Marianne hẳn nghĩ rằng không thể tự bào chữa được nếu cô ngủ ngon giấc vào đêm đầu tiên sau khi Willoughby giã từ. Cô có thể cảm thấy ngượng ngùng nhìn vào mắt mọi người sáng hôm sau nếu cô thức dậy trong trạng thái dễ chịu, không cần nghỉ ngơi thêm nữa. Cô nghĩ nếu mình còn giữ bình tĩnh thì là đáng hổ thẹn, nhưng cô không phải chịu dằn vặt do cảm nghĩ này, vì cô không thể bình tĩnh: cô thao thức suốt đêm, khóc nhiều trong đêm. Cô trở dậy với cơn nhức đầu, không thể chuyện trò, không muốn ăn uống một thứ gì; mỗi lúc đều khiến bà mẹ và chị em cô đau đớn, và không cho ai an ủi cô. Cảm nhận của cô quả thật khá dai dẳng!
Sau khi xong điểm tâm, cô một mình bước ra ngoài, đi thơ thẩn quanh làng Allenham, đắm chìm trong hồi tưởng hạnh phúc đã qua, khóc về nỗi bất hạnh trong suốt buổi sáng.
Buổi tối trôi qua cũng buông thả vào cảm xúc. Cô đàn mọi bản nhạc mà cô từng đàn cho Willoughby nghe, mọi cung điệu mà hai người thường hát với nhau, đăm đăm nhìn mỗi dòng nhạc mà anh đã viết ra cho cô, cho đến lúc con tim cô trở nên nặng nề đến nỗi không thể nào buồn hơn được nữa. Mỗi ngày cô đều ấp ủ nỗi thảm sầu như thế. Cô ngồi trước chiếc dương cầm hàng giờ, hết hát lại khóc, giọng cô thường xuyên nghẹn ngào vì những giọt nước mắt. Cũng như khi chơi nhạc, lúc đọc sách cô khổ sở với khác biệt giữa quá khứ và hiện tại. Cô chỉ tìm đọc những gì hai người thường đọc với nhau.
Nỗi đau khổ dữ dội như thế không thể kéo dài lâu; trong vòng vài ngày nó chìm vào trạng thái u uẩn nhẹ nhàng hơn. Nhưng những công việc thường ngày, những chuyến đi dạo cô độc trong suy tư thầm lặng thỉnh thoảng tuôn ra nỗi u sầu vẫn da diết như ngày đầu.
Không có lá thư nào đến từ Willoughby, và dường như Marianne không trông đợi gì. Mẹ cô ngạc nhiên, và Elinor lại trở nên bất an. Nhưng mỗi khi muốn, bà Daswood tìm ra được lời giải thích, tự nó có thể giúp bà mãn nguyện. Bà bảo:
– Elinor, nên nhớ đã bao lần Ngài John giúp nhận thư cho chúng ta ở bưu điện và mang thư chúng ta đi gửi. Chúng ta đã đồng ý cần giữ kín đáo, và phải nhìn nhận rằng không thể giữ kín nếu thư từ của hai người qua tay Ngài John.
Elinor không thể phủ nhận sự thật trong cách lý giải này, gượng gạo xem đây là một lý do chính đáng cho việc mất liên lạc giữa hai người. Nhưng có một cách rất thẳng thắn, rất đơn giản, và theo ý cô, rất phù hợp để biết được tình trạng đích thật của sự việc, và để xóa đi mọi bí ẩn, nên cô phải đề nghị với bà mẹ:
– Tại sao mẹ không hỏi Marianne ngay, liệu nó đã hẹn ước với Willoughby chưa! Câu hỏi như thế từ mẹ, mẹ của nó, bà mẹ thật tử tế, thật nuông chiều, thì không thể gây xúc phạm. Đây là kết quả tất yếu từ tình thương của mẹ dành cho nó. Nó vẫn thường bộc trực, nhất là với mẹ.
– Mẹ không thể nào hỏi câu này. Giả dụ hai đứa chưa hẹn ước, hỏi như vậy sẽ gây đau khổ đến thế nào! Dù sao đi nữa, như thế là quá hẹp hòi. Mẹ không còn xứng đáng với lòng tin tưởng của nó, sau khi đã thúc ép nó phải thú nhận điều mà hiện giờ nó không muốn nói cho ai nghe. Mẹ biết rõ tâm tính của Marianne: mẹ biết nó rất thương mẹ, và mẹ cũng biết mẹ sẽ không phải là người cuối cùng nó muốn thổ lộ, khi hoàn cảnh được thuận tiện. Mẹ không muốn bức bách ai phải tiết lộ chuyện riêng tư; ngay đối với một đứa trẻ càng không nên như thế; bởi vì nhận thức về bổn phận sẽ khiến nó không thể chối cãi, đi ngược với ý muốn của nó.
