Vượt Qua Thử Thách Đầu Đời

TÔI LÀ LONI



Tại sao tôi lại phải cố gắng? Nếu có một điều gì đó mà lẽ ra tôi cần phải học thì tôi nghĩ, dù có cố hay không, tôi cũng “đếch” có làm được. Mẹ tôi nói: “Loni à, con gái không nên nói những từ như thế!”. Đó chỉ là cách để thể hiện quan điểm của tôi thôi mà!
Tôi biết, tôi cũng có nhiều điều đáng kể lắm chứ. Cha rất hãnh diện vì thành tích học tập của tôi, còn mẹ luôn tự hào về tôi và về tất cả những hoạt động mà tôi tham gia. Còn bà ngoại thì cứ nói mãi về gương mặt xinh đẹp của tôi. Nhưng tôi vẫn thầm nghĩ: “Phải rồi, những thứ còn lại thì quá tệ!”.
Tôi không đến nỗi to béo như người đã được ghi tên vào sách Kỷ lục thế giới, nhưng nó cũng đủ làm tôi cảm thấy chán ngán mỗi khi đi mua sắm với bọn bạn. Khi đi qua từng dãy quần áo, bọn bạn tôi thường reo lên: “Ôi, đẹp quaaá!” Chúng biết chúng có thể mặc vừa bất kỳ bộ nào, còn tôi thì không thể chọn được gì nếu vẫn chưa tìm được bộ có kích cỡ lớn nhất.
Tôi cứ vờ rằng quần áo chẳng quan trọng đối với mình. Điều đó giải thích tại sao mọi người vẫn hay nhìn chằm chằm vào những bộ quần áo tôi mặc. Với tôi, một bộ cánh hoàn chỉnh không thể thiếu một chiếc áo khoác len dài tay, một chiếc áo sơ mi bằng vải flanen hay một chiếc áo lạnh quấn quanh eo để che… đủ thứ.
Vì vậy khi đi mua sắm với đám bạn thì tôi trở thành người lẽo đẽo theo sau. Giống như một người tài xế chỉ có nhiệm vụ đưa chủ đến buổi tiệc chứ hoàn toàn không tham gia vào buổi tiệc ấy, tôi chỉ đứng bên ngoài phòng thử chỉ để “Ồ” hoặc “À” trong khi bọn bạn say sưa ngắm nghía trước gương. Chỉ sau khi nhìn ngắm thật cẩn thận, tôi mới cam đoan với bọn bạn rằng đùi, chân, eo, mông của chúng chắc sẽ không to lắm khi mặc bộ cánh đó; nếu không nói vậy thì chắc bọn chúng chỉ miễn cưỡng mua mà thôi.
Chúng còn khiến tôi ngượng chín mặt khi đưa cho tôi một cái áo nhỏ xíu rồi hỏi giọng như nài nỉ: “Cậu thấy cái nào nhỏ hơn cái này nữa không?”. Xem nào! Tôi nên tìm nó ở đâu nhỉ? Ở quầy hàng dành cho trẻ em chắc?
Thế nhưng tôi thật sự rất hậu đậu. Tự thấy mình là người có năng khiếu chơi thể thao, nên tôi đã thử đăng ký vào đội bóng chuyền cùng với bọn bạn. Đây mới là điều tệ hại: tôi trúng tuyển!
Có vẻ như tôi có cú giao bóng cực kỳ hiểm hóc. Chúng tôi liên tục giành chiến thắng. Đây là kỳ chiến thắng đầu tiên trong lịch sử thể thao nữ của trường tôi. Cơn sốt bóng chuyền lan rộng, khán giả hò reo vang dội. Chỉ là may mắn của tôi mà thôi. Cả đội nhảy múa xung quanh đài chiến thắng và tên của tôi vang lên trên hệ thống phát thanh.
Trong thị trấn nhỏ này, được tham gia Vòng chung kết toàn bang là một tin tức đáng chú ý. Mọi người chụp hình đội tuyển chúng tôi đang ngồi trên khán đài theo hình chữ V – biểu tượng của chiến thắng. Tôi ngồi đúng ngay đáy của chữ “V”, phía trước, chính giữa, với tất cả niềm tự hào.
