Trưởng Thành - Trách Nhiệm Là Chính Mình

Nhu cầu và việc cho, yêu và có



C.S.Lewis đã chia tình yêu thành hai loại này: ‘tình yêu- nhu cầu’ và ‘tình yêu-ban tặng’. Abraham Maslow cũng chia tình yêu thành hai loại. Loại thứ nhất ông ấy gọi là ‘tình yêu-khiếm khuyết’ và loại tứh hai ông ấy gọi là ‘tình yêu-hiện hữu’. Sự phân biệt này là có ý nghĩa và cần phải được hiểu.

“Tình yêu-nhu cầu” hay “tình yêu-khiếm khuyết” tùy thuộc vào người khác; nó là tình yêu chưa trưởng thành. Thực tế nó không phải là tình yêu thực – nó là nhu cầu. Bạn dùng người khác, bạn dùng người khác làm phương tiện. Bạn khai thác, bạn thao túng, bạn chi phối. Nhưng người kia bị thu lại, người kia gần như bị phá hủy. Và đích xác cùng điều đó lại được người kia thực hiện. Người đó đang cố gắng thao túng bạn, chi phối bạn, sở hữu bạn, dùng bạn. Dùng người khác là điều rất không có tình. Cho nên điều đó chỉ dường như là yêu thôi; nó là đồng tiền giả. Nhưng đây là điều xảy ra cho gần chín mươi chín phần trăm mọi người bởi vì bài học đầu tiên về tình yêu mà bạn đã học là từ thời thơ ấu của mình.

Đứa trẻ được sinh ra, nó phụ thuộc vào mẹ nó. Tình yêu của nó hướng tới bà mẹ là ‘tình yêu-khiếm khuyết’ – nó cần mẹ, nó không thể sống sót nếu không có mẹ. Nó yêu mẹ bởi vì mẹ là cuộc sống của nó. Thực tế đây không phải là tình yêu thực – nó sẽ yêu bất kì người đàn bà nào, bất kì ai sẽ bảo vệ nó, bất kì ai sẽ giúp nó sống sót, bất kì ai sẽ đáp ứng nhu cầu của nó. Người mẹ là một loại thức ăn mà đứa bé ăn. Không chỉ sữa nó lấy từ mẹ, nó lấy cả tình yêu nữa – và điều đó nữa cũng là nhu cầu. Hàng triệu người vẫn còn là đứa trẻ cả đời mình; họ chẳng bao giờ trưởng thành. Họ lớn về tuổi tác nhưng họ chẳng bao giờ trưởng thành trong tâm trí mình; tâm lí của họ vẫn còn vị thành niên, chưa trưởng thành. Họ bao giờ cũng cần tình yêu, họ khao khát nó như thức ăn.

Con người trở nên trưởng thành vào lúc người đó bắt đầu yêu thay vì cần. Người đó bắt đầu tuôn chảy, chia sẻ; người đó bắt đầu cho. Sự nhấn mạnh là khác biệt hoàn toàn. Với loại thứ nhất, sự nhấn mạnh là vào cách lấy được nhiều hơn. Với loại thứ hai, sự nhấn mạnh là vào cách cho, cách cho nhiều hơn và cách cho vô điều kiện. Đây là sự trưởng thành, chín chắn, xảy tới cho bạn. Người trưởng thành cho. Chỉ người trưởng thành mới có thể cho, bởi vì chỉ người trưởng thành mới có điều đó. Thế thì tình yêu là không phụ thuộc. Thế thì bạn có thể yêu cho dù người kia có hay không. Thế thì tình yêu không phải là mối quan hệ, nó là trạng thái.

Điều gì xảy ra khi một bông hoa nở trong rừng sâu mà chẳng ai ca ngợi nó, chẳng ai biết tới hương thơm của nó, chẳng ai đi ngang qua và nói “đẹp đấy,” chẳng ai thưởng thức cái đẹp của nó, niềm vui của nó – chẳng ai chia sẻ, điều gì xảy ra cho bông hoa này? Nó có chết không? Nó có đau khổ không? Nó có trở nên hoang mang sợ hãi không? Nó có tự tử không? Nó cứ nở hoa, nó đơn giản cứ nở hoa. Chẳng có gì khác biệt việc liệu có ai đó đi qua hay không; điều đó là không liên quan. Nó cứ tỏa mãi hương thơm của mình theo gió. Nó cứ cúng dường niềm vui của mình cho Thượng đế, cho cái toàn thể. Nếu tôi một mình, thì thế nữa tôi cũng sẽ yêu như khi tôi đang ở cùng các bạn. Các bạn không phải là người tạo ra tình yêu của tôi. Nếu như các bạn tạo ra tình yêu của tôi, thì tự nhiên, khi các bạn ra đi tình yêu của tôi sẽ mất đi. Các bạn không kéo tình yêu của tôi ra, tôi đang mưa rào nó lên các bạn – đây là tình yêu-ban tặng, đây là tình yêu-hiện hữu.

