Nếu tranh vẽ là mũi tên mà họa sĩ bắn ra, mũi tên mà họa sĩ giỏi nhất bắn ra sẽ không lướt qua bên tai anh mà trúng thẳng vào trái tim anh.”
Kha Tuyết từng nói vậy với tôi.
Nếu theo cách nói đó, vậy Kha Tuyết nhất định là một họa sĩ giỏi.
Ngay ngày đầu tiên sau khi Kha Tuyết bắn ra mũi tên đau thương, hết giờ làm tôi vẫn tới quán cà phê chờ cô ấy.
Tấm thẻ “Đã đặt chỗ” vẫn còn đó, nhưng tôi đợi tới tận khi quán cà phê đóng cửa, cô ấy vẫn không xuất hiện.
Tôi và chủ quán không nói gì với nhau, chỉ lúc tính tiền anh ta mới nói một câu: “Tổng cộng một trăm hai mươi đồng.”
Sau đó tôi đưa tiền, anh ta trả lại tiền lẻ.
Đón tàu điện ngầm về nhà, tôi vượt qua buổi tối mất ngủ đầu tiên.
Ngày thứ hai đến thứ mười sau khi Kha Tuyết bắn mũi tên đau thương ra, ngày ngày tôi đều tới quán cà phê chờ cô ấy.
Tấm thẻ “Đã đặt chỗ” vẫn luôn ở đó, nhưng mãi cô vẫn không tới.
Chủ quán ngay nói với tôi một lời cũng lười, lúc tính tiền tay phải giơ một ngón tay, hai ngón tay, cuối cùng biến thành cả nắm tay.
Sau đó tôi đưa tiền, anh ta thối lại.
Ngày thứ mười một sau khi Kha Tuyết bắn mũi tên đau thương là sáng thứ bảy, buổi sáng mười giờ tôi đã ra quán.
Vừa hay đúng lúc chủ quán bắt đầu mở cửa kinh doanh, tôi đi thẳng vào, ngồi xuống vị trí cạnh cửa sổ.
Tấm thẻ “Đã đặt chỗ” biến mất không thấy đâu, trong lòng tôi hoảng loạn một hồi, cho rằng cô ấy không tới đây nữa.
Chỉ thấy chủ quán lấy tấm thẻ “Đã đặt chỗ” từ dưới quầy bar ra, nhẹ nhàng lau qua một cái,
Rồi bước tới bàn thứ hai sát cửa sổ, đặt lên bàn.
Mặt trời xuống núi rồi, những tấm biển quảng cáo ngoài đường sáng lên rồi tối đi, màn đêm nuốt hết mặt đường.
Cô ấy vẫn không xuất hiện.
Lúc tính tiền, chủ quán lại giơ một ngón tay, hai ngón tay, cuối cùng biến thành nắm tay.
Tôi lắc đầu.
Chủ quán lại giơ ra: một ngón tay, hai ngón tay rồi nắm tay.
Tôi vẫn lắc đầu.
“Là sao?” Cuối cùng anh ta cũng mở miệng hỏi.
“Tôi quên mang tiền rồi.” Tôi nói.
“Đối diện có máy ATM.”
“Ngay cả ví tôi cũng không mang.”
Đây là lần đầu tiên chúng ta nói chuyện với nhau trong suốt mười một ngày nay.
Chủ quán nhìn tôi một lúc rồi nói: “Hôm nay tôi mời anh.”
“Cám ơn.” Tôi đáp.
“Đói không?”
“Ừ.” Tôi gật đầu.
“Cậu ngồi đó chờ chút.” Chủ quán quay người. “Tôi làm vài món ăn.”
Tôi trở lại chỗ, lẳng lặng đợi.
Mười phút sau, chủ quán bưng hai đĩa thức ăn tới, đặt một đĩa trước mặt tôi.
“Đĩa kia của anh nhiều hơn.” Tôi nói.
Chủ quán đổi chỗ hai đĩa, sau đó nói: “Ăn đi.”
Tôi ăn vài miếng, nghe anh ta nói: “Tôi và cô ấy là bạn cùng đại học.”
“Không thể nào?” Tôi ngẩng đầu. “Trông anh như chú cô ấy ấy.”
“Cậu muốn nghe chuyện?” Anh ta nói: “Hay muốn đánh giá?”