Các báo thay nhau giật tít: “Loni dẫn dắt đội tuyển đến giải toàn bang!”. Cũng không tệ lắm! Thậm chí tôi cũng không thèm giả vờ phản đối việc mẹ mua vài tờ báo rồi phát cho họ hàng thân thiết. Tôi rất vui khi bức ảnh được đóng khung và treo trong đường hầm dẫn từ phòng thay đồ đến sàn thi đấu. Chẳng bao lâu sau đó, cả đội chúng tôi đều làm động tác hôn lên bức ảnh mỗi khi đi ngang qua nó.
Hôm đó là đêm chung kết, và chúng tôi có được lợi thế sân nhà. Sau hai vòng đấu, tỉ số hai đội vẫn đang đều nhau. Tôi đã đưa đội bóng của mình đến gần hơn với chiến thắng. Những lời reo hò cổ vũ vang dội xuống cả đường hầm như thể chào đón chúng tôi. Chúng tôi đưa mắt nhìn những tấm băng rôn được treo dọc theo mấy bức tường, cảm thấy mạnh mẽ hơn bởi những ngôn từ được ghi trên đó.
CỐ LÊN CÁC CÔ GÁI! CÁC BẠN SẼ LÀM ĐƯỢC! CHÚNG TA LÀ SỐ 1!
Chúng tôi đang định làm động tác hôn bức ảnh của đội mình thì bỗng nhiên tôi cảm thấy bị sốc dữ dội. Trên tấm kính bọc bên ngoài bức ảnh xuất hiện thêm hai chữ viết bằng mực đỏ. Hai chữ ấy đã thay đổi hoàn toàn tiêu đề bài báo.
“CON BÒ Loni dẫn dắt đội tuyển đến giải toàn bang!”
Trên đầu tôi còn được vẽ thêm một cặp sừng để bổ sung thêm cho lời sỉ nhục.
Tôi cảm thấy trống rỗng cho đến khi tôi không còn là chính mình nữa. Tôi không là gì cả. Các thành viên trong đội xúm lại phía sau tôi.
“Ai viết thế nhỉ?”
“Ai lại chơi ác thế kia?”
Những câu hỏi không có lời đáp. Các bạn trong đội nghĩ rằng họ cũng buồn như tôi, nhưng họ đã sai. Tôi hoàn toàn không buồn. Nhưng cảm thấy rất sốc.
“Vậy ra điều này là sự thật.” Tôi nghĩ. “Đây mới chính là tôi”.
Tất cả những lời động viên an ủi của mọi người xung quanh đều không thể làm lành những tổn thương trong lòng tôi vì không một ai nói lên ba chữ mà tôi cần nghe nhất: “Nó không đúng”.
Không còn thời gian để tôi định thần. Sự thật sao giống như một giấc mơ, và tôi không thể tự mình thức tỉnh được. Những tiếng hô vang “Loni, Loni” nghe thật giả dối. Tôi đã để những lời giễu cợt của một số ít người át đi những tiếng cổ vũ của phần đông khán giả!
Khi tung đồng xu, đội chúng tôi đã giành được quyền ưu tiên để tôi thực hiện pha phát bóng. Xung quanh tôi, cả đội đều đang hừng hực trong tư thế sẵn sàng. Tôi xoay xoay quả bóng trong lòng bàn tay và bước đến điểm phát bóng như một cái máy. Tất cả những gì mà tôi có thể thấy được lúc này là… CON BÒ… CON BÒ… CON BÒ!
Tôi tung cao quả bóng, nhưng trước khi tôi kịp phát bóng đi thì bỗng một tiếng hét “Ole” như đập vào tôi. Tôi hụt chân và đánh trật.
Tôi tự nhủ mình không được nhìn ra nơi khác, thế nhưng mắt tôi vẫn đảo quanh. Tôi không thể tìm ra người đó là ai. Đồng đội vỗ lưng động viên tôi: “Không sao đâu!”. Nhưng điều đó chẳng giúp ích được gì cả.
Tôi di chuyển luân phiên từng vị trí cho đến khi chơi ở vị trí gần lưới. Sự tập trung của tôi luôn bị chi phối giữa sân đấu và hàng ghế khán giả. Khi bóng lướt ngang trên đầu tôi, một tiếng la lớn vang lên từ hàng ghế phía trước.
