Mục lưu trữ địa lý và đo đạc địa hình của Đặc khu Columbia nằm trong một tòa nhà cũ ẩm mốc gần phố Seventh và phố E.
Nó cũng chẳng ngẫu nhiên mà nằm ngay gần một khu vực ít ai biết của Sở mật vụ và Văn phòng Chiến dịch đặc biệt của ủy ban an ninh quốc gia.
Không có chỉ dẫn về Cục lưu trữ này trên bất kỳ cuốn sách du lịch nào, những ai chú ý tới biển báo ở trước tòa nhà và bước vào trong sẽ được một trong ba bảo vệ mang súng ở bàn ngoài lịch sự thông báo rằng cơ quan này không mở cửa cho công chúng và ở đây cũng chẳng có buổi triển lãm nào hết, cảm ơn vì sự quan tâm của quý vị. Chúc một ngày tốt lành. Tạm biệt.
Cage, Parker và Lukas, người dường như lúc nào cũng đang nghe điện thoại, đang chờ trong sảnh. Cô gập máy lại. “Chẳng có gì. Hắn vừa biến mất.”
“Không có nhân chứng nào à?”
“Một vài tài xế trông thấy người đàn ông mặc đồ đen đang chạy. Họ nghĩ hắn ta da trắng. Vóc người trung bình. Nhưng không ai dám quả quyết. Chúa ơi!”
Cage nhìn quanh. “Làm sao cô giúp chúng ta vào trong được, Lukas? Đến tôi còn không thể.”
Giờ đến lượt Lukas nhún vai một cách bí ẩn. Có vẻ như đêm Giao thừa là thời điểm đòi những món nợ cũ và mắc những món nợ mới.
Tobe Geller đến chỗ họ. Cậu ta từ tốn bước vào khu nhà rồi gật đầu chào với các thành viên khác trong đội. Sau đó, tất cả đều được kiểm tra dấu vân tay bằng máy quét danh tính, còn vũ khí của họ thì được cất vào một hộp khóa kín. Tất cả được chỉ đến cầu thang máy. Khi họ bước vào bên trong, Parker tưởng mình sẽ đi lên nhưng có vẻ chiếc thang máy không hề rời khỏi tầng một. Lukas bấm nút B7 và buồng thang máy như đang hạ xuống vô cùng tận.
Họ cùng bước vào Cục lưu trữ chính thức. Hóa ra trong đó không phải chất đầy những cuốn sách và bản đồ cũ phủ đầy bụi như Parker, chuyên viên giám định tài liệu, đã mong đợi được thấy, mà là một phòng đầy những chiếc bàn kiểu công nghệ cao, điện thoại, micro cùng hàng loạt những chiếc màn hình NEC hai mươi bốn inch. Thậm chí vào đêm Giao thừa như hôm nay, khoảng hơn hai mươi người, cả đàn ông lẫn phụ nữ, vẫn đang ngồi trước những màn hình với các bản đồ phức tạp, gõ bàn phím và nói vào micro gắn ở tai.
Mình đang ở chỗ quái quỷ nào thế? Parker tự hỏi khi nhìn quanh và quyết định rằng việc tiếp cận Cục lưu trữ chẳng liên quan gì đến chuyện kiếm được một công chức nhà nước nào đó có chìa khóa cửa trước.
“Cái này là gì?”, anh hỏi Geller.
Viên đặc vụ trẻ liếc nhìn Cage dò hỏi, ông ta gật đầu cho phép cậu ta nói. Geller trả lời, “Cơ sở dữ liệu bản đồ và đo đạc địa hình của tám trăm ba mươi tư kilomet vuông quanh Đặc khu. Tọa độ không là Nhà trắng dù họ chẳng thích nghe thấy anh nói như vậy đâu. Trong trường hợp có thảm họa tự nhiên, tấn công khủng bố đe dọa hạt nhân, vân vân, đây chính là nơi họ sẽ quyết định Chính phủ nên ngồi yên tại chỗ hay rời khỏi thành phố và nếu phải đi thì làm thế nào. Con đường nào là an toàn nhất, có bao nhiêu nghị sĩ và thượng nghị sĩ sẽ sống sót. Kiểu như vậy. Giống như phòng Chiến tranh trong phim Fail Safe ấy. Hay không?”
“Chúng ta đang làm gì ở đây?”
“Anh muốn xem bản đồ còn gì”, cậu ta nói, háo hức ngắm nghía tất cả những thiết bị theo cái cách chỉ một hacker bẩm sinh mới có, “và đây là cơ sở dữ liệu chi tiết nhất của mọi khu vực trên thế giới. Lincoln Rhyme đã nói chúng ta cần hiểu rõ khu vực này. Có thể chúng ta không hiểu. Nhưng chúng thì có”. Cậu ta gật đầu trìu mến về phía một hàng những cỗ máy tính cao tới một mét tám.
Lukas nói, “Họ sẽ để chúng ta dùng máy móc ở đây, dù chỉ miễn cưỡng thôi, chừng nào chúng ta không in ra hay tải xuống cái gì”.
“Khi nào ra ngoài, chúng ta sẽ bị soát người”, Geller nói.
“Làm sao cậu biết nhiều về chỗ này thế?”, Parker hỏi Geller.
“Ồ, đại loại là tôi dự phần lập nên nó.”
Lukas nói thêm, “À, nhân tiện, Parker, anh chưa bao giờ nghe về nơi này nhé!”.
