Một chiếc xe tải dã ngoại hiệu Winnebago rẽ vào đường phố khu Gravesend.
Đó chính là MCP. Trạm điều hành di động. Trên xe dán chi chít các kiểu quảng cáo: BẮC CAROLINA. BIỂU DIỄN XIẾC CHÓ AKC. CẢNH BÁO: TÔI ĐẠP PHANH VÌ NHỮNG SỢI RUY BĂNG MÀU XANH. BUÔN CHÓ BRIARD1.
Anh tự hỏi những miếng dán này là cố ý, để đánh lạc hướng bọn tội phạm ngu ngốc, hay Cục đã mua lại chiếc xe từ một nhà phối giống thực sự.
Khi chiếc xe tải đi chậm lại bên lề đường, Lukas liền ra hiệu cho Cage cùng Parker vào trong. Chỉ cần ngửi một chút, anh đã nhận ra nó từng thuộc về người nuôi chó. Tuy nhiên, đối với một Parker đang run bần bật vì cái lạnh bên ngoài cùng nỗi sợ mà tay thám tử tư mang đến, bên trong thật ấm áp và anh thấy mừng vì được thoát khỏi cơn buốt giá đó.
Ngồi trước một bảng điều khiển máy tính không ai khác chính là Tobe Geller. Cậu ta đang nhìn chằm chằm vào màn hình video. Hình ảnh trên đó đã bị vỡ thành hàng ngàn pixel, một bức tranh ghép trừu tượng. Cậu ta gõ vào các phím, di chuyển con chuột trên máy tính và gõ các câu lệnh.
Thanh tra Len Hardy ngồi gần đó còn c. p. Ardell trong chiếc quần bò cỡ bốn tư thì bị nhét vào một trong những chiếc bàn cạnh tường. Nhà tâm lý học từ Đại học Georgetown vẫn chưa đến.
“Đoạn băng từ vụ Mason”, Geller nói mà không thôi nhìn màn hình.
“Có gì thú vị không?”, Lukas hỏi.
“Chưa có gì nhiều”, viên đặc vụ trẻ lẩm bẩm. “Chưa có. Đây là ảnh toàn cảnh theo thời gian thực của nó.”
Cậu ta bấm vài phím và thu nhỏ ảnh lại để có thể thấy rõ. Đó là khung cảnh mờ nhạt của nội thất trong nhà hát, vừa bị giật lại vừa nhòa. Mọi người đang tháo chạy và nháo nhào tìm chỗ nấp.
“Khi Digger bắt đầu xả súng”, c. p. giải thích, “một vị khách du lịch trong đám khán giả đã bật máy quay phim lên”.
Geller gõ thêm vài phím nữa và hình ảnh hơi sáng lên một chút. Rồi cậu ta cho dừng hình.
“Kia à?”, Cage hỏi và chạm tay vào màn hình. “Hắn đó à?”
“Vâng”, Geller nói. Cậu ta lại gõ, để hình ảnh ở chế độ quay chậm.
Parker gần như không thấy gì đặc biệt. Màn hình bắt đầu tối mù và chiếc máy quay bị nảy lên nảy xuống trong lúc người quay phim đi tìm chỗ nấp. Khi từng khuôn hình trôi qua trong chuyển động quay chậm, anh thấy ánh sáng mờ của khẩu súng bị khai hỏa giữa một vệt mờ tối mà Geller xác định là Digger.
Hardy nói, “Gần như còn đáng sợ hơn vì chẳng thể nhìn rõ chuyện gì đang xảy ra”.
Parker âm thầm đồng ý với anh ta. Lukas chỉ nhìn chăm chú vào màn hình trong lúc vươn người tới trước.
Geller tiếp tục, “Đây, cái này gần như là khoảnh khắc rõ nét nhất”. Khuôn hình đứng lại. Hình ảnh được phóng to nhưng điểm ảnh càng lớn thì họ càng chẳng định hình được gì. Chẳng bao lâu sau, màn hình chỉ còn là một mớ hỗn độn những ô vuông đen trắng. “Tôi đang cố tăng độ nét để trông rõ mặt hắn. Chín mươi phần trăm hắn là người da trắng. Nhưng đó là tất cả những gì chúng ta có thể nói được”.
Parker đã trông thấy gì đó. “Quay lại lần nữa đi”, anh nói. “Chậm thôi.”
Trong lúc Geller gõ phím, các ô vuông nhỏ lại và hợp thành một khối.
“Dừng lại”, Parker ra lệnh.
Đó là hình Digger chiếu từ ngực trở lên.
“Nhìn cái đó kìa.”
“Cái gì cơ?”, Lukas hỏi.
“Tôi chả thấy gì cả”, Hardy vừa nói vừa nheo mắt.
Parker gõ vào màn hình. Ở giữa ngực của Digger là vài điểm ảnh sáng hẳn, bao quanh là những điểm ảnh tối hơn một chút hình chữ V, đến lượt mình, chúng lại được bao quanh bằng các điểm ảnh rất tối.