Elinor nghĩ tính phóng khoáng của bà bị căng ra quá mức xét theo tuổi non nớt của em gái. Cô muốn thúc ép thêm, nhưng vô ích: nhận thức thông thường, quan ngại thông thường, cẩn trọng thông thường, tất cả đều chìm ngập trong cung cách tế nhị lãng mạn của bà Daswood.
° ° °
Phải nhiều ngày trôi qua, gia đình mới nhắc đến tên anh Willoughby trước mặt Marianne. Thật ra, Ngài John và bà Jennings không được tế nhị như thế: những giễu cợt của họ mang thêm đau đớn cho nhiều thời khắc đau đớn. Nhưng một buổi tối, bà Daswood tình cờ cầm lấy một tác phẩm của Shakespeare, thốt lên:
– Marianne này, chúng ta chưa đọc xong Hamlet; anh Willoughby thân yêu của chúng ta đã ra đi trước khi chúng ta có thể đọc xong. Ta có thể chờ khi anh ấy trở về… Nhưng hẳn phải mất nhiều tháng, việc này mới xảy ra.
Marianne thốt lên, ngạc nhiên tột độ:
– Nhiều tháng! Không – không đến nhiều tuần.
Bà Daswood tiếc đã lỡ lời; nhưng Elinor được vui, vì bà đã khiến cô em trả lời với sự tin tưởng nơi anh Willoughby và cho thấy cô đã biết ý định của anh.
° ° °
Một buổi sáng, một tuần sau khi anh ra đi, Marianne được thuyết phục đi dạo cùng chị và em gái, thay vì thơ thẩn một mình. Từ trước đến giờ cô cẩn thận tránh đi cùng ai khác. Nếu chị em cô định đi lên đồi, cô đi ngược về phía các con đường; nếu họ nói về thung lũng, cô vội trèo lên các đỉnh đồi và hai người kia không bao giờ tìm ra cô khi họ khởi hành. Nhưng cuối cùng, Elinor phản đối mạnh mẽ cách tự cô lập trường kỳ như thế, nên cô em nghe theo lời thuyết phục của chị. Họ đi dọc con đường chạy qua thung lũng, ít nói năng gì, vì tâm tư của Marianne không được tự chủ, còn cô chị không muốn nài ép sau khi đã đạt mục tiêu đầu tiên. Vượt qua lối vào thung lũng nơi quang cảnh không hoang dã lắm và thoáng đãng hơn tuy vẫn còn nhiều cây cối, trước mặt ba người là một con đường dài dẫn đến Barton. Họ dừng lại ở một điểm họ chưa từng đi đến trong những buổi đi dạo trước, ngắm nhìn quanh quất, chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh mà họ thấy từ nhà nghỉ mát.
Trong số những mục tiêu mà ba người quan sát, chẳng bao lâu họ nhận ra một mục tiêu di động: một người đàn ông trên lưng ngựa đang phi về phía họ. Trong ít phút họ phân biệt được đấy là một người quý phái, và trong khoảnh khắc kế tiếp Marianne reo lên:
– Đấy là anh ấy, đúng thật; em biết đúng là như thế.
Và cô chạy đến để gặp anh, trong khi Elinor kêu lên:
– Marianne, thật ra chị nghĩ em đã nhầm. Không phải Willoughby. Người này không cao như anh ấy, hình dáng không giống.
– Giống, giống. Em biết chắc là anh ấy! – hình dáng, áo choàng, con ngựa. Em đã biết anh sẽ sớm quay lại.
Cô vừa nói một cách hào hứng vừa rảo bước, và Elinor bước vội theo để che chắn cho em vì cô hầu như chắc chắn người kia không phải Willoughby. Chẳng bao lâu hai người đã cách người kia vài chục bước. Marianne nhìn kỹ lần nữa; tim cô chùng xuống. Cô nhanh chóng quay mặt đi, bước nhanh trở lại, rồi tiếng nói của chị em cô cất lên gọi cô lại. Một tiếng gọi thứ ba, gần quen thuộc như Willoughby, phụ họa kêu cô đứng lại. Cô quay lại, ngạc nhiên, và lên tiếng chào hỏi Edward Ferras.
Anh nhảy xuống, giao ngựa cho người hầu, cùng hai người đi bộ về Barton, là nơi anh đang đi đến để thăm viếng họ.
