Đừng hoang tưởng về biển lớn

Con voi Trung Quốc



(Bài viết từ 2010 nhưng vẫn ứng dụng ngày nay, nhất là trường hợp Việt Nam.)

Tôi đến Trung Quốc lần đầu vào năm 1976 khi đi công tác cho tập đoàn Eisenberg của Do Thái. Họ là những nhà đầu tư đầu tiên của Phương Tây vào Trung Quốc và khởi xướng một loạt liên doanh với các công ty quốc doanh của Trung Quốc

Tôi đến Trung Quốc lần đầu vào năm 1976 khi đi công tác cho tập đoàn Eisenberg của Do Thái. Họ là những nhà đầu tư đầu tiên của Phương Tây vào Trung Quốc và khởi xướng một loạt liên doanh với các công ty quốc doanh của Trung Quốc. Sau đó, tôi tiếp tục công tác

Trung Quốc nhiều năm cho đến khi tự thiết lập những chi nhánh ở Trung Quốc của Hartcourt, công ty riêng của tôi tại Mỹ, vào đầu năm 1996. Tôi sống và làm việc ở Hồng Kong và Shanghai liên tục từ năm 1999. Câu hỏi thường xuyên phải đối diện từ các doanh nhân nước ngoài là “Ông đánh giá thế nào về kinh tế của Trung Quốc cũng như tình hình kinh doanh”?

Những lúc đó, tôi luôn nghĩ đến câu chuyện những anh thầy bói mù, sờ voi, để tìm một thực tại chính xác mô tả hình thù của con voi. Dĩ nhiên, mọi người đều biết rằng anh mù sờ cái vòi voi thì có cảm nhận khác hẳn với anh mù rờ cái chân. Đối với tôi, sự đánh giá chính xác nền kinh tế của Trung Quốc cũng là một bài học tương tự; mặc cho rất nhiều tài liệu tham khảo, sách vở hồi ký và cả tiểu thuyết viết về đề tài này .

SỐ LIỆU THỐNG KÊ

Một thủ tướng Anh, ngài Benjamin Disraeli, đã phê bình về những tranh luận chính trị, “Có 3 loại nói láo: nói láo, nói láo khốn kiếp và … số liệu thống kê” (lies, damned lies, and… statistics). Sự thật và nửa sự thật (half-truth) có thể tương phản nhau như đêm và ngày. Mà các chính trị gia thì là những sư phụ về “nửa sự thật”; trong khi đó, để bẻ quanh sự thật thì việc sử dụng các con số thống kê để phù hợp với mục đích tranh luận của mình đã trở thành một thói quen đáng ngại trên khắp thế giới.

Tôi có một anh bạn Tàu khá thân vào năm 2003 và hai đứa hay giao du ở Shanghai để tản mạn chuyện đời. Anh ta là Trưởng Sở Thống kê của vùng Tây Dương Tử, thu nhặt các báo cáo từ khắp làng, xã, huyện, tỉnh của khu vực này để nộp lên cho Trung ương ở Bắc Kinh. Khu vực này, gồm Shanghai, Triết Giang, An Hui, Hàng Châu, Nam Kinh… là một trong những vùng kinh tế trọng đại của Trung Quốc. Anh ta tâm sự là những giờ phút căng thẳng nhất của đời anh và các nhân viên thuộc hạ là những ngày phải nộp báo cáo lên Thống kê Trung ương sau khi thu nhận và đúc kết các con số từ các địa phương. Anh nói “Các con số từ các cơ quan chính phủ, các công ty quốc doanh, các ngân hàng, các văn phòng thuế vụ…đều có những mâu thuẫn nghịch lý ngược đời. 80% các con số rập khuôn theo chỉ tiêu của chính phủ, vì đây là mức đánh giá về khả năng và hiệu quả của các lãnh đạo hành chánh. Nếu chính phủ trung ương nói năm nay mục tiêu của GDP sẽ trên 11%, thì các đơn vị thi nhau vượt trên chỉ tiêu để lấy điểm. Không ai rõ sự thật như thế nào. Vì lý do các con số “chửi nhau” thậm tệ, chúng tôi phải nhào nặn xoa bóp lại cho các dữ liệu và thống kê được hài hòa và các con số phải nằm ở mức độ hợp lý tối thiểu.