“Đó chỉ là ánh sáng phản chiếu”, Lukas lẩm bẩm, lơ đãng và sốt ruột. Cô nhìn đồng hồ.
Parker khăng khăng, “Nhưng ánh sáng phản chiếu trên cái gì mới được?”.
Họ cùng nhìn một lúc. Rồi, “Ha”, Geller nói, khuôn mặt điển trai giãn ra thành một nụ cười. “Tôi hiểu rồi.”
“Cái gì Tobe?”, Parker hỏi.
“Anh có phải người Công giáo ngoan đạo không, Parker?”
“Không.” Anh là người theo Giáo hội Trưởng lão đã lỗi thời, nhưng lại thấy thuyết thần học trong Chiến tranh giữa các vì sao còn dễ chấp nhận hơn hầu hết các tôn giáo khác.
“Tôi có đi học ở trường dòng Tên (còn gọi là dòng chúa Jêsu), Hardy nói, “”nếu điều đó giúp ích được gì””.
Nhưng Geller vốn chẳng quan tâm đến tiểu sử tôn giáo của ai. Cậu ta đẩy người qua không gian chật chội trên chiếc ghế xoay của mình. “Thử xem nhé!” Cậu ta mở ngăn kéo và lôi ra một chiếc máy chụp ảnh nhỏ, đưa nó cho Parker. Geller cắm nó vào máy tính. Sau đó cậu ta bẻ thẳng một chiếc kẹp giấy thành hình chữ X, cởi hai khuy áo sơ mi của mình và gắn kẹp giấy lên ngực. “Chụp đi”, cậu ta nói.
“Cứ bấm cái nút kia kìa”..
Parker làm theo và trả lại chiếc máy chụp ảnh. Geller quay sang máy tính, gõ gõ và một bức ảnh thiếu sáng của chàng đặc vụ hỉện lên trên màn hình. “Anh chàng đẹp mã”, Geller nói. Cậu ta gõ thêm nhiều phím, giữ nguyên chiếc kẹp giấy màu bạc ở trung tâm khuôn hình trong lúc phóng to ảnh. Hình ảnh biến thành một mớ hỗn độn nhưng y hệt các ô vuông phát sáng trên bức ảnh Digger.
“Điểm khác biệt duy nhất”, Geller chỉ ra, “là điểm sáng của hắn có ánh vàng. Vậy tức là cậu bé của chúng ta đang đeo một cây Thánh giá bằng vàng”.
“Thêm câu đó vào mô tả nhân dạng của chúng ta, rồi gửi đi”,
Lukas ra lệnh. “Và bảo với họ chúng ta xác nhận hắn là người da trắng.” Cage gọi điện đàm cho Jerry Baker để thông báo và yêu cầu anh ta truyền tin tức cho các đặc vụ đang đi hỏi từng nhà.
Đặc điểm nhận dạng duy nhất của tên Digger: Hắn đeo một cây Thánh giá.
Hắn có phải người theo đạo không? Hay đó chỉ là vật lấy may?
Hay hắn đã giật lấy nó từ xác một nạn nhân nào đấy để làm chiến lợi phẩm?
Điện thoại của Cage reo vang. Ông nghe điện rồi tắt máy. Nhún vai đầy thất vọng. “Người quen của tôi bên FAA. Họ đã gọi đến mọi tổng đài cố định trong khu vực để tìm hiểu vể các nơi cho thuê trực thăng. Một nam giới phù hợp với nhận dạng của nghi phạm đã ký hợp đồng thuê chiếc trực thăng của một công ty ở Clinton, Maryland. Gã nói mình tên là Gilbert Jones.”
“Jones à?”, c. p. hỏi một cách châm biếm. “Ý tôi là, chết tiệt, đó là tên chúng ta gọi hắn ngay từ đầu mà.”
Cage nói tiếp, “Gã trả tiền mặt. Đáng lẽ phi công phải nhận một gói hàng ở Fairfax rồi đi tiếp khoảng một tiếng nữa, nhưng Jones chưa nói cho anh ta biết là đi đâu. Đáng lẽ gã sẽ gọi đến để chỉ dẫn cho phi công lúc mười rưỡi sáng nay. Nhưng gã chẳng bao giờ gọi. Đã kiểm tra phi công, không vấn đề gì”.
“Jones có cho anh ta địa chỉ hay số điện thoại nào không?”
Cái nhún vai của Cage nói rằng, gã có cho nhưng cả hai đều là giả.
Cửa mở ra và một người đàn ông khoác áo FBI gật đầu với Lukas.
“Chào Steve”, cô nói.
“Đặc vụ Lukas. Tiến sĩ Evans đang ở đây. Từ Georgetown.”
Nhà tâm lý học.