“Không vấn đề”, Parker nói, để mắt đến hai lính gác cầm súng tự động đứng ngay cạnh thang máy.
Lukas nói, “Nào, các dư chất mà Rhyme tìm được là gì?”.
Parker nhìn vào cuốn sổ mình mang theo. Anh đọc, “Đá granite, lưu huỳnh, bồ hóng, tro, đất sét và gạch”.
Tobe Geller ngồi xuống một chiếc máy tính, bật nó lên và gõ điên cuồng trên bàn phím. Hình ảnh Washington, D.c. hiện lên màn hình. Độ sắc nét thật đáng kinh ngạc. Nó là hình ảnh 3D. Parker nghĩ một cách hơi ngô nghê rằng Robby và Stephie sẽ khoái chơi Mario Bros trên một màn hình như thế này biết bao.
Lukas nói với Parker, “Chúng ta bắt đầu từ đâu?”.
“Từng dấu vết một”, anh trả lời. “Rồi bắt đầu thu hẹp các khả năng. Giống như giải đố vậy.”
Ba con diều hâu cùng bắt mất gà của bác nông dân…
“Đầu tiên, đá granite, bụi gạch và đất sét”, anh lẩm bẩm. “Chúng chỉ dẫn tới các địa điểm phá dỡ, các công trình xây dựng..” Anh quay sang Geller, “Chúng có nằm trên cơ sở dữ liệu này không?”.
“Không”, viên đặc vụ trẻ trả lời. “Nhưng chúng ta có thể tìm được ai đó ở Sở cấp phép Xây dựng.”
“Làm đi”, Parker ra lệnh.
Geller gọi bằng máy bàn vì không điện thoại di động nào có thể bắt sóng ở tận dưới này, hơn nữa, Parker cho rằng các bức tường ở đây đều có chất cản sóng giống như mọi cơ sở an ninh khác ở Washington.
“Tiếp theo là gì?”, Parker tự hỏi. “Lưu huỳnh và bồ hóng… Nghe giống bên công nghiệp. Tobe, cậu đánh dấu các khu vực dựa trên mức độ ô nhiễm không khí được chứ?”
“Chẳc chắn được. Có một file của bên EPA đây”, Cậu ta vui vẻ nói thêm, “nó cũng tính toán mức độ xâm nhập của các chất khí ảnh hưởng đến thần kinh và vũ khí hóa học luôn”.
Thêm nhiều phím bấm.
Ngành nghề chủ yếu của Đặc khu Columbia là các cơ quan hành chính, không phải nền công nghiệp, và các khu thương mại quanh đây chủ yếu được dùng để cất giữ và phân phối sản phẩm. Nhưng trên màn hình vẫn có những khu vực của thành phố bắt đầu được đánh dấu, lại còn bằng đúng sắc vàng, màu chỉ sự ô nhiễm phần lớn xuất hiện ở đông nam thành phố.
“Có thể nghi phạm đang sống gần đó”, Lukas nhắc. “Có các khu công nghiệp nào liền kề với khu vực nhà dân?”
Geller tiếp tục gõ, kiểm tra chéo các khu công nghiệp có người sinh sống. Cách này loại được một số nơi nhưng không nhiều; hầu hết các khu vực đều xen lẫn với các vùng dân cư.
“Vẫn còn nhiều quá”, Lukas nói.
“Hãy thêm vào một nhân tố nữa. Bụi tro”, Parker nói. “Thịt động vật bị đốt cháy về cơ bản.”
Tay Geller ngập ngừng trên bàn phím. Cậu ta lẩm bẩm,”Cái đó có thể là gì nhỉ?”.
Lukas lắc đầu. Rồi hỏi, “Có nhà máy chế biến thịt nào ở các khu vực ấy không?”.
Đó là một gợi ý hay, chính Parker cũng đang định nói vậy.
Geller trả lời, “Không thấy”.
“Nhà hàng thì sao?”, Cage gợi ý.
“Có lẽ là quá nhiều”, Parker nói.
“Hàng trăm cái”, Geller xác nhận.
“Còn chỗ nào có thịt cháy nữa?”, Lukas hỏi, nhưng không nhắm vào ai.
Câu đố…
“Các bác sĩ thú y”, Parker tự hỏi. “Họ có thiêu hủy xác bọn thú không nhỉ?”
“Có thể”, Cage nói.
Geller gõ rồi đọc trên màn hình. “Có hàng chục cơ sở. Ở khắp mọi nơi”
Rồi Lukas nhìn lên Parker và anh thấy sự lạnh lùng lúc trước đã biến mất, thay vào đó là một thứ khác. Có lẽ là sự háo hức. Đôi mắt xanh dương của cô vẫn kiên định như đá, đúng là thế, nhưng giờ chúng lấp lánh như đá quý. Cô nói, “Thế còn hài cốt của con người?”.
“Nhà hỏa táng!”, Parker nói. “Phải rồi! Bột đá granite có thể từ chỗ làm bia mộ. Hãy tìm một nghĩa trang đi!”
Cage liếc nhìn bản đồ rồi chỉ ra, “Arlington?”.
Nghĩa trang quốc gia chiếm trọn một khu vực rộng lớn ở phía tây của dòng Potomac. Khu vực xung quanh nó hẳn là bị bao trùm trong bụi đá granite.
Nhưng Parker chỉ ra, “Nó không nằm gần khu công nghiệp nào cả. Làm sao có chỉ số ô nhiễm đáng kể được?”.