“Nghe chuyện.” Tôi quyết định theo lựa chọn sáng suốt.
“Năm thứ ba đại học, cô ấy đột nhiên muốn ra nước ngoài du học.”
“Vì sao?”
“Vì cô ấy cảm thấy những bức tranh mình vẽ là vật chết, không có cảm tình.”
“Là sao?”
“Tranh vẽ khác với những đồ công nghệ, anh sẽ không cảm thấy một bình hoa đang khóc hay đang cười, nhưng một bức tranh…”
“Thì sao?”
“Sẽ.” Anh ta đáp: “Tranh sẽ khóc, cũng sẽ cười, thậm chí có thể khiến người xem nó khóc hoặc cười.”
“Ừm.”
“Cô ấy không muốn mình chỉ học những kỹ xảo hội họa, cô ấy còn muốn học cách làm sao để biểu đạt cảm tình trong bức tranh.”
“Vậy vẫn có thể lưu lại tại Đài Loan mà.” Tôi hỏi.
“Ở lại đài loan, tình cảm càng phân tán; ra nước ngoài, toàn bộ tình cảm sẽ tập trung trên bức tranh.”
“Cô ấy nghĩ nhiều quá.”
“Cậu thì biết cái gì.” Cậu ta trừng mắt nhìn tôi.
Tôi không muốn tranh luận tiếp với anh ta, vì vậy bèn nói: “Anh nói đúng, tôi không hiểu.”
“Từ lúc còn đi học ở Đài Loan cô ấy đã thích tới quán cà phê này, cũng hay bảo cà phê ở đây uống rất ngon.”
“Quán cà phê này không phải của anh à?”
“Lúc đó thì không.” Anh ta nói: “Trong mấy năm khi cô ấy ra nước ngoài du học, tôi liều mạng kiếm tiền, cuối cùng thuê được quán này, cũng nhờ chủ quán dạy tôi pha cà phê.”
“Chủ quán trước xem ra cũng không tồi.”
“Không. Ông ấy cho rằng tôi là xã hội đen, thế nên không thể không dạy.”
Tôi cảm thấy rất buồn cười, vì vậy bèn cười lên vài tiếng.
Chủ quán trông rất ngầu, lại có vẻ hơi hung bạo, thêm quả đầu húi cua, hèn gì bị người ta lầm là người trong xã hội đen.
“Sau khi cô ấy về Đài Loan, gần như ngày nào cũng tới đây uống cà phê. Tôi không muốn cô ấy trả tiền cà phê, lại muốn xem cô tiếp tục vẽ, thế nên tôi bảo cô ấy dùng tranh của mình để đổi lấy cà phê.”
“Ừ.”
“Mọi bức tranh cô ấy đưa tôi, tôi đều bảo quản rất tốt. Nếu có cơ hội sẽ giúp cô ấy mở triển lãm tranh.”
“Anh đúng là người tốt.”
“Từ khi cô ấy quen cậu, tranh vẽ càng lúc càng đẹp, điểm này tôi phải cám ơn cậu.”
“Đừng khách sáo.”
“Nhưng giờ cô ấy bỏ đi cũng là do cậu, thế nên tôi không cách nào tha thứ cho cậu được.”
“Xin lỗi.”
Chúng tôi cùng im lặng, cũng đồng thời chuyển sự chú ý về món ăn trên bàn.
“Nói về anh một chút đi.” Tôi đánh vỡ không khí trầm lắng. “Anh cũng là người học nghệ thuật, sao không vẽ tiếp?”
“Nghệ thuật cần có thiên phú, so với cô ấy, tôi không có thiên phú.”
“Thật không?”
“Ừ. Tôi nhiều lắm là trở thành nhà bình luận nghệ thuật, không thể trở thành người sáng tác nghệ thuật được.”
“Vì sao?”
“Sáng tác phải dựa vào bản thân mình và chỉ bản thân mình thôi, nhà bình luận lại có thể đứng dưới góc độ người thứ ba.”
“Anh không có ‘bản thân mình’ sao?”
“Sau khi quen cô ấy thì không có nữa rồi.”
Chủ quán nói xong bèn thở một hơi thật dài.
“Anh có biết cô ấy đi đâu không?”
Chủ quán lắc đầu.
