Triệu Phú Khu Ổ Chuột

Kỳ 5: Vụ án mạng



Gudiya về nhà, nhưng tôi không sang gặp chị bởi Shantaram không cho phép bất cứ thằng con trai nào bước chân vào nhà ông ta. Bà Shantaram nói với tôi rằng chồng bà nhận thức được mình đã gây ra chuyện gì và sẽ sửa đổi, mặc dù trong thẳm sâu lòng mình bà ấy biết ông Shantaram là kẻ vô phương cứu vãn. Nhưng bà ấy không biết chồng mình có thể lún sâu tới đâu.

Những con thú bị săn đuổi

Chưa đầy một tuần sau khi Gudiya ra viện, ông ta lại làm chuyện tồi tệ với chị ấy. Ông ta cố chạm vào chị ấy, nhưng không giống cách một người cha chạm vào con gái mình. Thoạt đầu tôi không hiểu. Tất cả những gì tôi nghe thấy là ông ta gọi chị Gudiya là mặt trăng của ông ta, sau đó là tiếng bà Shantaram khóc, và tiếng Gudiya kêu lên: “Bố, đừng đụng vào con! Bố làm ơn đừng đụng vào con!”.

Có gì đó nhói lên trong đầu tôi khi nghe thấy tiếng khóc buồn thảm của Gudiya. Tôi muốn lao sang phòng Shantaram xé xác ông ta ra. Nhưng tôi chưa kịp gom góp lòng can đảm thì đã nghe thấy tiếng ngáy ầm ĩ của Shantaram. Ông ta đã ngủ. Gudiya thì vẫn đang khóc. Tôi không cần phải dùng tới cái cốc cũng nghe được tiếng nức nở của chị ấy…

Tối hôm sau, Shantaram lại về nhà trong tình trạng say mèm và cố quấy rầy Gudiya. “Con đẹp hơn tất cả các hành tinh và các vì sao. Con là mặt trăng của ta. Con là Gudiya của ta, con búp bê của ta. Hôm qua con đã lẩn tránh ta, nhưng hôm nay ta sẽ không để con rời xa ta đâu”, ông ta nói. “Ðừng có cư xử như thế nữa!”, bà Shantaram kêu lên nhưng ông chồng không thèm đếm xỉa đến những gì bà ấy nói…

“Ông là một con quỷ”, bà Shantaram hét lên, và Shantaram đánh bà ấy. Tôi nghe thấy tiếng chai vỡ. “Không!”, Gudiya thét lên. Tôi cảm thấy một ngọn lửa hàn đang xuyên vào óc tôi và cảm thấy kim loại nóng chảy đang đổ lên tim tôi. Tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Tôi chạy tới phòng ông Ramakrishna nói với ông ấy rằng Shantaram đang làm một chuyện khủng khiếp với vợ và con gái ông ta. Nhưng Ramakrishna xử sự như thể tôi đang nói về thời tiết. “Này – ông ấy bảo tôi – Bất cứ chuyện gì xảy ra trong bốn bức tường của một gia đình đều là chuyện riêng của gia đình đó và chúng ta không thể can thiệp… Giờ thì đi đi, đến giờ tôi đi ngủ rồi”.

Tôi chạy về phòng. Tôi nghe thấy tiếng Shantaram ngáy, và nghe Gudiya kêu rằng chị ấy bẩn: “Ðừng chạm vào tôi! Ðừng ai chạm vào tôi! Tôi sẽ gây bệnh cho bất cứ ai đến gần tôi”. Tôi nghĩ chị ấy mất trí rồi. Và tôi cũng mất trí. “Gây bệnh cho em đi”, tôi nói và đút tay qua cái lỗ hổng trong tường. Gudiya nắm tay tôi. “Chị sẽ không sống lâu nữa đâu, Ram Mohammad Thomas ạ – chị ấy nức nở – Chị thà tự tử còn hơn là phục tùng bố chị”. Nỗi đau của chị ấy bay qua lỗ hổng bọc lấy tôi. Tôi bắt đầu khóc. “Em sẽ không bao giờ cho phép chuyện đó xảy ra – tôi nói với chị ấy – Ðây là lời hứa của một người em trai”…