Và tôi không thực sự đồng ý với C.S. Lewis và Abraham Maslow. Tình yêu thứ nhất mà họ gọi là ‘tình yêu’ thì không phải là tình yêu, nó chỉ là nhu cầu. Làm sao nhu cầu có thể là tình yêu được? Tình yêu là điều xa hoa. Nó là sự dư thừa. Nó có nhiều cuộc sống tới mức bạn không biết phải làm gì với nó, cho nên bạn chia sẻ. Nó có nhiều bài ca trong tim bạn tới mức bạn phải hát chúng lên – dù có ai nghe hay không thì cũng chẳng liên quan gì. Nếu không ai nghe thì bạn cũng vẫn phải hát bài ca của mình, bạn sẽ phải nhảy điệu vũ của mình. Người khác có thể được nó, người khác có thể lỡ nó – nhưng khi có liên quan tới bạn nó vẫn tuôn chảy; nó là việc tuôn tràn.

Dòng sông không chảy vì bạn; chúng chảy dù bạn có đó hay không. Chúng không chảy vì cơn khát của bạn, chúng không chảy vì những cánh đồng khát khô của bạn; chúng đơn giản tuôn chảy ở đó. Bạn có thể làm dịu cơn khát của mình, bạn có thể bỏ lỡ – điều đó là tùy bạn thôi. Dòng sông không thực sự chảy vì bạn, dòng sông chỉ chảy. Ngẫu nhiên mà bạn có thể lấy được nước cho cánh đồng của mình, ngẫu nhiên mà bạn có thể lấy được nước cho nhu cầu của mình.

Khi bạn phụ thuộc vào người khác thì bao giờ cũng có khốn khổ. Khoảnh khắc bạn phụ thuộc, bạn bắt đầu cảm thấy khốn khổ bởi vì sự phụ thuộc là cảnh nô lệ. Thế thì bạn bắt đầu báo thù theo những cách tinh vi, bởi vì người mà bạn phải phụ thuộc vào trở thành có quyền lực trên bạn.

Không ai thích bất kì ai có quyền trên mình, không ai thích bị phụ thuộc bởi vì sự phụ thuộc giết chết tự do. Và tình yêu không thể nở hoa trong sự phụ thuộc được – tình yêu là bông hoa của tự do; nó cần không gian, nó cần không gian tuyệt đối. Người kia phải không can thiệp vào nó. Điều đó là rất tinh tế.

Khi bạn phụ thuộc thì người khác chắc chắn sẽ chi phối bạn, và bạn sẽ cố gắng chi phối người khác. Đó là cuộc đấu tranh cứ diễn ra giữa cái gọi là những người yêu nhau. Họ là những kẻ thù thân thiết liên tục tranh đấu. Chồng và vợ – họ đang làm gì? Việc yêu là rất hãn hữu; đấu tranh là qui tắc, yêu là ngoại lệ. Và theo đủ mọi cách họ cố gắng chi phối – ngay cả qua tình yêu họ cũng cố gắng chi phối. Nếu chồng yêu cầu vợ, vợ từ chối, cô ấy không tự nguyện.

Cô ấy rất khốn khổ; cô ấy cho nhưng rất miễn cưỡng, cô ấy muốn bạn vẫy đuôi quanh cô ấy. Và đấy cũng là trường hợp với anh chồng. Khi cô vợ thấy cần và đề nghị anh ta, chồng nói rằng anh ta mệt. Trong văn phòng có quá nhiều công việc, anh ta thực sự bị quá tải, và anh ta muốn đi ngủ. Đây là những cách thao túng, bỏ đói người khác, làm cho người đó mỗi lúc một đói hơn để cho người đó trở nên ngày một phụ thuộc hơn. Một cách tự nhiên, đàn bà có tính ngoại giao về điều đó hơn là đàn ông bởi vì đàn ông đã có quyền lực rồi. Anh ta không cần tìm các cách thức tinh tế và tinh ranh để có quyền lực, anh ta có quyền lực rồi. Anh ta quản lí tiền – đó là quyền lực của anh ta. Về cơ bắp, anh ta mạnh hơn. Trong nhiều thế kỉ anh ta đã huấn luyện cho tâm trí của đàn bà rằng anh ta có quyền hơn còn cô ấy không có quyền.

