Lý Trí Và Tình Cảm

CHƯƠNG 15



Bà Daswood cùng hai cô con gái đi thăm Phu nhân Middleton ngày kế; bởi Marianne xin kiếu, lấy cớ vặt vãnh bận việc gì đấy. Bà Daswood hoàn toàn hài lòng để cô ở nhà, vì đoán Willoughby đã hẹn đến gặp cô khi ba người đi khỏi.
Khi trở về, họ thấy chiếc xe song mã hai bánh và gia nhân của Willoughby tại nhà nghỉ mát, và bà Daswood nghĩ mình đã đoán đúng. Cho đến lúc này mọi việc đều như bà tiên liệu, nhưng khi bước vào nhà bà thấy rằng mình đã không nhìn xa trông rộng hết. Khi ba người vừa đi vào hành lang, Marianne vội vàng đi ra với vẻ đau khổ tột độ, khăn tay chấm đôi mắt; và cô chạy lên lầu mà không để ý đến họ. Ngạc nhiên và hoang mang, họ đi thẳng vào căn phòng cô vừa đi ra, thấy Willoughby đang đứng tựa bệ lò sưởi, quay lưng về phía họ. Anh quay lại khi họ bước vào, và nét mặt của anh cho thấy anh góp phần vào nỗi xúc động đang hành hạ Marianne.
Bà Daswood thốt lên:
– Con nhỏ có việc gì thế – nó có bị bệnh không?
Cố tạo nét vui vẻ, anh đáp:
– Tôi hy vọng là không.
Và qua nụ cười gượng, anh tiếp:
– Chính tôi là người có thể ngã bệnh – vì tôi đang thất vọng não nề.
– Thất vọng?
– Vâng, vì tôi không thể giữ lời hẹn với bà. Sáng nay, bà Smith lấy quyền của người giàu đối với một đứa cháu nghèo còn sống nương tựa, bằng cách phái tôi đi lo công việc ở London. Tôi vừa nhận được tin nhắn và đã giã biệt Allenham, bây giờ tôi đến để giã biệt bà.
– Đi London! Anh chuẩn bị đi sáng nay à?
– Hầu như là ngay bây giờ.
– Thật là không may. Nhưng cần làm theo ý bà Smith; tôi hy vọng công việc sẽ không bó buộc anh phải xa chúng tôi lâu.
Anh đỏ mặt khi trả lời:
– Bà thật tử tế, nhưng tôi không có kế hoạch trở lại Devonshire ngay. Những lần tôi đến với bà Smith không bao giờ kéo dài dưới mười hai tháng.
– Nhưng có phải anh quen biết duy nhất bà Smith đâu? Có phải chỉ ngôi nhà Allenham tiếp đón anh thôi sao? Thật xấu hổ, Willoughby, anh phải đợi tôi mời à!
Mặt anh càng đỏ bừng. Với đôi mắt cúi gằm, anh chỉ có thể trả lời:
– Bà thật quá tốt bụng.
Bà Daswood kinh ngạc nhìn Elinor. Elinor sửng sốt không kém. Trong một lúc, mọi người đều im lặng. Bà Daswood nói trước:
– Anh Willoughby thân yêu, tôi chỉ biết nói thêm là nhà nghỉ Barton lúc nào cũng sẵn lòng tiếp đón anh. Tôi sẽ không nài ép anh trở lại ngay, vì chỉ anh mới liệu định được bà Smith sẽ hài lòng đến mức nào về việc này. Theo ý này, tôi không thể hồ nghi việc định liệu của anh cũng như không nghi ngờ tâm tư anh.
Willoughby lúng túng:
– Chuyện tôi đang bận rộn có tính cách… đến nỗi… tôi xấu hổ –
Anh ngưng bặt. Bà Daswood quá ngạc nhiên nên không thể trả lời. Thêm một khoảnh khắc im lặng. Rồi anh mỉm cười:
– Kể cũng điên rồ mà kéo dài giây phút này. Tôi không muốn tự dằn vặt thêm nữa để lưu luyến với những người bạn mà bây giờ gặp nhau chỉ thêm buồn.
Anh vội vàng giã từ họ và đi ra khỏi phòng. Họ thấy anh bước lên cỗ xe ngựa, và trong một thoáng anh đã mất hút.
Bà Daswood quá xúc động mà không thể nói nên lời, lập tức đi ra khỏi hành lang để được một mình sống với lo âu và hoang mang do cuộc giã biệt bất ngờ.