Rồi Lukas trông thấy. “Kia kìa!” Cô đưa một ngón tay được phủ lớp sơn không bóng nhưng mịn hoàn hảo ra chỉ. “Gravesertd.”
Tobe Geller khoanh vùng khu vực đó trên bản đồ và phóng to nó lên.
Gravesend…
Khu vực này là một phần trong góc phần tư phía đông nam của Đặc khu Columbia. Parker chỉ biết rất sơ sài về nó. Xung quanh Nghĩa trang Memorial là một dải các căn hộ chung cư nghèo nàn, nhà máy lụp xụp và bãi đất trống. Hồi đầu thế kỷ XVIII, nó đã từng là bãi tha ma của dân nô lệ. Parker chỉ vào một phần khác của Gravesend. “Tuyến Metro dừng ngay tại đây. Nghi phạm có thể lên tàu đi thẳng tới Judiciary Square, Tòa thị chính. Gần đó cũng có tuyến xe buýt nữa.”
Lukas cân nhắc chuyện đó. “Tôi biết khu này vì từng bắt tội phạm ở đó. Có rất nhiều địa điểm phá dỡ hay công trường xây dựng xung quanh. Nó cũng kín đáo lắm. Chẳng ai thèm đặt nghi vấn về người khác. Nhiều kẻ trả tiền mặt để thuê nhà ở đây mà chẳng bị nghi ngờ. Đó sẽ là địa điểm tuyệt vời cho một ngôi nhà an toàn”.
Một kỹ thuật viên trẻ ngồi gần họ nhấc điện thoại lên và đưa cho Tobe Geller. Ngay khi viên đặc vụ nghe máy, khuôn mặt trẻ trung của cậu ta liền giãn ra thành nụ cười nhiệt thành. “Tốt lắm” cậu ta nói với đầu dây bên kia. “Mang nó đến phòng Thí nghiệm Tài liệu ngay”. Rồi cúp máy. “Có cái này… Ai đó đã quay lại được vụ xả súng ở Nhà hát Mason.”
“Một cuộn băng về Digger à?”, Cage hào hứng hỏi.
“Họ chưa biết chính xác trong đoạn phim có gì. Có vẻ như chất lượng rất tồi tệ. Tôi muốn tiến hành phân tích ngay. Các vị tới Gravesend à?”
“Phải”, Parker nói. Nhìn vào đồng hồ. Hai tiếng rưỡi nữa là đến vụ tấn công tiếp theo.
“Gọi MCP1 nhé?”, Geller hỏi Lukas.
“Ừ. Đặt một cái đi.”
Parker nhớ ra đó là trạm điều hành di động. Một trung tâm được trang bị đầy đủ máy thông tin liên lạc công nghệ cao cùng các thiết bị giám sát Anh đã từng làm việc trong đó vài lần, mỗi khi phải phân tích tài liệu ngay tại hiện trường.
“Tôi sẽ cho lắp ngay một thiết bị phân tích dữ liệu video”, Geller nói, “và tiến hành trên đoạn phim. Cô sẽ ở đâu?”.
Lukas nói đồng thanh với Parker. “Đây.” Cả hai cùng chỉ vào một bãi đất trống gần nghĩa trang.
“Quanh dó không có nhiều căn hộ”, Cage chỉ ra.
Parker nói, “Nhưng nó gần với các cửa hàng và nhà hàng nhất”.
Mobile Command Post.
Lukas liếc nhìn anh và gật đầu. “Chúng ta nên thu hẹp phạm vi tìm kiếm bằng cách đến hỏi những nơi này trước tiên. Họ sẽ là những người tiếp xúc nhiều nhất với dân địa phương. Tobe, gọi cả c p. và Hardy cùng đi rồi đưa họ tới xe chỉ huy.”
Viên đặc vụ trẻ lưỡng lự với cái nhìn nghi hoặc. “Hardy à? Chúng ta có cần anh ta không?”
Parker cũng tự hỏi điều tương tự. Hardy có vẻ là người tử tế, một cảnh sát khá giỏi. Nhưng anh ta chưa đủ tầm với một vụ như thế này và điều đó có nghĩa là anh ta, hoặc một ai khác, có thể sẽ bị thương.
Nhưng Lukas nói, “Nếu không phải anh ta, bên Đặc khu sẽ lại nhét một người khác vào thôi. Ít nhất, chúng ta còn kiểm soát được Hardy. Dường như anh ta chẳng ngại ngồi ghế sau”.
“Chính trị thật chán ngắt”, Cage lẩm bẩm.
Trong lúc Geller mặc áo khoác, Lukas nói, “Còn nhà tâm lý học? Người ở Georgetown? Nếu ông ta vẫn chưa đến trụ sở thì bảo ai đó đưa ông ta sang Gravesend nhé!”.
“Được.” Geller chạy đến chỗ thang máy, đúng như dự đoán, cậu chàng bị soát người rất kỹ.
Lukas nhìn chằm chằm vào bản đồ Gravesend. “Chỗ đó lớn quá!”
‘Tôi có ý này”, Parker nói. Anh suy nghĩ ngược với những điều đã biết về nghi phạm dựa trên bức thư. Và nói, “Chúng ta đã nghĩ rằng có thể gã dành nhiều thời gian bên máy tính, nhớ không?”.
“Đúng rồi”, Lukas nói.
“Hãy lấy danh sách những người sống ở Gravesend đăng ký dịch vụ trực tuyến.”
Cage phản đối, “Có đến vài ngàn mất”.
