Trưởng Thành - Trách Nhiệm Là Chính Mình
Trưởng thành và già đi
Có sự khác biệt lớn lao giữa trưởng thành và già đi, sự khác biệt bao la, và mọi người bao giờ cũng vẫn còn bị lẫn lộn về điều đó.
Mọi người cứ tưởng rằng già đi là trở nên trưởng thành – nhưng việc già đi thuộc vào thân thể. Mọi người đều già đi, mọi người đều sẽ trở nên già lão, nhưng không nhất thiết trưởng thành. Trưởng thành là sự trưởng thành nội tâm.
Già đi không phải là điều bạn làm, già đi là cái gì đó xảy ra về mặt thể chất. Mọi đứa trẻ được sinh ra, khi thời gian trôi qua, đều trở nên già. Trưởng thành là cái gì đó bạn đem tới cho cuộc sống của mình – nó tới từ nhận biết. Khi một người già đi với nhận biết tràn đầy người đó trưởng thành. Già đi cộng với nhận biết, kinh nghiệm cộng với nhận biết, là trưởng thành.
Bạn có thể kinh nghiệm một việc theo hai cách. Bạn có thể đơn giản kinh nghiệm nó cứ dường như bạn bị thôi miên, không nhận biết, không chú ý tới điều đang xảy ra; sự việc đã xảy ra nhưng bạn lại không có đó. Nó đã không xảy ra trong sự hiện diện của bạn, bạn vắng mặt. Bạn chỉ đi qua, nó chưa bao giờ gây bất kì sự chú ý nào trong bạn. Nó chưa bao giờ để lại bất kì dấu hiệu nào lên bạn, bạn chưa bao giờ học được điều gì từ nó. Nó có thể đã trở thành một phần của kí ức của bạn, bởi vì theo một cách nào đó bạn đã hiện diện, nhưng nó lại chưa bao giờ trở thành trí tuệ của bạn. Bạn chưa bao giờ trưởng thành qua nó. Thế thì bạn già đi.
Nhưng nếu bạn đem phẩm chất của nhận biết vào một kinh nghiệm thì cùng kinh nghiệm đó trở thành sự trưởng thành.
Có hai cách sống: một cách là sống trong giấc ngủ say – thế thì bạn già đi, mọi khoảnh khắc bạn đều trở nên già đi, mọi khoảnh khắc bạn cứ chết dần đi, có thế thôi. Toàn thể cuộc sống của bạn chỉ gồm cái chết chậm chạp, dài dài. Nhưng nếu bạn đem nhận biết vào kinh nghiệm của mình – dù bất kì điều gì bạn làm, bất kì điều gì xảy ra với bạn, bạn đều tỉnh táo, quan sát, lưu tâm, bạn đang thưởng thức kinh nghiệm này từ mọi góc cạnh, bạn đang cố gắng hiểu ý nghĩa của nó, bạn đang cố gắng thấm nhuần vào chính chiều sâu của nó, điều đã xảy ra cho bạn, bạn đang cố gắng sống nó một cách mãnh liệt và toàn bộ – thế thì đấy không chỉ là hiện tượng bề mặt đâu. Sâu ở bên dưới bên trong bạn cái gì đó đang thay đổi cùng nó. Bạn đang trở nên ngày một tỉnh táo hơn. Nếu đây là sai lầm, kinh nghiệm này, thì bạn sẽ không bao giờ phạm lại nó lần nữa.
Người trưởng thành không bao giờ phạm phải cùng một sai lầm lần nữa. Nhưng một người già đi thì cứ phạm cùng sai lầm lặp đi lặp lại mãi. Người đó sống trong vòng tròn mà chẳng bao giờ học được cái gì. Bạn sẽ giận dữ hôm nay, bạn đã giận dữ hôm qua và hôm kia, và ngày mai bạn lại sẽ giận dữ và rồi ngày kia cũng thế. Bạn cứ lặp đi lặp lại giận dữ, lặp đi lặp lại ăn năn, lặp đi lặp lại quyết định sâu sắc rằng bạn sẽ không phạm điều đó lần nữa. Nhưng quyết định đó chẳng tạo ra thay đổi gì – bất kì khi nào bạn bị lúng túng thì cơn thịnh nộ lại chiếm lĩnh, bạn bị ám ảnh; cùng sai lầm âấ lại phạm phải. Bạn đang già đi.