Đàn ông bao giờ cũng cố gắng tìm đàn bà theo đủ mọi cách kém hơn anh ta. Đàn ông không muốn cưới đàn bà có giáo dục hơn mình, bởi vì thế thì quyền lực bị nguy khốn. Anh ta không muốn cưới đàn bà cao hơn mình, bởi vì đàn bà cao hơn trông siêu đẳng. Anh ta không muốn cưới đàn bà quá nhiều trí tuệ, bởi vì thế thì cô ấy tranh cãi, và luận cứ có thể phá hủy quyền lực. Đàn ông không muốn đàn bà rất nổi tiếng, bởi vì thế thì anh ta trở thành thứ yếu. Và trong nhiều thế kỉ đàn ông đã hỏi vợ là đàn bà trẻ hơn mình. Tại sao vợ không thể già hơn chồng? Cái gì sai? Nhưng đàn bà già lại kinh nghiệm hơn – điều đó phá hủy quyền lực.

Cho nên đàn ông bao giờ cũng hỏi vợ với những đàn bà kém hơn – đó là lí do tại sao đàn bà đã mất chiều cao. Chẳng có lí do nào cho họ thấp hơn đàn ông cả, không có lí do chút nào; họ đã mất chiều cao bởi vì chỉ đàn bà nhỏ nhắn hơn bao giờ cũng được chọn. Dần dần điều này đã đi vào trong tâm trí họ sâu tới mức họ đã mất chiều cao của mình. Họ đã mất sự thông minh bởi vì đàn bà thông minh không được cần tới; đàn bà thông minh là quái vật. Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng ngay trong thế kỉ này chiều cao của họ đang tăng lên trở lại. Ngay cả xương của họ cũng trở nên lớn hơn, khung xương trở nên lớn hơn. Chỉ mới trong vòng năm mươi năm nay thôi… đặc biệt là ở Mĩ. Và não họ cũng phát triển và trở nên lớn hơn là chúng vẫn thường vậy, sọ cũng đang trở nên lớn hơn.

Với ý tưởng này về tự do cho đàn bà, những sự huấn luyện sâu sắc nào đó đã bị phá hủy. Đàn ông đã có quyền lực cho nên anh ta không cần rất láu lỉnh, không cần rất gián tiếp. Đàn bà không có quyền lực. Khi bạn không có quyền lực bạn phải có tính ngoại giao hơn – đó là cái thay thế. Cách duy nhất họ có thể cảm thấy có quyền là ở chỗ họ được cần tới, ở chỗ đàn ông liên tục cần tới họ. Đây không phải là tình yêu, đây là sự mặc cả, và họ liên tục mặc cả về giá. Đó là cuộc vật lộn thường xuyên.

C.S. Lewis và Abraham Maslow chia tình yêu ra làm đôi. Tôi không chia thành hai.

Tôi nói rằng loại tình yêu thứ nhất chỉ là danh nghĩa thôi, là đồng tiền giả; điều đó không đúng. Duy nhất loại tình yêu thứ hai mới là tình yêu.

Tình yêu xảy ra chỉ khi bạn trưởng thành. Bạn trở nên có khả năng yêu chỉ khi bạn là người trưởng thành.

Khi bạn biết rằng tình yêu không phải là nhu cầu mà là sự tuôn tràn – tình yêu-hiện hữu hay tình yêu-ban tặng – thế thì bạn cho mà không có điều kiện nào.

Loại thứ nhất, cái gọi là tình yêu, được bắt nguồn từ nhu cầu sâu sắc của con người cần tới người khác, trong khi “tình yêu-ban tặng” hay “tình yêu-hiện hữu” lại tuôn trào từ người trưởng thành sang người khác do sự thừa thãi. Người ta bị tràn ngập bởi nó. Bạn có nó và nó bắt đầu di chuyển quanh bạn, cũng như khi bạn thắp lên ngọn đèn, tia sáng bắt đầu lan tỏa vào trong bóng tối. Tình yêu là sản phẩm phụ của sự hiện hữu. Khi bạn hiện hữu, bạn có vầng hào quang đó quanh mình. Và khi bạn không có vầng hào quang đó quanh mình, bạn hỏi xin người khác cho bạn tình yêu. Hãy để tôi nhắc lại điều đó: Khi bạn không có tình yêu, bạn hỏi xin người khác cho bạn tình yêu; bạn là kẻ ăn xin. Và người khác cũng đang hỏi xin bạn đem tình yêu cho người đó. Bây giờ, hai kẻ ăn xin này chìa tay ra cho nhau, và cả hai đều hi vọng rằng người kia có nó… Một cách tự nhiên cuối cùng cả hai đều cảm thấy thất bại, và cả hai đều cảm thấy bị lừa.

