CÁI CHẾT CỦA BÀ MAC GINTY

Chương VIII



Như? – Bessie Burch ngớ ra – Không, tôi không nhận thư nào của bà cô. Mà bà viết thư làm gì?

Poirot đặt giả thuyết là bà có điều gì muốn nói với cháu chăng. Bessie lắc đầu :

– Bà có viết bao giờ. Bảy mươi tuổi rồi, ông thấy đấy, và lúc bé, có học hành mấy.

– Nhưng bà biết đọc biết viết?

– Tất nhiên. Nhưng bà có đọc gì đâu, ngoài mấy tờ Tin thế giới và Sao chổi Chủ nhật. Còn viết lách, thì là cả một vấn đề. Khi cần nói điều gì, ví dụ muốn bảo chúng tôi đến chơi, bà gọi điện cho ông Benson, ở hiệu thuốc bên cạnh, thế là ông ấy nhắn lại. Ông ấy tốt thật, khỏi phải nói… Bà ra gọi điện thoại công cộng ở trạm bưu điện, mỗi lần mất có hai xu…

Poirot cố giữ khỏi mỉm cười. Viết thư tốn tiền hơn, và bà già không phải là người phí phạm, dù chỉ nửa xu. Bà đã có tiếng là “đếm từng xu”.

– Nhưng dù sao, thỉnh thoảng có viết thư?

– Có gửi thiếp mừng vào dịp Nô-en.

– Bà có thể thư từ với bạn bè ở nơi khác?

– Tôi biết không có ai. Có một bà em dâu, bà ấy chết hai năm nay rồi… Còn bà Birdlip nữa, bà ấy cũng chết.

– Tóm lại, nếu viết thư, hẳn là để trả lời một thư nào đó mà bà nhận được?

Bessie Burch lắc đầu hoài nghi :

– Thực tình, tôi không nghĩ có ai viết thư cho bà…

Rồi cười, nói thêm :

– Trừ khi là thư của chính phủ…

Poirot hiểu: với Bessie Burch, chính phủ với các cơ quan hành chính là một, những cơ quan này thường gửi lắm giấy tờ, yêu cầu dân kê khai đủ thứ số liệu vừa chi tiết vừa vô duyên.

– Vậy là, có thể bà Mac Ginty nhận được của… chính phủ một thông báo gì đó mà bà cần trả lời?

– Trường hợp ấy, bà đã mang sang nhờ Joe viết hộ. Có gì lấn cấn, bà thường nhờ Joe.

– Trong số giấy tờ, bà có giữ những thư riêng nào không?

– Tôi chẳng biết. Vả giấy tờ đồ đạc của bà, cảnh sát đã đến trước tôi, xem chán rồi mới để chúng tôi mang đi.

– Vậy chúng đâu cả rồi?

– Nhà chật, chúng tôi không giữ hết… Chỉ giữ vài thứ đồ… Như cái tủ ông trông kia…

– Tôi muốn nói những đồ dùng cá nhân kia: gương lược, quần áo, ảnh chụp…

– Tôi để tất cả vào một cái hòm con ở trên gác… Chả biết dùng để làm gì. Quần áo, tôi không muốn đem bán cho nhà hàng đồ cũ, định đến Nô-en đem cúng vào hội từ thiện, rồi quên khuấy mất.

– Bà có thể cho tôi xem trong hòm còn gì nữa…

– Nếu ông muốn, xin cứ mời! Nhưng tôi nghĩ chẳng tìm thấy gì đâu. Cảnh sát đã xem tất cả…

– Tôi biết. Dù sao…

Bà Burch dẫn Poirot lên gác, vào một phòng ngủ nhỏ xíu. Chiếc hòm đặt dưới gầm giường. Bà Burch kéo ra giữa phòng.

– Đấy! – Bà nói – Giờ xin lỗi ông, tôi phải xuống xem cái món ra-gu…

Poirot đề nghị bà cứ để ông tự nhiên. Bà vừa quay gót, ông mở ngay hòm. Mùi băng phiến xông lên mũi.