Nếu bạn sống một kinh nghiệm về sự giận dữ một cách toàn bộ, bạn sẽ không bao giờ giận dữ lần nữa được. Một kinh nghiệm về giận dữ sẽ là đủ để dạy rằng điều đó là ngu xuẩn, điều đó là ngớ ngẩn, điều đó đơn giản ngu si – không phải nó là tội lỗi, nó đơn giản là ngu si. Bạn đang tự làm hại mình và làm hại người khác, chẳng để làm gì. Sự việc đó không xứng với nó. Thế thì bạn đang trưởng thành dần lên. Ngày mai tình huống này sẽ được lặp lại nhưng giận dữ sẽ không lặp lại nữa. Và người đang thu được sự trưởng thành đã không quyết định rằng mình sẽ không giận dữ lần nữa, không – đó là dấu hiệu về người còn chưa trưởng thành. Người trưởng thành không bao giờ quyết định về tương lai; bản thân sự trưởng thành lo điều đó. Bạn sống hôm nay – chính việc sống đó sẽ quyết định ngày mai sẽ thế nào; ngày mai sẽ bắt nguồn từ hôm nay.
Nếu giận dữ mà đau đớn, độc hại, thì bạn đang chịu địa ngục qua nó rồi, phỏng có ích gì mà quyết định, hay lấy lời thề và đi tới chùa chiền mà tuyên bố, “Bây giờ mình thề rằng mình sẽ không bao giờ giận dữ nữa”? Mọi điều này đều ngây thơ, chẳng có ích gì! Nếu bạn đã biết rằng giận dữ là độc hại – thì xong rồi! Con đường đó bị đóng lại, cánh cửa đó không còn tồn tại với bạn nữa. Tình huống này sẽ được lặp lại gnày mai nhưng bạn sẽ không bị tình huống đó ám ảnh. Bạn đã học được cái gì đó – việc hiểu biết sẽ có đó. Bạn thậm chí có thể cười, bạn thậm chí còn thích thú về mọi điều làm sao mọi người lại ngu xuẩn thế. Hiểu biết của bạn trưởng thành lên qua mọi kinh nghiệm.
Bạn có thể sống cứ như bạn đang trong thôi miên – đó là cách chín mươi chín phần trăm mọi người đang sống – hay bạn có thể sống với sự mãnh liệt, nhận biết. Nếu bạn sống với nhận biết thì bạn trưởng thành; bằng không bạn đơn giản trở nên già đi. Và trở nên già đi thì không phải là việc trở nên trí tụê. Nếu bạn đã là người ngu khi còn trẻ và bây giờ bạn đã trở nên già, bạn chỉ là người ngu già, có thế thôi. Chỉ trở nên già đi, bạn không thể trở nên trí tuệ được. Bạn thậm chí có thể còn ngu hơn bởi vì bạn có thể đã đạt tới thói quen máy móc, như rô bốt.
Cuộc sống có thể được sống theo hai cách. Nếu bạn sống một cách vô ý thức bạn đơn giản chết; nếu bạn sống một cách có ý thức bạn đạt tới cuộc sống ngày một nhiều hơn. Cái chết sẽ tới – nhưng nó không bao giờ tới với người trưởng thành, nó chỉ tới với người đã từng già đi và vẫn đang già đi. Người trưởng thành không bao giờ chết, bởi vì người đó sẽ học ngay cả qua cái chết. Ngay cả cái chết cũng sẽ là một kinh nghiệm cần được sống một cách mãnh liệt, và được quan sát, được cho phép.
Người trưởng thành chưa bao giờ chết cả. Thực tế, trên nền tảng trưởng thành cái chết vật lộn và tự làm nó tan tành, tự tử. Cái chết chết, nhưng người trưởng thành không bao giờ chết. Đó là thông điệp của tất cả những người đã thức tỉnh, rằng bạn bất tử. Họ đã biết về điều đó, họ đã sống cái chết của họ. Họ đã quan sát và họ đã tìm ra rằng nó có thể qui hàng bạn nhưng bạn vẫn còn xa cách, bạn vẫn còn xa xôi. Cái chết xảy ra gần bạn nhưng nó không bao giờ xảy ra cho bạn.
Bất tử là bản thể của bạn, phúc lạc là bản thể của bạn, nhưng những kinh nghiệm này bạn không thể nhồi vào trong tâm trí và kí ức được. Bạn phải trải qua cuộc sống và đạt tới chúng. Nhiều đau khổ có đó, nhiều đau đớn có đó. Và bởi vì đau đớn và đau khổ mà mọi người thích sống một cách ngu xuẩn – cần phải hiểu tại sao nhiều người cứ khăng khăng mãi rằng họ phải sống trong thôi miên, tại sao các Phật và Christ cứ nói với mọi người hãy thức tỉnh mà chẳng ai nghe cả. Phải có sự tham dự sâu sắc nào đó vào trong thoi miên, phải có sự đầu tư sâu nào đó. Đầu tư này là gì?
