Đừng hoang tưởng về biển lớn
Bỏ cuộc trước khi tới đích là thất bại
Thượng Tùng thực hiện
Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund, là một doanh nhân giàu kinh nghiệm với hơn 40 năm lăn lộn trên thương trường quốc tế. Năm 1987, ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty của mình là Hartcourt niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Năm 1999, thời điểm thị giá của Hartcourt là 670 triệu USD, cũng là lúc ông quyết định rời công ty, tập trung lấy hai bằng tiến sĩ tại Mỹ và Anh, rồi thành lập quỹ đầu tư gia đình Viasa năm 2001, đặt trụ sở tại Hồng Kông. Hiện tổng danh mục đầu tư của quỹ này là 62 triệu USD. Giờ đây, dù đã sang tuổi 65, nhưng người đàn ông này vẫn xuôi ngược, mê mải với công việc làm ăn.
Sau bảy năm du học tại Hoa Kỳ theo chương trình học bổng của UNSAID, Alan Phan trở lại Sài Gòn năm 1970. Ngoài công việc giảng dạy tại Trường Kỹ thuật Phú Thọ, ông còn tham gia thành lập một số công ty liên doanh với nước ngoài, như Dona Foods, Foremost Dairies (nay là Vinamilk), Mekong Can, với hơn 18 ngàn nhân viên. Sau ngày đất nước thống nhất, các cơ sở kinh doanh của ông đều bị sung công. Bỏ lại tất cả, ông qua Mỹ với vỏn vẹn 400 USD trong túi. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cũng bắt đầu từ cột mốc này. Ông nói:
Lần thứ hai qua Mỹ, tôi làm việc cho Công ty đa quốc gia Eisenberg, rồi chuyển qua Polaris Leasing – một công ty con của GE Capital, chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay. Đặc thù công việc đòi hỏi tôi phải di chuyển liên tục, bởi trung bình mỗi quốc gia chỉ có một đến hai hãng máy bay. Năm 1983, tức là sau tám năm đi làm thuê, tôi quyết định ra riêng, thành lập Hartcourt, phần vì quá mệt mỏi, phần khác vì cũng muốn thử sức mình.
Lần thử sức đó như thế nào?
Chúng tôi liên doanh với Magic Marker, xây dựng một nhà máy sản xuất bút ở Trung Quốc. Tuy nhiên, dự án này không thành công. Đến năm 1987, chúng tôi đưa Hartcourt lên sàn chứng khoán Mỹ, để gây vốn. Nhờ vậy, chúng tôi mua lại một công ty ở Mexico, chuyên cung cấp hộp cáp tivi cho General Instrument, công ty con của Motorola. Sản phẩm của chúng tôi chiếm 70% thị phần Hoa Kỳ, doanh thu rất cao, nhưng phần lời không đáng kể, nếu không muốn nói là rất thấp. Làm gia công ở đâu cũng vậy thôi, người ta chỉ trả cho mình một khoản tiền đủ giúp mình tồn tại, để tiếp tục nai lưng ra làm.
Có vẻ như câu chuyện gia công đang được tái hiện tại Việt Nam. Gần đây, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hiệu quả thấp nhất về hai phương diện: sử dụng lao động và công nghệ?
Tôi nghĩ tình trạng dòng FDI đổ vào Việt Nam hiện nay cũng tương tự như Trung Quốc cách nay 15 năm. Đó là một tiến trình mà mình phải chấp nhận. Mối quan tâm duy nhất của các nhà đầu tư là hiệu quả của đồng vốn. Khi công nghệ lạc hậu, nhân công giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh thì doanh nghiệp sẽ tự khắc phải điều chỉnh, tăng cường đầu tư vào công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vốn nước ngoài cần thiết cho nền kinh tế. Việc kiểm soát FDI, theo tôi, chỉ nên căn cứ trên hậu quả từ hoạt động của doanh nghiệp đối với môi trường. Đây cũng chính là cái giá Trung Quốc phải trả cho quá trình tăng trưởng kinh tế của mình.
Ông có thể nói rõ hơn…
Tôi nghĩ nên tiếp cận những con số Trung Quốc công bố từ nhiều phương diện. Thế giới rất ấn tượng với con số 2.000 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Nhưng theo một bài báo mà tôi đọc cách nay ít bữa, thì để khôi phục lại môi trường, quốc gia đông dân nhất hành tinh này cần khoảng 2.500 tỉ USD. Do đó, tiên lượng được cái giá phải trả là vô cùng quan trọng đối với chính phủ trước khi đưa ra những quyết sách.
Nói tiếp dự án của chúng tôi tại Mexico. Năm 1994, nhận thấy hiệu quả kinh tế thấp từ việc gia công cho General Instrument, chúng tôi bán nhà máy, quay lại thị trường Trung Quốc, đầu tư vào ngành công nghệ thông tin do sự xuất hiện của Internet.
