dao kề gáy

Poirot nói



Sáng hôm sau, tôi gọi điện cho thanh tra Japp. Ông ta trả lời tôi bằng giọng chán chường. 

– Ông đấy à, đại úy Hastings ? Có gì mới à? 

Tôi chuyển lời mời của Poirot. 

– Đến đấy vào mười một giờ? Tôi đến được. Ông ta vừa khám phá ra được điều gì xung quanh cái chết của anh chàng diễn viên Donald Ross à? 

– Tôi đoán anh bạn tôi dành cho ông một sự bất ngờ nào đấy. Vì tôi thấy vẻ mặt anh ấy rất mãn nguyện. 

– Còn tôi thì vẫn giậm chân tại chỗ. Hẹn lát nữa gặp nhau nhé, ông Hastings! 

Sau đó tôi phải gọi điện cho Bryan Martin và nhắc lại đúng những lời Poirot bảo: anh ta khám phá ra một số chi tiết lý thú mà chắc Bryan Martin muốn biết. Khi Martin hỏi cụ thể là gì thì tôi trả lời tôi không biết, Poirot chưa nói với tôi. 

Bryan Martin im lặng một lát rồi nói: 

– Đồng ý. Nhất định tôi sẽ đến. 

Rồi anh ta cúp máy. Lát sau, tôi ngạc nhiên thấy Poirot nhấc máy gọi cho cô chủ hiệu thời trang Jenny Driver, mời cô đến nhà vào mười một giờ. Biết anh sẽ chẳng trả lời, tôi không hỏi gì hết. 

Người đến đầu tiên là Bryan Martin. Có vẻ anh ta đang tràn trề sức khỏe và mặt mũi tươi tỉnh, tuy nhiên tôi vẫn có cảm giác anh ta hơi bối rối. Lát sau Jenny Driver đến. Nhìn thấy nhau, hai người đều lộ vẻ ngạc nhiên. 

Poirot nhìn đồng hồ : 

– Thanh tra Japp cũng sắp đến bây giờ. 

– Ông thanh tra cảnh sát? 

– Đúng thế, tôi mời ông ấy đến chơi…đấy là một người bạn lâu năm của tôi. 

Bryan lại im lặng. Jenny nhìn trộm an h ta nhưng không nói gì. Cô có vẻ đang mải suy nghĩ điều gì. 

Lát sau thanh tra Japp bước vào. Ông ta ngạc nhiên thấy Bryan và Jenny đã ở đây, tuy nhiên ông ta không tỏ ý gì, chỉ chào Poirot bằng thái độ thân tình mọi khi. 

– Ông Poirot, thế này là thế nào? Tại sao có cuộc gặp gỡ này? Ông bảo sẽ thông báo cho tôi biết một số tin quan trọng kia mà? 

Poirot cười: 

– Chỉ là kể các vị nghe một câu chuyện nhỏ rất đơn giản … đơn giản đến mức tôi xấu hổ là đã không nhìn thấy rõ ngay từ đầu. Vậy xin các vị cho phép tôi bắt đầu. 

Thanh tra Japp nhìn đồng hồ: 

– Nếu câu chuyện không dài quá một tiếng đồng hồ … 

– Ông bạn yên tâm. Không đến ngần ấy đâu. Ông muốn biết hung thủ đã giết Huân tước Edgware, nữ diễn viên Carlotta Adams và diễn viên Donald Ross chứ gì? 

– Tất nhiên, – thanh tra Japp dè dặt đáp. 

– Nếu vậy hãy chịu khó lắng nghe tôi nói một chút và ông sẽ biết hết. Xin dần dần đưa các vị vào quỹ đạo … để các vị thấy sự mù quáng và ngu dốt của tôi. Phải đến lúc trò chuyện với anh bạn Hastings và một nhận xét nhỏ ngẫu nhiên ngoài phố tôi mới tỉnh ra và đi theo đúng hướng. 

Poirot ngừng lại một chút rồi nói tiếp: 

– Tôi xin bắt đầu từ bữa ăn tối ở khách sạn Savoy. Tối hôm ấy, Huân tước phu nhân Edgware đến gần bàn hai chúng tôi, đề nghị tôi cho gặp. Phu nhân muốn thoát khỏi ông chồng và tuyên bố, tôi có cảm giác bà ấy không cần suy nghĩ, là khéo bà ta phải đích thân giết ông Huân tước. Ông Bryan Martin có nghe thấy … Đúng vậy không, ông Bryan? 

