dao kề gáy

Người nữ thư ký



Hai chúng tôi rất mong gặp thanh tra Japp. Một tiếng đồng hồ sau, ông ta đến nhà chúng tôi. Quăng mũ lên bàn xong, ông ta than phiền đã không gặp may. 

Poirot nhẹ nhàng hỏi : 

– Ông vẫn tiến hành điều tra đấy chứ? 

Viên thanh tra cảnh sát rầu rĩ đáp : 

– Tất nhiên. Tôi đã thẩm vấn ít nhất là mười bốn nhân chứng, kết quả là bà Huân tước phu nhân Edwgare vô tội. Thú thật với ông, thưa ông Poirot, điều tôi vừa nói hoàn toàn bất ngờ đốì với tôi. Lúc đầu tôi cho rằng thủ phạm không thể là ai khác ngoài bà ta, vì chỉ một mình bà ta có động cơ để giết ông Huân tước. 

– Tôi chưa tán thành nhận định của ông, nhưng thôi, ông nói tiếp đi đã. 

– Tôi đã nghĩ bà ta dùng một thủ thuật nào đó để thoát tội. Các diễn viên đều rất tài đóng kịch. Nhưng ở đây chuyện hoàn toàn khác. Các thực khách trong bữa tiệc tối hôm qua ở nhà Huân tước Montagu đều là những vị tai to mặt lớn và họ không giao du với một diễn viên nào bao giờ. Thậm chí nhiều người không biết nữ nghệ sĩ Jane Wilkinson là ai. Cho nên không thể dựa vào lời khai của họ được. Tôi đã hy vọng khám phá ra được rằng bà ta có vắng mặt trong bữa tiệc khoảng nửa giờ đồng hồ… bằng cách kiếm cách nào đấy… thí dụ trang điểm lại đôi chút. Nhưng không! Bà ta chỉ ra ngoài một lúc, khi gia nhân vào báo có người gọi điện thoại cho bà ta… Điều này chính bà ta khai với tôi. Viên trưởng bàn đã đi theo và nghe thấy câu bà ta trả lời trong máy. về chuyện này nữa, bà ta cũng lại khai đúng sự thật. Chỉ có điều lạ là sao có người gọi điện đến trêu bà ta như vậy? 

– Đúng là lạ. Nhưng người gọi điện thoại đến là đàn ông hay phụ nữ? 

– Theo cách bà ta kể, tôi đoán là một phụ nữ. 

Poirot trầm ngâm nói : 

– Chính đấy là điều khó hiểu. 

– Ta tạm gác chi tiết ấy lại, bàn đến một chi tiết khác quan trọng hơn nhiều. Buổi tối hôm qua diễn ra đúng như lời bà ta khai. Bà ta đến đó lúc chín giờ kém mười lăm và về đến khách sạn lúc mười hai giờ kém mười lăm. Tôi đã thẩm vấn người lái xe, anh ta làm lái xe cho hãng Daimler và nhân viên hãng đã xác nhận giờ anh ta đưa xe về hãng. 

– Theo tôi đấy là điều có ý nghĩa kết luận. 

– Thế nhưng tại sao những người làm ở nhà Huân tước Edwgare trên đại lộ Regent Gate lại khai rằng có nhìn thấy Huân tước phu nhân đến đó? Không chỉ viên quản gia mà cả cô thư ký của Huân tước. Cả hai đều thề nhìn thấy Huân tước phu nhân đến biệt thự lúc mười giờ tối. 

– Viên quản gia đã làm việc cho Huân tước Edwgare bao lâu rồi? 

– Sáu tháng. 

– Ông bạn ạ, nếu anh ta mới làm cho ông Huân tước được sáu tháng thì chưa gặp bà chủ bao giờ, làm sao có thể nhận ra đó là Huân tước phu nhân? 

– Anh ta nhận ra qua những bức ảnh phu nhân in trên báo chí. Hơn nữa, cô thư ký thì biết bà chủ. Cô ấy đã làm cho ông Huân tước năm hoặc sáu năm và là người duy nhất có lời khai khẳng định hoàn toàn. 