Tại sao không phải là Mỹ, một thị trường có hạ tầng tốt hơn?
Nhận diện lợi thế cạnh tranh của mình là một yếu tố rất quan trọng đối với tôi khi kinh doanh. Thị trường công nghệ thông tin ở Mỹ cạnh tranh rất khắc nghiệt. Còn Internet ở Trung Quốc lúc đó còn đang trong giai đoạn phôi thai, mới có khoảng 10 triệu người sử dụng Internet. Đến năm 1999, dưới Hartcourt đã thành lập được mười mấy công ty nhỏ, kinh doanh nhiều lĩnh vực, từ giáo dục cho đến mua bán qua mạng…
Tuy nhiên, thất bại của tôi là không kết hợp được các công ty con lại với nhau, tạo thành sự cộng hưởng, nên không cạnh tranh được với một số công ty nội địa. Họa vô đơn chí, đúng lúc đó “bong bóng Dot-com” (bong bóng cổ phiếu của các công ty công nghệ cao – PV) vỡ, tài chính khó khăn, còn Hartcourt vướng vào vụ kiện tụng với Sở Giao dịch Chứng khoán New York… buộc tôi tái cấu trúc Hartcourt thành năm công ty nhỏ, tiếp tục niêm yết trên sàn Mỹ trước khi thoái vốn. Năm 2001, tôi thành lập Viasa Fund, đặt trụ sở tại Hồng Kông.
Có vẻ như ông rất ưu ái thị trường Trung Quốc?
Tôi đầu tư vào Trung Quốc vì thời gian còn làm việc cho Eisenberg, tôi đã lăn lộn ở thị trường này và gầy dựng được một số mối quan hệ. Tôi cũng biết người Trung Quốc rất giỏi làm ăn, đặc biệt là tinh thần doanh nhân của họ, rất ghê gớm. Tôi đã chứng nghiệm được điều này khi bán nhà máy ở Mexico, đầu tư vào Trung Quốc năm 1983. Dù bị chính quyền kiểm soát gắt gao nhưng họ vẫn vượt khó để làm ăn thành công.
Tinh thần doanh nhân mạnh mẽ là một yếu tố quan trọng. Nhưng kinh tế thị trường cũng là một xu hướng không thể kiềm hãm?
Không có kinh tế thị trường thì không có sự phát triển. Nói cho cùng, con người là sinh vật tham lam. Sự tham lam đó hình thành trong lịch sử phát triển của loài người, trở thành bản chất cố hữu, không thay đổi. Một nền kinh tế không phải thị trường, dù có hiệu quả, thì cũng chỉ là tạm thời, sớm hay muộn cũng bị chôn vùi. Cũng chính sự tham lam đó là lý do khiến kinh tế thị trường phát triển mạnh. Thế nên, nếu tạo điều kiện để sinh vật này tự làm giàu cho mình thì nó sẽ có rất nhiều sáng tạo. Còn nếu kiềm hãm, định hướng, lao động cho người khác hưởng thì người ta chỉ làm chiếu lệ mà thôi.
Tôi nói giỡn với mấy người bạn Mỹ rằng đáng ra người Mỹ phải dựng tượng ông Mao Trạch Đông. Nhờ ông ấy kiềm hãm kinh tế Trung Quốc hơn 40 năm nên Mỹ mới có điều kiện để phát triển. Chứ nếu thả ra cho tự do kinh doanh như Hồng Kông thì bây giờ Trung Quốc đã là bá chủ thế giới.
Một số ý kiến cho rằng việc Trung Quốc trở thành bá chủ thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian…
Tôi tin rằng chừng nào còn duy trì một nền kinh tế chỉ huy thì Trung Quốc không thể trở thành siêu cường như mong muốn của họ. Cũng giống như xe hơi, một người nhấn ga, một người đạp thắng thì chiếc xe chắc chắn sẽ vận hành một cách xộc xệch.
Trong lời đề tựa cuốn sách Niêm yết sàn Mỹ, ông viết: “Thực sự, niêm yết sàn Mỹ dễ hơn sàn Việt từ phí tổn đến thời giờ”. Hai yếu tố này là lý do khiến sàn Mỹ thu hút được nhiều công ty niêm yết?
