Giọt Lệ Quỷ

PHẦN II: THẾ THÂN – CHƯƠNG 12



Bước đầu tiên trong việc thu hẹp phạm vi những điểm đáng ngờ của một tài liệu nghi vấn chính là xác định quốc tịch, tầng lớp và các đặc tính nhóm. Việc loại trừ thêm các điểm đáng ngờ được thực hiện khi những đặc tính cá biệt rõ rệt đã được xác định, rồi được sắp xếp có trình tự và đánh giá.
Edna w. Robertson.
Đại cương về Giám định tài liệu.
Vậy giờ hắn đang ở D.c.?”, người đàn ông hỏi.
Họ đang ở tầng một trong khu vực Tiếp tân B. Đó là dòng chữ được ghi bằng một phông chữ dễ chịu trên tấm biên ngoài cửa. Tuy nhiên, trong nội bộ phân cục, nó được gọi là phòng Thẩm vấn Xanh lơ, đặt theo tông trang trí bên trong.
Parker, Lukas và Cage ngồi đối diện với anh ta bên chiếc bàn trầy xước. Anh ta là một người to lớn với mái tóc xám bù xù. Từ cách nói vừa rồi, Parker biết người này không phải quê gốc ở đây. Người ở đây luôn gọi thành phố này là “Đặc khu”, mà chẳng bao giờ gọi là “D.C.”.
“Anh nói ai nhỉ?”, Lukas hỏi.
“Cô biết mà”, người đàn ông trả lời một cách tinh quái. “Tôi gọi hắn là đồ tể. Các vị gọi hắn là gì?”
“Ai cơ?”
“Tên sát nhân có đầu óc của con người nhưng mang trái tim của quỷ”, anh ta nói một cách kịch tính.
Gã này có thể là kẻ điên, nhưng Parker xác định rằng lời anh ta mô tả Digger khá chính xác.
Henry Czisman ăn vận sạch sẽ nhưng quần áo đã cũ mòn cả. Một chiếc sơ mi trắng căng ra ở chỗ bụng, cùng cà vạt kẻ sọc. Áo khoác của anh ta không phải loại thể thao mà là một phần của bộ vest cũng kẻ sọc màu xám. Parker ngửi thấy mùi khét của thuốc lá trên bộ quần áo đó. Chiếc cặp táp cũ kỹ nằm trên bàn. Anh ta đang khum tay trên cốc nước lạnh trước mặt.
“Anh đang nói rằng kẻ liên quan đến các vụ xả súng trong ga tàu điện ngầm và nhà hát được gọi là Đồ tể?”
“Kẻ thực sự ra tay ấy, phải. Tôi không biết tên đồng phạm của hắn.”
Lukas và Cage im lặng một lúc. Cô quan sát tỉ mỉ người đàn ông và đang tự hỏi làm sao Czisman biết Digger còn có đồng phạm. Tin tức về nghi phạm đã chết chưa hề được công bố với báo chí.
“Mối quan tâm của anh trong toàn bộ chuyện này là gì?”, Parker hỏi.
Czisman mở cặp táp và lấy ra vài tờ báo cũ. Tờ Hartford News-Times phát hành từ năm ngoái. Anh ta chỉ ra những bài mình đã viết. Anh ta là, hoặc đã từng là, một phóng viên hình sự.
“Tôi đang xin nghỉ phép dài hạn để viết một cuốn sách trinh thám có thật về gã Đồ tể này.” Anh ta nói thêm một cách u ám, “Tôi đang lần theo đường đi hủy diệt”.
‘Trinh thám có thật?”, Cage hỏi. “Người ta thích thể loại này lắm hả?”
“Ồ có chứ. Toàn sách bán chạy cả. Ann Rule. Cuốn sách về Ted Bundy.. Anh đọc bao giờ chưa?” (Ann Rule – Nữ tiểu thuyết gia chuyên viết truyện trinh thám có thật, tác giả của cuốn The Stranger Beside Me. Tác phẩm tập trung xoay quanh Ted Bundy, tên sát thủ hàng loạt khét tiếng trong lịch sử nước Mỹ, kẻ đã lợi dụng vẻ đẹp trai, quyến rũ của mình để dụ dỗ, hãm hiếp rồi giết hại hơn 40 phụ nữ trẻ)
“Có thể đã đọc”, Cage nói.