Bạn có thể hỏi bất kì người chồng và người vợ nào, bạn có thể hỏi bất kì người yêu nào – họ cả hai đều cảm thấy bị lừa. Đó là phóng chiếu của bạn rằng người kia có nó – nếu bạn có phóng chiếu sai, người kia có thể làm gì về điều đó được? Phóng chiếu của bạn đã bị tan vỡ; người kia đã tỏ ra không hợp với phóng chiếu của bạn, có thế thôi. Nhưng người kia không có nghĩa vụ gì phải chứng tỏ bản thân mình tương ứng với sự trông đợi của bạn.

Và bạn đã lừa người kia… đó là cảm giác của người kia, bởi vì người kia đã hi vọng rằng tình yêu sẽ tuôn chảy từ bạn. Các bạn cả hai đều hi vọng tình yêu sẽ tuôn chảy từ người kia, và cả hai đều trống rỗng – làm sao tình yêu có thể xảy ra được? Nhiều nhất các bạn có thể khốn khổ cùng nhau. Trước đó, bạn quen khốn khổ 1 mình, riêng biệt; bây giờ bạn có thể khốn khổ cùng nhau. Và hãy nhớ, bất kì khi nào hai người khốn khổ cùng nhau thì đấy không phải là phép cộng đơn giản, đấy là phép nhân.

Một mình bạn đã cảm thấy thất vọng, bây giờ ở cùng nhau bạn lại cảm thấy thất vọng. Một điều tốt về nó, bây giờ bạn có thể đổ trách nhiệm lên đầu người kia – người kia gây cho bạn khốn khổ, đó là điểm tốt. Bạn có thể cảm thấy thoải mái. “Chẳng cái gì sai với mình cả, tại người kia chứ… Phải làm gì với mụ vợ như vậy – cáu kỉnh, cằn nhằn? Người ta phải khốn khổ thế. Phải làm gì với lão chồng như vậy? – xấu xí, keo kiệt.” Bây giờ bạn có thể đổ trách nhiệm lên đầu người khác; bạn đã tìm được người chịu báng. Nhưng khốn khổ vẫn còn đó, lại còn được nhân lên.

Bây giờ đây là nghịch lí: những người rơi vào tình yêu lại chẳng có tình yêu nào, đó là lí do tại sao họ lại rơi vào tình yêu. Và bởi vì họ không có tình yêu gì, nên họ không thể cho được. Và một điều nữa – người chưa trưởng thành bao giờ cũng rơi vào tình yêu với người chưa trưởng thành khác, bởi vì chỉ họ mới có thể hiểu ngôn ngữ của nhau. Người trưởng thành yêu người trưởng thành. Người chưa trưởng thành yêu người chưa trưởng thành.

Bạn có thê cứ đổi chồng hay đổi vợ cả nghìn lẻ một ần, bạn sẽ lại tìm thấy cùng kiểu đàn bà và cùng khốn khổ được lặp lại – dưới các dạng khác nhau, nhưng cùng khốn khổ được lặp lại, nó gần như là một. Bạn có thể thay đổi vợ mình, nhưng bạn lại không đổi – bây giờ ai sẽ chọn vợ mới? Bạn sẽ chọn.

Việc chọn lựa sẽ lại tới từ sự chưa trưởng thành của bạn. Bạn sẽ lại chọn một kiểu đàn bà tương tự.

Vấn đề cơ sở của tình yêu là trước hết hãy trở nên trưởng thành. Thế thì bạn sẽ tìm ra bạn tình trưởng thành; thế thì người chưa trưởng thành sẽ không hấp dẫn bạn chút nào. Điều đó giống hệt thế này. Nếu bạn hai mươi nhăm tuổi, bạn không rơi vào tình yêu với đứa bé hai tuổi. Đích xác giống như thế, khi bạn là người trưởng thành về mặt tâm lí, tâm linh, bạn không rơi vào tình yêu với đứa bé. Điều đó không xảy ra. Điều đó không thể xảy ra được, bạn có thể thấy rằng điều đó sẽ là vô nghĩa.

Thực tế người trưởng thành không rơi vào tình yêu, người đó vươn lên trong tình yêu. Từ ‘rơi’ là không đúng. Chỉ người chưa trưởng thành mới rơi; họ loạng choạng và rơi vào tình yêu. Bằng cách nào đó họ xoay xở và đứng dậy. Bây giờ họ không thể xoay xở được và họ không thể đứng dậy được – họ tìm thấy người đàn bà và người này ra đi, họ tìm thấy người đàn ông và người này ra đi. Họ bao giờ cũng sẵn sàng ngã ra đất và bò. Họ không có xương sống, cột sống; họ không có tính toàn vẹn để đứng một mình.