“Chẳng phải anh có số điện thoại của cô ấy sao?”
Chủ quán đứng dậy, ra chỗ quấy bar, rồi tìm một món đồ dưới quầy bar ra, cầm trở lại.
“Đây là di động của cô ấy.” Anh ta đặt một chiếc di động màu đỏ lên trên mặt bàn, sau đó nói: “Nếu cậu muốn, tôi bán cho cậu với giá ba ngàn đồng.”
“Anh điên à, tôi mua di động của cô ấy làm gì?”
Tôi hơi nổi nóng, không phải vì ba nghìn đồng ấy, mà bởi vì cơ hội tìm thấy Kha Tuyết đã càng xa vời.
Chủ quán thu dọn đĩa trở lại quầy bar, tôi cũng đứng dậy chuẩn bị đi khỏi.
Trước khi đi khỏi tôi vẫn ôm một tia hy vọng cuối cùng, hỏi chủ quán:
“Anh có biết lúc nào cô ấy về không?”
“Không biết.” Anh ta dừng lại một chút rồi nói tiếp: “Nhưng tôi sẽ chờ.”
Mở cửa quán ra, tôi quay đầu lại nói với chủ quán:
“Anh sinh nhầm thời đại rồi, nếu trong tiểu thuyết tình yêu thời hiện đại, anh chỉ có thể làm vai phụ; nhưng nếu trong thời của tiểu thuyết võ hiệp, anh chắc chắn sẽ là một đại hiệp.”
Chủ quán không trả lời, bước tới bàn thứ hai bên cửa sổ, cầm tấm thẻ “Đã đặt chỗ” lên, rồi quay lại quầy bar, cẩn thận cất nó đi.
Tôi ra khỏi quán cà phê, đèn trong quán cũng tắt, chìm vào bóng tối mịt mờ.
Bước khỏi chuyến tàu điện ngầm cuối cùng, từ từ đi về nhà, không biết tốn mất bao lâu.
Ngày thứ mười hai sau khi Kha Tuyết bắn mũi tên đau thương đó, tôi không tới quán cà phê ấy nữa.
Ngày thứ mười tám sau khi Kha Tuyết bắn mũi tên đau thương, tôi tới chỗ ở của Kha Tuyết.
Mở cửa là mẹ của Tiểu Lỵ, cô ấy vừa thấy tôi đã nói ngay:
“Hóa ra là gã vô lương tâm nhà anh.”
“Tôi…” Da đầu tôi lập tức tê dại, không biết nên nói gì.
“Cô ấy không ở đây. Anh có thể đi.”
“Cô ấy đi đâu?”
“Không biết. Cô ấy đem theo dụng cụ vẽ tranh và giá vẽ, chỉ nói muốn ra ngoài một chút.”
“Lúc nào cô ấy về?”
“Cô ấy không nói.”
“Tới phiên tôi hỏi anh.” Cô ấy nói.
“Ừ.”
“Anh có từng lên giường với cô ấy hay không?”
“Này!”
“Này cái gì mà này?” Cô ấy cao giọng hỏi tiếp: “Rốt cuộc là có hay không?”
“Không có!” Tôi cũng cao giọng đáp lại.
“Vậy là được.” Cô ấy nói: “Anh vẫn còn chưa tính là táng tận lương tâm.”
Tôi cảm nói chuyện với cô ấy không hợp, hơn nữa chuyện cần hỏi cũng đã hỏi, bèn bước xuống lầu.
“Cô ấy có gọi điện về.”
“Thật không?” Tôi lập tức dừng bước. “Cô ấy nói gì không?”
“Tôi không biết.” Cô ấy nói. “Tiểu Lỵ nhận điện thoại.”
“Ừm.”
Tôi lại bắt đầu đi xuống, lại nghe cô ấy hỏi: “Gần đây anh hay thức đêm à.”
“Không.” Tôi lại ngừng chân. “Chỉ có điều giấc ngủ buổi tối không được tốt, hay mất ngủ.”
“Hèn gì nhìn da anh hơi thiếu sức sống.”
“Hả?”
“Gần đây công ty chúng tôi mới khai trương một seri sản phẩm dưỡng da bọt trắng, anh có muốn xem thử hay không?”
“Bao nhiêu tiền?”
“Hai vạn đồng.”