Tôi sờ những ngón tay gầy guộc của Gudiya, sờ da thịt trên tay chị ấy và biết rằng cả hai chúng tôi đều là những con thú bị săn đuổi, là đồng phạm. Tội của tôi là một thằng bé mồ côi lại dám biến rắc rối của người khác thành rắc rối của mình. Nhưng tội của Gudiya là gì? Chỉ là chị ấy sinh ra là phận gái và Shantaram là bố chị ấy.

Thực hiện lời hứa

Tôi thực hiện lời hứa của mình vào tối ngày hôm sau, khi Shantaram vừa đi làm về và đang leo lên các bậc cầu thang ọp ẹp dẫn tới tầng hai. Ông ta bước những bước chậm chạp, loạng choạng. Thậm chí quần áo ông ta cũng sặc mùi whisky. Khi ông ta sắp đi qua đoạn chắn cầu thang vẫn chưa được ông Ramakrishna cho sửa chữa, tôi tấn công ông ta từ phía sau. Tôi huých vào lưng ông ta và ông ta đập vào thanh chắn cầu thang bằng gỗ. Ðoạn thanh chắn đó đã yếu và lung lay sẵn. Nó không chịu nổi sức nặng của ông ta. Nó kêu răng rắc và gãy ra.

Shantaram mất thăng bằng, ngã lộn xuống tầng một… Ông ta đập mặt xuống đất, nằm sóng soài, chân tay dang rộng. Chỉ khi nhìn thấy cái xác mềm rũ của Shantaram trên mặt đất tôi mới hiểu mình vừa làm gì. Và khi đó tôi mới hình dung ra hậu quả của việc mình làm.

Cảnh sát điều tra hiện trường đến trên một chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy và khéo léo vẽ phấn quanh cái xác. Họ chụp ảnh và nói: “Ðây là chỗ cái xác rơi xuống”. Rồi họ nhìn lên và thấy tôi trên tầng hai. Nhân viên điều tra chỉ vào tôi: “Chính thằng bé đó đã xô ông ta xuống. Bắt lấy nó!”.

Tôi bị đưa đến nhà giam, và tại đây bị lột hết quần áo, bị đánh đập. Sau đó tôi bị đưa tới tòa án, nơi có một vị thẩm phán vẻ mặt nghiêm khắc mặc áo choàng đen ngồi dưới một chiếc quạt trần. Một tấm biển màu vàng bụi bặm bạc màu ghi mấy chữ Satyameva Jayate – Sự thật luôn chiến thắng – được gắn trên bức tường sau lưng ông ta. Vị thẩm phán nhìn tôi rồi tuyên án: “Ram Mohammad Thomas, tôi tuyên bố anh phạm tội giết ông Shantaram có chủ ý. Vì vậy theo điều 302 Bộ luật hình sự Ấn Ðộ, tôi tuyên bố anh phải chịu án tử hình treo cổ”.

“Không!” – tôi kêu lên và cố chạy nhưng chân bị cùm, còn tay đã bị còng. Tôi bị bịt mắt và đưa tới phòng giam dành cho tử tù. Một cái thòng lọng được tròng vào cổ tôi và một cái đòn bẩy được kéo lên. Tôi thét lên đau đớn khi hai chân bỗng nhiên đu đưa trên không và hơi thở từ phổi tôi tắc nghẹt. Tôi mở mắt và nhận thấy mình đang ở trên thiên đường. Nhưng thiên đường dường như cũng giống khu chawl và tôi nhìn xuống thấy xác ông Shantaram nằm dang chân dang tay dưới đất. Giờ người ta đang xúm quanh cái xác. Ai đó kêu lên: “Gọi cảnh sát đi!”.