Nhưng Lukas chỉ ra, “Tôi không nghĩ vậy. Đây là một trong những khu vực nghèo nhất thành phố. Máy tính là thứ cuối cùng trong danh mục chi tiêu của những người này”.
Cage nói, “Đúng. Thôi được, tôi sẽ bảo đội kỹ thuật chuẩn bị danh sách”.
“Nhưng khu vực tìm kiếm vẫn rộng quá”, Lukas lẩm bẩm.
“Tôi có vài ý tưởng khác”, Parker nói trong lúc đi đến cửa thang máy, nơi anh cũng bị các bảo vệ mặt mày nghiêm túc lục soát thật kỹ cứ như một tên móc túi tiềm năng.
o O o
Kennedy chậm rãi đi vòng quanh chiếc thảm màu lục sẫm trong văn phòng của mình.
Jefferies đang nghe điện thoại. Rồi anh ta cúp máy.
“Slade có vài ý tưởng nhưng không cái nào có thể triển khai ngay được.”
Kennedy chỉ về phía chiếc đài. “Họ thì quá nhanh trong việc tung tin rằng tôi chỉ biết ngồi lì ra trong khi thành phố đang bị bắn loạn xạ. Quá nhanh để thông báo rằng tôi đã không chịu bãi bỏ lệnh cấm thuê thêm người cho sở cảnh sát để tăng ngân sách cho Dự án 2000. Chúa ơi, báo chí đang biến tôi thành một tên đồng phạm.”
Kennedy vừa mới tới ba bệnh viện để thăm những người bị thương trong hai vụ tấn công của Digger cùng gia quyến của họ. Nhưng chẳng ai quan tâm tới các chuyến viếng thăm của ông. Tất cả những gì người ta hỏi tới là tại sao ông không làm nhiều hơn nữa để tóm tên sát nhân?
“Sao ông không đến trụ sở FBI?”, một phụ nữ đã nức nở hỏi ông.
Bởi vì bọn họ có thèm vời đến tôi đâu, Kennedy điên tiết nghĩ. Mặc dù câu trả lời của ông rất nhẹ nhàng, “Tôi để cho các chuyên gia làm việc của họ”.
“Nhưng họ có làm gì đâu. Cả ông cũng chẳng làm gì cả.”
Khi rời khỏi giường bệnh của bà ta, Kennedy không yêu cầu một cái bắt tay; cánh tay phải của bà ta đã bị bắn dập nát đến mức phải cắt bỏ.
“Slade sẽ nghĩ ra cách nào đấy”, Jefferies đang nói.
“Quá ít, quá muộn. Thằng cha ấy xinh xẻo quá”, Kennedy cáu gắt. “Bọn người xinh đẹp… tôi không tin nổi chúng.” Rồi ông nghe thấy những lời lẽ vớ vẩn của mình và phá lên cười. Jefferies cũng cười. Ngài thị trưởng hỏi, “Tôi biến thành lão gàn rồi hả, Wendell?”.
“Vâng, thưa ngài. Nhiệm vụ của tôi là phải thông báo khi nào não ngài hỏng.”
Ngài thị trưởng ngồi xuống ghế và nhìn vào cuốn lịch để bàn. Nếu không phải vì Digger thì ông đã tham dự bốn bữa tiệc tất niên đêm nay. Một ở Đại sứ quán Pháp; một ở trường cũ, Đại học Georgetown; một ở đại sảnh công đoàn của viên chức thành phố; và buổi tiệc quan trọng nhất, nơi ông chính thức rung chuông đón mừng năm mới: Hiệp hội giáo viên Mỹ gốc Phi ở trung tâm khu vực đông nam. Đây là nhóm người vận động mạnh mẽ nhất để Dự án 2000 của ông được chấp nhận trong đa số cộng đồng giáo viên trên khắp Đặc khu. Ông và Claire cần phải có mặt ở đó đêm nay, nhằm thể hiện sự ủng hộ. Thế nhưng, ông không thể tham dự bất kỳ buổi tiệc nào, thể hiện bất cứ kiểu ăn mừng nào, khi có một tên điên vẫn đang tấn công những công dân của thành phố này.
Một cơn giận dâng tràn trong người ông, ông giật lấy điện thoại.
Jefferies cảnh giác hỏi, “Ông định làm gì?”.
“Làm gì đó”, ông trả lời. “Tôi phải làm cái chết tiệt gì đó.” Ông bắt đầu bấm một số từ tấm danh thiếp trên giá đỡ Rolodex.
“Cái gì mới được?”, Jefferies gặng hỏi, càng thấy bất an hơn.
Nhưng đến lúc ấy thì cuộc gọi tới trụ sở FBI đã được thông, Kennedy không trả lời viên phụ tá.
Ông được chuyến qua mấy phòng. Một giọng nam trả lời, “Vâng”.
“Tôi là Thị trưởng Kennedy. Tôi đang nói chuyện với ai?”
Một chút ngập ngừng. Một người thường tự mình gọi điện như Kennedy đã quen với giây im lặng tiếp sau câu chào xã giao của ông. “Đặc vụ c p. Ardell. Tôi có thể giúp gì cho ngài?”
“Còn đặc vụ Lukas thì sao, cô ta vẫn phụ trách chiến dịch METSHOOT chứ?
“Đúng vậy.”
“Tôi nói chuyện với cô ta được không?”
“Cô ấy đang không ở đây, thưa ngài. Tôi có thể chuyển máy cho ngài đến điện thoại di động của cô ấy.”
