CÁI CHẾT CỦA BÀ MAC GINTY
Chương IX
Bác sĩ Rendall tính dễ thương, người chắc nịch, chừng bốn mươi tuổi, thân ái tiếp Poirot. Ông nói :
– Ông biết không, cái làng nhỏ này rất vinh dự được Hercule Poirot vĩ đại đặt chân tới?
Poirot ưỡn thẳng người, vốn không cao lắm. Ông hài lòng.
– Vậy ông có biết tôi?
– Biết chứ! Ai mà không từng nghe nói tới ông!
Câu nói có nghĩa lấp lửng, nhưng Poirot lờ đi, coi như không để ý.
– Tôi rất mừng – Ông nói – là ông có nhà.
– Quả là may đấy! – Bác sĩ Rendall đáp – Mười lăm phút nữa tôi có một ca mổ. Tôi có thể giúp gì ông đây. Thú thật tôi tò mò muốn biết vì sao ông tới đây. Ông đi nghỉ dưỡng sức, hay có một tên tội phạm nào đang lởn vởn quanh đây?
– Tôi quan tâm vụ giết bà Mac Ginty.
– A?… Nhưng muộn quá rồi, còn gì nữa?
– Chưa muộn. Xin nói riêng với ông thôi, bên bị cáo đã yêu cầu tôi giúp, cần tìm những chứng cớ mới để đòi xét lại vụ án.
– Chứng cớ mới? – Rendall thốt to – Còn chứng cớ gì nữa?
– Tiếc thay, tôi chưa được phép nói.
– Tôi xin lỗi!… Tôi rất hiểu…
– Dù sao, tôi đã phát hiện ra một số điều… nói thế nào nhỉ?… Khá kỳ cục, buộc ta suy nghĩ. Thưa bác sĩ, tôi đến gặp ông là vì, theo như tôi biết, thỉnh thoảng bà Mac Ginty có đến giúp việc nhà ta. Phải không ạ?
– Đúng vậy… Ông uống gì nhé? Xeres hay uýt-ki?… Ông muốn Xeres? Tôi cũng thế!
Ông đưa cốc cho Poirot, tay mình cầm một cốc, ngồi xuống cạnh nhà thám tử, nói :
– Bà Mac Ginty tới đây mỗi tuần một lần, làm vài việc nặng. Tôi có một người ở rất tốt, nhưng bà Scott – đó là tên bà ấy – bắt đầu luống tuổi, nên quỳ gối xuống đất là rất khó nhọc. Bà Mac Ginty đến rửa sàn bếp, đánh bóng đồ đồng và làm nhiều việc khác nữa. Chúng tôi rất hài lòng về bà.
– Bà ấy đáng tin cậy không?
– Hơi khó trả lời… Chưa có dịp thử thách, nhưng tôi nghĩ có thể tin được.
– Và ông cho rằng, một khi bà nói điều gì với ai, điều đó chắc phải có thật?
Câu hỏi có vẻ làm bác sĩ lúng túng :
– Tôi không nói đến mức ấy. Thật ra, tôi cũng mới biết bà ấy thôi. Ta thử hỏi bà Scott xem sao…
– Thôi, thôi. Không cần…
Bác sĩ Rendell cười :
– Ông làm tôi sinh tò mò. Vậy bà ấy đã nói điều gì? Rất có thể đưa đẩy chuyện nọ, nói sau lưng người kia…
Poirot giữ thái độ thận trọng :
– Tất cả còn rất mơ hồ. Tôi mới bắt đầu điều tra.
– Thế thì ông phải làm nhanh lên!
– Tôi cũng nghĩ vậy. Thời gian gấp lắm rồi.
– Thú thật, tôi lấy làm lạ… ở đây mọi người đều tin Bentley là thủ phạm. Không thể nghi ngờ.
– Ông muốn nói mọi người đều tin đây là một chuyện giết người tồi tệ, không có gì phức tạp?
– Vâng… Như thế đấy!