“Hãy nắm lấy sừng của con bò ấy đi!” – Một kẻ nào đó la lên. Đồng đội ở phía sau tôi đã đỡ và tung bóng lên để tôi thực hiện một quả đập. Thế nhưng tôi đã không nhìn vào quả bóng, mà chỉ nhìn chằm chằm vào mặt năm kẻ đang xúc phạm tôi. Sự bẽ mặt của tôi càng như khích bọn chúng buông thêm những lời chế nhạo.
“Chữ B, có một chữ B. Chữ U, có một chữ U. Và thêm hai chữ L. Nó là cái gì nhỉ? LONI, LONI, LONI.”
Tại sao không một ai bảo chúng câm đi nhỉ?
Huấn luyện viên xin được hội ý. “Loni, em có thể tập trung thi đấu chứ?”
Tôi chỉ nhún vai.
“Tại sao em lại để một số ít người, thậm chí họ không hề biết em, quyết định em là ai?”
Tôi lại nhún vai.
Cô tiếp tục: “Loni, em là một người quan trọng đối với đội tuyển. Những từ ngữ châm chọc ấy không thể thay đổi được con người của em trừ khi chính em muốn chúng chi phối mình”.
“Đó chỉ là trên lý thuyết thôi. Còn đây là thế giới thực.” Tôi thầm nghĩ.
“Tôi vẫn để em thi đấu, nhưng nếu em vẫn không vượt qua được những điều này, tôi sẽ phải thay em.”
Tôi gật đầu.
Tôi đi ngang qua bọn con trai để đến vị trí thi đấu.
Cứ mỗi bước đi của tôi, chúng lại giậm chân thật mạnh làm rung cả sàn nhà. Tôi đã hiểu ra. Thật nực cười.
Lúc đi ngang qua đồng đội, mặc dù trước đó tôi đã chơi không tốt, nhưng họ vẫn động viên tôi: “Cậu có thể làm được mà”, “Cậu luôn là số một của đội tuyển!”.
Một điều gì đó vỡ ra trong tôi. Câu trích dẫn dán ở cửa tủ lạnh của bà ngoại tôi bỗng hiện ra rõ như in trong tôi: “Tạo hóa không sinh ra cái gì đáng bỏ đi cả”.
Tôi biết những gì tôi biết, và tôi hiểu bản thân mình – tôi không phải là đồ bỏ đi. Từ sâu thẳm trong tâm hồn, tôi cảm nhận được giá trị của bản thân mình. Tôi là ai? Lũ con trai non choẹt ấy thì biết gì về tôi chứ? Có rất nhiều người yêu thương và ủng hộ tôi, và lúc này là lúc tôi phải cố gắng hết mình vì họ và vì chính bản thân tôi nữa.
Nghĩ như vậy, và tôi chẳng còn thấy vướng bận gì về chúng nữa. Ôi, chúng vẫn tiếp tục giậm chân theo mỗi bước đi của tôi. Tôi chẳng thích thế, nhưng nó đã không còn ảnh hưởng gì đến tôi nữa. Bọn chúng chẳng có chút nghĩa lý gì đối với cuộc sống của tôi cả.
Trận đấu gần kết thúc, và chúng tôi đã chơi hết sức chật vật. Đến lượt tôi giao cú bóng quyết định. Đó là thời khắc của tôi, và tôi đã nắm lấy. Khi bóng tung lên, tôi đưa nắm tay đập mạnh. Cú phát bóng hoàn hảo đến nỗi đội bạn không thể nào đỡ được. Cả khán đài như nổ tung. Đội cổ vũ bắt đầu ca vang bài hát của trường. Cả đội vây lấy tôi.
Những tiếng la hét “Loni! Loni!” làm rung chuyển cả nhà thi đấu. Có một điều hơi khác là những tiếng reo hò cổ vũ đó không khiến tôi cảm thấy thích thú nhiều như trước. Những tiếng reo hò ấy quả là rất tuyệt, nhưng chính sự hân hoan, cảm giác thoải mái mà tôi cảm nhận được và những nhận thức về chính bản thân mình làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc hơn bất kỳ lời cổ vũ nào.
Hôm đó, tôi không chỉ giành được một chiến thắng, và với tôi, trận đấu không còn là điều quan trọng nhất.
– Loni Taylor

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.