“Không sao. Thực ra tôi dang muốn gọi cho điều phối viên của Đặc khu, Thanh tra Hardy.”
Đặc vụ Ardell nói “Chờ một chút. Anh ấy ở ngay đây”.
Một lát sau, giọng dè dặt trả lời, “Xin chào?”,
“Hardy hả?”
“Vâng, Len Hardy đây ạ.”
“Thị trưởng của anh đây”.
“Ồ. Xin chào ngài!” Lúc này thì giọng của chàng trai trẻ có cả sự lo lắng.
“Anh cập nhật tình hình vụ án cho tôi được không? Tôi chẳng nghe được một lời nào từ đặc vụ Lukas hay Cage cả. Anh có biết Digger nhăm đến chỗ nào tiếp theo không?”
Lại một khoảng ngừng. “Không, thưa ngài.”
“Chẳng một chút ý tưởng nào à?”
“Thực ra họ không chia sẻ thông tin cho tôi.”
“Nhiệm vụ của anh là điều phối thông tin còn gì?”
“Tôi chỉ nhận được lệnh viết các bản báo cáo về chiến dịch thôi. Đặc vụ Lukas bảo rằng cô ấy sẽ liên lạc trực tiếp với Cảnh sát trưởng Williams.”
“Một bản báo cáo à? Cái đó chỉ để giữ ghế thôi. Nghe tôi này! Tôi rất tin tưởng vào lực lượng FBI. Họ đã xử lý các vụ xả súng như thế này nhiều rồi. Nhưng họ sắp ngăn chặn được tên sát nhân chưa? Nói ngắn gọn. Không vòng vèo.”
Hardy có vẻ không thoải mái. “Họ có vài đầu mối. Họ nghĩ đã khoanh vùng được khu vực quanh ngôi nhà an toàn của nghi phạm, kẻ đã chết vì bị xe tông ấy ạ.”
“Ở đâu?”
Một khoảng ngừng. Ông mường tượng cảnh Hardy tội nghiệp đang xoắn đây điện thoại, một bên là Cục điều tra, bên kia là ông chủ của anh ta. Tệ quá đi chứ.
“Tôi không được phép tiết lộ thông tin tác chiến cho bất kỳ ai, thưa ngài. Tôi rất tiếc.”
“Chính thành phố của tôi đang bị tấn công, người dân của tôi đang bị sát hại. Tôi muốn có câu trả lời.”
Lại yên lặng. Kennedy nhìn lên Wèndell Jefferies, anh chàng chỉ lắc đầu.
Kennedy ép cơn giận của mình xuống, cố tỏ ra biết điều hơn khi nói, “Để tôi nói cho anh nghe mình đang nghĩ gì nhé. Toàn bộ âm mưu này là để kiếm tiền cho lũ người kia. Không phải để giết chóc”.
“Tôi cũng nghĩ vậy, thưa ngài.”
“Nếu tôi có cơ hội nói chuyện với tên sát thủ, ở cái nhà an toàn đó hay nơi hắn định tấn công lúc tám giờ, tôi nghĩ mình có thể thuyết phục hắn từ bỏ. Tôi sẽ thương thuyết với hắn. Tôi có thể làm vậy.”
Kennedy tin điều đó. Bởi vì một trong những tài năng của ông (về mặt này thì y hệt người trùng tên với ông từ thập kỷ Sáu mươi) chính là khả năng thuyết phục. Chính ông đã dỗ ngon dỗ ngọt để hàng chục vị chủ tịch và CEO ghê gớm nhất của Đặc khu chấp nhận mức thuế sẽ hỗ trợ cho Dự án 2000. Chính ông đã khuyên được Gary Moss tội nghiệp đưa ra những cái tên trong vụ bê bối của ủy ban Giáo dục.
Chỉ cần hai mươi phút với tên giết người này, cho dù phải chằm chằm nhìn xuống nòng súng máy đang chĩa vào người mình, với ông là đủ rồi. Ông sẽ thiết lập được một loại thỏa thuận nào đó.
“Theo cách họ mô tả hắn”, Hardy nói, “tôi không nghĩ hắn là loại chịu thương thuyết đâu ạ”.
“Việc đó anh phải để cho tôi, thanh tra ạ. Giờ thì, ngôi nhà đó ở đâu?”
‘Tôi..”
“Nói cho tôi.”
Đường dây bị nhiễu sóng. Nhưng viên thanh tra vẫn không nói gì.
Giọng Kennedy càng hạ thấp hơn nữa. “Anh không nợ bên Cục điều gì cả, con trai. Anh biết bọn họ cảm thấy ra sao về chuyện anh ở trong đội rồi đấy. Anh chỉ hơn chân chạy đi pha cà phê một chút xíu thôi”
“Sai rồi, thưa ngài. Đặc vụ Lukas đã cho tôi tham gia vào đội”.
“Có à.”
“Tương đối.”
“Cậu không cảm thấy mình là một tay lái thứ ba à? Tôi hỏi như thế bởi vì tôi đang cảm thấy vậy. Nếu Lanier được làm theo ý mình, cậu biết Nghị sĩ Lanier chứ?”
“Vâng thưa ngài.”
“Nếu ông ta làm theo ý mình thì việc duy nhất của tôi đêm nay là ngồi trên bục cao ở công viên Mall mà xem bắn pháo hoa. Cậu và tôi, Đặc khu Columbia là quê nhà của chúng ta. Vậy nên, thôi nào con trai, cái nhà trú ẩn chết tiệt ấy ở chỗ nào?”
