Đừng hoang tưởng về biển lớn
Giải mã nền kinh tế ngầm
Trong viễn ảnh bi quan, nhiều chuyên gia níu lấy cái phao khó phản bác là “nền kinh tế ngầm” của Việt Nam rất mạnh, lượng dự trữ vàng và ngoại hối rất cao, các họat động này sẽ cứu nguy tình trạng vĩ mô, và chúng ta sẽ ổn thôi.
Những ngày qua, tình hình kinh tế thế giới biến đổi nhanh chóng. S&P hạ cấp tín dụng nước Mỹ; vàng vượt 1,700 dollar một lượng; Dow Jones rớt hơn 1,300 điểm trong vài ngày; Trung Quốc chửi Mỹ thậm tệ vì làm sụt giảm giá trị dollar (coi bài Kẻ Cắp gặp Bà Già để hiểu thêm mánh mung của hậu trường chính trị). Cá nhân tôi có thể “gáy” to với bạn bè: tôi đã khuyên là cứ ôm lấy “vàng” 4 năm về trước; tôi đã đóan trước một năm các cuộc khủng hỏang tài chính 2007 và 2011 từ bong bóng BDS, rồi nợ công vì kích cầu, và lạm phát vì in tiền bừa bãi.
Nhưng thực sự, tôi phải thú nhận là những kiến thức chính xác này tôi đã “trộm” được sau khi lắng nghe những mẫu chuyện bình thường của các anh chị lao công, các người mua bán hàng lẻ nhỏ, các nhân viên cấp thấp của văn phòng… trong giao thiệp hàng ngày. Không gì nguyên bản.
Các chuyên gia kinh tế thường chỉ nhìn vào số liệu thống kê từ chánh phủ và đưa ra kết luận dựa trên sách vở từ tháp ngà nghiên cứu, nên đến 90% không biết chuyện gì đang xẩy ra và chuyện gì sẽ sắp đến. Như con ngựa bị bịt mắt hai bên, chỉ biết cắm đầu trên con đường trước mặt.
Trong viễn ảnh bi quan, nhiều chuyên gia níu lấy cái phao khó phản bác là “nền kinh tế ngầm” của Việt Nam rất mạnh, lượng dự trữ vàng và ngoại hối rất cao, các họat động này sẽ cứu nguy tình trạng vĩ mô, và chúng ta sẽ ổn thôi. Theo ước tính, nền kinh tế ngầm của Trung Quốc và Việt Nam có thể chiếm 30 đến 45% GDP, so với khỏang 8% bên Mỹ. Lý do là tín dụng cá nhân ở đây không phổ biến như bên Mỹ và các giao dịch tiền mặt lên đến 65% tổng số thương vụ. Giả thuyết này khá thuyết phục vì không ai rờ nắm được hiện trạng thực hư của con số dự phóng.
Tuy nhiên, một sự kiện nhỏ trong gia đình làm tôi “vấn đáp” lại tiêu đề này. Bà ô sin trong nhà có một bà chị buôn bán tạp hóa tại một xã nhỏ ở Hậu Giang. Thương vụ chừng 7 triệu một tháng; và ước tính lạc quan nhất cho bà một lợi tức khoảng 2 triệu một tháng hay 24 triệu một năm. Bà vừa phải trốn khỏi xã sau khi không trả nổi số nợ lên đến khỏang 350 triệu. Sự phá sản của bà tạo phản ứng dây chuyền và sau đó có hơn 20 người phải đi trốn nợ. Cho đến nay, mọi người lên quan vẫn tìm cách giải quyết là đi vay nợ thêm từ nhiều thành viên khác của gia đình bạn bè. Hệ thống “hụi”, nợ trả góp từ cá nhân, vay mượn từ bạn bè gia đình… từ xưa đã thành một tập tục phổ thông khắp xã hội, và hệ thống ngân hàng không chánh thống này được nhiều chuyên gia đánh giá cao về hiệu quả.
Tôi nhận thấy ngay khác biệt giữa tín dụng “ta” và “tây”. Các mạng truyền thông thường nêu ra khuyết điểm lớn nhất của nền kinh tế Mỹ là tín dụng cho các người tiêu dùng chiếm tỷ lệ quá cao trên tổng số tín dụng của quốc gia (hơn 30% của 40 ngàn tỷ dollar).
Khi tỷ lệ thất nghiệp vượt 10%, thu nhập để trả tiền nhà, tiền xe, tiền thẻ (credit cards) không đủ, tạo nên những thất thóat lớn cho ngân hàng. Trong khi đó, một chuyên gia nói với tôi là ở Việt Nam, phần lớn tín dụng là dành cho các doanh nghiệp, thay vì cá nhân, nên hiểm họa nợ xấu do ăn tiêu quá mức khó xảy ra. Ông quên rằng hơn 40% nợ vay ngân hàng là để đầu tư vào bất động sản, chứng khóan hay các họat động thương mại phiêu lưu khác, dù mọi người vẫn hay lách luật bằng những tên gọi khác nhau.