– Ông có biết James Bentley?
– Anh ta có đến khám bệnh chỗ tôi một, hai lần. Nói thực ra, anh ta đã được mẹ cưng chiều quá nhiều. Ở đây, tôi cũng biết một trường hợp tương tự…
– Lại thế nữa?
– Vâng. Bà Upward… Bà ta cứ túm chặt con trai, muốn anh ta bám gấu váy mình!… Đó là một thanh niên cũng khá, không giỏi lắm như anh ta tự huyễn hoặc, nhưng có chút tài lẻ. Tương lai có thể là kịch tác gia.
– Họ sống ở đây lâu chưa?
– Được ba, bốn năm. Ở Broadhinny này, chưa mấy ai ở lâu. Thoạt đầu, làng chỉ gồm một nhúm nhà, tất cả về phía Long Meadows. Ông ở trọ ngả ấy thì phải?
– Đúng vậy.
Poirot hạ câu nói ấy với vẻ ngao ngán, làm bác sĩ Rendell không khỏi mỉm cười :
– Bà Summerhayes cho thuê trọ lấy tiền, điều ấy tôi không tưởng tượng! Bà ấy lấy chồng, rồi sang sống ở Ấn Độ. Bên ấy bà có vô khối người hầu nên có biết gì về nội trợ! Tôi chắc ông ở đấy không thoải mái và, giống những người trước, chắc không ở lâu. Ông Summerhayes là người tốt nhưng với cái vườn rau thì chẳng đủ sống. Ông ấy có quen buôn bán đâu! Nói vậy, chứ tôi quý cả hai ông bà. Bà là người dễ thương; ông thì hơi đồng bóng, thất thường, đó là người của lớp cựu binh trước. Đại tá Summerhayes xưa thì oai phong, gớm lắm…
– Đó là ông thân sinh thiếu tá Summerhayes?
– Phải. Ông chết, không để lại gì nhiều, chia chác đi gần hết, nhưng vợ chồng Summerhayes nhất định lưu giữ lại ngôi nhà. Có thể là dại, nhưng cũng không đến nỗi!
Bác sĩ Rendell nhìn đồng hồ.
– Tôi không muốn làm ông lỡ việc. – Poirot nói.
– Tôi còn dăm phút nữa, xin phép được giới thiệu ông với nhà tôi. Mà giờ này, không biết bà đang ở đâu. Khi biết ông đến Broadhinny, bà ấy rất quan tâm. Chúng tôi rất thích các chuyện vụ án, đọc rất nhiều.
Poirot cười :
– Ông bà thích đọc loại nào? Sách nghiên cứu tội phạm học, tiểu thuyết hay phóng sự?
– Thích tất cả.
– Có hạ cố xem báo Sao chổi Chủ nhật?
– Có chứ! – Rendell cười, đáp – Chủ nhật không có nó thì xem gì?
– Cách đây bốn, năm tháng, báo đó đăng một loạt bài cũng hay. Đặc biệt, một bài nói về số phận của bốn phụ nữ đã từng gặp thảm họa trong đời…
– Tôi biết ông nói bài nào rồi. Hay đấy, nhưng quá bốc.
– Ông cho là thế?
– Về vụ Craig, tôi không biết rõ ngoài những điều đã đọc ở đây đó. Nhưng vụ Courtland, tôi đảm bảo là người vợ không phải nạn nhân vô tội đâu. Một con điếm, làm gì đều có chủ đích cả. Tôi biết vì có một ông chú tôi chăm sóc sức khỏe tay chồng. Tay này không phải tay vừa, nhưng cô vợ chẳng kém cạnh. Mụ phải lòng một tay non choẹt, xui hắn giết chồng, để rồi hắn ngồi tù, còn mụ lấy người khác. Mụ đã góa chồng, nhưng giàu có.
– Báo Sao chổi Chủ nhật không nói việc này. Ông có biết mụ lấy ai về sau?