“Độc giả ngấu nghiến những câu chuyện trinh thám trong đời thực. Nó nói lên chút ít về xã hội, đúng không nào? Có lẽ ai đó nên viết một cuốn về chuyện này. Tại sao người ta lại thích thề loại ấy đến vậy.
Lukas thúc giục, “Gã Đồ tể mà anh đang nói tới…”.
Czisman nói tiếp. “Đó là biệt danh của hắn ở Boston. Hồi đầu năm nay. Chà, tôi nghĩ có một tờ báo đã gọi hắn là Quỷ
Giọt lệ quỷ, Parker nghĩ. Lukas đang liếc nhìn anh và anh tự hỏi có phải cô cũng chung ý nghĩ với mình. Anh hỏi, “Chuyện gì đã xảy ra ở Boston?”.
Czisman nhìn anh. Liếc tấm thẻ khách của anh. Trên đó không hề ghi tên. Parker đã được giới thiệu là trợ lý của Cage, tên Jefferson.
“Có một vụ xả súng ở một nhà hàng bán đồ ăn nhanh gần Faneuil Hall. Lucy’s Tacos.”
Parker chưa từng nghe về nó, hay đã quên mất, nếu sự việc ấy đã được lên bản tin. Nhưng Lukas gật đầu. “Bốn người chết, bảy người bị thương. Thủ phạm đã lái xe đến gần nhà hàng và khai hỏa một khẩu súng ngắn tự động qua cửa sổ. Không có động cơ.”
Parker nghĩ chắc cô ấy đã đọc nó từ bản tin Tóm lược các tội ác bạo lực.
Cô nói tiếp, “Nếu tôi nhớ không lầm thì ở đó cũng chẳng có mô tả nhân dạng của thủ phạm”.
“Ồ, cùng là một người đấy. Cô cá không? Và không, chẳng hề có mô tả nhân dạng. Chỉ có những đồn đoán. Có thể hắn da trắng. Nhưng không nhất thiết. Tuổi tác? Tầm ba, bốn mươi tuổi. Cao? Trung bình. Khổ người? Trung bình. Hắn có thể là bất kỳ ai. Không phải loại cơ bắp, cột tóc đuôi gà như vẫn thấy trên ti vi đâu. Loại đó thì dễ nhận diện lắm. Nhưng tên Đồ tể này… Hắn chỉ là một người đàn ông bình thường trên phố. Đáng sợ không?”
Lukas định hỏi một câu nhưng bị Czisman ngắt lời, “Cô bảo rằng trong vụ xả súng ở nhà hàng, người ta thấy chẳng có động cơ nào, đúng không đặc vụ Lukas?”.
“Theo VICAP thì không có.”
“À, thế cô có biết là mười phút sau khi tên Đồ tể bắn hết loạt đạn qua cửa sổ bằng kính và giết cả phụ nữ lẫn trẻ em, một cửa hiệu trang sức cách đó sáu cây số đã bị cướp không?”
“Không, việc ấy không nằm trong báo cáo.”
Czisman hỏi tiếp, “Thế cô có biết rằng tất cả các chiến sĩ tác chiến trong vòng bán kính ba cây số đều đã kéo đến nhà hàng không? Cho nên, ngay cả khi chủ cửa hiệu bấm nút báo động bí mật thì cảnh sát vẫn chẳng thể đến đó kịp thời trong vòng bốn phút như thông lệ. Họ mất tới mười hai phút. Đến lúc ấy thì tên trộm đã giết người chủ và một khách hàng. Họ là hai nhân chứng duy nhất”.
“Gã chính là đồng phạm của Đồ tể sao? Tên trộm ấy?”
Czisman nói, “Còn là ai được nữa?”.
Lukas thở dài. “Chúng tôi cần mọi thông tin anh có. Nhưng tôi không cảm thấy anh thực sự tới đây vì nghĩa vụ công dân.”
Czisman cười phá lên.
Cô nói thêm, “Chính xác thì anh muốn gì?”.
“Quyền tiếp cận”, anh ta nói nhanh. “Chỉ quyền tiếp cận thôi.”
“Với thông tin à.”
“Chính xác. Cho cuốn sách của tôi.”
”Chờ ở đây”, cô nói và đứng dậy. Cô ra hiệu cho Parker cùng Cage đi theo.
Ngay phía trên phòng Xanh lơ ở tầng một của trụ sở chính, Tobe Geller đang ngồi trong một căn phòng nhỏ, tối tăm, phía trước một bảng điều khiển phức tạp.
