dao kề gáy

Người đàn ông có chiếc răng bịt vàng



Vài ngày sau, trong lúc tôi ngối ăn bữa trưa với anh bạn Poirot, anh ta chìa cho tôi bức thư anh vừa nhận được. 

– Anh nghĩ sao về bức thư này, anh bạn? 

Bức thư của Huân tước Edgware. Bằng lời lẽ vắn tắt và khô khan, ông Huân tước, chồng bà Jane Wilkinson, hẹn Poirot đến gặp ông ta vào mười một giờ sáng mai. 

Tôi hơi ngạc nhiên. Tôi không ngờ Poirot lại giữ lời hứa với nữ nghệ sĩ Jane Wilkinson. 

– Không phải chỉ vì hơi men đâu, anh bạn ạ! 

– Tôi không hề cho rằng vì anh nốc rượu. 

– Có đấy… Tôi biết trong đáy lòng, anh thầm nghĩ: chỉ vì nể bà chủ nhà mời ăn một bữa ngon và thịnh soạn mà Poirot tội nghiệp đã hứa một điều cậu ta hoàn toàn không muốn thực hiện… Hastings thân mến, Poirot đã hứa điều gì, điều đó là thiêng liêng. 

Khi nói câu đó, Poirot ưỡn ngực kiêu hãnh. 

Tôi vội cãi : 

– Tất nhiên tôi không nghi ngờ điều đó chút nào. Tôi chỉ lo tối hôm ấy anh hơi… nói thế nào nhĩ… hơi mềm lòng một chút… 

– Mình không có thói để ai làm “mềm lòng” đâu. Thứ rượu vang hảo hạng hay người phụ nữ đẹp nhất trên đời đều không thể tác động gì đến Hercule Poirot! 

– Hay anh quan tâm đến những mưu đồ về hôn nhân của Jane Wilkinson? 

– Không hẳn. Mốì tình thơ mộng theo kiểu bà ta nói thật ra chỉ là một tham vọng mà bà ta nhất quyết đạt tới. Nếu Công tước Merton không có tước vị và tiền bạc thì đã không thể hút được bà ta. Điều làm tôi quan tâm, Hastings ạ, chính là khía cạnh tâm lý. Tôi muốn nghiên cứu các kiểu tính cách con người, và tôi cho rằng đây là một dịp rất tốt để quan sát tính cách của Huân tước Edgware. 

– Anh có hy vọng sẽ thành công trong sứ mệnh này không? 

– Sao lại không? Mỗi chúng ta đều có một chỗ yếu nào đó. Nếu như vấn đề này làm tôi quan tâm về mặt tâm lý thì đồng thời tôi cũng cố để thành công về điều người ta nhờ cậy mình. Tôi rất thích thử thách trí thông minh của tôi. 

– Vậy sáng mai ta đến đại lộ Regent Gate chứ? 

– Sao lại “ta”? 

Mắt Poirot trợn lên, khiến khuôn mặt anh ta trông thật hài hước. 

– Vậy lần này anh định bỏ rơi tôi hay sao, Poirot? Mọi lần anh đều cho tôi đi theo kia mà? 

– Nếu là một vụ án mạng, hẳn anh sẽ thấy thú vị. Nhưng đây lại là một vụ xích mích giữa hai vợ chồng thuộc tầng lớp thượng lưu. 

– Anh lập luận thế nào cũng vô ích, Poirot. Mai tôi cứ bám theo anh. 

Anh bạn tôi cười và đúng lúc đó người đầy tớ vào báo anh có khách, một nhà quý tộc. 

Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy người khách lại chính là ngôi sao điện ảnh Bryan Martin. 

Dưới ánh sáng ban ngày trông anh ta có vẻ già dặn hơn tối hôm trước, vẫn rất đẹp trai, nhưng một thứ đẹp đã phần nào bị tàn phá. Và tôi nhận thấy dáng vẻ Bryan Martin có vẻ bồn chồn, khiến tôi nghi anh ta vừa dùng chất ma túy. 

Bryan Martin nói giọng bình thản : 

– Chào ông Pcirot! Ông đang bận gì không đấy? 

– Hiện giờ thì tôi không có việc gì gấp. 

– Thật chứ? Tôi đang lo Sở Cảnh sát vừa mời ông tham gia,điều tra một vụ án nào đấy. 

– Không, lúc này tôi hoàn toàn rảnh rỗi. 

