Đừng hoang tưởng về biển lớn
Tư bản và Dân chủ
Sau vụ sụp đổ bức tường Bá Linh năm 1989, nhiều học giả về chính trị thế giới đã lạc quan tiên đoán là “chủ nghĩa dân chủ” theo định hướng tư bản sẽ là một mục tiêu căn bản cho mọi quốc gia trên toàn cầu.
Cho đến năm 2008, khủng hoảng tài chính bùng nổ ở Âu Mỹ, gây khó khăn cho các nền Tây Phương, trong khi mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc không suy chuyển, thì nhiều kinh tế gia lại tiên đoán một thời hoàng kim cho mô hình kinh tế chỉ huy .
Thực sự, nếu nền kinh tế thị trường của các nước xã hội là một mâu thuẫn, thì chủ nghĩa tư bản theo định hướng dân chủ cũng là một nghịch lý .Theo nhận định chủ quan của tôi, thể chế dân chủ là lý do chính đã khiến nền kinh tế vốn dựa trên tư bản của Âu Mỹ lâm vào tình trạng suy thoái như hiện nay
Thống kê mới nhất của Cơ Quan Thế Vụ Mỹ (IRS) năm 2009 cho thấy số công dân không đóng thuế cho Chính phủ liên bang đã lên đến 47%. Hai năm trước, vào năm 2007, tỷ lệ này chỉ là 38%. Nói vắn tất là hiện nay, một người Mỹ phải đi làm để nuôi một người khác. Các phúc lộc từ ngân sách liên bang của các công dân không đóng thuế này, vì thất nghiệp, vì nghèo hay đã về hưu, bao gồm an sinh xã hội, bảo hiểm y tế (medicare), phiếu thực phẩm miễn phí (food stamps), trợ cấp nhà cửa (housing subsidies), giáo dục, hạ tầng cơ sở, an ninh, môi trường… Dân số của các công dân hưởng lợi ích so với các công dân phải đóng thuế đã gia tăng liên tục trong vài thập niên vừa qua. Năm 2010 này, số người không đóng thuế sẽ nhiều hơn số người đóng thuế.
Với nguyên tắc “một công dân, một phiếu bầu”, thì số phiếu của thành phần hưởng phúc lộc sẽ tiếp tục lấn át thành phần trả thuế. Cử tri thì luôn luôn bỏ phiếu cho những chính trị gia nào biết giá tăng phúc lợi cho cá nhân họ. Đó là lý do đơn giản tại sao các chính trị gia Mỹ phải liên kết với thành phần hưởng phúc lợi và thành phần trả thuế sẽ mất dần ảnh hưởng trong quyết định chi tiêu của quốc gia. Hiện nay, không chính trị gia nào dám đụng đến ngân sách của hệ thống an sinh xã hội, dù việc bội chi ở khoản này có thể làm tài chính công của Mỹ khánh tận trong 30 năm tới. Vì không ai muốn tạo ra tài sản để cho người khác hưởng, các công dân trả thuế sẽ mất dần động lực kiếm tiền, và cũng sẽ áp dụng chiến thuật bòn rút tiền công trên mỗi quyết định về công việc hay kinh doanh. Đây là hình thức tự sát chậm rãi của kinh tế Mỹ, quy trình đã bắt đầu ở Âu Châu suốt nhiều năm qua.
Để đơn giản hóa vấn đề, tôi xin đơn cử một thí dụ. Một công ty thường bao gồm hai thành phần: cổ đông (shareholders) và các người liên quan tới quyền lợi công ty, gọi là nhà liên đới (stakeholders). Cổ đông là những người góp vốn cho công ty và nhà liên đới là những nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, cơ quan chính phủ trong vòng trách nhiệm, ngay cả những cư dân mà hoạt động của công ty có thể ảnh hưởng đến (như hàng xóm của một nhà máy hay cơ quan xã hội địa phương). Nếu những nhà liên đới này có quyền bỏ phiếu trong các Đại Hội Thường Niên (một người một phiếu) như các cổ đông, thì mục tiêu và chiến thuật của công ty sẽ thay đổi hoàn toàn. Lợi nhuận có thể trở thành thứ yếu; và các phúc lợi dành cho các nhà liên đới sẽ được ưu tiên phát triển. Nếu đây là mô hình kinh doanh, tôi đoan chắc là các thị trường chứng khoán sẽ đóng cửa vì không nhà đầu tư nào muốn đem tiền riêng của mình ra cho các nhà liên đới chơi trò kinh doanh dùm họ. Đây cũng là lý do tại sao phần lớn các công ty Liên Xô, Đông Âu ngày xưa cũng như các công ty quốc doanh bây giờ ở mỗi quốc gia trên thế giới đã thua lỗ liên tục. Cha chung không ai khóc, tiền không phải do mồ hôi nước mắt mình kiếm được thì sự tiêu xài lãng phí là hậu quả hiển nhiên. Nền kinh tế tài chính của một quốc gia cũng phải tuân theo những quy luật này.
Dĩ nhiên, tôi chỉ nhìn chủ nghĩa dân chủ trên khía cạnh kinh tế và ảnh hưởng của nó trên lĩnh vực tài chính công. Dân chủ đã đem lại rất nhiều lợi ích khác trên các vấn đề xã hội tự do, công bằng và pháp trị cho các xã hội Tây Phương. Nhưng nếu hỏi tại sao tư bản và dân chủ có nhiều nghịch lý, thì đây là nguyên nhân căn bản.