– Ôi, tôi phải gặp cô ấy mới được! 

– Nếu vậy, ta cùng đi đến đó bây giờ. 

– Cảm ơn ông bạn nhiệt tình, ông bằng lòng cho cả anh bạn tôi Hastings cùng đi chứ? 

Thanh tra Japp gật đầu rồi nói : 

– Vụ án mạng này khiến tôi nhớ đến vụ Elisabeth Canning. Hai ông còn nhớ vụ án ấy chứ? Hai chục nhân chứng khẳng định nhìn thấy cô gái Digan ấy ở hai địa điểm khác hẳn nhau mà họ đều là những người đáng tôn kính cả! Cô gái Digan đó xấu xí đến nỗi không ai có thể nhầm cô với bất cứ ngươi nào khác. Điều bí mật này cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được. Trong vụ án này cũng lại thế. Hai nhóm nhân chứng, mỗi nhóm quả quyết đã nhìn thấy cùng một người vào cùng một lúc nhưng ở hai địa điểm hoàn toàn khác biệt. Vậy trong hai nhóm đó, nhóm nào đúng nhóm nào lầm? 

– Điều này dễ kiểm tra thôi! 

– Ông nói thế! Cô thư ký và tiểu thư Geraldine con gái Huân tước đều biết quá rõ phu nhân Edgware, vì đã chung sống với bà ấy trong nhiều tháng trời. Tôi cho rằng hai nhân chứng ấy không thể lầm. 

– Điều này chúng ta sẽ biết được ngay thôi. 

Tôi hỏi : 

– Ai là người sẽ thừa kế tước vị của ngài Huân tước? 

– Cháu của ngài, đại úy Ronald Marsh. Nghe đâu cậu ta là một chàng trai phóng đãng. 

Poirot hỏi : 

– Theo bác sĩ pháp y thì nạn chân chết lúc mấy giờ? 

– Phải sau khi mổ xác mới có thể biết chắc chắn. Theo lời khai của các nhân chứng trong nhà này thì khoảng mười giờ tối. Lúc chín giờ kém vài phút, Huân tước Edgware rời khỏi bàn ăn sang phòng đọc sách, rồi anh quản gia đem chai rượu Whisky và chiếc ly sang đó. Mười một giờ, trước khi đi ngủ, anh ta nhìn thấy trong phòng đọc sách đèn đã tắt. Chắc lúc đó Huân tước Edgware đã chết rồi, bởi nếu còn sống hẳn ngài không chịu ngồi trong bóng tối. 

Poirot gật gù mái đầu vẻ suy nghĩ. 

Lát sau, chúng tôi vào nhà. Anh chàng gia nhân đẹp trai ra mở cửa cho chúng tôi. 

Thanh tra Japp bước vào đầu tiên và chúng tôi theo chân ông ta. Anh gia nhân đứng bên cửa, phía tay trái, không nhìn thấy Poirot ngay vì anh bạn tôi đi bên tay phải và lấp sau vóc người cao lớn của tôi. Nhưng khi chúng tôi bước vào gian sảnh, tôi nghe thấy tiếng thở hổn hển của anh gia nhân. Tôi ngạc nhiên ngoái đầu lại, thấy anh ta nhìn Poirot vẻ sợ hãi. 

Tôi ghi lại hình ảnh ấy vào bộ nhớ trong óc tôi nhưng lúc ấy tôi còn chưa biết chi tiết ấy sau này sẽ vô cùng quan trọng. 

Thanh tra Japp đi vào phòng ăn bên tay phải chúng tôi. Ông ta bảo bác quản gia : 

– Bác Alton, bác cho tôi biết tỉ mỉ những gì đã xảy ra. Phu nhân đến đây lúc mười giờ, đúng thế không? 

– Ngài định nói bà chủ phải không ạ? Vâng đúng thế. 

Poirot hỏi : 

– Làm sao bác biết đấy là bà chủ? 

– Thưa ông, phu nhân xưng tên, vả lại tôi đã biết mặt phu nhân qua chân dung của phu nhân in trong báo chí. Và tôi cũng đã nhìn thấy phu nhân diễn trên sân khấu nhà hát. 