“Đắt quá.”
“Còn seri trẻ nhỏ, chỉ cần một vạn hai.”
“Vẫn quá đắt.”
“Còn seri vàng lấp loáng, nước lóng lánh, trắng mịn mịn…”
Tôi không đợi cô ấy nói xong, vội vàng chạy xuống lầu, không hề quay đầu lại.
Đón xe bus rồi chuyển sang tàu điện ngầm, đi bộ về nhà, vượt qua buổi tối mất ngủ thứ mười tám.
Ngày thứ hai mươi sau khi Kha Tuyết bắn mũi tên đau thương, tôi tới nhà trẻ của Tiểu Lỵ.
Tiểu Lỵ đang ngồi trên thảm cỏ, cúi đầu vẽ tranh, tôi cong người xuống hỏi: “Cháu đang vẽ gì thế?”
“Tiểu Bì.” Cô bé trả lời nhưng không ngẩng đầu lên.
Ánh mắt tôi nhìn về phía trước tìm tòi, thấy chú chó chăn trẻ thần kỳ kia.
Lại cúi đầu nhìn bức tranh của Tiểu Lỵ, chú chó trong tranh lông dựng thẳng tắp, trông như con nhím.
“Cháu đang vẽ Tiểu Bì bị sét đánh trúng à?” Tôi hỏi.
“Cái gì!” Tiểu Lỵ hai tay chống nạnh, lớn tiếng đáp: “Là Tiểu Bì lúc tức giận chứ!”
“Vẽ đẹp lắm.” Tôi cười gượng hai tiếng, có phần nghĩ một đằng nói một nẻo.
Tiểu Lỵ ngẩng đầu lên nhìn tôi, trong mắt thoáng hiện vẻ hoài nghi.
“Mẹ cháu đâu?” Tôi thử hỏi.
“Mẹ phải một lúc nữa mới tới đến đón cháu.” Tiểu Lỵ lại cúi đầu vẽ tranh.
“Chú hỏi mẹ biết vẽ tranh của cháu cơ.”
“Mẹ đi rồi.”
“Không phải mẹ có gọi điện cho cháu à? Mẹ nói gì với cháu?”
“Mẹ bảo cháu phải ngoan, phải nghe lời mẹ.”
“Mẹ có nói bao giờ trở về không?”
“Không.”
“Cháu còn nhớ mẹ nói gì nữa không?”
“Chú ồn ào quá đấy!”
Tiểu Lỵ quay lưng về phía tôi, có vẻ không muốn để ý tới tôi nữa.
“Cháu biết không?” Tôi bước tới hai bước, đến bên cạnh cô bé, cúi người nói tiếp:
“Họa sĩ giỏi, khi vẽ gió sẽ khiến người ta nghe thấy tiếng vù vù, khi vẽ mưa sẽ khiến người ta nghe tiếng lộp bộp, còn khi vẽ sấm chớp sẽ làm người ta vô thức che lỗ tai lại.”
Tiểu Lỵ vẫn không phản ứng, tôi lại tiếp tục: “Còn họa sĩ lợi hại hơn, lúc vẽ gió sẽ khiến người ta…”
Còn chưa nói xong, Tiểu Lỵ đột nhiên đứng bật dậy, chạy đi nhanh như chớp.
Sau đó tôi nghe thấy tiếng chó sủa, không phải từ bức tranh của Tiểu Lỵ mà là từ thảm cỏ trước mặt.
Tháng đầu tiên sau khi Kha Tuyết bắn ra mũi tên đau thương, tôi lại bắt đầu viết “Diệc Thứ và Kha Tuyết” tiếp.
Từ khi Lễ Yên và Kha Tuyết đi khỏi, vốn tôi đã ngừng bút;
Nhưng giờ đây lại cảm thấy, mình nhất định phải viết tiếp, viết tiếp nữa, mới có thể hóa giải nỗi đau trong lòng.
Lúc viết tới chương “đau thương”, tôi không ngừng nghe thấy tiếng lòng đau thương của Lễ Yên, cũng cảm thụ được nỗi đau của Kha Tuyết.
Vì vậy viết xong “đau thương” tôi cũng chẳng viết nổi nữa.