Với sự thành kính tự nhiên, ông tiến hành một cuộc kiểm kê, giúp hiểu rõ thêm người đã mất. Hòm chứa nhiều thứ: một áo khoác đen đã cũ; hai cuộn len, một bộ váy và tất bằng sợi bông; hai đôi giầy bọc trong giấy báo cũ; một cái lược, một bàn chải tóc, cũ nhưng sạch; một chiếc gương có khung bằng bạc; một khung ảnh hai vợ chồng mới cưới ăn mặc theo mốt năm 1920, chắc là ông và bà Mac Ginty; hai ảnh phong cảnh Margate gắn lên gỗ, một con chó nhỏ bằng sứ, một mẩu hướng dẫn làm mứt cắt từ trong tạp chí, và hai mẩu tin cắt từ báo, mẩu đầu nói về “đĩa bay”, mẩu sau viết về những lời tiên tri của Mẹ Shipton; cuối cùng, là cuốn Kinh Thánh, và một cuốn kinh đọc hàng ngày. Không có túi xách, không găng tay, có lẽ Bessie đã lấy dùng. Vài quần áo còn lại, Bessie để đấy chỉ vì không mặc vừa. Theo số quần áo này, thì bà Mac Ginty người nhỏ, gầy.

Poirot cởi một gói giấy bọc giầy. Giầy cũ, còn tốt, nhưng đã đi mòn gót. Chân bà Bessie Burch chắc không xỏ vừa.

Nhà thám tử sắp gói trả lại, bỗng chú ý tới măng sét tờ báo: tờ Sao chổi Chủ nhật ngày 19 tháng Mười một. Bà Mac Ginty bị giết ngày 22, vậy bà đã mua tờ báo này hôm Chủ nhật trước khi chết. Tờ báo đó vẫn ở trong phòng bà, và Bessie dùng nó để gói đôi giầy.

Thứ Hai, bà Mac Ginty đi mua một lọ mực. Có phải do điều gì bà đã đọc thấy trên tờ báo hôm trước?

Poirot cầm gói giầy thứ hai. Đó là tờ Tin thế giới, cũng ngày 19 tháng Mười một.

Poirot cẩn thận trải hai tờ báo lên sàn, vuốt thắng, rồi ngồi lên ghế để nhìn cho hết. Một điều đập vào mắt: cả một bài báo lớn trên trang trước của tờ Sao chổi Chủ nhật đã bị cắt đi mất, mà không thấy có lẫn trong các thứ trong hòm. Đọc lướt nhanh cả hai tờ báo, không thấy có gì lạ. Ông gói tất cả lại, xếp gọn mọi thứ vào hòm, rồi xuống nhà, gập bà Burch dưới bếp.

– Thế nào, chắc ông chả tìm thấy gì?

– Vâng, không có gì.

Rồi lấy giọng thật thản nhiên, ông hỏi :

– Trong túi xách hay ví của bà cô, bà có thấy một bài báo cắt rời?

– Tôi không nhớ. Nếu có, thì cảnh sát đã lấy đi rồi…

Không phải thế: sổ ghi chép của Spence không nói gì chuyện này. Bản kiểm kê các đồ tìm thấy trong túi xách của người chết cũng không ghi.

Poirot ra về.

Liệu ông đã tìm ra dấu vết gì chưa? Được, rồi sẽ biết ngay thôi.

2

Ngồi trước một tập báo dày cộm và bụi bậm, Hercule Poirot bắt đầu thấy mình suy nghĩ đúng, và cái lọ mực quả đã dẫn ông vào con đường tốt. Tập báo, đó là những số Sao chổi Chủ nhật đóng lại với nhau. Đây là tờ tuần báo chuyện kể những chuyện xưa, có phần nào tô vẽ, ly kỳ hóa thêm. Và trong số 19 tháng Mười một, Poirot đọc thấy dòng tít chạy dài hết mấy cột ở trang 5:

BỐN NGƯỜI ĐÀN BÀ, BỐN NẠN NHÂN GIỜ ĐÂY HỌ RA SAO?

Dưới dòng đầu đề, là ảnh bốn người phụ nữ. Kỹ thuật in không tốt, nên ảnh không rõ nét. Lại là ảnh cũ từ xưa, nên các nhân vật của những bi kịch một thời đã gần bị quên lãng, trông càng buồn cười.

Dưới mỗi ảnh, có lời chú thích:

Eva Kane, “người đàn bà khác” trong vụ Craig.

Janice Courtland, người đã kết hôn cùng quỷ.

Em bé Lily Gamboll, nạn nhản vô tội của một thời kỳ vô nhân đạo.

Vera Blake, không ngờ mình chung sống với một kẻ sát nhân.