Elinor ít nhất cũng có cùng tâm trạng bất ổn như bà mẹ. Cô nghĩ về những gì đã xảy ra với nỗi lo lắng và nghi ngờ. Hành vi của Willoughby khi từ biệt họ, vẻ bối rối và gượng gạo làm vui, và trên tất cả, việc anh không muốn nhận lời mời của bà mẹ, hoàn toàn ngược lại với cử chỉ của người đang yêu – không hề giống con người anh chút nào; tất cả đều khiến cô hoang mang. Có một lúc cô nghĩ anh không có ý định gì nghiêm túc; lúc khác cô cho là giữa anh và đứa em gái bất hạnh đã xảy ra tranh cãi; nét sầu thảm ở Marianne có thể minh chứng một cách hợp lý nhất có tranh cãi căng thẳng, dù khi cô xét qua tình yêu của Marianne dành cho anh, cãi lẫy dường như khó thể xảy ra.
Nhưng bất luận tình tiết trong cuộc phân ly giữa hai người có là thế nà, Elinor không thể nghi ngờ gì là cô em bị buồn khổ. Qua niềm cảm thông thắm thiết nhất, cô nghĩ về tính tình ủy mị của em gái: bộc lộ đau khổ dữ dội không phải để được nhẹ nhàng, mà như thể làm tròn nghĩa vụ với anh ta sau khi phân ly.
Khoảng nửa giờ sau bà mẹ quay lại, và dù đôi mắt bà đỏ, nét mặt của bà không phải kém vui.
– Elinor, Willoughby thân yêu của chúng ta giờ đã đi xa khỏi Barton nhiều dặm. Không hiểu tâm tư của anh ấy nặng nề thế nào khi phải đi?
– Mọi chuyện đều rất lạ lùng. Ra đi thình lình như thế! Dường như là quyết định bộc phát trong giây phút. Tối hôm qua, có phải anh ấy còn ở bên chúng ta thật hạnh phúc, thật vui vẻ, thật tình cảm? Bây giờ, chỉ sau mười phút báo tin, ra đi mà không hứa sẽ trở lại! Có chuyện gì đấy đã xảy ra ngoài những gì anh thú nhận với chúng ta. Anh ấy không nói, không hành xử giống như bản chất của anh. Mẹ hẳn đã thấy sự khác biệt như con thấy. Đây là chuyện gì? Có thể hai người cãi vã với nhau chăng? Còn lý do nào khác khiến anh không muốn nhận lời mẹ mời quay lại?
– Elinor à, anh ấy không muốn từ chối; mẹ thấy rõ điều này. Anh ấy không có thực quyền để nhận lời. Hãy tin đi, mẹ đã nghĩ kỹ mọi điều, mẹ có thể lý giải rõ ràng mọi chuyện mà lúc đầu cả mẹ và con đều thấy lạ lùng.
– Thật thế sao?
– Đúng vậy. Mẹ đã tự lý giải cho mình theo cách hợp lý nhất; nhưng con, Elinor à, con cứ hay nghi ngờ mọi chuyện – con sẽ không an tâm, mẹ biết; nhưng con không nên khuyên mẹ đừng tin tưởng. Mẹ tin rằng bà Smith đã nghi anh ấy có ý tình với Marianne, không chấp nhận chuyện này (có thể vì bà đã nhắm đến người khác cho anh), nên vì lý do đó muốn đẩy anh đi, rồi ngụy tạo ra công việc nào đó để tống khứ anh đi. Mẹ tin như thế. Hơn nữa, anh biết bà ấy đích thực chống đối mối quan hệ với em con, nên anh không dám thú thực anh đã tỏ tình với Marianne, rồi vì không có khả năng tự lập anh thấy nên thuận theo bà, làm theo ý bà, đi khỏi Devonshire một thời gian. Mẹ biết con sẽ bảo đấy có thể đúng hoặc không đúng; nhưng mẹ không muốn nghe con cãi bướng, trừ khi con có ý khác lý giải hợp lý sự việc như thế này. Elinor, bây giờ con muốn nói gì?
– Con không muốn nói gì cả, vì mẹ đã tiên liệu câu trả lời của con.
– Thế thì đáng lẽ con đã nói rằng chuyện này có thể hoặc không thể xảy ra. Ôi, Elinor, tâm tư của con khó hiểu thế nào ấy! Con thà nghĩ về chuyện xấu hơn là tốt. Con thà tìm kiếm nỗi đau khổ cho Marianne và trách cứ Willoughby tội nghiệp hơn là tha thứ cho anh ấy. Con nhất quyết cho rằng anh ấy đáng bị kết án, vì anh giã từ chúng ta qua ít ý tình hơn là thái độ thường nhật của anh biểu lộ. Nhưng con không nghĩ do anh ấy sơ ý, hoặc do sa sút tinh thần vì bị thất vọng lúc gần đây, hay sao? Không thể chấp nhận điều khả dĩ nào hay sao, chỉ vì không biết chắc? Liệu không có gì xứng đáng với người mà chúng ta đều có lý do để thương mến, và không có lý do nào để nghĩ xấu, hay sao? Hoặc với giả định của những động lực tự nó không thể trả lời được, mặc dù là bí mật không thể tránh trong một thời gian? Rốt cuộc, con nghi ngờ anh ấy điều gì?