Có điều tôi lại hiểu ra một đạo lý:
Nếu tranh vẽ đã có thể khiến người ta nghe thấy âm thanh, cũng khiến người ta có cảm xúc trong lòng, vậy chắc hẳn tiểu thuyết cũng đồng dạng?
Tôi đưa “Diệc Thứ và Kha Tuyết” cho Đại Đông đọc.
Cậu ta nói, khi đọc về bức tranh “Tình yêu ở nơi đâu” của Kha Tuyết trong cuốn tiểu thuyết, cậu ta đột nhiên có một cảm giác.
“Cảm giác ra sao?” Tôi hỏi.
“Đôi nam nữ ôm nhau trong bức tranh này, chắc hẳn là Diệc Thứ và Kha Tuyết.” Cậu ta nói.
Đại Đông khiến tôi càng thêm xác định, giữa Diệc Thứ và Kha Tuyết, có tồn tại tình yêu.
Tháng thứ hai sau khi Kha Tuyết bắn mũi tên đau thương ra, công ty khôi phục giờ làm bình thường.
Nhưng Tiểu Lương lại nộp đơn từ chức.
Tiểu Lương nói mình mới hai mươi tám tuổi, muốn ra nước ngoài học thêm một chút.
Thật ra từ sau khi Lễ Yên đi khỏi, tôi không còn cảm thấy cậu ta là kẻ đáng ghét nữa.
Trong tiểu thuyết tình yêu, mâu thuẫn lớn nhất thường không tới từ điểm bất đồng, mà ngược lại, đến từ điểm tương đồng.
Nói cách khác, hai chàng trai cùng thích một cô gái, hoặc hai cô gái cùng thích một chàng trai.
Đây là mâu thuẫn lớn nhất giữa tôi và Tiểu Lương.
Thế nên trong tiểu thuyết của tôi, Tiểu Lương biến thành nhân vật phản diện.
Nếu Tiểu Lương cũng viết tiểu thuyết, vậy trong tiểu thuyết của cậu ta, Diệc Thứ chắc chắn cũng sắm vai nhân vật phản diện.
Cô Lý quyết định giảm béo, vì chỉ hai tháng không đi ăn cùng Lễ Yên, chị ta đã mập thêm tới ba cân.
Cô ấy bắt đầu tập thể dục, chạy bộ, cũng không đi thang máy nữa mà leo thang bộ lên công ty.
Tầng chín đấy! Hèn gì mỗi sáng sớm lúc tới công ty thấy cô Lý, cô ấy luôn thở hồng hộc.
Sau một tuần, tôi cảm thấy cô ấy có vẻ cường tráng hơn, chắc là do mỡ chuyển thành cơ thịt.
Tháng thứ ba sau khi Kha Tuyết bắn ra mũi tên đau thương, tôi thuê một chiếc xe, lái về phía đông.
Ở gân Hoa Liên, thấy một vườn hoa cải lớn.
Tôi không khỏi dừng xe lại, rong chơi trong thế giới đầy sắc vàng đó.
Đây là cảnh tượng đã xuất hiện trong bức tranh “Thiên đường” của Kha Tuyết.
Tôi quên hẳn mọi theo đuổi và đau thương, cảm thấy như sống lại lần nữa.
Bầu trời đột nhiên mưa to, trong lúc nhât thời cũng quên béng mất mình dừng xe ở đâu, vừa hay thấy gần đó có một căn nhà, bèn chạy về phía đó, trú mưa dưới mái hiên ngoài nhà.
Nơi đó dường như là một trang viên, gồm ba bốn căn phòng mái ngói giản đơn, giữa sân là một bãi cỏ lớn màu xanh lục.
Trên cỏ đặt hai ba mươi tảng đá lớn, đã được người ta điêu khắc.
Tôi nhìn khắp nơi, ngoài cửa có một tấm biển nhỏ nói nên rằng đây là một sân vườn trạm khắc đá.
“Chàng trai.” Một ông lão trông khoảng sáu mươi tuổi, râu tóc bạc trắng bung dù bước tới. “Vào đây mà trú mưa.”
Nhìn nụ cười và thái đột thân thiết của ông, tôi bèn gật đầu: “Cám ơn.”
Chúng tôi cùng bung dù, bước vào căn chòi trong sân, ông lão thu ô, nói: “Uống chén trà đi.”