Poirot ngồi ngay ngắn trên ghế, đọc không sót một dòng, để xem ông nhà báo Sao chổi Chủ nhật viết gì về những phụ nữ khốn khổ nọ.

Vụ án Craig đã một thời khuấy động dư luận, Poirot có nhớ, nên có biết đến Eva Kane. Alfred Craig là một công chức nhỏ của Tòa Thị chính Parminster, người đứng đắn, dễ chịu, không may lấy phải bà vợ đanh ác, khó tính. Bà ta đau hết bệnh này bệnh khác – nhưng bạn bè đều bảo là ốm vờ – làm cho cuộc sống của Craig khốn khổ, vì thế mà phải vay nợ nhiều. Eva Kane là cô bảo mẫu trông con cho hai người. Mới mười chín tuổi, xinh đẹp, không thuộc loại thông minh. Cô ta phải lòng Craig, anh này cũng mê tít. Một hôm, có tin các bác sĩ chỉ định cho vợ Craig đi dưỡng bệnh ở nước ngoài. Theo anh chồng kể, anh ta đã lái xe đưa vợ đi London, rồi từ đó, vợ đáp tầu đi miền nam nước Pháp. Trở về Parminster, một thời gian anh ta vẫn nói cho mọi người biết tin tức của vợ, nói chung là bệnh không thuyên giảm. Trong khi đó, Eva Kane, gần như làm chủ trong nhà, và thiên hạ bắt đầu đồn đại. Cuối cùng, Craig báo tin vợ chết. Anh ta đi vắng một tuần, lúc trở về, kể chuyện tang lễ vợ, song dại dột nêu hẳn tên cái làng nhỏ trên bờ biển nước Pháp – nơi nói là vợ anh ta chết và được đưa tang. Ít lâu sau, một người dân Parminster từ Pháp về, nói chẳng có bà Craig nào chôn cất ở cái làng nói trên, và cũng chẳng ai biết bà Craig là ai. Việc đến tai cảnh sát, và sự thật chẳng bao lâu được làm sáng tỏ. Bà Craig chẳng đi Cote d’Azur bao giờ. Craig đã chặt vợ thành từng khúc, chôn ngay dưới hầm nhà. Khám nghiệm chứng tỏ bà đã bị đầu độc chết. Craig bị bắt, bị xử, lĩnh án tử hình. Eva Kane lúc đầu bị truy tố vì là tòng phạm, sau được miễn tố, vì điều tra chứng tỏ cô ta không biết gì chuyện này.

Eva Kane, lúc đó có mang, đã bỏ đi khỏi Parminster. Sau này đời cô ra sao, báo Sao chổi Chủ nhật viết:

Ở bên kia Đại Tây Dương, nàng có những người anh em họ dang tay đón tiếp. Nàng thay tên đổi họ, vĩnh viễn rời khỏi nước Anh. Trên đất mới, nơi không ai biết nàng từng là bạn gái đau khổ của một tên sát nhân bi ổi, nàng sắp bắt đầu cuộc đời mới. Đứa con sẽ không bao giờ biết tên bố.

– Con tôi – Nàng tuyên bố – sẽ không bao giờ biết. Cuộc đời đã quá tàn nhẫn với tôi, nhưng con tôi có quyền hưởng hạnh phúc. Tôi thề là nó sẽ hạnh phúc. Những kỷ niệm đau buồn chỉ là của riêng tôi, tôi sẽ giữ lấy chúng cho mình tôi.

Nàng Eva Kane tội nghiệp, nàng đã không ngờ tới sự xấu xa của người đời, bây giờ nàng ở đâu, nàng ra sao?… Ta có thể hình dung được chăng, ở đâu đó, trong một thành phố nhỏ Hoa Kỳ, có một bà, nay đã cao tuổi, mà hàng xóm luôn không hiểu tại sao cứ có đôi mắt u buồn, một con người đau khổ nhiều, nhưng có niềm an ủi là thỉnh thoảng lại có những đứa trẻ kháu khỉnh đến thăm và gọi “bà”. Những đứa trẻ này, cùng với mẹ của chúng, không bao giờ biết tới sự hy sinh cao cả của người đã giữ im lặng để bảo đảm hạnh phúc cho những người mình yêu quý.

Poirot thở một hơi dài, ngước mắt lên trần, rồi chuyển sang “người tiếp theo”.

