Tôi được sinh ra với một bên mắt bị lờ đờ. Sự thật thì không hẳn là nó lờ đờ, nó vẫn chuyển động qua lại trong hốc mắt, có điều mỗi khi tôi nhìn về một hướng nào đó thì tròng mắt sẽ dừng lại ở một vị trí khác không như tôi mong muốn. Tôi luôn nhìn thấy hai hình ảnh tách rời nhau của cùng một vật.
Ngay từ lúc mới biết bò, tôi đã luôn va đầu vào tường, vào cạnh bàn, chân ghế. Khi lẫm chẫm tập đi, tôi cứ loạng choạng như người say, thậm chí tôi còn va đầu vào tường và cửa nhiều hơn trước.
Lên năm tuổi, tôi bắt đầu học đàn dương cầm. Việc chăm chú nhìn và nhận ra từng nốt nhạc đối với tôi là một thử thách vô cùng khó khăn. Nhưng tôi vẫn cố gắng kiên trì, mỗi lần như vậy tôi đều nhắm một bên mắt lại. Bằng cách này, tôi có thể tha hồ chơi những bản nhạc kinh điển như “Chopsticks”, “Polka Dot Polka” hoặc như bản “Sewing Machine Song”. Trong thời gian tập, tôi đã cố tình lờ đi những cơn đau đầu cứ âm ỉ mãi không thôi.
Một ngày nọ, khi đi ngang gian hàng nhạc cụ địa phương, tôi tình cờ phát hiện một cây ghita bass được treo trên tường, sáng bóng, đẹp đẽ như thể đang chờ đợi tôi. Tôi ngồi xuống và thử gảy vài điệu, bất chợt cả cơ thể tôi cũng rung lên theo ma lực của tiếng đàn. Âm thanh ấy vang lên cứ như tiếng vọng từ trong sâu thẳm tâm hồn. Mười ba tuổi, tôi đã say mê âm nhạc. Tôi lao vào học ghi-ta hệt như một nhà khoa học miệt mài tìm kiếm lời giải đáp cho những điều còn chưa biết của cuộc sống. Những cơn đau đầu khủng khiếp vẫn tiếp tục hành hạ tôi, nhưng tôi quyết không từ nan bởi tôi đã quá say mê những nhạc cụ ấy. Tôi cảm thấy hình như mình được sinh ra là để chơi ghi-ta bass mặc dù lúc ấy tôi vẫn không hiểu tại sao lại như vậy.
Năm đầu tiên học trung học, tôi đã tiếp xúc với một người – anh này là thành viên trong ban nhạc chuyên trình diễn các giai điệu Polka và cũng biết rất rõ về nhóm trưởng của ban nhạc. Anh rất chiếu cố đến tôi, và những buổi gặp mặt ấy trở thành một phần chính thức trên con đường đến với âm nhạc của tôi.
Nhưng mọi thứ gần như thay đổi hoàn toàn vào một chiều Chủ nhật mùa Thu năm 1973. Hôm ấy, một người bạn hàng xóm đã rủ tôi cùng tham gia chơi đá bóng để cân bằng lực lượng hai đội. Tôi hầu như chẳng làm gì suốt trận đấu, cho đến khi một đồng đội của tôi cắt ngang pha đi bóng của tiền vệ đội bạn. Tôi cũng như tất cả mọi người vô cùng kinh ngạc khi thấy quả bóng bay thẳng vào hai tay đang dang rộng của tôi. Lần đầu tiên tôi được xử lý bóng trong một trận đấu, thế là tôi vui sướng đưa tay đỡ lấy. Trong khi tôi toét miệng cười phấn khởi thì tất cả mọi người lại há hốc mồm nhìn tôi.
Thủ quân đội bạn đang điên tiết nhìn tôi. Đội bóng của anh ấy đang bị dẫn điểm, vì vậy có vẻ như anh ấy không thể nào chịu đựng được khi một thằng ngốc như tôi ngang nhiên cản trở đồng đội của anh ấy ghi bàn quân bình tỉ số – bằng một cách không giống ai. Tôi liếc nhìn về phía sau và thấy anh ấy đang thình thịch lao nhanh về phía tôi để túm lấy tôi. Tôi chỉ còn biết chạy trối sống trối chết. Nếu để anh ấy tóm được, cuộc đời tôi coi như sẽ chấm dứt với cái mặt đầy máu.