Sự chính xác của các thống kê này là điều chúng tôi quan tâm rất ít”.

Anh bạn nói thêm, “Cả thế giới đều lấy con số 1.32 tỷ làm dân số chính thức của Trung Quốc. Nhưng Sở Thống kê chỉ điều nhân viên thực hiện công tác này mỗi 10 năm ở các tỉnh và huyện. Con số từ các xã, làng mạc đều tùy thuộc vào báo cáo của các đơn vị địa phương .Với một số lượng di dân khổng lồ từ nông thôn ra thành thị (không ai nắm chắc vì họ không có hộ khẩu và chỗ ở nhất định), cộng với thói quen phải báo cáo nhận hộ khẩu nhiều hơn của các đơn vị nông thôn (để gia tăng ngân sách và chi tiêu), con số thực sự về dân số chỉ là một phỏng đoán rất ngờ vực”.

Anh ta kết luận bằng câu tục ngữ thường vẫn nghe ở Mỹ “Garbage in, garbage out” (rác vào thì rác ra). Không một máy tính hiện đại nào trên thế giới có thể thay đổi nguyên lý này .

NỀN KINH TẾ NGẦM

Một yếu tố quan trọng nữa của kinh tế Trung Quốc mà mọi người chỉ phỏng đoán là nền kinh tế ngoài luồng. Cho đến thời điểm này, người dân Trung Quốc vẫn chuộng giữ tiền tiết kệm lâu dài bằng vàng hay dollars hay địa ốc … thay vì những trương mục trả lãi suất rất ít trong các ngân hàng. Các giao dịch thương mại không hóa đơn là một hiện tượng rất phổ thông. Khi bạn mua hàng bằng tiền mặt ở một cửa hàng hay ngay cả một cơ xưởng lớn của một công ty quốc doanh, bạn có thể được trừ đến 5% khi trả bằng tiền mặt. Chỉ có khoảng 62% doanh nhân báo cáo về lợi tức thu nhập với Sở thuế (và có lẽ 90% trong số này là những báo cáo lệch lạc). Thêm vào đó, nạn tham nhũng trên toàn quốc tạo ra những luồng tiền khổng lồ cần chùi rửa ngoài luồng cũng sẽ không nằm trong các dữ liệu thống kê chính thức. Một nghiên cứu độc lập của một quỹ tiền tệ quốc tế ước tính là đến 27% FDI của Trung Quốc là do tiền nội địa tái hồi (recyling domesticequity). Hiện tượng này mô tả những dòng tiền lớn của Trung Quốc lọt ra nước ngoài và được đầu tư trở lại tại Trung Quốc trên danh nghĩa vốn đầu tư nước ngoài.

Tôi còn nhớ cách đây 4 năm, tôi đi ngang môt văn phòng đồ sộ trong môt cao ốc văn phòng ở đường Huai hai Zhong Lo. Đây là một khu thương mại rất sầm uất và nổi danh của Shanghai. Văn phòng không có tên tuổi hay biển quảng cáo nào, mà người thăm viếng lại tấp nập như một cửa hàng bách hóa. Hỏi thăm bạn bè mới biết đây là một “ngân hàng đen” nơi các doanh gia va các nhà giàu đến bỏ tiền và vay tiền, dĩ nhiên là với lãi suất gấp 3 lần các ngân hàng chính thống. Sự hiện diện công khai giữa thanh thiên bạch nhật cho thấy mối liên hệ của các “doanh nghiệp ngầm” và chính phủ sâu rộng đến mức độ nào.