Rendell lắc đầu :
– Người ta không nói, chỉ bảo là mụ ta đã khéo thu xếp ổn thỏa.
– Đọc bài báo đó, – Poirot nói vẻ xúc cảm – ta không thể không tự hỏi giờ đây họ ra sao.
– Tôi thì không lo về số phận của họ! Rất có thể ông đã gặp họ trong một buổi tiếp khách tuần trước. Họ không kể về quá khứ của mình thì làm sao ta nhận ra? Ngay dù có những ảnh đăng trên Sao chổi Chủ nhật quá lèm nhèm, ta cũng không nhận ra.
Poirot đứng lên :
– Tôi không muốn giữ ông lâu hơn nữa. Rất cảm ơn vì sự tiếp đón thân ái.
– Sợ rằng tôi chẳng giúp được gì… Nhưng nhất định tôi phải giới thiệu ông với nhà tôi! Bà ấy mà biết tôi để ông đi, là không xong…
Rồi đi trước ra phòng ngoài, bác sĩ Rendell gọi to :
– Shelgh!… Shelgh!…
Có tiếng trả lời đâu đó trên cao, ông nói :
– Xuống mau!… Có chuyện bất ngờ…
Bà Rendell sớm xuất hiện ngay. Đó là một phụ nữ còn trẻ, người dong dỏng, tóc vàng. Ông Rendell nói :
– Shelgh, xin giới thiệu với mình ông Hercule Poirot. Thấy chưa?
– Ô!
Bà Rendell lạ lùng đến mức không nói nổi một câu. Đôi mắt màu xanh nhạt, chăm chú nhìn Poirot.
Nhà thám tử cầm tay bà, rồi nghiêng mình đưa lên môi hôn.
Mãi rồi bà Rendell mới nói :
– Chúng tôi có nghe nói ông đang ở đây, không ngờ…
Bà ngừng bặt không nói tiếp, đưa mắt nhìn chồng.
“Ở nhà này, ông chồng là người chỉ huy”, Poirot nghĩ thầm.
Ông nói vài lời xã giao rất lịch thiệp, rồi xin cáo từ.
Tổng kết cuộc đến thăm: bác sĩ Rendell rất dễ chịu. Bà Rendell ít nói và lộ vẻ lo lắng.
2
Hunter’s Close là một tòa nhà vững chãi xây từ thế kỷ trước, có lối đi vào đầy cỏ rậm.
Một cô hầu trẻ, rõ là gốc người nước ngoài, ra mở cửa. Khi nhà thám tử nói muốn gặp bà Wetherby, cô nhìn khách một lúc, rồi khi mời ông vào, mới nói :
– Có lẽ cô Henderson sẽ tiếp ông.
Rồi cô ta đi mất, để Poirot ở phòng chờ. Lát sau cô quay lại dẫn ông vào một phòng nhỏ, tối, giữa kê một chiếc bàn to. Poirot nhận ra đây đó những đồ vật kỳ cục, có vẻ lượm từ khắp nơi trên trái đất. Trên lò sưởi, một bình cà phê to bằng đồng, vòi trông như cái mũi khoằm. Tất cả đều âm u, bụi bậm.
Cửa mở, một phụ nữ trẻ đi ra.
– Mẹ tôi nằm nghỉ. – Cô nói – Quý ông cần gì?
– Cô là con gái bà Wetherby?
– Tôi họ Henderson. Ông Wetherby là bố dượng.
Ước chừng cô ba mươi tuổi. Cao lớn, không đẹp, cử chỉ vụng về.
– Tôi đến để mong được biết chút ít về bà Mac Ginty, thường đến làm ở nhà ta.
Cô Henderson mở to mắt :
– Bà Mac Ginty?… Bà ấy chết rồi mà!
– Tôi biết – Poirot nhẹ nhàng – Mặc dù vậy, tôi vẫn muốn cô nói về bà ấy.
– Ông đại diện một công ty bảo hiểm?