Người đàn ông bước vào trong. “Xin chào”, ông ta nói. “Tôi là John Evans”. Ông ta có vẻ thấp bé hơn vẻ bình tĩnh thể hiện qua giọng nói trầm ấm của mình. Mái tóc đen được cắt ngắn đã điểm bạc cùng bộ râu được tỉa tót gọn gàng. Parker ngay lập tức cảm thấy mến ông ta. Nụ cười của ông ta rất thoải mái, giống như cách ông ta mặc bộ áo len xám và quần vải bông vậy. Ông ta khoác trên vai chiếc ba lô nặng trịch đã cũ mòn thay vì mang cặp táp. Đôi mắt rất nhanh nhẹn và quan sát tỉ mỉ tất cả mọi người trong xe trước cả khi bước qua hẳn ngưỡng cửa.
“Rất cám ơn ông đã tới”, Lukas nói với ông ta. “Đây là đặc Vụ Cage và đặc vụ Geller. Đặc vụ Ardell ngồi ở kia. Thanh tra Hardy. Tên tôi là Lukas.” Cô liếc sang Parker, anh gật đầu ra hiệu chấp nhận gọi tên thật. “Đây là Parker Kincaid, anh ấy là chuyên gia phân tích tài liệu từng làm việc cho Cục”. Cô nói thêm, “Việc anh ấy ở đây là thông tin mật và chúng tôi rất biết ơn nếu ông không nhắc tới chuyện ấy”.
“Tôi hiểu”, Evans nói. “Tôi cũng làm rất nhiều công việc nặc danh. Tôi định lập một website nhưng cho là mình sẽ gặp nhiều kẻ quái gở.” Ông ta ngồi xuống. “Tôi đã nghe về vụ ở Nhà hát Mason. Chính xác thì đang có chuyện gì vậy?”
Cage tóm tắt các vụ xả súng, cái chết của nghi phạm, bức thư tống tiền và tên sát thủ cho ông ta.
Evans nhìn vào bức ảnh xác chết của nghi phạm. “Vậy là các ông đang cố tìm xem tên tòng phạm sẽ tấn công nơi nào tiếp theo?”
“Chính xác”, Lukas nói. “Chúng tôi chỉ cần mười lăm phút là có thể tập hợp một đội tác chiến tới địa điểm ấy để bắt hắn. Nhưng chúng tôi cần cái mười lăm phút đó. Chúng tôi phải có lợi thế ấy mới được.”
Parker hỏi, “Ông đã từng nghe cái tên Digger rồi à?”.
“Tôi có một cơ sở dữ liệu về tội phạm khá lớn. Khi mới nghe về vụ này, tôi đã tìm hiểu. Ở Califomia hồi những năm Năm mươi, có một người đàn ông. Sát hại bốn người nhập cư. Biệt danh của hắn là Gravedigger. Hắn đã bị giết trong tù sau khi vào đó được vài tháng. Hội Obispo. Không thuộc về một băng đảng nào hay cái gì đại loại như vậy. Vài thành viên của một gánh hát tên là Diggers ở San Francisco hồi những năm Sáu mươi thường bị bắt vì trộm cắp vặt, đa số chỉ ăn trộm ở cửa hàng. Không có gì nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có một nhóm đua xe ở Scottsdale có tên là Gravedigger. Chúng có dính dáng đến một loạt các vụ tấn công ác ý, nhưng đã giải tán từ giữa những năm Bảy mươi và tôi không còn lưu lại hồ sơ nào về bất kỳ thành viên nào trong băng ấy.”
Lukas nói với Geller, “Gọi Sở cảnh sát Scottsdale và xem còn chút gì lưu lại về họ không”. Viên đặc vụ liền thực hiện cuộc gọi ngay.
Đôi mắt Evans cẩn trọng nghiên cứu những thiết bị trong xe, dừng lại một chút trên bức ảnh nghi phạm trong nhà xác rồi nhìn lên. “Hồ sơ về tên Digger đơn độc duy nhất là một người Anh từ thời kỳ 1930. John Bamstall. Hắn ta là một nhà quý tộc, tử tước hay gì đó. Sống ở Devon. Hắn ta tuyên bố mình đã có gia đình nhưng lại chỉ sống có một mình. Hóa ra, Bamstall đã giết chết vợ con lẫn hai hay ba nông dân quanh đó. Hắn ta đào một hệ thống đường hầm bên dưới dinh thự của mình và giữ những cái xác ở đó. Ướp xác họ.”
“Eo ôi”, Hardy lẩm bẩm.
“Vì thế báo chí đã gọi ông ta là Digger (Kẻ đào bới) bởi những đường hầm. Một nhóm tội phạm ở London hồi những năm Bảy mươi đã lấy tên này từ ông ta nhưng chúng chỉ là loại tép riu.”
“Có khả năng”, Lukas hỏi, “tên nghi phạm hoặc chính bản thân Digger đã nghe nói về Bamstall không? Rồi dùng hắn ta như một loại thần tượng”.
“Ở thời điểm này tôi không nói chắc được. Tôi cần thêm thông tin. Chúng ta phải xác định khuôn mẫu hành vi của chúng đã.”