Ước lượng về nền kinh tế ngầm này Trung Quốc thay đổi từ 15% đến 40% GDP. Dù thấp hay cao, ẩn số này đã thay đổi mọi số liệu thống kê về GDP, về tăng trưởng kinh tế, cũng như các thực tại về thu nhập và tài sản.

QUYỀN TỰ TRỊ CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Giáo sư Victor Hsih của Đại Học Northwestern vừa làm một bảng ước tính về số nợ của các đơn vị chính phủ địa phương trên toàn Trung Quốc lên đến 1.3 ngàn tỷ US dollars (11.4 ngàn tỷ RMB). Tiêu sản này bao gồm nợ trực tiếp, các bão lãnh tài chánh và các hợp đồng giao dịch với các đối tác trong và ngoài nước. Con số này được chôn vùi bóp méo trong những cân đối tài chánh chính thức của Trung Ương và GS Hsih đã phải góp nhặt tìm tòi qua các dữ liệu tư và các báo cáo địa phương của các ngân hàng cũng như các công ty quốc doanh.

Nhiều học giả về Trung Quốc thường cho rằng chính quyền trung ương ở Beijing kiểm soát rất chặt chẽ mọi hoạt động của địa phương qua đảng viên Cộng Sản và quan chức bổ nhiệm. Khi làm việc với các địa phương, doanh nhân nước ngoài mới nhận thức thực tế là “phép vua thua lệ làng”. Beijing gần như để mặc các đơn vị địa phương tự túc và tự xử vẽ trong rất nhiều lĩnh vực, kể cả tài chánh, miễn là địa phương đóng góp đầy đủ số chỉ tiêu về thuế, báo cáo thường xuyên theo chỉ tiêu đề ra và đừng làm gì để “mất mặt” Trung Ương. Nhưng vấn đề nhạy cảm là những cuộc biểu tình, những tố cáo lạm dụng về đất đai, những scandals trên báo chí …Vì phần lớn phải tự túc về ngân sách, nên các chính quyền địa phương hay có khuynh hướng thổi phồng giá đất để bán hay cho thuê lại với giá cao (một phần rất lớn của nhiều ngân sách), hay thích làm những dự án vĩ đại dù không hiệu quả (để tăng GDP, để có sĩ diện và tăm tiếng ,và để hưởng lợi cá nhân) và sẵn sàng bảo đảm mọi số nợ để tiến hành các mục tiêu trên.

Vào năm 1995, công ty Hartourt của tôi có liên doanh để thiết lập một nhà máy làm viết và dụng cụ văn phòng khá quy mô ở Quảng Đông. Số tiền nợ 4 triệu US dollars của công ty liên doanh do Bank of China cho vay là do chính quyền đảm bảo. Chúng tôi gần như không phải gặp gỡ hay liên hệ gì với Bank of China ở Quảng Đông hay Beijing; và chỉ gặp Gám Đốc chi nhánh huyện một lần duy nhất trong một bữa ăn hoành tráng (không hề bàn thảo gì đến dự án hay kế hoạch kinh doanh). Nhiều bạn bè doanh nhân tại Trung Quốc khác đều có những kinh nghiệm tương tự, cho thấy quyền lực của chính quyền địa phương vượt xa các thủ tục hành chánh

CÁC CÔNG TY TRUNG QUỐC

Năm 1978, tôi được tập đoàn Eisenberg gọi đến Xian (Tây An) để tống duyệt tình hình kinh doanh và số liệu kế toán của Xian Aircraft Technology, một công ty con của PLA (Quân đội nhân dân Trung Quốc). Thời điểm đó, công ty này chỉ chuyên sản xuất các phụ kiện cho máy bay, nhưng gần đây đã lớn mạnh và lập dự án liên doanh với Boeing và Airbus để lắp ráp nguyên chiếc máy bay. Sau khi tôi bị từ chối không cho coi các hồ sơ báo cáo tài chánh vì lý do “bí mật quốc gia”, Eisenberg đã phản đối mạnh mẽ và sau cùng, Xian Aircaraft nhượng bộ, đem toàn bộ sổ sách để tôi xem xét. Viên kế toán trưởng mang một chồng hồ sơ dày hơn 1 mét và nói đây là hồ sơ số1 Tôi thắc mắc là sao chỉ có 9 tháng hoạt động mà chi phí và doanh thu lại nhiều con số như vậy. Ông ta trả lời là 3 bộ hồ sơ đều bao gồm khoảng thời gian hoạt động như nhau. “Vậy hồ sơ nào là chính xác?” Ông ta chậm rãi, “Cả 3 đều chính xác. Nhưng các số liệu khác nhau vì Sở Thuế cần những con số khác với