Theo lệnh của Lukas, cậu ta đã theo dõi toàn bộ cuộc thẩm vấn Henry Czisman trên sáu màn hình khác nhau.
Czisman chẳng hề biết mình bị theo dõi bởi vì Cục điều tra không dùng loại gương hai chiều trong các phòng thẩm vấn như các sở cảnh sát địa phương. Thay vào đó, trên các bức tường quanh phòng là ba bức tranh theo trường phái Ấn tượng. Chúng không phải do nhân viên phòng GSA hay một nhà thiết kế nội thất bình thường nào chọn, mà đích thân Tobe Geller cùng vài người khác trong nhóm kỹ thuật cao của Cục đã làm. Chúng là tác phẩm của Georges Seurat, người tiên phong trong kỹ thuật vẽ bằng những chấm li ti pha trộn màu. Sáu trong vô vàn những cái chấm trên mỗi bức tranh thực ra là các ống kính máy quay siêu nhỏ, được đặt ở những góc độ chính xác để từng phần trong toàn bộ phòng thẩm vấn đều lọt vào tầm ngắm.
Các cuộc hội thoại cũng được ghi lại bằng ba máy ghi âm kỹ thuật số khác nhau, một trong số chúng được kết nối với một chương trình máy tính có thể phát hiện âm thanh ai đó rút vũ khí. Czisman, cũng như tất cả những người từng bị thẩm vấn khác, đã bị soát người để tìm súng hay dao, nhưng trong nghề này, cẩn thận chẳng bao giờ là thừa.
Mặc dù vậy, Lukas đã lệnh cho Geller không tập trung quá nhiều vào an ninh mà là phân tích dữ liệu. Czisman sẽ nhắc đến một sự thật nào đó, chẳng hạn vụ cướp ở Boston, và ngay lập tức Geller sẽ chuyển thông tin ấy cho Susan Nance, một đặc vụ trẻ đang đứng trong phòng Thông tin trên gác. Đến lượt mình, cô ấy sẽ liên lạc với phân cục ở đó và tìm cách kiểm chứng thông tin.
Czisman không hề uống ngụm nước nào từ cái cốc Cage đặt trước mặt anh ta, nhưng anh ta đã cầm nó đầy lo lắng, đó cũng là việc mà mọi người thường làm mỗi khi ngồi trong phòng thẩm vấn của FBI. Chiếc cốc này có bề mặt cảm biến áp lực và một con chíp nhỏ, có pin cùng bộ phát tín hiệu ở tay cầm. Nó sẽ ghi lại dấu vân tay của Czisman và truyền chúng đến máy tính của Geller. Đến lượt mình, cậu ta sẽ gửi chúng đến hệ thống dữ liệu nhận dạng dấu vân tay tự động để tìm kết quả khớp.
Một trong sáu chiếc camera giấu trong bức tranh Chiều chủ nhật trên đảo La Grande Jatte rất nổi tiếng của Seurat, một bức tranh phức tạp đến mức người bị phỏng vấn nào cũng thường xuyên phải nhìn vào nó, khóa cứng đôi mắt của Czisman và chụp võng mạc để phân tích các khả năng xác thực, nói cách khác là phát hiện nói dối. Geller cũng đang chạy thử việc phân tích giọng nói để làm điều tương tự.
Lúc này, Lukas đang dẫn Cage và Kincaid vào phòng Quan sát.
“Có gì chưa?”, Lukas hỏi Geller.
“Đang được ưu tiên hàng đầu”, cậu ta nói và gõ bàn phím như điên.
Một lát sau, điện thoại của cậu ta đổ chuông, Lukas liền bật loa ngoài.
“Tobe?”, một giọng nữ gọi.
“Nói đi”, cậu ta bảo. “Đội đang ở đây.”
“Chào Susan”, Lukas nói. “Margaret đây. Cứ nói đi. Cho chúng tôi biết chi tiết. Cô có gì rồi?”
“Được rồi, các dấu vân tay được phản hồi lại là không có lệnh bắt, trát hầu tòa hay tiền án nào. Tên Henry Czisman là chính xác, địa chỉ thường trú ở Hartford, Connecticut. Mua nhà từ mười hai năm trước. Thuế tài sản được trả đúng hạn và năm ngoái, anh ta đã trả hết nợ thế chấp. Bức ảnh cô gửi sang khớp tới chín mươi lăm phần trăm so với ảnh trên bằng lái xe.”
