Lâm Hưng Châu kể tiếp:
– Lúc đó bầu trời mây kéo đen nghịt. Sóng biển nhô lên như từng trái đồi đập vào thuyền. Mưa to gió lớn khiến cho mọi người đều ướt sũng. Quốc tính gia đứng ở đầu thuyền, tay cầm trường kiếm, miệng lớn tiếng hô:
– Tận trung báo quốc, không sợ sóng gió! Mấy vạn binh tướng đồng thanh hô theo:
– Tận trung báo quốc, không sợ sóng gió! Tiếng hô từ thuyền nọ truyền sang thuyền kia, vang dội một góc trời tưởng chừng muốn lấn át cả tiếng cuồng phong đại lãng. Vi Tiểu Bảo nhìn Thi Lang hỏi móc:
– Lúc ấy chắc Thi tướng quân cũng hô lớn như vậy, phải không? Thi Lang đáp:
– Ty chức ở Hạ Môn đã xẩy ra chuyện xích mích với Trịnh Vương nên không đi Đài Loan. Tế ra là thế! Đáng tiếc! Thật là đáng tiếc! Phó tướng họ Lộ xen vào:
– Trịnh vương đến Bành Hồ bất quá chỉ gặp sóng to gió cả. Còn Thi tướng quân đến Bành Hồ mới đây phải hứng chịu một trận huyết chiến kinh tâm động phách. Lưu Quốc Hiên thống lãnh thủy quân ở Ngưu Tâm loan, đảo Kê Lung bố trí phòng thủ vùng Bành Hồ. Dọc bờ biển hai mươi dặm đều đắp thành lũy đất. Cứ cách một quãng lại đặt một khẩu súng lớn. Thủy quân của nhà Đại Thanh vừa tới nơi. Trên bờ nhất tề nổ súng ầm ầm, ngoài ra còn hỏa tiễn, phún đồng (ống phun). Chà chà! Thật là nguy hiểm hết chỗ nói. Vi Tiểu Bảo cười ngắt lời:
– Lộ phó tướng! Ta xem chừng trái mật của phó tướng cũng không kém trái mật của ta mấy tí. Lộ phó tướng đáp:
– Không dám! Ty chức khi nào bì kịp tước gia được! Vi Tiểu Bảo hỏi:
– Phó tướng kém cả ta ư? Lộ phó tướng đáp:
– Dĩ nhiên ty chức còn kém xa! Vi Tiểu Bảo cười nói:
– Nếu vậy thì kỳ thiệt! Trái mật của ta nhỏ như mật chuột, tưởng đã là quá rồi. Không ngờ phó tướng còn vô dụng hơn ta. Ha ha! Lạ thiệt! Quả là lạ thiệt! Lộ phó tướng đỏ mặt lên không dám nói nữa. Vi Tiểu Bảo quay sang hỏi Lâm Hưng Châu:
– Quốc tính gia thống lãnh đại quân ra khơi rồi sao nữa? Lâm Hưng Châu kể tiếp:
– Chiến thuyền ra đi vào lúc sóng to gió cả trong vòng hai trống canh. Đến canh ba đột nhiên gió lặng sóng êm. Mây đen tan hết. Thế gió đổi chiều thành ra thuận lợi. Các quân sĩ hô “Vạn tuế” vang động ngoài khơi. Ai cũng cho là có Hoàng thiên bảo hựu. Chuyến đi nhất định thắng trận. Sáng sớm mồng một, chiến thuyền đến cửa Mộc Nhĩ, dùng sào đo nước, chỗ này nông quá thuyền không đi được. Quốc tính gia trong lòng nóng nảy, liền sai bày hương án đảo các Hoàng thiên. Chẳng mấy chốc, đột nhiên nước thủy triều dâng cao. Các chiến thuyền nhất tề kéo vào cửa Lộc Nhĩ. Trên bờ quân Hồng Mao liền nổ súng lớn oanh kích. Bọn quỷ Hồng mao đã đắp hai tòa thành trì ở đây. Một tòa kêu bằng Nhiệt Lai Già thành, một tòa kêu bằng Phổ La Dân Già thành.Vi Tiểu Bảo cười ngắt lời:
– Những tên thành của bọn quỷ Hồng mao nghe cũng ly kỳ cổ quái. Cái gì mà Nhiệt Lai Già với Lãnh Lai Già? Nam Mô Ba La Mễ Đa Quân Thế Âm Già? Lâm Hưng Châu mỉm cười kể tiếp:
– “Lúc ấy Quốc tính gia dùng Thiên lý kính quan sát thấy bọn quỷ Hồng mao có hai chiến hạm lớn làm chủ lực, tuần dương hạm hai cái, lại còn thuyền ván và mủng nhỏ mấy trăm con, nhất tề xông ra. Quốc tính gia liền hạ tướng lệnh sai quan trấn đốc Tuyên Nghị Tiền là Trần Trạch lãnh một đội chiến thuyền đổ bộ lên cửa Lộc Nhĩ đóng ở Bắc Sán để chẹn đường quân tiếp viện của bọn Hồng mao. Ngài lại phái Hoàng Chiêu dẫn đội lính súng năm trăm tên, liên hoàn pháo hai chục cỗ, chia làm ba toán bày trận ở phía sau để phòng thủ địch quân tràn xuống phía nam. Rồi ngài phái ty chức lãnh năm trăm tay quân đằng bài quanh ra phía sau đánh vào cạch sườn mé tả quân địch. Ngài lại phái Tiêu Cung Trần lãnh hai chục con thuyền lẹ đi tuần tiễu. Hễ thấy hạm đội Hồng mao kéo đến tấn công thì lập tức giả vờ đổ bộ đánh thành để khiêu chế bọn chúng. Quân địch mà hoang mang là mất chí chiến đấu. Các tướng lĩnh mệnh thi hành công tác chia đi các ngả. Trên thuyền liền nổ súng phản kích. Bên kia, Trần quân sư thống lãnh thủy quân bao vây hai chiến hạm chủ lực của Hồng mao địch rồi đánh thốc vào. Tiếng súng nổ và tiếng hò hét vang dội một vùng. Trên mặt biển ngột ngạt khói đen lửa đỏ. Cuộc đại chiến kéo dài chừng hơn một giờ, bỗng nghe đánh ầm một tiếng rùng rợn. Một chiến hạm chủ lực của Hồng mao quỷ bị quân ta đánh chìm. Sau mới biết chiến hạm này mang tên Bối Khắc Đức á và là đoàn thủy quân tinh nhuệ của Hồng mao quân. Còn một chiến hạm nữa mang tên Mã Lợi á cũng bị trọng thương phải chạy trốn về phía Đông rồi không biết đi đâu. Hai chiếc tuần dương hạm của bọn quỷ Hồng mao cũng rút lui. Lúc ấy toán binh của Trần Trạch đổ bộ rồi gặp bọn lục quân của bọn Hồng mao quỷ. Ai nấy hăng hái xung phong giết hết địch quân không còn mảnh giáp. Cuộc đại chiến này cả trước sau không đầy hai giờ mà lưỡng lộ thủy lục của Hồng mao quỷ đều bị đánh bại. Quân ta đổ bộ phá tan Phổ La Dân Già thành.”Lời chú của tác giả: Trịnh Thành Công từ Bành Hồ tấn công Đài Loan đổ bộ lên khu phụ cận của Đài Nam ngày nay. Hồi ấy nước Hà Lan đặt trọng binh đồn trú khắp giải Đài Nam. Vi Tiểu Bảo rót chung rượu hai tay cầm đưa cho Lâm Hưng Châu nói:
– Lâm đại ca! Trận đánh hay quá! Tiểu đệ kính mừng đại ca một chung này. Lâm Hưng Châu đứng dậy đón lấy chung rượu uống một hơi cạn sạch rồi kể tiếp:
– “Quân Hồng Triều đổ bộ vùng Xích Khảm liền được người Trung Quốc nô nức chạy ra hoan nghênh. Số đông mừng rỡ đến chảy nước mắt khóc ròng. Họ lớn tiếng hô:
– Cứu tinh của bọn ta đã đến! Lão thái gia của Quốc tính gia là Trịnh Chi Long thái sư nguyên trước làm nghề “buôn không vốn” trên mặt biển. Đài Loan là căn cứ địa của lão nhân gia. Sau lão nhân gia dẫn anh em thủ hạ về Trung Nguyên. đảo Đài Loan liền bị bọn quỷ Hà Lan và quỷ Tây Ban Nha chiếm cứ. Hà Lan quỷ ở miền Nam. Tây Ban Nha quỷ ở mặt bắc. Hai bọn quỷ xẩy ra cuộc tranh chấp. Bọn quỷ Tây Ban Nha bị thất bại. Toàn đảo Đài Loan liền bị quỷ Hà Lan chiếm hết. Thời bấy giờ người Trung Quốc chúng ta ở trên đảo rất đông bị bọn quỷ Hồng mao Hà Lan tàn sát cực kỳ thê thảm. Một vị huynh đệ bộ hạ cũ của Trịnh thái sư tên gọi Quách Hoài Nhật là một tay đại anh hùng, đại hảo hán ở lại trên đảo chứ không bỏ đi. Quách Hoài Nhật thấy người Trung Quốc chúng ta bị quân quỷ Hồng mao khinh khi quá độ liền ngấn ngầm tập họp anh em thông tri cho nhân tài các nơi ở Trung Quốc, ước định nhất tề khởi sự vào ngày trung thu rằm tháng tám nổi lên giết hết bọn quỷ Hồng mao trên toàn đảo. Ngờ đâu một Hán gian tên gọi Phổ Tử đi mật báo với thái thú Hồng mao…” Vi Tiểu Bảo nghe nói tới đây tức giận không nhịn được, đạp bàn quát mắng:- Tổ bà nó! Công việc của người Trung Quốc lại bị bọn Hán gian phá hoại rồi! Lâm Hưng Châu kể tiếp:
– “Đúng thế! Khi đó Quách Hoài Nhật đại ca thấy Phổ Tử trốn đi biết là cơ sự nguy rồi, lập tức thống lãnh hơn một vạn sáu ngàn người đánh Phổ La Dân Già thành, phóng hỏa đốt cháy hết những dinh thự của bọn quan lại Hồng mao quỷ. Nhưng kế đó bọn Hồng mao quỷ điều động đại quân mở cuộc phản công. Súng ống của bọn chúng cực kỳ lợi hại. Còn người Trung Quốc chúng ta thì ngoài mấy cây hỏa long thương, toàn dùng đại đao, thiết thương, thuổng cuốc, côn gỗ làm võ khí. Cuộc chiến đấu ở Xích Khảm kéo dài mười lăm ngày. Quách Hoài Nhật đại ca không may bị đại pháo của Hồng mao quỷ bắn chết.” Vi Tiểu Bảo lại la lên:
– Trời ơi! Thế là hỏng bét! Lâm Hưng Châu kể tiếp:
– “Đúng thế! Quách đại ca chết đi, bọn người Trung Quốc chúng ta lâm vào tình trạng quân vô tướng, hổ vô đầu, thua to phải bỏ thành mà chạy ra ngoài. Đến bên hồ lớn lại huyết chiến bảy ngày bảy đêm. Người Trung Quốc bị đánh chết hơn bốn ngàn. Đàn bà và trẻ con thà chết không chịu khuất phục bị chúng giết chết năm trăm người. Những người bị bọn Hồng mao quỷ bắt thì đàn bà con gái phải làm doanh kỹ, đàn ông chẳng bị ngũ mã phanh thây cũng bị lấy sắt nung vào dí vào cho đến chết.” Vi Tiểu Bảo phẫn nộ vô cùng la lên:
– Bọn quỷ Hồng mao này dã man tàn nhẫn như vậy thì so với hồi quân Thanh tàn sát Dương Châu còn độc ác hơn nhiều! Thi Lang và Lộ phó tướng ngơ ngác nhìn nhau, đành gượng cười cho xuôi chuyện. Chúng nghĩ thầm:- Gã thiếu niên này ăn nói lỗ mãng, chẳng biết trọng khinh. Lâm Hưng Châu kể tiếp:
– Đó là những việc xẩy ra vào hồi tháng tám năm Vĩnh Lịch thứ sáu… Hồng Triều ngắt lời:
– Năm Vĩnh Lịch thứ sáu tức là niên hiệu Thuận Trị nhà Đại Thanh năm thứ 7.