Ngôi sao điện ảnh đáp: 

– Những người có mặt lúc đó đều nghe thấy cả. 

– Đúng thế. Tôi không quên câu ấy của Huân tước phu nhân Edgware. Sáng hôm sau ông Bryan Martin lại đến đây để nhắc lại cho tôi nghe câu kia. 

Bryan kêu lên: 

– Xin lỗi! Hôm ấy tôi đến để … 

Poirot giơ tay: 

– Ông đến đây kể cho tôi nghe một câu chuyện không đầu không đuôi, nhằm gợi ý cho tôi một vấn đề cần theo dõi. Nhưng đứa trẻ con cũng không bị lừa vì câu chuyện như thế. Một người phụ nữ mà ông cần hỏi ý kiến trước khi làm việc gì, một gã đàn ông có chiếc răng bịt vàng. Ông bạn thân mến, ông quên rằng ngày nay người ta không còn bịt răng vàng nữa, nhất lại là bên Mỹ! Môn phẫu thuật răng hàm mặt đã tiến những bước rất xa. Ôi, câu chuyện bịa của ông quá lộ liễu. Khi ông kể xong những chuyện quá vô lý ấy, ông mới lộ ra mục đích thật sự khiến ông đến gặp tôi … gợi tôi nghi bà Jane Wilkinson. Nói cho dễ hiểu, ông muốn tạo miếng đất để người đàn bà giết chồng. 

Bryan Martin tái mặt, lẩm bẩm: 

– Ông nói lăng nhăng gì tôi không hiểu. 

– Ông làm cho tôi tưởng rằng Huân tước Edgware không đời nào chịu ly hôn! Ông nghĩ sáng hôm sau tôi sẽ đến gặp Huân tước, nhưng cuộc gặp bị thay đổi. Tôi đã gặp Huân tước ngay hôm ấy và được biết ngài chấp thuận ly hôn. Bà Jane Wilkinson không còn lý do nào để thủ tiêu ông chồng. Thậm chí Huân tước Edgware còn viết thư cho vợ thông báo đồng ý ly hôn, nhưng bà ấy lại khẳng định không nhận được bức thư ấy. Xuất hiện ba khả năng: bà ấy nói dối, ông chồng nói dối hay bức thư bị kẻ nào lấy đi … Kẻ đó là ai? Lúc đó tôi tự hỏi: Bryan Martin cất công đến tôi để kể câu chuyện hoang đường kia nhằm mục đích gì? Tôi kết luận ông ta mê bà Jane Wilkinson quá. Huân tước Edgware cho tôi biết vợ ngài định lấy một diễn viên. Cứ cho là như thế. Nhưng người đàn bà đa tình kia đã thay đổi ý kiến và khi nhận được bức thư đồng ý ly hôn của chồng, người bà ấy muốn kết hôn không còn là ông, mà là một người đàn ông khác. Và ông có động cơ để thủ tiêu bức thư kia. 

– Tôi? Không thể có chuyện ấy … 

– Khoan đã … Lát nữa ông muốn nói gì cứ nói, nhưng hiện giờ xin chịu khó nghe tôi kể đã. 

“Tâm trạng của ông ra sao, ông, thần tượng của nữ giới, cho đến nay họ vẫn coi Bryan Martin là người đàn ông có sức quyến rũ không phụ nữ nào cưỡng nổi? Ông rất uất giận và tính kế trả thù bà Jane Wilkinson. Còn gì sung sướng bằng nhìn thấy bà ta bị kết án … thậm chí bị tòa án kết tội? 

Thanh tra Japp kêu lên: 

– Khốn nạn ! 

Poirot quay sang ông ta : 

– Đúng vậy, tôi cũng thầm nghĩ thế. Và đã xuất hiện bao nhiêu sự kiện khác chứng minh điều đó : cô Carlotta Adams là bạn của cả hai người, đại úy Ronald Marsh và Bryan Martin. Rất có thể Bryan, ngôi sao điện ảnh kiếm tiền như nước, đã đề nghị cô Carlotta Adams lại nghĩ Bryan Martin có được số tiền khổng lồ ấy, cô ấy biết Bryan là người tiêu tiền như phá, lúc nào cũng túng. Ông ta … 

Chàng ngôi sao điện ảnh kêu lên giọng khàn đặc : 

– Xin thề không phải tôi ! 