Các cơ chế này cần phải được hiểu; bằn gko thì bạn sẽ nghe tôi và bạn sẽ chẳng bao giờ nhận biết. Bạn sẽ nghe và bạn sẽ làm cho điều đó thành một phần tri thức của mình, rằng “Vâng, người này nói hãy nhận biết và nhận biết là tốt, và những người đạt tới nhận biết trở nên trưởng thành…” Nhưng bản thân bạn sẽ không đạt tới nó, nó sẽ vẫn còn chỉ là tri thức. Bạn có thể trao đổi tri thức của mình với người khác, nhưng chẳng ai được giúp đỡ theo cách đó cả.
Tại sao? Bạn đã bao giờ hỏi câu hỏi này chưa? Sao bạn lại không đạt tới nhận biết? Nếu điều đó đưa tới phúc lạc vô hạn, đạt tới satchitananda, tới chân lý tuyệt đối – thì sao không nhận biết? Sao bạn cứ khăng khăng ngủ mãi? Có đầu tư nào đó – và đây là sự đầu tư đó: Nếu bạn trở nên nhận biết, thì có đau khổ. Nếu bạn trở nên nhận biết, bạn trở nên nhận biết về cái đau và cái đau lại nhiều tới mức bạn sẽ muốn uống thuốc ngủ và ngủ mất.
Việc ngủ này trong cuộc sống có tác dụng như sự bảo vệ chống lại cái đau. Nhưng đây mới là rắc rối – nếu bạn ngủ để chống lại cái đau, thì bạn cũng ngủ chống lại cả cái sướng nữa. Hãy nghĩ về điều đó, dường như có hai vòi: một vòi có viết “đau”, và vòi kia viết “sướng”. Bạn muốn đóng vòi bên viết đau, và bạn lại muốn mở vòi bên viết sướng. Nhưng đây là trò chơi này – nếu bạn đóng vòi đau thì vòi sướng lập tức đóng lại, bởi vì đằng sau cả hai chỉ có một vòi viết “nhận biết”. Hoặc cả hai đều mở hoặc cả hai đều đóng, bởi vì cả hai đều là hai mặt của cùng một hiện tượng, hai khía cạnh.
Và đây là toàn thể mâu thuẫn của tâm trí: tâm trí muốn ngày một hạnh phúc hơn – hạnh phúc là có thể nếu bạn nhận biết. Và thế rồi tâm trí muốn ngày một ít đau đớn hơn – nhưng ngày một ít đau đớn hơn là có thể chỉ nếu bạn vô nhận biết. Bây giờ bạn ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu bạn muốn không đau nữa, lập tức sướng biến mất khỏi cuộc sống của bạn, hạnh phúc biến mất. Nếu bạn muốn hạnh phúc bạn mở cái vòi này ra – lập tức cái đau cũng chảy ra. Nếu bạn nhận biết, bạn phải nhận biết về cả hai. Cuộc sống là đau đớn và vui sướng. Cuộc sống là hạnh phúc và bất hạnh. Cuộc sống là ngày và đêm, cuộc sống là sống và chết. Bạn phải nhận biết cả hai.
Cho nên hãy nhớ điều đó. Nếu bạn sợ đau bạn sẽ vẫn còn trong thôi miên; bạn sẽ già đi, trở nên già lão và chết. Bạn bỏ lỡ cơ hội. Nếu bạn muốn nhận biết thế thì bạn phải nhận biết về cả đau đớn và vui sướng; chúng không phải là hiện tượng tách rời. Và người trở nên nhận biết thì trở nên rất hạnh phúc nhưng cũng trở nên có khả năng bất hạnh sâu sắc, mà bạn lại không có khả năng về điều đó.
Chuyện xảy ra, một Thiền sư sắp chết và đại đệ tử của ông ấy… một người nổi tiếng vào thời ông ấy, thậm chí còn nổi tiếng hơn Thầy; thực tế Thầy đã trở nên nổi tiếng bởi vì đệ tử này. Đại đệ tử này bắt đầu khóc; ngồi ngay trên bậu cửa ngôi chùa của ông ấy bắt đầu khóc nước mắt ròng ròng. Cả nghìn người đã tụ tập lại; họ không thể nào tin được vào điều đó, bởi vì họ chưa bao giờ thấy bất kì người đã thức tỉnh nào khóc mà khóc với nước mắt lăn dài trên mặt. Họ nói, “Chúng tôi không thể tin được điều đó – cái gì xảy ra vậy? Ông khóc, mà chính bản thân ông đã nói với chúng tôi rằng bản thể bên trong nhất của chúng ta không bao giờ chết, rằng cái chết không tồn tại. Chúng tôi đã nghe ông nói cả triệu lần rằng cái chết không tồn tại – vậy sao ông lại khóc. Thầy ông vẫn còn sống trong bản thể thầy cơ mà.”