Lý do khiến sàn Mỹ hấp dẫn các công ty niêm yết là bởi tính thanh khoản cao. Còn thủ tục đơn giản là do cách tư duy của Chính phủ Mỹ. Họ chỉ quan tâm chuyện duy nhất là các công ty niêm yết phải trung thực và minh bạch, đồng thời tạo môi trường khuyến khích sự minh bạch sinh sôi nảy nở. Mọi doanh nghiệp niêm yết nếu bị phát hiện có hành vi gian dối, bớt xén hoặc cung cấp thông tin sai lệch đều bị trừng phạt rất nặng, thậm chí truy tố. Việc phát hiện hành vi gian dối khá dễ dàng. Bởi ngoài hàng trăm, hàng ngàn cổ đông, việc giám sát doanh nghiệp niêm yết còn có sự góp mặt của các chuyên gia phân tích với sự tiếp tay nhiệt tình của báo chí… Nói nôm na là trong một căn phòng đèn đuốc sáng choang, mọi người dòm ngó lẫn nhau, thì việc che giấu những hành vi gian lận là rất khó. Mọi người cùng hướng tới sự minh bạch vì sự minh bạch mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Sau hơn ba thập niên bươn chải ở nước ngoài, ông quay lại Việt Nam thành lập Công ty Thông tin Tài chính Vi Phi (Vifinfo). Ông nhìn thấy cơ hội gì từ thị trường này?
Nhiều năm qua, tôi vẫn thường xuyên về thăm quê hương. Ở đây, tôi còn nhiều bà con, bạn bè. Thỉnh thoảng, tôi cũng có những khoản đầu tư nho nhỏ theo lời khuyên của một vài người, nhưng phần lớn đều không thành công. Tôi muốn nghiên cứu thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng thay vì mua lại thông tin thì chúng tôi thành lập Vifinfo để tự nghiên cứu và đánh giá. Chúng tôi xây dựng một website về chứng khoán, bán terminals, phần mềm có thông tin nghiên cứu cho các nhà đầu tư cần, và tham gia sản xuất tạp chí Thị trường Chứng khoán mỗi tháng một số. Vifinfo hiện vẫn đang lỗ.
Lỗ nhiều không, thưa ông?
Chúng tôi đã đầu tư khoảng 1,2 triệu USD và đến thời điểm này, vẫn chưa thu được một đồng lời. Chừng nào chịu hết nổi thì tôi buông. Nhìn chung, khoản đầu tư này khá khiêm tốn trong tổng danh mục đầu tư của quỹ Viasa Fund và cũng không phải là vấn đề sinh tử. Thực ra, hoạt động kinh doanh của tôi chủ yếu vẫn là thị trường Mỹ và Trung Quốc. Về phần mình, tôi cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường này.
Tức là ông đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình tình huống thất bại?
Trong hơn 40 năm đi làm, tôi chưa thấy một trường hợp nào thành công một cách êm thắm. Ông Eisenberg, Chủ tịch Tập đoàn Eisenberg, có nói một câu mà tôi nhớ hoài: “Khi anh bị té thì cố gắng ngửa mặt lên. Chừng nào anh còn ngẩng mặt lên thì anh còn có thể trỗi dậy”. Thực tế là tôi cũng đã một vài lần trắng tay, nhưng không xem đó là thất bại.
Vậy thì, với ông, như thế nào mới là thất bại?
Với tôi, bỏ cuộc trước khi tới đích là thất bại. Tôi chưa bỏ cuộc nghĩa là tôi chưa thất bại.
Còn sự thành công?
Tôi quan niệm một người thành công trong cuộc sống phải hội đủ sáu yếu tố. Thứ nhất là có sức khỏe. Thứ hai, trí tuệ đầy đủ. Thứ ba, tinh thần mạnh mẽ, sáng suốt. Thứ tư, tâm linh mình được thanh nhàn, êm ả, hòa hợp với vũ trụ, với đấng tối cao nào đó. Thứ năm, trả ơn xã hội bằng những đóng góp thiết thực. Sau cùng, có tài sản vật chất đầy đủ. Thiếu bất kỳ yếu tố nào trong sáu yếu tố này thì chưa phải toàn vẹn.
Có cầu toàn quá không?
Đúng là khó ai có thể đạt được sáu yếu tố này một cách trọn vẹn. Một ngày thành công và hạnh phúc là ngày mình cải thiện được một vài yếu tố trong đó. Còn ngày nào không có sự cải thiện thì là một ngày vô dụng. Tức là so sánh mình ngày hôm nay với ngày hôm qua.
Từ giác độ của một nhà đầu tư, ông đánh giá thế nào về môi trường làm ăn ở Việt Nam hiện nay?
Việt Nam khá giống với Trung Quốc cách nay 15 năm, vẫn đang dùng dằng giữa thể chế kinh tế thị trường và kinh tế chỉ huy của Nhà nước. Sự không rõ ràng này khiến các nhà đầu tư nước ngoài không tiên liệu hết được rủi ro khi cần ra những quyết định quan trọng, khiến việc kinh doanh bị chi phối quá nhiều bởi yếu tố may rủi. Đó là vấn đề khiến các nhà đầu tư e ngại nhất. Còn Trung Quốc thì rõ ràng hơn. Viễn thông, xuất bản, quốc phòng hay những lĩnh vực liên quan đến an sinh xã hội như điện, nước… vẫn do Nhà nước độc quyền kiểm soát. Nhưng các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, công nghệ cao, ngân hàng… thì được phép hoạt động theo quy luật của kinh tế thị trường. Việt Nam chưa được như vậy.