– Tối hôm qua Huân tước phu nhân ăn mặc thế nào? – Poirot hỏi tiếp. 

– Phu nhân mặc bộ đồ đen, thưa ông. Một tấm áo liền váy dài và đội mũ cũng mầu đen, đeo chuỗi hạt trai và đi găng mầu ghi. 

Poirot đưa mắt nhìn thanh tra Japp vẻ dò hỏi. Viên thanh tra đáp : 

– Những người dự tiệc lại nói bà ta mặc bộ váy liền áo dạ hội màu trắng, đội mũ mấn bằng lông chồn cũng màu trắng. 

Poirot quay sang hỏi tiếp bác quản gia : 

– Tối qua ngoài phu nhân ra còn khách khứa nào nữa đến thăm ngài Huân tước không? 

– Thưa không. 

– Cửa ngoài dùng khóa gì? 

– Thưa, khóa treo nhãn Yale. Thường trước khi đi ngủ tôi mắc vào và khóa lại… Nhưng tối hôm qua tiểu thư Geraldine đi xem hát nên tôi không móc khóa treo. 

– Sáng nay bác thấy tình trạng ổ khóa thế nào? 

– Tôi thấy cửa đã có treo khóa. Tiểu thư Geraldine đi xem hát về đã móc khóa treo và khóa lại. 

– Tiểu thư về lúc mấy giờ, bác biết không? 

– Khoảng mười hai giờ kém mười lăm. 

– Tiểu thư làm cách nào mở được cửa? 

– Khi không mắc khóa treo thì người ở bên ngoài có thể mở bằng chìa khóa, còn người ở trong thì chỉ cần xoay quả nắm. 

– Có bao nhiêu chìa khóa để mở ổ khóa? 

– Hai. Ông chủ giữ một còn một vẫn thường để trong ngăn kéo chiếc tủ nhỏ kê ngoài sảnh. Tối hôm qua lúc đi xem hát tiểu thư Geraldine đã đem theo chiếc chìa ấy. Ngoài ra không còn chiếc chìa nào nữa. 

– Cô thư ký không giữ chiếc chìa nào à? 

– Không ạ. Cô ấy đến thì bấm chuông để tôi ra mở. 

Poirot tuyên bố anh không cần hỏi bác quản gia thêm gì nữa. Thế là chúng tôi đi tìm cô thư ký. Lên đến tầng hai chúng tôi thấy cô đang ngồi viết bên chiếc bàn giấy lớn. 

Tuy gọi là “cô” vì chưa chồng nhưng nữ thư ký Carroll là một phụ nữ trạc bốn mươi nhăm tuổi, mái tóc vàng đã lôm đốm những sợi bạc và đằng sau cặp mắt kính trắng tròn là đôi mắt rất linh hoạt. Khi cô nói, tôi nhận ra giọng nói trong trẻo và mạch lạc trả lời tôi trong máy điện thoại lúc nãy. 

Nghe thanh tra Japp giới thiệu xong, cô thư ký nói với Poirot : 

– Chào ông Poirot, có phải ông chính là vị khách tôi đã tiếp và dẫn vào gặp ông chủ trưa hôm qua không, thưa ông? 

– Đúng thế, thưa bà. 

Cô thư ký quay sang viên thanh tra cảnh sát : 

– Còn ông, tôi có thể làm gì giúp ông nữa đấy, thưa ông thanh tra? 

– Tôi chỉ muốn hỏi bà một câu thôi. Bà có khẳng định người đến nhà ta tối hôm qua là Huân tước phu nhân không? 

– Ôi, tôi đã trả lời ông câu đó hai lần rồi. Bây giờ là lần thứ ba. Tất nhiên là phu nhân, tôi nhìn thấy rõ mà. 

– Bà nhìn thấy lúc phu nhân đang ở đâu? 

– Ngoài sảnh. Bà chủ nói gì với bác quản gia khoảng một phút rồi đi thẳng vào phòng đọc sách để gặp ngài Huân tước.

– Lúc đó bà đang ỗ đâu? 