Khuôn mẫu, Parker chợt nhớ. Phát hiện ra những khuôn mẫu lặp đi lặp lại trong các tài liệu nghi vấn chính là cách duy nhất để phân biệt thật giả: góc nét hất khi viết các chữ cái, điểm đầu và cuối cùa các nét phẩy phút, hình dạng mẫu tự bên dưới của các chữ cái kéo dài như y, g và mức độ run tay. Người ta không thể nào phát hiện một tài liệu là giả nếu nó chỉ đứng một mình. Anh nói với Evans, “Có một điều ông nên biết, đây có thể không phải lần đầu tiên Digger và tòng phạm của hắn làm việc này”.
Lukas nói, “Một nhà báo tự do đã liên hệ với chúng tôi. Anh ta tin rằng vụ xả súng chỉ là một phần trong công thức thực hiện các tội ác tương tự”.
“Ở đâu?”
“Boston, ngoại ô New York và Philadelphia. Luôn luôn giống nhau: Cướp bóc hoặc tống tiền mới là tội ác chính, còn các vụ giết người chiến thuật chỉ là để hỗ trợ cho chúng.”
Evans hỏi, “Chúng nhắm vào tiền à?”.
“Đúng vậy”, Parker nói. “À, cũng có một lần là nhắm vào trang sức.”
“Vậy thì có vẻ chẳng liên quan gì đến Bamstall. Bệnh án của hắn ta có lẽ là chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng, không phải loại hành vi phản xã hội chung chung như thủ phạm của các vị. Nhưng tôi cũng muốn biết thêm về các tội ác ở những thành phố khác. Và tìm hiểu một chút về phương thức hành động của chúng ngày hôm nay”.
Hardy nói, “Việc chúng tôi đang làm ở đây là cố gắng tìm nơi trú ẩn của chúng. Ở đó có thể có rất nhiều thông tin”.
Lukas lắc đầu thất vọng, “Tôi đã hy vọng cái tên Digger mang một ý nghĩa nào đó. Tôi tưởng nó là chìa khóa”.
Evans nói, “Ồ, vẫn có thể chứ, nếu chúng ta có thêm dữ liệu. Tin tốt là cái tên ấy không phổ biến lắm. Nếu tên tòng phạm, kẻ đã chết ấy, nghĩ ra cái tên Digger, điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu ít nhiều về gã. Nếu biệt danh ấy thuộc về chính Digger thì nó cũng nói lên ít nhiều về hắn. Cô hiểu không, việc đặt tên, cách chọn biệt danh, rất quan trọng trong quá trình lập hồ sơ tâm lý”.
Ông ta nhìn sang Parker. “Chẳng hạn như khi anh và tôi tự miêu tả mình là ‘những cố vấn’ thì bản thân việc đó đã ít nhiều ám chỉ về mặt tâm lý. Chúng ta nói rằng chúng ta sẵn lòng từ bỏ chút quyền kiểm soát đối với tình huống, đế đổi lại một sự tách biệt nhất định khỏi trách nhiệm và hiểm nguy.”
Chính xác một trăm phần trăm, Parker nghĩ.
“Các vị biết đấy”, Evans nói, “Tôi rất sẵn lòng ở lại một lát”. Ông ta lại cười lớn, hếch cằm về phía bức ảnh người chết. “Trước đây, tôi chưa từng phân tích xác chết nào. Hẳn là một thách thức thú vị”.
“Chắc chắn chúng tôi cần thêm sự trợ giúp rồi”, Lukas nói. “Tôi rất biết ơn ông.”
Evans mở ba lô và lôi ra một bình giữ nhiệt rất to. Ông ta mở nắp rồi rót thứ cà phê màu đen vào cái nắp. “Tôi bị nghiện”, ông ta nói rồi mỉm cười, “Tôi cho là một nhà tâm lý học không nên thú thực điều gì tương tự. Có ai muốn uống không?”.
Tất cả đều từ chối nên Evans cất chiếc bình đi. Vị tiến sĩ lấy điện thoại ra gọi cho vợ để báo rằng mình sẽ làm việc khuya.
Việc ấy nhắc Parker nhớ đến bọn Who và anh cũng phải gọi điện về nhà.
“Xin chào?”, giọng ấm áp của bà Cavanaugh hỏi khi trả lời điện thoại.
“Cháu đây ạ”, Parker nói. “Pháo đài thế nào rồi ạ?”
“Chúng nó sắp làm tôi phá sản rồi đấy. Lại còn chỗ tiền Chiến tranh giữa các vì sao này nữa. Tôi chẳng hiểu cái gì là bao nhiêu cả. Chúng nó cố tình làm tôi lẫn lộn.” Tiếng cười của bà hòa với tiếng bọn trẻ, hẳn chúng đang ở gần bà.
“Robby thế nào ạ?”, Parker hỏi. “Nó vẫn buồn à?”
Giọng bà trầm xuống, “Vài lần nó cũng tư lự đấy nhưng Stephie và tôi đã kéo nó ra khỏi cơn ủ dột. Chúng rất mong cậu về trước nửa đêm”.