“Thế đã được chưa?”, Kincaid chen ngang.
“Ảnh hiện nay của tôi chỉ khớp chín mươi hai phần trăm thôi” Nance trả lời. “Giờ tôi để tóc dài hơn.” Cô nói tiếp, “Hồ sơ lưu trữ về quá trình công tác kiểm tra với bên Sở An sinh xã hội và IRS cho thấy anh ta là nhà báo từ năm 1971 nhưng có vài năm chẳng phát sinh thu nhập nào. Mấy năm đó, kê khai nghề nghiệp là nhà văn tự do. Vậy là anh ta đã nghỉ được khá lâu. Cũng không sống nhờ lương của vợ; anh ta từng kết hôn, nhưng hiện khai tình trạng hôn nhân là độc thân. Năm nay, anh ta cũng chưa trả thuế tạm phỏng định theo quý, mặc dù những năm trước vẫn làm vậy. Chứng tỏ năm nay anh ta cũng chẳng có khoản thu nhập nào đáng kể. Mười năm trước, anh ta được miễn trừ y tế khá cao. Có vẻ như để trả cho chi phí cai nghiện rượu. Một năm trước, anh ta ra làm riêng, bỏ công việc được trả lương năm mươi ngàn đô la một năm tại báo Hartford và hiện giờ sống nhờ tiền tiết kiệm”.
“Bỏ việc, bị sa thải hay nghỉ dài hạn?”, Kincaid hỏi.
“Không chắc.” Nance ngập ngừng. Cô nói tiếp, “Chúng tôi không thể thu thập đủ dữ liệu thẻ tín dụng như mong muốn vì dính dịp lễ nhưng hiện anh ta đang ở tại Renaissance dưới tên mình. Và anh ta nhận phòng sau chuyến bay buổi trưa từ Hartford. United Express. Không đặt trước. Mới đặt chỗ lúc mươi giờ sáng nay”.
“Vậy là anh ta rời đi ngay sau lần xả súng thứ nhất”, Lukas lẩm bẩm.
“Vé một chiều à?”, Kincaid hỏi trước cả khi cô kịp hỏi.
“Vâng.”
“Anh nghĩ sao?”, Lukas hỏi.
“Theo tôi, chỉ là một tay phóng viên chết tiệt”, Cage nói.
“Còn anh?” Cô liếc nhìn Kincaid.
Anh nói; “Tôi nghĩ gì à? Tôi nghĩ ta nên thỏa thuận với anh ta. Khi phân tích tài liệu, tôi cần từng mẩu thông tin thu thập được về tác giả của nó”.
“Nếu anh biết đó đúng là tác giả của nó”, Lukas nghi ngại. Cô ngập ngừng rồi nói tiếp “Với tôi anh ta có vẻ là đồ rởm. Chúng ta tuyệt vọng đến thế sao?”
“Phải, Kincaid nói, liếc nhìn đồng hồ số trên màn hình máy tính của Tobe Geller, “tôi nghĩ chúng ta tuyệt vọng đến mức ấy đấy”.
 
o O o
 
Quay lại phòng thẩm vấn ngột ngạt, Lukas nói với Czisman, “Nếu bây giờ, cuộc nói chuyện của chúng ta không được ghi vào hồ sơ… và nếu chúng ta có thể tìm được giải pháp thành công..”
Czisman cười phá lên trước cách dùng uyển ngữ của cô nhưng ra hiệu cho viên đặc vụ nói tiếp.
“Nếu có thể làm được điều đó, chúng tôi sẽ cho phép anh tiếp cận với các tài liệu và nhân chứng để viết sách. Tôi còn chưa chắc là đến mức nào. Nhưng anh sẽ được đặc cách.”
“Ồ, từ yêu thích của tôi. Đặc cách. Phải, tôi chỉ cần có thế!”
“Nhưng tất cả những gì chúng tôi kể cho anh từ lúc này”, Lukas nói tiếp, đều là bí mật”.
“Đồng ý”, Czisman nói
Lukas gật đầu với Parker, anh hỏi, “Cái tên Digger có ý nghĩa gì với anh không?”.
Cosinan lắc đầu. ”Không. Nó nằm trong từ gravedigger (Người đào mộ) ấy à?