Đệ tử này mở mắt ra và ông ấy nói, “Đừng quấy rầy ta. Hãy để ta kêu khóc. Ta không khóc vì Thầy và bản thể thầy đâu, ta khóc vì thân thể thầy đấy. Thân thể thầy cũng đẹp lắm. Chẳng bao giờ thân thể này lại tồn tại nữa.”
Và thế rồi ai đó cố gắng khuyên nhủ ông ấy rằng điều này sẽ gây tai tiếng lắm cho tên tuổi ông ấy: “Biết đâu bao nhiêu người đã tụ tập lại rồi, và họ sẽ nghĩ rằng ông không chứng ngộ.”
Đệ tử này nói, “Thì cứ để cho họ nghĩ bất kì điều gì họ muốn nghĩ. Vì cái ngày ta trở nên chứng ngộ ta đã trở nên phúc lạc vô hạn, nhưng ta cũng đã trở thành nhạy cảm vô hạn với đau đớn và đau khổ.”
Điều này dường như là nó phải vậy. Nếu bạn đánh Phật, Phật sẽ chịu đựng nhiều hơn là bạn sẽ chịu đựng nếu ai đó đánh bạn – bởi vì ngài đã trở nên nhạy cảm vô hạn. Sự nhạy cảm của ngài là rất tinh tế, ngài hệt như cánh hoa sen vậy. Hòn đá của bạn sẽ đánh trúng ngài rất sâu, nó sẽ gây cho ngài nỗi đau sâu sắc nhất. Tất nhiên ngài sẽ nhận biết về nó, tất nhiên ngài sẽ tách rời khỏi nó. Tất nhiên ngài sẽ siêu việt lên trên nó, ngài sẽ không phải là một phần của nó, ngài sẽ là một hiện tượng tựa đám mây bao quanh nó – nhưng điều đó xảy ra.
Bạn không thể nhạy cảm đến thế với đau đớn, bạn ngủ say thế. Bạn đi như người say – người say ngã lăn trên phố, đập đầu vào cống rãnh – chẳng cái gì xảy ra. Nếu người đó mà nhận biết thì thế nào cũng bị đau.
Phật đau khổ vô hạn và Phật thích thú vô hạn. Bao giờ cũng hãy nhớ, bất kì khi nào bạn đạt tới đỉnh cao, thì thung lũng sâu cũng được tạo ra đồng thời, nếu bạn muốn lên tới thiên đường, gốc rễ của bạn sẽ phải ăn tới chính địa ngục. Bởi vì bạn sợ đau đớn nên bạn không thể trở nên nhận biết – và thế thì bạn không thể học được gì cả.
Cũng hệt như bạn sợ kẻ thù đến mức bạn đã đóng mọi cửa nhà mình lại. Bây giờ ngay cả bạn bè cũng không thể vào được, ngay cả người yêu cũng bị bỏ ở ngoài. Người yêu cứ gõ cửa nhưng bạn lại sợ, có thể đấy là kẻ thù thì sao. Cho nên bạn bị khóa lại – đó là cách tôi thấy tất cả các bạn đấy, khép kín, sợ kẻ thù, và bạn bè không thể vào được. Bạn đã biến bạn thành thù – bây giờ không ai có thể vào được, bạn sợ thế.
Hãy mở cửa ra đi. Khi không khí trong lành vào nhà thì có mọi khả năng nguy hiểm cũng vào. Khi bạn tới, kẻ thù cũng tới bởi vì ngày và đêm vào cùng nhau, đau và sướng vào cùng nhau, sống và chết vào cùng nhau. Đừng sợ đau, bằng không bạn sẽ sống trong thuốc mê. Nhà phẫu thuật cho bạn thuốc mê trước khi ông ấy mổ vì sẽ đau lắm, bạn sẽ không thể nào chịu đựng được điều đó. Tâm thức của bạn phải bị làm mở xỉn đi, tối đi, thế thì ông ấy có thể mổ xẻ cả thân thể và bạn sẽ không đau.
