Lộc Đỉnh Ký

Hồi 33: Trong Quán Trà Ðồng Hội Ðưa Tin



Vua Khang Hy nghe Vi Tiểu Bảo thuật chuyện rất lấy làm thích thú, ngài vỗ vai gã ban khen: Tiểu Quế Tử! Ngươi thiệt là tài tình. Nhà vua lại nói:
– Phen này ngươi vất vả quá! Vi Tiểu Bảo tâu:
– Muôn tâu thánh thượng! Bọn dư đảng của Ngao Bái thế lực lớn mạnh không phải tầm thường. Lúc nô tài trốn đi đã ghi nhớ đường lối. Bây giờ có nên dẫn binh mã rượt theo không? Vua Khang Hy cả mừng phán:
– Tuyệt diệu! Ngươi đi kêu Sách Ngạch Ðồ dẫn năm ngàn binh mã cùng ngươi rượt theo tróc nã. Vi Tiểu Bảo lui ra, sai người đến thông tri cho Sách Ngạch Ðồ. Sách Ngạch Ðồ nghe tin Vi Tiểu Bảo bị bọn thủ hạ Ngao Bái bắt đi trong lòng đang buồn bã vì ở trong cung lão thiếu mất một tay viện trợ rất đắc lực. Tuy lão nuốt trôi được bốn mươi lăm vạn lạng bạc, nhưng chỗ mất Vi Tiểu Bảo là việc trọng đại, được số bạc kia không đủ bồi đắp. Ðột nhiên lão nghe Tiểu Quế Tử trốn về, tinh thần lão vô cùng phấn khởi, vội dẫn binh mã cùng Vi Tiểu Bảo đi tróc nã dư đảng của Ngao Bái. Ði được nửa đường thì Khang Thân Vương đã sai người đưa con Ngọc hoa thông đến cho Vi Tiểu Bảo. Vi Tiểu Bảo cưỡi tuấn mã càng tỏ vẻ hiên ngang. Khi đoàn người ngựa đến chỗ Thiên Ðịa Hội tụ họp thì dĩ nhiên không còn một bóng người nào. Sách Ngạch Ðồ hạ lệnh xục tìm khắp nơi. Lát sau có người dâng thủ cấp của Ngao Bái đem ra. Chúng lại thấy cả tấm linh bài trên đề hàng chữ:
“Ðại Thanh Thiếu Bảo Ngao Bái Ðại Nhân Linh Chi Vị”. Ngoài ra còn mấy bức đối trướng viếng Ngao Bái. Dĩ nhiên những thứ này do bọn Trần Cận Nam cố ý tạo ra. Sách Ngạch Ðồ trở về Bắc Kinh đem theo thủ cấp, linh bài cùng những đối viếng Ngao Bái tâu trình Hoàng thượng, tự cho là mình lập được công lớn. Vua Khang Hy sai lão tiếp tục để tâm dò xét dư đảng của Ngao Bái. Ðồng thời nhà vua ban lời khen thưởng. Vi Tiểu Bảo chỉ cười thầm trong bụng. Gã về phòng mình kiểm lại những tấm ngân phiếu cộng được bốn mươi sáu vạn sáu ngàn năm trăm lạng bạc, trong lòng khoan khoái vô cùng. Nguyên Sách Ngạch Ðồ muốn lấy lòng Vi Tiểu Bảo nên đáng lẽ phần gã có bốn mươi lăm vạn lạng, lão thêm vào hơn một vạn lạng nữa. Vi Tiểu Bảo coi đi coi lại mấy chục tấm ngân phiếu rồi cất đi. Gã lấy cuốn luyện võ công căn bản của Trần Cận Nam giao cho, chiếu theo bí quyết ngồi xếp bằng rèn luyện. Nhưng gã mới luyện được nửa giờ thì thấy tinh thần mỏi mệt liền lăn xuống giường ngủ thiếp đi. Hôm sau thức dậy, gã vào Ngự thư phòng chầu hầu Hoàng đế xong về nhà ngồi luyện công. Chẳng được bao lâu gã lại ngủ đi. Nguyên công phu nhập môn của Trần Cận Nam rất khó luyện. Nếu không có nghị lực thì khó mà đả thông được đệ nhất quan. Vi Tiểu Bảo là người thông minh lỗi lạc nhưng thiếu phần nghị lực. Gã mới luyện đệ nhất thức đã thấy khó khăn vô cùng, đâm ra buồn ngủ. Lúc tỉnh dậy thì đã nửa đêm, gã nghĩ thầm:
– Sư phụ bảo mình luyện võ nhưng công phu của lão gia thì chẳng có thú vị chi hết. Gã dậy mở cuốn sách thấy một bên khuyên tròn, một bên đầy những chữ nhỏ chi chít. Trong mười chữ có đến chín chữ rưỡi không hiểu. Gã buông tiếng thở dài rồi gấp sách lại. Nguyên Trần Cận Nam liệu việc rất kín đáo, nhưng trong việc này ông đã phạm vào câu: “Bậc trí giả lo nghĩ ngàn điều, tất có một điều sai trật!. Ông quên chưa hỏi Vi Tiểu Bảo có biết chữ hay không. Ông thấy đứa nhỏ hơn mười tuổi lại rất thông minh, dĩ nhiên tưởng gã biết chữ rồi. Những bí quyết trong cuốn sách này toàn là những câu thiển cận dễ hiểu, xem đến là có thể hiểu ngay. Trong lúc thảng thốt lại mắc bận vô số công việc, ông chưa kịp giải thích kỹ lưỡng cho gã nghe. Không ngờ Vi Tiểu Bảo lại mù chữ. Trong sách viết rõ cả những chỗ lúc luyện công mà buồn ngủ phải làm thế nào để phấn khởi tinh thần, nhưng Vi Tiểu Bảo ngay cửa quan thứ nhất đã không qua được rồi. Vi Tiểu Bảo nằm trên giường bụng bảo dạ:
– Lần sau mình gặp sư phụ, lão gia điều tra thấy mình luyện công chậm tiến, chắc phải buồn bực. Gã ngồi dậy mở sách ra coi theo phép ngồi tu luyện, nhưng chẳng bao lâu, mí mắt lại nặng trĩu buồn ngủ. Gã lẩm bẩm:
– Sư phụ ta là người rất tốt, nhưng công phu của lão gia lại không hứng thú bằng lão con rùa. Gã nghĩ tới công phu của Hải lão công, bất giác tinh thần phấn chấn gã liền lấy cuốn kinh gì đó của Hải lão công đem ra cứ theo đồ hình mà ngồi luyện. Gã ngồi một lúc đã thấy luồng nhiệt khí từ huyệt đan điền từ từ bốc lên thì nghĩ bụng:
– Sư phụ đã nói sau khi luyện công ở bụng dưới có luồng nhiệt khí mà sao mình theo đồ hình của lão gia ngồi luyện mãi mà vẫn chẳng thấy nhiệt khí đâu. Mlnh theo lối luyện công của lão con rùa thì nhiệt khí lại bốc lên ngay mới thật là kỳ! Gã nhìn vào cuốn di thư của Hải lão công cho luồng nhiệt khí chạy theo những đường dây vẽ trên hình người rồi cảm thấy trong mình rất khoan khoái dễ chịu. Khi nào luồng nhiệt khí đến chỗ bế tắc không đả thông được gã liền theo bí quyết dẫn dụ của Trần Cận Nam là đả thông được luồng chân khí chu lưu ngay. Vi Tiểu Bảo mới luyện được chín ngày đã thuộc đồ hình thứ nhất mà Hải lão công để lại, nhưng phương pháp sử dụng gã lại theo những điều mà Trần Cận Nam đã truyền thụ cho. Cứ mỗi lần gã chiếu theo những đường dây đỏ vẽ trong đồ hình thúc đẩy chân khí chạy hết một vòng là người gã lại ướt đẫm mồ hôi, xú uế. Mồ hôi làm ướt đầm cả chăn đệm. Sau đó gã cảm thấy khoan khoái vô cùng. Thân hình nhẹ lâng lâng như muốn bay bổng lên không. Gã cho là môn võ công thượng thặng tu