Để thoát thân, tôi chỉ còn biết cắm đầu chạy như điên, mãi đến khi tôi trượt chân trên một vũng bùn trơn trượt, nhầy nhụa và ngã sấp xuống đất. Trong khi tôi ngã lăn kềnh thì anh ấy đã kịp dùng tấm thân to lớn của mình chộp lấy tôi. Thấy có vẻ như tôi đã gục hẳn trên nền đất, anh ấy liền chồm qua người tôi, không ngờ gót giày trái của anh đã cào một đường dài nơi khóe mắt trái của tôi. Tôi cảm nhận rõ sự đau đớn tột cùng, rồi mọi thứ bỗng tối sầm lại.
Khi tỉnh dậy, tôi nhận thấy có điều gì đó bất ổn đang xảy ra với mình. Tôi không còn thấy hình ảnh kiểu “bóng ma” hay thấy hai hình ảnh tách rời nhau của cùng một vật như trước nữa mà thị lực của tôi đã bị thương tổn, thế giới xung quanh tôi bỗng chốc toàn những hình ảnh mờ nhạt, tối tăm. Mỗi vật thể tôi nhìn lúc này đều có đúng một hình ảnh chứ không phải hai như trước giờ tôi vẫn thấy. Tôi cẩn trọng nhắm mắt phải của mình lại để xem thị lực của mắt trái như thế nào – tất cả chỉ là một màu đen u ám. Tôi thật sự hoảng loạn và hét lên thảng thốt.
Ngay sau đó, tôi được đưa đến phòng cấp cứu. Tại đây, sau khi xem xét con mắt đang sưng húp của tôi, bác sĩ khẳng định nó vẫn bình thường. Nhãn cầu hoàn toàn không có vấn đề gì, chỉ có hốc mắt là bị thương tổn nghiêm trọng. Bác sĩ nhỏ một ít thuốc khử trùng vào mắt tôi và dùng một miếng băng cột chặt nửa phần đầu bên trái của tôi lại. Sau đó ông cho tôi về nhà, không quên cảnh báo cha mẹ tôi về những hiểm nguy của môn bóng đá (đặc biệt là đối với một người có thị lực rất tệ như tôi).
Tôi đã cố nằm nghỉ ở nhà với một dải băng buộc ngang đầu. Nhưng một người bạn đã rủ tôi tham dự buổi biểu diễn âm nhạc vào tối hôm đó. Anh ấy bảo rằng chắc chắn tôi sẽ được mọi người thông cảm.
Lúc đầu, tôi thực sự nghĩ rằng mình sẽ thoải mái hơn khi bị băng một bên mắt vì tôi sẽ không cần phải luân phiên nhắm một bên mắt để nhìn mấy nốt nhạc nữa. Thế mà sau đó tôi nhận ra rằng mình thậm chí không thể thấy cây đàn ghi-ta bass đâu cả. Mắt trái không nhìn được, tôi phải quay đầu để mắt phải thấy được tay trái. Nhưng trong tư thế đó thì tôi sẽ không nhìn thấy được khuông nhạc. Điều đó khiến tôi thực sự hoảng loạn.
Một thành viên chơi bass trong ban nhạc rất quan tâm đến tôi. Quan sát tôi từ quầy thức ăn trong phòng tập, ông nhận ra ngay có điều gì đó bất ổn. Đặt dĩa thức ăn lên bàn, ông tiến về phía sân khấu. Tôi nói: “Cháu không thể nhìn thấy được những gì cháu đang làm. Không có mắt trái, cháu không thể vừa nhìn nốt nhạc vừa nhìn đàn cùng một lúc được. Cháu phải làm gì bây giờ?”.
“Cháu cứ chơi đi.” – Ông ấy trả lời.
“Ông không hiểu được đâu!” – Tôi cự lại. “Cháu không thấy gì cả.”
Ông leo hẳn lên sân khấu và ngồi cạnh tôi. “Này Lane, cháu chẳng cần phải nhìn gì cả!” – Ông khẳng định. “Cháu quá quen với những giai điệu này mà. Cháu đã tập cả chục lần rồi.” Chỉ ngón tay nhăn nheo của mình lên ngực tôi, ông nói tiếp: “Âm nhạc tồn tại bên trong con người cháu. Nó luôn ở đấy. Cháu biết điều đó, và ta cũng biết điều đó. Đêm nay, hãy để mọi người cùng biết điều đó”.