– Không. Tôi điều tra vụ này, theo yêu cầu của các luật sư của James Bentley.
Cô Henderson càng lúc càng tỏ ra kinh ngạc.
– Nhưng anh ta chẳng phải là thủ phạm rồi sao?
– Theo ý kiến của đoàn hội thẩm, thì là anh ta. Nhưng hội thẩm cũng có khi sai lầm…
– Vậy là một người khác giết bà ấy?
– Vâng, có thể.
– Nhưng là ai?
– Tôi cũng đang đặt câu hỏi.
– Tôi không hiểu.
– Không ư?… Cũng không can gì. Cô cứ nói về bà Mac Ginty… được không?
Cô ngập ngừng một lúc :
– Được thôi! Ông cần biết những gì?
– Hừm… Để mở đầu, cô nghĩ gì về bà ấy?
– Chẳng nghĩ gì đặc biệt… Một người đến giúp việc như mọi người khác.
– Lắm lời hay ít nói? Tò mò hay kín đáo? Dễ chịu hay không?
Cô Henderson suy nghĩ.
– Bà ấy làm việc tốt, nhưng nói hơi nhiều. Có khi kể những chuyện vớ vẩn… Thực lòng, riêng tôi, tôi không ưa lắm.
Cửa mở. Cô hầu lúc nãy không vào, đứng ngoài nói với cô Deirdre rằng “Bà nhà” muốn gặp “quý ông”.
Deirdre Henderson hỏi ý Poirot :
– Ông muốn lên không?
– Lên chứ.
– Tôi đưa ông đi…
Poirot đi theo Deirdre Henderson, ông có cảm giác cô này không sáng trí lắm, hơi đần là đằng khác.
Phòng bà Wetherby là phòng của một phụ nữ đã chu du nhiều nơi, nơi nào dừng chân cũng muốn đem về chút kỷ niệm. Nhìn chỗ nào cũng vấp phải một vật làm ra cốt để vui lòng – và moi tiền – khách du lịch. Cứ như một cửa hàng đồ cũ. Đồ đạc xấu và lủng củng: bàn, tràng kỷ, ghế bành…
Trong căn phòng mênh mông ấy, bà Wetherby như lọt thỏm. Bà cố tạo ra cảm giác ấy, hơn nữa bà có thân hình nhỏ bé. Những người ốm o, yếu ớt dễ được mọi người thương cảm. Bà nằm dài trên chiếc xô-pha, chung quanh bày đủ thứ vừa tầm tay với: mấy cuốn sách, một bộ đồ đan, một hộp kẹo, một cốc nước cam.
Bà nói giọng hồn nhiên :
– Mong ông thứ lỗi tôi không dậy để tiếp ông, nhưng tại bác sĩ cứ bắt tôi phải nằm nghỉ, nếu không theo thì mọi người la mắng, nên tôi đành bất động…
Poirot cầm bàn tay bà đưa ra, lịch sự cúi xuống, miệng lí nhí những lời không rõ.
– Ông ấy muốn lượm tin tức về bà Mac Ginty. – Deirdre nói.
Nhà thám tử cảm thấy bàn tay mình đang cầm bỗng quặp chặt. Không thể không liên tưởng đến móng sắt của một con chim mồi.
Tuy nhiên, bà Wetherby cười thẳng thắn :
– Deirdre, con nói gì vơ vẩn! Mac Ginty là ai?
– Ôi! Mẹ nhớ quá đi chứ!… Người đến giúp việc nhà mình. Cái bà bị ám sát ấy!
Bà Wetherby rùng mình nhắm mắt :
– Thôi, con không nói chuyện ấy nữa! Nghe thấy là mẹ đến ốm thêm vài tuần nữa, con biết rồi đấy. Cái bà khốn khổ ấy, tôi rất thương, nhưng sao bà ta lại ngu đến mức giấu tiền ngay trong phòng, thế ngân hàng để làm gì?… Phải rồi, tôi nhớ bà ấy rồi. Chỉ quên mất tên.