Kennedy nhìn Jefferies bắt chéo hai ngón tay. Làm ơn đi… Như thế sẽ rất tuyệt. Tôi sẽ có mặt ở đó, cố thuyết phục gã sát thủ ra ngoài với hai bàn tay giơ lên. Dù hắn đầu hàng hay bị giết. Và bằng cách nào thì uy tín của tôi cũng sẽ được vãn hồi. Dù thế nào, tôi cũng không còn là vị thị trưởng chỉ biết vừa theo dõi vụ án trên kênh CNN vừa hớp bia nữa rồi.
Kennedy nghe có giọng nói ở đầu dây bên kia. Rồi Hardy lên tiếng trở lại. “Xin thứ lỗi, ngài thị trưởng, tôi phải đi. Có mấy người ở đây. Tôi chắc chắn là đặc vụ Lukas sẽ liên lạc với ngài.”
“Thanh tra…”
Đầu dây tút dài.
o O o
Gravesend.
Chiếc xe chở Parker và Cage xóc nảy trên những ổ gà rồi dừng lại ở vỉa hè, nơi rác rưởi chất thành đống ngay trên phố. Trớ trêu thay, phần thân nóng rực của chiếc Toyota lại đỗ ngay cạnh van lấy nước cứu hỏa.
Cả hai trèo ra. Lukas đi xe của mình, một chiếc Ford Explorer màu đỏ, và đã chờ sẵn ở bãi đất trống họ hẹn trước. Cô đang đứng chống hai tay lên hông, nhìn xung quanh.
Mùi nước giải và phân cùng gỗ cháy, tro tàn nồng nặc.
Hai đấng sinh thành của Parker đã di du lịch vòng quanh thế giới sau khi cha anh nghỉ dạy môn Lịch sử, có lần họ đặt chân tới một khu ổ chuột ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Parker vẫn còn nhớ là thư mẹ viết cho anh, bà vốn là người rất thích thư qua tin lại. Đó là lá thư cuối cùng anh nhận được từ cha mẹ trước khi cả hai qua đời. Nó được đóng khung treo trên tường trong phòng làm việc của anh, bên cạnh bức tường danh vọng của tụi Who.
Những con người nơi đây đã bị bần cùng hóa, và chính điều đó, chứ không phải sự khác biệt về chủng tộc, cũng chẳng phải văn hóa hay chính trị, càng không phải tôn giáo, đã khiến trái tim họ hóa đá.
Lúc này, anh nghĩ về những lời của mẹ khi nhìn quang cảnh hoang tàn xung quanh.
Hai thanh niên da màu đang dựa vào bức tường vẽ graffiti nhằng nhịt, nhìn những người mới đến mà rõ ràng thuộc lực lượng hành pháp, rồi từ từ bỏ đi, khuôn mặt lộ rõ vẻ khó chịu và bất mãn.
Parker thấy lo lắng, không phải vì mối nguy hiểm mà vì phạm vi rộng lớn của chỗ này. Nó rộng xấp xỉ mười sáu kilomet vuông, gồm các khu ổ chuột, nhà tạm, các xí nghiệp nhỏ và bãi đất bỏ hoang. Làm sao họ tìm nổi nhà trú ẩn của nghi phạm trong khu vực trải rộng như thế này?
Trên đời cũng có những câu đố mà Parker chưa thể giải được.
Ba con diều hâu..,
Khói bay tới chỗ anh đứng. Nó bốc lên từ những chiếc thùng đầu mà những người vô gia cư cùng các băng nhóm dùng để đốt củi hay rác rưởi nhằm giữ ấm. Anh còn thấy cả hàng đống xác xe ô tô. Bên kia phố là một tòa nhà có vẻ bị bỏ hoang; dấu hiệu duy nhất cho thấy có người ở là một ngọn đèn sáng đằng sau chiếc khăn tắm màu đỏ che ô cửa sổ vỡ kính.
Ngay bên kia trạm dừng tuyến Metro, phía trên một bức tường gạch cao và xập xệ là ống khói của nhà hỏa táng vươn thẳng lên trời đêm. Không thấy khói bốc lên từ đó nhưng bầu trời phía trên vẫn gợn sóng vì nhiệt độ nó tỏa ra. Có lẽ ngọn lửa của nhà hỏa táng luôn luôn được giữ lại. Parker rùng mình. Cảnh tượng này nhắc anh nhớ đến những bức ảnh xưa cũ về…
“Địa ngục”, Lukas lẩm bẩm. “Trông như địa ngục vậy.”
Parker liếc nhìn cô.
Cage rùng mình đồng tình.
Một chiếc xe tới nơi. Đó là Jerry Baker trong chiếc áo chống đạn và áo gió. Parker thấy rằng dù ăn mặc như đặc vụ tác chiến, anh ta vẫn đang mang đôi ủng cao bồi. Cage đưa cho anh ta chồng ảnh của nghi phạm in ra từ máy tính: Chỉ là gương mặt người chết trong nhà xác. “Chúng ta dùng cái này để đi hỏi thăm. Ở cuối phố ư? Đó là mô tả duy nhất chúng ta có về tên Digger.”
“Không nhiều lắm.”
Lại một cái nhún vai nữa.