– Tôi đứng ở chỗ chiếu nghỉ trên thang gác. Thấy có người đến, tôi vịn tay vào thành thang gác nhìn xuống. 

– Bà có thể nhìn lầm được không? 

– Không thể. Tôi nhận ra rất rõ khuôn mặt của phu nhân. 

– Có thể người khách đó trông giống Huân tước phu nhân? 

– Không đâu. Mặt bà Jane Wilkinson rất độc đáo, không giống bất cứ ai. Đúng là bà ấy. 

Thanh tra Japp đưa mắt nhìn Poirot ý nói: “Ông thấy chưa?” 

Đột nhiên Poirot hỏi : 

– Huân tước Edgware có kẻ thù nào không? 

– Kẻ thù ư? Chẳng lẽ thời nay con người ta vẫn có thể có kẻ thù? 

– Nhưng Huân tước Edgware đã bị giết… 

Cô thư ký nói luôn : 

– Bà chủ giết chứ còn ai? 

– Vậy theo bà thì vợ không thể là kẻ thù? 

– Dù sao tôi cũng không tin bà ấy có thù gì với ngài Huân tước… nhất là trong thời đại ngày hôm nay. 

Rõ ràng người nữ thư ký này quan niệm kẻ giết người chỉ có thể là kẻ say rượu hoặc lưu manh. 

– Có mấy chiếc chìa khóa cửa ngoài? 

– Hai chiếc. Ngài Huân tước luôn mang theo người một chiếc, chiếc thứ hai nằm trong ngăn kéo cái tủ ngoài sảnh, để ai định đi khuya có thể lấy đem theo, khi về tự mở lấy được. Trước kia còn một chiếc chìa nữa, nhưng cậu đại úy Ronald Marsh đã làm mất. 

– Ông đại úy hay đến đây không? 

– Ngày trước cậu ấy sống ở nhà này, nhưng đã bỏ đi ở nơi khác từ cách đây ba năm. 

– Tại sao ông ấy không ở đây nữa? 

– Tôi không rõ. Chắc do không hợp với ông chủ. 

Poirot thăm dò : 

– Tôi đoán bà biết nhiều thứ nữa nhưng không muốn nói ra. 

Cô thư ký gỡ kính ra đặt xuống bàn, như thể để nhìn anh bạn tôi rõ hơn. 

– Thưa ông Poirot, tôi không thích kể lể về người khác. 

– Dù sao bà cũng có thể nói cho chúng tôi biết sơ qua về lời đồn đại rằng giữa hai chú cháu nhà hHuân tước có chuyện bất hòa lớn. 

– Thật ra chuyện chẳng có gì lớn. Ông đã biết ông chủ tôi rất khó tính. 

– Bà có nhận xét riêng gì về ngài Huân tước không? 

– Với tôi thì chẳng có chuyện gì. Tôi không bao giờ cãi lại ông chủ và ngài rất tin tôi. 

– Còn ông đại úy? 

– Cậu ấy sống bạt mạng và tiêu tiền như phá, nợ rất nhiều. Ngoài ra có lẽ còn có những mối xung khắc nào đó giữa hai chú cháu, nhưng tôi không biết chính xác. Một lần sau khi hai chú cháu cãi nhau, Huân tước tuyên bố đuổi cháu, không cho ở đây nữa. Chỉ có vậy thôi. 

Cô thư ký mím chặt môi như để bảo rằng sẽ không nói thêm gì nữa. 

Lúc xuống nhà, Poirot nắm cánh tay tôi, nói : 

– Anh đứng lại đã, Hastings. Để tôi xuống nhà với ông thanh tra. Anh quan sát gian sảnh trong lúc tôi và ông thanh tra vào phòng đọc sách, rồi sau đó anh hãy xuống với hai chúng tôi. 

Đã từ lâu tôi tập được thói quen không hỏi lại Poirot điều gì mà chỉ làm theo lời anh ta yêu cầu. Tôi đứng trên tầng hai quan sát gian sảnh, trong lúc Poirot cùng thanh tra Japp xuống tầng một, đi về phía phòng đọc sách. Tôi nhìn theo lưng hai người cho đến khi họ vào khuất. Đợi khoảng vài phút xong, tôi xuống thang gác rồi chạy về phía phòng đọc sách. 