Deirdre trở lại vấn đề :
– Ông muốn biết tin tức về phía bà ấy.
Bà Wetherby mỉm cười về phía Poirot :
– Ông Poirot, ông lấy ghế ngồi xuống! Tôi đang rất hiếu kỳ. Bác sĩ Rendell vừa gọi điện, báo tin một nhà tội phạm học trứ danh đang có mặt ở Broadhinny. Ông ấy mô tả hình dáng ông, nên khi con bé Frieda vào báo người như ông tới, tôi biết ngay, vì vậy tôi mời ông lên. Chính xác là có vấn đề gì vậy?
– Như cô đây vừa nói, tôi muốn vài tin tức về bà Mac Ginty. Theo tôi biết, cứ thứ Tư bà ấy đến nhà ta. Hôm bà bị giết cũng là thứ Tư. Vậy hôm ấy bà có đến đây. Phải thế không ạ?
– Có thể. Đã hơi lâu rồi…
– Vâng, vụ án xảy ra đã vài tháng. Hôm ấy, bà Mac Ginty có nói ra điều gì… đặc biệt?
– Loại người ấy bao giờ cũng lắm lời – Bà Weherby nói, vẻ bực mình – nhưng ai hoài hơi nghe họ. Vả lại, bà ta không thể báo tin là tối ấy bà sẽ bị giết. Phải không nào?
Poirot lịch sự mỉm cười. Chợt đang chuyện này sang chuyện nọ, ông hỏi :
– Bà có đọc các báo Chủ nhật?
Bà Wetherby giương to mắt :
– Có chứ! Chúng tôi mua Người quan sát và Thời báo Chủ nhật. Thế thì sao?
– Hỏi để biết thôi ạ. Bà Mac Ginty đọc tờ Sao chổi Chủ nhật và Tin thế giới.
Im lặng một lúc. Bà Wetherby thở dài, đôi mắt lim dim :
– Vụ ấy làm tôi ngủ không yên. Kẻ nào làm chuyện ấy, tôi không hiểu nó còn lý trí hay không?… Giết một bà già bằng dao thái thịt! Kinh tởm!
– Đến nay vẫn chưa tìm ra hung khí. – Poirot buông lời nhận xét.
– Chắc nó vứt xuống ao hay hồ rồi.
– Người ta đã mò khắp nơi – Deirdre nói – Con đã xem…
Bà Wetherby đưa tay bóp trán :
– Sao con cứ nói mãi chuyện ấy?… Nghe càng thêm đau đầu… Ôi, cái đầu tôi!
Deirdre quay về Poirot, giọng bực bõ :
– Thôi, ông không nên hỏi nữa!… Mẹ tôi quá nhạy cảm… Không đọc nổi một cuốn truyện trinh thám.
Poirot đứng dậy :
– Mong bà thứ lỗi. Tôi đến đây chỉ vì ba tuần nữa, một người sẽ bị treo cổ. Nếu anh ta vô tội,..
Bà Wetherby kêu lên :
– Hắn có tội! Còn nghi ngờ gì nữa!
Poirot lắc đầu :
– Tôi chưa dám chắc.
Ông cúi đầu chào rồi ra thật nhanh. Cô gái đi theo ra tới phòng ngoài, hỏi :
– Điều ông vừa nói, là nghĩa thế nào?
– Là đúng như tôi nói.
– Nhưng còn gì nữa?
Poirot không đáp. Deirdre tiếp :
– Ông đến, làm cho mẹ tôi rối loạn!… Bà ấy không chịu được những chuyện án mạng, giết chóc, bạo lực…
– Nếu vậy, khi được tin cái bà giúp việc nhà mình bị giết, bà phải bị sốc mạnh?
– Còn phải nói!
– Bà có… đau đớn lắm?
– Mẹ tôi cấm không ai nói chuyện ấy trước mặt… Chúng tôi cố hết sức để tránh làm mẹ xúc động… không bao giờ nói trước mặt mẹ những xấu xa của cuộc đời.