Dĩ nhiên, sự tiêu xài của người Mỹ là một vấn nạn; thêm vào đó, các chánh phủ Mỹ đã lợi dụng yếu điểm này của người dân để làm lực đẩy cho GDP, lấy thuế cho ngân sách, gia tăng quyền lực của quan chức, chi tiêu cho những phiêu lưu quân sự của đế chế và vay tiền bừa bãi.
Nhưng dù tiêu xài cao, phần lớn nợ tư của các gia đình bị giới hạn vào chỉ tiêu cho vay của ngân hàng, vì khó mà đi vay từ cá nhân ở Mỹ. Thông thường, vay nợ để mua nhà được tài trợ khỏang 25% dựa trên khả năng trả nợ (thu nhập) và ngân hàng cho thêm khoảng 15% cho các nợ xe, nợ thẻ và các nợ khác. Tóm lại, nếu bạn có 5 ngàn dollar lợi tức mỗi tháng (trừ ra khỏang 800 dollar thuế) thì số nợ tối đa theo giấy tờ là vào 1,680 dollar mổi tháng. Số nợ an tòan là $300,000 cho một căn nhà trả 30 năm với lãi suất 5.5% và nợ xe, nợ thẻ khỏang $60,000 với lãi suất 10% trung bình.
Quay lại chuyện Việt Nam, nếu gia đình bà bán hàng nói trên chỉ có 2 triệu lợi tức, bà chỉ được vay tối đa chừng 30 triệu với lãi suất 20%. Khi bà nợ đến 11 lần khả năng trả nợ thì sớm muộn gì bong bóng cũng vỡ, dù ở Việt Nam hay Mỹ. Sự thiếu minh bạch về hệ thống tín dụng và khả năng thu nhập đã gia tăng rủi ro rất cao. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi một báo cáo về “hụi” cho thấy họat động này khá phổ biến vì tổng số được ước tính đến 22% tổng số nợ của ngân hàng. Ngòai bong bóng bất động sản đã bắt đầu xì hơi, một bong bong nợ cá nhân khắp xứ sẽ khiến nhiều ngân hàng chao đảo, vì có rất nhiều người với khả năng vay ngân hàng đã dùng tiền này để cho vay lại ngòai tư nhân, tìm khoản lời sai biệt.
Nhiều người cũng so sánh Việt Nam với Trung Quốc nơi nền kinh tế ngầm cũng rất phát triển và hiện tượng hụi cũng rất phổ thông. Sống ở Trung Quốc 15 năm qua, tôi nhận xét một điều là nói chung, dân Tàu thực sự cần kiệm (dù không bằng Ấn Độ) hơn dân ta nhiều. Thống kê của Visa International về mức độ tiêu xài cá nhân xác định Việt Nam dẫn đầu bảng, và nếu tính theo thu nhập đầu người, chúng ta qua mặt cả dân Mỹ về mặt tiêu xài. Ngay cả trong lãnh vực sản xuất, tôi cũng nghe và biết khá nhiều khoản vay mượn ngòai luồng của các doanh nghiệp với lãi suất chóng mặt (5% một tháng) để sống còn.
Nền kinh tế ngầm Việt Nam có thực sự đủ mạnh để giúp mọi người vựơt qua bão lớn? Tầm ảnh hưởng của nó như thế nào với hệ thống ngân hàng, với bong bong bất động sản, với mức tiêu dùng của người dân? Nó tùy thuộc thế nào vào lượng kiều hối, vào kênh đầu tư vàng, vào sự trú ẩn an tòan của lượng tiền nhàn rỗi?
Như đã nói từ đầu, tôi nghĩ là kinh tế tòan cầu sẽ lâm vào cảnh suy phát (stagflation) trong 4 đến 6 năm kể từ 2012. Bài viết này đặt ra vài câu hỏi để chúng ta bàn luận vì kết quả thực sự sẽ thay đổi những dự phóng về khả năng vượt bão của Việt Nam trong những năm tới. Hỏi thế thôi, chứ bất cứ kết luận nào, dù tích cực hay tiêu cực cũng đều có sác xuất đúng sai như nhau.
Nhưng khi quyết định kinh doanh hay đầu tư, doanh nhân cũng nên suy nghĩ thêm về yếu tố này.
TS Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ. Email của ông là [email protected] và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.
T/S Alan Phan, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.