“Chúng tôi không biết. Đó là tên của xạ thủ, kẻ anh gọi là Đồ tể”, Lukas nói.
“Tôi chỉ gọi hắn là Đồ tể vì các báo ở Boston gọi thế. Tờ New York Post thì gọi là Quỷ. Ở Philadelphia, hắn thành Kẻ gây góa bụa.”
“New York? Cả Philly nữa sao?”, Lukas hỏi. Parker để ý thấy cô lo lắng khi nghe tin này.
“Chúa ơi”, Cage lẩm bẩm. “Một tên tội phạm theo khuôn mẫu.”
Czisman nói, “Chúng di chuyển dọc theo bờ biển. Để đi đến đâu, chúng ta không thắc mắc sao? Chẳng lẽ đến Florida nghỉ hưu? Rất có thể là một hòn đảo nào đó”.
“Chuyện gì đã xảy ra ở những thành phố khác?”, Parker hỏi.
“Vụ Hãng nước ngọt quốc tế?”, Czisman trả lời. “Đã bao giờ nghe đến chưa?”
Rõ ràng Lukas luôn cập nhật dữ liệu các vụ án. “Vị chủ tịch công ty phải không? Ông ta đã bị bắt cóc?”
“Chi tiết thế nào?”, Parker hỏi cô, bị ấn tượng vì kiến thức của cô.
Czisman nhìn Lukas, cô gật đầu cho anh ta nói tiếp. “Cảnh sát đã phải xâu chuỗi lại các sự việc nhưng có vẻ như không ai biết đích xác, nhưng có vẻ như Đồ tể đã bắt cóc gia đình vị chủ tịch công ty và bắt người vợ bảo chồng mình gom một ít tiền. Ông ta đã đồng ý…”
“Có bức thư nào không?”, Parker hỏi, nghĩ rằng có thể còn một tài liệu khác để anh nghiên cứu. “Một lời nhắn?”
“Không, tất cả đều qua điện thoại. Vị chủ tịch đã bảo kẻ bắt cóc là ông ta sẽ trả tiền. Rồi ông ta gọi cảnh sát và đội giải cứu con tin bao vây ngôi nhà, ta đa ta đa, toàn bộ khu vực bán kính chín mét quanh đó, trong lúc ông chủ tịch đến nhà băng để rút tiền. Nhưng ngay khi họ mở hầm, một khách hàng đã lôi súng ra và bắt đầu bắn. Giết chết tất cả mọi người trong nhà băng: chủ tịch Hãng nước ngọt quốc tế, hai vệ sĩ, ba khách hàng, ba thu ngân và cả hai phó chủ tịch đang trong giờ làm việc. Camera cho thấy một gã khác, đi cùng tên sát nhân, vào trong hầm và bước ra cùng một túi tiền.”
“Vậy là không có ai trong nhà?”, Lukas hỏi, đã hiểu ra mánh khóe.
“Không còn ai sống sót. Tên Đồ tể, Digger, đã sát hại cả gia đình. Có vẻ như hắn làm vậy sau khi bà ta gọi điện cho chồng.”
Parker nói, “Hắn đã tấn công họ vào thời điểm yếu nhất trong tiến trình bắt cóc. Cảnh sát sẽ có lợi thế trong lúc thương lượng hay giao tiền. Hắn đã ra tay trước họ”. Anh không nói lên điều mình đang nghĩ: Đó là giải pháp hoàn hảo cho một câu đố khó, nếu bạn không ngại giết chóc.
“Có gì trong đoạn video an ninh ở ngân hàng giúp được chúng tôi không?”, Cage hỏi.
“Ý ông hỏi chúng đeo mặt nạ trượt tuyết màu gì ấy à?”
Cái nhún vai của Cage nghĩa là: Dù sao tôi vẫn phải hỏi.
“Thế còn Philly?”, Lukas hỏi.
Czisman nói vẻ bất nhẫn, “Ồ chuyện này hay đấy. Digger bắt một chiếc xe buýt. Hắn lên xe, ngồi cạnh ai đó và bắn một phát vô thanh. Hắn giết chết ba người, rồi đồng phạm của hắn đòi tiền chuộc. Thành phố đồng ý trả nhưng thiết lập đội theo dõi để bắt hắn. Song tên đồng phạm biết được tài khoản của thành phố ở ngân hàng nào. Ngay khi đám tân binh hộ tống tiền bước ra khỏi cửa ngân hàng, Digger liền bắn vào sau đầu họ và chúng đã chạy thoát”.