8… 9. Đúng rồi, vào năm Thuận Trị cửu niên. Lâm Hưng Châu nói:
– “Phải đó. Sau cuộc thảm sát kinh người này nhân dân Trung Quốc ở Đài Loan coi bọn quỷ Hồng mao là những kẻ thù truyền đời. Vì bọn Hồng mao quỷ tàn sát người Trung Quốc, nên người Trung Quốc vừa thấy đại quân của Quốc tính gia tới nơi liền coi ngài là đức Bồ Tát đến cứu mạng. Nam phụ lão ấu trên đảo tới tấp chạy đến kể lể nỗi thống khổ với bọn tại hạ. Tối hôm đó, thái thú của Hồng mao quỷ là Quĩ Nhất, sau cuộc thất bại liểng xiềng, phẫn nộ hết thảy người Trung Quốc. Chúng bắt người mình bất luận già trẻ gái trai đều giết chết. Số người bị giết lên tới năm trăm. Hôm sau, Quốc tính gia phái binh đến đánh Phổ La Dân Già thành. Trần quân sư sắp đặt kế hoạch, tập luyện cho quân đằng bài lăn mình dưới đất chém vào chân bọn quỷ tóc đỏ rồi kéo vào thành hạ được.” Vi Tiểu Bảo nói:
– Vụ này công lao của lão huynh thật lớn! Lâm Hưng Châu đáp:
– Đây toàn trông vào diệu kế của Trần quân sư, còn ty chức chẳng có công lao gì dáng kể. Lâm Hưng Châu lại nói tiếp:
– “Tiếp theo Quốc tính gia xua quân đánh Nhiệt Lai Già thành là đại bản doanh của thái thú Quỉ Nhất. Trên thành súng lớn súng trường phát xạ cực kỳ lợi hại. Quân ta bị thương vong rất nhiều. Mã Tín tướng quân và Lưu Quốc Hiên tướng quân hết sức đánh vào Nhất Côn Thân.Quốc tính gia thấy anh em chết trận quá nhiều, liền cho quân khởi cuộc đắp tường đất bao vây chung quanh Nhiệt Lai Già thành. Trên tường đặt súng lớn bắn vào trong thành. Chẳng bao lâu đệ nhị lộ thủy quân bên ta nào Tả xung, Tiền xung, nào Trí võ, Anh binh, Du binh, Điện Binh, các trấn cưỡi thuyền đến Đài Loan, thanh thế cực kỳ hùng dũng. Quốc tính gia một mặt cho quân khẩn điền cấy lúa, một mặt bay vây thành trì. Sau năm tháng bao vây, đột nhiên viện binh của Hồng mao quỷ từ Ba Đạt Duy á kéo đến. Bọn Hồng mao quỷ trong thành đánh ra, ngoài đánh vào, mở cuộc đại chiến cả hai đường thủy lục. Quân ta hăng hái giết giặc. Nước biển cũng nhuộm máu đỏ hồng.” Vi Tiểu Bảo vỗ bàn nức nở ca ngợi:
– Thật là lợi hại! Thật là lợi hại! Gã lại nhìn Thi Lang nói:
– Đáng tiếc là Thi tướng quân có chuyện xích mích với Quốc tính gia quá sớm, không thì cũng được dự vào những trận đại chiến này mà giết con mẹ nó mấy trăm tên Hồng mao quỷ cho đáng mặt anh hùng hảo hán. Thi Lang lẳng lặng không nói gì. Vi Tiểu Bảo lại hỏi Hồng Triều:
– Hồng đại ca! Khi đó đại ca đánh ở mặt trận nảo? Hồng Triều đáp:
– Ty chức lúc ấy ở dưới trướng Lưu Quốc Hiên tướng quân, cùng Trần Trạch tướng quân thống lãnh thủy binh vây đánh quân tiếp viện Hồng mao. Cuộc đại chiến diễn ra trên một giải Bắc Sán vĩ. Chiến hạm của Hồng mao quỷ rất lớn, mà súng cực kỳ lợi hại! Hỏa lực của bên chúng ta bắn vào chiến hạm đều bị vỏ tàu bằng gang thép hất ra, không sao làm tổn thương được. Hắn dừng lại một chút rồi tiếp:- Sau Lâm Tiến Thân tướng quân ở Tuyên Nghị tiền trấn thấy mình không chống nổi liền đốc suất hai trăm quân cảm tử, mình đeo hỏa dược liều chết nhẩy lên chiến hạm của Hồng mao quỷ, đốt chất nổ phá hoại những súng lớn trên chiến hạm. Bọn quỷ Hồng mao thấy quân ta dũng cảm không sợ chết, tấn công một cách táo tợn như vậy, chúng liền rối loạn cả lên. Kết quả đưa đến bên ta giết chết được một tên hạm trưởng Hồng mao quỷ, tịch thu hai chiến hạm chủ lực. Thế là thủy quân Hồng mao quỷ bị tan vỡ, không thành đội ngũ gì nữa. Hồng Triều hít một hơi chân khí, nói tiếp:
– Trên bộ Trần quân sư dẫn binh mở cuộc đại chiến cũng được toàn thắng. Sau trên mình quân sư bị trúng bảy viên đạn chì của bọn Hồng mao, phải mổ lấy ra. Vi Tiểu Bảo thở dài nói:
– Hừ! Gia sư lâm trận dũng cảm như vậy không bị chết vì súng đạn của Hồng mao quỷ, mà lại uổng mạng dưới lưỡi kiếm của con bà nó tên tiểu tử Trịnh Khắc sảng mới thật đáng giận. Gã quay lại hỏi Thi Lang:
– Thi tướng quân! Đã là nam tử hán, là đại trượng phu, cần đánh giết bọn quỷ ngoại quốc để giữ vững giang sơn mới đáng mặt anh hùng. Còn mình lại giết người mình thì dù giết đến bao nhiêu cũng chẳng đáng kể là hảo hán. Có đúng thế không? Thi Lang hằng dặng một tiếng không trả lời. Lâm Hưng Châu kể tiếp:
– Bọn Hồng mao quỷ rất nhiều quỷ kế. Chúng thấy bị thất bại mấy trận liền, toan đốt lương thực của chúng ta, nhưng lần nào cũng bị Trần quân sư khám phá ra. Rốt cục định cắp gà chẳng được mà nắm gạo cũng không. Hồng mao thú là Quĩ Nhất cố thủ cô thành đành chịu bó tay, sau hắn lại phái người vượt biển đến liên lạc với tổng đốc của nhà Đại Thanh ở Mãn Triết là Lý Suất Thái, xin y phái binh cứu viện. Lý đại nhân xử sự rất hứng thú, phúc thơ cho Hồng mao quỷ hãy phái binh đến Phúc Kiến để bình định giải Kim Môn, Hạ Môn của Quốc tính gia, rồi quân Đại Thanh sẽ kéo tới Đài Loan nội ngoại giáp công. Khi đó Hồng mao quỷbảo vệ mình còn chưa xong, chẳng khác con rùa rụt đầu rụt cổ ẩn trong thành Nhiệt Lai Già, còn nói chi đến chuyện phái binh đi đánh Kim Môn, Hạ Môn. Vi Tiểu Bảo hỏi:
– Nhà Đại Thanh ta đã hứa lời chắc cũng phải giữ. Sau có phái binh đi không? Dù chậm lại vài ba chục năm, cái đó cũng không hề gì? Hồi Thi tướng quân dẫn binh đến đánh Đài Loan có bọn Hồng mao quỷ trong đánh ra ngoài đánh vào không? Thi Lang nghe tới đây không nhẫn nại được nữa, đứng phắt dậy hỏi:
– Vi Tước gia! Huynh đệ cùng tước gia là nhất điện chi thần đều làm quan với nhà Đại Thanh Tại sao tước gia lại lạnh nhạt với huynh đê, nói toàn những câu mạt sát? Vi Tiểu Bảo lấy làm kỳ hỏi lại:
– Ô hay! Thế này thì lạ thiệt! Tiểu đệ có dám mạt sát Thi tướng quân hồi nào đâu? Thi tướng quân không cấu kết với nước ngoài là hay lắm rồi. Giả tỷ có cấu kết với ngoại quốc, tiểu đệ nhận thấy hãy còn kịp thời. Thi tướng quân tay giữ trọng binh, chắc bọn Hồng mao quỷ, Tây Ban Nha quỷ. Bồ Đào Nha quỷ, La Sát quỷ đều thích kết giao với Thi tướng quân. Thi Lang trong lòng run lên, bụng bảo dạ:
– Nguy rồi! Tên tiểu quỷ này mà đưa cáo trạng về Hoàng thượng vu hãm tâu về tội giao thông với ngoại quốc thì đời ta tất bị hủy diệt về tay gã. Hắn hiểu sâu xa Vi Tiểu Bảo được Vua Khang Hy rất sủng ái. Bất giác hắn rất lấy làm hối hận vừa rồi để lửa giận bốc lên, thốt ra mấy lời vô lễ. Hắn vội tươi cười nói:
– Bửa nay tiểu đệ quá chén thành có chuyện xung chàng, xin Vi tước gia tha tội cho. Vi Tiểu Bảo thấy vừa rồi hắn nổi giật cũng hơi khiếp sợ, bây giờ nét mặt gã dịu lại nhỏ lời xin lỗi, liền biết là gã sợ mình. Gã cười đáp:
– Nếu Thi tướng quân thực tình muốn tự lập làm Vua ở Đài Loan thì cứ việc giết tiểu đệ đi để bịt miệng, chẳng còn đâu mà bí mật cáo tố với Hoàng thượng.Bằng tướng quân chỉ lớn tiếng om sòm hay nổi giận lôi đình thì tiểu đệ dù nhỏ mật cũng không sợ đâu? Thi Lang sắc mặt lợi lạt, đứng dậy xá dài nói:
– Vi tước gia! Người ta thường nói: “Bậc đại nhân không chấp nhặt kẻ tiểu nhân”. Ty chức ăn nói hoang đường, cam bề lãnh phạt. Còn chuyện tự lập làm Vua hay thông giao ngoại quốc gì gì thì ty chức nhất quyết không hề nghĩ tới. Ty chức chỉ một lòng một dạ vì đức Hoàng thượng ra sức. Thủy chung chữ Trung vẫn đội trên đầu, chẳng bao giờ lòng một dạ hai. Vi Tiểu Bảo cười nói:
– Mời tướng quân ngồi xuống, ngồi xuống! Chúng ta cứ nói chuyện tự nhiên. Đoạn gã quay sang hỏi Lâm Hưng Châu:
– Lâm đại ca nói chuyện nghe thú hơn cả thầy đồ giảng sách. Còn vụ Quốc tính gia luyện binh ở Đài Loan khiến bọn Hồng mao quỷ són vãi phân về sau ra làm sao? Lâm Hưng Châu đáp:
– Hồi ấy Quốc tính gia thống lãnh đại quân đánh tới đảo Đài Loan, chẳng bao lâu tin tức lan truyền vào nội địa. Huỳnh Ngô đại nhân liền hiến kế với triều đình, đưa ra mưu lực kêu bằng “Kiên bích thanh đã bình hải ngũ sách”. Vi Tiểu Bảo hỏi:
– Quỳnh Ngô là ai vậy? Lâm Hưng Châu liếc mắt nhìn Thi Lang hắng dặng luôn mấy tiếng, nhưng chưa trả lời ngay. Thi Lang đáp:
– Huỳnh đại nhân nguyên trước là bộ hạ dưới trướng Quốc tính gia làm chức tổng binh. Sau đại nhân quy thuận triều đình, bước hoạn đồ rất hanh thông. Khi đại nhân qua đời đã được phong đến Nhất đẳng Hải Trừng công. Vi Tiểu Bảo nói:
– ồ! tế ra cũng là một tên đại Hán…Còn chữ “gian” gã kịp nuốt vào không thốt ra nữa. Thi Lang đỏ mặt lên mắng thầm:
– Mi thóa mạ ta là Hán gian thì xem chừng cái vỏ người Mãn Châu của mi chỉ là giả mạo. Té ra gã cũng là người Hán như mình. Vi Tiểu Bảo hỏi:
– Huỳnh Ngô luồn đít đưa ra diệu sách gì mà được phong đến tước công? Chúng ta nên nghiên cứu lại kế hoạch của hắn xem sao. Lâm Hưng Châu đáp:
– Nguyên Quốc tính gia phái Huỳnh Ngô canh giữ Hải Trừng. Không ngờ lão đem Hải Trừng dâng triều đình để đầu hàng. Những tướng sĩ không chịu theo lão qui thuận đều bị giết hết. Hồi đó triều đình đang chẳng có cách gì bắt được Quốc tính gia, mà đột nhiên bên đối phương có một vị đại tướng kéo quân về đầu hàng, lại dâng luôn cả thành thị, dĩ nhiên triều đình rất lấy làm hoan hỉ, liền phong thưởng đặc biệt cho Huỳnh Ngô. Vi Tiểu Bảo nói:
– Té ra là thế. Hắn dâng kế hoạch đó cho triều đình với dụng ý gì? Lâm Hưng Châu thở dài đáp:
– Lão đưa ra “Bình hải ngũ sách” làm cho bách tính muôn phần điêu đứng! Bình hải ngũ sách gồm năm điều:
– Điều thứ nhất: Những nhân dân ở miền duyên hải phải thiên cư vào nội địa. Thế là những đảo Kim Môn, Hạ Môn và Đài Loan không còn nhận được đồ tiếp tế nữa.
– Điều thứ hai: Bao nhiêu thuyền bè ven biển nhất thiết đều phóng hỏa đốt cho kỳ hết. Từ đó không một tấm ván nào được hạ xuống biển.
– Điều thứ ba: Hạ sát phụ thân của Quốc tính gia là Trịnh thái sư.