Bởi vì sợ đau mà bạn đã tự buộc mình sống trong tâm thức mờ xỉn, trong sự tồn tại mờ xỉn, gần như không sống – đây là nỗi hoảng sợ. Bạn phải vứt bỏ nỗi hoảng sợ đó; bạn phải đối mặt với nỗi đau, bạn phải đi qua đau đớn, chỉ thế thì khả năng mới mở ra cho bạn bè đi vào.
Và khi bạn biết cả hai, bạn lập tức trở thành cái thứ ba. Khi bạn biết cả hai – đau đớn và vui sướng, nhị nguyên, ngày và đêm – bỗng nhiên bạn đã trở nên siêu việt.
Trưởng thành là nhận biết. Già đi chỉ là làm phí hoài bản thân mình.
ĐIỀU NỀN TẢNG NHẤT CẦN PHẢI NHỚ là ở chỗ cuộc sống mang tính biện chứng. Nó tồn tại qua hai mặt, nó là một nhịp điệu giữa các cái đối lập. Bạn không thể hạnh phúc mãi mãi được, bằng không hạnh phúc sẽ mất đi mọi ý nghĩa. Bạn không thể trong hài hòa mãi mãi được, bằng không bạn sẽ trở nên vô nhận biết về sự hài hòa. Hài hòa phải được đi theo bởi sự bất hòa lặp đi lặp lại, và hạnh phúc phải được đi sau bởi bất hạnh. Mọi vui sướng đều có nỗi đau riêng của nó, và mọi nỗi đau đều có vui sướng riêng của nó.
Chừng nào người ta còn chưa hiểu tính hai mặt này của sự tồn tại, người ta còn trong khốn khổ.
Hãy chấp nhận toàn bộ, với mọi thống khổ của nó và mọi cực lạc của nó. Đừng khao khát điều không thể được; đừng ham muốn rằng chỉ có cực lạc mà không thống khổ. Cực lạc không thể tồn tại một mình được, nó cần cái tương phản. Thống khổ trở thành cái bảng đen, thế thì cực lạc trở thành rất rõ ràng và to lớn, cũng như trong bóng tối của đêm các vì sao lại chói sáng thế. Đêm càng tối thì sao càng sáng. Ban ngày chúng không biến mất, chúng đơn giản trở thành không thấy được; bạn không thể thấy được chúng bởi vì không có sự tương phản. Hãy nghĩ về cuộc sống mà không có cái chết; nó sẽ là nỗi đau không thể chịu đựng nổi, sự tồn tại không thể chịu đựng nổi – cái chết xác định cuộc sống, cho cuộc sống một kiểu mãnh liệt. Bởi vì cuộc sống đang lướt qua nhanh, từng khoảnh khắc trở nên quí giá. Nếu cuộc sống vĩnh hằng, ai quan tâm? Người ta có thể chờ đợi ngày mai vĩnh viễn – thế thì ai sẽ sống bây giờ và ở đây? Bởi vì ngày mai có cái chết, nó buộc bạn phải sống bây giờ và ở đây. Bạn phải lao vào trong khoảnh khắc hiện tại này, bạn phải đi tới chiều sâu tối thượng của nó bởi vì ai mà biết được, khoảnh khắc tiếp có thể tới, có thể không tới.
Thấy nhịp điệu này người ta thoải mái, thoải mái với cả hai. Khi bất hạnh tới người ta đón chào nó, khi hạnh phúc tới người ta đón chào nó, vẫn biết rằng chúng là đối tác trong cùng một trò chơi. Đây là cái gì đó phải liên tục ghi nhớ. Nếu nó trở thành việc ghi nhớ nền tảng trong bạn, thì cuộc sống của bạn sẽ có hương vị mới toàn bộ – hương vị của tự do, hương vị của không đeo bám, hương vị của không gắn bó.
Bất kì cái gì tới bạn vẫn còn tĩnh lặng, im lặng, chấp nhận.
Và người đó có khả năng tĩnh lặng, im lặng, chấp nhận đau đớn, thất vọng và khốn khổ, sẽ biến đổi chính phẩm chất của bản thân khốn khổ. Với người đó, khốn khổ cũng trở thành kho báu; với người đó, ngay cả đau đớn cũng có tính sắc nét. Với người đó, ngay cả bóng tối cũng có vẻ đẹp, chiều sâu, cái vô hạn riêng của nó. Với người đó, ngay cả cái chết cũng không phải là chấm dứt mà chỉ là sự bắt đầu của cái gì đó chưa biết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.