“Cháu sẽ cố. Joan có gọi điện không ạ?”
“Không.” Bà Cavanaugh cười lớn. “Điều buồn cười là, Parker… Nếu cô ta có gọi và tôi vô tình trông thấy tên cô ta hiện lên, tôi có thế sẽ bận đến nỗi không thể trả lời. Rồi cô ta sẽ nghĩ rằng ba bố con đang đi xem phim hoặc tới Ruby Tuesday ăn salad. Cậu thấy sao?”
“Cháu rất vui, bà Cavanaugh ạ.”
‘Tôi cũng nghĩ vậy. Cái hiển thị số gọi đến ấy đúng là phát minh vĩ đại nhỉ?”
“Ước gì cháu có bằng sáng chế cái đó”, anh nói với bà. ”Cháu sẽ gọi lại sau.”
Họ cúp máy.
Cage đã nghe lỏm được. Ông hỏi, “Thằng bé nhà anh ổn chứ?”.
Parker thở dài. “Nó không sao. Chỉ là có nhiều ký ức tồi tệ từ… ông biết đấy, mấy năm trước”.
Evans nhướng một bên lông mày, Parker liền nói với ông ta, “Hồi tôi còn làm ở Cục, có một nghi phạm đã đột nhập vào nhà chúng tôi”. Anh để ý thấy cả Lukas cũng đang lắng nghe.
“Con anh thấy hắn à?”, Evans hòi.
Parker nói, “Tên tội phạm định chui vào nhà qua cửa sổ phòng nó mà”.
“Chúa ơi”, c. p. lẩm bẩm. “Tôi ghét những chuyện tồi tệ xảy ra cho bọn trẻ. Ghét thậm tệ.”
“PTSD à?”, Lukas hỏi.
Rối loạn stress sau sang chấn. Parker đã rất lo là thằng bé sẽ bị như vậy và đưa nó tới gặp một chuyên gia. Mặc dù vậy, bác sĩ đã trấn an anh rằng vì hồi ấy Robby còn rất nhỏ, lại chưa thực sự bị Người chèo thuyền làm tổn hại gì, nên có thể thằng bé sẽ không bị hội chứng trên.
Parker giải thích như vậy và nói thêm, “Nhưng vụ việc ấy xảy ra ngay trước Giáng sinh. Nên cứ vào thời khắc này trong năm, thằng bé thường nhớ lại nhiều hơn các dịp khác. Ý tôi là, nó vẫn vượt qua được. Nhưng..
Evans nói, “Nhưng anh thà đánh đổi mọi thứ để chuyện ấy chưa từng xảy ra”.
“Chính xác”, Parker khẽ nói, nhìn khuôn mặt căng thẳng của Lukas và tự hỏi tại sao cô lại biết đến chứng rối loạn này.
Nhà tâm lý học hỏi, “Mặc dù vậy, tối nay, thằng bé ổn chứ?”.
“Ổn. Chỉ là lúc chiều có hơi hoảng một chút.”
“Tôi cũng có con trai”, Evans nói rồi nhìn Lukas, “Cô có con chưa?”.
“Chưa”, cô nói “Tôi không kết hôn.”
Evans nói với cô, “Như thể cô mất đi một phần tâm trí khi cô có con. Chúng đánh cắp phần ấy và không bao giờ trả lại. Cô sẽ luôn lo lắng khi chúng buồn, lạc lối hay đau khổ”.
“Thế sao?”, cô hỏi, một lần nữa bị phân tâm.
Evans quay sang lá thư và sau đó là cả khoảng im lặng dài. Geller gõ liên tục trên bàn phím. Cage thì gập người bên bản đồ. Lukas nghịch một lọn tóc vàng của mình. Cử chỉ ấy đáng lẽ ra sẽ rất duyên dáng và hấp dẫn, chỉ có điều đôi mắt cô lạnh tanh. Dường như cô đang ở một nơi nào khác.
Geller khẽ ngồi thẳng lại khi màn hình của cậu ta lóe sáng. “Có báo cáo từ Scottsdale…” Cậu ta đọc màn hình. “Được rồi, được rồi, sở cảnh sát có biết về băng Gravedigger này, nhưng họ không có liên lạc với ai liên quan đến vụ đó. Hầu hết đã về hưu. Giờ đều là người đàn ông của gia đình rồi.”
Lại một ngõ cụt khác, Parker nghĩ. Evans để ý thấy một tờ giấy khác và kéo về phía mình. Bản tin các tội ác chính về Gary Moss và vụ đánh bom ở nhà ông ấy.
“Ông ấy là một nhân chứng phải không?”, Evans hỏi. “Trong vụ bê bối về xây dựng trường công.” Lukas gật đầu.
Evans lắc đầu trong khi đọc. “Bọn sát nhân không thèm quan tâm nếu chúng giết cả các con ông ấy… Kinh khủng quá!” Ông liếc nhìn Lukas. “Hy vọng là họ được chăm sóc cẩn thận”, vị tiến sĩ nói.