Janice Courtland, “bà góa bi thảm”, rõ ràng đã làm một việc không khôn ngoan cái ngày đi lấy chồng. Courtland là một con quái vật, những thói tật của hắn chỉ có thể kể bằng những lời ám dụ, đủ để kích thích sự hiếu kỳ của độc giả. Nàng đã phải sống bên hắn như sống dưới địa ngục suốt tám năm ròng. Rồi nàng làm quen với một trang thanh niên dịu dàng và mơ mộng. Một buổi tối, chứng kiến cảnh hai vợ chồng cãi vã, trong đó người chồng tỏ ra cực kỳ bỉ ổi, chàng thanh niên bất bình xông vào hắn, làm hắn ngã đập đầu vào giờ lò sưởi bằng đá, rồi chết sau đó. Tòa công nhận bị cáo bị khiêu khích và giết người không có chủ định, nên chàng thanh niên chĩ bị kết án năm năm tù.

Vụ án gây nhiều tiếng vang. Janice bỏ nước Anh ra đi. Tờ Sao chổi Chủ nhật viết:

Để quên. Nàng có quên được không? Chúng ta mong như thế. Có thể lúc này, ở một thành phố xa xôi, nàng đang là một bà mẹ hạnh phúc, nếu có nghĩ đến cơn ác mộng thuở trước chỉ là để tự hỏi nó có thật hay không…

Poirot thở dài và lại chúi xuống đọc câu chuyện của Lily Gamboll, “nạn nhân vô tội của một thời vô nhân đạo”.

Là con út của một gia đình đã quá đông con, Lily được tách khỏi bố mẹ, giao cho một bà cô nhận nuôi. Một hôm, cháu đòi đi xem phim. Bà cô bảo: “Không được!”. Lily vớ luôn con dao thái thịt có sẵn trong bếp, chém bà cô. Lily mới mười hai, nhưng cháu lớn hơn tuổi, người vạm vỡ. Bà cô thì nhỏ bé mỏng manh. Bà chết ngay. Lily bị đưa vào nhà trừng giới.

Giờ đây nàng đã là đàn bà. Vì trước đây đã từng là nạn nhân, nay nàng có quyền có chỗ đứng trong xã hội như mọi người. Suốt thời gian bị mất tự do, nàng có hạnh kiểm gương mẫu. Như vậy chứng tỏ là, trong câu chuyện bi thảm nàng đóng vai chính trước đây, người đáng lên án không phải là đứa trẻ mà là cả chế độ xã hội. Như chúng tôi đã nói, Lily chỉ là nạn nhân.

Lỗi lầm một lúc, nàng đã trả giá đắt và chúng ta rất muốn tin rằng hiện nay nàng đã có gia đình, có con… và hạnh phúc.

Poirot nhăn mặt. Ông không mong ai chết, song những phản ứng của con bé mười hai tuổi này quả là đáng ngại, khiến ông không thể đồng tình với tác giả bài báo. Trong vụ này, ông đứng về phía bà cô.

Ông chuyển sang Vera Blake.

Vera Blake rõ ràng là một phụ nữ có số không may. Đầu tiên nàng chung sống với một chàng tuấn tú, sau mới biết anh ta là một tên găng-tơ bị cảnh sát truy nã vì đã giết chết người gác đêm của nhà băng hôm anh ta đến cướp. Tiếp theo, nàng kết hôn với một nhà kinh doanh đáng kính, sau mới vỡ lẽ anh ta chỉ là kẻ chuyên buôn đồ ăn cắp, bị tòa án hỏi thăm nhiều lần. Những đứa con của anh ta cũng bị cảnh sát để mắt: chúng theo “mẹ” đi các siêu thị và trổ tài lấy cắp giỏi, tỏ ra xứng đáng với “nếp nhà”. May thay, sau khi ly dị chồng, có một “người tốt” đến với nàng, đưa nàng và các con sang Canada.

Poirot xem kỹ bốn bức ảnh. Eva Kate đội chiếc mũ rất to, và có vẻ rất hãnh diện với mớ tóc xõa che kín tai, cô hơi nghiêng đầu, áp một bông hoa hồng lên má. Janice Courtland đội mũ hình chuông xụp xuống đầu, miệng hé mở, kính gọng to trùm lên đôi mắt. Lily Gamboll là một đứa trẻ khá xấu xí, mặt lấm tấm mụn. Còn Vera, bản kẽm xấu quá, phải nhiều trí tưởng tượng mới đoán ra những đường nét của khuôn mặt.