Thêm nhiều chiếc xe con và xe tải không biển báo xuất hiện, đèn hiệu trên bảng điều khiển của họ phản chiếu trên dãy cửa sổ trước mặt. Những chiếc xe công vụ của FBI. Cả xe cảnh sát Đặc khu màu đen trắng với đèn hiệu xoay tròn. Tổng cộng có khoảng hai mươi lăm người cả nam và nữ, phân nửa là đặc vụ liên bang, còn lại là cảnh sát mặc sắc phục. Baker ra hiệu cho họ tập trung quanh xe tải của Lukas rồi phát các bản in.
Lukas nói với Parker, “Anh muốn kể sơ qua tình hình với họ không?”.
“Chắc chắn rồi.”
Cô kêu gọi, “Mời các bạn lắng nghe đặc vụ Jefferson đây”.
Mất một giây Parker mới nhận ra đó là “nghệ danh” của mình. Anh quyết định nếu phải hoạt động ngầm, chắc chắn anh sẽ thất bại.
“Người đàn ông trong bức ảnh mà các bạn đang cầm là thủ phạm chịu trách nhiệm trong vụ xả súng tại Metro và Nhà hát Mason. Chúng tôi nghĩ gã đã xây dựng kế hoạch từ một nhà trú ẩn nằm đâu đó tại Gravesend này. Tuy giờ gã đã chết nhưng tên tòng phạm, tay xạ thủ, vẫn còn ở ngoài kia. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra nơi trú ẩn của chúng và phải thật nhanh.” “Anh có một cái tên không?”, một trong các cảnh sát Đặc khu hỏi. “Nghi phạm, kẻ đã chết, là một John Doe”, Parker nói và giơ bức ảnh lên. “Xạ thủ có biệt danh. Hắn là Digger. Tất cả chỉ có thế. Mô tả về hắn đăng ở cuối bức ảnh.”
Parker nói tiếp, “Các bạn có thể thu hẹp phạm vi truy hỏi một chút. Ngôi nhà trú ẩn này có lẽ sẽ nằm gần một công trường phá dỡ hay xây dựng nào đó và cách nghĩa trang không xa. Gần đây, nghi phạm đã mua loại giấy này…”. Parker giơ chiếc túi bóng kính đựng lá thư tống tiền và phong bì lên. “Loại giấy này đã bị mặt trời chiếu vào, tức là có khả năng nghi phạm mua nó từ một quầy hàng trưng bày văn phòng phẩm bên trong hoặc gần một cửa sổ hướng nam. Vậy nên, mọi người hãy tới mọi cửa hàng tiện lợi, hàng thuốc, hàng tạp phẩm và quầy báo có bán giấy viết. Ồ, nhớ tìm cả loại bút gã dùng nữa. Đó là một chiếc bút bi AWI mực đen. Có lẽ giá tầm ba mươi chín hay bốn mươi cent gì đấy!”
Anh chỉ có thể nghĩ ra đến đó. Với một cái gật đầu, anh nhường sân lại cho Lukas. Cô bước lên đứng trước các đặc vụ. Nhìn khắp một lượt trong im lặng cho đến khi tất cả bọn họ đều chú ý vào mình. “Nghe này! Đúng như đặc vụ Jefferson đã nói, tuy nghi phạm đã chết nhưng chắc chắn xạ thủ vẫn còn sống. Chúng ta không biết hắn có mặt ở Gravesend hay không và cũng chẳng biết hắn có sống trong nhà trú ẩn này không. Nhưng tôi muốn tất cả mọi người ở đây hãy cứ đinh ninh rằng hắn chỉ đang ở sau các bạn chừng ba mươi mét và có tầm ngắm rõ ràng. Hắn chẳng ngại bắn hạ các sĩ quan cảnh sát đâu. Vì vậy, trong lúc di chuyển ở khu vực này, tôi muốn tất cả mọi người phải tìm kiếm các vị trí phục kích. Tôi muốn bên tay cầm vũ khí của các bạn phải rảnh, tất cả khuy áo khoác và áo choàng đều mở, bao súng không được khóa”.
Cô ngừng nói một lát. Giờ cô đã có sự chú ý toàn diện của tất cả mọi người. Chính cô gái gầy gò với mái tóc gần như bạch kim này.
“Lúc tám giờ tối nay, phải, chỉ còn hơn hai tiếng nữa thôi, thủ phạm sẽ tìm một nơi nào đó đông người và xả rỗng băng đạn lần nữa. Giờ, tôi không muốn phải làm việc ở hiện trường ấy hay phải nhìn vào đôi mắt của một người vừa mất đi cha mẹ hay con cái. Tôi không muốn phải nói với họ rằng tôi rất tiếc nhưng chúng ta chẳng thể tìm được tên quái vật trước khi hắn lại giết người. Rằng chuyện này sẽ không lặp lại nữa. Tôi sẽ không để sự việc ấy xảy ra. Các bạn cũng vậy.”
Parker thấy mình bị cuốn theo những lời nói cương quyết và đều đều của cô. Anh nghĩ về bài phát biểu của Hội huynh đệ trong tác phẩm Henry V của Shakespeare, chính là lần đầu tiên Robby được nhìn thấy rạp hát. Thằng bé thuộc lòng bài ấy chỉ trong vòng một ngày, sau khi họ trở về từ Trung tâm Kennedy.
“Được rồi”, Lukas nói. “Có ai cần hỏi gì không?”
“Có thông tin gì thêm về vũ khí của hắn không?”
“Hắn được trang bị một khẩu Uzi tự động với những băng đạn rất dài và một ống giảm thanh. Chúng ta không còn thông tin nào khác”.
“Chúng tôi được tự do hành động đến mức nào?”, một đặc vụ hỏi.
