ngủ ngon.
Khi cô quá đột ngột bỏ đi, anh không cáu, việc này lại làm cho cô cáu hơn. Cô nằm nghe anh đi đi lại lại trong bếp, dọn dẹp bàn và rửa đĩa tách. Anh luôn thức khuya hơn cô nhưng nay rõ ràng là anh cũng sắp lên giường nốt. Cô nghe thấy anh ở trong buồng tắm rồi đi vào phòng ngủ của anh, đóng cửa lại. Một lúc sau cô nghe thấy tiếng giường kêu khi anh leo lên nó, cách cô không tới một mét nhưng ở bên kia bức tường. Cô đã ở chung nhà với anh một tuần và anh chưa hề tán tỉnh cô. Anh đã làm việc với cô, hỏi ý kiến cô, đập khẽ vào các đốt ngón tay cô, ấy là nói cho có hình tượng, khi cô dò lầm đường rồi lại nhận là cô đúng sau khi cô uốn nắn anh. Mẹ kiếp, anh đối xử với cô như với một con người.
Cô ra khỏi giường đến đứng bên cửa sổ, bồn chồn nhìn vào bóng đêm. Điều gay go nhất với cô là để cho một người khác lần đầu tiên trông thấy cô trần truồng. Cô đinh ninh mình mẩy xương xẩu của cô nom ghê. Ngực cô không ra sao. Cô chả có cả mông để mà nói nữa. Chả có gì nhiều để hiến cho. Ngoài việc cô là một phụ nữ hoàn toàn bình thường với cũng các thèm muốn tương tự, cũng với các cơn giục giã của tính dục như mọi phụ nữ khác. Cô đứng ở đấy thêm hai chục phút nữa rồi quyết định.
Blomkvist đang đọc một cuốn tiểu thuyết của Sara Paretsky thì nghe thấy tay nắm cửa quay, anh nhìn lên và thấy Salander. Quấn một mảnh khăn trải giường quanh người, cô đứng ở cửa một lúc.
– Cô ổn chứ?
Cô lắc đầu.
– Sao vậy?
Cô đi đến bên giường anh, cầm quyển sách đặt nó lên bàn đầu giường. Rồi cô cúi xuống hôn vào miệng anh. Cô leo tót lên giường rồi ngồi nhìn anh, tìm anh. Cô để bàn tay lên mảnh chăn ở trên bụng anh. Khi anh không phản đối, cô cúi xuống cắn đầu vú anh.
Blomkvist bàng hoàng. Anh cầm hai vai cô đẩy cô ra xa một ít để có thể nhìn được mặt cô.
– Lisbeth… tôi không biết thế này có phải là một ý hay không đây. Chúng ta phải làm việc với nhau.
– Em muốn làm tình với anh. Và em sẽ chẳng có chuyện gì để làm việc với anh hết nhưng nếu anh đá em đi thì em sẽ có một chuyện khốn kiếp với anh.
– Nhưng chúng ta mới biết nhau.
Cô cười to, một tiếng cười bất chợt nghe như một tiếng ho.
– Trước kia bất kỳ thứ gì giống như thế này là anh không để cho yên được ở trên giường của anh đâu. Thật ra trong báo cáo về lai lịch của anh, em đã không nói anh là một trong những dân không thể nào buông được tay ra khỏi phụ nữ. Vậy thì sai chỗ nào? Với anh, em không đủ kích dâm sao?
Blomkvist lắc đầu và cố tìm ra cái gì thông minh một tí để nói. Khi anh nghĩ không ra; cô bèn kéo tuột chăn ở trên người anh ra rồi leo lên anh.
– Anh không có bao cao su đâu. – Anh nói.
– Hê xừ nó đi.
Anh tỉnh dậy thấy tiếng cô ở trong bếp. Chưa đến 7 giờ. Anh có lẽ chỉ ngủ được hai giờ đồng hồ còn thì lơ ma lơ mơ trên giường.
Người phụ nữ này đã đánh bại anh. Tuyệt đối cô không có một điểm nào, thậm chí một cái liếc mắt cho thấy cô ít nhất cũng có chút nào thích thú anh.
– Chào. – Cô nói ở lối ra vào cửa. Cô thậm chí còn có thoáng một nụ cười.
– Chào.
– Chúng ta hết sữa rồi. Em sẽ ra trạm xăng dầu. Bảy giờ họ mở cửa. – Và cô đi.
Anh nghe thấy cô đi ra cổng chính. Anh nhắm lại. Rồi anh nghe thấy cửa chính lại mở chỉ vài giây sau, cô đã trở lại ở lối vào. Lần này cô không mỉm cười.
– Anh ra xem cái này thì hay hơn đấy. – Giọng cô nói nghe là lạ.
Lập tức Blomkvist đứng lên, lùa chân vào quần jean.
Trong đêm ai đó đã đến căn nhà gỗ với một món quà không mong đợi. Ở cổng có mái, xác một con mèo cháy đã gần thành than nằm đó. Chân và đầu con mèo đã bị cắt rời, mình con mèo bị mổ phanh và ruột gan nó đã bị moi ra lắt lẻo ở bên xác nó, cái xác như đã bị quay nướng trên lửa. Ở trên yên xe máy của Salander, đầu con mèo còn nguyên vẹn. Anh nhận ra bộ lông màu nâu đỏ.