“Moss đang được bảo vệ nghiêm ngặt ở trụ sở Cục còn gia đình ông ấy thì đã rời khỏi bang”, Cage bảo với ông ta.
“Giết cả trẻ em”, nhà tâm lý học vẫn lẩm bẩm trong khi đẩy bản ghi nhớ ra xa.
Rồi vụ án bắt đầu có biến chuyển. Parker nhớ rất rõ từ hồi anh còn làm trong đội hành pháp. Hàng giờ, thậm chí là nhiều ngày, chờ đợi; ấy thế mà đột nhiên, mọi đầu mối đều mang lại kết quả. Một tờ giấy trồi ra khỏi máy fax. Hardy đọc nó lên, “Từ Sở cấp phép Xây dựng. Các địa điểm phá dỡ và xây dựng ở Gravesend”.
Geller cho hiển thị tấm bản đồ khu vực trên màn hình lớn và đánh dấu màu đỏ vào các địa điểm Hardy đọc to lên. Có khoảng một tá.
Lukas gọi Jerry Baker và cho anh ta biết địa chỉ. Anh ta báo cáo lại là đã phân chia người về các nơi. Vài phút sau, một giọng nói vang lên trong loa của trạm chỉ huy. Đó là giọng Baker, “Nhóm trưởng Năm mới số Hai gọi Nhóm trưởng Năm mới số Một”.
“Nói đi”, Lukas đáp lại.
“Một thành viên trong đội s&s của tôi tìm được một cửa hàng tiện lợi. Mockingbird và Seventeenth.”
Tobe Geller lập tức đánh dấu ngã tư ấy trên bản đồ.
Làm ơn, Parker thì nghĩ. Làm ơn…
“Họ bán đúng loại giấy và bút như cô đã mô tả. Và quầy trưng bày hàng đối diện với cửa sổ. Một vài bọc giấy bị cháy nắng”.
“Đúng rồi!”, Parker thì thầm,
Cả đội vươn người tới, nhìn chằm chằm vào bản đồ trên màn hình của Geller.
“Jerry”, Parker nói, không buồn dùng tên ám hiệu như kiểu đội tác chiến vẫn thích, “một trong các địa điểm phá dỡ mà chúng tôi vừa đọc cho anh chỉ cách cửa hàng đó hai dãy nhà về phía đông. Trên đường Mockingbird. Anh cho đội viên đến đó hỏi xem”.
“Đã rõ. Nhóm trưởng Năm mới số Hai. Hết”.
Rồi một cuộc gọi khác đến. Lukas nhận và nghe máy. “Nói chuyện với anh ta đi!” Cô đưa điện thoại cho Tobe Geller.
Geller nghe máy và gật đầu. “Tuyệt lắm. Gửi đến đây, đường fax ưu tiên của trạm chỉ huy số Bốn nhé. Có số chưa? Tốt.” Cậu ta cúp máy và nói, “Lại đội Kỹ thuật. Họ đã có danh sách ISP của khu vực Gravesend”.
“Cái gì?”, Cage hỏi.
“Những người đăng ký thuê bao với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến”, Geller trả lời.
Tiếng máy fax vang lên và một tờ giấy khác trồi ra. Parker liếc nhìn nó rồi chán nản. Ở Gravesend có nhiều người đăng ký thuê bao hơn anh dự liệu rất nhiều, tới gần năm mươi người.
“Đọc to các địa chỉ lên xem”, Geller nói. “Tôi sẽ nhập vào hệ thống”. Hardy đọc. Geller nhanh như chớp trên bàn phím máy tính, ngay khi viên thanh tra đọc lên địa chỉ nào là một chấm đỏ lại hiện trên màn hình.
Hai phút sau tất cả đều đã được dánh dấu. Parker thấy nỗi lo của mình được hóa giải phần nào. Chỉ có bốn thuê bao nằm trong bán kính tám trăm mét từ cửa hàng tiện lợi và địa điểm phá dỡ.
Lukas gọi Jerry Baker và cho anh ta địa chỉ. “Tập trung vào bốn địa chỉ này. Chúng tôi sẽ gặp anh ở chỗ cửa hàng tiện lợi. Đó sẽ là khu vực trung tâm mới”.
“Rõ. Hết.”
“Đi thôi”, Lukas gọi người lái xe của trạm điều hành, một đặc vụ trẻ.
“Chờ đã”, Geller gọi. “Đi qua bãi đất này!” Cậu ta gõ vào màn hình. “Đi bộ sẽ nhanh hơn là ô tô. Chúng tôi sẽ lái qua đó đón cô.”
Hardy mặc áo khoác vào, nhưng Lukas lắc đâu. “Xin lỗi, Len… Chúng ta đã nói chuyện lúc nãy rồi còn gì? Tôi muốn anh ở lại trong trạm.”
Viên cảnh sát trẻ giơ cả hai tay lên nhìn vào Cage và Parker.
“Tôi muốn làm gì đấy.”