luyện phải như vậy. Thực ra vô hình chung gã đưa hai môn võ công hoà hợp vào làm một. Nguyên hai môn võ này đều là những môn cực kỳ tinh vi ảo diệu, những người sơ học tất có minh sư chỉ dạy và phải mất mấy năm cũng chưa thành công và không ai dạy lẫn lộn như vậy. Nhưng vị giả sư phụ của Vi Tiểu Bảo đã chết rồi mà vị chân sư phụ lại không ở bên cạnh gã, nên gã nghĩ sao cứ thế mà luyện. Trần Cận Nam có ngờ đâu Vi Tiểu Bảo không biết văn tự trong sách đã thuyết mình, thành ra đầu Ngô mình Sở rối loạn xà ngầu mà lại biến thành một môn võ học kỳ dị xưa nay chưa từng có. Nên biết môn võ mà Hải lão công để lại thuộc về đường âm mưu quái dị. Nó học rất dễ dàng mà lại hợp với thiên tính của Vi Tiểu Bảo. Còn yếu tố thứ ba nữa là người đã học võ công của Hải lão công chẳng được nhiều cũng được ít. Tuy những điều sở học của gã có phần sai trật nhiều hơn phần đúng cách song vẫn là một đường lối, nên hợp vào với những điều truyền dạy của Trần Cận Nam ăn khớp được ngay. Tỷ như một người học sách, không biết được chữ nào thì thôi, nhưng đã biết được chút ít mà bảo quên sạch, quên cả đến chữ nhất chữ nhị cũng không nhận ra là một chuyện chẳng thể nào có được. Hoặc giả có người bị thương ở bộ óc bao nhiêu việc cũ đều quên sạch thì còn có lý, chứ người học chữ đã biết đọc biết viết thì không thể quên hết được. Vi Tiểu Bảo luyện được môn võ công cổ quái và nó đã gắn liền vào trong người gã như huyết nhục trong thân thể thì chẳng tài nào gột rửa cho sạch được. Vi Tiểu Bảo luyện xong đồ hình thứ nhất, gã luyện sang đồ hình thứ hai càng thêm thích thú. Từ đồ hình thứ ba thứ tư trở đi gã liên tục rèn luyện như ngựa không dừng vó. Hay ở chỗ ban ngày Vi Tiểu Bảo chỉ đến Ngự thư phòng cháu hầu vua Khang Hy mấy giờ, thì giờ nhàn rỗi của gã rất nhiều. Công việc thượng thiện giám đã có bọn thái giám thủ hạ lo liệu hết. Hàng tháng cứ đến ngày mồng 2 và ngày 16 là tên thái giám quản sự lại đưa hai ngàn lạng bạc đến nhà cho Vi Tiểu Bảo. Ðó là món tiền lời trong công việc mua bán quản sự cứ đúng kỳ nộp cho Vi Tiểu Bảo. Sách Ngạch Ðồ đã làm thay Vi Tiểu Bảo việc chia mấy vạn lạng bạc cho bọn phi tần, bọn thái giám, thị vệ có quyền thế ở trong cung rồi. Vi Tiểu Bảo đã bôi mép bọn chúng lại được vua Khang Hy cực kỳ sủng ái, nên mấy tháng nay gã ở trong cung ai cũng yêu mến, khen ngợi hết lời. Bất cứ người nào gặp gã cũng niềm nở đón tiếp. Thu qua đông tới, khí trời mỗi ngày một thêm giá lạnh. Một hôm Vi Tiểu Bảo ở Ngự thư phòng ra sực nhớ tới lời dặn của Trần Cận Nam. Gã tự nhủ:
– Sư phụ đã dặn ta khi có việc thì đến Thiên Kiều kiếm lão họ Từ bán thuốc cao để liên lạc. Tuy hiện giờ chưa có việc gì, nhưng ta thử đến đó coi xem thế nào. Không chừng sư phụ đến Bắc Kinh rồi mà mình không biết là lỡ mất dịp để học võ công. Vi Tiểu Bảo liền ra cửa cung chuyển qua mấy đường phố lớn thì thấy trong quán trà có thầy đồ đang giảng sách. Gã liền tiến vào quán kêu pha cho một bình trà rồi ngồi xuống uống nước. Thầy đồ đang giảng Anh Liệt truyện về vụ Chu Nguyên Chương cùng Trần Hữu Lượng đại chiến trên hồ Bà Dương. Chu Ðiện đã bồng Chu Nguyên Chương đổi thuyền thế nào. Trên chiếc thuyền của Trần Hữu Lượng pháo nổ ra sao; chiếc thuyền trước của Chu Nguyên Chương bị bể tan tành thế nào… Bao nhiêu tình tiết này Vi Tiểu Bảo đã biết hết. Kể ra thầy đồ này giảng không hay lắm, nhưng Vi Tiểu Bảo cũng ngồi nghe đến quá nửa giờ thì trời vừa tối. Thế là bữa nay gã không đến Thiên Kiều nữa. Ðến ngày thứ hai, thứ ba thuỷ chung vẫn không đi được. Mỗi tối lúc đi ngủ Vi Tiểu Bảo lại tự hẹn với mình hôm sau đến kiếm Từ lão đầu, nhưng thuỷ chung gã vẫn không đến Thiên Kiều, ngày thì đi gieo thò lò, ngày lại đến nghe giảng sách. Nếu không thì gã ra chợ vung phí tiền bạc. Thực ra trong thâm tâm Vi Tiểu Bảo lúc nào cũng sợ hãi Trần Cận Nam. Gã đã không muốn luyện môn võ công của ông truyền cho, rồi không muốn gặp mặt ông nữa. Gã liệu trước khi gặp sư phụ tất bị người thống trách một trận nên thân, không chừng còn truất phế ngôi Hương chủ Thanh Mộc đường nữa là khác. Ít bữa nay Vi Tiểu Bảo ở Hoàng cung ăn chơi sung sướng. Thực ra làm thái giám còn đắc ý hơn chức hương chủ xú chủ gì đó. Có điều gã tự biết ý niệm này chẳng tốt đẹp gì, rồi gã không dám nghĩ nhiều nữa. Gã tự nhủ:
– Mình đã không có việc gì thì đến kiếm Từ lão làm chi để tiết lộ cơ mật. Cái mạng nhỏ xíu của mình có chết cũng không đáng kể, nhưng làm liên luỵ đến Thiên Ðịa Hội là một việc trọng đại. Ngày tháng thoi đưa, Vi Tiểu Bảo tiếp tục cuộc sống ở trong Hoàng cung như vậy hơn một tháng nữa. Bảy mươi hai bức hoạ đồ của Hải lão công để lại, gã đã luyện xong được hai mươi mốt bức. Gã cảm thấy thân thể nhẹ nhàng, chân bước mau chóng thì trong lòng vui sướng vô cùng! Một hôm gã lại đến quán trà để nghe thầy đồ giảng về Anh Liệt truyện. Chủ quán thấy gã là một vị thái giám trong cung lại thưởng nhiều tiền, nên ngày nào y cũng dành một chỗ ngồi tốt nhất cho gã và pha một bình hương trà thượng hảo hạng đưa đến. Miệng y niềm nở một điều Quế công công, hai điều Quế công công. Vi Tiểu Bảo ít lâu này được người ta nịnh bợ quen rồi, chủ quán nịnh hót gã cũng là sự thường, nhưng nghe vẫn lọt tai. Thầy đồ nói chuyện đại tướng quân Từ Ðạt đeo ấn xuất chinh đuổi quân Thát Ðát ra khỏi Mông Cổ. Nhưng đây là đất kinh sư, những người cao cả vào trà quán nghe chuyện không phái là ít, nên thầy đồ không dám công nhiên nói đến tiếng quân Thát Ðát. Có điều lão nói rất hùng hồn, miệng phun bọt rãi. Vi Tiểu Bảo đang chú ý lắng tai nghe, bỗng có một người đến nói:
– Xin lỗi công công. Rồi ngồi xuống bên bàn. Vi Tiểu Bảo chau mày ra chiều khó chịu. Người kia khẽ nói:
– Tiểu nhân có lá thuốc cao thượng hảo muốn đem bán cho công công. Mời công công coi đi! Vi Tiểu Bảo quay đầu nhìn lại thì thấy lá cao đặt trên bàn nửa xanh nửa đỏ. Gã động tâm chợt cất tiếng: Cao này là cao gì? Người kia đáp:
– Ðây là thuốc “trừ Thanh” ác độc, khiến cho mắt đui lại tỏ (lại tỏ là do chữ “phục Minh”) Y hạ thấp giọng xuống nói tiếp:
– Nó còn có tên là “thuốc cao khử Thanh phục Minh”. Vi Tiểu Bảo ngó lại người này thấy y mới ngoài ba chục tuổi cặp mắt sắc sảo nhanh nhẹn chứ không phải lão Từ như lời sư phụ dặn thì trong lòng nghi hoặc hỏi lại:
– Lá cao này bao nhiêu tiền? Vi Tiểu Bảo hỏi lại:
– Ta trả năm lạng hoàng kim năm lạng bạch ngân có bán không? Người kia đáp:
– Như vậy hoá chẳng đắt quá ru? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Không đắt đâu! Không đắt đâu! Chỉ cần sao trừ Thanh khử độc, mắt lại sáng tỏ có làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai cũng không phải là quá. Người kia đẩy lá cao về trước Vi Tiểu Bảo, nói thầm:
– Mời công công ra ngoài nói chuyện. Dứt lời y ra khỏi quán trà. Vi Tiểu Bảo bỏ hai trăm đồng tiền xuống bàn rồi lững thững bước ra. Người kia chở gã ở ngoài quán rồi đi về hướng Ðông rẽ vào trong hẻm nhỏ dừng bước lại đọc:
– Ðịa chấn cao cương, nhất phái khê thuỷ thiên cổ tú. Vi Tiểu Bảo đọc:
– Môn triều đại hải, tam hà hợp thuỷ vạn niên lưu. Rồi gã không chờ người kia nói; gã hỏi trước:
– Hoa hồng bên đình ở đường nào? Người kia đáp: Tiểu đệ ở Hoành Hoá đường. Vi Tiểu Bảo hỏi: Trên đường thắp mấy nén hương? Người kia đáp:
– Ba nén. Vi Tiểu Bảo gật đầu nghĩ bụng: Chức vị người này còn thấp hơn ta hai bậc. Người kia chắp tay khom lưng thi lễ khẽ hỏi:
– Phải chăng ca ca là Vi hương chủ thắp năm nén hương ở Thanh Mộc đường? Vi Tiểu Bảo đáp:
– Chính thị! Gã nghĩ bụng:
– Tuổi gã lớn hơn ta nhiều mà kêu ta bằng ca ca nghe cũng dễ chịu. Nhưng sao gã không kêu bằng gia gia hay a thúc? Người kia tự giới thiệu:
– Tiểu đệ họ Cao, tên gọi Ngạn Siêu, ở dưới trướng Lý hương chủ từ lâu nay mới gặp mặt thật là đại hạnh! Vi Tiểu Bảo mừng thầm trong bụng cười nói:
– Cao đại ca dạy quá lời. Chúng ta là người cùng một hội, hà tất phải khách sáo? Ngạn Siêu nói:
– Ở quý đường có vị họ Từ bán thuốc ở Thiên Kiều bữa nay bị đánh thành trọng thương nên đến báo tin cho Vi hương chủ. Vi Tiểu Bảo giật mình kinh hãi hỏi: Hồi này tiểu đệ ở trong cung có nhiều việc chưa đến gặp y được. Y bị thương trong trường hợp nào? Ai đã đánh y? Cao Ngạn Siêu đáp:
– Nơi đây không tiện nói rõ, mời Vi hương chủ đi theo tiểu đệ. Vi Tiểu Bảo gật đầu. Cao Ngạn Siêu rảo bước đi ngay, Vi Tiểu Bảo theo sau. Ði qua bảy tám đường phố đến một ngõ nhỏ. Cao Ngạn Siêu tiến vào một tiệm. Vi Tiểu Bảo thấy treo biển đề ba chữ nhưng gã không biết chữ nào, liền cho là tên tiệm thuốc cũng bước vào theo. Người chưởng quỹ ngồi ở sau quầy, mập thù lù. Cao Ngạn Siêu tiến lại gần ghé tai nói khẽ mấy câu. Chưởng quỹ vâng dạ luôn miệng. Hắn đứng dậy nhìn Vi Tiểu Bảo gật đầu nói:
– Khách quan đến mua thuốc thượng hảo, xin mời vào. Hắn dẫn hai người vào, đóng cửa lại rồi lật tấm ván mở đường hầm có bậc đá đi xuống. Vi Tiểu Bảo đi xuống thấy đường hấm tối mò, trong lòng rất đỗi kinh nghi tự hỏi:
– Hai người này không biết có đúng là anh em trong Thiên Ðịa Hội hay không? Nếu phía trước là phòng làm thịt Vi Tiểu Bảo há chẳng hỏng bét? Nhưng Cao Ngạn Siêu đi theo sau gã, chẳng còn đưởng lổi nào lùi lại được nữa, gã đành theo tên chưởng quỹ đi vào đưởng hầm. May ở đường hầm rất ngắn. Mới đi hơn 10 bước, tên chưởng quỹ đẩy cánh cửa mở ra. Bên trong có ánh sáng đèn lọt ra ngoài. Vi Tiểu Bảo bước qua cửa thấy đây là một gian nhà nhỏ chừng 10 thước vuông. Trong nhà có năm người ngồi. Một người nằm trên cái giường thấp. Bây giờ lại thêm ba người nữa. Nhà chật như nêm cối cơ hồ không quay trở được. Cao Ngạn Siêu hô:
– Chúng vị huynh đệ! Vi hương chủ ở Thanh Mộc đường đã giá lâm. Năm người trong nhà đồng thanh hoan hô, đứng lên khom lưng thi lễ. Nhà hầm chật quá mọi người xúm xít vào với nhau một chỗ. Vi Tiểu Bảo chắp tay đáp lễ. Cao Ngạn Siêu trỏ vào người nằm trên chõng nói:
– Từ đại ca bị trọng thương không thể đứng dậy hành lễ được. Vi Tiểu Bảo nói:
– Không dám! Không dám! Gã lại gần thấy người nằm trên giường mặt mũi dăn deo mà không còn chút huyết sắc. Hai mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt, trên chòm râu bạc hãy còn loang lổ vết máu. Gã cất tiếng hỏi:
– Không hiểu ai đã đả thương Từ đại ca? Phải chăng là bọn nanh vuốt…của quân Thát Ðát? Cao Ngạn Siêu lắc đầu đáp:
– Không phải! Ðây là người trong Mộc vương phủ ở Vân Nam. Vi Tiểu Bảo kinh hãi hỏi:
– Sao lại người của Mộc vương phủ ở Vân Nam? Bọn họ… bọn họ là người cùng đường với ta kia mà? Cao Ngạn Siêu từ từ lắc đầu đáp:
– Phải bẩm hương chủ đại ca! Sáng sớm hôm nay Từ đại ca loạng choạng về đến tiệm thuốc Hồi Xuân có lắp bắp kể lại người hạ thủ đánh y là hai thanh niên họ Bạch trong Mộc vương phủ… Vi Tiểu Bảo hỏi:
– Họ Bạch ư? Dường như họ Bạch là dòng dõi của một trong Tứ đại gia tướng của Mộc Vương gia? Cao Ngạn Siêu đáp:
– Chắc là đúng rồi! Theo lời Từ đại ca thì bọn họ vì cuộc tranh chấp “ủng Ðường”, “ủng Quế” mà đi đến chỗ gây lộn rồi xảy cuộc động thủ. Từ đại ca song quyền khôn địch bốn tay thành bị trọng thương. Vi Tiểu Bảo nói:
– Hai người đánh một đâu phải là hành vi của anh hùng hảo hán? Ðường gì? Quế gì? Hay là… hay là… Gã nghĩ tới chữ “ủng Quế” đã tưởng là họ ủng hộ Tiểu Quế Tử tức là ủng hộ mình. Nhưng gã biết là không phải liền dừng lại. Cao Ngạn Siêu đáp:
– Mộc vương phủ là thủ hạ của Quế vương. Còn Thiên Ðịa Hội chúng ta là thủ hạ Ðường Vương ngày trước. Chắc Từ đại ca đã cùng họ tranh chấp về danh phận rồi xảy chuyện bất hoà. Vi Tiểu Bảo vẫn chưa hiểu lại hỏi:
– Thủ hạ Quế vương làm sao? Ðường vương thế nào? Cao Ngạn Siêu đáp:
– Quế vương không phải là chân mệnh Thiên tử. Ðường vương chúng ta mới đúng là chân mệnh Thiên tử. Trong nhà có một đạo nhân ngoài năm chục tuổi thấy Cao Ngạn Siêu nói không rõ ràng, liền xen vào:
– Vi hương chủ! Ngày trước Lý Sấm đánh vào thành Bắc Kinh bức tử Sùng Trinh thiên tử. Ngô Tam Quế dẫn quân Thanh vào qua cửa ải để chiếm đoạt giang san gấm vóc của chúng ta. Các trung thần nghĩa sĩ khắp nơi tới tấp suy tôn con cháu đức Thái Tổ Hoàng đế lên làm vua. Trước hết là Phúc vương ở Nam Kinh lên làm thiên tử. Sau Phúc vương bị quân Thát Ðát gia hại thì Ðường vương của chúng ta ở Phúc Kiến lên làm thiên tử. Ðường vương đã được Quốc tính gia ủng hộ, dĩ nhiên là chân mệnh thiên tử. Ngờ đâu bọn người khác ở Quảng Tây, Vân Nam lại suy tôn Quế vương lên làm thiên tử. Vậy Quế vương không phải là chân mệnh thiên tử. Vi Tiểu Bảo nói:
– Trời không hai mặt, nước chẳng hai vua. Ðã có Ðường vương làm thiên tử, thì Quế vương, Lỗ vương không thể làm thiên tử được nữa. Cao Ngạn Siêu nói:
– Ðúng thế! Vi hương chủ nói rất chí lý. Ðạo nhân nói:
– Nhưng bọn người ở Quảng Tây, Triết Giang mưu đồ phú qụý tranh dành nhau nói là nhân vật được họ ủng hộ mới đúng là chân mệnh thiên tử. Thế là xảy cuộc tranh chấp kịch liệt. Ðạo nhân thở dài nói tiếp:
– Sau Ðường vương, Lỗ vương, Quế vương đều nối tiếp nhau ngộ nạn. Mấy năm nay trên chốn giang hồ, những bậc hào kiệt không quên nhà Minh chia nhau đi tìm dòng dõi ba vị vương gia tôn thờ làm chúa mưu đồ công cuộc phản Thanh phục Minh. Bọn thủ hạ của Quế vương ủng hộ con cháu Quế vương. Thủ hạ Lỗ vương ủng hộ con cháu Lỗ vương. Ðó là Quế phái và Lỗ phái. Bọn họ kêu Thiên Ðịa Hội chúng ta bằng Ðường phái. Ðường, Quế, Lỗ cả ba phái đều theo đuổi mục đích phản Thanh phục Minh. Có điều Thiên Ðịa Hội chúng ta mới là chính thống. Còn Quế phái, Lỗ phái chỉ là hạng cướp ngôi. Vi Tiểu Bảo gật đầu nói:
– Tiểu đệ hiểu rồi! Bọn Mộc vương phủ thuộc về Quế phái chứ gì? Ðạo nhân đáp:
– Phải rồi! Ba phái này mười mấy năm nay vẫn tranh chấp nhau hoài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.