– Vậy thì tốt. Nếu thế tôi xin ông nghe cho tôi một câu chuyện. 

– Vậy ra ông có điều muốn hỏi ý kiến tôi? 

– Nói thế cũng được nhưng có lẽ chưa đúng hẳn. 

Anh ta cười và tiếng cười của anh ta nghe cayđắng. Poirot mời anh ta ngồi xuống chiếc ghế đối diện với chúng tôi. 

Poirot nói : 

– Chúng tôi xin nghe, thưa ông. 

Bryan Martin có vẻ ngần ngại. 

– Phiền một nỗi là câu chuyện hơi dài, lúc này tôi không thể kể toàn bộ như tôi mong muốn. Câu chuyện của tôi khởi đầu từ bên Mỹ… 

– Bên Mỹ? 

– Vâng. Hôm đó tôi đang ngồi trên tầu hỏa, chợt nhìn thấy một người đàn ông thấp bé, xấu xí, râu ria cạo nhẵn nhụi, đeo kính, có một chiếc răng bịt vàng… 

– Răng bịt vàng? 

– Đúng thế. Xin ông nhớ cho chi tiết này. 

Poirot gật đầu : 

– Tôi đã bắt đầu hiểu. Mời ông kể tiếp. 

– Như tôi vừa nói, tôi nhìn thấy người đó trên chuyến tầu hỏa đi New York. Ba tháng sau, trong một dịp lưu lại ở thành phố Los Angeles, tôi lại nhìn thấy người có cái răng vàng đó. Lần gặp thứ hai này khiến tôi chú ý. 

– Sau đó thì sao? 

– Một tháng sau nữa, tôi được gọi đến thành phố Seattle. Vừa đến nơi, tôi lại nhìn thấy người đàn ông có chiếc răng vàng kia, nhưng lần này y để râu. 

– Chà, lạ đấy! 

– Đúng thế! Lần đầu nhìn thấy y, tôi chưa quan tâm lắm, nhưng khi nhìn thấy y lần thứ hai ở Los Angeles không có bộ râu, rồi lần thứ ba ở thành phố Chicago lại có hàng ria mép và lông mày hóa trang, tôi bắt đầu chú ý đặc biệt đến y. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi bị theo dõi. Thế rồi bất cứ đi đến đâu, tôi cũng nhìn thấy y, mỗi lúc y lại thay đổi cách hóa trang. Nhưng vì y có chiếc răng vàng nên lần nào tôi cũng nhận ra. 

– Ông có bắt chuyện với người đàn ông đó và hỏi xem õng ta bám theo ông để làm gì không? 

Bryan Martin ngập ngừng rồi nói : 

– Không. Đã vài lần tôi định hỏi nhưng rồi lại thôi, tôi nghĩ không nên để y biết tôi đã nhận thấy y theo dõi tôi. Tôi sợ nếu y biết, người ta sẽ thấy y bằng một người khác mà tôi hoàn toàn không nghi ngờ. 

– Đúng thế, thí dụ một người không có chiếc răng vàng dễ nhận kia… Thưa ông Martin, vừa rồi ông có nói đến hai chữ “người ta”… Ông định ám chỉ ai vậy? 

– Tôi chỉ cảm thấy có ai đó đứng đàng sau y, nhưng cụ thể là ai thì tôi chưa biết. 

– Nhưng ông có nghi ngờ ai không? 

Bryan Martin ngập ngừng một chút rồi đáp : 

– Tôi chỉ có một phỏng đoán mơ hồ. Chuyện này liên quan đến một sự việc ngẫu nhiên xảy ra tại London cách đây hai năm, một sự việc nhỏ thôi nhưng lại khó quên. Tôi đã thoáng nghĩ hay việc theo dõi này có liên quan đến sự việc ngẫu nhiên kia, nhưng tôi không tìm thấy có mối liên quan nào giữa hai việc. 

– Có thể tôi sẽ tìm ra được. 

Bryan Martin lại lộ vẻ lúng túng. 

– Rất tiếc là tôi chưa thể kể hết ra với ông… ít nhất cũng lúc này. Tôi hy vọng sau đây vài ngày tôi sẽ được phép kể. 

Trước cặp mắt dò hỏi của Poirot, Bryan Martin nói thêm : 

– Ông hiểu cho… trong câu chuyện này có dính đến một cô gái. 