Poirot kể tiếp : 

– Khi đọc bức thư của Carlotta Adams gửi em gái được đánh bằng điện tín từ Washington về Sở Cảnh sát London, tôi không còn biết nghĩ sao nữa. Về sau, mãi khi nhận được bản gốc, tôi mới phát hiện ra là một trang bị xé mất và trang sau nói về người khác chứ không phải về đại úy Ronald Marsh. 

“Khi ông này bị bắt, ông ta khai rõ rằng ông ta đã nhìn thấy một người mà ông ta tin là Bryan Martin vào nhà chú ông ta. Lời khai ấy của một người đã bị bắt giam không ai quan tâm. Thêm nữa, ông Bryan Martin có chứng cứ ngoại phạm. Mà điều ấy có thể hiểu được. Nếu ông ấy là hung thủ giết Huân tước Edgware thì tất phải tạo chứng cứ ngoại phạm … Chứng cứ ngoại phạm này chỉ được một người xác nhận, đó là bà hiệu thời trang Jenny Driver. 

– Thế rồi sao? – cô Jenny Driver hỏi. 

Poirot cười đáp: 

– Không sao hết, thưa bà. Tuy nhiên tôi xin phép được nhắc bà rằng ngày hôm đó tôi đã nhìn thấy bà ngồi ăn sáng với ông Bryan Martin. Bà đến bàn tôi để thuyết phục tôi rằng cô Carlotta Adams thầm yêu ông Ronald Marsh chứ không phải yêu Bryan Martin. 

Bryan phản đối quyết liệt: 

– Hoàn toàn không phải thế! 

Poirot nhẹ nhàng nói: 

– Có thể ông không ngờ điều đó, nhưng tôi tin đó là sự thật. Hơn bất cứ một lý do nào khác, nó cắt nghĩa mối ác cảm của cô Jenny Driver đối với bà Janne Wilkinson. Cô ấy căm ghét bà ta vì ông. Ông có thổ lộ với cô ấy nỗi tuyệt vọng của ông chứ gì? 

– Có. Tôi thấy cần thổ lộ tâm trạng của tôi với một người nào đó, mà cô ấy … 

– Cô ấy có khả năng làm người khác yêu mến và tin cậy. Tôi biết. Sau đó thì thế nào? Ông Ronald Marsh bị bắt. Thế là ông yên tâm. Kế hoạch của ông đã thất bại vì bà Jane Wilkinson thay đổi ý kiến và chịu đến dự bữa tiệc ở nhà Huân tước Montagu. May thay một nghi can khác đã giải thoát cho ông khỏi nỗi lo lắng: trong một bữa ăn trưa, ông nghe thấy Donald Ross, một chàng trai đáng mến nhưng rồ dại, đi thổ lộ với anh bạn tôi, Hastings, một điều gì đó khiến ông lo lắng. 

– Không đúng! – Ngôi sao điện ảnh Bryan Martin hốt hoảng kêu lên. – Tôi thề tôi không nghe thấy gì hết! 

Đến đây thì xảy ra một sự kiện bất ngờ làm tất cả những người có mặt sửng sốt. Poirot bình thản nói: 

– Ông nói đúng. Và tôi hy vọng ông đã chịu sự trừng phạt về tội đã đến tôi và kể cho tôi nghe điều bịa đặt trắng trợn kia. 

Tất cả chúng tôi đều ngơ ngác. Poirot vẫn nhẹ nhàng kể tiếp: 

– Vậy là tôi đã thuật lại cho các vị nghe những sai lầm của tôi. Tôi tự đặt ra năm câu hỏi, năm câu hỏi này bạn tôi, đại úy Hastings đã biết. Tôi giải đáp được ba. Ai đã thủ tiêu bức thư của Huân tước Edgware? Bryan Martin. Tại sao Huân tước Edgware đột nhiên thay đổi ý kiến và đồng ý ly hôn? Hoặc Ngài muốn kết hôn với một phụ nữ nào khác – nhưng điều này tôi chưa tìm thấy bằng chứng nào. Hoặc ngài sợ bị kẻ nào đó tung tin xấu về ngài. Huân tước Edgware là người thâm độc và không thăng bằng. Theo tôi, tình hình đã diễn ra thế này: Huân tước đồng ý ly hôn để tránh những lời thị phi bôi xấu ngài. 