“Tôi chưa nghe vụ đó bao giờ”, Lukas nói.
“Chưa, bởi vì họ muốn giữ kín. Sáu người đã chết”.
Parker nói, “Massachusetts, New York, Pennsylvania, Washington. Anh nói đúng: Gã đã đi về phương nam”.
Czisman cau mày. “Đã à?”
Parker liếc nhìn Lukas. Cô nói với Czisman, “Gã chết rồi”.
“Cái gì?”, Czisman có vẻ bị sốc thật sự.
“Tên đồng phạm cơ, không phải Digger.”
“Chuyện gì đã xảy ra?”, Czisman thì thào.
“Một vụ tông xe rồi bỏ chạy sau khi gã thả bức thư tống tiền. Và trước khi gã kịp lấy tiền.”
Khuôn mặt Czisman trở nên bất động một lúc lâu. Parker cho là anh ta đang suy nghĩ: Thế là tiêu tùng bài phỏng vấn độc quyền với thủ phạm. Đôi mắt của người đàn ông to béo bắt đầu lia quanh phòng. Anh ta nhấp nhổm trên ghế. “Lần này mánh khóe của chúng là gì?”
Lukas không muốn nói nhưng Czisman vẫn đoán. “Đồ tể bắn người cho đến khi thành phố chịu trả tiền chuộc… Nhưng giờ chẳng còn ai để nhận tiền và thế là tên Đồ tể cứ tiếp tục bắn giết. Nghe giống cách làm việc của chúng. Cô có manh mối nào dẫn đến tên còn lại không?”
“Vẫn đang trong quá trình điều tra”, Lukas cẩn trọng nói.
Czisman nhìn vào một trong ba bức tranh. Đó là bức phong cảnh thôn quê. Anh ta bóp chặt cái cốc một cách điên cuồng.
Parker hỏi, “Làm sao anh theo được hắn tới đây?”.
“Tôi đọc tất cả những thứ có thể tìm được về các vụ án mà thủ phạm không ngại tàn sát người vô tội. Hầu như ai cũng có lương tâm, anh biết đó. Trừ những kẻ coi giết chóc là lẽ sống, như Bundy hay Gacy hay Dahmer. Không, hầu hết tội phạm chuyên nghiệp đều do dự mỗi khi phải bóp cò. Nhưng tên Đồ tể thì sao? Không bao giờ. Và mỗi khi nghe được một vụ sát hại hàng loạt đi kèm cướp hay tống tiền nào là tôi lập tức tới thành phố đó để phỏng vấn mọi người.”
Lukas hỏi, “Tại sao vẫn chưa có ai phát hiện ra mối liên hệ?”.
Czisman nhún vai. “Các vụ án lẻ tẻ, số người chết ít. Ồ tôi đã kể cho cảnh sát ở White Plains và Philly. Nhưng không ai để ý đến lời nói của tôi.” Anh ta cười cay đắng, huơ tay quanh phòng “Phải mất tới… bao nhiêu? Hai mươi lăm con người thiệt mạng mới có người chịu dỏng tai lên mà nghe tôi nói.”
Parker hỏi, “Anh có thể nói gì với chúng tôi về Digger? Đã có ai từng trông thấy hắn chưa?”.
“Chưa”, Czisman nói, “hắn ta như một làn khói vậy. Vừa mới đó, xong rồi biến mất. Hắn là một con ma. Hắn..”
Lukas không đủ kiên nhẫn để nghe hết. “Chúng tôi đang cố phá một vụ án. Nếu anh giúp được, chúng tôi sẽ rất biết ơn. Nếu không, tốt hơn chúng tôi nên quay lại điều tra.”
“Đúng đúng, tôi xin lỗi. Chỉ là tôi đã sống cùng hắn suốt cả năm vừa rồi. Cứ như leo lên một mỏm đá vậy, nó có thể cao đến mấy cây số nhưng tất cả những gì cô thấy chỉ là một mỏm đá bé tí tẹo cách mặt cô vài chục phân. Nghe này, tôi có một giả thuyết vì sao người ta không chú ý đến hắn.”
“Thế nào cơ?”, Parker hỏi.