– Cả chuyện chiến tranh?
– May thay, chưa có một vụ ném bom nào ở đây!
– Có, hồi chiến tranh cô làm gì?
– Tôi làm việc trong một bệnh viện ở Kilchester và tôi lái xe. Tất nhiên tôi không thể vắng nhà lâu, mẹ tôi cần tôi. Bà ấy vẫn kêu là tôi hay đi vắng… Cuộc sống không dễ dàng, hồi ấy. Ở nhà, mẹ tôi không mó tay vào việc gì… Yếu quá… Mà để có người phục vụ, không kiếm được ai. May là có bà Mac Ginty! Lúc bấy giờ bà bắt đầu đến nhà chúng tôi. Bà ấy làm việc tốt. Tất nhiên ngày xưa người ở còn tốt hơn, nhưng thời thế đã thay đổi…
– Chắc cô lấy làm buồn?
Câu hỏi dường như làm cô ngạc nhiên, cô đáp :
– Không, tôi thì không. Với mẹ tôi thì khác… Bà sống nhiều về quá khứ…
– Phải, có những người như thế. – Poirot nói.
Ông hình dung lại căn buồng ông vừa đi ra, đặc biệt là một ngăn kéo mở nửa chừng, trong đó có một cái nệm cắm ghim, một chiếc quạt gẫy, một bình cà phê nhỏ bằng bạc và vài tờ báo cũ. Ông nói giọng nhỏ nhẹ :
– Họ lưu giữ hàng trăm thứ kỷ niệm gợi nhớ thời xưa cũ: thiếp mời dự hội, chương trình nhà hát, ảnh các bạn đã mất; khi xem lại, họ tưởng sống lại một thời tươi đẹp…
– Ông nói có lý. Còn tôi, tôi không hiểu những người ấy. Tôi không giữ gì.
– Cô nhìn phía trước mặt, không nhìn phía sau?
– Chẳng biết tôi có nhìn trước mặt hay không… Hiện tại là quá đủ! Ông không nghĩ thế?
Cửa mở, một người cao lớn, đã có tuổi, đi vào, nhưng đứng dừng lại khi nhìn thấy Poirot. Ông ta ngoảnh nhìn Deirdre để hỏi. Deirdre giới thiệu :
– Bố dượng tôi. Còn đây là ông… hình như tôi chưa biết tên…
– Tôi là Hercule Poirot. – Nhà thám tử nói, với vẻ bối rối của một vị hoàng tử bỗng buộc phải xưng lai lịch cao quý của mình.
– À? – Ông Wetherby thốt một tiếng đơn giản, khoác áo lên mắc.
– Ông ấy đến lấy một vài tin tức về bà Mac Ginty. – Deirdre nói.
Ông Wetherby lặng yên vài giây rồi mới nói :
– Tôi thấy lạ nhỉ. Bà này bị giết đã mất tháng, và mặc dù có đến đây giúp việc, chúng tôi chẳng biết gì về bản thân bà và gia đình. Nếu biết, chúng tôi đã thông báo cho cảnh sát.
Kiểu nói thế là rõ. Ông Wetherby liếc nhìn đồng hồ, tiếp :
– Dăm phút nữa là ta ngồi vào bàn ăn chứ?
– Con sợ là hôm nay sẽ ăn hơi muộn.
Ông Wetherby cau mày :
– Thật ư? Có thể hỏi tại sao?
– Frieda bận nhiều việc…
– Deirdre này, bố tiếc là phải nhắc lại lần nữa: quán xuyến việc nhà này là trách nhiệm của con. Bố mong có sự nền nếp hơn.
Trước khi ra khỏi cửa, Poirot ngoái nhìn lần cuối sau lưng: Ông Wetherby và cô gái đứng đối diện. Có sự coi thường trong ánh mắt ông Wetherby, còn trong mắt của Deirdre, có một cái gì giống như thù hận.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.