“Len, đây có thể là tình huống cần tác chiến. Chúng ta cần các nhà thương thuyết và các xạ thủ.”
“Anh ấy có phải xạ thủ đâu”, Hardy nói và gật đầu về phía Parker.
“Anh ấy bên pháp y. Anh ấy sẽ nằm trong đội khám nghiệm hiện trường.”
“Vậy là tôi lại tiếp tục ngồi đây mà nghịch ngón tay à. Phải thế không?”
‘Tôi xin lỗi. Vẫn phải như vậy thôi.”
“Thế nào chẳng được.” Lại cởi áo khoác ra và ngồi xuống.
“Cảm ơn anh”, Lukas nói. “C. p., anh cũng ở lại đây. Để mắt đến pháo đài.”
Parker đoán như thế nghĩa là đảm bảo Hardy không làm việc gì ngu ngốc. Viên đặc vụ to lớn đã hiểu được ẩn ý và gật đầu.
Lukas mở cửa xe. Cage bước ra. Parker mặc áo phao và đi theo viên đặc vụ lớn tuổi. Khi anh trèo ra ngoài, Lukas đã hỏi ngay, “Anh có…?”.
“Trong túi đây rồi”, anh trả lời ngắn gọn, vỗ vào khẩu súng như đảm bảo và bắt kịp Cage, lúc này ông đang đi ngang qua bãi đất mờ khói với nhịp độ chậm rãi.
o O o
Henry Czisman hớp một ngụm bia nhỏ.
Chắc chắn anh ta chẳng xa lạ gì với cồn, nhưng vào thời điểm đặc biệt này, anh ta muốn mình phải tỉnh táo hết sức có thể. Song nếu một người đàn ông đã ngồi vào quán bar ở Gravesend trong đêm Giao thừa, thì tốt nhất anh ta nên uống cái gì đấy, nếu không sẽ khiến tất cả mọi người ở đó thắc mắc.
Anh chàng to lớn đã ngồi tu chai Budweiser được nửa tiếng rồi. Czisman để ý thấy tên quán bar là Joe Higgins’. Anh ta khó chịu nghĩ rằng cái tên này là sai, căn cứ vào những kiến thức nhà báo của tôi. Chỉ có danh từ số nhiều mới dùng dấu nháy đơn để tạo thể sở hữu. Đáng lẽ tên của quán này phải là Joe Higgins’s.
Thêm một ngụm bia nữa.
Cửa mở ra và Czisman trông thấy vài đặc vụ bước vào. Anh ta đã tiên liệu trước sẽ có người vào đây để hỏi thăm, anh ta cũng rất lo đó có thể là Lukas hay Cage hay cái tay tư vấn kia, vì họ có thể nhận ra anh ta và tự hỏi sao anh ta lại bám theo họ. Nhưng những người này anh ta chưa gặp bao giờ.
Ông già mệt mỏi bên cạnh Czisman nói tiếp, “Thế là tôi đi. Cái hộp nứt ra. Tôi phải làm gì với cái hộp bị nứt đây? Anh bảo tôi phải làm gì?” Czisman chẳng biết trả lời sao. “Gee Wilikers. Anh ta nghĩ tôi phải làm cái quái gì, chẳng hiểu được?”
Czisman liếc nhìn người đàn ông gầy trơ xương đang mặc một chiếc quần xám đã rách và sơ mi tối màu. Tối ngày Ba mươi mốt tháng Mười hai mà ông ta chăng có nổi một cái áo khoác. Ông ta sống gần đây không nhỉ? Trên lầu chăng? Ông già đang uống một thứ rượu whiskey cỏ mùi như thuốc sát trùng.
“Không trả lời hả?”, Czisman hỏi, mắt vẫn đăm đắm nhìn vào các đặc vụ.
“Không. Và tôi bảo hắn là tôi sẽ dần hắn nhừ tử nếu không chịu đưa tôi cái hộp mới. Anh biết đấy?”
Czisman mua cho ông già da đen một cốc rượu, bởi vì trông sẽ ít đáng ngờ hơn khi nhìn một người da đen cùng một người da trắng chụm đầu cùng nhau bên ly bia và cốc whiskey nhầy nhụa trong một quán bar như Joe Higgins’, dù tên nó có đúng hay sai lỗi chính tả, so với cảnh gã da trắng ngồi uống một mình.
Nhưng khi bạn mua đồ uống cho ai đó, bạn sẽ phải để họ nói chuyện với mình.
Các đặc vụ đang mang một bức ảnh, có thể là ảnh tên tòng phạm đã chết của Digger, tới chiếc bàn có ba bà già người địa phương, lòe loẹt như những ả điếm ở Harlem.