“Bởi vì các nhân chứng chỉ ghi nhớ hành động. Họ nhớ được tên cướp điên cuồng bắn chết ai đó trong tuyệt vọng, cảnh sát hoảng sợ bắn trả, người phụ nữ gào thét vì bị đâm. Nhưng bạn không thể nhớ được vẻ bình thản.”
“Và tên Digger lúc nào cũng rất bình thản?”
“Bình thản như cái chết vậy”, Czisman nói.
“Không có gì về thói quen của hắn à? Quần áo, thức ăn, thói tật?”
“Không, không có gì cả”, Czisman có vẻ bị phân tâm. “Tôi có thể hỏi anh đã biết gì về tên đồng phạm chưa? Kẻ đã chết ấy?”
“Cũng chưa có gì về gã”, Lukas nói. “Gã không mang giấy tờ tùy thân. Dấu vân tay không xuất hiện trong dữ liệu.”
“Cô có… Có sao không nếu tôi nhìn cái xác một lần? Nó ở trong nhà xác à?”
Cage lắc đầu.
Lukas nói, “Xin lỗi. Như thế là trái nguyên tắc”.
“Làm ơn?” Lời yêu cầu gần như là tuyệt vọng.
Mặc dù vậy, Lukas vẫn không hề lay chuyển. Cô nói ngắn gọn, “Không”.
“Một bức ảnh vậy”, Czisman khăng khăng.
Lukas ngập ngừng rồi mở hồ sơ ra và lấy bức ảnh nghi phạm tại hiện trường tai nạn gần Tòa thị chính rồi đưa cho anh ta. Những ngón tay ngắn mập để lại dấu vân lớn trên mặt giấy bóng kính.
Czisman nhìn chằm chằm vào nó một lúc lâu. Anh ta gật đầu. “Tôi có được giữ nó không?”
“Sau cuộc điều tra.”
“Chắc chắn rồi.” Anh ta trả lại ảnh. “Tôi muốn được đi cùng.”
Tới nơi mà phóng viên được đi cùng cảnh sát trong tiến trình điều tra.
Nhưng Lukas lắc đầu, “Xin lỗi. Tôi không thể chấp nhận”.
“Tôi có thể giúp”, anh ta nói. “Tôi có thể đưa ra vài nhận xét chuyên môn. Cũng có thể nghĩ ra ý tưởng gì đó hữu ích.”
“Không”, Cage kiên quyết nói.
Thêm một cái liếc nhìn vào bức ảnh, Czisman đứng dậy. Anh ta bắt tay họ và nói, ‘Tôi đang ở khách sạn Renaissance trong trung tâm. Tôi sẽ phỏng vấn các nhân chứng. Nếu tìm được điều gì hữu ích, tôi sẽ cho các vị biết”.
Lukas cảm ơn anh ta và họ tiễn anh ta tới tận trạm gác.
“Còn một điều nữa”, Czisman nói, “Tôi không biết gã chọn hạn chót…”. Czisman gật đầu về phía hồ sơ của Lukas, ý chỉ tên nghi phạm đã chết, “… theo kiểu nào. Nhưng giờ gã đã chết nên chẳng còn ai có thể kiểm soát tên Đồ tể… tên Digger nữa. Cô có hiểu thế nghĩa là gì không?”.
“Là gì?”, Lukas hỏi.
“Hắn có thể cứ tiếp tục giết chóc. Kể cả sau hạn chót.”
“Sao anh lại nghĩ vậy?”
“Bởi vì đó là việc hắn làm giỏi nhất. Giết người. Ai mà chẳng thích làm việc mình giỏi nhất. Đó là quy luật của cuộc sống, đúng không nào?”
 
o O o
 
Họ lại túm tụm một lần nữa trong phòng Quan sát, bu quanh Tobe Geller và chiếc máy tính của cậu ta.
Lukas nói vào micro, “Thế còn những vụ án anh ta nhắc đến?”.
Susan Nance trả lời, “Không thể tìm được viên đặc vụ phụ trách trực tiếp vụ án ở Boston, White Plains hay Phiily. Nhưng sĩ quan trực xác nhận tất cả các vụ trên đều đang còn để mở. Tuy nhiên, chưa ai từng nghe đến cái tên Đồ tể.”
“Bên pháp y thì sao?”, Parker hỏi ngay khi Lukas cũng mở lời, “Pháp…?”.