Thi hài nạn nhân đã được đem đi. Các rèm đã kéo xuống và ngọn đèn chùm được bật sáng. Poirot và thanh tra Japp đứng lại giữa phòng, đưa mắt quan sát xung quanh. 

Thanh tra Japp nói : 

– Không có gì lạ… 

Poirot mỉm cười đáp : 

– Không có tàn thuốc lá… không có dấu đế giầy trên sàn… không có đôi găng tay phụ nữ để quên… không có cả mùi nước hoa còn vương lại! Tóm lại không có bất cứ thứ gì mà các thám tử thường tìm thấy trong những cuốn tiểu thuyết hình sự. 

Tôi thấy đã đến lúc phải báo cáo công việc Poirot giao. Tôi nói : 

– Tôi đứng trên kia quan sát, không thấy ai rình theo dõi anh. 

Poirot cười, nói đùa : 

– Ôi, tưởng anh bạn mắt phải tinh lắm chứ! Anh không nhìn thấy tôi ngậm trên môi một bông hoa hồng hay sao, Hastings? 

Tôi ngạc nhiên : 

– Một bông hoa hồng? 

Thanh tra Japp phá lên cười. Tôi ngơ ngác, không hiểu hai người kia phát rồ về chuyện gì. Hay tôi đã phạm một sơ suất nào chăng. 

Poirot nói tiếp, giọng lúc này có vẻ trách cứ : 

– Anh không nhìn thấy sao, Hastings? 

– Không! Bởi lúc đó tôi chỉ nhìn thấy lưng hai người, chứ không nhìn thấy mặt. 

Poirot vẫn nói, giọng chê trách : 

– Đấy đâu phải lý do! 

Thanh tra Japp nói : 

– Tôi thấy chúng ta không có việc gì để làm trong gian phòng này. Nếu có thể được, tôi muốn gặp lại cô con gái của Huân tước. Sáng nay cô ấy xúc động quá nên tôi chưa hỏi được câu nào. 

Ồng ta ấn chuông gọi bác quản gia. Khi bác này chạy vào, Japp bảo : 

– Bác hỏi tiểu thư Geraldine xem đã có thể cho tôi gặp được chưa? 

Bác quản gia đi nhanh ra. Vài phút sau, không phải tiểu thư Geraldine, mà là cô thư ký bước vào, nói : 

– Geraldine đang ngủ. Cô ấy bị choáng váng quá mức sau cái chết bi thảm của cha. Tôi cho uống một viên an thần và bây giờ cô ấy đang ngủ rất say. Phải khoảng một hoặc hai tiếng nữa, cô ấy mới tiếp chuyện các ông được. 

Thanh tra Japp gật đầu. Cô thư ký nói thêm : 

– Nhưng tôi nghĩ rằng, những gì cô ấy có thể trả lời các ông, tôi trả lời thay được. 

Poirot hỏi : 

– Bà có thể nói gì về bác quản gia? 

– Thú thật là tôi không ưa bác ta, nhưng tôi không thể nói tại sao tôi không ưa. 

Chúng tôi đã ra gần đến cửa ngoài. Poirot trở về phía cầu thang gác, hỏi : 

– Tối hôm qua bà đứng trên đó phải không? 

– Vâng, nhưng sao ông hỏi thế? 

– Và bà nhìn thấy Huân tước phu nhân Edgware đi vào phòng đọc sách? 

– Vâng. 

– Bà tin chắc đó là Huân tước phu nhân? 

– Tôi lầm sao được? 

– Đứng trên đó bà không thể nhìn thấy mặt phu nhân mà chỉ thấy sau lưng. 

Cô thư ký tự ái, nói : 

– Nhưng tôi vẫn nhận ra. Tôi nghe thấy cả tiếng bà ấy nói. Không thể lầm được. Đúng bà ấy, bà Jane Wilkinson… một phụ nữ có thể nói là hêt sức vô đạo đức. 

Rồi cô thư ký quay gót, đi nhanh lên thang gác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.