Tôi ngồi xuống, cảm giác trên đầu có mưa, ngẩng đầu lên nhìn, nóc chòi được lợp bằng cỏ tranh, vì vậy hạt mưa lọt qua lớp cỏ, nhỏ vài hạt xuống bên dưới chòi.
Tôi chuyển vị trí khác tránh chỗ ướt đi nhận lấy chén trà nóng của ông lão.
Ngoài chòi tuy rằng mưa tầm tã, nhưng trong chòi ông lão vẫn đang đun nước ngâm trà.
Tôi cảm thấy thật ấm áp và yên bình.
Ông lão hỏi tôi từ đâu tới? Tới đây làm gì? Tôi theo sự thật kể lại.
Sau đó nói: “Nếu căn chòi này để cho cháu làm, chắc chắn sẽ không bị dột nước.”
Ông lão nghe tôi nói xong bèn cười ha hả, tiếng cười sang sảng như một người trẻ tuổi nhiệt tình.
Ông lão vừa uống trà vừa kể chuyện của mình cho tôi.
Hóa ra ông là thợ điêu khắc đá, nhưng chưa từng học ở học viện nghệ thuật chính quy.
Lúc còn trẻ vì cuộc sống đã bất kể tính chất công việc, trước sau làm hơn chục thứ việc nhưng đều không kéo dài,
Cuối cùng lại tìm được mình trong thế giới điêu khắc.
“Lúc tôi mới khắc tượng, thường lặn xuống biển tìm đá.” Ông lão nói.
“Vì sao?” Tôi rất nghi hoặc. “Trên núi đâu cũng có đá mà.”
“Đá trong biển cứng rắn hơn.” Ông nói: “Tảng đá càng cứng, độ khó khi điêu khắc càng cao. Như vậy trong quá trình điêu khắc càng cảm nhận được sức sống.”
Tôi phát hiện dù tuổi ông ấy đã lớn, thân thể trông cũng gầy gò, nhưng trong mắt lại chất chứa năng lượng khổng lồ.
Mưa dường như đã ngừng, ông lão nhìn ra phía ngoài chòi, nói: “Để tôi đưa cậu đi xem qua nơi này.”
“Vâng.” Tôi gật đầu, đứng dậy.
Chúng tôi đi qua một căn phòng, chỉ thấy chùy với đục hỏng quăng khắp nơi, tôi cũng thầm chấn động.
Tay phải nhặt một cái chùy sắt nặng lên, phần sắt vì va chạm liên tục mà giờ đã cong vòng.
Trong lòng thầm suy nghĩ, phải trả qua mấy ngàn, mấy vạn lần gõ mới trở thành thế này được?
“Có khi tôi cảm thấy, so với những bức tượng mà mình đã khắc, đây mới là những sáng tác chân chính.”
Ông lão cười nhẹ nói.
Ông lão tùy ý bày tượng đá trên cỏ ngoài phòng, chẳng chút trang sức dư thừa.
“Dẫu sao cùng là đá, đâu sợ dầm mưa dãi nắng.” Ông cười nói.
Những tác phẩm của ông dường như đều lấy phụ nữ trung niên làm chủ đề, hơn nữa đều có cảm giác êm dịu và kiên nghị.
Ông lão nói đó là hình tượng mẹ ông, một phụ nữ nông thôn Đài Loan giản dị mà cường tráng.
Có một tác phẩm khác biệt hẳn, cô gái có vẻ còn rất trẻ, hơn nữa hình dáng tảng đá trông như hạt đậu, khiến cô gái trông giống đang ôm ấp một thứ gì đó, hoặc ai đó.
Điểm đặc biệt nhất là con mắt của cô gái hướng lên trên, mắt trái bị đục rỗng.
Trời mới đổ mưa, trong con mắt rỗng chứa đầy nước, mặt nước gợn lên từng cơn sóng nhỏ.
“Tác phẩm này rất đặc biệt, nó tên là…” Tôi hỏi.
“《 nhu tình vạn thiên 》” Ông lão trả lời.
“Trước kia lúc điêu khắc cũng không định đục rỗng mắt trái. Nhưng lúc điêu khắc mắt trái, cảm thấy mình làm sai cho nên dứt khoát đục rỗng mắt trái, cuối cùng thành như hiện giờ.” Ông nói.