– Tự con khó thể nói ra. Nhưng nghi ngờ về điều khó chịu gì đấy là hậu quả tất yếu của sự thay đổi như thế mà ta thấy nơi anh. Tuy nhiên, mẹ rất có lý khi thuyết phục nên thông cảm cho anh, và con rất muốn thẳng thẳn khi xét đoán mọi người. Phải công nhận Willoughby có thể có lý do rất chính đáng khi tỏ thái độ ấy; con hy vọng như thế. Nhưng người như Willoughby đáng lẽ phải bày tỏ ngay các lý do này. Có thể cần bí mật, nhưng con không thể không băn khoăn tại sao anh lại thế.
– Con đừng trách anh ấy khi anh hành xử không như tố chất của mình, khi anh cần phải thay đổi. Nhưng con có thật lòng nhìn nhận mẹ công tâm khi biện hộ cho anh ấy không? Mẹ rất đẹp lòng – và anh được tha thứ.
– Không phải hoàn toàn như thế. Có thể là hợp cách khi che giấu tình cảm của hai người (nếu thật sự họ có tình ý với nhau) đối với bà Smith; và nếu đúng thế, sẽ có lợi cho anh khi che đậy chút ít ở Devonshire. Nhưng không có lý do để che giấu với chúng ta.
– Che giấu với chúng ta! Con yêu, ý con kết án Willoughby và Marianne che giấu à? Thật là lạ, vì chính con đã mỗi ngày trách cứ hai người là thiếu cẩn trọng.
Elinor nói:
– Con không cần chứng cứ của ý tình hai người, nhưng chứng cứ là họ đã hẹn ước với nhau thì con cần.
– Mẹ hoàn toàn hài lòng ở cả hai điểm.
– Tuy vậy, không ai nói một lời nào với mẹ về chuyện của họ.
– Mẹ không cần nghe lời lẽ khi hành động đã nói lên rõ ràng như thế. Có phải thái độ của anh dành cho Marianne và tất cả chúng ta, ít nhất trong nửa tháng qua, đã nói lên rằng anh ấy yêu và xem em gái của con như là vợ tương lai, anh ấy cảm thấy chúng ta là những người thân gần gũi nhất, đúng không? Không phải chúng ta đã hiểu nhau rất rõ rồi hay sao? Có phải những ánh mắt của anh ấy, cử chỉ của anh ấy, thái độ trọng vọng trong chăm chút và tình cảm của anh ấy, đều có ý xin mẹ chấp thuận, hay sao? Elinor của mẹ, lẽ nào con hồ nghi chuyện hẹn ước của hai người? Làm thế nào con lại có ý nghĩ như thế? Làm thế nào con cho là Willoughby lại có thể rời xa em gái của con, rời xa có lẽ trong nhiều tháng, mà lại không tỏ tình với con nhỏ, khi đã chắc rằng con nhỏ yêu nó; và tại sao con lại nghĩ họ đã xa nhau mà không hẹn ước với nhau?
Elinor đáp:
– Con nhìn nhận rằng ngoại trừ một điều, thì mọi tình huống đều cho thấy họ đã hẹn ước, và cái điều này là cả hai đều hoàn toàn im lặng về sự việc. Đối với con, điều này lấn át các tình huống khác.
– Thật là lạ lùng! Con thật sự nghĩ tồi tệ về Willoughby, nếu con vẫn còn hồ nghi bản chất của mối quan hệ giữa hai người, sau khi mọi chuyện đã lộ rõ. Có phải trong suốt thời gian qua, một phần thái độ anh ấy là do đóng kịch với em của con không? Con nghĩ anh ấy hoàn toàn hờ hững với con nhỏ hay sao?
– Không, con không thể nghĩ như thế. Con tin chắc anh ấy yêu em con.
– Nhưng yêu theo thứ ý tình lạ lùng, theo cách con gán cho anh ấy, khi anh có thể từ giã con nhỏ mà hững hờ như thế, mà vô tâm như thế về chuyện tương lai.
– Mẹ yêu ạ, xin mẹ nhớ con chưa bao giờ nói chắc chắn về chuyện này. Con nhìn nhận là riêng con đã có nghi vấn; nhưng những nghi vấn này yếu hơn lúc trước, có thể chẳng bao lâu không còn nữa. Nếu chúng ta thấy hai người thư từ qua lại với nhau, mọi e ngại của con sẽ biến mất.