Ban quản lý ở Beijing và chúng tôi, Ban quản lý địa phương lại có nhu cầu khác hẳn”.

Hai mươi bốn năm sau, vào 2002, khi làm việc với một công ty quốc doanh khác, tôi được biết là thói quen giữ vài bộ hồ sơ kế toán khác nhau vẫn tồn tại ở rất nhiều nơi. Do đó, nếu phải định giá tài sản hay lợi nhuận của một công ty quốc doanh, thì sự định chuẩn phương thức kế toán tài chánh sẽ là vấn đề đầu tiên không biết phải giải quyết theo định hướng nào? Các tập đoàn ngân hàng lớn như Golman Sachs hay Citicorp thường bị lên án về những thủ thuật kế toán để thổi phồng lợi nhuận hầu tăng giá trị cổ phiếu và đem phúc lợi lớn cho ban quản lý, dù họ đã theo đúng đòi hỏi của GAAP (chuẩn kế toán của Mỹ) và sử dụng những thiết bị điện tử cứng và mềm hiện đại nhất. Một công ty quốc doanh lớn và đa dạng như Petro China hay Agricultural Bank hay China Mobile… chắc chắn phải có nhiều vấn đề với hồ sơ và kết quả tài chánh kế toán.

Những số liệu chính xác về tình trạng tài chánh của các công ty tư nhân thì cũng không khác hơn nhiều. Ngoài mục tiêu tránh thuế, các doanh nghiệp tư nhân bên Trung Quốc còn rất nhiều lý do để cố tình thay đổi các kết quả tài chánh: họ cần tài trợ thường trực từ ngân hàng hay quỹ đầu tư, họ không muốn các đối thủ cạnh tranh biết về tình trạng tài chánh của mình, họ thường dính líu đến những hoạt động ngoài luồng, họ thường làm rất nhiều ngành nghề mà sự tích hợp các hoạt động theo chuẩn mực về kế toán sẽ vô cùng tốn kém….Tóm lại, mỗi khi tôi nhận một báo cáo tài chánh của một doanh nghiệp, công hay tư, câu hỏi đầu tiên là tôi phải khấu trừ hay cộng thêm bao nhiêu phần trăm cho mỗi con số, để có một dự đoán gần nhất với sự thực.Tôi chắc chắn rằng các cơ quan thống kê của chính phủ cũng như các nhà phân tích tư, dù có thiện chí đến đâu, cũng không thể phỏng đoán được phân khúc này.

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đều phải dựa vào báo cáo tài chánh đã được kiểm nhận bởi các công ty kiểm toán quốc tế, tin cậy nhất là Big4. Nhưng họ không đọc kỹ disclaimer của các công ty kiểm toán này: Tất cả các số liệu kèm theo là do sự trình bày và cung cấp của Ban Quản lý, họ không có trách nhiệm nếu Ban Quản Lý cố tình dối trá

