Đừng hoang tưởng về biển lớn
Sau mỗi thời kỳ vàng son
Trong suốt lịch sử thế giới, cái tệ hại của mỗi thời kỳ vàng son là một kết cuộc thảm thương cho mọi người dân. Bong bóng bao giờ cũng vỡ. Nợ quá tải bao giờ cũng đáo hạn sớm hơn dự định. Người giàu thì phá sản vì lối kinh doanh đòn bẩy phiêu lưu không còn thích hợp, người trung lưu thì trắng tay vì giá trị tài sản biến mất, lây lắt bám víu vào một nền kinh tế khập khiễng. Các quan chức chính phủ thì luôn luôn bó tay vì không hiểu chữ sáng tạo hay tiết kiệm là gì?
Đọc lịch sử thế giới, tôi luôn say mê về những góc nhìn tiêu biểu cho thời vàng son của mỗi quốc gia. Từ đế chế La Mã, Hy Lạp ngày xưa đến Anh, Mỹ, Nhật thời cận đại, chúng mang nhiều nét đặc thù, những tựu trưng, vẫn có rất nhiều tương đồng. Xã hội và con người trong những thời kỳ huy hoàng này, nhất là giới cầm quyền thượng lưu, luôn luôn mang đậm những cá tính hồ hởi lạc quan, phô trương quyền lực và sự giàu có, đắm mình trong lễ hội và tiệc tùng, sống không lo âu đến ngày mai vì nghĩ rằng … những ngày hè nắng đẹp sẽ kéo dài bất tận. Người Mỹ có bài hát mô tả tình huống này, “Let the good times roll” mà người Pháp tán đồng nồng nhiệt ” Laisser les bon temps rouler.” Thời vàng son ơi, hãy tiếp tục trôi…
Nước Mỹ trong thập kỹ 1920s được biết đến bằng tên “The Roaring Twenties” (Những năm hoan lạc của 1920s). Thế chiến Thứ Nhất vừa chấm dứt và Mỹ hưởng lợi rất nhiều vì đã cho các nước thắng trận (Anh, Pháp) vay những khoản tiền rất lớn cho chiến tranh, cũng như đã cung cấp vũ khí cho cả hai bên với giá tốt. Nước Mỹ đang sửa soạn thay thế đế chế Anh trên khắp thế giới vì sức mạnh tài chính của mình. Những công nghệ mũi nhọn mới đem thế lực kinh tế và văn hóa Mỹ phủ khắp toàn cầu (xe hơi, phim ảnh, radio, kỹ nghệ hóa học, nhạc jazz…) trong khi châu Âu vẫn còn là đống tro hoang tàn vì chiến tranh và châu Á vẫn là các thuộc địa chậm tiến. Thị trường chứng khoán và địa ốc tăng trưởng đột biến, người dân Mỹ ngoài thu nhập cao còn hưởng những khoản lời này nên cảm thấy giàu có nhất thế giới, và tương lai chưa bao giờ có một hứa hẹn rực rỡ như vậy. Dân quê ào ạt đổ về thành phố tìm sự giàu có, “đô thị hóa” ở Mỹ thực sự bộc phát.
Cùng với nhân dân, chính phủ Mỹ nới rộng tín dụng, giữ lãi suất thật thấp và bắt đầu những công trình xây dựng hạ tầng khắp quốc gia. Xa lộ, đường sắt, xe điện ngầm, nhà máy điện nước, cảng biển… mọc lên như nấm sau cơn mưa dài. Giá cả mọi tài sản trở thành… bong bóng, xa rời thực tế. Nợ công ngày càng chồng chất và lạm phát bắt đầu quậy phá.
Ngày 29/10/1929 thực tế của thị trường ghé thăm. Wall Street sụp đổ với 13% giảm sút trong chỉ số Dow Jones (lên đến 58% trong nhiều tuần sau đó và 89% vào 1931). Nước Mỹ kéo toàn thế giới vào cuộc Đại Suy Thoái suốt thập niên 1930s cho đến khi Thế Chiến Thứ Hai bắt đầu.
Trong suốt lịch sử thế giới, cái tệ hại của mỗi thời kỳ vàng son là một kết cuộc thảm thương cho mọi người dân. Bong bóng bao giờ cũng vở. Nợ quá tải bao giờ cũng đáo hạn sớm hơn dự định. Người giàu thì phá sản vì lối kinh doanh đòn bẩy phiêu lưu không còn thích hợp, người trung lưu thì trắng tay vì giá trị tài sản biến mất, lây lắt bám víu vào một nền kinh tế khập khiễng. Các quan chức chính phủ thì luôn luôn bó tay vì không hiểu chữ sáng tạo hay tiết kiệm là gì?
Trong những thời vàng son đó, tôi thích tìm hiểu về những nhân vật đầy quyền lực, giàu có của xã hội, đã được hoàn cảnh đưa đẩy lên đỉnh cao của quốc gia, và đời sống họ là những bức tranh trung thực nhất của môi trường chung quanh.
Không ai mà không ấn tượng với những câu chuyện về Du Yue Sheng, thủ lãnh của băng đảng Green Gang, đã đem Thượng Hải thời 30s lên bao nhiêu là phim ảnh của Tàu và Mỹ. Anh chàng xã hội đen này, xuất thân là một nông dân nghèo của Pudong, đã leo lên ngai thị trưởng (không chính thức ) của Thượng Hải, qua những quan hệ làm ăn với
Tưởng Giới Thạch và các quan chức địa phương. Thậm chí, ông còn tài trợ cho phần lớn các chiến dịch càn quét của họ Tưởng trong chiến tranh.