“Để bắn hạ xạ thủ ư?”, Lukas trả lời. “Tự do tuyệt đối. Còn gì khác không?” Không ai giơ tay. “Được rồi. Chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp. Tôi không muốn ai nói nhăng nói cuội gì cả. Đừng báo cáo nếu các bạn chưa tìm được gì. Tôi không quan tâm chuyện đó. Chỉ cần nhìn thấy nghi phạm, lập tức gọi hỗ trợ, dọn dẹp bối cảnh và tiếp cận mục tiêu. Giờ thì đi tìm ngôi nhà đó cho tôi.”
Bất thần Parker rất cảm động vì những lời lẽ ấy. Đã nhiều năm rồi, anh chưa khai hỏa một lần nào nhưng đột nhiên, giờ chính anh cũng muốn dự phần vào việc tiêu diệt Digger.
Lukas chia dần các đặc vụ và cảnh sát tới từng phần của Gravesend mà cô muốn họ kiểm tra, Parker thấy rất ấn tượng; cô có một cảm giác rất đáng nể về địa lý khu vực này. Anh chợt nghĩ, vài người đúng là sinh ra để làm cảnh sát.
Một nửa số đặc vụ đã bắt đầu tản ra, đi bộ; nửa khác thì lên ô tô và lái đi. Chỉ còn lại Cage, Lukas cùng Parker đứng trên vỉa hè. Cage gọi điện thoại. Ông nói chuyện một lúc rồi cúp máy.
“Tobe lấy được xe MCP rồi. Họ đang trên đường đến. Cậu ta đang phân tích cuộn băng thu được ở nhà hát. Ồ, cả nhà tâm lý học từ Georgetown cũng đang trên đường tới.”
Hầu hết đèn đường đều không sáng, vài cái còn có vẻ bị đạn bắn vỡ. Đèn neon của vài cửa hiệu vẫn còn đang mở chiếu ánh sáng xanh nhờ xuống mặt đường. Hai đặc vụ đang đi hỏi dọc con phố. Cage nhìn quanh và thấy có hai chàng trai đang xoa tay trên một thùng đầu đốt lửa. Cage nói, “Tôi sẽ đến nói chuyện với chúng”. Ông đi vào bãi đất ấy. Có vẻ như bọn chúng muốn bỏ đi nhưng lại nghĩ làm vậy sẽ càng đáng nghi hơn. Mắt chúng khóa vào ngọn lửa trong lúc ông bước tới và cả hai cùng im lặng.
Lukas gật đầu về phía quầy bán pizza cách đó nửa dãy nhà. “Tôi sẽ mua một cái”, cô nói với Parker. “Anh muốn ở đây chờ Tobe và nhà tâm lý học không?”
“Có chứ.”
Lukas đi ra phố, bỏ lại Parker một mình.
Nhiệt độ tiếp tục xuống thấp. Không khí lúc này đã có thêm chút giá lạnh mà anh vô cùng yêu thích khi mỗi độ thu sang: Nó gợi nhớ đến ký ức về việc lái xe đưa lũ trẻ tới trường trong khi đang cầm trên tay những cốc chocolate nóng hổi, đi mua sắm cho tiệc tối Lễ tạ ơn, chọn bí ngô ở hạt Loudon. Nhưng đêm nay, anh chỉ cảm nhận được duy nhất sự buốt lạnh ở sống mũi và hai bên tai cùng các đầu ngón tay; cảm giác ấy chẳng khác gì vết rạch của dao cạo. Anh nhét hai bàn tay vào sâu trong túi áo.
Có lẽ vì hầu hết các đặc vụ đều đã rời đi, dân địa phương đang bắt đầu trở lại hè phố. Cách đó hai dãy nhà, một người đàn ông không có gì đáng chú ý trong áo khoác sẫm màu bước ra khỏi một quán bar và lừ lừ đi tới vòm cổng của quầy đổi tiền từ séc, Parker đoán là để đi tiểu.
Một người phụ nữ cao, hay một gã đàn ông thích mặc váy, rõ ràng là gái điếm, bước ra khỏi con hẻm nơi cô ta đang đứng chờ đám đông di tản.
Ba thanh niên da màu hiện ra từ một đoạn đường có mái vòm, vừa khui chai rượu mạch nha Colt 45 vừa cười rũ rượi khi biến mất vào trong ngõ.
Parker quay đi và vô tình liếc sang bên kia phố.
Anh trông thấy một cửa hàng giá rẻ mà lúc đầu anh chẳng hề để ý. Nó đã đóng cửa. Nhưng rồi anh trông thấy mấy chiếc hộp bày văn phòng phẩm rẻ tiền trên giá gần quầy thu ngân. Có thể nào đây chính là nơi nghi phạm đã mua giấy và phong bì để viết thư không?
Anh bước đến cửa hàng và nhìn qua lớp kính mờ xỉn, khum tay lại để tránh ánh sáng của ngọn đèn đường gần đó vẫn đang còn hoạt động, cố gắng nhìn vào các cọc giấy. Tay run lên vì lạnh. Bên cạnh anh, một chú chuột đang bới đống rác. Parker Kincaid nghĩ, “Thật là điên rồ”. Mình chẳng có việc gì ở đây cả.
Thế nhưng anh vẫn giơ ống tay áo của mình lên, dùng cổ tay áo phao tỉ mỉ lau sạch lớp kính trước, y như người chuyên lau kính cửa sổ, để có tầm nhìn rõ hơn vào hàng hóa bên trong.