– “Còn lại hai câu hỏi. Cái kính trắng trong xắc của cô Carlotta Adams là của ai? Và tại sao người gọi điện đến bữa tiệc cho bà Jane Wilkinson ở nhà Huân tước Montagu lại cúp máy ngay, không nói gì thêm nữa? Trong cả hai trường hợp ấy tôi không thể ghép tên Bruyan Martin vào được. 

– “Tôi đành phải kết luận rằng tôi kết tội ông Martin là sai, hoặc những câu hỏi của tôi không dựa trên thứ gì hết. Trong tâm trạng tuyệt vọng, tôi đọc kỹ lại bức thư của cô Carlotta Adams gửi cho em gái. Và tôi phát hiện ra một điều mới! 

– “Các vị cũng thấy được thôi. Một tờ ở giữa bị xé. Đoạn viết ở đầu trang sau nói với chị …” Do tờ giữa bị xé, nên căn cứ vào đoạn cuối của tờ trước. Người ta dễ hiểu rằng người đề nghị cô Carlotta Adams “thực hiện cuộc đánh lừa” là nam giới, nhưng căn cứ vào đọan sau thì đó có thể là phụ nữ. Tôi tạm giả định câu ấy là “Bà ta nói với chị …”. 

“Tôi bèn lên kể những phụ nữ có quan hệ gần hoặc xa với Carlotta Adams. Ngoài bà Jane Wilkinson, tôi ngờ thêm bốn người: tiểu thư Geraldine Marsh, cô thư ký Carroll, cô chủ hiệu thời trang Jenny Driver, và bà quận chúa Merton. 

“Trong số bốn người ấy, tôi thấy cô thư ký Carroll khả nghi hơn cả. Cô ấy đeo kính trắng và có mặt tại nhà Huân tước đêm hôm xảy ra vụ án mạng, cô ấy lại quyết rằng thủ phạm là bà Jane Wilkinson. Thêm vào đó Carroll là một phụ nữ mạnh mẽ, có khả năng giết người. Nhưng động cơ là gì? Cô ấy làm cho Huân tước Edgware nhiều năm và biết đâu đã xảy ra chuyện gì khiến cô ấy căm giận ngài mà tôi chưa biết … 

“Tên tiểu thư Geraldine Marsh tôi cũng không thể dễ dàng gạt đi. Tiểu thư căm ghét cha và thú nhận với tôi điều đó. Có thể lúc về nhà để lấy chuỗi ngọc trai, Geraldine rẽ vào phòng đọc sách giết cha rồi mới lên phòng mình lấy số nữ trang để đưa ông anh họ. Các vị thử tưởng tượng nỗi đau buồn của Geraldine khi thấy anh họ, người cô ấy hết lòng yêu mến, đã không chờ ngoài xe taxi mà theo chân cô ấy vào nhà. 

“Nỗi hoang mang của cô ấy có thể cắt nghĩa dễ dàng. Chiếc hộp nhỏ bằng vàng tìm thấy trong xắc của Carlotta Adams khảm chử “D” trên nắp. Tôi tình cờ nghe thấy ông Ronald Marsh gọi cô em họ Geraldine là “Dina”. Cần nói thêm rằng vào tháng Mười một năm ngoái, tiểu thư Geraldine đang học nội trú tại một tu viện ở Paris, rất có thể đã gặp Carlotta Adams ở đấy. 

“Các vị có thể lấy làm lạ là tôi xếp cả bà quận chúa Menton vào danh sách. Bà ta đã đến gặp tôi hỏi ý kiến và nhận thấy bà ta yêu con trai đến mức mê mẩn. Bà tập trung mọi tình cảm vào ông Công tước trẻ tuổi Menton, và biết đâu chính bà ta bố trí nhằm tiêu diệt người phụ nữ đã quyến rũ con trai độc nhất của bà. 

“Chúng ta cũng đừng bỏ sót bà Jenny Driver … 

Poirot ngừng nói, nhìn cô chủ hiệu thời trang. Cô cũng nhìn lại vẻ thách thức, rồi hỏi: 

– Tôi thì có gì để ông chê trách? 

– Bà không có gì khiến tôi chê trách, nếu như bà không phải là bạn ông Bryan Martin, và bà lại có chữ đầu tên là D. 

– Chỉ có vậy thôi? 

– Chưa hết. Bà còn là người giỏi giang và mạnh mẽ là hai phẩm chất cần thiết cho một kẻ dám giết người. 

Jenny Driver thản nhiên châm điếu thuốc lá hút và nói: 

– Ông nói tiếp đi. 