Bài báo này, tại sao bà Mac Ginty lại cẩn thận cắt ra từ tờ Sao chổi Chủ nhật? Đây là điều lạ. Poirot đã đọc các biên bản của cảnh sát. Suốt cuộc đời, bà Mac Ginty chẳng lưu trữ nhiều giấy tờ; kiểm kê các vật bà để lại thì biết.

Vậy mà Chủ nhật bà đã cắt riêng bài này ra, và thứ Hai đi mua một lọ mực, có vẻ như định viết thư. Không phải là thư công việc, vì nếu vậy bà sẽ nhờ Joe, chồng của bà cháu gái. Vậy thì lá thư ấy là thư gì?

Một lần nữa,Poirot nhìn vào bốn bức ảnh chân dung. Bốn người phụ nữ này, tờ Sao chổi Chủ nhật đặt câu hỏi: giờ đây họ ra sao?

Poirot bắt đầu ngợ rằng tháng Mười một vừa rồi, một trong bốn phụ nữ đó đã có mặt ở Broadhinny.

3

Poirot phải đợi tới hôm sau mới được cô Pamela Horsefall tiếp.

Đó là một phụ nữ khá cao, dáng điệu như đàn ông, hút thuốc liên tục và khoe là biết uống rượu. Khó mà tin cô là người đã viết bài văn lâm ly, sướt mướt nọ trên tờ Sao chổi Chủ nhật. Vậy mà đúng là cô!

Cô loan báo trước chỉ có thể tiếp ông Poirot một lát thôi. Cô phải đi Sheffield ngay làm phóng sự.

– Có chuyện gì vậy? Ông nói mau cho! Tôi đang vội.

– Tôi đến gặp vì một bài báo đăng tháng Mười một, trên tờ Sao chổi Chủ nhật, đầu đề: Bốn người đàn bà, bốn nạn nhăn.

– Tôi nhớ rồi, không hay lắm hả?

Poirot chưa muốn phát biểu ý kiến, nói tiếp :

– Bài đăng số ngày 19 tháng Mười một, nói về Eva Kane, Vera Blake, Janice Courtland và Lily Gamboll.

Pamela Horsefall có vẻ đã sốt ruột, hỏi :

– Thế thì sao?

– Tôi đoán là, sau bài này, vốn là nằm trong chuyên mục Những vụ án nổi tiếng, cô sẽ nhận được một số thư của độc giả?

– Ông nói đúng! Dường như thiên hạ không còn việc gì hay hơn để làm là viết thư cho báo. Chuyên mục này nhận được hàng loạt thư. Một độc giả nói đã gặp Craig đi chơi ngoài phố ở London, một người khác…

Poirot ngắt lời :

– Điều tôi muốn biết, là trong số thư ấy, có thư nào của một bà tên Mac Ginty, ở Broadhinny…

– Làm sao tôi trả lời được? Thư, tôi nhận hàng đống. Không lẽ tôi phải nhớ tên tất cả những người viết thư?

– Tất nhiên không thể. Nhưng bà Mac Ginty này bị ám sát ngay mấy hôm sau, hy vọng cô sẽ để ý sự trùng hợp này.

– Chuyện bắt đầu thú vị rồi đó…

Cô Pamela Horsefall quên phứt mình vội đi Sheffield, ngồi dạng chân xuống ghế, gãi đầu, nói :

– Mac Ginty… Tên nghe quen quen… Bà già bị người ở trọ trong nhà đập vỡ sọ, phải thế không? Lấy con mắt báo chí mà xét, không có gì hấp dẫn. Nạn nhân đã già, kẻ sát nhân tầm thường, không có tình ái bên trong… Ông bảo là bà Mac Ginty này có viết thư cho tôi?

– Tôi có lý do để nghĩ bà có viết thư cho Sao chổi Chủ nhật.

– Thì cũng vậy. Viết cho ai thì thư cũng đến tay tôi… Để tôi nhớ xem… à, nhớ ra rồi, nhưng thư gửi từ Broadway, không phải Broadhinny!

– Sao lạ thế.

– Tôi không khẳng định, nhưng hình như là thế… Tôi nhớ nét chữ, rõ là của người ít học… Rất khó đọc… Nhưng đúng là gửi từ Broadway, chắc chắn…

– Người viết chữ khó đọc, có thể lầm lẫn Broadway và Broadhinny.