Mọi người chào đón anh trong thái độ thân mật tột cùng, nhưng đặc biệt là Marianne khi cô tỏ ra nồng nàn với anh hơn là chính Elinor. Đối với Marianne, cuộc gặp gỡ giữa Edward và chị cô chỉ là tiếp nối của quan hệ lạnh lùng không thể hiểu được giữa hai người mà cô nhận thấy ở Norland. Đặc biệt hơn, về phần Edward, ánh mắt và ngôn từ trong dịp như thế này không có vẻ như của người đang yêu. Anh bị bối rối, dường như ít tỏ ra vui mừng được gặp lại họ, không tỏ vẻ hồ hởi hoặc sung sướng, ngôn từ ít ỏi khi bắt buộc phải nói để trả lời, không tỏ lộ với Elinor ý tình gì đặc biệt. Càng quan sát và lắng nghe, Marianne càng ngạc nhiên hơn. Cô bắt đầu gần như có ác cảm với Edward; và cũng như các sự kiện khác, việc này khiến cô nhớ đến Willoughby, người có thái độ hoàn toàn khác hẳn với ông anh cọc chèo tương lai.
Sau khoảnh khắc im lặng tiếp theo ngạc nhiên ban đầu và những câu chào đón, Marianne hỏi Edward anh có đi thẳng từ London hay không. Không, anh đã ở tại Devonshire được nửa tháng. Cô lặp lại “Nửa tháng!”, ngạc nhiên vì anh đã ở gần Elinor mà không đến thăm sớm hơn.
Anh có vẻ rất khổ sở khi nói thêm rằng mình đã lưu lại với vài người bạn gần Plymouth.
Elinor hỏi:
– Gần đây anh có đến Sussex không?
– Tôi có đến Norland khoảng một tháng trước.
Marianne thốt lên:
– Và Norland rất yêu dấu giờ trông ra sao?
Elinor nói:
– Norland rất yêu dấu mùa này có lẽ trông như mọi năm trước – rừng cây và lối đi phủ đầy lá úa.
Marianne thốt lên:
– Ôi, em đã từng nhìn lá vàng rơi mà cảm thấy như thế nào ấy! Em đã thú vị biết bao khi đi dạo nhìn lá vàng thổi theo gió bay cuộn quanh em! Cảm nghĩ mấy chiếc lá khuấy động ra sao cùng với mùa, với tiết trời! Bây giờ không còn ai nhìn ngắm. Người ta chỉ xem lá vàng như phiền toái, vội vã quét đi, mang đi càng xa cho khuất mắt càng tốt.
Elinor nói:
– Không phải ai cũng mê đắm với lá vàng như em.
– Không. Các ý tình của em ít khi được sẻ chia, ít khi được thấu hiểu. Nhưng cũng có đôi lúc.
Khi nói, cô chìm vào mơ mòng trong một khoảnh khắc, rồi bật dậy, gọi anh về với thực tại:
– Edward ạ, ở đây là thung lũng Barton. Anh nhìn xem, cố để tâm tư được an bình. Nhìn mấy quả đồi này. Anh có thấy ở đâu đẹp như thế không? Phía bên trái là Barton Park, nằm giữa mấy khu rừng và đồn điền ấy. Anh có thể thấy phần sau ngôi nhà. Còn đàng kia, dưới quả đồi xa nhất ấy, nhô lên hoành tráng, là nhà của gia đình chúng tôi.
Anh đáp:
– Vùng này thật đẹp, nhưng mấy vùng trũng hẳn phải lấm bẩn trong mùa đông.
– Làm thế nào anh lại nghĩ đến bùn đất với quang cảnh trước mắt anh như thế này?
Anh mỉm cười:
– Bởi vì trong số những cảnh vật trước mắt mình, tôi thấy một con đường đầy bụi đất.
Marianne đáp, khi cô vẫn đều bước:
– Lạ quá!
– Cô có láng giềng dễ chịu không? Những người trong gia tộc Middleton có vui vẻ không?
– Không, không phải tất cả, chúng tôi không thấy ở đâu tệ như ở đây.
Cô chị nói:
– Marianne, làm thế nào em nói như thế được? Làm thế nào em lại bất công như thế? Anh Ferras, đây là gia đình được trọng vọng, và họ đối xử với chúng tôi theo cách thân thiện nhất. Marianne, em quên sao ta đã có bao nhiêu ngày vui nhờ có họ?
Marianne trầm giọng:
– Em không quên, cũng như em không quên bao nhiêu thời khắc đau khổ.
Elinor tảng lờ câu này. Cô hướng chú ý đến người khách của họ, gượng gạo làm việc gì đấy khi tiếp chuyện anh, nói về nơi ở hiện giờ của gia đình cô, những tiện lợi…, khuyến khích anh hỏi han hoặc cho nhận xét. Thái độ lãnh đạm và dè dặt của anh khiến cô cảm thấy mất thể diện nặng nề; cô vừa phật ý vừa có phần tức giận, nhưng quyết tâm tỏ cho anh thấy cách hòa hoãn dựa theo quá khứ hơn là hiện tại. Cô tránh lộ vẻ tức giận hoặc bực bội, đối xử với anh theo cách cô nghĩ nên đối xử với một người có quan hệ với gia tộc.