– Chứng cứ ngoại phạm của ông Bryan Martin là đúng hay sai? Đấy là điều tôi cứ nghĩ mãi. Nếu là đúng, thì người ông Ronald Marsh nhìn thấy đi vào nhà Huân tước là ai? Đột nhiên tôi nhớ rằng người quản gia đẹp trai của Huân tước Edgware rất giống ông Bryan Martin. Người ông Ronald Marsh nhìn thấy chính là người quản gia ấy. Thế là tôi nảy ra một giả thuyết. chính anh ta là người đầu tiên phát hiện ra vụ án mạng. Bên cạnh Huân tước Edgware có chiếc phong bì đựng một trăm bảng tiền mặt. Người quản gia đó đã lấy số tiền ấy đem đi gửi một người bạn rồi quay về, mở cửa bằng chìa khóa của ngài Huân tước. Hắn để cho chị hầu phòng phát hiện ra xác chết vào sáng hôm sau. Hắn không sợ vấp phải một rủi ro nào vì hắn biết hung thủ giết ông chủ hắn chính là vợ ngài, Huân tước phu nhân Edgware. Còn số tiền hắn lấy cắp được hắn đã giấu ở một nơi an toàn, không ai có thể biết. Tuy nhiên khi hắn thấy Huân tước phu nhân Edgware có chứng cứ ngoại phạm rồi hắn bị Sở cảnh sát London thẩm vấn về những tiền án của hắn, hắn hoảng sợ, vội bỏ trốn. 

Thanh tra Japp gật đầu tán thành. 

– Còn câu hỏi cuối cùng, về chiếc kính cận. Nếu đó là kính của cô thư ký Carroll thì mọi thứ đơn giản vô cùng. Có nghĩa cô ta đã lén lấy bức thư trong xắc Carlotta Admas, xé cái tờ nguy hiểm kia đi, rồi trả bức thư về chỗ cũ, trong lúc cô ta bàn các chi tiết với Carlotta Adams, hoặc lúc hai người gặp nhau ngay tối hôm đó, sau vụ án mạng. 

“Nhưng cái kính cận ấy lại không phải của cô thư ký Carroll! Một buổi tối trên đường về nhà cùng với anh bạn Hastings, trong lúc tâm trạng đang lúng túng, tôi cố xếp đặt lại các chi tiết đang lộn xộn trong đầu, chợt tôi nảy ra một ý tuyệt vời. 

“Đấy là khi anh bạn tôi, đại úy Hastings, nhắc đến lời nhận xét của Donald Ross. Lời nhận xét đó như sau: “Họ có mười ba người cùng ngồi xung quanh bàn ăn ở nhà Huân tước Montagu, và anh là người đứng lên đầu tiên.” Lúc đầu tôi không chú ý đến câu ấy, nhưng lần này nghe anh bạn tôi nhắc lại, tôi chợt nẩy ra ý nghĩ, anh chàng diễn viên kia không nói thật. Có thể sau bữa ăn, người đứng dậy đầu tiên phải là bà Jane Wilkinson, bởi bà ta ra chỗ máy điện thoại. Khi nghĩ đến bà này, tôi chợt thấy sự việc rất giống trò giải câu đố của trẻ con mà tôi thường chơi hồi nhỏ. Rồi trong lúc tôi đang nghĩ xem có thể hỏi ai để biết được chi tiết về tình cảm của ông Bryan Martin đối với bà Jane Wilkinson, thì câu nói của một khán giả xem chiếu bóng từ rạp đi ra lọt vào tai tôi đã khiến tôi hiểu ra. 

“Người khán giả nói với bà bạn cùng đi, rằng một trong số nhân vật trong bộ phim họ vừa xem “lẽ ra phải hỏi Ellis”. Thế là đầu óc tôi lóe sáng. 

Poirot nhìn mọi người xung quanh một lượt, rồi nói: 

– Đúng, đúng, cái kính cận, cuộc gọi điện thoại, người phụ nữ đến cửa hiệu kim hoàn nhận chiếc hộp nhỏ bằng vàng chính là Ellis, chị giúp việc của bà Jane Wilkinson! Thế là tôi duyệt lại một lượt, thẩm tra từng thứ và tiến hành điều tra lại từng bước: những ngọn nến, bóng tối, phu nhân Van Dusen … tất!! Và cuối cùng mọi thứ sáng như ban ngày. Tôi đã biết tất cả


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.