– Điều thứ tư: Khai quật mồ mả tổ tiên của Quốc tính gia để phá hoại về mặt phong thủy.- Điều thứ năm: Những quan binh bộ thuộc hạ cũ của Quốc tính gia đầu hàng triều đình đều đưa đi khẩn hoang tại các tỉnh trong vùng nội địa để tuyệt mối lo về sau. Vi Tiểu Bảo nói:
– Chà chà! Kế hoạch của hắn thật là thâm độc! Lâm Hưng Châu đáp:
– Dĩ nhiên là thế. Khi ấy Thuận Trị Hoàng gia vừa mới băng hà. Hoàng thượng lên kế vị còn nhỏ tuổi quá, bao nhiêu quyền binh vào hết trong tay Ngao Bái nắm giữ… Hắn dừng lại một chút rồi tiếp:
– Tên gian tặc Ngao Bái nhận thấy “Bình hải ngũ sách” của Huỳnh Ngô rất hữu lý, liền hạ lệnh dọc miền duyên hải kể từ Liêu Đông qua Trực Lệ, Sơn Đông, Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến cho đến Quảng Đông không ai được cư trú trong phạm vi ba mươi dặm biển. Bao nhiêu thuyền bè phải siêu hủy cho hết. Hàng triệu bách tính ở miền duyên hải thời bấy giờ phải lưu ly thất tán, mất cả nơi ăn chỗ làm, khó lòng sống nổi. Thi Lang lắc đầu nói:
– Kế hoạch của Huỳnh Ngô thực là quá tệ! Mãi đến ngày đức Hoàng thượng tự mình chấp chính, Vi đại nhân giết chết Ngao Bái, lệnh cấm ở ven biển mới được thủ tiêu, nhưng trăm họ bảy tỉnh duyên hải không biết đã phải hứng chịu bao nhiêu là gian lao khổ sở. Thời kỳ triều đình ra nghiêm lệnh hễ bách tính phạm vào liền bị bắt chém đầu lập tức. Rất nhiều dân nghèo không kế sinh nhai phải ra bờ biển bắt cá rồi bị quan binh sát hại khá nhiều. Trịnh thái sư cũng bị giết vào hồi đó. Ngao Bái đặc phái Binh bộ thượng thơ là Tô Nạp Hải đến những huyện Toàn Châu, An Nam, tỉnh Phúc Kiến khai quật mổ mả nhà họ Trịnh. Vi Tiểu Bảo nói:
– Ngao Bái tự xưng là dũng sĩ mà hành động thế này thì thật là vô vị. Hắn có bản lãnh sao không dùng đao thương đến đánh nhau thực sự với Quốc tính gia để phân thắng bại? Hắn bắt trăm họ miền duyên hải phải thiên cư vào nội địa tức là tỏ ra sợ người rồi còn gì?Gã thở dài nói tiếp:
– Đức Hoàng thượng rất thương yêu trăm họ. Kế hoạch này của Huỳnh Ngô mà trình lên đến tai ngài, tất hắn phải rơi đầu. Thi Lang đành nói hùa theo:
– Đúng thế! Vi tước gia dậy rất phải. Huỳnh Ngô chết sớm thật là phước cho hắn. Vi Tiểu Bảo lại hỏi Lâm Hưng Châu:
– Rồi sau sao nữa? Lâm Hưng Châu đáp:
– Tin này truyền ra tới Đài Loan, Quốc tính gia sợ lòng quân nao núng liền tuyên bố đây chỉ là lời phao đồn vô căn cứ, không nên nhẹ dạ cho là sự thực. Nhưng chính lão nhân gia biết rõ là tin đích xác không phải giả dối. Hắn thở dài nói:
– Theo lời thân binh kể lại thì thường thường vào lúc nửa đêm, Quốc tính gia vẫn khóc thầm… Lâm Hưng Châu dừng lại một chút rồi tiếp:
– Quốc tính gia còn nói với Trần quân sư và mấy vị đại tướng là kế hoạch của Huỳnh Ngô cực kỳ tàn độc. Giả tỷ không kéo đến đánh Đài Loan thì mười mấy vạn đại quân ở lại Kim Môn, Hạ Môn, không còn đất đứng. Hồi đó quân ta vây thành đã lâu, quân Hồng mao mấy phen muốn phá vòng vây đều bị đánh bật trở về. Thế rồi Quốc tính gia hạ tướng lệnh tấn công Nhiệt Lai Gia Thành trước tết.