Lộc Đỉnh Ký

Hồi 163: Núi Lộc Đỉnh Bên Dòng Sông Hắc



Vi Tiểu Bảo đáp:
-Ta có bực mình gì đâu. Khinh công ta kém quá. Sư phụ dạy ta rất nhiều môn pháp mà ta học không nổi. Đến việc muốn bắt một cô bé cũng không xong thì làm đếch gì được? Song Nhi mỉm cười nói:
-Tướng công muốn ôm lấy tiểu tỳ thì dĩ nhiên tiểu tỳ phải cố chết né tránh. Vi Tiểu Bảo đột nhiên nhảy vọt lên la:
-Ta nhất định phải bắt cô cho bằng được mới nghe. Gã giang hai tay nhảy xổ lại. Song Nhi cười khanh khách, né mình tránh khỏi. Vi Tiểu Bảo giả vờ xô về mé tả, chờ cho Song Nhi đánh quá mé hữu, gã vươn tay ra nắm trúng được vạt áo thị. Song Nhi la lên một tiếng, nhưng sợ rách áo không dám cựa mạnh. Vi Tiểu Bảo liền đưa tay ôm lấy lưng thị, thị vẫn cười hì hì. Vi Tiểu Bảo hạ tay mặt xuống khuỷu chân Song Nhi, bồng thị lên đặt vào giường của gã. Song Nhi thẹn quá mặt đỏ như đóa hoa hồng, không ngớt la lên:
-Tướng công!… Tướng công… Vi Tiểu Bảo vừa cười vừa hỏi lại:
-Tướng công làm sao? Gã kéo chăn đắp lên mình thị rồi cúi xuống khẽ hôn vào má thị một cái và cười nói:
-Mau nhắm mắt lại, ngủ đi! Gã trở gót ra khỏi phòng, khép cửa lại, bụng bảo dạ:
-Con nha đầu này sợ ta nổi nóng, cố ý để cho ta ôm lấy. Vi Tiểu Bảo ra ngoài sảnh đường, bảo tên thân binh truyền lệnh cho một đội quân sĩ Kiêu Kỵ doanh phải đến canh gác phòng mình ngay lập tức. Mấy ngày liền, gã bận công việc lấy tiền bạc cùng lễ vật ở Vân Nam đem về đưa tặng cho các phi tần trong cung, các vương công đại thần, cùng tướng lãnh, thị vệ. Gã nghĩ bụng:
-Nếu ta nói tiền bạc lễ vật này của Ngô Tam Quế gửi tặng thì họ sẽ ơn hắn. Chi bằng lão gia tự lãnh lấy món nhân tình này. Thế là mấy chục vạn lạng vàng bạc biến thành lễ vật của Khâm sai đại thần, Kiêu Kỵ doanh phó Đô thống Vi Tiểu Bảo. Những người thu lễ vật dĩ nhiên hết sức tâng bốc quan Đô thống nhỏ tuổi. Trong cung vi cũng như ở triều đình, mọi người đều nói đức Hoàng thượng thánh minh sử dụng nhân tài rất đúng chỗ. Cả một chàng thiếu niên bé nhỏ cũng được đề bạt làm quan lớn rất đắc thể, quả nhiên chàng là một nhân vật tinh minh mẫn cán. Hàng ngày Song Nhi vẫn tiếp tục giáp những mảnh giấy vụn. Hễ tìm được mảnh nào ăn khớp thị lại dùng kim cắm vào tờ giấy trắng. Vi Tiểu Bảo cứ đến tối là vào coi lại thì thấy tấm đồ hình mỗi ngày một lớn. Trong đồ hình vẽ đủ địa thế núi sông và chua bằng chữ ngoằn ngoèo. Song Nhi nói:
-Đây là chữ ngoại quốc, tiểu tỳ cũng không hiểu. Vi Tiểu Bảo ở trong cung đã lâu. Tuy gã biết đây là chữ Mãn Châu, nhưng dù là chữ Hán gã cũng mù tịt. Bất luận trên đồ hình chua bằng văn tự nào, gã cũng chẳng để tâm. Đến tối ngày thứ mười tám, Vi Tiểu Bảo về nhà thấy mặt mũi Song Nhi hớn hở tươi cười, gã đưa tay ra sờ cằm thị hỏi:
-Có chuyện gì mà vui thế? Song Nhi đáp:
-Tướng công thử đoán coi. Đêm hôm qua lúc đi ngủ, Vi Tiểu Bảo thấy bức địa đồ còn hơn hai trăm mảnh chưa giáp xong. Việc giáp đồ hình, cứ giáp xong một mảnh thì phần còn lại ít đi một mảnh và lại dễ thêm một phần. Một vài ngày đầu công việc thật gian nan, hàng giờ chưa tìm được hai mảnh ăn khớp, càng về sau càng mau lẹ hơn. Vi Tiểu Bảo đã nghĩ đến chắc Song Nhi giáp xong bản đồ nên mới vui vẻ như vậy. Gã cười hỏi:
-Phải chăng cô đã làm được mấy tấm bánh chưng Triều Châu cho ta ăn? Song Nhi lắc đầu đáp:
-Không phải. Vi Tiểu Bảo hỏi:
-Thế thì cô lượm được một món bảo bối gì phải không? Song Nhi đáp:
-Không phải. Vi Tiểu Bảo hỏi:
-Hay là nghĩa huynh cô ở Quảng Đông đã gửi gì đến cho cô? Song Nhi đáp:
-Không phải. Đường sá xa xôi như vậy, làm sao mà gửi đồ tới được? Vi Tiểu Bảo nói:
-Thế thì thiếu nhưng nhưng ở Trang gia đưa tin đến rồi. Song Nhi lại lắc đầu, cặp lông mày nhíu lại, thị khẽ đáp:
-Thiếu nhưng nhưng ở Trang gia chẳng hiểu có bình yên không? Trong lòng tiểu tỳ thường thường nhớ tới y. Vi Tiểu Bảo reo lên:
-à! Ta biết rồi. Bữa nay là sinh nhật của cô. Song Nhi mỉm cười đáp:
-Không phải đâu! Sinh nhật của tiểu tỳ không phải là bữa nay. Vi Tiểu Bảo hỏi:
-Vậy sinh nhật cô vào hôm nào? Song Nhi đáp:
-Vào tháng 9… Đột nhiên thị đỏ mặt lên nói:
-Tiểu tỳ quên rồi. Vi Tiểu Bảo nói:
-Cô gạt ta. Có lý nào lại quên cả ngày sinh nhật của mình? Rồi gã nói tiếp:
-Phải rồi! Phải rồi! Nhất định là ông sư già ở chùa Thiếu Lâm là bạn hữu của cô đã đến viếng. Song Nhi cười khúc khích, lắc đầu lia lịa đáp:
-Tướng công thật khéo nói giỡn. Làm gì có ông sư nào bạn hữu với tiểu tỳ? Tướng công mới có bạn làm hòa thượng. Vi Tiểu Bảo gãi đầu gãi tai trầm ngâm một lúc rồi hỏi:
-Đoán thế này không phải, thế kia cũng không phải. Chà chà! Thật khó quá! Ban đầu ta đóan không biết có phải vì cô đã giáp xong đồ hình? Nhưng tối hôm qua ta thấy còn hai, ba trăm mảnh vụn thì dù nhanh đến đâu cũng phải mất năm, sáu bữa nữa. Cặp mắt Song Nhi chiếu ra những tia thần quang lộ vẻ vui mừng, thị mỉm cười hỏi lại:
-Thế mà tiểu tỳ bữa nay đã giáp xong rồi thì tướng công bảo sao? Vi Tiểu Bảo lắc đầu đáp:
-Cô muốn gạt ta ta cũng không tin. Song Nhi nói:
-Tướng công! Tướng công lại đây mà coi xem cái này là cái gì? Vi Tiểu Bảo theo thị đến bên bàn thì thấy trên bàn đã trải một mảnh vải trắng lớn. Trên mảnh vải có mấy ngàn mũi kim cắm những mảnh giấy vụn vào thành một bức đại địa đồ rất hoàn chỉnh. Một điểm đặc biệt là mấy nghìn mảnh giấy vụn giáp vào nhau mà không có lấy một mảnh thừa hay một mảnh thiếu. Vi Tiểu Bảo reo to một tiếng, xoay tay ôm cứng lấy Song Nhi, hô lớn:
-Việc lớn xong rồi phải hôn một cái. Gã nói rồi hôn vào môi thị. Song Nhi thẹn quá, mặt đỏ như gấc chín, thị ngảnh đầu đi, môi Vi Tiểu Bảo hôn vào trái tai thị. Song Nhi bị nhột, toàn thân nhủn ra. Thị kinh hãi la lên:
-Không… không… Vi Tiểu Bảo cười khanh khách buông thị ra. Gã cầm tay thị đứng sóng vai nhìn bức đồ hình, miệng tấm tắc không ngớt tán dương:
-Song Nhi! Nếu không có cô làm giúp ta việc này thì ta phải mất đến ba năm sáu tháng mà chưa chắc đã giáp xong. Song Nhi đáp:
-Tướng công còn bận trăm ngàn quốc gia đại sự, thì giờ đâu mà ngó đến cái việc vụng về này? Vi Tiểu Bảo nói:
-Trời ơi! Cái này mà bảo là việc vụng về ư? Đây là một công trình đòi hỏi nhiều thông minh nhất thiên hạ. Song Nhi nghe gã tán tụng rất lấy làm khoan khoái. Vi Tiểu Bảo trỏ vào bức đồ hình nói:
-Chỗ này là núi cao. Chỗ kia là sông lớn. Gã lại trỏ vào con sông lớn uốn khúc có khuyên tám vòng tròn đủ màu sắc, hỏi tiếp:
-Toàn thể bức địa đồ dều vẽ bằng mực đen. Tám vòng tròn này, cái thì màu đỏ, cái thì màu trắng, cái thì màu vàng, cái thì màu lam… à phải rồi! Đây là tám màu sắc về Bát Kỳ của người Mãn Châu. Vậy tám cái vòng nhỏ này nhất định có điều rất cổ quái, nhưng chưa biết núi đó là núi gì, sông kia là sông nào? Song Nhi lấy ra một tập giấy mỏng đến mấy chục tờ. Tờ nào cũng viết những văn tự Mãn Châu ngoằn nghèo. Thị đưa tập giấy cho Vi Tiểu Bảo. Vi Tiểu Bảo hỏi:
-Cái này là cái gì? Ai đã viết ra đây? Song Nhi đáp:
-Tiểu tỳ viết ra đó. Vi Tiểu Bảo vừa kinh ngạc vừa vui mừng nói:
-Té ra cô biết văn tự Mãn Châu? Thế mà mấy bữa trước cô gạt ta. Gã vừa nói vừa giang hai tay ra như muốn ôm lấy thị. Song Nhi vội né tránh cười đáp:
-Tiểu tỳ không gạt tướng công đâu, tiểu tỳ không biết chữ Mãn Châu thật, phải lấy giấy mỏng in lên đồ hình rồi cầm bút phóng lại. Vi Tiểu Bảo nói:
-Diệu kế chân diệu kế! Ta kêu một vị sư gia ở Mãn Châu đến coi rồi chua bằng chữ Trung Quốc của chúng ta vào là ai coi cũng biết trên đồ hình ghi chú những điều gì. Gã thích quá reo lên:
-Hảo Song Nhi! Bảo bối Song Nhi! Ngươi thật là người tâm cơ vi diệu. Cô biết bức đồ này quan hệ trọng đại, nên chia những chỗ chua chữ Mãn Châu thành mấy chục mảnh. Ta cũng chia ra để hỏi nhiều người cho khỏi tiết lộ cơ mật. Song Nhi mỉm cười đáp:
-Hảo tướng công! Thông minh tướng công! Tướng công vừa ngó qua đã đoán ra chỗ dụng ý của tiểu tỳ. Vi Tiểu Bảo cười nói:
-Việc lớn xong rồi phải hôn một cái. Song Nhi nghe gã nói vậy xoay mình nhảy vọt đi trốn ra phòng ngoài. Vi Tiểu Bảo ra ngoài sảnh đường sai thân binh đi kêu một tên chuyên viết bút thiếp người Mãn Châu ở Kiêu Kỵ doanh đến. Gã lấy ra một tờ giấy mỏng hỏi cho biết ý nghĩa của những chữ Mãn Châu trên tờ giấy này. Tên bút thiếp đáp:
-Phúc trình Đô thống đại nhân! Đó là Ngạch nhĩ cổ lạp hà, Tinh kỳ lý giang, Hô mã nhĩ oa tập sơn. Toàn những địa danh ngoài quan ải đất Mãn Châu của chúng ta. Vi Tiểu Bảo hỏi:
-Cái gì mà ô lý ô lố giang, hô con mẹ nó sơn? Những tên rắc rối khó nghe quá. Tên bút thiếp đáp:
-Bẩm Đô thống đại nhân! Ngạch nhĩ cổ lạp hà, Tinh kỳ lý giang, Hô mã nhĩ oa tập sơn đều là núi cao sông lớn của Mãn Châu. Vi Tiểu Bảo hỏi:
-Đây là địa phương nào? Tên bút thiếp đáp:
-Bẩm Đô thống đại nhân! Đó là nơi cực bắc sông Hắc Long Giang. Vi Tiểu Bảo mừng thầm nghĩ bụng:
-Phải rồi! Quả nhiên là chỗ giấu báu vật của người Mãn Châu. Bọn chúng đem vàng bạc châu báu ra ngoài quan ải giấu ở những nơi càng xa càng tốt. Rồi gã bảo:
-Ngươi đem ô lý ô lố giang, Hô con mẹ nó sơn chua bằng chữ Hán vào bên cho ta. Tên bút thiếp theo lời Vi Tiểu Bảo viết chữ Hán vào. Vi Tiểu Bảo lại lấy một mảnh giấy khác ra hỏi:
-Cái này là núi nào? Sông gì? Tên bút thiếp đáp:
-Bẩm Đô thống đại nhân! Đây là Tây Lý Mộc Hà, A Mộc Nhĩ Sơn, A Mộc Công Hà. Vi Tiểu Bảo hỏi:
-Con mẹ nó! Mỗi lúc một thêm rắc rối. Có phải ngươi nói nhăng nói càn không? Thiếu gì tên hay không lấy mà lại phải Tây con mẹ nó Hà, A tổ bà nó Sơn? Tên bút thiếp lộ vẻ sợ sệt đưa lời vấn an rồi đáp:
-Ty chức không dám nói nhăng nói càn. Tiếng Mãn Châu có ý nghĩa riêng của nó. Vi Tiểu Bảo nói:
-Thôi được! Ngươi đem Con mẹ nó Hà, Tổ bà nó Sơn chua bằng chữ Hán vào cho ta. Để rồi ta đi hỏi người khác coi ngươi nói đúng hay là láo khoét? Tên bút thiếp run sợ đáp:
-Dạ dạ! Ty chức dù lớn mật đến đâu cũng không dám nói nhăng nói càn với Đô thống đại nhân. Vi Tiểu Bảo hỏi:
-Mật ngươi lớn lắm ư? Tên bút thiếp đáp:
-Không không! Ty chức mật nhỏ như mật con chuột nhắt. Vi Tiểu Bảo cười ha hả hô:
-Người nhà đâu! Lấy năm chục lạng bạc thưởng cho ông bạn mật nhỏ như chuột nhắt. Này này! Ta bảo cho ngươi hay: ngươi mà đem Tây con mẹ nó Hà, A tổ cha nó Sơn nói với người khác mà ta biết ra là lập tức đòi bạc lại, cả vốn lẫn lãi cộng thành một trăm năm mươi lạng. Tên bút thiếp mừng rỡ không bút nào tả xiết. Lương bổng của gã mỗi tháng có mười hai lạng bạc mà Đô thống đại nhân thưởng cho năm chục lạng, gã cảm tạ rối rít rồi nói:
-Ty chức chẳng bao giờ dám bạ đâu nói đấy. Gã nghĩ bụng:
-Tiền vốn năm chục lạng mà tính lãi một trăm lạng thì thật nặng quá. Y có giết mình cũng đành chịu, làm gì có tiền mà trả? Mấy ngày liền, Vi Tiểu Bảo đã hỏi rõ được bảy, tám chục địa danh rồi mở bản đồ ra coi thì chỗ có tám vòng tròn nhỏ khác màu sắc ở về phía bắc sông Hắc Long giang, giữa chỗ hợp lưu sông A Mục Nhĩ hà và Hắc Long giang, mà cũng là phía chính bắc núi Ô Mã Nhĩ Oa Tập, phía tây bắc núi A Mục Nhĩ. Giữa tám cái khuyên tròn có viết chữ Mãn Châu màu vàng, dịch ra Hán tự là ba chữ “Lộc Đỉnh sơn”. Vi Tiểu Bảo nhớ kỹ vào lòng địa thế trên bản đồ. Đồng thời gã bảo Song Nhi cũng học cho thuộc. Gã tự nhủ:
-Những mảnh giấy vụn này mà để người ta lấy mất, tất không khỏi tiết lộ bí mật. Gã liền cuốn tấm đồ hình bỏ vào lò lửa đốt đi. Vi Tiểu Bảo nhìn lửa cháy bùng bùng, trong lòng rất khoan khoái miệng lẩm bẩm:
-Sư phụ bảo ta đem giấy vụn gói thành nhiều gói và chôn ở nhiều chỗ khác nhau, nhưng cũng có thể bị người khác lấy cắp mất. Bây giờ ta đã giấu vào trong óc thì dù kẻ muốn lấy cắp có bổ óc ta ra cũng chẳng tìm thấy bức địa đồ này. Gã quay đầu nhìn lại thấy ánh lửa chiếu vào mặt Song Nhi. Má thị ửng hồng càng tăng thêm vẻ kiều diễm. Gã mỉm cười, nhìn thị chằm chặp không chớp mắt. Song Nhi bị gã dòm ngó dữ quá không khỏi thẹn tùng cúi đầu xuống. Vi Tiểu Bảo cười nói:
-Hảo Song Nhi! Chúng ta giáp xong bản địa đồ, địa danh cũng tra cứu được hết. Con mẹ nó Hà, Tổ cha nó Sơn, đều đã ghi nhớ vào lòng. Có phải là “Đại công cáo thành” rồi không? Song Nhi nghe gã nói đến bốn chữ “Đại công cáo thành” biết là gã sắp trêu cợt, vội nhảy ra ngoài cửa đáp:
-Không, không, không có… Vi Tiểu Bảo hỏi:
-Sao lại không có? Song Nhi vừa cười vừa chạy ra xa đáp:
-Nô tỳ không biết. Vi Tiểu Bảo xổ ra cửa rượt theo, cười nói:
-Cô không biết nhưng ta biết. Bỗng thấy một tên thân binh lật đật chạy tới nói:
-Khải bẩm Đô thống! Hoàng thượng có lệnh triệu. Mời Đô thống đi chầu ngay. Vi Tiểu Bảo nhăn mặt nhát Song Nhi rồi ra đi vào cung. Gã thấy trước cửa cung đã sắp hàng nghi trượng, gã quỳ xuống bên đường dập đầu. Nhà Vua cười nói:
-Tiểu Quế Tử! Ngươi hãy theo trẫm đi coi người ngoại quốc thử súng. Vi Tiểu Bảo cả mừng đáp:
-Hay lắm! Họ đúc súng thật là mau lẹ. Đoàn người do cửa Tả An vào xưởng đúc súng Long Đàm. Nam Hoài Nhân và Thang Nhược Vọng quỳ ở đằng xa để ngênh tiếp thánh giá. Vua Khang Hy hỏi:
-Dậy đi! Dậy đi! Đại pháo đặt ở đâu? Nam Hoài Nhân đáp:
-Tâu thánh thượng! Đại pháo đặt ở ngoài thành. Cung thỉnh xa giá thánh thượng ra đó ngự lãm. Vua Khang Hy đáp:
-Hay lắm! Nhà Vua ở trong xe bước ra. Đoàn thị vệ tiền hô hậu ủng đưa tới ngoài cửa Tả An đã ngó (???) ba khẩu súng lớn bày hàng tại đó. Vua Khang Hy lại gần coi thấy ba khẩu súng này phát ra ánh thanh quang lấp loáng. Thân súng lớn, bánh xe cùng trục chỗ nào cũng kiên cố thì long tâm vui mừng, phán bảo:
-Hay lắm! Chúng ta thử bắn mấy phát coi. Nam Hoài Nhân lấy một viên đạn đặt vào nòng súng, đổ hỏa dược vào dùng chày sắt lèn thật chặt rồi quay lại nói:
-Tâu Hoàng thượng! Khẩu súng này có thể bắn xa được một dặm rưỡi. Những đích bắn đã đặt ở phía bên kia. Vua Khang Hy nhìn theo tay hắn trỏ thì thấy ngoài xa chừng dặm rưỡi có dựng mười mô đất, liền gật đầu phán:
-Được rồi! Khanh bắn thử đi coi! Nam Hoài Nhân nói:
-Cung thỉnh Hoàng thượng di giá ra xa ngoài mười trượng cho được an toàn. Vua Khang Hy mỉm cười lùi lại. Vi Tiểu Bảo hăng hái tiến ra nói:
-Xin cho nô tài khai hỏa phát đầu tiên. Nhà Vua gật đầu. Vi Tiểu Bảo đến bên khẩu súng lớn nhìn Nam Hoài Nhân nói:
-Ngoại quốc lão huynh! Lão huynh nhằm dùm cho thật trúng đích, để tiểu đệ khai hỏa. Nam Hoài Nhân đã nhắm miệng súng từ trước, bây giờ coi lại lần nữa cho chuẩn đích rồi bảo gã:
-Đúng rồi đó. Vi Tiểu Bảo đón lấy mồi lửa ở trong tay một tên quân châm vào ngòi thuốc rồi vội vàng nhảy ra xa. Gã liệng mồi lửa xuống, đưa hai tay lên bưng chặt lỗ tai. Bỗng thấy hỏa quang lấp lánh rồi nổ “đoàng” một tiếng khủng khiếp. Khói đen mịt trời. Một mô đất vỡ tan văng đi. Một tia lửa bay vọt lên không. Nguyên trong mô đất đã để s½n rất nhiều lưu hoàng và hỏa dược, đạn súng bắn vào lập tức cháy vọt lên, khiến cho uy thế càng khủng khiếp. Bọn quân sĩ cả tiếng reo hò, lại hướng về phí nhà Vua hô lên:
-Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế! Ba khẩu súng lớn luân lưu khai hỏa, bắn cả thảy mười phát, trúng vào bảy mô đất. Còn ba mô trệch đi một chút không bắn trúng được. Vua Khang Hy mừng rỡ vô cùng, ban khen cho Nam Hoài Nhân và Thang Nhược Vọng, lại thăng Nam Hoài Nhân lên chức Giám chánh tòa Khâm thiên giám. Thang Nhược Vọng trước đã có hàm Thái thường tự khanh, gia Thông chính sứ, tước hiệu
“Thông Huyền giáo sư”. Y đã bị cất chức về tay Ngao Bái. Nay Vua Khang Hy cho phục nguyên chức và đổi hiệu là “Thông Vi giáo sư”. Nguyên Vua Khang Hy tên là Huyền Hoa, phải kiêng chữ Huyền không thể dùng tới. Ba khẩu súng lớn cũng ban cho danh hiệu “Thần võ đại pháo”. Nhà Vua về cung truyền cho một mình Vi Tiểu Bảo theo vào ngự thư phòng, ngài cười hả hê nói:
-Tiểu Quế Tử! Chúng ta ngày đêm khai công đúc súng, chế tạo mấy trăm khẩu Thần võ đại pháo, đem bày hàng nhằm bắn vào lão tiểu tử Ngô Tam Quế thì con mẹ nó liệu còn làm phản được không? Vi Tiểu Bảo cười đáp:
-Đức Hoàng thượng thần cơ diệu toán, chẳng cần Thần võ đại pháo mà muốn bắt lão tiểu tử Ngô Tam Quế cũng dễ như trở bàn tay. Có điều đúc được Thần võ đại pháo thì khác nào… rồng thêm cánh. Gã toan nói “Hổ thêm cánh” nhưng nghĩ lại đem đức Hoàng đế ví với lão hổ là có điều bất kính, nên đổi lại là rồng thêm cánh. Vua Khang Hy cười phán:
-Ngươi nói câu này thật là chẳng có chút học vấn nào. Rồng bay trên trời thì còn dùng cánh làm chi nữa? Vi Tiểu Bảo đáp:
-Dạ dạ! Cái đó tỏ ra dù không đúc súng lớn, Hoàng thượng cũng chẳng sợ Ngô Tam Quế. Nhà Vua cười phán:
-Rút cục ngươi vẫn có lý. Rồi chau mày nói tiếp:
-Nói đến rồng, trẫm chợt nhớ tới vụ Ngô Tam Quế cấu kết với xứ Mông Cổ, xứ Tây Tạng, nước La Sát, lại còn tổ chức Thần Long giáo gì đó. Mụ điếm già giả Thái hậu làm điều đại nghịch vô đạo, uế loạn cung cấm là do Thần Long giáo phái đến phải không? Vi Tiểu Bảo đáp:
-Đúng thế! Vua Khang Hy nói:
-Nếu không bắt tên phản nghịch này xử ngàn đao phân thây thì sao trả được mối thù mụ đã giam cầm và làm nhục Thái hậu? Nhà Vua nói tới đây bất giác nghiến răng nghiến lợi, ra chiều phẫn nộ vô cùng! Vi Tiểu Bảo nghĩ thầm:
-Nhà Vua nói câu này là muốn ta đi bắt mụ điếm già. Mụ vẫn đi liền với Cao Tôn giả, hiện giờ không biết ở đâu? Muốn bắt mụ thật không phải chuyện dễ dàng. Trong lòng xoay chuyển ý nghĩ, gã ngần ngừ không dám tiếp lời. Quả nhiên Vua Khang Hy phán:
-Tiểu Quế Tử! Vụ này rất là cơ mật! Ngoài ngươi ta không thể phái người khác làm được. Vi Tiểu Bảo tâu:
-Dạ dạ! Nhưng không hiểu mụ điếm già trốn đi đâu? Tên gian phu của mụ người tròn ủng như trái banh thịt mà xem chừng lại có yêu pháp. Vua Khang Hy nói:
-Mụ điếm già mà trốn đến hoang sơn dã lĩnh thì việc tìm kiếm mụ quả nhiên rất khó khăn, nhưng cũng có manh mối để dò la. Ngươi dẫn quân đến tiêu diệt Thần Long tà giáo rồi bắt dư đảng của chúng tra khảo thì có thể điều tra được mụ điếm già lạc lõng nơi đâu. Vua Khang Hy thấy Vi Tiểu Bảo lộ vẻ ngần ngại liền nói tiếp:
-Trẫm cũng biết việc này chẳng khác mò kim đáy biển thật khó khăn vô cùng! Nhưng một là ngươi mẫn cán, hai là ngươi có phúc tướng rất lớn. Những việc kẻ khác làm chật vật vô cùng mà giao vào tay ngươi là mã đáo thành công. Trẫm không ra thời hạn để tùy ngươi làm đến bao giờ xong cũng được. Ngươi ra ngoài quan ải có thể điều động nhân mã ở Phụng Tiên, chờ cơ hội đi công phá đảo Thần Long. Vi Tiểu Bảo tâu:
-Phúc khí nô tài đều là Hoàng thượng ban cho. Hoàng thượng đã đem lòng đặc biệt tin cậy, dĩ nhiên phúc phận của nô tài to lớn vô cùng! Nô tài chỉ mong nhờ vào hồng phúc của Hoàng thượng mà chuyến này ra đi bắt ngay được mụ điếm già đem về. Nhà Vua thấy gã chịu đi, trong lòng mừng rỡ khôn xiết, ngài vỗ vai gã nói:
-Báo thù rửa hận tuy là việc lớn, nhưng so với sự yên nguy xã tắc thì lại chưa vào đâu. Ngươi bắt được mụ điếm già dĩ nhiên là hay quá! Nhưng việc trọng yếu là đánh phá đảo Thần Long. Tiểu Quế Tử! Ngoài quan ải là nơi phát tích gây dựng nghiệp rồng của nhà Đại Thanh ta. Thế mà đảo Thần Long ở ngay bên vẫn dòm dỏ. Nếu chúng liên thủ với quân La Sát chiếm cứ đất quan ngoại thì nhà Đại Thanh mất gốc. Ngươi phá được đảo Thần Long thì không khác gì chém được năm ngón tay của nước La Sát. Vi Tiểu Bảo cười đáp:
-Đúng thế! Đột nhiên gã cất tiếng hô lớn:
-A la ô! Gã giơ tay mặt vung loạn lên không ngớt. Nhà Vua cười hỏi:
-Ngươi làm gì vậy? Vi Tiểu Bảo đáp:
-Nước La Sát bị chặt đứt năm ngón tay, dĩ nhiên đau quá phải la lớn bằng tiếng La Sát. Vua Khang Hy cười ha hả nói:
-Trẫm thăng cho ngươi lên Nhất đẳng Tử tước, chính Bạch kỳ Mãn Châu Đô thống Kiêu Kỵ doanh, lại thưởng cho ngươi ngoại hiệu là Ba đồ lỗ. Ngươi điều động đại quân trú phòng ở Phụng Thiên để trừ diệt bọn phản tặc ở ngoài đảo Thần Long. Vi Tiểu Bảo quỳ xuống tạ ơn nói:
-Nô tài càng làm quan to, phúc phận càng lớn. Vua Khang Hy nói:
-Vụ này không nên khua chuông gióng trống để đề phòng bọn Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hỷ. Chúng hay tin chẳng thể ngồi yên tất dấy quân tạo phản sớm hơn. Vì thế mà phải hành động thần không hay quỷ không biết, để diệt trừ đảo Thần Long một cách đột ngột. Ngày mai trẫm lại phái ngươi làm khâm sai đại thần lên núi Trường Bạch tế cáo thiên địa. Núi Trường Bạch là thánh địa giáng sinh ra ái Tân Giác La già của nhà trẫm. Trẫm phái ngươi vào việc tế tự là không ai nghi ngờ gì nữa. Vi Tiểu Bảo đáp:
-Hoàng thượng thần cơ diệu toán thì giáo chủ Thần Long giáo sẽ thọ dữ trùng tề”. Người ta thường nói “thọ dữ thiên tề”, Vi Tiểu Bảo đổi là “thọ dữ trùng tề” để nguyền rủa Thần Long giáo chủ. Vua Khang Hy hỏi:
-Thọ dữ trùng tề là nghĩa làm sao? Vi Tiểu Bảo đáp:
-Nô tài muốn nói thọ mạng của giáo chủ chỉ như loài sâu bọ, chẳng sống được bao lâu. Gã ở trước mặt nhà Vua, đánh bạo lãnh lấy sứ mạng này, nhưng rồi gã nghĩ tới võ công trác tuyệt của Thần Long Hồng giáo chủ. Ngoài ra cao thủ trong giáo phái đông như kiến. Gã mà dẫn một toán binh mã chỉ biết múa kiếm bắn tên đến tấn công đảo Thần Long thì cái mạng nhỏ xíu của gã mười phần có đến tám, chín không giữ vững được. Vi Tiểu Bảo ở trong cung ra trong lòng hồi hộp lo âu. Bỗng gã xoay chuyển ý nghĩ, miệng lẩm bẩm:
-Lão gia nhất quyết không ra đảo Thần Long. Dù tiểu Hoàng đế đối đãi với lão gia tử tế đến đâu, lão gia cũng chẳng tội gì mà liều chết cho y. Lão gia làm quan đến thế này là lớn quá rồi. Chi bằng sau khi ra ngoài quan ải, lão gia thừa cơ đến núi Lộc Đỉnh ở phía bắc Hắc Long giang, đào hầm lấy bảo tàng là một phen đại phát tài. Kế đó lão gia lén lút xuống Vân Nam lấy cho bằng được A Kha rồi đi ẩn lánh, hàng ngày chỉ đánh bạc nghe hát, há chẳng tiêu dao khoái lạc ư? Gã nghĩ tới đây trong lòng bớt phần phiền não rồi tự nhủ:
-Lâm trận mà bỏ trốn tuy là một việc mất thể diện, lại phụ lời trọng thác của tiểu Hoàng đế, nhưng tính mạng của mình là việc quan hệ há phải trò đùa? Sau khi ta đào được bảo tàng là thôi, chứ chẳng chặt đứt long mạch của nhà Mãn Thanh cũng là tử tế với Hoàng đế lắm rồi. Hôm sau Vua Khang Hy lâm triều, quả nhiên thăng quan cho Vi Tiểu Bảo và phái gã lên núi Trường Bạch tế trời. Sau khi tan triều, các vương công đại thần tới tấp đến Tử tước phủ chúc mừng. Sách Ngạch Đồ thấy Vi Tiểu Bảo có ý không vui liền nói:
-Lên núi Trường Bạch tế trời, dĩ nhiên chẳng có gì béo bở, so với cuộc đến Vân Nam xoa đầu Bình Tây Vương, thật khác nhau một trời một vực, trách nào Vi huynh đệ chẳng mất hứng. Vi Tiểu Bảo đáp:
-Chẳng giấu gì Sách đại ca, tiểu đệ là người miền nam, bình sinh rất sợ rét. Hễ nghĩ đến trời băng đất tuyết ở ngoài quan ải là lại phát run. Bữa nay đã phải sưởi ấm đến nửa ngày rồi. Sách Ngạch Đồ cười khanh khách, tìm lời an ủi:
-Vi huynh đệ bất tất phải quan tâm. Sách mỗ quay về lấy tấm áo hỏa điêu để huynh đệ chống rét. Ngồi trong kiệu mà có chút lửa thì không thấy rét nữa. Chuyến đi quan ngoại này huynh đệ lúc trở về cũng có quà quý chứ chẳng không.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.