“Không có gì. Không dấu vân tay, không dư chất. Và các nhân chứng… thực ra những người còn sống nói họ chưa từng trông thấy nghi phạm hay Digger, nếu đó là Digger. Tôi đã yêu cầu truy vấn thêm thông tin về các vụ xả súng. Họ đang gọi cho các đặc vụ và thanh tra tại nhà riêng”.
“Cảm an Susan”, Lukas nói.
Susan cúp máy.
Geller nói, “Tôi đang lấy các kết quả phân tích khác.. Cậu ta nhìn lên màn hình. “Được rồi… quét độ căng thẳng của giọng nói và mồ hôi: bình thường. Mức độ căng thẳng thấp kinh khủng, đặc biệt là đối với một người bị ba đặc vụ cùng tra hỏi. Nhưng tôi đánh giá anh ta ở mức sạch sẽ. Không có gì khớp với mức độ nói dối nghiêm trọng. Nhưng thật ra, cô có thể thắng được hầu hết các máy quét với một ít Valium và giấc mơ về nữ diễn viên yêu thích của mình.”
Điện thoại của Lukas đổ chuông. Cô nghe máy. Rồi nhìn lên. “Là bảo vệ. Anh ta sắp ra khỏi phạm vi giám sát chính rồi. Chúng ta để anh ta đi à?”
Parker nói, “Theo tôi thì thế”.
“Đồng ý”, Cage nói.
Lukas gật đầu. Cô nói vào điện thoại, “Không bắt giữ đối tượng”. Cô tắt máy rồi nhìn đồng hồ đeo tay. “Nhà tâm lý học thì sao? Người từ Georgetown ấy.”
“Đang trên đường”, Cage nói.
Đến lượt điện thoại của Geller đổ chuông. Cậu ta mở máy và nói chuyện một lát. Sau khi tắt máy, cậu ta thông báo, “Đội kỹ thuật. Họ tìm được một trăm sáu mươi bảy website đang hoạt động có chỉ dẫn về việc lắp ống giảm thanh và biến tấu súng tự động. Đoán xem. Không một trang nào chịu chuyển địa chỉ email. Dường như họ không sẵn sàng giúp Chính phủ liên bang”.
“Ngõ cụt”, Lukas nói.
“Đằng nào cũng chẳng giúp ích mấy”, Geller nhận xét.
“Đội kỹ thuật đã cộng số lần truy cập của khoảng một trăm website. Hơn hai mươi lăm ngàn người đã đăng nhập trong hai tháng vừa qua.”
“Thế giới ngoài kia điên cả rồi”, Cage lẩm bẩm.
Cửa mở ra và Len Hardy bước vào trong.
“Moss thế nào?”, Lukas hỏi.
“Ông ta ổn. Có hai cuộc gọi đến rồi cúp máy trong hòm thư thoại của ông ta ở nhà, và ông ta liền nghĩ chúng đe dọa giết mình “
Lukas nói, “Chúng ta nên bảo đội thông tin..
Vẫn để mắt trên các bảng điều khiển, Hardy ngắt lời, “Tôi đã bảo một người của ta kiểm tra rồi. Một cuộc là của em trai Moss. Cuộc gọi kia là của người bán hàng qua điện thoại ở Iowa. Tôi đã gọi cho cả hai và xác thực”.
Lukas nói, “Đúng là việc tôi định yêu cầu đấy, thanh tra”.
“Tôi cũng đoán thế.”
“Cảm ơn anh”.
“Đặc khu Columbia hân hạnh phục vụ quý cô”, anh ta nói.
Parker nghĩ vẻ mỉa mai trong giọng anh ta bị che giấu thật cẩu thả; Lukas dường như lại chẳng hề để tâm.
Parker hỏi, “Vụ bản đồ thì sao đây? Chúng ta cần phải phân tích các dấu vết”.
Geller nói, “Cái tốt nhất tôi nghĩ ra được là ở Cục lưu trữ đo đạc địa hình”.
“Cục lưu trữ?”, Cage vừa hỏi vừa lắc đầu. “Không đời nào chúng ta có thể vào trong đó.”
Parker chỉ có thể mường tượng ra sự thể sẽ khó khăn nhường nào để có thể tìm được một công chức nhà nước sẵn lòng mở cửa cơ quan trong đêm Giao thừa.
Lukas bật điện thoại.
Cage nói, “Không đời nào”.
“À”, cô nói, ”đấy là vì ông chẳng biết cách đi tắt”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.