Tôi ngồi im một lúc. Đột nhiên có một điều gì đó – tôi không chắc đó là điều gì, có lẽ là cảm giác hỗn độn giữa nỗi sợ hãi và sự nhận thức được điều đúng đắn – vỡ ra trong tôi. Hẳn ông cũng cảm nhận được những đổi thay trong tôi, nên ông cười hiền từ: “Lane à, Thượng đế đã trao tặng cháu một món quà. Ngài đã ban cho cháu khả năng chơi nhạc, và những giai điệu tuyệt vời ấy sẽ mang lại niềm vui cho người nghe. Đừng lo lắng nữa. Hãy đón nhận món quà ấy và chia sẻ với tất cả mọi người”. Ông vừa nói vừa chỉ tay về phía khán giả.
“Nhưng cháu không thấy gì cả…” – Tôi lắp bắp trả lời, giọng gần như sắp khóc.
“Nhắm mắt lại đi Lane. Hãy tin vào linh cảm của chính cháu. Thế cháu nghĩ Thượng đế đã lấy lại món quà tuyệt diệu đó sau khi Ngài đã quyết định tặng nó cho cháu sao? Ông nói thật đấy, âm nhạc luôn tồn tại nơi đây này.”
Để tôi ở lại nghiền ngẫm với những điều đó, ông quay trở về bàn tiếp tục bữa ăn. Khi những thành viên khác của ban nhạc đã chuẩn bị xong, tôi ngước lên và khẽ cầu nguyện. Ngay trong khoảnh khắc đó, dường như có một cảm giác ấm áp đầy yêu thương đang vỗ về tôi, dường như có một tia sáng đang chiếu vào tôi và Thượng đế cũng đang nhìn tôi mỉm cười thì phải. Hít thở thật sâu, tôi đưa mắt nhìn lại căn phòng trong lúc nhóm trưởng điểm danh.
Sau một thoáng do dự, tôi bỗng cảm thấy mình mạnh mẽ hơn. Ngay khi chúng tôi vừa chơi tới đoạn điệp khúc thứ hai, tôi đã có thể chú tâm vào những gì mình đang làm. Chúng tôi biểu diễn bản nhạc thứ hai hay hơn bản đầu tiên, và bản thứ ba còn xuất thần hơn nữa. Lúc đó, mắt tôi nhắm nghiền, nhưng tôi vẫn có thể thấy và cảm nhận được tất cả. Đúng như những gì người nhạc sĩ lớn tuổi kia đã nói, âm nhạc thật sự tồn tại bên trong con tim tôi.
Buổi tối hôm ấy, tôi đã học được cách chơi nhạc bằng chính niềm tin của mình. Tất cả những gì tôi phải làm là mở rộng con tim và để cho sức mạnh nội tại dìu dắt tôi những bước tiếp theo. Phải mất nhiều năm ròng luyện tập, tôi mới có thể thuần thục dần kỹ năng ấy. Tôi tiếp tục luyện tập, đồng thời luôn cố tạo nên mối liên hệ mật thiết giữa bản thân mình với yếu tố tinh thần và âm nhạc.
Bằng cách này, tôi dần thành công trên con đường mình đã chọn. Nhiều người còn bảo rằng mỗi khi tôi biểu diễn, họ thấy dường như tôi hoàn toàn tan biến vào thế giới âm nhạc diệu kỳ. Với tôi, còn gì tuyệt vời bằng những lời ngợi khen như thế. Nhưng họ chỉ đúng một nửa thôi: tôi thực sự lạc vào thế giới âm nhạc, nhưng nào tôi có tan biến đi? Tôi chưa bao giờ có cảm giác mình bị tan ra cả. Không một từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm giác của tôi mỗi khi tôi được ôm ấp trong vòng tay của chính tâm hồn mình, được bao bọc bởi một chiếc chăn ấm chính là những bài hát và hoàn toàn được thoát ly khỏi thế giới vật chất xung quanh.
Sau một buổi biểu diễn “Nối kết tâm hồn” cách đây không lâu, một người bạn đã nói với tôi: “Chào mừng đã quay trở lại, Lane. Vài phút trước thôi, chúng tôi cứ ngỡ đã mất anh mãi mãi rồi chứ. Tôi chưa từng thấy ai bị âm nhạc nuốt chửng như thế cả”.
Tôi mỉm cười: “Tôi nghĩ tôi được sinh ra với âm nhạc luôn tồn tại nơi tâm hồn mình, đó chính là món quà tinh thần kỳ diệu”.
– Lane Baldwin