Tôi không đợi thêm phút nào nữa. Tôi bò lồm cồm xuống cầu thang và bắt đầu chạy. Tôi chạy qua cổng, qua quán bán sữa, qua tòa nhà nhiều tầng. Tôi chạy ra ga địa phương và bắt chuyến tàu tốc hành đến ga Victoria Terminus. Tôi kiểm tra mọi thềm ga để tìm một chuyến tàu đặc biệt. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy và nhảy lên tàu đúng lúc nó bắt đầu lăn bánh.

Tôi rời bỏ Mumbai, rời bỏ Gudiya, rời bỏ Salim và bỏ trốn đến thành phố khác duy nhất mà tôi biết. Thành phố Delhi.

Smita im lặng

Smita giữ im lặng tuyệt đối trong suốt thời gian tôi kể câu chuyện. Giờ tôi có thể thấy cô xúc động sâu sắc. Tôi thấy một giọt nước mắt thấp thoáng nơi khóe mắt cô ấy. Có lẽ là một người phụ nữ, cô ấy có thể cảm thông với nỗi đau khổ của Gudiya. Tôi cầm chiếc điều khiển từ xa lên. “Chúng ta hãy xem câu hỏi số ba” – tôi nói và ấn nút “play”. Prem Kumar xoay người trên ghế và nói với tôi: “Anh Thomas, anh đã trả lời chính xác hai câu hỏi và giành được phần thưởng trị giá hai nghìn rupi. Giờ chúng ta hãy xem anh có thể trả lời được câu hỏi thứ ba và giành năm nghìn rupi hay không. Anh sẵn sàng chưa?”. “Sẵn sàng”, tôi đáp… “OK. Câu hỏi tiếp theo của chúng tôi thuộc lĩnh vực thiên văn học. Hãy nói cho tôi, anh Thomas, anh biết có bao nhiêu hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta không?”. “Các lựa chọn của tôi là gì?”. “Ðó không phải câu hỏi của trò chơi, anh Thomas ạ. Tôi chỉ hỏi liệu anh có biết số hành tinh thuộc hệ mặt trời hay không thôi”. “Không”. “Không ư? Tôi hi vọng anh biết tên của hành tinh chúng ta đang sống”.

Khán giả phá lên cười. “Trái đất”, tôi uể oải đáp. “Tốt. Vậy là anh có biết tên của một hành tinh. OK, anh đã sẵn sàng cho câu hỏi số ba?”. “Sẵn sàng”, tôi đáp. “OK. Ðây là câu hỏi số ba. Hành tinh nào là hành tinh nhỏ nhất trong hệ mặt trời của chúng ta? Ðó là a) Pluto, b) Mars, c) Neptune hay d) Mercury?”.

Một âm thanh thoát ra khỏi môi tôi trước khi nhạc bắt đầu nổi lên, và đó là tiếng “Meo!”. “Xin lỗi? – Prem Kumar ngạc nhiên hỏi – Anh nói gì cơ? Tôi nghĩ tôi vừa thoáng nghe thấy tiếng mèo kêu”. “Tôi nói là ‘A’”. “A ư?”. “Ðúng. Câu trả lời là a) Pluto”. “Anh hoàn toàn chắc chắn một trăm phần trăm rằng câu trả lời là A chứ?”. “Vâng”. Tiếng trống dồn vang lên. Câu trả lời đúng hiện lên trên màn hình. “Chính xác, chính xác một trăm phần trăm! Pluto đúng là hành tinh nhỏ nhất trong hệ mặt trời của chúng ta. Anh Thomas, anh vừa giành được năm nghìn rupi!”.

Khán giả bị ấn tượng bởi hiểu biết sâu rộng của tôi. Vài người đứng lên vỗ tay. Nhưng Smita vẫn im lặng.

***

Thomas đến Agra, khám phá đền Taj Mahal. Một công việc mới mở ra với những trải nghiệm sâu sắc trong đời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.