– Ra thế! Một cô gái người Anh? 

– Tại sao ông lại đoán cô ta là người Anh? 

– Đơn giản thôi. Ông bảo lúc này chưa được phép kể hết ra, nhưng có thể sẽ được phép sau đây vài ngày. Có nghĩa cô ta đang ở Anh và vẫn ở nước Anh trong khi con người bí hiểm kia bám theo ông. Nếu thời gian đó cô ta ở Mỹ thì ông hoàn toàn có thể gặp trực tiếp để hỏi về điều bí hiểm kia. Bởi cô ta đã sống ở Anh một năm rưỡi nay cho nên tôi kết luận có nhiều khả năng cô ta quốc tịch Anh. Tôi suy luận như thế có đúng với sự thật hay không? 

– Tôi chịu ông thông minh, thưa ông Poirot. Nếu cô ấy cho phép tôi kể ra với ông, ông có bằng lòng giúp tôi không? 

Poirot im lặng suy nghĩ một lát rồi hỏi : 

– Tại sao ông đến gặp tôi trong khi chưa được cô ấy cho phép? 

Bryan Martin đắn đo một giây đồng hồ rồi đáp : 

– Tôi nghĩ… tôi tính nếu được ông nhận lời giúp tôi sẽ dễ thuyết phục cô ấy hơn. Bởi khi đó tôi sẽ hoàn toàn không cần thiết phải cho ai khác biết sự việc này… 

Poirot điềm đạm nói : 

– Cái đó còn tùy. 

– Tùy sao? 

– Nếu điều ông nhờ giúp không dính đến một vụ án mạng… 

– Không đâu! Không có chuyện ấy đâu! 

– Nhưng rất có thể ông không biết… 

– Bất cứ trường hợp nào, tôi cũng tin vào ông, thưa ông Poirot. Ông bằng lòng giúp tôi chứ? 

– Tôi nhận lời. 

Poirot im lặng một lúc rồi nói tiếp : 

– Ông cho tôi biết, người đàn ông bám theo ông trạc bao nhiêu tuổi? 

– Chỉ khoảng ba mươi. 

– Chà, vụ này xem chừng lý thú đấy! 

Tôi nhìn anh bạn thám tử. Bryan Martin cũng nhìn anh ta giống như tôi. Cả tôi và anh ta đều không còn hiểu được dòng suy nghĩ của Poirot ra sao nữa. 

Poirot lẩm bẩm : 

– Chà, câu chuyện đã thành ra cực kỳ lý thú rồi. 

Bryan Martin nói thêm : 

– Y có thể nhiều tuổi hơn tôi phỏng đoán. 

– Không, ước đoán của ông chính xác đấy, thưa ông Martin. Và câu chuyện của ông trở nên vô cùng lãng mạn. 

Những câu nói khó hiểu của Poirot làm hai chúng tôi sửng sốt. Sau một lúc im lặng, Bryan Martin chuyển sang một đề tài khác : 

– Cuộc gặp gỡ tối hôm qua quả là lý thú, ông công nhận không? Jane Wilkinson đúng là người phụ nữ độc đoán và tàn bạo nhất trên thế gian này. 

Poirot mỉm cười nói : 

– Tôi biết bà ta muốn gì rồi. 

– Đúng, và bà ta nhất định đạt được điều đó. 

Poirot bác lại : 

– Rất khó cưỡng lại ý thích của một phụ nữ đẹp. Giá như bà ta mũi khoằm, nước da xám ngoét và mái tóc nhờn như bôi dầu thì lại khác. 

Bryan Martin công nhận : 

– Đúng thế. Xin nói thêm rằng tôi rất không muốn thân thiết với bà ta nhưng không nổi… Hơn nữa, tôi không tin bà ta phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của bà ta. Nhiều khi bà ta làm mà không hiểu việc mình làm. 

– Tôi thì cho rằng bà ta rất hiểu. Đó là một con người đầu óc vô cùng thực tế. 

– Tôi công nhận. Khi đụng đến quyền lợi của bà ta thì Jane Wilkinson không kiêng nể gì hết! Câu vừa rồi tôi nói chỉ về khía cạnh lương tâm của bà ta thôi. Trong quan niệm của Jane, không có sự phân biệt giữa thiện và ác, giữa đạo đức và vô đạo đức. 

– Tôi nhớ là tối hôm qua ông cũng đã đưa ra nhận định như vậy, khi chúng ta nói đến chuyện án mạng. 