70 năm sau, Trung Quốc lại cống hiến cho lịch sử một nhân vật đầy màu sắc, là Lai Chang Xing, cũng là một nông dân nghèo của tỉnh Hạ Môn. Khởi nghiệp bằng con số không, Lai đã thu góp được một tài sản khổng lồ hơn 16 tỷ USD (theo cáo trạng của chánh phủ) trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy 5 năm. Lai đã khống chế hoàn toàn các cơ quan công lực của Hạ Môn rồi Trung Ương, từ cảnh sát đến hải quan, để tổ chức được một mạng lưới buôn lậu xe hơi, dầu khí và thuốc lá khắp nước. Sự sụp đổ của Lai là do Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân và Thủ Tướng Chu Dung Cơ muốn dùng con bài của Lai để lật đổ thế lực hùng mạnh của nhóm Bắc Kinh. Lai bị án tử hình, trốn được qua Canada; còn ở nhà, Thị Trường Bắc Kinh và 4 nhân vật cao cấp phải tự tử chết. Gần 400 quan chức bị đưa ra Tòa về vụ việc này gồm 2 Bộ Trưởng, 26 tỉnh ủy, 86 huyện ủy và kết quả có 14 án tử hình.
Nhân vật đình đám nhất của The Roaring Twenties bên Mỹ là William Randolph Hearst. Ông tạo lập một gia tài khổng lồ qua sự thiết lập và thu tóm hơn 30 tờ báo chính tại các thành phố lớn (New York, San Francisco, Chicago, Los Angeles..), 8 tạp chí (Cosmopolitan, Good Housekeeping…) vài đài phát thanh và một phim trường ở Hollywood. Ông cũng từng là dân biểu, nghị sĩ, nhưng thất bại trong việc ứng cử vào chức Thị Trưởng New York, bàn đạp cho Tòa Bạch Ốc. Ông là king-maker (kẻ tạo vua chúa) trong rất nhiều cuộc bầu cử vì ảnh hưởng khủng khiếp của mạng truyền thông trong xã hội Mỹ. Ông lại có một cuộc sống xa hoa với tiệc tùng và scandal, gây ra không biết bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn cho đám đông luôn thờ phụng những nhân vật nổi tiếng (celebreties). Khu lâu đài của ông ở San Simeon California vẫn là một trung tâm thu hút bao du khách ngày nay. Trên hết, Orson Welles dùng ông như là một cảm hứng để tạo nên cuốn phim Citizen Kane, mà nhiều nhà phê bình cho là phim hay nhất qua mọi thời đại của lịch sử điện ảnh.
Một trong những scandal tiêu biểu trong năm 1924 là chuyện ông bắn chết một người bạn trên du thuyền tại một bữa tiệc sinh nhật vì ghen tuông và vì lầm tưởng anh ta là Charlie Chaplin, danh hề của những phim Charlot. Chaplin đang ái ân vụng trộm với cô đào nổi danh Hollywood, Marion Davies, hiện là nhân tình số một của ông. Nhưng ông không bị điều tra hay kết tội gì về vụ giết người này: dù sao, ông cũng là W.R. Hearst, người vừa giúp Tổng Thống Mỹ Calvin Coolidge đắc cử hai tuần trước đó.
Tôi chắc rằng những nhân vật xã hội của mọi thời vàng son đều có những trải nghiệm và tình huống tương tự. Khi tôi về lại Việt Nam vào 2006, người dân giàu có của xã hội thượng lưu ở đây cũng đầy những mẩu chuyện thú vị hào hứng, pha lẫn giữa sự thực và các tin đồn. Những huyền thoại về Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, Cường Đô La, Đào Hồng Tuyển… chiếm đầy các tít lớn của các tờ báo, tạp chí. Thời vàng son của một chu kỳ mới trong kinh tế vừa nổi của Việt Nam cùng bắt đầu vào thời điểm này.
Trở lại với câu chuyện của Hearst và The Roaring Twenties, lịch sử cho thấy một kết cuộc đáng buồn. Hearst gần như bị phá sản trong cuộc Đại Suy Thoái thập niên 30s và The Roaring Twenties chỉ còn vang vọng trong tiểu thuyết. Một tác giả là bạn thân của Hearst đã viết hồi ký về thời vàng son của Hearst và bạn bè,” Chúng tôi đã ăn chơi, nhảy múa không ngừng nghĩ trong những tiệc tùng thâu đêm. Rượu, ma túy, sex và những thị phi làm chúng tôi say sưa không biết mệt. Nhiều người vẫn cảm nhận sự điên cuồng và ngu xuẩn của những vũ điệu Charleston mỗi đêm, nhưng chúng tôi biết rằng, nếu giàn nhạc ngừng chơi, vũ điệu ngừng quay, thì chúng tôi sẽ không có gì… ngoài một trống vắng toàn diện.” Thế cho nên, let the good times roll, thời vàng son ơi, hãy tiếp tục trôi.
Hôm nọ, trong đêm giá rét của Hà Nội, tôi ghé vào quán cà phê ở Sheraton Westlake, chợt loáng thoáng nghe lại bài nhạc “Let the good times roll”. Nó nhắc tôi về W.R. Hearst và The Roaring
Twenties của xứ Mỹ xa xôi. Nó làm tôi tự hỏi chúng ta đã học được gì khi lịch sử tái diễn?
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn
ALAN PHAN
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.