Người trưởng thành có tính toàn vẹn để ở một mình. Và khi người trưởng thành cho tình yêu, người đó cho mà không có dây nào gắn với điều đó – người đó đơn giản cho. Khi người trưởng thành cho tình yêu người đó cảm thấy biết ơn rằng bạn đã chấp nhận tình yêu của người đó, không phải điều ngược lại. Người đó không trông đợi bạn cám ơn vì điều đó – không, không chút nào, người đó thậm chí không cần lời cám ơn của bạn. Người đó cám ơn bạn vì việc chấp nhận tình yêu của người đó. Và khi hai người trưởng thành ở trong tình yêu, một trong những nghịch lí lớn lao nhất của cuộc sống xảy ra, một trong những hiện tượng đẹp đẽ nhất: họ ở cùng nhau ấy vậy mà lại cực kì một mình. Họ ở cùng nhau nhiều tới mức họ gần như là một, nhưng tính một của họ không phá hủy tính cá nhân của họ – thực tế, nó tôn cao tính cá nhân, họ trở thành mang tính cá nhân nhiều hơn. Hai người trưởng thành sống trong tình yêu thì giúp đỡ lẫn nhau trở nên tự do hơn. Không có chính trị tham dự vào, không ngoại giao, không nỗ lực chi phối.

Làm sao bạn có thể chi phối được người bạn yêu? Hãy nghĩ kĩ về điều đó – chi phối là một loại hận thù, giận dữ, thù địch. Làm sao bạn có thể nghĩ tới việc chi phối người bạn yêu? Bạn sẽ thích thấy người này tự do toàn bộ, độc lập; bạn sẽ cho người đó nhiều tính cá nhân hơn. Đó là lí do tại sao tôi gọi nó là nghịch lí lớn lao nhất: họ ở cùng nhau nhiều tới mức họ gần như là một, nhưng vẫn trong cái một đó họ là các cá nhân. Tính cá nhân của họ không bị xóa đi – chúng đã trở nên được nâng cao lên.

Người kia đã làm giàu thêm chúng khi có liên quan tới tự do của họ.

Người chưa trưởng thành rơi vào tình yêu thì phá hủy tự do của người khác, tạo ra sự tù túng, làm ra nhà tù. Người trưởng thành trong tình yêu thì giúp đỡ lẫn nhau để được tự do; họ giúp lẫn nhau để phá bỏ mọi loại tù túng. Và khi tình yêu tuôn chảy cùng tự do thì có cái đẹp. Khi tình yêu tuôn chảy cùng sự phụ thuộc thì sẽ có xấu xí.

Hãy nhớ lấy, tự do có giá trị cao hơn tình yêu. Đó là lí do tại sao ở Ấn Độ, điều tối thượng chúng ta lại gọi là moksha; moksha nghĩa là tự do. Tự do có giá trị cao hơn tình yêu. Cho nên nếu tình yêu đang phá hủy tự do, thì nó là không xứng đáng. Tình yêu có thể bị bỏ đi, tự do phải được giữ lấy – tự do có giá trị cao hơn. Và không có tự do bạn chẳng bao giờ có thể hạnh phúc được, điều đó là không thể được. Tự do là ham muốn bản chất của từng đàn ông, từng đàn bà – tự do hoàn toàn, tự do tuyệt đối. Cho nên bất kì cái gì trở thành việc phá hủy tự do, người ta đều bắt đầu ghét nó.

Bạn không ghét người đàn ông bạn yêu sao? Bạn không ghét người đàn bà bạn yêu sao? Bạn ghét đấy! Đó là điều ác cần thiết, bạn phải dung thứ nó. Bởi vì bạn không thể một mình được nên bạn phải xoay xở để ở cùng ai đó, và bạn phải điều chỉnh theo đòi hỏi của người khác. Bạn phải dung thứ, bạn phải chịu đựng họ.

Tình yêu, tình yêu thực sự, phải là tình yêu-hiện hữu, tình yêu-ban tặng. Tình yêu-hiện hữu ngụ ý trạng thái yêu – khi bạn đã về nhà, khi bạn đã biết mình là ai, thế thì tình yêu phát sinh trong sự hiện hữu của bạn. Thế thì hương thơm lan tỏa và bạn có thể đem nó cho người khác được. Làm sao bạn có thể cho cái gì mà bạn không có? Để cho nó, yêu cầu đầu tiên là phải có nó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.