– Đúng thế. Và nếu nghe thấy Jane vừa gây ra một vụ án mạng nào đó, tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào. 

Poirot trầm ngâm nói : 

– Có vẻ ông rất hiểu bà Jane Wilkinson. Ông luôn đóng đôi với bà ấy chứ? 

– Vâng. Và tôi luôn hình dung Jane sắp giết một ai đó. 

– Trong một cơn giận dữ nào đó khiến bà ấy mất tự chủ? 

– Không đâu. Jane sẽ giết một cách điềrn tĩnh, lạnh lùng. Bà ta không hề ngập ngừng khi cần loại bỏ người nào làm vướng chân bà ta. Bà ta cho đấy là việc làm chính đáng. Theo quan niệm của Jane, bất cứ kẻ nào làm vướng chân bà ta đều phải chết. 

Câu vừa rồi Bryan Martin nói bằng giọng chua chát khiến tôi thầm nghĩ, rất có thể lúc này anh ta đang nhớ lại một kỷ niệm khủng khiếp nào đó? 

Poirot hỏi : 

– Ông cho rằng bà Jane Wilkinson có gan giết người? 

Bryan Martin thở một hơi rất dài : 

– Tôi e là như thế. Biết đâu chỉ trong một thời gian ngắn nữa ông sẽ nhớ lại câu tôi nói hôm nay, thưa ông Poirot. 

– Xin cảm ơn ông thành thực với tôi. 

– Bởi tôi quen Jane đã khá lâu. 

Bryan Martin đứng dậy, chuyển sang giọng khác, nói thêm : 

– Còn về câu chuyện khiến tôi đến tìm gặp ông hôm nay, vài hôm nữa ta sẽ nói tiếp, thưa ông Poirot. Vậy là ông đã nhận lời giúp tôi rồi chứ? 

– Đúng thế. Tôi sẽ giúp ông, bởi tôi thấy câu chuyện có vẻ… hấp dẫn. 

Tôi tiễn Bryan Martin xuống hết cầu thang. Khi ra đến cửa, anh ta hỏi : 

– Theo ông, nhận định của ông Poirot về độ tuổi của kẻ bám theo dõi tôi, có nghĩa là sao? Tại sao khi nghe tôi nói y trạc ba mươi tuổi, ông Poirot lại tán thành ngay? Thú thật là tôi không hiểu. 

– Tôi cũng không hiểu. 

– Ông Poirot định nói đùa chăng? 

– Không đâu! Ông chưa hiểu anh bạn tôi đấy! Mỗi khi Poirot hỏi kỹ một chi tiết nào đấy, có nghĩa chi tiết đó anh ấy cho là quan trọng. 

– Nếu vậy chỉ tốt thôi. Nhưng tôi vẫn thấy bí hiểm thế nào ấy. 

Bryan Martin ra cửa, còn tôi quay lên gác. 

Tôi bảo Poirot : 

– Tại sao anh cần hỏi kỹ về độ tuổi của kẻ theo dõi Bryan Martin? 

– Anh không hiểu tại sao ư, Hastings? 

Poirot cười rồi hỏi tôi : 

– Anh nhận xét gì về cuộc chuyện trò giữa tôi và Bryan Martin? 

– Tôi thấy câu chuyện quá sơ sài để có thể rút ra một kết luận nào đó. 

– Nhưng chỉ ngần ấy chi tiết, anh vẫn chưa thấy nẩy ra ý nghĩ nào ư? 

Đúng lúc đó chuông điện thoại reo, gỡ cho tôi nỗi xấu hổ là mình quá chậm hiểu. Tôi nhấc máy. 

– Tôi là thư ký của Huân tước Edgware. Ông chủ tôi rất tiếc là buộc phải hủy bỏ cuộc hẹn gặp sáng mai với ông Poirot. Huân tước được mời đi Paris gấp. Nhưng ông chủ tôi sẵn sàng gặp ông Poirot vài phút ngay trưa nay, vào mười hai giờ mười lăm, nếu ông Poirot thấy có thể chấp nhận. 

Tôi nói lại với Poirot. Anh đáp : 

– Được. Chúng ta đi ngay bây giờ. 

Cô thư ký của Huân tước Edgware đáp trong máy : 

– Tốt lắm. Ngài Huân tước xin đợi ông.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.