– Lời thú nhận quả thật lớn lao! Nếu con thấy hai đứa đứng trước bàn thờ, con sẽ đoán rằng họ sắp cưới nhau. Đứa con gái hẹp hòi! Nhưng mẹ không cần chứng cứ như thế. Trong đầu óc mẹ không hề có ý nghĩ nào để biện minh cho nghi ngờ; không hề giữ bí mật nào; tất cả đều bộc lộ và thẳng thắn. Con không thể nghi ngờ các ước vọng của em con. Vì thế, Willoughby chính là người mà con nghi ngờ. Nhưng tại sao? Anh ấy không phải là người có danh dự và tình cảm hay sao? Anh đã có cái gì thiếu nhất quán khiến ta phải lo lắng hay sao? Lẽ nào anh là người dối trá?
Elinor thốt lên:
– Không phải con hy vọng thế, không phải con tin như thế. Con mến Willoughby, thật tình con mến anh ấy. Khi nghi ngờ về tư cách của anh, con cũng đau đớn như mẹ. Tự ý con nghi ngờ, con không muốn khuyến khích ý nghi ngờ. Thú thật, con rất đỗi ngạc nhiên về thái độ thay đổi của anh ấy sáng nay: anh ấy ăn nói không phải theo cách của anh, không đáp lại lòng tử tế của mẹ bằng cử chỉ thân thiện gì cả. Nhưng tất cả có thể giải thích là do hoàn cảnh của anh, như mẹ đã nói. Anh vừa giã từ em con, đã thấy nó rời xa anh trong đau khổ nhất. Nếu vì sợ xúc phạm bà Smith mà anh không dám trở về sớm, tuy thế, hiểu rằng khi từ chối lời mời của mẹ bằng cách nói sẽ đi xa một thời gian, anh có thể nghĩ gia đình chúng ta sẽ thấy anh hẹp hòi, nghi ngờ, thế thì đáng lẽ anh phải lấy làm bối rối và khó xử. Trong trường hợp như thế, nếu anh thú nhận rõ ràng và thẳng thắn các khó khăn của mình thì mới đúng là theo danh dự của anh, cũng như nhất quán với tư cách của anh. Nhưng con sẽ không phản đối tư cách của bất kỳ ai theo cơ sở khắt khe đến thế, dù cho có khác với phán xét của con hoặc khác với điều con nghĩ là đúng và nhất quán.
– Con nói rất hợp cách. Chắc chắn Willoughby không đáng bị nghi ngờ. Mặc dù chúng ta chưa quen anh ấy lâu, anh không phải người xa lạ ở đây; và đã có ai từng nói không tốt về anh ấy đâu? Nếu anh ấy ở trong hoàn cảnh được làm theo ý mình và xúc tiến hôn nhân ngay, hẳn đúng là kỳ hoặc khi anh giã từ chúng ta mà không tỏ lộ gì ngay với mẹ; nhưng không phải là trường hợp ở đây. Xét theo vài khía cạnh, đây là việc hẹn ước chưa bắt đầu thuận lợi, vì cuộc hôn nhân của hai người chưa thể chắc chắn ngay; và theo mẹ thấy, ngay cả giữ kín đáo là việc nên làm.
Hai người bị cắt ngang vì Marianne đi vào. Elinor có cơ hội để suy nghĩ về những điều bà mẹ nói, để nhìn nhận vài điều là có thể, và hy vọng tất cả đều đúng.
Họ chỉ thấy Marianne vào giờ ăn tối, khi cô đi vào phòng và ngồi vào bàn mà không nói một lời. Đôi mắt cô sưng đỏ; có vẻ như ngay cả lúc này cô cũng phải cố kiềm giữ nước mắt. Cô tránh ánh mắt của mọi người, không thể ăn uống hoặc chuyện trò; và sau ít khoảnh khắc khi bà mẹ nắm lấy bàn tay của cô qua cảm thông trìu mến, sự chịu đựng yếu ớt của cô đã đến giới hạn – cô khóc òa lên và rời khỏi phòng ăn.
Tinh thần cô xuống dốc thảm hại cả buối tối. Cô không còn sức lực nào, vì cô không thiết tự kiềm chế. Chỉ cần nhắc đến điều gì có liên quan đến Willoughby là đủ để khiến cô đau khổ. Mặc dù cả gia đình thiết tha chăm chút mong cho cô được thoải mái, họ không thể làm được gì để giúp cô xa lánh mọi ý nghĩ liên quan đến anh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.