Sau khi quyết định làm lại cuộc sống, tôi đem bức thư nàng gửi trả lại cùng với mấy nghìn tấm thiệp nhỏ màu đỏ kia, cất hết lên gian phòng tầng trên. Như vậy tôi sẽ không phải trông cảnh nhớ người nữa, nhưng cũng chưa thể hoàn toàn dứt bỏ được đoạn hồi ức này.
Căn phòng tầng trên rất bừa bộn, tìm mãi không ra một góc sạch sẽ để để đồ. Vì muốn kiếm cho mình chút việc để làm, tôi dành ra hai ngày dọn dẹp một trận. Đem vứt hết những thứ chắc chắc không dùng đến đi, dọn dẹp sạch sẽ những thứ còn lại xong, tôi đắc ý ngắm nghía diện mạo của căn phòng.
Một chiếc giường đơn kê sát tường, trên bức tường đối diện có một cửa sổ rất to, miễn cưỡng có thể gọi là cửa sổ sát đất, bởi vì bệ cửa sổ chỉ cách mặt đất có 10 phân. Kéo rèm cửa ra, nằm trên giường nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy ngay một cái cây cành lá xum xuê phía sau nhà. Khi có gió, cành lá đập nhẹ vào cửa kính, phảng phất có thể nghe thấy âm thanh.
Tôi lắng nghe một lúc lời thì thầm của cỏ cây, toàn thân thả lỏng, rồi chìm vào trong mộng. Khi tỉnh lại lưng đã quay về phía cửa sổ, còn mặt thì sắp dính vào bức tường sát giường, trước mắt lại có một đám đốm đen đen. Đeo kính vào nhìn kỹ, thì ra ở góc hơi khuất trên tường viết rất nhiều chữ, giống như có hàng ngàn con kiếu đen đang bò trên tường.
Những dòng chữ này giống như là nhật ký tâm trạng, chứ không hời hợt như những dòng chữ viết trên tường nhà vệ sinh hay trên các khu thắng cảnh. Những lời trên tường chui ra từ một góc rất sâu trong tim, biến thành chữ, từng từ từng chữ ghi lại trên tường. Số chữ của mỗi đoạn không giống nhau, có đoạn chưa đến mười chữ, có đoạn gần cả trăm chữ, nhưng ở cuối đều ghi ngày tháng. Những đoạn chữ này viết trên tường không theo quy luật thời gian nào, hơn nữa khoảng cách thời gian cũng không cố định, có lúc ba ngày viết một lần, có lúc cách hơn nửa tháng. Ban đầu người viết có lẽ là muốn bày tỏ, nên tìm đại một khoảng trống để ghi lại tâm sự.
Vì chữ viết rất nhỏ, tôi phải mất nửa tiếng đồng hồ mới xem hết.
“Tao phải đi rồi. Đi tìm một bức tường khác có thể cùng tao chờ đợi.” Đây là câu cuối cùng người đó viết, thời gian là một năm trước khi tôi dọn đến căn nhà này.
Tôi nghĩ anh ta nhất định là một người rất cô đơn, chỉ có thể tâm sự với bức tường, hơn nữa những tâm sự này hầu như đều không vui vẻ. Hoặc cũng có lẽ lúc vui vẻ anh ta không có thói quen viết tâm sự, nhưng với người đọc một mạch như tôi mà nói, chỉ cảm thấy anh ta rất cô đơn. Đối với người đang đắm chìm vào nỗi bi thương sau khi Vỹ Đình rời xa như tôi, không khỏi có cảm giác đồng bệnh tương lân.
Tôi dụi dụi đôi mắt cay xè, nhìn ra cái cây bên ngoài cửa sổ thêm một lần nữa, rồi rời giường tìm một cây bút, viết lên trên tường: “Chính thức chia tay Vỹ Đình, khổng tước phải học cách xoè đuôi.” Sau đó ghi lại thời gian.
Từ đó chỉ cần không thể rũ bỏ nỗi đau thương khi nhớ tới Vỹ Đình, tôi bèn viết lên bức tường đó. Kể ra cũng lạ, chỉ cần tôi viết xong, bèn cảm thấy vô cùng sảng khoái. Xét về một ý nghĩa nào đó, bức tường này giống như nhà xí của tâm hồn, tuy rằng so sánh như thế có chút thô bỉ. Dần dần, thời gian giữa các lần viết ngày càng dài ra, lý do viết cũng ngày càng không liên quan đến Vỹ Đình.
Tôi rất cảm kích bức tường đó, nó khiến tôi có thể tự do bộc lộ sự bi thương trong lòng. Sự bi thương này tích tụ lâu ngày trong lòng sẽ không lên men thành rượu ngon, mà lại càng ngày càng đắng chát. Chỉ có giải toả đúng lúc đúng cách, mới có thể thoát khỏi bi thương. Tôi đem tôi của quá khứ lưu lại trên tường, bắt đầu đối diện với mỗi một ngày mới. Nếu đã không thể thoát khỏi hình tượng khổng tước, vậy thì làm một con khổng tước xoè đuôi vậy.
Bên ngoài bỗng vang lên tiếng chuông cửa, tôi ra khỏi phòng, mở cửa sân.
“Vinh An!”
Tôi rất ngạc nhiên, không khỏi thốt lên.
“Anh bạn.” Vinh An đứng ngoài cửa cứ cười ngu ngơ mãi, nói: “Lúc gọi tên tớ, xin đừng thêm quá nhiều tình cảm vào.”
Tuy Vinh An chỉ là bạn đại học của tôi, nhưng khi đó tôi lại cảm thấy cậu ấy giống như người thân lâu ngày gặp lại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.