Tác nhân chính của sự tăng trưởng ngoạn mục cho nền kinh tế toàn cầu trong 2 thập niên rồi là lưu lượng tiền khổng lồ của tư nhân được tự do vượt biên giới quốc gia và do các biện pháp thả lõng lãi suất rất thấp của các ngân hàng trung ương. Tư bản là huyết mạch của kinh tế, dù là cho hoạt động của một công ty hay một quốc gia. Khi người bỏ vốn thấy tiền của họ bị lãng phí vào mục tiêu chính trị để bảo vệ quyền lực phe nhóm, thì không ai còn muốn tiếp tục trò chơi vớ vẩn này. Các quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha …đang gặp rất nhiều khó khăn để vay nợ vì các nhà đầu tư vào trái phiếu của họ đang siết chặt hầu bao. Trong khi đó, chương trình tiết kiệm cắt giảm ngân sách của chính phủ bị các nhóm lợi ích phản kháng thường trực với những cuộc biểu tình và đình công. Chứng khoán thế giới sắp phải chịu nhiều suy thoái vì các lợi nhuận của các công ty sẽ bị giảm sút trong các khủng hoảng kinh tế tài chánh sắp tới. Chính phủ Mỹ đang chơi với lửa khi tiếp tục chính sách tiền tệ gây thâm hụt lớn cho ngân sách.
Cũng trên khía cạnh kinh tế, ta có thể thấy là sự tăng trưởng thành công của kinh tế Trung Quốc là nhờ chính sách tư bản hóa hoạt động của các mảng kinh tế tư nhân và mảng đầu tư từ nước ngoài. Hai mảng kinh tế này chiếm đến 67% GDP (có thể còn cao hơn nữa nếu cộng vào nền kinh tế ngoài luồng) và là hai nhân tố tạo nên những thành quả phi thường, trong khi lĩnh vực quốc doanh vẫn trì trệ. Jim Rogers, nhà tỷ phú Mỹ hăng say nhất với thị trường Trung Quốc, đã nhận định Trung Quốc là một quốc gia tư bản trẻ nhất thế giới. Theo tôi, cái khác biệt căn bản về cách vận hành mọi hoạt động xã hội và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc là ở Trung Quốc, bạn có thể làm bất cứ đều gì bạn muốn nếu có tiền (tư bản) và đừng bao giờ phê bình chính phủ; trong khi ở Mỹ, bạn tha hồ chỉ trích chính phủ, nhưng mọi hoạt động kinh doanh sẽ bị áp lực nặng nề của luật pháp, điều lệ, công đoàn, thuế vụ, môi trường, nhóm lợi ích xã hội, các cơ sở truyền thông, giáo dục, tôn giáo …(xã hội).
Cái sức mạnh của nền kinh tế tư bản thực sự dựa trên lòng tham lam của con người. Có thể đây là một vấn nạn về đạo đức trên nhiều khía cạnh, nhưng thiếu sự tham lam cơ hữu đã tồn tại hơn 5 ngàn năm qua, sự tăng trưởng kinh tế sẽ trì trệ và mệt mỏi. Ngay cả văn hóa nghệ thuật cũng cần rất nhiều tư bản để phát triển và phồn thịnh; vì giàu sang không hẳn chỉ sinh lễ nghĩa mà còn cho con người những thời gian rãnh rỗi để hưởng thụ các thú vui tinh thần.
Nguyên tắc “một người dân, một lá phiếu” chỉ mới được ứng dụng hơn 100 năm qua. Trong lịch sử, đã có thời gian dành chỉ những nhà quý tộc mới được đi bầu; hay các cử tri đã phải trả một khoản thuế để có quyền lợi này. Trước năm 1920, các phụ nữ ở Mỹ đã không được quyền ứng cử hay bầu cử. Bằng nhiều thủ thuật chính trị, truyền thông và luật pháp, các nhóm cầm quyền Âu Mỹ đã làm chậm lại quy trình dân chủ hóa trong nhiều thế kỷ .Với sự đắc cử của tổng thống Obama và sự chiếm lĩnh đa số của các nhóm hưởng phúc lợi, bánh xe tiến hóa đã đè bẹp quyền hành của các nhà tư bản. Trò chơi dân chủ mà họ đã sáng tạo khi lật đổ các vương quốc phong kiến khi xưa đang trở thành vũ khí làm thương tổn trầm trọng các định chế cột mốc của nền kinh tế tư bản.
Bánh xe tiến hóa của lịch sử cũng đã bắt buộc Trung Quốc phải “dân chủ hóa” các hoạt động kinh doanh và gần đây các thay đổi về xã hội. Những cuộc đình công biểu tình của nhân công Trung Quốc đòi tăng lương là một khởi đầu. Khi Trung Quốc bắt kịp Âu Mỹ về các phúc lộc xã hội cho công dân của mình, thì nền kinh tế tài chính của họ cũng bắt đầu thoái hóa. Có thể đây là một điều đáng mong ước của nhiều người, nhất là những công dân Trung Quốc, nhưng đây cũng là một triệu chứng về cái chết của tư bản. Nếu không có sự đột phá kỳ diệu về khoa học hay công nghệ, phong cách sống trong thế giới của con cháu chúng ta sẽ trì trệ và nghèo khó như thời bao cấp.
Một chu kỳ mới của lịch sử chăng?
Alan Phan
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.