– Có thể… Vậy ông cần gì? Những tên quái quỷ của những làng xóm xa xôi, làm sao nhớ hết! Nhưng dù sao thì bây giờ tôi nhớ rõ, thư ký tên bà Mac Ginty.

– Cô có nhớ thư viết gì?

– Về một bức ảnh giống bức ảnh chúng tôi đã đăng trên báo. Bà ta hỏi tòa báo có sẵn sàng mua bức ảnh ấy không, mua giá bao nhiêu.

– Và tòa báo trả lời sao?

– Ôi, tòa báo cần bức ảnh ấy để làm gì? Chúng tôi đã phúc đáp bằng mẫu chữ in sẵn: cảm ơn, rất tiếc và mong, vân vân!… Nhưng thư ấy, chúng tôi gửi đi Broadway, vậy bà ta sẽ không bao giờ nhận được.

Thế là Poirot nắm được một thông tin quan trọng: Bà Mac Ginty đã nhận ra một trong bốn nhân vật phụ nữ ở bài báo của Pamela Horsefall. Ông chợt nhớ một câu bà Summerhayes nói: “Tất nhiên, cũng có tính tò mò, hay nhòm ngó những thư từ vứt trên bàn”. Bà Mac Ginty lương thiện, nhưng thích ngó ngang ngó dọc. Cái gì cũng để ý… và nhiều người có cái thói quen lạ kỳ giữ lại trăm thứ, những thứ chẳng biết để làm gì, giữ vì luyến tiếc hay vì lười không chịu vứt, có khi chẳng biết là mình giữ những gì. Bà Mac Ginty đã nhìn thấy một bức ảnh cũ, sau này lại thấy đăng trên báo Sao chổi Chủ nhật. Và nảy ra ý nghĩ, nhân việc này có thể kiếm được ít tiền…

Poirot đứng dậy :

– Xin cảm ơn cô Horsefall. Chỉ xin hỏi một câu nữa, nếu có gì không phải xin cô lượng thứ. Những điều cô viết trong bài báo, có chính xác không? Ví dụ, tôi đã thấy cô viết tòa xử vụ Craig vào cái ngày ấy là sai. Nó diễn ra một năm sau cái ngày cô nói. Trong vụ Courtland, người chồng, nếu tôi nhớ không nhầm, tên là Herbert, không phải Hubert… Và người cô của Lily Gamboll cư trú ở Buckinghamshire, không phải Berkshire.

Cô Horsefall hẩy tay gạt tàn điếu thuốc lá :

– Thưa ông thân mến, tất cả những chi tiết không có chút quan trọng gì, và chắc còn nhiều sai sót khác nữa trong bài báo. Tôi chỉ giữ lại cái cốt yếu rồi tiểu thuyết hóa nó lên, cho hợp thị hiếu…

– Điều tôi quan tâm, là muốn biết những… nhân vật của cô có đúng như cô đã tả.

Cô Horsefall cười phá lên, nghe như tiếng ngựa hí :

– Tất nhiên là không! Sao ông dễ tin vậy? Tôi tin chắc rằng Eva Kane là một ả giang hồ, không phải gái ngây thơ tội nghiệp đâu, còn nàng Courtland sở dĩ chịu chung sống tám năm với thằng chồng bỉ ổi, là vì hắn nằm trên đống vàng, trong khi cậu bạn trai của nàng thì không xu dính túi!

– Còn em Lily Gamboll?

– Thú thật, nếu trông thấy nó cầm con dao, ắt tôi phải tránh xa!

Poirot chắp hai bàn tay lại với nhau :

– Cô nói họ đều đã bỏ ra nước ngoài, đi Canada, đi Tân thế giới, họ làm lại cuộc sống ở những chân trời khác. Có thể. Nhưng có gì chứng minh họ đã không trở về nước Anh?

– Ô! Không có gì hết… Nhưng thôi, tôi phải đi đây…

Tối hôm đó, Poirot gọi điện cho Spence. Tiếng đầu dây đằng kia :

– Thế nào? Tôi không biết ông đang làm gì. Có tìm thấy gì mới không?

– Tôi đang điều tra.

– Kết quả?

– Kết quả: mọi người dàn làng Broadhinny đều là những người rất đàng hoàng.

– Thế có nghĩa là?

– Hãy chịu khó suy nghĩ, ông bạn ơi! Tôi nói “Những người rất đàng hoàng”. Là người rất đàng hoàng, đôi khi là điều kiện đủ để trở thành sát nhân. Ta đã từng thấy như thế…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.