Nếu cần một khuyến nghị để thu hút FDI, ông sẽ nói…
Trung bình mỗi năm các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân khoảng 70 – 100 tỉ USD vào các dự án tại Trung Quốc. Trong khi đó, những công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ hiện nay đã thu hút được khoảng 1.000 tỉ USD. Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra được điều này nên họ có nhiều động thái khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch nước ngoài. Xét cho cùng thì đây cũng là một hình thức thu hút đầu tư nước ngoài. Dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong cải cách hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho những nhà đầu tư nhưng để mang vốn đầu tư vào Việt Nam, họ vẫn phải vượt qua rất nhiều rào cản, chờ dự án được phê duyệt, rào cản pháp lý…, khiến tốn kém về thời gian và chi phí. Trong khi đó, nếu công ty Việt Nam niêm yết trên sàn giao dịch quốc tế, nhà đầu tư có thể dễ dàng đầu tư vào trong năm giây đồng hồ, bằng cách mua cổ phiếu của công ty. Vấn đề thứ hai, cũng rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, là tốc độ thoái vốn. Khi cần rút vốn, nhà đầu tư cũng chỉ cần một thao tác là đặt lệnh bán cổ phiếu của doanh nghiệp mà họ đang nắm giữ. Thêm nữa, một công ty đã niêm yết, thí dụ như sàn Nasdaq, thì bản thân doanh nghiệp cũng không cần phải mất thì giờ tìm kiếm, trình bày, thuyết phục… các nhà đầu tư.
Một vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là liệu Chính phủ Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát ở mức 7% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Ông thấy sao?
Tôi luôn hoài nghi về những con số, chỉ số mà các chính phủ công bố, không riêng gì Việt Nam. Cũng giống như việc chi tiêu của một gia đình, kiếm được năm đồng mà xài mười đồng thì chắc chắn phải mang nợ, không gặp rắc rối hôm nay thì ngày mai sẽ gặp rắc rối, mặc dù trong ngắn hạn có thể vay nợ chỗ này chỗ khác. Mỹ là một trường hợp điển hình. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang xài quá nguồn thu của mình. Việc này là một lối tự sát từ từ.
Ngoài công việc kinh doanh, được biết ông còn tham gia giảng dạy tại hai trường đại học Fudan và Tongji ở Trung Quốc. Đi dạy học với ông là…
Giờ dạy của tôi rơi vào ngày cuối tuần nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến công việc. Thực ra, lý do khiến tôi đi dạy là để học.
Học gì?
Đi dạy là dịp để tôi phải hệ thống lại kiến thức cũ, đồng thời mình phải nghiên cứu, phát triển thêm. Sau khi tham gia vài ba khóa, hiện tôi đã chấm dứt công việc này.
Vì hết cái để học?
Thành thực, tôi không thích sinh viên châu Á vì họ thường rất thụ động. Vào lớp là nghe thầy giảng từ đầu đến cuối, trong khi tôi đòi hỏi sinh viên phải đọc sách trước khi tới lớp. Thông thường, tôi chỉ dành khoảng 20 phút để giải thích những vấn đề mà họ không hiểu, thời gian còn lại để dành cho sự tranh biện. Sách chưa chắc đã đúng, những gì tôi hiểu chưa chắc đã đúng. Muốn học có hiệu quả thì phải có sự tranh biện. Chính sự thụ động của sinh viên khiến tôi hết hứng thú.
Cách nay hơn 40 năm, ông cũng là sinh viên Á Đông?
Hoài nghi là một phẩm chất cần thiết để tiến xa trên con đường học vấn. Tôi thích sự tranh biện vì nó tạo ra sự kích thích về trí tuệ, chứ không phải vì tôi ương bướng. Vì vậy nên thời đi học, tôi được một số thầy rất thích, nhưng cũng có một số thầy không thích.
Gác lại chuyện công việc. Người ta nói biết làm thì cũng phải biết chơi. Còn ông thì sao?
Tôi cũng ham chơi. Những thú chơi của tôi khá đơn giản. Một buổi chiều thư thả ngồi nghe những bản nhạc cổ điển mình yêu thích, đọc một cuốn sách, đi bơi, lang thang vô rừng hoặc đi ăn với bạn bè là đủ vui. Những thú chơi không tốn kém, làm tôi tự tin hơn, bởi ngay cả những khi túng quẫn nhất, tôi vẫn có thể chơi hoài.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.