Czisman nhìn qua người họ tới chiếc Winnebago đậu ở bên kia phố. Anh ta vẫn đang mai phục ngoài trụ sở FBI ở phố Ninth khi trông thấy ba đặc vụ vội vã ra ngoài, cùng cả tá người khác. Họ không chịu cho anh ta đi cùng nên anh ta đành tự sắp xếp cho mình. Tạ ơn Chúa là luôn có một đoàn xe hộ tống hay tương tự như vậy và anh ta chỉ việc đi theo, qua nhiều lần đèn đỏ, lái xe thật nhanh trong lúc nhá đèn, đó là việc mà các cảnh sát thông thường phải làm mỗi khi đi truy bắt nhưng không mang theo đèn hiệu. Họ đã túm tụm lại trên con phố gần quán bar, sau một hồi hội ý lại tỏa ra khắp hướng để truy vấn thông tin. Czisman đỗ xe bên đường và chui vào trong quán bar này. Chiếc máy ảnh kỹ thuật số nằm trong túi và anh ta đã bấm được vài kiểu cảnh các đặc vụ cùng cảnh sát hội ý. Sau đó thì chẳng còn gì để làm ngoài việc ngồi đây chờ. Anh ta tự hỏi họ đã tiến đến sát, gọi là gì nhỉ, hang ổ của tên Digger đến chừng nào rồi.
“Này”, ông già da đen nói, đến lúc này mới để tâm tới các đặc vụ. “Ai kia? Cảnh sát à?”
“Chúng ta sắp biết rồi.”
Một lát sau có người đi đến quầy bar. “Xin chào. Chúng tôi là đặc vụ liên bang.” Thẻ công vụ được trưng ra đúng luật. “Tôi muốn biết liệu ai trong hai người từng trông thấy tên này quanh đây chưa?”
Czisman nhìn bức ảnh kẻ đã chết mà anh ta từng thấy trong trụ sở FBI. Anh ta nói, “Chưa”.
Ông da đen nói, “Trông chết ngoéo rồi. Hắn chết chưa?”.
Viên đặc vụ hỏi, “Ông chưa gặp ai trông giống người này à?”.
“Chưa, thưa ngài.”
Czisman lắc đầu.
“Chúng tôi còn đang tìm một tên khác nữa. Hắn da trắng, khoảng tầm ba, bốn mươi tuổi. Mặc áo khoác tối màu.”
À, Digger đây mà, Henry Czisman nghĩ. Thật kỳ lạ khi nghe người ta mô tả về kẻ mình biết rõ được mô tả một cách khách quan như thế. Anh ta nói, “Nghe giống cả tá người quanh đây”.
“Đúng vậy. Đặc điểm nhận dạng duy nhất chúng tôi biết là hắn có đeo một cây Thánh giá bằng vàng. Và có thể, hắn có vũ khí. Hắn có lẽ sẽ nói chuyện về súng ống hay khoe mẽ về chúng.”
Digger chưa từng làm việc ấy, Czisman nghĩ. Nhưng anh ta không đính chính lại lời viên đặc vụ mà chỉ nói, “Tôi rất tiếc!”. “Tôi rất tiếc”, người đang uống rượu whiskey lặp lại.
“Nếu gặp hắn, các ông có thể gọi vào số này được không?” Viên đặc vụ đưa cho cả hai danh thiếp.
“Chắc chắn rồi.”
“Chắc chắn”
Khi các đặc vụ đã đi khỏi, bạn nhậu của Czisman nói, “Thế là thế nào nhỉ?”.
“Chả hiểu.”
“Lúc nào quanh đây cũng có chuyện. Ma túy đấy. Cá là ma túy. Thế là, tôi có chiếc xe tải với một hộp xi lanh vỡ. Chờ đã. Tôi kể anh nghe về cái xe của tôi chưa nhỉ?”
“Ông đang định làm vậy đấy”.
“Để tôi kể anh nghe về nó.”
Đột nhiên, Czisman nhìn kỹ người đàn ông bên cạnh mình và cảm nhận được sự tò mò xưa cũ đã lôi cuốn anh vào nghề báo từ nhiều năm trước. Khao khát được tìm hiểu mọi người. Không phải để khám phá họ, cũng chẳng phải để lợi dụng hay vạch trần họ. Chỉ là tìm hiểu và giải thích họ mà thôi.
Người đàn ông này là ai? Ông ta sống ở đâu? Ông ta mơ ước gì? Ông ta đã làm những việc can đảm như thế nào? Ông ta có gia đình không? Ông ta thích ăn gì? Có phải là một nhạc công hay họa sĩ giấu mặt không?
Đối với ông ta, tiếp tục sống cuộc đời hèn mọn như hiện nay có tốt hơn không? Hay ông ta nên chết luôn đi, ngay bây giờ, trước khi nỗi đau, hay sự thống khổ, hút ông ta xuống đáy vực?
Họ đang chạy.
Czisman vứt tiền xuống mặt quầy và đứng lên.
“Này, anh không muốn nghe chuyện chiếc xe của tôi à?”
Chẳng nói một lời, anh chàng to lớn nhanh nhẹn chạy về phía cửa, lao ra ngoài và bắt đầu chạy theo các đặc vụ khi họ đi qua những bãi đất ở Gravesend.