CƠ CẤU VÀ CHUẨN MỰC CỦA BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Như đã nói ở trên, các tập đoàn lớn nhất của Âu Mỹ vẫn sử dụng thường xuyên các thủ thuật về kế toán để thay đổi bức tranh tài chính thực sự của họ, từ hình thức hợp pháp như Goldman Sachs, Citicorp….đến phi pháp như Enron, Worlscom. Nhưng phương thức phổ thông là việc lập ra những công ty con ở nước ngoài để bỏ vào những khoản nợ ngoài luồng, chuyển hoàn doanh thu và lợi nhuận qua các công thứ ba, che dấu các tài sản đã mất nhiều giá trị, dùng thị giá để gia tốc doanh thu (mark-to-market rule)…

Chính phủ Mỹ cũng bóp méo các số liệu thống kê để đạt mục tiêu chính trị của mình bằng cách cấu trúc thành phần của các chỉ số như tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát….sao cho có lợi cho hình ảnh trưng bày cùng công chúng và các nhà đầu tư.

Tôi không ngạc nhiên khi thấy chính phủ Trung Quốc dùng giá trị sản xuất cho lượng hàng tồn kho thay vì giá trị thị trường (nhiều mặt hàng không bán được, chất đầy kho cả 2, 3 năm, vẫn được tính theo giá trị sản xuất). Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho các tài sản không còn thị giá vì không hoạt động (rất nhiều dự án địa ốc khổng lồ bỏ trống không bán hay cho thuê được tại rất nhiều địa phương). Thống kê của Trung Quốc thậm chí không dùng chiết khấu cho rất nhiều tài sản cố định.

Tóm lại, khi thay đổi thành phần cấu trúc của một báo cáo tài chánh, chính phủ và các công ty Trung Quốc có thể đưa ra một bức tranh rất khác xa thực tế.

TRỰC GIÁC VÀ KINH NGHIỆM ĐẦU TƯ

Tóm lại, nếu phân tích tình hình kinh tế Trung Quốc theo các dữ liệu và số thống kê và dựa trên những mô hình và phương thức đã học từ các ĐH Âu Mỹ, thì xác suất sai lệch rất đáng kể. Những nhà học giả Trung Quốc thường chính xác hơn về các dự đoán của mình khi họ dựa vào trực giác và cảm nhận chủ quan.

Cảm nhận chủ quan của cá nhân tôi thì Trung Quốc là một thị trường có sức tăng trưởng GDP hay FDI lớn hơn những con số tăng trưởng chính thức nhiều. Lý do là dù chính phủ Trung Quốc, trung ương và địa phương, có thổi phồng thành quả của họ qua các con số, thì con số phỏng đoán của nền kinh tế ngầm của Trung Quốc lại lớn hơn mọi sự thổi phồng này. Trong khi đó, với bản tính che đậy cố hữu của các nhà cầm quyền, những vấn nạn và đe dọa cho sự bền vững của nền kinh tế Trung Quốc cũng lớn lao hơn rất nhiều so với những tài liệu được thông báo. Trong tương lai gần, bong bóng tài sản về địa ốc và chứng khoán sẽ vỡ và chưa ai có thể biết những hậu quả của nó tại Trung Quốc và toàn cầu.

Do đó, khi Quỹ Viasa của chúng tôi đầu tư vào thị trường chứng khoán của Trung Quốc, chúng tôi phải quên đi định lý đầu tư thành công vượt bực của Warren Buffet: quan trọng nhất là giá trị cơ bản lâu dài của các công ty. Chúng tôi hiểu rằng trực giác và chủ quan trong những phân tích nhận định về các đơn vị này không đủ chính xác để làm căn cứ cho những đầu tư lâu dài. Chúng tôi đã đầu tư vào nhiều chứng khoán và công ty ở Trung Quốc, nhung hoàn toàn ngắn hạn và dùng kỹ thuật lướt sóng cùng các nguồn tin ngoài luồng để quyết định.

Bạn không cần biết hình thù của con voi, nhưng bạn có thể nghe tiếng chân nó chạy và đoán hướng đi. Nếu bạn đúng, bạn cũng vẫn có thể kiếm được tiền với con voi Trung Quốc. Nếu bạn sai, con voi sẽ dẫm nát bạn.

Alan Phan

4 July 2010


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.